“Mọi
người có quyền tự do ngôn luận; quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp
nhận và phổ biến mọi loại tin tức và ý kiến, không phân biệt ranh giới,
bằng truyền miệng, bản viết hoặc bản in, bằng hình thức nghệ thuật,
hoặc thông qua bất cứ phương tiện truyền thông đại chúng khác theo sự
lựa chọn của mình”
(Điều
19,2 Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Liên Hiệp Quốc
biểu quyết năm 1966, Việt Nam xin tham gia năm 1982).
(Everyone
shall have the right to freedom of expression; this right shall include
freedom to seek, receive and impart information and ideas of all kinds,
regardless of frontiers, either orally, in writing or in print, in the
form of art, or through any other media of his choice.)
|
T À I L I Ệ U
Kính thưa Đức Giám Mục Chủ Tịch HĐGMVN, Kính thưa Đức Hồng y, hai Đức Tổng Giám mục và các Đức Giám mục, Chúng con là một số linh mục, tu sĩ và giáo dân Việt Nam trong lẫn ngoài nước ưu tư về tình hình Quê hương và Giáo hội Việt Nam cũng như bức xúc về bao vấn đề nhức nhối đang xảy ra trên đất nước và cho dân tộc. Chúng con kính gởi đến Hội đồng Giám mục một vài ý kiến đóng góp nhân Đại hội Thường niên của Quý Đức Cha sẽ được tổ chức ở Hà Nội từ ngày 08 đến 12-10-2007. Được biết Thư Chung 2008 sẽ mang chủ đề “Giáo dục Kitô giáo”, chúng con rất lấy làm vui mừng, vì đây là một vấn đề quan trọng và càng quan trọng hơn trong xã hội Việt Nam hiện thời vốn đang chịu sự cai trị của đảng cộng sản vô thần và sự thống lĩnh của ý thức hệ duy vật Mác xít. 1- Nói đến Giáo dục Kitô giáo, chúng con thiết tưởng trước hết cần nói đến Giáo dục dân sự, Giáo dục học đường, vốn là nền tảng nhân bản để xây dựng con người trước khi hình thành con Chúa. Nền Giáo dục dân sự trong chế độ cộng sản VN hiện nay, như Quý Đức Cha đều biết, dựa trên nguyên tắc đã được nêu lên trong Luật Giáo dục năm 2005 (còn hiệu lực) ở Điều 3 (Tính chất, nguyên lý giáo dục): “Nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục xã hội chủ nghĩa… lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng”. Nói thẳng ra, đây là nền giáo dục bị chính trị hóa ngay từ bản chất và từ khởi điểm; nó thay vì đào tạo những công dân tự do cho Đất nước thì lại nặn ra những thần dân mù quáng vâng phục đảng Cộng sản, thấm nhuần cái chủ nghĩa phi nhân sai lạc đã bị nhân loại vứt bỏ và học đòi bắt chước tấm gương ông Hồ Chí Minh, một con người mà theo sử liệu khách quan là một kẻ gian hùng hơn là một vị anh hùng dân tộc, nói thẳng ra là một kẻ đã gây ra bao tội ác trên đất nước và bao tang thương cho giống nòi. Chúng con rất đau lòng khi đọc lá thư mới đây mà Đức Hồng y Tổng giám mục Giáo phận Sài gòn gởi cho Câu lạc bộ Nguyễn Văn Bình ngày 22-07-2007: “Sau 30 năm, tôi thấy báo chí thông tin kết quả của một cuộc điều tra xã hội: 30-40% học sinh Tiểu học nhiễm thói gian lận, lừa dối, 40-50% học sinh Trung học nhiễm thói đó, lên Đại học thì tỷ lệ là 50-60%. Trong một lần sinh hoạt với giáo chức