“Mọi
người có quyền tự do ngôn luận; quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp
nhận và phổ biến mọi loại tin tức và ý kiến, không phân biệt ranh giới,
bằng truyền miệng, bản viết hoặc bản in, bằng hình thức nghệ thuật,
hoặc thông qua bất cứ phương tiện truyền thông đại chúng khác theo sự
lựa chọn của mình”
(Điều
19,2 Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Liên Hiệp Quốc
biểu quyết năm 1966, Việt Nam xin tham gia năm 1982).
(Everyone
shall have the right to freedom of expression; this right shall include
freedom to seek, receive and impart information and ideas of all kinds,
regardless of frontiers, either orally, in writing or in print, in the
form of art, or through any other media of his choice.)
|
T À I L I Ệ U
Kính
thưa các quí vị yêu chuộng tự do dân chủ trong và ngoài nước! Trách nhiệm của chính quyền và các giới hạn Ở bất cứ nền dân chủ nào, sự đảm bảo quan trọng nhất về trách nhiệm của chính quyền là các công dân có quyền kiểm soát chính quyền của mình thông qua bầu cử. Trách
nhiệm của chính quyền: Tức là nghĩa vụ của các công chức
phải báo cáo về các hoạt động của họ cho các công dân, và quyền của
các công dân được hành động chống lại các quan chức có các hành vi
mà các công dân coi là không chuẩn mực-là một yếu tố thiết yếu của
dân chủ. Bên cạnh các bảo đảm hiến định kể trên, nhiều luật sẽ tăng cường tính trách nhiệm bằng các hình thức như trao cho công dân quyền thanh tra hồ sơ công cộng, yêu cầu công chức công bố các nguồn thu nhập của họ, yêu cầu các ứng cử viên vào các cơ quan công quyền công bố tên những người đóng góp cho hoạt động tranh cử của họ và yêu cầu các phiên họp lập pháp phải diễn ra trong công khai. Tính trách nhiệm không ngừng: Các quan chức địa phương được những người sống quanh ông ta biết rõ và bị những người này chi phối và như vậy tính trách nhiệm là một tính chất tự nhiên và đương nhiên. Việc bầu các nhà lập pháp theo hình thức mỗi quận hoặc khu dân cư có một đại diện có nghĩa là mỗi nhà lập pháp được lựa chọn bởi, gắn với và chịu trách nhiệm trước một cộng đồng riêng biệt và được xác định rõ ràng. Một hệ thống phân quyền dọc và ngang mà vẫn có thể tiếp tục bảo đảm tính trách nhiệm của chính quyền. Ngài Thomas Jefferson đã có một câu nói nổi tiếng: “Sự tập trung quyền lực vào tay của chỉ một người hoặc chỉ một lực lượng chính là định nghĩa chính xác về chính quyền chuyên chế độc đoán. Chính quyền mà chúng ta đấu tranh để có được là một chính quyền không chỉ có nền tảng là các nguyên tắc tự do mà còn là một chính quyền trong đó các quyền lực của nó được phân chia và cân bằng giữa các cơ quan thẩm quyền sao cho không ai có thể vượt quá các giới hạn pháp lý của mình mà không bị kiểm soát và kiềm chế một cách hữu hiệu bởi những người khác. Vì lý do này mà các bộ máy lập pháp, hành pháp và tư pháp phải hoạt động và có các chức năng riêng rẽ, sao cho không ai có thể cùng một lúc sử dụng các quyền lực của hai bộ máy trở lên”. Hiến pháp trao cho chính quyền những quyền lực nhất định, như là đối ngoại, quyết định các vấn đề về chiến tranh và hoà bình, và điều hành thương mại ở trong nước và với nước ngoài. Những quyền lực đó, và tất cả các quyền lực ngầm định trong đó, đều có thể được chính quyền sử dụng. Tất cả các quyền lực mà hiến pháp không trao cho chính quyền thì được dành cho Nhân dân. Quyền lực chính quyền được phân chia giữa ba nhánh là lập pháp, hành