“Mọi
người có quyền tự do ngôn luận; quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp
nhận và phổ biến mọi loại tin tức và ý kiến, không phân biệt ranh giới,
bằng truyền miệng, bản viết hoặc bản in, bằng hình thức nghệ thuật,
hoặc thông qua bất cứ phương tiện truyền thông đại chúng khác theo sự
lựa chọn của mình”
(Điều
19,2 Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Liên Hiệp Quốc
biểu quyết năm 1966, Việt Nam xin tham gia năm 1982).
(Everyone
shall have the right to freedom of expression; this right shall include
freedom to seek, receive and impart information and ideas of all kinds,
regardless of frontiers, either orally, in writing or in print, in the
form of art, or through any other media of his choice.)
|
T I N T Ứ C
Hôm 06-08-2007 mới rồi, thân nhân linh mục Nguyễn Văn Lý gồm có bà chị Nguyễn Thị Hiếu và một người cháu gọi bằng chú là Nguyễn Văn Hùng đã từ huyện Quảng Biên, tỉnh Đồng Nai ra tỉnh Hà Nam, đến trại K1, Ba Sao, huyện Nam Hà, thăm vị tù nhân lương tâm, bắt đầu từ 8 giờ sáng. Đây là lần thứ hai thân nhân được gặp mặt linh mục. Lần thứ nhất là vào ngày 27-5, gần hai tháng sau khi linh mục Lý bị chuyển ra trại (ngay khi chấm dứt phiên tòa tại Huế ngày 30-3-2207). Linh mục Lý đã ở trại này từ năm 2001 đến 2005. Về lại nhà tù cũ (“chỗ xứng đáng nhất cho mọi nhà đấu tranh dân chủ trong các chế độ độc tài”, theo lời một danh nhân hiện đại), cha Lý bị nhốt tại một khu nhà có 4 phòng, nhưng giờ chỉ có một mình cha, trong một khuôn viên khoảng 400m2. Ban quản trại không muốn cho ai ở gần linh mục cả. Cha Lý cũng bị cấm liên lạc qua thư từ vì hiện nay cha không được giữ một cây bút và một mảnh giấy nào. Cuốn sách kinh của cha (sách nhật tụng mà mọi linh mục phải luôn mang theo để đọc mỗi ngày) đến nay trại vẫn không cho nhận. Gia đình cho biết linh mục Lý vẫn mạnh khỏe, sắc diện hồng hào, còn tinh thần thì vẫn kiên gan như mọi lúc. Mỗi tháng linh mục tuyệt thực 6 ngày để cầu nguyện. Ban đầu cha dự định tuyệt thực 15 ngày, nhưng sau khi cầu nguyện xin ơn soi sáng, cha quyết định chỉ tuyệt thực 6 ngày, vì sợ bệnh phổi tái phát, gây nguy hiểm cho sức khỏe. Linh mục cho biết: giả như giai đoạn này linh mục trở về lại giáo xứ Bến Củi (nơi cha đã bị quản thúc từ 24-2 đến 29-3-2007), thì cũng chưa làm được chi. Có lẽ ở trong nhà tù này lại có ích hơn cho Giáo hội (hình ảnh linh mục bị bịt miệng chẳng phải là tiếng sấm long trời lở đất sao?). Đối với các vị bề trên, cần phải cảm thông, thấu hiểu và yêu quý các ngài. Linh mục cũng tâm sự cùng người cháu: lúc này chú phải tranh đấu căng thẳng hơn thời gian trước nhiều, xin bà con hiệp ý và tiếp tục cầu nguyện nhiều cho chú. Cũng xin cháu nhắn lại với thân bằng quyến thuộc và bạn bè năm châu rằng chú hết lòng cảm ơn mọi người và rất lấy làm an ủi được sống trong tình thương và nỗ lực tranh đấu của mọi người. Linh mục Lý dự đoán sẽ có những phái đoàn quốc tế đến thăm linh mục trong thời gian tới, vì ban quản trại đang cho sửa sang phòng ốc nơi linh mục bị giam giữ. Một chi tiết vui: Khi hết giờ thăm (một tiếng đồng hồ), cán bộ đã giục linh mục vào trại (phòng khách nằm gần ngoài cổng), linh mục liền phản ứng dữ dội: “Gia đình tôi lặn lội cả ngàn cây số, ra đây thăm tôi, tâm sự chưa xong, thế mà các anh đã bắt tôi vào là tại làm sao? Không cho tôi nói chuyện tiếp, tôi tuyên bố từ nay sẽ không cần gặp mặt gia đình, không cần nhận quà thăm nuôi. Coi ai là người phải sợ cho biết!” Thế là mấy tay cán bộ đành phải để linh mục tâm sự cho xong với gia đình mình. Cũng xin nói thêm là cách đây hơn một tuần, Tòa Tổng giám mục Huế có làm đơn để cử một phái đoàn (gồm linh mục, nữ tu) đi thăm linh mục Lý. Nhưng chính quyền địa phương đã không cho, lấy cớ sau chuyến Mỹ du của ông Nguyễn Minh Triết, có nhiều lộn xộn và dư luận bất lợi cho nhà nước !?! Tin về hai chiến sĩ Nguyễn Phong và Nguyễn Bình Thành. Sau khi bị giam tại lao Thừa Phủ (ngay trong thành phố Huế) từ tháng 4 đến tháng 6, anh Nguyễn Phong đã bị đưa ra một trại giam ở tỉnh Thanh Hóa. Chị Trịnh Trị Thúy mới đi thăm chồng được một lần và cho biết anh Phong vẫn mạnh khỏe thể xác và kiên vững tinh thần. Tuy nhiên, anh vẫn bị giữ trong trại, chưa đi ra ngoài lao động như các tù nhân khác. Phần anh Nguyễn Bình Thành thì bị chuyển vào một trại giam tại Xuân Lộc, Đồng Nai (cùng thời điểm với anh Phong). Chị Hồ Thị Bưởi cũng mới đi thăm chồng một lần và cho biết anh Thành vẫn mạnh khỏe, tinh thần thư thái. Anh Thành không đi lao động nặng bên ngoài nhưng phục vụ bên trong trại. Hai chiến sĩ đảng Thăng Tiến xin nhắn lời cảm ơn bà con bằng hữu xa gần đã tưởng nhớ, cầu nguyện, hỗ trợ và tranh đấu cho hai anh. Phóng viên FNA từ Huế, ngày 09-08-2007 |