công giáo, tôi hỏi tỷ lệ mà báo chí đưa ra có đúng không? Một giáo viên trả lời rằng thực tế thì còn hơn thế. Vậy trong trường đời ngày nay, tỷ lệ ăn gian nói dối, hàng giả, thuốc giả, học giả, là bao nhiêu? ”. Điều này không có gì lạ, vì chủ nghĩa và chế độ CS tự bản chất là gian dối lừa gạt, như lịch sử chứng minh rành rành. Ngoài thói dối gian, trường học Nhà nước CS còn giáo dục cho giới trẻ lòng căm thù. Xưa kia là căm thù giai cấp, rồi đến căm thù đế quốc, nay là căm thù “bọn phản động”, nghĩa là tất cả những cá nhân hay tổ chức nào trong lẫn ngoài nước đe dọa quyền thống trị của đảng Cộng sản. Điều này được dạy ngay trong nhà trường (tiểu, trung lẫn đại học), đặc biệt mỗi khi nhà cầm quyền chuẩn bị tấn công một tổ chức hay cá nhân tranh đấu cho dân chủ nhân quyền nào đó. Ấy là chưa kể việc đoàn viên thanh niên thường có mặt bên cạnh công an và dân quân trong các cuộc đàn áp dân oan khiếu kiện, công nhân đình công hay các nhà dân chủ đối kháng bất bạo động. Điều tai hại hơn cả là Cộng sản làm cho quần chúng nhân dân, đặc biệt giới trẻ, học sinh sinh viên mất tất cả ý chí khí lực, luôn sống trong sợ hãi, không còn dám trình bày quan điểm cá nhân, phản biện những gì đã thu nhận học hỏi, không còn dám nói lên sự thật, tố cáo bất công, vạch trần sai lầm hay tội ác của nhà cầm quyền, dấn thân bênh vực kẻ bị cường hào ác bá, đảng viên cán bộ áp bức bóc lột. Vậy chúng con xin Quý Đức Cha tiên vàn hãy đòi hỏi nhà cầm quyền hủy bỏ điều 3 Luật giáo dục nói trên, đòi hỏi phi chính trị hóa nền giáo dục học đường và đòi lại trọn vẹn quyền giáo dục giới trẻ cho Giáo hội Công giáo nói riêng và mọi Giáo hội nói chung. Đây là những nhân quyền cơ bản làm nền tảng cho việc xây dựng con người. Bằng không thì việc giáo dục tinh thần Kitô giáo sẽ ra vô ích và uổng công như thực tế đã và đang minh chứng. 2- Giáo dục Kitô giáo, như chúng con hiểu, là làm sao cho mọi Kitô hữu biết hành xử và phản ứng theo tinh thần Tin Mừng khi sống giữa đời, đối diện với các thực tại và vấn đề xã hội. Nghĩa là cần nhấn mạnh việc thực hành bí tích, tham gia phụng vụ, học hỏi giáo lý, đóng góp xây dựng nhà thờ… phải sinh hoa quả là việc dấn thân thực thi công bằng và bác ái trong cuộc sống cá nhân và xã hội, cốt tủy của Tin Mừng và của luân lý Kitô giáo (x. Mt 23,23b). Một việc thờ phượng Thiên Chúa không dẫn tới việc xả thân cho con người, nhất là người bị áp bức, sẽ chỉ là một lối sống đạo hình thức bề ngoài, trống rỗng bề trong. Qua biên bản của Ban Thường vụ Hội đồng Giám mục ngày 20-6-2007, chúng con được biết Đại hội của Quý Đức Cha sẽ “lập thêm Uỷ ban Giáo dục chuyên lo về Giáo dục Kitô giáo cho Hội đồng Giám mục”, sẽ “xin Uỷ ban Bác ái Xã hội theo dõi các hoạt động thời sự, tình hình xã hội để giúp cho Hội đồng Giám mục có thể lên tiếng trước những vấn đề xã hội” và sẽ đặt ra chức “phát ngôn viên chính thức của Hội đồng Giám mục”. Chúng con hân hoan trước diễn biến mới và cơ cấu mới này, vì quả là cần