Mọi người có quyền tự do ngôn luận; quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và phổ biến mọi loại tin tức và ý kiến, không phân biệt ranh giới, bằng truyền miệng, bản viết hoặc bản in, bằng hình thức nghệ thuật, hoặc thông qua bất cứ phương tiện truyền thông đại chúng khác theo sự lựa chọn của mình (Điều 19,2 Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Liên Hiệp Quốc biểu quyết năm 1966, Việt Nam xin tham gia năm 1982). (Everyone shall have the right to freedom of expression; this right shall include freedom to seek, receive and impart information and ideas of all kinds, regardless of frontiers, either orally, in writing or in print, in the form of art, or through any other media of his choice.)

T À I   L I Ệ U

NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI ÂU CHÂU
VỀ TỘI ÁC CỦA CỘNG SẢN

Gs. Nguyễn văn Canh (10.09.2006)

Thưa toàn thể quí vị:
(Cách đây mấy tháng, anh Đốc sự Nguyễn ngọc Liên, cựu Chủ Tịch Tổng Hội Cựu Sinh Viên Quốc Gia Hành Chánh có liên lạc với tôi, cho biết rằng anh ấy và Đại tá Hoàng Đạo Thế Kiệt, đại diện nhóm Lập Trường Chung đã bàn với nhau và có ý muốn nhờ tôi nói về NQ 1481. Tôi thấy đây là sáng kiến rất hay. Vì vậy, tôi có mặt ở đây ngày hôm nay, 10 tháng 9, 2006 tại Westminster, CA.
Tôi xin nói rằng những vấn đề xung quanh NQ 1481 là các vấn đề có tính cách chuyên môn cao, gồm những danh từ mô tả một số định chế chính trị và pháp lý ít thông dụng ở ngoài đời. Vì thế, trình bày vấn đề to lớn này tại đây một cách cô đọng trong thời hạn 25- 30 phút khó có thể được diễn giải cho dễ hiểu. Ờ đây, tôi chỉ nêu sơ quan về danh từ ĐỘC TÀI TOÀN TRỊ HAY TOÀN CHẾ, mà các Quốc Hội Âu Châu đưa vào trong Đế Tài của các Nghị quyết và được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, vì nó là nên tảng của toàn bộ kế hoạch giải thể và tẩy uế di sản cùa cộng sản. Tôi mong rằng tôi có thể đề cập thêm một phần nào các chi tiết liên hệ trong phần trả lời các câu hỏi. )

Trong phiên họp ngày 25 tháng 1, 2006, khoá họp thứ V, Quốc Hội Âu Châu (Quốc Hội) đã thông qua Nghị Quyết có tên là ‘NHU CẦU QUỐC TẾ LÊN ÁN VỀ TỘI ÁC CỦA CÁC CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI TOÀN TRỊ CỦA CỘNG SẢN’ (và tôi gọi tắt là Chế độ độc tài Cộng Sản) hay NQ 1481. Quốc Hội đã thông qua Nghị quyết với 99 phiếu thuận trong tổng số 153 hội viên, và đạt được 64.7% tỷ lệ phiếu- vượt quá 2/3 số phiếu đòi hỏi của Quốc Hội để văn kiện luật pháp ấy có giá trị.

‘Quốc tế Lên Án Tội Ác Của Cộng Sản’ là hành vi nối tiếp và thực thi chủ trương của Quốc Hội đề ra trong Nghi quyết có tên là ‘BIỆN PHÁP TIÊU HỦY DI SẢN CỦA CÁC CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI TOÀN TRỊ CỦA CỘNG SẢN’ hay NQ 1096 mà Quốc Hội dã thông qua vào năm 1996.

Chủ trương kêu gọi Quốc Tế Lên Án Cộng Sản này là một bước khác được thực hiện vượt quá phạm vi Âu Châu.
Để có thể hiểu được rõ ràng hơn nguyên do cũng như bối cảnh của Nhu Cầu quốc tế lên án tội các cộng sản, tôi thấy trước hết cần phải nói về Nghị quyết Tiêu Hủy Các Di Sản của các Hệ Thống Tòan Trị của Cộng Sản hay NQ 1096. Không đề cập đến nghị quyết này là một thiếu sót lớn vì nó được coi như nền tảng của 1481. Biện pháp Tiêu huỷ (Tháo Gỡ như nói trong Nghị Quyết) Di Sản Tội ác Cộng sản là mô thức đã được Quốc Hội Âu Châu chập thuận và các quốc gia thành viên đang thực hiện và chúng ta theo đó để giải thể chế độ toàn trị của Việt cộng trong tương lai và như vậy có như thế mới thực hiện hoà giải dân tộc. Đặc biệt là mô thức này được Âu Châu hậu thuẫn cho ‘vài dân tộc khác còn bị cộng sản’ đoạ đầy như được minh định trong NQ 1481, trong đó có Việt nam.

Bài nói chuyện này gồm 2 phần:

Phần I. Biện pháp “tiêu huỷ” di sản của các hệ thống độc tài cộng sản hay NQ 1096.
Phần II: Nội dung của Nghị quyết Quốc Tế lên án Tội Ác của độc tài Cộng sản hay NQ 1481.

PHẦN I: TIÊU HỦY DI SẢN CỦA ĐỘC TÀI CỘNG SẢN

Cho đến 1989, cộng sản đã chế ngự tại 15 nước thuộc Liên Bang Sô Viết cũ, 6 quốc gia Âu Châu và 16 quốc gia khác trên thế giới. Khoảng hơn 1 tỉ người bị cộng sản kìm kẹp. Con số người bị giết ước tính là 94.35 triệu (có thể cao hơn), trong số đó có 1 triệu là người Việt. Những nạn nhân này bị chết là do hành quyết cá nhân hay tập thể, chết trong các trại tập trung, nạn nhân các vụ chết đói và lưu đầy. Đặc tính của đàn áp này là tiêu diệt hẳn một tập thể hay giai cấp: như địa chủ, quí tộc, trí thức, tư sản v.v. vì bị coi là kẻ thù giai cấp, cản trở xây dựng xã hội chủ nghĩa.

