I-
Ký sự của Linh mục Quản xứ Nguyễn Hữu Giải
• 25-12-2008:
Đại lễ mừng Chúa Giáng sinh, trời mưa, biển động, gió lạnh. Đài Thánh
giá giáp An Bắc vẫn bị bao vây canh gác ngày đêm nghiêm ngặt. Công
an, cán bộ huyện Phú Vang và xã Vinh An cùng các xã lân cận, bộ đội
biên phòng, thường trực có mặt trong 3 trại lớn đóng quanh đài lễ,
khoảng 30 đến 40 người, cẩn mật canh giữ. Ban đêm có đèn chiếu sáng,
thỉnh thoảng có ánh đèn pin dọi quanh khu vực. Giáo dân viếng Thánh
giá, cầu nguyện đều bị quay phim chụp hình, dò ghi bảng số xe môtô.
Khác mọi năm trước, năm nay giáo dân giáp An Bắc mừng lễ Giáng Sinh
với một bình hoa dưới chân Thánh giá, không cờ xí rực rỡ, không đèn
màu nhấp nháy, không băng chào, không biểu ngữ, không máng cỏ, không
thánh lễ, không tiệc vui, không quà cho các em trong giáp, không tặng
vật chia sẻ với một số người nghèo (thường tổ chức tại Đài lễ). Nhà
cầm quyền CS đã có gởi văn thư, lại đã mời tôi và hội đồng giáo xứ
vào xã, mời hai ông trưởng và phó Nguyễn Đức Mân và Lê Minh Chuyên
lên huyện, chính thức ra lệnh: cấm hành lễ, cấm trang trí!
13g, đoàn Thiếu nhi Thánh Thể An Bằng và Hà Úc cùng hai linh mục tuyên
úy viếng Thánh giá và mừng Chúa Giáng sinh với giáp. Đọc Lời Chúa,
hát thánh ca, dâng lời cầu nguyện. Sóng xôn xao, gió lành lạnh, mưa
lâm râm! “Vinh danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho người
thiện tâm”. Thật vậy chăng???
No-en năm nay, ngước mắt ngắm nhìn Thánh Giá, chúng con dâng Chúa
Hài Đồng nước mắt chan hòa nước mưa cầu xin ơn chân lý, công bình,
tình thương và tự do!
• 29-12-2008:
12g trưa, mưa lớn, trời lạnh, nhóm 10 giáo dân Hà Úc đi bộ đến viếng
Thánh Giá. Suốt 45 phút đứng dưới mưa, đọc kinh cầu nguyện sốt sắng.
Trong các trại, tiếng nói cười, la hét rộn ràng của lính gác vang
lên. Lời cầu nguyện vẫn đều đều tỏa ngân, an bình.
Một cán bộ cười nhạo: Được trả bao nhiêu tiền tụi bây?
Đa số giáo dân cầu nguyện lúc ấy đều xứng bậc cha mẹ của anh ta. Một
ông trả lời: Đừng nói bậy! Mọi người ra về, ôn hòa, tha thứ!
• 07-01-2009:
Thư nặc danh đề ngày 01-01-2009 được gởi đến nhiều linh mục, giáo
dân trong khu vực, kết án tôi là “ông cha đạo bạo chúa, phản dân hại
nước, bất kính với đạo Công giáo, tráo trở lưu manh, gây mất đoàn
kết con dân làng An Bằng” !?! Yêu cầu Tổng Giám mục Huế đuổi cổ ra
khỏi đạo và lôi cổ khỏi làng An Bằng, không để tiếp tục quấy rối”
!!!
• 12-01-2009:
Hội đồng hương tộc cùng 43 họ tộc họp tại đình làng An Bằng, bàn về
đất làng ở Động Bồ mà xã đã đề nghị giải quyết cấp cho giáp An Bắc.
Làng không đồng ý vì là đất của làng.
• 22-01-2009:
Chiều 21-01-2009, Hội đồng Giáo xứ nhận được thông báo của phòng Tài
nguyên và Môi trường, UBND huyện Phú Vang, đề ngày 15-01-2009, về
việc nhận hồ sơ để trình các cấp có thẩm quyền quyết định giao đất.