có một Ủy ban chuyên trách giáo dục Kitô hữu sống Tin Mừng trong xã hội mác-xít, dưới chế độ cộng sản đặc biệt nguy hại này, một Ủy ban thường xuyên nghiên cứu những vấn đề xã hội, nhất là vấn đề công lý hòa bình, như pháp chế đàn áp, chính sách kỳ thị, tham nhũng bóc lột, cường hào ác bá, dân oan khiếu kiện, công nhân đình công, lao nô xuất khẩu… vốn đang nổi cộm và gây bức xúc lòng người cũng như xáo trộn xã hội từ cả mấy thập niên nay. Ngoài ra, việc có một phát ngôn viên chính thức để cấp thời lên tiếng nhân danh Công giáo và đại diện Hội đồng Giám mục trước mọi vấn đề đất nước là điều khẩn thiết, vì ngày càng nổi lên trong xã hội Việt Nam hôm nay nhiều chuyện bất công phi lý không biết giải thích và giải quyết thế nào cho ổn. Tuy nhiên, như Tòa thánh Vatican có hai tổ chức phân biệt rõ ràng là Cơ quan Đồng Tâm lo vấn đề bác ái cứu trợ và Hội đồng Giáo hoàng Công lý Hòa bình lo vấn đề chính trị nhân quyền trên thế giới, chúng con thiết nghĩ Hội đồng Giám mục cần có riêng Ủy ban Công lý Hòa bình (mà đáng lẽ phải có từ lâu như mọi Hội đồng GM trên thế giới) để đặc trách các vấn đề phát sinh do nạn độc tài, cường quyền, tham nhũng, bóc lột… vốn là căn bệnh trầm kha của chế độ cộng sản. Có được một phát ngôn nhân khôn ngoan và can đảm, thông minh và nhanh nhạy cũng như một Ủy ban Công lý Hòa bình sâu sắc và thấu đáo, dũng cảm và năng động để khai sáng lương tri và hướng dẫn lương tâm dân Chúa cùng dân tộc trước hiện tình xã hội VN thì quả là một lối giáo dục Kitô giáo hết sức hữu hiệu, ngoài ra còn giúp cho việc truyền giáo đạt nhiều thành quả, vì làm cho Giáo Hội nổi bật lên như ngôn sứ của chân lý và chiến sĩ của công bằng. 3- Cụ thể trước mắt, có một vấn đề thời sự khả dĩ nổi cộm trong Xã hội và Giáo hội Việt Nam mà Ban Thường vụ Hội đồng Giám mục có nhắc tới ngày 20-6-2007 và sẽ đưa vào chương trình nghị sự của Đại hội. Đó là vụ việc linh mục Tađêô Nguyễn Văn Lý, một chiến sĩ Phúc Âm đấu tranh cho tự do tôn giáo và dân chủ nhân quyền từ năm 1983 đến giờ và đã bốn lần bị bắt vào tù Cộng sản. Vụ việc cha Lý đã gây tranh cãi và ly tán lòng người từ nhiều năm nay trong cộng đồng Giáo hội, đặc biệt từ sau phiên tòa “bịt miệng” ngày 30-3-2007 tại Huế và sau chuyến công du của chủ tịch nhà nước Nguyễn Minh Triết sang Hoa Kỳ. Thành thử chúng con hy vọng vụ đó sẽ được Quý Đức Cha đem bàn rốt ráo cặn kẽ để đưa ra cho dân Chúa cũng như công luận một phán quyết dứt khoát, đúng đắn, xua tan mọi dư luận bất lợi cho Giáo hội Công giáo cũng như cho chính Hội đồng Giám mục từ bấy lâu nay. Liên quan đến vụ việc cha Lý mà một vài người trong Giáo hội cho là “làm chính trị, vi phạm Giáo luật, không vâng lời bề trên”, có vụ việc nhiều linh mục từ bấy lâu nay tham gia Mặt trận Tổ quốc là cơ quan ngoại vi của đảng Cộng sản, tham gia các Hội đồng nhân dân huyện, thành, tỉnh, nước (Quốc hội) là những cơ quan của chính quyền Cộng sản. Đây là một điều mà ai cũng thấy đi ngược với Giáo luật khoản 