CÁC DI SẢN.
Với các biện pháp sắt máu khủng bố đó, cộng sản đã thiết lập một hệ thống cai trị độc tài và đã để lại a) xét về định chế, đó là các cơ chế về tập quyền, về quân sự hoá các cơ quan dân sự, về guồng máy thư lại quan liêu, về độc quyền kinh tế và qui luật hoá quá mức đời sống con người; b) xét về xã hội, đó là tình trạng tập thể hoá và tạo ra nếp sống chỉ biết phục tùng, và nay còn tiến xa hơn nữa là dân chúng sống trong trạng thái tuân lệnh mù quáng và có thói quen với lối suy tư độc đoán khác.

MỤC TIÊU.
Để tái lập tình trạng tự do và có trình độ văn minh trong hoàn cảnh thượng tôn luật pháp trên căn bản này, điều cần phải làm là khắc phục các khó khăn và phá hủy các cơ cấu và mô thức suy tư cũ.

Mục tiêu của tiến trình chuyển hoá này là: tạo dựng các nền dân chủ đa nguyên dựa trên nguyên tắc thượng tôn luật pháp, trên sự tôn trọng nhân quyền và tôn trọng mọi dị biệt. Các chương trình phải thực hiện là:
1. Áp dụng nguyên tắc phụ đới với chính quyền trung ương. Trung ương không được nắm trọn quyền quyết định trong tay. Đối với địa phương, cơ quan trung ương đóng vai trò phụ khi ra quyết định, nghĩa là chỉ khi mà quyết định ấy có lợi và hữu hiệu hơn
2. Dân chúng có tự do lựa chọn, bình đẳng các cơ hội. Chính quyền không được cản trở bất cứ công dân nào trong việc lựa chọn các quyết định liêbn hệ đến đời sống cá nhân hay chỉ dành bất cứ cơ hội tốt nào cho một giới nào
3. Đa nguyên về kinh tế. Mọi sinh hoạt kinh tế được mở rộng và sinh hoạt dự do
4. Trong sáng trong tiến trình ban hành quyết định. Chính quyền phải tuân theo một qui trình hình thành và ban hành luật lệ mà các quốc gia dân chủ đã chấp thuiận.
5. Áp dụng thuyết phân quyền. Quyền hành quốc gia được chia ra làm 3 ngành: Lập, Hành và Tư pháp, với nguyên tắc kiểm soát và cân bằng được áp dụng triệt để.
6. Tự do truyền thông. Quyền tự do báo chí, tư tưởng và phát biểu được triệt để tôn trọng
7. Bảo vệ tài sản tư nhân. Không được xâm phạm vào tài sản cùa tư nhân.
8. Phát triển một xã hội dân sự; đồng thời phải hủy bỏ chế độ tập quyền, quân sự hoá, độc quyền trong moi sinh hoat kinh tế và xã hội và chế độ quan liêu thư lại. Tư nhân hay các hội đòan phải có quyền được phát biểu và tham dự vào mọi sinh hoạt của đất nước: các vấn đề chính trị, xã hội, y tế, giáo dục, môi sinh…..

CÁC CHÍNH SÁCH LỚN.
Phải tái cấu trúc hệ thống định chế và pháp chế khi tiêu huỷ di sản cộng sản.

Thiết lập các cơ cấu hay luật lệ trong các lãnh vực:
1. Dân sự hóa hệ thống nhà tù (vì đựoc điều khiển theo lề lối quân đội), hay hủy bỏ chế độ quân đội hoá trong Bộ Nội Vụ.
2. Phân quyền cho cấp địa phương hay cấp miền.
3. Bãi bỏ độc quyền và tư hữu hoá, hai điểm này có vai trò chính trong công tác xây dựng một nền kinh tế thị trường tự do.
4. Xây dựng một xã hội đa nguyên.
5. Bãi bỏ chế độ thư lại quan liêu và chuyển quyền hành từ giới thư lại quan liêu sang tay dân chúng.
6. Hủy bỏ mọi qui định quá mức hay hạn chế theo lối độc tài.
7. Phải cải biến lề lối suy tư, có mục đích hủy bỏ sự sợ hãi trách nhiệm, né tránh trách nhiệm, gây ý thực tôn trọng sự khác biệt, hủy bỏ chủ nghĩa quốc gia cực đoan, bất dung thứ, kỳ thị chủng tộc và chủ nghĩa bài ngoại.
Giá trị của dân chủ là dung thứ, tôn trọng sự khác biệt, ý thức trách nhiệm về hành vi cá nhân.
Những giá trị này cần được phát huy qua các chương tình giáo dục, văn hoá, sinh hoạt cộng đồng để thay thế cho các giá trị mà cộng sản đã áp đặt cho dân chúng qua nhiều thế hệ.

CÁC CÔNG TÁC CỤ THỂ.
1.
Trên bình diện thực hành về mặt xã hội, các hành vi tội ác mà các cá nhân phạm dưới thời cộng sản toàn trị sẽ bị truy tố trừng phạt theo bộ luật hình sự thông thường hiện có. Có thể là vấn đề thời tiêu được nêu ra, nhưng đây là vấn đề thủ tục có thể điều chỉnh được. Có thể áp dụng nguyên tắc chung của luật pháp mà các xã hội văn minh công nhận để xét xử tội phạm khi cần. Mệnh lệnh thượng cấp không thể miễn trừ tội phạm.

2. Truy tố tội phạm cần đi đôi với phục hoạt đối với những người mà chế độ cộng sản kết án về những tội mà các xã hội văn minh không coi là tội hình sự, và phục hoạt cả những người đã bị xét xử bất công. Phải phục hồi danh dự, nhân phẩm và bồi thường vật chất cho họ.

3. Phải mở hồ sơ của mật vụ của cộng sản cho công chúng biết. Nạn nhân có quyền cứu xét hồ sơ.

4. Tài sản tư nhân kể cả của tôn giáo, bị tịch thu bất hợp pháp hay bất công trước đây, bị quốc hữu hoá hay truất hữu dưới thời cộng sản trên nguyên tắc phải được giao hoàn toàn vẹn cho chân chính sở hữu chủ nếu có thể được. Nếu không, phải bồi thường cho công bằng.

5. Công chức, nguyên là mật vụ thời cộng sản, bị sa thải theo ‘luật trong sạch hàng ngũ’ sẽ không bị tước đoạt quyền lợi tài chánh như hưu bổng. Nếu họ là các cán bộ trong hàng ngũ lãnh đạo cộng sản trước đây, và đã đựơc ban cấp quyền lợi quá đáng; quyền lợi ấy sẽ bị giảm xuống tới mức bình thường.