Sáng nay, ông Văn Đình Trung và ông Đào Tấn Kỹ đại diện HĐGX, ông
Nguyễn Đức Mân giáp trưởng An Bắc, lên phòng TN&MT làm việc. Ông
phó trưởng phòng Nguyễn Văn Chính cho biết UBND huyện đã có văn bản
thống nhất vị trí đất giao cho HĐGX An Bằng là ở Động Bồ.
HĐGX đã trả lời: Chúng tôi không nhận đất ở Động Bồ vì là đất của
làng An Bằng và cũng không nhận đất của một tư nhân nào cả!
Ông trưởng giáp nhắc lại “Biên bản họp giáo dân trong giáp” đã gởi
huyện năm ngoái (19-12-2008) là giáp không dám nhận đất của làng hoặc
của người dân đang sử dụng. Giáp xin chính quyền tạo điều kiện cho
giáp an tâm thờ phượng Chúa tại mảnh đất truyền thống của giáp. Ông
Chính yêu cầu HĐGX gửi văn thư bày tỏ ý kiến và nguyện vọng càng sớm
càng tốt.
• 23-01-2009:
Vào lúc 8g30, 14 em lễ sinh đến cầu nguyện tại Đài Thánh Giá. Các
anh canh gác mở loa to gây rối. Anh Phạm Phụng, phó công an xã, đe
dọa: Tụi bây đến đây làm chi?
Không biết vì lý do gì: được đào tạo, được chỉ thị hay có động cơ
thăng quan tiến chức, anh công an này từng có nhiều hành vi hung hăng
với giáo dân, nhất là trong mấy tháng nay. Chính anh ta cách đây mấy
năm (03-01-2005), ban đêm lúc 22g, đã đột nhập vào sân nhà thờ dùng
đùi đánh các em lễ sinh ngồi tại ghế đá trước nhà xứ. (Các em này
ở lại tại nhà xứ). Xã đã xin lỗi thay cho anh ta. Tôi đã tha nhưng
yêu cầu giáo dục anh nhớ tôn trọng người dân.
Nhờ các em Nguyễn Đức Long, Lê Văn Sáng, Nguyễn Văn Bôn, Văn Công
Tịnh khuyên bạn bè bình tĩnh, không phản ứng, nên tất cả tiếp tục
đọc kinh, tránh bạo ngôn bạo lực.
HĐGX An Bằng và giáp trưởng An Bắc gửi đơn trình cho UBND huyện Phú
Vang và phòng TN&MT huyện, đề ngày 23-01-2009.
Nội dung: HĐGX và giáp không nhận đất của làng ở Động Bồ, vì “khu
đất Động Bồ là khu đất thuộc phong thổ, huyết mạch về tâm linh nhân
gian của con dân làng An Bằng đã có từ ngàn xưa đến bây giờ. Và làng
đã xây thành, trồng cây lâu niên để bảo vệ mạch tâm linh của làng”.
Đồng
thời đề nghị: “Qua năm tháng thăng trầm chiến tranh cho tới nay, bà
con giáo dân giáp An Bắc đã và đang thờ phượng Thiên Chúa trên mảnh
đất mà chúng tôi đã làm Đài lễ, xin quý cấp tạo điều kiện cho chúng
tôi được mãn nguyện là được tiếp tục cầu nguyện và tôn thờ Thiên Chúa
trên mảnh đất này”.
• 25-01-2009:
Hôm nay, 30 Tết âm lịch, giáo dân trang hoàng hai bình hoa dưới chân
Thánh Giá và Bàn thờ, rồi thắp hương cầu nguyện. Trời nắng ấm. Sóng
yên, biển lặng.
Cán bộ công an vẫn canh gác, vẫn quay phim chụp hình, ghi số xe, gây
ồn ào, tạo bầu khí hù dọa, dù số người canh đã giảm và một trại đã
được tháo dỡ.
• 26-01-2009:
Tết nguyên đán Kỷ Sửu. Đài Thánh Giá chan hòa ánh nắng ấm áp của mùa
Xuân. Giáo dân thắp hương cầu nguyện đầu năm mới.