pháp và tư pháp, như thế thiết lập nên “sự phân quyền” được hiểu sát nghĩa. Hơn thế, việc sử dụng quyền lực bởi bất cứ một nhánh nào trong ba nhánh này của chính quyền thì bị giới hạn theo nhiều cách bởi các quyền lực được trao cho các nhánh khác, và như vậy, thiết lập nên nguyên tắc về kiểm soát và cân đối. Một trong những kết quả của sự phân quyền này đó là năm nào cũng có bầu cử, tức là mỗi năm một số cơ quan của chính quyền lại tiếp nhận các quan chức được lựa chọn thông qua bầu cử. Điều này có nghĩa rằng công dân có cơ hội đi bỏ phiếu hai lần một năm: lần đầu là trong cuộc bầu cử sơ bộ để chọn các ứng cử viên của đảng mà mình ủng hộ và sau đó trong cuộc tổng tuyển cử để lựa chọn trong số các ứng cử viên của các đảng phái khác nhau. Vì đây là một vấn đề gắn với thực tế, điều này có nghĩa là chính quyền luôn luôn bị rà soát kỹ lưỡng và như vậy luôn luôn ở trong một quá trình chịu trách nhiệm không ngừng. Hiến pháp là “luật tối cao của đất nước”, nên hiến pháp phải bao trùm và chi phối bất cứ luật nào khác. Từ đó đưa ra nguyên tắc là tất cả các luật và các hoạt động của chính quyền phải phù hợp với hiến pháp. Tất cả các điều trên sẽ không có hiệu lực nếu không có một tập hợp khác gồm các nguyên tắc đó là tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, kháng nghị và thành lập hội, đoàn. Các vị tiền bối lập quốc cảm thấy rằng tập trung quá nhiều quyền lực vào tay của bất cứ một bộ máy cai trị nào thì thật là nguy hiểm. Hiến pháp mở đầu với cụm từ “Chúng ta, những người dân…” là tín hiệu phát đi ngay từ đầu rằng chính quyền được lập nên do dân và vì dân và phải có trách nhiệm với dân. Đó là lý do vì sao các viên chức chính phủ thường được nhắc đến bằng cụm từ “công bộc” và khi hành động đại diện cho ý chí tập thể họ được gọi là “dân uỷ”. Hiến pháp phân chia chính quyền thành ba nhánh riêng rẽ (tư pháp, lập pháp và hành pháp) cùng với một hệ thống “kiểm soát và cân bằng” quyền lực của nhau. Các vị tiền bối lập quốc tin tưởng mạnh mẽ rằng đây là cách tốt nhất để bảo đảm rằng “Chúng ta, những người dân” sẽ không phải chịu đựng một thế lực chuyên quyền trong chính quyền cũng như không để xảy ra tình trạng chính quyền bị thống trị bởi một nhóm người độc đoán chuyên quyền nhằm phục vụ các đặc quyền của họ. Giới hạn của trách nhiệm: Ở bất cứ một nền dân chủ nào, sự bảo đảm quan trọng nhất về tính trách nhiệm của chính quyền là quyền của các công dân được kiểm soát phương hướng chính sách của chính quyền và nhân thân của những người thực thi quyền lực chính quyền. Sự minh bạch trong chính quyền: Luật bảo đảm rằng các công dân có quyền theo dõi, hiểu và đánh giá các quyết định và hành vi của các quan chức chính phủ. Việc được tiếp cận với thông tin cho phép công dân chất vấn, chỉ trích và cản trở các hành động của chính quyền mà họ không đồng tình, cũng như cho phép họ tìm cách uốn nắn các hành vi sai trái của các quan chức. Năm 1822, Ngài James Madison, vị tổng thống thứ tư của Hoa Kỳ đã có câu nói để đời: “Một chính phủ của đại chúng mà không có thông tin rộng rãi hoặc không có phương tiện nào để có được những thông tin đó dành cho đại chúng thì không khác gì là một sự mở đầu cho một tấn hài kịch hoặc bi kịch hoặc có lẽ là cả hai. Tri thức sẽ luôn thống trị sự ngu dốt; và một dân tộc muốn tự làm chủ bản thân mình thì phải trang bị cho mình sức mạnh của tri thức!”