6. Quốc Hội khuyến cáo các quốc gia thành viên tu chính hay làm lại các luật lệ, thủ tục của mình sao cho phù hợp với các nguyên tắc của nghị quyết này.

Điều cần lưu ý rằng bảo đảm tốt nhất trong việc phá huỷ hệ thống tòan trị của cộng sản là các cải tổ sâu rộng về chính trị, luật pháp và kinh tế, dẫn tới hình thành nền văn hoá chính trị và lề lối suy tư dân chủ chính thống …

* * *

Tóm lại Cộng Đồng Âu Châu có những biện pháp cụ thể và toàn vẹn và trong một thập niên vừa qua họ đã thực hiện những điều cần thiết để thực sự tiến tới giải thể chế độ Cộng sản. Và họ đang thi hành một cách tích cực chương trình này.

Ngày 18 tháng 8, 2006 vừa qua, tại Ba Lan (1), việc truy tố 4 cán bộ cộng sản là một thí dụ. Họ là những người trong số 140 người đầu tiên được khám phá có dính líu vào việc tra tấn, bức cung các sỹ quan cao cấp Quân Đội quốc gia Ba Lan cách đây 56 năm, dù họ đã 80 tuổi. Toà đã bác kháng biện của họ viện lẽ là họ thừa hành mệnh lệnh cấp trên. Rồi, chính quyền Ba Lan đang phanh phui trước công luận danh sách các cán bộ mật vụ cộng sản mà hiện đang giữ chức vụ trong chính quyền là một phần nhỏ chủ trương này.

Cũng nhằm triệt tiêu các di hại của Cộng sản, chính quyền Roumanie (2) vào giữa tháng 8, 2006 công bố tên những người làm mật vụ cho Cộng sản, đã hay đang giữ chức vụ cao trong chính phủ hiện thời : cựu Bộ trưởng văn hoá Musca bí mật cho theo dõi sinh viên ngoại quốc tại đại học Roumanie vào thập niên 1970. Trong danh sách này có cả một nghị sĩ thuộc đảng Xã hội dân chủ (ông này đã thú nhận làm mật vụ), một phó Thủ tướng, và cả Tổng thống đương nhiệm.

Tại Đức, người ta công bố danh sách “dân biểu” Tây Đức bí mật làm việc cho Đông Đức (3). Trong danh sách này, có 5 dân biểu nhận tiền của Đông Đức và 11 người khác vô tình cung cấp tin tức cho Mật Vụ Đông Đức. Con số này hiện nay là 16 người. Ngoài ra, không phải trong lãnh vực làm mật vụ cho cộng sản, một nhà văn được giải thưởng Nobel năm 1999, ông Gunter Grass (4), đã thú nhận đã tình nguyện cộng tác với Mật vụ Đức Quốc Xã trong công tác giết người Do Thái. Ông ta nói vào ngày 18 tháng 8, 06 vừa qua: “Bí mật này đè nặng tâm hồn tôi từ hàng chục năm qua”…. Ông kêu gọi nuớc Đức “rút bài học quá khứ để soi rọi các thời kỳ lịch sử đen tối, để làm bài học cho tương lai.”

Tại Tây Ban Nha (5), vào cuối tháng 7, 2006, dù không nằm trong phạm vi ‘tội ác’ của Cộng sản được nêu ra trong NQ 1096, Thủ tướng thiên tả Sapatero cũng đang thực hiện chương trình ‘hiện đại hoá xã hội’, bằng cách ‘phục hồi danh dự, phẩm giá và bồi thường cho các nạn nhân nội chiến, nhằm ổn định lâu dài’, nghĩa là thực hiện ‘hoà giải trong cộng dồng dân tộc.’ Trong chương trình này, chính quyền cho xoá hết vết tích như tượng đài v.v. ở nơi công cộng của nền độc tài của Franco. Chúng ta biết rằng Chế độ Franco đã chấm dứt vào năm 1975 và sau 40 năm cầm quyền, có độ hàng trăm ngàn người bị giết hay mất tích, trong đó có 50,000 binh sĩ Cộng Hoà, 6000 người bị tù trên 3 năm và hàng trăm ngàn người phải chạy trốn ra ngoại quốc.

* * *

Căn cứ vào Nghị quyết ‘ Biện pháp tiêu huỷ di sản của độc tài cộng sản’, nghĩa là dùng nó làm nền tảng, Quốc hội ban hành nghị quyết đòi Quốc tế lên án Tội Ác này mà phạm vi của nó vuợt ra ngoài Âu Châu.. Mục đích là thúc đẩy cộng đồng quốc tế thanh toán toàn diện tội ác của cộng sản trên toàn thế giới; đồng thời ngăn chặn các chế độ toàn trị hiện hành vẫn còn tiếp tục vi phạm các tội ác ấy, và đóng góp vào việc ngăn chặn tội ác này xảy ra trong tương lai.

PHẦN II: QUỐC TẾ LÊN ÁN CÁC TỘI ÁC CỦA CỘNG SẢN

Tôi đề cập đến quan điểm của Quốc hội về a) tội ác của Cộng sản; b) nhận định về tình trạng tội ác của Cộng sản hiện nay ; c) các biện pháp đề nghị.

I. BẢN PHÂN TÍCH VỀ TỘI ÁC CỦA CỘNG SẢN:

Trước tiên, mục tiêu của Quốc Hội là đòi hỏi QUỐC TẾ LÊN ÁN CÁC TỘI ÁC của chế độ cộng sản. Đây là một nhu cầu cấp bách đối với các vi phạm thô bạo của cộng sản đã xảy ra trong qúa khứ và đến nay tiếp tục xảy ra tại một vài quốc gia còn theo đuổi chủ nghĩa này.
Để cho Nghị quyết này có cơ sở pháp lý, Quốc hội đã dựa vào Nghị quyết 1096 đã được thông qua năm 1996 làm nền tảng (đ.1).

