Mọi người có quyền tự do ngôn luận; quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và phổ biến mọi loại tin tức và ý kiến, không phân biệt ranh giới, bằng truyền miệng, bản viết hoặc bản in, bằng hình thức nghệ thuật, hoặc thông qua bất cứ phương tiện truyền thông đại chúng khác theo sự lựa chọn của mình (Điều 19,2 Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Liên Hiệp Quốc biểu quyết năm 1966, Việt Nam xin tham gia năm 1982). (Everyone shall have the right to freedom of expression; this right shall include freedom to seek, receive and impart information and ideas of all kinds, regardless of frontiers, either orally, in writing or in print, in the form of art, or through any other media of his choice.)
T À I   L I Ệ U

TIẾN TRÌNH DÂN CHỦ HÓA VIỆT NAM
GỒM 4 GIAI ĐOẠN, 8 BƯỚC
DO KHỐI 8406 CÔNG BỐ


Việt Nam, ngày 22 tháng 8 năm 2006

GIAI ĐOẠN I
THỰC HIỆN QUYỀN TỰ DO NGÔN LUẬN, TỰ DO BÁO CHÍ
ĐẶT NỀN TẢNG CHO CÁC NHÂN QUYỀN & DÂN QUYỀN KHÁC

1- Bước 1 : Từ vài chục năm nay, nhiều Công dân Việt Nam, kể cả nhiều đảng viên đảng Cộng sản Việt Nam, cũng như các nhà đấu tranh dân chủ, đã lên tiếng - bằng nhiều cách - mạnh mẽ đòi nhân quyền, dân chủ, tự do, tự do thông tin ngôn luận, tự do thành lập công đoàn, hội đoàn, đảng phái, tự do tôn giáo,…cho toàn Dân. Ngày 20-2-2006, 4 Linh mục công bố Lời Kêu Gọi Cho Quyền Tự Do Thông Tin Ngôn Luận “Chúng Ta Không Sợ Hãi Nữa. Chúng Tôi Phải Biết Sự Thật”, thì đến ngày 23-2-2006 lần đầu tiên hàng trăm Công dân quốc nội Việt Nam đã đồng loạt ký tên vào bản Tuyên Bố về Quyền Tự do Thông tin Ngôn luận của người Dân Việt Nam.

2- Bước 2 : Ngày 8-4-2006, Tuyên ngôn Tự do Dân chủ cho Việt Nam 2006 được long trọng công bố trước Quốc dân Việt Nam và Cộng đồng Quốc tế. Trên cơ sở Tuyên ngôn ấy, Khối 8406 được hình thành, ngày càng phát triển nhanh chóng và được Đồng bào quốc nội, hải ngoại cũng như Cộng đồng Quốc tế ủng hộ mạnh mẽ.

- Ngày 15-4-2006, Bán nguyệt san Tự Do Ngôn Luận ra số đầu tiên đồng loạt tại nhiều thành phố ở Việt Nam.

- Ngày 15-8-2006, Đặc san Tự Do Dân Chủ quyết tâm ra số đầu tiên tại Hà Nội.

- Tăng cường đấu tranh để toàn Dân Việt Nam tự giành lại quyền Tự do Thông tin Ngôn luận đã bị mất hẳn dưới chế độ Cộng sản Việt Nam từ hơn 50 năm qua ; khuyến khích các Cá nhân, Tổ chức mạnh dạn công khai sử dụng báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng phổ cập khác ; nỗ lực để các tài liệu thông tin được bày bán công khai trong các sạp báo - tiệm sách.

GIAI ĐOẠN II
PHỤC HOẠT, THÀNH LẬP & PHÁT TRIỂN
CÁC CHÍNH ĐẢNG DÂN CHỦ KHÔNG CỘNG SẢN.

3- Bước 3 : Không kể các Chính đảng Dân chủ không Cộng sản từ lâu đã âm thầm hoạt động ngay tại Việt Nam, sự lớn mạnh của phong trào đấu tranh cho nhân quyền, dân quyền, dân chủ trong Nước và sự ra đời của Khối 8406 đã thúc đẩy một số các Đảng Dân chủ không Cộng sản phục hoạt và các Đảng Dân chủ không Cộng sản khác lần lượt công khai xuất hiện với trụ sở, văn phòng, cơ quan ngôn luận và các phương tiện truyền thông đại chúng bình thường khác.

4- Bước 4 : Các Chính đảng phục hoạt và các Chính đảng mới được thành lập đưa ra cương lĩnh, đường lối, mục tiêu của mình với Quốc dân, thu phục Quần chúng ủng hộ, kết nạp đảng viên, gây dựng cơ sở, phát triển và kiện toàn tổ chức. Khối 8406 sẽ chấm dứt hoạt động và nhường bước cho các Chính đảng.

GIAI ĐOẠN III
SOẠN THẢO HIẾN PHÁP MỚI & TRƯNG CẦU Ý DÂN.

5- Bước 5 : Các Chính Đảng tập hợp thành một hoặc nhiều Liên minh đồng loạt cùng gây sức ép lên Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam để thành lập Hội đồng soạn thảo Hiến pháp Tạm Thời gồm Đại diện của tất cả các Chính đảng, các Tổ chức xã hội và các Tôn giáo nào muốn cử Đại diện tham gia.

6- Bước 6 : Đưa Dự thảo Hiến Pháp Mới ra trưng cầu ý Dân và công bố Hiến Pháp Mới Tạm Thời.

GIAI ĐOẠN IV
HOÀN TẤT TIẾN TRÌNH DÂN CHỦ HÓA VIỆT NAM.

7- Bước 7 : Thành lập Hội đồng thi hành Hiến Pháp Mới Tạm Thời đã được toàn Dân đồng thuận. Thành lập Hội đồng Tổ chức Bầu Cử Quốc Hội Dân Chủ Khoá I, gồm các Uỷ ban : Uỷ ban biên soạn Luật Bầu cử, Ủy ban Tổ chức các Chính đảng đăng ký ứng cử viên, Uỷ ban Tổ chức bầu cử, kiểm phiếu, Uỷ ban Quốc tế giám sát,…Tiến hành cuộc bầu cử Quốc hội công bằng, tự do, văn minh khoá I.

8- Bước 8 : Quốc Hội đầu tiên họp để thông qua Hiến Pháp Chính Thức, chọn Quốc hiệu, Quốc huy, Quốc kỳ, Quốc ca,… ; đưa Hiến Pháp đi vào cuộc sống của toàn Dân.

Đại diện lâm thời Khối 8406
gồm 1.872 Chiến sĩ Dân chủ Hòa bình
& hàng vạn Công dân quốc nội :
Đỗ Nam Hải, Kỹ sư, Sài Gòn.
Trần Anh Kim, Cựu Sĩ quan, Thái Bình.
Nguyễn Văn Lý, Linh mục Công giáo, Huế.
69 Phan Đình Phùng, Huế, Việt Nam.
Chân    thành    cảm    tạ    qúy    vị    ghé    thăm    trang    nhà    website    Tự    Do    Thông    Tin    Ngôn    Luận    cho    toàn    dân    Việt Nam

Copyright © 2006 www.tdngonluan.com / Webmaster: legraphic@yahoo.com  -  All rights reserved.