. Văn bản pháp lý được biết đến nhiều nhất và có hiệu quả nhất về chính phủ công khai minh bạch là vấn đề về tự do thông tin. Ngoài ra, các văn bản pháp lý khác về chính phủ công khai minh bạch quy định rằng các hoạt động của chính quyền phải công khai và tạo điều kiện để người dân có thể tiếp cận được với các văn bản và thông tin của chính quyền. Việc công bố các số liệu tài chính của các quan chức chính quyền và các công chức trong các nhánh hành pháp, lập pháp và tư pháp cũng là để các công dân có đủ thông tin đúng để có thể xác định được là các hành động của các quan chức đó có chịu tác động không tốt bởi các quyền lợi tài chính của họ hay không. Các văn bản pháp lý về chính phủ minh bạch nêu trên thường mâu thuẫn với các giá trị khác, nhất là những giá trị về bí mật đời tư. Tuy nhiên có thể coi sự mâu thuẫn này chính là phương cách để kết hợp việc tiếp cận các thông tin do chính phủ nắm giữ với sự bảo vệ các thông tin cá nhân và từ sự kết hợp này xây dựng định nghĩa về các chính sách thông tin của chế độ dân chủ, so sánh với các chính sách của các chế độ độc đoán. Sự giới hạn quyền lực: Không một đảng phái hay cá nhân nào được nắm giữ quyền lực quá lâu. Người ta sẽ tham nhũng; các chính sách sẽ trở nên lỗi thời. Khi một đảng chiếm giữ quyền lực quá lâu, cử tri sẽ không chịu ngồi yên. Không có một tập hợp lý tưởng hay nhà lãnh đạo nào có thể trụ được với thời gian. Ngài Thomas Jefferson đã cảnh báo rằng nếu cho phép một tổng thống được nắm quyền dài hơn nhiệm kỳ bốn năm mà không có sự luân chuyển nào được đảm bảo, ông ta có thể sẽ trở thành một “công chức suốt đời”. Ngài Jefferson cho rằng chủ quyền thuộc về Nhân dân và nó chỉ được trao cho tổng thống một cách tạm thời và có điều kiện. Luật về tự do thông tin: Tất cả các văn kiện và hồ sơ khác của chính phủ đều được coi là có tính chất công khai và phải được công bố khi có yêu cầu, tức là bất cứ ai cũng được quyền tiếp cận với các văn kiện của chính quyền. Những người muốn xem các văn kiện này không cần phải nêu ra lý do vì sao họ cần đến các văn kiện ấy cũng như không phải giải thích về việc chúng sẽ được sử dụng cho mục đích gì ngoài các trường hợp được miễn công bố một cách hợp lý vì nếu công bố sẽ gây hại cho xã hội. Tính trách nhiệm chính trị của mỗi công dân thì phụ thuộc vào quyền tự do ngôn luận và quyền tự do lập hội, nhóm. Các quyền này cho phép các công dân tập hợp nhau lại, ủng hộ hoặc chống đối các quyết định của chính quyền đại diện cho họ. Các quyền này cho phép họ tác động đến các thay đổi về chính trị. Về các diễn văn chính trị, nếu thiếu các thông tin về chính sách của chính quyền trong các vấn đề có liên quan thì mức độ tín nhiệm dành cho thuyết gia sẽ bị suy giảm và như thế ông ta không tận dụng được giá trị của quyền được diễn thuyết. Không có các thông tin về các quyết định của chính quyền và ý nghĩa sâu xa của các quyết định này thì hiệu quả liên hệ cũng kém đi. Một số luật khác về chính quyền minh bạch, tạo môi trường để người dân có thể hiểu và đánh giá hành vi của các quan chức chính phủ. Gồm có luật về “Chính phủ dưới ánh mặt trời” là một luật về việc tổ chức các phiên họp công khai, quy định rằng các cuộc họp của các ban và uỷ ban có từ hai thành viên trở lên phải diễn ra công khai. Công chúng phải được thông báo về các cuộc họp này. Thẩm phán Toà án Tối cao Louis Brandeis đã có câu nói nổi tiếng: “Người ta nói rằng ánh nắng mặt trời thì có tác dụng tẩy uế tốt nhất so