Kế đó, Nghị quyết nêu rõ các tội ác của các chế độ cộng sản đã cai trị ở Trung và Đông Âu và của vài quốc gia hiện còn nắm quyền hành. Vậy tội ác đó là gì ? Đó là những hành quyết và ám sát cá nhân hay tập thể; gây nên chết tại các trại tập trung; gây ra nạn chết đói; lưu đầy; tra tấn; lao động nô lệ và các hình thức khác về khủng bố thân xác một cách tập thể; ngược đãi dựa trên nền tảng tôn gíao và chủng tộc; vi phạm về tự do lương tâm, tư tưởng và diễn tả, vi phạm về tự do báo chí và gồm cả thiếu vắng nền dân chủ đa nguyên.

Sau đó, căn cứ vào đâu mà các chế độ độc tài cộng sản ấy phạm các tội ác này? Nghị quyết trả lời rằng cộng sản biện minh bằng lý thuyết giai cấp đấu tranh và nguyên tắc độc tài vô sản. Thực hiện hai nguyên lý này là đi tới “tiêu diệt” những kẻ bị coi là nguy hiểm cho công tác xây dựng xã hội mới, và như vậy họ là kẻ thù của các chế độ tòan trị của cộng sản. Đại đa số nạn nhân là công dân của họ.

II. NHẬN ĐỊNH VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ CÓ LIÊN QUAN ĐẾN TỘI ÁC NÀY:

1. Dù đã phạm các tội ác ấy, nhưng vài đảng cộng sản Âu châu đã góp công vào việc xây dựng được nền dân chủ.

2. Kể từ khi các chế độ cộng sản Đông và Trung Âu sụp đổ, chưa có một cuộc điều tra quốc tế nào về tội ác ấy được thực hiện. Các thủ phạm chưa bị cộng đồng quốc tế đưa ra xét xử như truờng hợp Quốc xã trước đây.

3. Ý thức của quần chúng về tội các ấy rất kém. Vài đảng cộng sản được hợp pháp và còn đang hoạt động tại vài quốc gia, và trong một vài trường hợp các đảng ấy không tự mình xa lánh các tội ác loại này mà các chế độ cộng sản đã phạm trong quá khứ.

4. Ý thức về lịch sử là một điều kịên tiên quyết để giúp tránh các tội phạm tương tự xảy ra trong tương lai. Đánh giá trên căn bản tinh thần và lên án đối với tội ác này còn đóng một vai trò quan trọng trong công tác giáo dục giới trẻ. Việc xác định vị trí của cộng đồng quốc tế về tội phạm này sẽ gíúp cho giới trẻ có thể tham chiếu để hành động trong tương lai.

5. Quốc tế cần phải bày tỏ lòng cảm thông, hiểu biết và ghi nhận những đau khổ mà các nạn nhân chịu đựng.

III. CÁC BIỆN PHÁP ĐỀ NGHỊ:

1. Hiện nay còn vài chế độ tòan trị của cộng sản đang ngự trị tại một vài quốc gia, và chúng còn tiếp tục phạm tội ác. Quyền lợi quốc gia không thể ngăn cản việc lên án đúng mức. Quốc hội lên án gay gắt tất cả mọi vi phạm nhân quyền.

2. Tại cấp quốc gia trong vài quốc gia hội viên Hội Đồng Âu Châu cho đến nay đã có những tranh luận và lên án ấy. Việc này không thể miễn trừ cộng đồng quốc tế lựa chọn một vị trí rõ rệt về các tội phạm này. Cộng đồng quốc tế có một nghĩa vụ tinh thần nêu vấn đề và lên án ngay tức khắc, không được chậm trễ thêm nữa.

3. Hội Đồng Âu Châu là nơi thích đáng dành cho các cụôc tranh luận như vậy trên bình diện quốc tế. Tất cả các quốc gia cựu cộng sản ở Âu Châu, ngoại trừ Belarus, bây giờ là thành viên Hội Đồng, và đối với các quốc gia ấy, thì việc bảo vệ nhân quyền và thượng tôn luật pháp là giá trị căn bản mà Hội Đồng theo đuổi.

4. Vì vậy, Quốc hội: a) lên án gay gắt những vi phạm nhân quyền tập thể của các chế độ cộng sản, và bày tỏ mối cảm thông, hiểu biết và ghi công các nạn nhân của các tội ác này. b) kêu gọi tất cả các đảng cộng sản hay hậu thân cộng sản trong các quốc gia thành viên của Quốc hội chưa làm gì để đánh giá lại lịch sử cộng sản và quá khứ của mình, hãy tự xa lánh khỏi tội ác của cộng sản và hãy minh thị lên án các tội ác ấy. c) đòi hỏi cộng đồng quốc tế xác định vị trí rõ rệt của mình về những tội ác ấy. Có như thế sẽ dọn đường thêm nữa cho công việc hoà giải. Ngoài ra, còn khuyến khích các sử gia trên khắp thế giới tiếp tục sưu tầm ngõ hầu xác định đúng mức cũng như kiểm chứng vô tư những gì đã xảy ra trước đấy.

* * *

KẾT LUẬN:
Đòi hỏi Quốc Tế lên án Tội Ác của Cộng sản là một việc làm rất hữu ích và quan trọng. Đó là hành vi cảnh cáo cộng sản về các vi phạm tội ác. Nghị Quyết nói rõ vài quốc gia còn theo chủ nghĩa Cộng sản hiện nay vẫn tiếp tục phạm tội ác đó, mà một trong vài quốc gia đó là Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt nam. Quốc Hội lại còn đi xa hơn bằng cách kêu gọi các đảng cộng sản còn sót lại như Đảng CSVN hãy thức tỉnh: Tự Lánh Xa các tội ác ấy.

Ngoài ra, Quốc Hội đòi hỏi phải điều tra tội phạm này, và lập một diễn đàn quốc tế để thảo luận về vấn đề tội ác của cộng sản và Cộng Đồng Âu Châu sẽ là nơi để tranh luận về vấn đề này với mục đích rõ rệt là trừng phạt thủ phạm các tội ác và đề ra các biện pháp phục hoạt lại chế độ dân chủ tự do. Thái độ rõ rệt và chủ trương quyết liệt, không khoan nhượng ghi trong Nghị quyết này là bước khởi đầu để mang lại hoà giải dân tộc và tự do dân chủ cho các dân tộc bị độc tài cộng sản cai trị, và cũng còn cảnh cáo những kẻ có tham vọng theo đuổi mục tiêu xấu xa này trong tương lai...

