Mọi người có quyền tự do ngôn luận; quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và phổ biến mọi loại tin tức và ý kiến, không phân biệt ranh giới, bằng truyền miệng, bản viết hoặc bản in, bằng hình thức nghệ thuật, hoặc thông qua bất cứ phương tiện truyền thông đại chúng khác theo sự lựa chọn của mình (Điều 19,2 Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Liên Hiệp Quốc biểu quyết năm 1966, Việt Nam xin tham gia năm 1982). (Everyone shall have the right to freedom of expression; this right shall include freedom to seek, receive and impart information and ideas of all kinds, regardless of frontiers, either orally, in writing or in print, in the form of art, or through any other media of his choice.)
T À I   L I Ệ U

PHÒNG THÔNG TIN PHẬT GIÁO QUỐC TẾ
Cơ quan Thông tin và Phát ngôn của Viện Hóa Ðạo
Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất
E-mail : ubcv.ibib@buddhist.com
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Thông bạch Vu Lan 2550 của Viện Hóa Ðạo,
Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất
2006-07-16   | |   PTTPGQT

PARIS, ngày 16.7.2006 (PTTPGQT) - Chúng tôi xin đăng tải nguyên văn sau đây Thông bạch Vu Lan 2550 (2006) của Viện Hóa Ðạo trong nước vừa gửi đến Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế để phổ biến :

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT
VIỆN HÓA ÐẠO

Thanh Minh Thiền viện, 90 Trần Huy Liệu, Phường 15, Quận Phú Nhuận,
T.P. Hồ Chí Minh

-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Phật lịch 2550                                                                      Số 06/VHÐ/TB/VT

THÔNG BẠCH VU LAN PL. 2550

Kính gởi : Chư Tôn Giáo Phẩm, Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức Tăng Ni, quý Phật tử trong và ngoài nước.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Thưa chư liệt vị,

Một trong những vấn đề căn bản nhất của đạo làm người là hiếu đạo. Kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới dạy rằng : “Hiếu đạo là mẹ của giới thể”. Trong chuỗi tương duyên, tương sanh của vạn hữu, người Phật tử không thấy mình là một sinh thể độc lập mà đó là sự kết nối của nhiều sinh thể qua vô tận thời gian. Chính vì thế, người Phật tử không chỉ hiếu kính với ông bà, cha mẹ, thầy tổ mà còn trải rộng cõi lòng thương yêu, kính trọng và quan tâm phục vụ, cứu hộ tất cả, không phân biệt thân sơ, cũng không giới hạn ở thế giới người sống mà bao trùm muôn loại hàm linh trong đó có thế giới của người chết. Vu Lan Thắng Hội là dịp để chúng ta thể hiện tâm hiếu kính trong đời sống thường nhật đúng như lời Phật dạy.

Hiếu đạo không chỉ bao hàm nguyên lý đạo đức cơ bản mà còn tàng ẩn diệu lý thâm áo về mục đích cứu cánh của hiện hữu. Hiếu đạo là lộ trình thăng hóa và hoàn thiện của nhân thừa, nền tảng căn bản để bước lên quả vị giác ngộ giải thoát, là chất liệu làm thành sự sống như chính ý nghĩa của sự sống.

Gần ba nghìn năm qua, sự sống được đức Phật tri nhận và tuyên xưng là trân quý. Hủy hoại sự sống để đi tìm hạnh phúc đằng sau chủ nghĩa, con số và ngôn thuyết là một hành động thiếu tri giác. Xã hội nhân loại do tôn trọng sự sống mà hòa bình được thiết lập, con người được hạnh phúc. Thời đại nào đạo giáo không được tôn trọng, công lý không được thực thi, nhân quyền không được bảo vệ, con người biến thành nạn nhân của vô minh, cực đoan, cuồng tín. Không thể có hạnh phúc nếu phẩm giá con người bị coi thường. Hạnh phúc của con người chưa hề được xây dựng bởi những cuộc chiến vì tự ngã. Là một dân tộc có trên mấy nghìn năm văn hiến, chúng ta cần thể hiện bản sắc văn hóa đặc thù của mình trên từng hành động.

Một xã hội suy đồi đạo đức là nguyên nhân xuất sinh những cô hồn lang thang vất vưỡng vì thiếu sự sống, những ngạ quỷ đói khát quyền lực và không ngừng bị lửa tham dục thiêu đốt.

Giữa bối cảnh đạo đức suy đồi, nhân tâm ly tán, mỗi chúng ta hãy là một Mục Liên Tôn Giả nhìn sự khổ đau của người như chính sự đau khổ của mẹ ruột mình mà tận tâm cứu tế. Con đường cứu khổ là con đường trí giác, chính trí giác mới nhìn ra sự khổ đau, chính trí giác mới đề ra con đường giải khổ, sự giải khổ được thành tựu bởi cộng lực của tịnh lực. Ngoài việc chiêu niệm siêu độ quá khứ đa sinh phụ mẫu, luỹ thế oan thân, chúng ta còn biểu tỏ lòng biết ơn sâu xa đối với những người đã nằm xuống để sự sống nảy mầm, để nhân quyền và linh quyền được tôn trọng.