với bất cứ gì khác”. Luật bảo vệ Những Người Chống Tiêu Cực. Luật này bảo vệ những nhân viên trong bộ máy khỏi bị trả đũa khi họ dám nêu lên các thông tin về hành vi của các quan chức mà họ có căn cứ để tin rằng đó là những việc vi phạm pháp luật, lãng phí công quỹ, quản lý yếu kém, lạm quyền hoặc gây ra những nguy cơ đáng kể đến sự an toàn về sức khoẻ của cộng đồng. Giống như các luật khác về chính phủ minh bạch, sự bảo vệ dành cho những người chống tiêu cực giúp đảm bảo rằng những người có thông tin cần nêu ra được sử dụng một cách có ý nghĩa các quyền tự do ngôn luận và hội họp. Các quyền đó là nền móng của tính trách nhiệm chính trị. Việc bảo vê những người chống tiêu cực giúp phát huy quyền tự do ngôn luận. Việc bảo vệ những người chống tiêu cực tăng cường cho cả việc người dân dám cung cấp thông tin lẫn việc họ công bố thông tin ấy đúng lúc. Vì những người chống tiêu cực đó có thể nêu lên các thông tin bị che dấu cũng như ngăn chặn các nỗ lực ỉm các hành vi sai trái đi. Quyền tự do ngôn luận không chỉ bảo vệ các hành động chỉ trích mà còn bảo đảm quyền được sử dụng các thủ tục dân chủ để thay đổi các chính sách và hành động của chính quyền. Việc bảo vệ người chống tiêu cực được coi như việc bảo vệ nhân quyền. Việc trả đũa những người dám chống tham nhũng cũng là một sự vi phạm nhân quyền. Luật về Đạo đức trong chính quyền yêu cầu các quan chức nhánh hành pháp, kể cả các công chức dân sự cao cấp, phải công bố các thông tin tài chính. Trong các báo cáo tài chính như vậy phải chứa các thông tin về thu nhập từ các nguồn khác nhau kể cả cổ tức, lãi tiết kiệm, tiền cho thuê (nhà, xe…), các khoản lãi nhờ các hoạt động đầu tư. Trong báo cáo cũng phải kể ra các món quà được tặng, động sản và bất động sản. Quốc hội có những lý lẽ chính đáng về việc công khai tài chính này, vì mặc dù việc này đụng chạm đến quyền tự do riêng tư của một người nhưng lại là một việc cần thiết để đảm bảo với công chúng về tính trung thực của một quan chức trong chính quyền. Các công dân có thể nghiên cứu các bản báo cáo tài chính này để xác định chắc chắn rằng các quan chức chính quyền không có những vướng mắc về quyền lợi giữa việc công và những lợi ích tài chính cá nhân. Việc công khai các nguồn lợi tài chính của các quan chức chính quyền là một tuyên bố mạnh mẽ về tính trách nhiệm của các công chức và tuyên bố này thì dành cho chính các công dân mà công chức phục vụ. Các quan chức cao cấp của chính quyền thuộc cả ba nhánh đều bị quy định phải công bố các báo cáo tài chính cho bất cứ ai trên thế giới khi người ấy yêu cầu. Họ phải có các báo cáo này ngay khi họ bắt đầu làm việc trong chính quyền. Theo cách này, công chúng có cơ hội tự phán xét xem quan chức đó có vô tư không, có dính líu đến các xung đột quyền lợi không, có trung thực về tài sản và các nghĩa vụ tài chính của mình không? Tiếp cận thông tin và quyền tự do riêng tư. Ông Alan Westin đã thực sự định nghĩa về nền dân chủ và chế độ độc đoán chuyên quyền xét về mặt chính sách thông tin. Các chính quyền độc đoán có đặc điểm là chính quyền đó rất có sẵn và dễ dàng tiếp cận các thông tin về các hoạt động của các công dân, trong khi chính quyền độc tài chuyên chế đó rất hạn chế khả năng của các công dân trong việc thu thập thông tin về chính quyền. Đối lập lại, điểm nổi bật của các chính quyền dân chủ là chính quyền rất bị hạn chế trong việc thu thập thông tin về các công dân của