Tại Âu Châu, công tác thi hành Nghị Quyết hủy diệt các di sản về Tội Ác của Cộng sản hay NQ 1096 đang được thi hành sôi nổi. Các vụ truy tố các cán bộ cao cấp cộng sản trước đây đã ngược đãi dã man đồng bào của họ đã xuất hiện. Với phong trào này đang được đẩy mạnh trên trường quốc tế, số phận của các đảng viên đảng Cộng sản Việt nam trong trường hợp tương tự sẽ được quốc dân Việt nam định đoạt một cách nghiêm túc. Cộng đồng người Việt hải ngoại cần dồn nhiều nỗ lực tiếp tay với Quốc Hội Âu Châu để thực hiện mục tiêu đẩy lui Việt cộng và tiến tới giải thểtẩy uế (lustration) các di sản mà VC để lại cho dân tộc.

Tôi ngưng bài nói chuyện ở đây, và sẽ trả lới câu hỏi của quí vi, sau phần trình bày của Ls. Đinh thạch Bích. Tôi đã nhờ in sẵn bài viết nhan đề là “Tội Ác của Việt Cộng đối với Dân Tộc” được viết vào năm 1990, bổ túc vào năm 2000 và được đăng trên Florida Việt Báo số tháng 6,2000. Xin xem thêm: Nguyễn văn Canh “ Tội Ác Đảng CSVN Phạm Phải Đối Với Dân Tộc”, Cộng Sản Trên Đất Việt, Quyển I, Kiến Quốc, In lần 2, 2003, tr. 315-319 để phổ biến tới qúi vị hiện diện.

Cám ơn toàn thể quí vị.
.......................................................................................................................................

ĐÍNH KÈM

TỘI ÁC CỦA VIỆT CỘNG ĐỐI VỚI DÂN TỘC
Gs. Nguyển văn Canh (15 tháng 4, năm 2000)

Hồ chí Minh và Đảng Cộng Sản Việt nam (Việt Cộng hay VC) du nhập chủ nghĩa cộng sản vào Việtnam, rồi áp dụng chủ nghĩa này một cách trung thành, dùng mọi thủ thuật, với tham vọng là ép buộc dân tộc sống trong chế độ xã hội chủ nghĩa trước khi đi đến mục tiêu cuối cùng là Cộng Sản Chủ Nghĩa.

Do sự chỉ đạo chặt chẽ của Lênin và Stalin, rồi Mao, VC nhất nhất từng bước thực hiện một cuộc cách mạng vô sản theo khuôn mẫu cuả quan thầy đề ra trên con đường tiến tới mục tiêu ấy, dù bằng bất cứ phương tiện nào, với bất cự giá nào, kể cả xương máu của dân Việt. Chính vì thế mà, dân tộc Việt phải trả một giá quá đắt trong quá trình thực hiện cuộc cách mạng này.
Ở đây, tôi chỉ tổng kê một số những giá mà dân Việt phải trả trong cuộc cách mạng vô sản của VC hay khác đi cái gía đó chính là tội ác mà VC gây ra cho dân tộc.
Vậy tội ác của VC trong hai giai đoạn của cuộc cách mạng vô sản: Phá huỷ chế độ cũ và Xây dựng xã hội chủ nghĩa là gì ?.

TẠI MIỀN BẮC

I. GIAI ĐOẠN PHÁ HỦY: Trên đường tiến tới cướp quyền và nắm quyền lực.

A. Trong giai đoạn vận dụng chiếm chính quyền: Giai đoạn này được kể là từ suốt trong thời kỳ từ khi Việt Cộng hoạt động cho tới 1954. Giai đoạn này gồm 2 thời kỳ:

a) Từ đầu cho đến 1946 là thời kỳ tranh chấp Quốc - Cộng: VC lưà người quốc gia trong chiến lược liên minh, rồi bí mật thủ tiêu. Không ai biết rõ con số là bao nhiêu. Tuy nhiên có thể nói là hàng ngàn người, gồm các lãnh tụ đảng phái: Việt Quốc, Đại Việt Quốc Dân Đảng, Đại Việt Duy Dân, Đại Việt Dân Chính, Đại Việt Quốc Xã, Dân Xã Đảng và nhiều Đảng khác. Các lãnh tụ các tôn giáo cũng bị thủ tiêu trong giai đoạn này. Sự chém giết rất tàn bạo và tràn lan, khắp nơi từ thành thị đến nông thôn từ Bắc chí Nam, từ đồng bằng lên miền núi.

b) Từ 1946 đến 1954 thời kỳ chiến tranh Việt - Pháp. Các lãnh tụ đảng phái tôn giáo còn sót lại là mục tiêu, cộng thêm các thành phần mà Việt cộng gọi là Tề Điệp Ác Ôn ở nông thôn. Đây là những người họặc công khai đứng về phiá Quốc gia cộng tác với Pháp chống lại VC, kể cả những người bất hợp tác với VC dù không công khai chống lại chúng. Không xã nào là không có người bị ám sát hay thủ tiêu. Con số nạn nhân loại này có thể lên tới hàng vạn.

Ngoài ra, hàng trăm ngàn thanh niên ưu tú của dân tộc phải nhập ngũ của mỗi bên đã bỏ mình trên trận địa hay bị thương trong cuộc chiến do VC phát động.
Trong giai đoạn này, nhiều di sản của dân tộc như đình chùa, miếu mạo, các cơ sở và nhiều tài liệu văn hoá bị VC tiêu huỷ.

B) Nắm quyền tại Bắc Việt: Khi mới tiến vào các thị trấn theo Hiệp Định Genève 1954, VC còn tỏ ra mềm dẻo, nên việc giết chóc không được ghi nhận tại Hà nội, Hải Phòng. Lý do là có thời gian 300 ngày cho những ai muốn di cư vào Nam vì những người ấy có thể trốn đi vào Nam.
Không biết rõ con số bị thủ tiêu ở các vùng xa xôi.