Giáo pháp của đức Phật không nhằm thỏa mãn nhu cầu ích kỷ cá nhân, cũng không hứa hẹn về một hưởng thụ vật chất hư huyễn nào đó cho bất kỳ cá thể nào. Đạo Phật là đạo từ bi và trí tuệ, đạo Phật không được hiểu như một tôn giáo cần được chia xẻ quyền lực và đòi hỏi sở hữu quyền lợi. Trong ý nghĩa đó, sự dấn thân vì lợi lạc chung đồng nghĩa với sự quên mình; tất nhiên, muốn hoàn thành sứ mệnh cao cả này, phải có lòng nhẫn nhục, sự can đảm, sáng suốt, hiểu biết, tin yêu và quyết tâm.

Trong suốt trên 2000 năm lịch sử hoằng hóa, Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành với nỗi khổ của dân tộc. Với sự thâm nhập giáo pháp, người Phật tử hiểu rõ ba cõi là Không, nhưng với lòng từ bi vô lượng thì chúng sanh đau khổ chúng ta không thể xoay lưng ngảnh mặt.

Nhân mùa Vu Lan giải khổ, thay mặt Hội Đồng Lưỡng Viện, tôi thiết tha khuyến thỉnh chư vị thể hiện lòng từ bi vô lượng của mình trước nỗi đau cùng cực của con người. Ý nghĩa hiếu sinh chỉ thật sự giá trị khi mọi quyền sống được thừa nhận và tôn trọng. Chúng ta không thể giải thoát khổ đau của chúng sinh trong mười phương thế giới khi chính mình không tận lực cứu giúp những đồng bào, đồng đạo đang sống trong cảnh tù ngục, thiếu tự do.

Dù đức Đệ Tứ Tăng Thống, cá nhân tôi và nhiều Tôn đức Giáo Phẩm khác của Giáo Hội đang bị tước quyền tự do hành hoạt, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất luôn bị áp chế; tuy nhiên, Giáo Hội mãi tồn tại và hiển sinh đầy hùng lực trong lòng dân tộc Việt Nam.

Bằng tinh thần vị tha vô ngã, tôi kêu gọi nhà nước Việt Nam sớm tỉnh giác, nhìn thấy được thực tế bi thống của dân tộc, buông bỏ mọi tham vọng quyền lực phe nhóm, đặt quyền lợi giống nòi lên trên lợi quyền riêng tư để giúp nước nhà vươn mình sánh vai cùng các cường quốc khu vực và thế giới.

Trong từng sát na ngắn ngủi, mọi hiện tượng giả tạm đều biến dịch, vô thường, chỉ có chân thân thực tại mới trải rộng, tồn tại vĩnh hằng. Hãy suy niệm chân lý màu nhiệm ấy để kịp thời cứu giúp con người chấm dứt đau khổ thay vì biến con người thành tù nhân của khổ đau.

Xin chân thành đốt nén tâm hương, cầu nguyện thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc, các oan hồn uổng tử, thập loại cô hồn, trượng thừa Phật lực siêu sanh Phật quốc, dân tộc tự do, cường thịnh, dân chủ, nhân quyền.

Nam Mô Vu Lan Thắng Hội Phật Bồ Tát Ma Ha Tát.

Thanh Minh Thiền Viện, Ngày 10 tháng 7 năm 2006
T.U.N. Viện Trưởng Viện Hóa Đạo
Phó Viện Trưởng
ấn ký Thượng Toạ Thích Viên Định

www.TDNgonLuan.com hoan nghênh ý kiến đóng góp của qúy vị độc giả. Xin email về: tdngonluan@yahoo.com hay type vào hộp Ý Kiến/Comment Box ở dưới đây và nhấn vào nút "Submit" để gởi đi. Trân trọng:

TÊN, HỌ / NAME:  
 E M A I L:  

Ý KIẾN /  COMMENT:  

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ:
- Tran dinh Ngoc
(Sunday, July 16, 2006 at 20:43:17)
Bai rat hay tuy ngan gon nhung day du y nghia:
- dao hieu cua con cai doi voi cha me
- dao con nguoi voi nhau
- noi yeu nuoc, yeu dan toc thi phai lam nhung gi cho dan toc, cho dat nuoc.
- hay bo tu loi ca nhan, phe nhom, dang phai. Hay dat quyen loi nguoi dan len tren tat ca vi dat nuoc nay la cua ho. Khong co ho, khong co chinh phu, dang phai.
- Hay suy nghi ky khi dung tu "cach mang" "giai phong" "nhan dan lam chu" "cong bang xa hoi" tu do dan chu" Cho loan ngon, noi mot dang, lam mot nga.
- Doi nguoi ngan ngui. Hai tay se buong xuoi khong mang di cai gi. De lai tieng thom hon muon ngan lan song cho lau ma o danh van ki. Ke ac se bi nguyen rua muon doi. Tran hung Dao, Quang Trung, Hai ba Trung sang choi tam guong den muon doi. Dang nao nen chon?

Trở về trang chính

Chân    thành    cảm    tạ    qúy    vị    ghé    thăm    trang    nhà    website    Tự    Do    Thông    Tin    Ngôn    Luận    cho    toàn    dân    Việt Nam

Copyright © 2006 www.tdngonluan.com / Email: tdngonluan@yahoo.com  -  All rights reserved.