Mồng hai Tết, HĐGX và tôi thắp hương cầu an lành cho giáp và cầu cho
công lý hòa bình, cho quyền tư hữu của mọi người dân, mọi tập thể
tại Việt Nam.
Tết năm nay, không có Thánh lễ tạ ơn và cầu an tại Đài như mọi năm.
Mùa xuân thương khó!
Làng An Bằng đòi quyền sở
hữu đất đai
•
02-02-2009:
UBND xã Vinh An gửi giấy, đề ngày 30-01-2009, mời HĐGX An Bằng và
ban điều hành giáp An Bắc đến đình làng An Bằng lúc 7g30 ngày 02-02-2009
“để đồng chí Bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế về thăm và chúc tết năm
mới Kỷ Sửu 2009”.
HĐGX và BĐH không đến, vì ông chủ tịch UBND xã chỉ có quyền mời vào
trụ sở xã. Ban Hương tộc làng mới có quyền mời đến đình làng! Thực
vậy, các họ tộc được làng mời chứ không phải UBND xã !
Ông Hồ Xuân Mãn, bí thư tỉnh ủy TT-Huế
và một số cán bộ cấp tỉnh, huyện đến đình làng An Bằng thăm tết. Đây
là một điều hiếm thấy! Thực sự làng An Bằng đã nhiều lần gặp gỡ và
làm đơn kiến nghị các cấp chớ lấy đất Động Bồ của làng mà cấp cho
ai sử dụng.
Làng đã có biên bản không đồng ý trong
cuộc họp của làng, xã, huyện ngày 19-12-2008 tại UBND xã, trong cuộc
họp làng tại đình làng ngày 12-01-2009.
Đại diện Ban Hương tộc làng và một
số đại diện 43 họ tộc, lương có giáo có, lần lượt kiến nghị ông bí
thư tỉnh ủy TT-Huế chớ nên lấy đất Động Bồ của làng, vì Động Bồ là
chỗ dựa vững chắc mang tính tâm linh và tín ngưỡng dân gian, nhân
dân trong làng và các họ tộc tin tưởng vào đó để làm ăn xây dựng cuộc
sống ấm no hạnh phúc và cùng nhau đoàn kết xây dựng Quê hương.
Ông bí thư cho biết chỉ đến lắng nghe. Con dân trong làng tới đình
làng khá đông, hơn 200 người.
•
16-02-2009:
Ba cán bộ huyện Phú Vang ghé thăm tôi, mừng năm mới, chúc vui vẻ.
Các ông cho biết về làm việc với xã, nhưng không tiết lộ nội dung.
•
19-02-2009:
Hai công an tỉnh thăm tôi, hứa góp ý cho việc đất đai được sớm giải
quyết tốt đẹp!
•
20-02-2009:
Được giấy mời, thay mặt HĐGX, ông Văn Đình Trung, ông Đào Tấn Kỹ,
ông Nguyễn Thanh vào trụ sở xã làm việc. Ông chủ tịch xã Phạm Bình
Tịnh đưa ra 5 lô đất của tư nhân đang sử dụng, để HĐGX chọn một. Xã
sẽ trình cấp trên cho phép HĐGX làm Đài lễ cho giáp An Bắc. Đó là
các lô đất của ông Lê Bền (400m2), ông Lê Chế (600m2), ông Lê Đạt
(400m2), ông Lê Liễn (420m2) và ông Văn Công Chính (477m2).
HĐGX đã trả lời không nhận lô đất nào để tránh phiền phức giữa con
cháu các chủ đất với Giáo xứ sau này. Đề nghị xã chấp thuận cho giáp
An Bắc được an tâm thờ phượng Chúa tại Đài Thánh giá trên đất mà giáp
đã có từ 1961 đến nay.
Qua đề nghị mới này của xã và qua thái độ của Giáo xứ, cuộc đòi quyền
sở hữu đất đai của làng An Bằng xem như đã thành công.
Nhưng đất đai của Giáo xứ An Bằng thì sao?