mình, còn công dân thì rất dễ dàng truy cập vào các thông tin về hoạt động của chính quyền. Thay vì mâu thuẫn xung khắc với nhau, truy cập và tự do riêng tư lại được gắn chặt với nhau bởi tính trách nhiệm dân chủ. Trách nhiệm của chính quyền và các cơ quan giám sát bên ngoài: các nhà quan sát bên ngoài và độc lập là những nhân tố trọng yếu đối với bất cứ xã hội nào mong muốn tìm kiếm và duy trì tính trách nhiệm của chính quyền. Tác giả Alexis de Tocqueville đã viết: “Tôi càng quan sát về những tác động của một nền báo chí tự do, thì tôi lại càng tin rằng trong thế giới hiện đại tự do báo chí là một yếu tố chủ chốt, thậm chí phải nói là một yếu tố cấu thành chính yếu, trong sự tự do”. Báo chí với tư cách là cơ quan giám sát. Lúc cuối đời, năm 1836, vị tổng thống thứ tư đồng thời là cha đẻ của Hiến pháp Hoa Kỳ là James Madison đã viết trong một bức thư rằng: “Một dân tộc muốn làm chủ vận mệnh của chính mình thì phải trang bị cho mình sức mạnh của tri thức”. Đến năm 1864, vị Tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ là Ngài Abraham Lincon đã nói: “Hãy để cho người dân biết sự thật, và đất nước sẽ được an toàn”.
Không giống như chế độ độc tài, chính phủ dân chủ tồn tại để phục vụ nhân dân, nhưng công dân ở các nền dân chủ cũng phải đồng ý tuân thủ những nguyên tắc và nghĩa vụ mà theo đó họ bị quản lý. Các nền dân chủ trao nhiều quyền tự do cho công dân họ bao gồm quyền tự do được có quan điểm bất đồng và phê phán chính phủ. Tư cách công dân trong một nền dân chủ đòi hỏi sự tham gia, sự lịch sự và thậm chí cả sự kiên nhẫn. -
Công dân ở các nền dân chủ nhận thức được rằng họ không chỉ
có quyền mà còn có nghĩa vụ. Họ nhận thức được rằng nền dân chủ đòi
hỏi đầu tư thời gian và công sức, một chính phủ của nhân dân luôn
phải thận trọng và phải được nhân dân ủng hộ.
Chúng tôi khẳng định một chân lý hiển nhiên rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng Tạo hoá đã ban cho họ những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền được tự do và mưu cầu hạnh phúc. Rằng để đảm bảo cho những quyền lợi này, các chính phủ được lập ra trong Nhân dân và có được những quyền lực chính đáng trên cơ sở sự nhất trí của Nhân dân, rằng bất cứ khi nào một thể chế chính quyền nào đó phá vỡ những mục tiêu này, thì Nhân dân có quyền THAY ĐỔI hoặc LOẠI BỎ chính quyền đó và lập nên một chính quyền mới, đặt trên nền tảng những nguyên tắc cũng như tổ chức thực thi quyền hành theo một thể chế sao cho có hiệu quả tốt nhất đối với an ninh và hạnh phúc của họ. Không giống như những nhà lãnh đạo của những xã hội phi tự do, chúng ta tin rằng tự do kinh tế, chính trị, nhân quyền và cơ hội không phải là những đặc ân do những người lãnh đạo ban phát cho những ai mà họ thích; đó là những quyền của mọi đàn ông và phụ nữ và những quyền đó phải được bảo vệ và phát huy. QUYỀN HÀNH PHÁP Lãnh đạo các chính phủ dân chủ điều hành với sự chấp thuận của công dân. Các nhà lãnh đạo đó đầy quyền lực, không phải do họ chỉ huy quân đội hay giàu có về kinh tế mà bởi vì họ tôn trọng giới hạn mà cử tri trong cuộc bầu cử tự do và công bằng đã đặt ra cho họ. -
Thông
qua bầu cử tự do, công dân của một nền dân chủ trao quyền cho các
nhà lãnh đạo của họ theo như luật pháp quy định. Trong một nền dân
chủ hợp hiến, quyền lực được chia sẻ để ngành lập pháp ban hành luật,
ngành hành pháp củng cố và thi hành luật và ngành tư pháp hoạt động
độc lập.