II. XÂY DỰNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở MIỀN BẮC TỪ 1954.

A) Các biện pháp chuẩn bị

1. Cải tạo công thuơng nghiệp: đánh tư sản mại bản, đánh tư sản dân tộc.
Các công, kỹ nghệ, thương gia và những ngưòi giầu có tại thành thị bị thanh toán. Tòan thể giai cấp này bị hoàn tòan loại ra khỏi xã hội: hoặc bị giết, hoặc bị đưa đi cải tạo dài hạn ở các vùng rừng núi xa xôi, gồm cả chương trình chỉ định định cư vĩnh viễn (lưu đầy). Tài sản của cải của họ, cùng với tài sản của các tôn giáo bị tước đoạt như nhà máy, kho tàng, phương tiện chuyên chở v.v., các cơ sở giáo dục, từ thiện xã hội của tư nhân, đình chùa miếu mạo, nhà thờ, chùa chiền và trở thành tài sản của Nhà Nước.
Các người bị gọi là trí thực, như giáo sư, luật sư, văn nghệ sĩ v.v. bị trấn áp, và tư tưởng của họ bị uốn nắn lại để thích ứng với tình thế mới: tiêu diệt hết tư tưởng của họ.

2. Cải cách ruộng đất. 5% nông dân bị thanh toán qua chương trình đấu tố: hoặc bị giết ngay tại đấu trường, hoặc bị đưa đi cải tạo dài hạn tại các vùng rừng núi do quyết định tại các phiên xử của Toà Án Nhân Dân. Gia đình của nạn nhân cũng bị loại ra khỏi xã hội. 5% của tổng số dân chúng Bắc Việt lúc đó là 14 triệu người hay là 700,000 người, trong số này, có 40,000 đã là đảng viên. Họ bị qui tội là thuộc 5 thành phần địa chủ sau: phản bội; phản động; gian ác bóc lột; địa chủ thường; và địa chủ thuộc thành phần khác (như trường hợp ông đồ nho); và về sau VC thiết lập loại thứ 6: địa chủ kháng chiến (vào thời kỳ sửa sai, để phục hoạt cho những người còn sống sót trong số 40,000 đảng viên ở trên (6)). Ruộng đất của họ bị tước đoạt và trở thành tài sản của nhà nước. Tổng số ruộng bị Đảng cướp là 4,188,851.60 sào tây (7). 800,000 người phải bỏ nhà cửa, chạy trốn, di cư vào Nam.

Dưới đây là các hình ảnh kinh hoàng “đấu tố-cải cách ruộng đất” Bắc Việt 1955
dưới chế độ Cộng sản Việt Nam

Hình chụp bởi Dmitri Baltermants ©, Nhiếp ảnh gia Liên-xô (1912-1990)

  
Sau màn đấu tố, "Địa chủ" liền bị "Tòa án nhân dân" bắn chết ngay tại chổ

B. Xây Dựng XHCN:

Các xí nghiệp quốc doanh ra đời và chính sách hợp tác hóạ nông nghiệp được thực hiện. Toàn thể dân chúng bị đặt trong vòng kiểm soát của Đảng theo chế độ công điểm: hưởng thụ theo khả năng. Mọi quyền tự do dân sự bị hạn chế. Giáo dục một thế hệ mới để trở thành công dân mới xã hội chủ nghĩa. Trong giai đoạn này, tòan thể giá trị tinh thần, đạo đức truyền thống của dân tộc bị tiêu diệt.

Bạo lực là phương tiện chính yếu để đạt mục tiêu cuối cùng: xây dựng xã hội chủ nghĩa.

TẠI MIỀN NAM

I. GIAI ĐOẠN TIẾN CHIẾM QUYỀN HÀNH: 1954-1975

Không có con số chính thức về ám sát, bắt cóc, thủ tiêu các viên chức xã ấp, các nhân sĩ nông thôn kể từ khi bạo lực được sử dụng từ tháng 7 –năm 1959 là lúc chiến dịch Đồng Khởi bắt đầu tại Bến Tre cho đến 1975. Có ước lượng cho biết là con số này là 100,000 người.

Tắm máu trong dịp Tết Mậu Thân 1968 tại Huế, với các mồ chôn tập thể là 4 đến 6,000 người. Có bằng chứng cho thấy nạn nhân bị chôn sống, hoặc chặt đầu bằng mã tấu, dùng báng súng hay vật cứng đánh vỡ sọ nạn nhân.

Ngoài thiệt hại nhân mạng ra, tài sản bị phá hủy không có cách nào biết hết được.
Tổng kết: 1.1 triệu thanh niên Miền Bắc bị đưa vào Miền Nam chiến đấu bị chết trên chiến trường, trong số này có 300,000 mất tích; và 600,000 bị thương (8). Con số dân chúng bị tàn phế: 3 triệu và 550,000 mù lòa .
Tại Miền Nam, Quân Đội Việt nam Cộng Hòa: 300,000 chết. Dân chúng: số người chết và bị thương từ 1965 tới 1973: 1,435,000 người, và từ 1973 đến 1975, số người chết là 339,882 và số tàn phế: hơn 80,000. Số người tị nạn trong nội địa vì chiến tranh là:10,260,000 người (10).

II. GIAI ĐOẠN CỦNG CỐ CHẾ ĐỘ VÀ XÂY DỰNG XHCN

Các tội ác gồm:
A) Giai đoạn chuẩn bị: Thanh toán các đối thủ để phòng ngừa chống đối:

1) Chém giết hàng loạt các thành phần có thể chống đối chế độ. Theo báo cáo của 2 học giả thuộc Đại Học Berkeley là Karl Jackson và Jacqueline Desbarats phổ biến vào năm 1985 (11), sau 3 năm điều tra, thì sự chém giết gồm cả thủ tiêu tức khắc hay xét xử cấp thời ngay trong lúc mới chiếm được chính quyền tối thiểu là 65,000 người. Trong số này có những vụ tàn sát tập thể như ở Phú Yên: 225 xác chôn trong một hố tại Lù Ba; 27 xác tại Hố Ngựa; 85 núi Thọ Vực. 6 xác tại Cập Xộp và 30 nạn nhân tại Cầu Dài. Có bằng chứng là các nạn nhân này bị chặt đầu, đâm vào ngực, đánh bể sọ, trói lại dìm xuống nước cho chết (12) v.v..

2) Tiêu diệt toàn bộ cái mà VC gọi là giới thống trị cũ.
a) Bắt đi cải táo: 500,000 (13) quân cán chính Việt nam Cộng Hòa và theo báo cáo của Aurora Foundation 1990 thì 15% tù cải tạo bị chết trong các trại cải tạo vì thiếu dinh dưỡng, bệnh tật, ngược đãi và hành quyết.
b) Loại trừ hết giới tư sản bằng các biện pháp trấn áp đối với thân thể. Các chuyên viên, trí thức cần thiết cho điều hành hay phát triển kinh tế, xã hội bị hoàn tòan thanh toán.
c) Cưỡng bách dân chúng đi vùng kinh tế mới.