278§3 và 285§3 đồng thời trái với tinh thần bức thư mà Đức Hồng y Quốc vụ khanh Angelo Sodano đã gởi riêng cho Giáo hội VN qua Đức Cha Nguyễn Minh Nhật, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam ngày 20-05-1992. Thế nhưng, việc tham gia các tổ chức và cơ quan nhà nước thể ấy đã kéo dài rất nhiều năm, thậm chí mới đây còn có hai linh mục được “đảng cử” vào Quốc hội. Vậy mà chúng con chưa hề nghe đấng bậc nào trong Giáo Hội VN lên tiếng phê phán những vị đó là “làm chính trị, vi phạm Giáo luật, không vâng lời bề trên” mà chỉ thấy phê phán một mình cha Lý! Đã thế, chúng con còn thấy nhiều đấng bậc xem ra đồng tình đồng thuận với những sự kiện đó (linh mục tu sĩ tham gia tổ chức và cơ quan chính quyền) qua việc tiếp tục xử dụng và cất nhắc “các chức sắc cả đạo lẫn đời” này vào những trách vụ mục tử quan trọng trong Giáo Phận và Giáo Hội! Chúng con cảm thấy như vậy là quá bất công nên mong ước Quý Đức Cha cần có thái độ công minh, dứt khoát, rõ rệt về vấn đề này. Dân Chúa đang mong chờ các Thầy dạy của đức tin, luân lý và sự thật -thông qua những vụ việc nêu trên- biện phân thấu đáo thế nào là làm chính trị và không làm chính trị; thế nào là có lập trường chính trị và có hoạt động chính trị, thế nào là chính trị công dân và chính trị đảng phái; biện phân thấu đáo giữa việc thực thi luật yêu thương của Chúa trong hoàn cảnh hiện tại của đất nước và việc tuân thủ những quy luật của Giáo Hội liên quan đến vấn đề làm chính trị (đôi khi bị hiểu cách phiến diện hoặc sai lạc), cái nào quan trọng hơn. Đây là điểm giáo dục Kitô giáo mà Kitô hữu tại Việt Nam đang cần quán triệt, bởi lẽ nó liên can mật thiết đến nhân quyền, đến cuộc sống hiện tại. 4- Nói đến nhân quyền cho nạn nhân còn sống, không thể không nghĩ tới nhân quyền cho nạn nhân đã chết. Năm 2008 tới đây là thời điểm kỷ niệm 40 năm biến cố Tết Mậu Thân (1968), một đại tang đau đớn cho toàn thể dân tộc và là một tội ác tầy trời trong lịch sử Việt Nam. Đặc biệt, gần 5000 đồng bào tại Huế, đa phần là viên chức, giáo sư, linh mục, tu sĩ, sinh viên, học sinh, dân thường vô tội đã phải chịu một cái chết hết sức oan ức, khủng khiếp, rùng rợn không ai tưởng tượng nổi (như chôn sống, đâm bằng lưỡi lê, dùng cuốc xẻng đập bể sọ, thảy lựu đạn hay xả súng liên thanh vào giữa đám người bị trói…), do bàn tay những đảng viên, cán bộ, bộ đội Cộng sản. Việc tưởng nhớ, cầu nguyện, minh oan cho họ để linh hồn họ được giải thoát, gia đình họ được an ủi là căn cốt trong truyền thống của mọi tôn giáo và nhất là của Kitô giáo. Đây cũng là cơ hội để các đao phủ thảm sát đồng bào bày tỏ thành tâm thiện chí, thống hối lỗi lầm, dọn đường cho việc hòa giải dân tộc cách đích thực. Nhớ lại năm 2002, nhân kỷ niệm 30 năm biến cố Đại lộ kinh hoàng Quảng Trị (1972), Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã làm lễ cầu siêu cho các nạn nhân. Chúng con thiết tưởng Công giáo chúng ta cũng nên nhân cơ hội tưởng niệm 40 năm biến cố Tết Mậu Thân