-
Các
nền dân chủ không phải là muốn chính phủ của họ yếu kém mà chỉ muốn
hạn chế chúng. Bởi vậy có thể rất lâu họ mới đạt được sự nhất trí
về các vấn đề của quốc gia, tuy nhiên, khi đạt được sự nhất trí các
nhà lãnh đạo có thể hành động với quyền lực và sự tự tin rất lớn. QUYỀN LẬP PHÁP Các đại diện được bầu lên trong một nền dân chủ-dù có là thành viên của quốc hội hay không- đều phải phục vụ nhân dân. Họ nắm một số vai trò thiết yếu đối với việc vận hành một nền dân chủ vững mạnh. -
Ở một nền dân chủ mang tính đại diện, các cơ quan lập pháp được bầu
lên là diễn đàn chính cho việc soạn thảo, tranh luận và thông qua
luật. Các cơ quan lập pháp đó không phải là những con dấu cao su như
được gọi và chỉ biết thông qua những quyết định của một nhà lãnh đạo
độc đoán. CƠ QUAN TƯ PHÁP ĐỘC LẬP Các thẩm phán độc lập và có chuyên môn là nền tảng của một hệ thống tòa án công bằng, vô tư và được hiến pháp bảo đảm, hệ thống đó chính là cơ quan tư pháp. Sự độc lập này không có nghĩa là thẩm phán có thể đưa ra các quyết định theo thiên ý riêng của mình mà đúng hơn là họ được tự do đưa ra những quyết định hợp pháp, ngay cả khi những quyết định này mâu thuẫn với chính phủ hoặc các bên rất mạnh trong một vụ kiện. -
Ở
các nền dân chủ, độc lập không chịu những áp lực chính trị từ các
quan chức và cơ quan lập pháp đảm bảo sự vô tư của các thẩm phán.
Những phán quyết của cơ quan tư pháp phải vô tư, dựa trên thực tế
của vụ việc, hành động của cá nhân, các lập luận pháp lý và luật liên
quan, và không chịu bất cứ hạn chế hay ảnh hưởng không đúng đắn nào
của các bên liên quan. Những nguyên tắc này đảm bảo tất cả mọi người
được bảo vệ bình đẳng theo luật pháp. BÁO CHÍ TỰ DO Trong một nền dân chủ báo chí phải được hoạt động tự do không chịu sự kiểm soát của chính phủ. Các chính phủ dân chủ không có bộ thông tin nhằm kiểm soát nội dung báo chí hoặc hoạt động của các phóng viên; không có những yêu cầu đòi các phóng viên phải bị nhà nước kiểm soát, hoặc buộc phóng viên phải tham gia các liên đoàn do chính phủ kiểm soát. -
Báo
chí tự do thông tin cho công chúng, buộc các nhà lãnh đạo phải có
trách nhiệm và là một diễn đàn tranh luận về các vấn đề của quốc gia
và địa phương. QUAN HỆ DÂN SỰ - QUÂN SỰ Vấn
đề chiến tranh và hòa bình là những vấn đề quan trọng nhất mà bất
cứ dân tộc nào cũng có thể phải đối mặt, và trong những thời điểm
khủng hoảng nhiều quốc gia đã nhường quyền lãnh đạo cho giới quân
sự. Ở các nền dân chủ, vấn đề chiến tranh và hòa bình hay những mối đe dọa khác đối với an ninh quốc gia là những vấn đề quan trọng nhất mà một xã hội phải đối mặt, và bởi vậy nó phải do nhân dân quyết định thông qua những đại diện đã được bầu lên. Một quân đội dân chủ sẽ phục vụ quốc gia chứ không phải lãnh đạo quốc gia. Các tướng lĩnh trong quân đội cố vấn cho các nhà lãnh đạo và thực hiện những quyết định của họ. Chỉ những ai được nhân dân bầu lên mới có quyền và trách nhiệm quyết định số phận của dân tộc. Do vậy ý tưởng về sự kiểm soát và quyền lực của chính quyền dân sự đối với quân sự là vấn đề cơ bản của dân chủ. -
Các
nhà chức trách dân sự cần chỉ đạo quân đội quốc gia của họ và quyết