B) Cải tạo tiến lên Xã Hội Chủ Nghĩa.

1) Các chương trình cải tạo công thương nghiệp: đánh tư sản mại bản, tư sản dân tộc y như đã xẩy ra tại Bắc Việt sau 1954 đã được áp dụng. Cướp đoạt tài sản của dân chúng qua các chương trình này. Máy móc, kho hàng, thuốc men, vàng bạc…. bị đánh cướp và chuyển ra Bắc. Các tài sản tư nhân, tôn giáo bị cưỡng đoạt. Nhà cưả của dân chúng bị tịch thu cho cán bộ đảng ở, còn các nạn nhân bị đuổi đi vùng kinh tế mới. Các biện pháp đổi tiền củng nhằm trong mục tiêu này. Rất nhiều chết chóc, tù đầy; gia đình bị phân tán.

2) Rồi Cải Cách Ruộng Đất cũng được thi hành tại Miền Nam. Tuy nhiên, chương trình vì này bị kháng cự mãnh liệt nên không đạt được mục tiêu là loại trừ hết giới địa chủ bằng biện pháp đấu tố rùng rợn như đã xẩy ra ở Bắc Việt trước đây.Về tài sản, ruộng đất củng đã lọt vào tay nhà nước.

Với các biện pháp này, chưa có con số thống kê về tổn thất nhân mạng.

C) Các tội ác khác:

1) Buôn bán tự do: Đàn áp và ngược đãi dân chúng, rồi tạo cơ hội cho phép một số người vượt biển. Bù lại, những kẻ ra đi phải nộp vàng, nhà cửa cho cán bộ Đảng. Nguyễn văn Linh, sau là Tổng Bí Thư Đảng, phụ trách công tác này tại Miền Nam, nộp vàng trực tiếp cho Uỷ Viên Chính Trị Bộ kiêm Bộ Trưởng Nội Vụ Trần quốc Hoàn, dưới sự chỉ đạo của 2 bộ Tài Chánh và Nội Vụ. Hai Bộ này ban hành lệnh trực tiếp cho các tỉnh Miền Nam. Đảng ủy địa phương điều đình khế ước với người đứng ra tổ chức vượt biển để xác định lộ trình. Mỗi hành khách ghi tên đi phải trả là 4 lượng vàng cho Trung ương. Đảng uỷ trung ương qua 2 Bộ trên chỉ đạo các chuyến đi “đăng ký chính thực” (14). Còn các phương cách vượt biển khác như “đi chui, mua bãi, đi bán chính thực” là do các tỉnh uỷ địa phương phụ trách (15). Số tiền thu cho việc buôn bán tự do này được ước tính là 115 triệu Mỹ kim vào 1978, tương đương với 2.5 tổng số lới tực quốc gia (16) năm đó.

Ngược đãi đối với dân chúng phối hợp với âm mưu bán tự do kiếm tiền, Đảng Cộng Sản đã là nguyên cớ thúc đẩy và đồng thời phát động phong trào cho dân chúng vượt biển. Hậu quả là khoảng trên 1 triệu người liều mạng vượt biển ra đi. Trong số này, theo một linh mục người Âu phụ trách tị nạn tại Nhật ước tính (1984) rằng độ 300,000 chết trên biển hay trên đường bộ. Thống kê của Phủ Cao Uỷ Tị Nạn Liên Hiệp Quốc cho biết từ 1977 đến cuối tháng 4, 1982 có 709,570 người tới được các trại tị nạn nằm rãi rác khắp nơi trên thế giới (17).

2) Vai trò thừa sai của VC thực hiện âm mưu bá chủ thế giới của Liên Sô. VC đóng vai trò tay sai của Liên Sô trong âm mưu bành trướng thế lực của Cộng sản thế giới nhằm tiến tới tòan cầu hóa Cộng sản. Khởi đầu từ việc đánh chiếm Cao Miên, rồi đe doạ Thái lan, tính tràn qua các quốc gia khác ở Đông Nam Á, rồi Nam Á, cùng với sự hỗ trợ cho Liên sô sử dụng Vịnh Cam Ranh để cho Hàng Không Mẫu hạm Minsk có thế tiến tới Ấn Độ Dương. VC lo yểm trợ cho mũi dùi quân đội Liên Sô tiến qua A phá Hãn, ngõ hầu kiểm soát kho dự trữ dầu cuả thề giới ở Vịnh Ba Tư. Rồi, Liên sô phải từ bỏ kế hoạch đó, vì thất bại. Việc đánh chiếm Miên không thành công. VC phải rút quân sau 10 năm chiếm đóng. Cái gía phải trả là 50,000 thanh niên Việt bỏ mạng tại đây. Tài nguyên quốc gia bị hao tốn, dù Liên sô viện trợ quân sự có năm nhiều nhất lên tới 1 tỉ Mỹ Kim cho thừa sai VC trong công tác này.

3) Vấn đề lãnh hải và lãnh thổ.

a) Sang nhượng Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Cộng. Năm 1958 dưới sự chỉ đạo của Hồ chí Minh, Phạm văn Đồng nhân danh Thủ tướng VC gửi văn thư cho Tổng Lý Sự Vụ Chu Ân Lai xác nhận quan điểm của Trung Cộng khi họ tuyên bố vùng lãnh hải gồm Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc quyền sở hữu của họ. Đến nay, Trung cộng đã chiếm trọn Hoàng Sa. Trung Cộng đã xây dựng trên đó phi trường, căn cự quân sự, hồ chưá nước ngọt cho quân trú phòng. Năm 1999, Trung Cộng thiết lập một dự án du lịch tại đây. Còn về Trường Sa, Trung cộng đã chiếm cả thẩy 8 đảo, và đã thiết lập bia đánh dấu chủ quyền trên một đảo là Đa Lạc. Phản ứng của Việt cộng về vấn đề lấn chiếm này chỉ có tính cách hình thức, làm mọi người thấy rằng đây là hành vi đồng lõa của tội phạm.

b) Không bảo vệ phần lãnh thổ phiá Bắc. Trên 36 địa điểm cháy dài khoảng 100 cây số trong tổng số 347 cây số thuộc đường ranh biên giới từ Lạng Sơn đã bi chiếm. Tổng số diện tích đất bị chiếm vào khoảng 80,000 hectares. Có nơi Trung cộng chiếm sâu vào nội địa Việt nam là 480 thước. Đồn quan thuế ở Ải Nam Quan đã di vào nội địa khoảng gần nửa cây số.

