Mọi người có quyền tự do ngôn luận; quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và phổ biến mọi loại tin tức và ý kiến, không phân biệt ranh giới, bằng truyền miệng, bản viết hoặc bản in, bằng hình thức nghệ thuật, hoặc thông qua bất cứ phương tiện truyền thông đại chúng khác theo sự lựa chọn của mình (Điều 19,2 Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Liên Hiệp Quốc biểu quyết năm 1966, Việt Nam xin tham gia năm 1982). (Everyone shall have the right to freedom of expression; this right shall include freedom to seek, receive and impart information and ideas of all kinds, regardless of frontiers, either orally, in writing or in print, in the form of art, or through any other media of his choice.)

T À I   L I Ệ U  3

Tổng Giáo Phận Huế
Giáo xứ Phường Tây
Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
 

 NHẬN ĐỊNH
V/v “Trả lời đơn trình nhận lại cơ sở trường học Mai Khôi”
của Uỷ ban Nhân dân xã Vinh Hưng số “49/CV-UB”

Kính gởi Uỷ ban Nhân dân xã Vinh Hưng

Vừa qua, Giáo xứ Phường Tây có nhận được Công văn trả lời của Uỷ ban Nhân dân xã Vinh Hưng, số 49/CV-UB. Đọc xong Công văn đó, chúng tôi có nhận định những sự việc như sau, để gửi Uỷ ban xã:

1- Mở đầu vấn đề, UBND xã nhận định rằng: “Cơ sở trường học Mai Khôi thuộc xã Vinh Hưng trước đây là cơ sở giáo dục”. Về điểm này, chúng tôi không đồng ý vì những lý do mang tính lịch sử và sự thật của nó như sau:

- Quyền sở hữu: Cơ sở trường Mai Khôi là thuộc quyền sở hữu của Giáo xứ trước đây; nó không thuộc sở hữu của chính quyền chế độ cũ.
- “Thuộc” hay “có”: Cơ sở Mai Khôi không thuộc xã Vinh Hưng trước đây, nhưng nó có trên đất Vinh Hưng trước đây từ lâu.
- Mục đích sử dụng: Cơ sở trường học Mai Khôi trước đây không phải nhắm mục đích sử giáo dục theo nghĩa học đường, nhưng là nơi để dạy giáo lý và các sinh hoạt của Giáo xứ. Ngoài sinh hoạt tôn giáo, Giáo xứ còn giúp chữ cho các học sinh thời đó, lúc xã hội còn thiếu nhiều phương tiện.
- UBND xã tự nhận định: “Cơ sở Mai Khôi ‘thuộc’ xã Vinh Hưng trước đây”. Khi nhận định điều đó, thì tại sao UBND xã không hỏi những vị tiền bối trong thôn Diêm Trường và chúng tôi, để biết được sự thật cơ sở Mai Khôi “thuộc” hay “có” trên đất Vinh Hưng?

2- Tiếp đến, UBND xã nhận định: “…Sau ngày quê hương hoàn toàn giải phóng năm 1975, nhà nước đã tiếp quản để đưa vào cơ sở giáo dục…”

Chúng tôi thử đặt vấn đề: “Nhà nước đã tiếp quản” là gì ?

- Cơ sở Mai Khôi của chúng tôi không thuộc chính quyền chế độ cũ. Nó thuộc sở hữu của Giáo hội, của Giáo phận Huế mà Giáo xứ có trách nhiệm quản lý và sử dụng. Nếu cơ sở Mai Khôi thuộc quyền chế độ cũ, thuộc xã Vinh Hưng thời trước, thì mới gọi là “tiếp quản”. Nhưng ở đây, cơ sở này thuộc quyền sử dụng của tôn giáo nên không thể gọi là “tiếp quản”.
- Về việc sinh hoạt của Đạo Công giáo, có hai cơ sở căn bản không thể nào thiếu. Thứ nhất, Nhà Thờ là nơi để thờ phượng Thiên Chúa của các tín hữu. Thứ hai, các phòng học là nơi để học giáo lý. Nhờ các phòng học này, các tín hữu có nơi mà học giáo lý để biết và hiểu được giáo lý mà thờ phượng, giữ đạo cho đúng. Mà trước năm 1975, Giáo xứ chúng tôi chỉ có hai cơ sở khiêm tốn căn bản trên để sinh hoạt, thì lấy gì mà chúng tôi dâng cho chính quyền chế độ cũ, để giờ đây bị “tiếp quản”?

Kết luận Công văn, UBND xã cho biết: “Trên tinh thần đó, để Linh mục và Hội đồng Giáo xứ cùng với UBND xã có trách nhiệm quan tâm hơn nữa cho phong trào giáo dục xã nhà được phát triển tốt”.

- Chúng tôi vẫn nghĩ, vẫn lo lắng cho vấn đề giáo dục làm sao cho phát triển tốt. Nhưng điều còn quan trọng hơn là phương pháp giáo dục như thế nào! Thử hỏi, diện tích khuôn viên của cơ sở đó đủ thiếu gì cho các em học sinh; trong lúc gần đó, lại có một cơ sở chính, rộng, thì tại sao không lấy kinh phí sửa chữa này mà xây nhiều phòng học cho các em. Qua việc làm nầy, các em học sinh có thêm nhiều phòng học, tiện quản lý các em ở độ tuổi tinh nghịch và các sinh hoạt của giáo viên được dễ dàng tiện lợi hơn.

- Nếu cứ sử dụng cơ sở Mai Khôi của chúng tôi, thì thử hỏi có em nào lại không biết cơ sở đó là của Giáo xứ chúng tôi! Rồi khi dạy về công bằng và sự thật thì phải nói thế nào? Khi dạy về “việc sống và làm việc theo pháp luật” trong cung cách xây dựng và sử dụng, thì phải nói làm sao đây, hướng dẫn như thế nào cho các em “tâm phục khẩu phục” khi chỗ ngồi của các em đang học, lại là dọc cột mốc ranh giới quốc lộ, sân các em chơi nằm trong phạm vi mốc lộ giới?

- Nếu nói đến “trách nhiệm quan tâm”, đúng là ai cũng có trách nhiệm và quan tâm, mà trách nhiệm và quan tâm không đồng nghĩa với quyền tư hữu. Trách nhiệm và quan tâm giáo dục là bổn phận của mọi người, nhưng quyền tư hữu thì phải công khai hoá.

Vậy chúng tôi, Linh mục Trương Văn Quy và Hội đồng Giáo xứ kính gởi nhận định này đến UBND xã Vinh Hưng, để quý vị xem xét lại vấn đề trên.

Chúng tôi xin chân thành cám ơn

TM Hội đồng Giáo xứ
(ký tên)
Gioankim Trần Vy

Vinh Hưng, ngày 01 tháng 06 năm 2006
Linh mục Quản xứ Phường Tây
(ký tên và đóng dấu)
Đôminicô Trương Văn Quy

Đồng kính gởi
- Toà Tổng Giám mục Huế
- Các Linh mục Hạt trưởng
- Văn phòng Giáo xứ để lưu trữ


Trở về trang chính

Chân    thành    cảm    tạ    qúy    vị    ghé    thăm    trang    nhà    website    Tự    Do    Thông    Tin    Ngôn    Luận    cho    toàn    dân    Việt Nam

Copyright © 2006 www.tdngonluan.com / Email: tdngonluan@yahoo.com  -  All rights reserved.