định những vấn đề phòng thủ quốc gia. Đó không phải là do họ sáng
suốt hơn các nhà chuyên môn quân sự mà là vì họ là đại diện của nhân
dân và như vậy họ có trách nhiệm đưa ra những quyết định này và phải
chịu trách nhiệm về chúng. NGUYÊN TẮC ĐA SỐ, QUYỀN CỦA CÁC NHÓM THIỂU SỐ Mặc dù nguyên tắc đa số và việc bảo vệ các quyền của cá nhân và các nhóm thiểu số bề ngoài có vẻ mâu thuẫn nhau nhưng trên thực tế đây lại là hai trụ cột nền tảng của cái mà chúng ta gọi là chính phủ dân chủ. -
Nguyên
tắc đa số là một biện pháp để tổ chức chính phủ và quyết định các
vấn đề chung; nguyên tắc đa số không phải là một con đường khác dẫn
tới sự áp bức. Khi không một nhóm tự phong nào có quyền áp bức người
khác thì nhóm đa số, ngay cả trong một nền dân chủ cũng vậy, cũng
không được phép tước bỏ các quyền và sự tự do cơ bản của một cá nhân
- Các nhóm thiểu số dù có nguồn gốc sắc tộc, tín ngưỡng tôn giáo,
vị trí địa lý, mức độ thu nhập khác nhau, hay đơn giản họ là những
người thất bại trong các cuộc bầu cử hoặc các cuộc tranh cãi chính
trị, đều được hưởng những quyền con người cơ bản được bảo vệ mà không
chính phủ nào, không nhóm đa số nào, dù được bầu lên hay không, có
thể tước bỏ. QUYỀN CON NGƯỜI Mọi người sinh ra đều có những quyền không ai có thể tước đoạt được. Những quyền con người này cho phép người dân được mưu cầu phẩm giá. Do vậy, không một chính phủ nào có thể ban tặng những quyền đó mà tất cả các chính phủ phải bảo vệ chúng. Quyền tự do, được xây dựng trên nền tảng công lý, khoan dung, phẩm giá và sự tôn trọng - bất chấp nguồn gốc sắc tộc, tôn giáo, hiệp hội chính trị hay vị trí xã hội - cho phép người dân được mưu cầu những quyền cơ bản này. Trong khi các chế độ độc tài bác bỏ nhân quyền, các xã hội tự do lại tiếp tục phần đấu để đạt được những quyền đó. Các quyền con người phụ thuộc lẫn nhau và không thể tách rời; nhân quyền bao gồm nhiều khía cạnh của sự tồn tại con người bao gồm các vấn đề xã hội, chính trị và kinh tế. Trong số những quyền được chấp nhận phổ biến nhất là: -
Mọi
người dân có quyền được có chính kiến riêng của mình và bày tỏ chính
kiến ấy riêng rẽ hoặc trong các tổ chức mang tính chất hòa bình. Xã
hội tự do tạo ra một “thị trường ý tưởng” nơi người dân có thể trao
đổi quan điểm về bất cứ vấn đề gì. Tuyên ngôn Nhân quyền có thể được coi là tuyên bố chắc chắn về hầu hết những giá trị căn bản, đó là tư tưởng cho rằng cá nhân tồn tại trước chính phủ và xây dựng nên các chính phủ. Và tại nhiều thời điểm và địa điểm, Tuyên ngôn Nhân quyền đã như kim chỉ nam cho những ai đang sống dưới chế độ của những kẻ độc tài. “Chúng ta thừa nhận những Chân lý tự nhiên rằng tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng, rằng Tạo hoá trao cho họ những quyền không thể tước đoạt, đó là quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc - Để đảm bảo những quyền này, người ta đã tạo nên chính phủ với những quyền hạn được trao bởi chính những người nó cai trị”. Việc bảo vệ các quyền con người chính là tiền đề, là sự biện minh cho việc thành lập chính phủ dân sự. Người ta tồn tại không phải để phục vụ chính phủ như trong các xã hội độc tài mà ngược lại, chính các chính phủ tồn tại để bảo vệ người dân và các quyền