để làm nghĩa cử đối với các oan hồn uổng tử đồng bào đồng đạo. Vậy chúng con kính xin Quý Đức Cha và Hội đồng Giám mục can đảm tổ chức lễ cầu nguyện khắp nơi cho các nạn nhân vô tội, đặt ra một ngày tạm gọi là “ngày nhớ Mậu thân”. Đồng thời yêu cầu nhà cầm quyền cộng sản dựng một tấm bia mới tại nghĩa trang Ba Tầng (thành phố Huế), nơi chôn cất hài cốt của hơn 300 nạn nhân, vì tấm bia cũ đã bị phá hủy ngay sau năm 1975. Đề xuất và thực hiện việc tưởng nhớ các nạn nhân Mậu Thân như vậy là một bài học tuyệt vời trong việc giáo dục tinh thần Kitô giáo, kính thưa Quý Đức Cha! 5- Sau cùng, chúng con nhớ lại lời Đức đương kim Chủ tịch Hội đồng GMVN nói trong cuộc phỏng vấn của mạng lưới thông tin VietCatholic ngày 22-04-2007: “Đối với nhà nước thì hằng năm chúng tôi vẫn có cuộc gặp gỡ hoặc có những đề nghị với nhà nước về các vấn đề tự do tôn giáo, văn hóa, đạo đức, luân lý, giáo dục giới trẻ, vấn đề công bằng sự thật. Có khi chúng tôi là đơn vị duy nhất dám nói lên điều đó với nhà nước và chúng tôi vẫn còn tiếp tục nói những điều như vậy”. Việc này là đúng đắn, cần thiết và tốt đẹp. Chúng con cũng biết thêm rằng nhà nước CSVN đã luôn yêu cầu Quý Đức Cha nói riêng với họ, không tiết lộ nội dung ra ngoài. Lý do là họ luôn muốn bưng bít mọi thông tin có thể làm phương hại đến uy danh lẫn quyền lực của đảng và luôn tự cho mình cái quyền đáp trả hay không đáp trả nguyện vọng của dân chúng. Nhưng chúng con cho rằng Quý Đức Cha nói nhân danh toàn thể Giáo hội Việt Nam, vì ích lợi của cộng đồng dân Chúa cũng như cộng đồng dân tộc, chứ không nói với tư cách cá nhân riêng lẻ. Thành thử cách lên tiếng này cần phải công khai, rộng đường dư luận, tín hữu cũng như đồng bào có quyền được biết rõ. Có như thế thì mới quang minh chính đại cho cả đôi bên và mới hy vọng hữu hiệu cho cả Giáo hội và Dân tộc. Còn nếu hàng năm Quý Đức cha cứ viết thư yêu cầu hay đề nghị nhà nước một cách chiếu lệ mà khi viết thì đã biết chắc không có mấy hy vọng hồi đáp, thì đức nhẫn nại suốt mấy thập niên như thế thực là công dã tràng! Chúng con thiết nghĩ cần có phương cách hữu hiệu hơn để Quý Đức cha và quan trọng hơn nữa là Giáo Hội Công Giáo Việt Nam không bị mang tiếng là đã dửng dưng vô tình hay làm thinh đồng lõa trước muôn vạn sai lầm và tội ác có hệ thống đang diễn ra hàng ngày hàng giờ giữa thanh thiên bạch nhật trong chế độ cộng sản vô thần độc tài toàn trị hiện tại. Kính thưa Quý Đức Cha Đấy
là những ưu tư tâm huyết chúng con mạo muội đệ trình lên Quý Đức Cha,
trong niềm thiết tha yêu mến Giáo hội và Tổ quốc, trong sự quyết tâm
sống đức tin Công giáo giữa lòng dân tộc, trong niềm mơ ước Giáo hội
trở thành men trong bột, muối cho đời, ngôn sứ cho sự thật, chiến
sĩ cho lẽ phải và chứng nhân của tình thương giữa lòng xã hội VN hôm
nay. Chúng con xin được phép phổ biến rộng rãi Thỉnh nguyện thư này sau Đại hội Thường niên của Quý Đức Cha. Làm
tại quốc nội và hải ngoại ngày 29-09-2007 Chúng
con đồng ký tên |