Ngày 28-02-2009 là hạn chót xã yêu cầu Giáo xứ phải tháo dỡ
đài Thánh Giá giáp An Bắc. Nếu không, xã sẽ tổ chức lực lượng cưỡng
chế!!!
Hiện giờ, mỗi ngày giáo dân từng nhóm đến cầu nguyện trước Thánh Giá,
thắp hương xin ơn bình an cho mọi người.
II-
Nhận định của Nhóm Phóng viên
Hiện nay, nhà cầm quyền CSVN đang có hai mối lo sợ: một là sợ nhân
dân đấu tranh dưới hình thức tập thể, nhất là tập thể tôn giáo (vốn
được các lãnh đạo tinh thần hướng dẫn trong bình tĩnh và bất bạo động,
nhưng rất quyết liệt và đầy thanh thế); hai là sợ nhân dân đòi lại
quyền tư hữu đất đai mà từ lâu CS đã tước đoạt bằng vũ lực để duy
trì quyền lực và thâu tóm quyền lợi.
Chính vì thế mà trong cuộc đấu tranh gần đây của các tôn giáo, cụ
thể là của Công giáo tại Hà Nội, Sài Gòn, Vĩnh Long, Thừa Thiên….
CS trước hết tìm cách lũng đoạn và chia rẽ các tập thể này bằng cách
dùng những chính giáo gian (cụ thể như linh mục quốc doanh Trương
Bá Cần vụ Tòa Khâm sứ, nữ tu mặt trận cựu Giám tỉnh Nguyễn Thị Mỹ
vụ Dòng Nữ tử Bác ái Vinh Sơn…) hoặc bằng cách chia rẽ cộng đoàn giáo
dân với làng xã họ tộc như trong vụ việc Giáo xứ An Bằng, qua âm mưu
lấy đất thôn làng đền bù cho đất họ đạo.
Thứ đến CS tìm mọi cách để không trả lại quyền tư hữu đất đai rất
chính đáng của cá nhân lẫn tập thể. Trong vụ Tòa Khâm sứ, xứ Thái
Hà, dòng Phaolô Vĩnh Long là biến đất đai của các tập thể này thành
công trình công cộng (một kiểu mỵ dân hoàn toàn giả dối, sai trái,
không thể chấp nhận); trong vụ An Bằng thì dối láo rằng khu vực Đài
lễ là rừng phòng hộ (thật ra là phần chia chác giữa cán bộ đảng viên
một khi con đường du lịch dọc bờ biển hoàn thành).
May thay, tại An Bằng, âm mưu chia rẽ lương với giáo, họ đạo với thôn
làng đã thất bại, vì một đàng giáo xứ nhất quyết không chịu hoán đổi
mảnh đất truyền thống của mình với đất đai của làng họ hoặc của cá
nhân, hai là vin vào vụ việc giáo xứ cương quyết bảo vệ mảnh đất của
mình, làng đã đứng lên xác nhận quyền sở hữu của làng trên mảnh đất
CS định lấy cấp cho giáo xứ.
CS đã không ngờ được rằng vụ việc Đài lễ đã củng cố mối liên kết lâu
đời giữa giáo xứ với các họ tộc, càng không ngờ được rằng các họ tộc
đã nhân cơ hội mà đòi lại quyền sở hữu của mình về đất đai. (Xin lưu
ý là tại Việt Nam, không những các tôn giáo và các cá nhân bị mất
đất, mà các dòng họ cũng bị CS cướp đất hương hỏa hay đất long mạch).
Dù sao, một cơn bão lớn có thể sẽ ập đến trên giáo xứ An Bằng ngày
28-02 tới. Ngoài ra, chúng tôi cũng nghe tin rằng CS đang tìm cách
áp lực trên Giáo quyền để đẩy linh mục Nguyễn Hữu Giải đi một giáo
xứ khác (nhân cuộc tái bố trí nhân sự quản xứ sau cuộc tĩnh tâm thường
niên của linh mục đoàn Huế vốn sẽ khởi sự từ đầu tháng 03 này). Xin
mọi người hiệp thông cầu nguyện cho.
Nhóm
Phóng viên FNA tường trình từ Huế, lúc 21g ngày 26-02-2009