của họ. Ngài Thomas Jefferson nhận định: “Việc liệt kê các quyền con người là điều mà người dân có quyền đòi hỏi bất cứ một chính phủ nào trên thế giới này, hãy làm rõ những quyền của người dân để không một chính phủ nào còn có thể động chạm đến họ”. Thẩm phán Benjamin Cardozo năm 1938 đã cho rằng: “Dưới các chế độ chuyên chế, quyền xét xử người dân của chính phủ có thể là một vũ khí của chế độ độc tài chính trị. Thậm chí cho đến nay, những chế độ độc tài vẫn thường cho truy lùng và bắt bớ không có lệnh của toà án, giam giữ người mà không có xét xử hoặc cho tại ngoại, và xét xử với ý đồ đàn áp hoặc nghiền nát những nhà chính trị đối lập”. Trong một xã hội dân chủ, người dân phải tôn trọng các quyền của người khác, nếu không bằng sự thành kính, thì cũng phải với sự hiểu biết cơ bản rằng sự giảm sút các quyền đối với một người có thể dẫn đến sự mất đi các quyền đó đối với tất cả mọi người. Việc ai đó thực hiện một quyền đòi hỏi những người khác không được can thiệp, một người có thể lên tiếng ủng hộ những tư tưởng cấp tiến không phù hợp với người nghe nhưng cảnh sát không được can thiệp vào quyền được tự do phát ngôn của người đó. Quyền được an toàn tại nơi cư trú của một người có nghĩa là cảnh sát không được thâm nhập trừ khi họ có lệnh hợp pháp. Về mặt đức tin, nó đảm bảo cho những người bất đồng chính kiến và thậm chí cả những người không có đức tin rằng họ có quyền làm theo ý mình. Quyền của con người được sống, tự do, sở hữu, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng và hội họp, và các quyền cơ bản khác không thể là kết quả của việc bỏ phiếu; chúng không phụ thuộc vào bất kỳ cuộc bầu cử nào. PHÁP QUYỀN Trong hầu hết lịch sử nhân loại, giai cấp thống trị và luật pháp đồng nghĩa với nhau, luật pháp đơn giản chỉ là ý chí của giai cấp thống trị. Bước đầu tiên để thoát khỏi chính thể chuyên chế đó là khái niệm pháp quyền, kể cả khái niệm kẻ thống trị cũng phải tuân thủ luật pháp và phải cai trị bằng các công cụ pháp luật. Các nền dân chủ đi xa hơn bằng việc xây dựng pháp quyền. Mặc dù bất cứ xã hội hay hệ thống chính phủ nào cũng đều có vấn đề, nhưng pháp quyền bảo vệ các quyền chính trị, xã hội và kinh tế cơ bản và nhắc nhở chúng ta rằng chính thể chuyên chế và vô luật pháp không phải là những lựa chọn duy nhất. -
Pháp
quyền có nghĩa là không một cá nhân nào, dù là tổng thống hay công
dân, được đứng trên luật pháp. Các chính phủ dân chủ thực thi quyền
lực bằng luật pháp và bản thân họ cũng phải chịu những hạn chế của
luật pháp.
Lời kết của bài ghi chép: Tôi thực sự ngưỡng mộ trước những tri thức vĩ đại của người tiền bối, họ đã được Thượng Đế trao cho những bộ óc vĩ đại, trọng trách cũng như khả năng để dẫn dắt một phần của thế giới con người ra khỏi nơi tối tăm mù mịt, còn phần u mê còn lại của thế giới rồi đây cũng sẽ được ánh sáng thần kỳ của Thượng Đế soi rọi tới, vì Tạo hoá đã sáng tạo ra con người, Ngài luôn mong muốn cho con người một cuộc sống tốt đẹp nhất như Ngài vẫn hằng mong muốn! Cầu mong Thượng Đế ban phước lành cho những dân tộc còn đang trong bức màn u mê tối tăm và dẫn dắt họ tới nơi có ánh sáng của văn minh nhân loại! Công
dân Bạch Ngọc Dương ghi chép. |