4) Phá rừng để làm tiền cho Đảng: Diện tích rừng đã giảm từ 44% xuống còn 24%, vì chặt cây làm củi đun bếp, lấy đất canh tác, đặc biệt là lấy gỗ xuất cảng, kiếm tiền. Sự tàn phá rừng nhiều đến nỗi Cơ Quan Phát Triển Liên Hiệp Quốc phải nhẩy vào, viện trợ để trồng rừng trở lại vì sợ ảnh hưởng qúa lớn đối với môi sinh, nguy hại cho thế hệ mai sau. Trận lụt ở Thừa Thiên vừa qua gây thiệt hại nhiều nhân mạng và tài sản của dân chúng là bằng chứng về vụ tàn phá rừng của Đảng .

5) Xây dựng con người mới trong Xã Hội Chủ Nghĩa. Phá hủy hết mọi giá trị tinh thần đạo đức truyền thống dựa trên nền tảng nhân ái, hiếu hòa, lương thiện v.v. để đặt nền tảng cho công tác xây dựng con người mới với nền văn hoá xã hội chủ nghĩa. Hậu quả của gần nửa thế kỷ xây dựng xã hội chủ nghĩa ở Bắc Việt và ¼ thế kỷ ở Nam Việt, con người truyền thống của dân Việt không còn nữa. Tôi không biết là cần bao nhiêu thập niên, bao nhiêu thế hệ mới có thể xây dựng lại được mẫu người Việt tốt đẹp truyền thống.

Tôi không kể đến những tội có tính cách luân lý như trường hợp Hồ chí Minh bán cụ Phan bội Châu cho mật thám của Pháp để làm tiền. Với nền đạo đức xã hội chủ nghĩa này mà hành vi họ Hồ làm biểu tượng được du nhập vào Việt nam, xã hội trở thành băng hoại.

* * *

Trong mấy năm gần đây, có một số người nhân danh đảng phái quốc gia vận động về hợp tác với VC bằng cách tham dự bầu cử do Việt cộng tổ chức, một số trí thức làm tay sai cho VC ở hải ngoại, một số con buôn hô hào về xây dựng đât nước nghèo khổ. Họ nhân danh dân tộc để làm công việc ấy. Những người ấy hoặc tự nguyện làm tay sai với hy vọng được hợp tác với VC, hoặc đã được VC nuôi dưỡng để làm công việc này. Những kẻ ấy thực sự là đồng loã của tội ác vì đã hay đang tiếp tay cho VC, giúp chúng tồn tại lâu hơn để tiếp tục bóc lột và đàn áp dân Việt. Họ đích thực là Ngụy Tị Nạn. Và ai củng biết là VC bây giờ chỉ còn cầm cự để tồn tại lâu chừng nào hay chừng ấy. Ngày ra đi của chúng không còn bao xa. Người Việt ở hải ngoại cần đề cao, cảnh giác đối với các âm mưu do Ngụy Tị Nạn này thực hiện và mai này đây những kẽ ấy sẻ bị dân tộc trừng phạt đích đáng.

Gs. Nguyễn văn Canh, Viện Hoover - trường Đại Học Stanford (10.09.2006)

Chú thích:
(1) RFI, Aug. 24, 2006
(2) BBC, Aug. 18, 2006
(3) RFI, Aug. 7, 2006
(4) RFI, Aug.20, 2006
(5) RFI, Aug. 1, 2006
(6) Nguyen van Canh “Nong Dan Bác Viet, nhung nam 1945-1970”, Center for Vietnamese Studies, San Jose, 1987, tr. 35-36
(7) -id- tr.19
(8) AP trích báo cáo của Bộ Cưu Chiến Binh, Lao Dong,Xa Hoi VC; San Jose Mercury News, 4 tháng 4,95. Buì ngoc Thanh: Bac Cong Xa Hoi: Mot van de trong chinh sach xa hoi”, Tap Chi Cong San, so 6 tháng 6, 1990, tr.55-59: liet ke con so thuong vong la hơn 1 trieäu.
(9) Xem Bui ngocc Thanh ghi o tren.
(10) Gloria Emerson “Winners and Loosers”, Random House, 1976
(11) Karl Jackson and Jacqueline Desbarats “ Research Among Vietnamese Refugees Reveals a Bloodbath”, The Wall Street Journal, April 4.1985, tr.23, and “Peacetime Bloodbath takes its toll on Vietnam,Too”, Los Angeles Times, May 1,1985 tr.11-13
(12) Nguyen van Canh “Việtnam Under Communism”, Hoover Press, 1983 tr.126-128.
(13) Mai chí Tho, Bo Truong Bo Noi Vu, tuyen bo voi AP, Aurora Foundation “Violations of Human Rights in the Socialist Republic of Vietnam, 1990, tr. 156.
(14) Paul Wilson “How Vietnam Profits From Human Traffic” FEER, 12 tháng 6,1979, tr.10
(15) Nguyen van Canh “Vietnam Under Communisn” Hoover Press,1983, tr. 128-130
(16) Guy Sacerdoti ”How Hanoi cashes In” FEER, 15 tháng 5, 1979, tr. 24
(17) Nguyễn văn Canh, -id- p.136
(18) Murray Hiebert “Travelling Trash: VN’s Environment Attack From All Quarters”, FEER, Feb. 3, 94 tr.21,24

www.TDNgonLuan.com hoan nghênh ý kiến đóng góp của qúy vị độc giả. Xin email về: tdngonluan@yahoo.com hay type vào hộp Ý Kiến/Comment Box ở dưới đây và nhấn vào nút "Submit" để gởi đi. Trân trọng:

TÊN, HỌ / NAME:  
 E M A I L:  

Ý KIẾN /  COMMENT:  

Trở về trang chính

Chân    thành    cảm    tạ    qúy    vị    ghé    thăm    trang    nhà    website    Tự    Do    Thông    Tin    Ngôn    Luận    cho    toàn    dân    Việt Nam

Copyright © 2006 www.tdngonluan.com / Email: tdngonluan@yahoo.com  -  All rights reserved.