Kính
gửi:
- Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền tại CHXHCN Việt
Nam
- Các Cơ quan Nhân quyền quốc tế
- Toàn thể Đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước
Việt Nam, ngày 05-09-2009
Kính thưa Quý Vị,
Bị biệt giam trong nhà tù rất hà khắc tại Việt Nam nhiều năm
qua, sức khỏe của Linh mục Nguyễn Văn Lý và Luật sư Lê Thị Công Nhân
bị suy giảm nghiêm trọng, nhất là Lm Lý đang trong tình trạng nguy
kịch.
a) Trường hợp Lm Nguyễn Văn Lý: Từ tháng 5-2009,
nhiều triệu chứng đáng lo ngại đã xảy ra, như xuất huyết từ bàng quang,
bị té và thủng ở đầu, nửa thân bên phải cứng đờ và tê liệt khó cử
động. Thế nhưng theo lời linh mục kể lại với thân nhân, sự chăm sóc
của trại giam rất sơ sài, chỉ xức thuốc và cho uống thuốc (Bản tin
ngày 28-08-2009). Nếu không được chăm sóc và chữa trị kịp thời, các
triệu chứng này sẽ có thể dẫn đến đột quỵ và tai biến mạch máu não
nặng nề, không còn cứu chữa được. Hậu quả tai hại là Lm Lý có thể
trở thành người tàn phế.
b) Trường hợp Ls Lê Thị Công Nhân: Ngoài viêm mũi
là bệnh kinh niên, thị lực còn bị suy giảm: cận thị nặng và bắt đầu
loạn thị, tròng trắng mắt trái có cục nhỏ như hạt đậu xanh gây cộm
khó chịu; các khớp xương thì bị đau nhức, cầm bút hay co tay cũng
đau đớn. Thế nhưng theo lời kể của thân mẫu luật sư, nhà tù chỉ chữa
trị rất sơ sài. (Bản tin ngày 20-07-2009 và cuộc phỏng vấn ngày 23-08-2009).
Nếu không được chăm sóc và chữa trị đầy đủ, bệnh mũi, mắt và khớp
xương sẽ trở nên trầm trọng và có thể gây nhiều biến chứng.
Vì thế, dựa trên những văn kiện về Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc mà
VN là thành viên, chính xác là những điều sau:
- Điều 10 của Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị: “Những
người mất tự do vẫn phải được đối xử nhân đạo và tôn trọng nhân phẩm”;
- Điều 12 Công ước Quốc tế về các quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa:
“Mọi người đều có quyền được hưởng tiêu chuẩn cao nhất về sức
khỏe thể chất và tâm thần”;
- Nguyên tắc 9 của Những nguyên tắc căn bản liên quan tới việc đối
xử với tù nhân (1990): “Tù nhân được tiếp cận những dịch vụ y
tế có trên toàn quốc, không phân biệt tư cách pháp nhân”.
- Qui tắc 22 của Bộ qui tắc tối thiểu về đối xử với tù nhân (1957):
“Đối với những người bệnh cần chăm sóc y tế, phải dự kiến chuyển
họ tới những bệnh viện chuyên môn của trại giam hoặc tới bệnh viện
dân sự”;
Khối 8406 chúng tôi xin thay mặt cho gia đình Lm Nguyễn Văn Lý, gia
đình Ls Lê Thị Công Nhân cùng tất cả những người trong và ngoài nước
đang đặc biệt lo lắng cho sức khỏe của hai vị này, khẩn thiết gửi
thư này đến:
- Quốc hội, Chính phủ và tất cả các cơ quan có thẩm quyền tại Việt
Nam, đề nghị tạo điều kiện thuận lợi cho một Tổ Y tế hỗn hợp, bao
gồm các chuyên viên cả trong lẫn ngoài nước được vào nhà tù khám,
chữa bệnh cho linh mục Nguyễn Văn Lý và luật sư Lê Thị Công Nhân.
Nếu nhà tù không có những điều kiện y tế phù hợp thì hãy để cho hai
vị này được chữa bệnh ở bên ngoài hoặc nếu cần thì ra ngoại quốc.
Thiết nghĩ lòng nhân đạo, tính nhân bản của một chế độ chính danh
và của một dân tộc từ tâm sẽ được thể hiện rõ nét hơn bao giờ hết
vào những ngày giờ này, trong những trường hợp này.
- Quốc hội, Chính phủ các nước tự do dân chủ, các Cơ quan Nhân quyền
quốc tế, toàn thể Đồng bào Việt Nam trong lẫn ngoài nước và Tòa Tổng
Giám mục Huế, xin hãy đặc biệt quan tâm tới tình trạng suy giảm thể
lý của hai vị trên, nhất là Lm Nguyễn Văn Lý, bằng cách làm tất cả
những gì cần thiết để hai con người rất có lòng với vận mệnh dân tộc
này, hồi phục hoàn toàn sức khoẻ.
- Nhân dịp này, Khối 8406 cũng kêu gọi Nhà cầm quyền cộng sản Việt
Nam hãy mau chóng cải thiện chế độ lao tù khắc nghiệt hiện nay nói
chung và chế độ chăm sóc y tế nói riêng, để tất cả các tù nhân hình
sự cũng như chính trị hiện đang bị giam giữ trong các nhà tù ở Việt
Nam, được đối xử một cách nhân đạo theo các chuẩn mực quốc tế.
Ban
Đại Diện Lâm Thời Khối 8406:
1. Kỹ sư Đỗ Nam Hải - 441 Nguyễn Kiệm, P. 9, Q. Phú Nhuận,
Sài Gòn, Việt Nam.
2. Linh mục Phan Văn Lợi - 16/46 Trần Phú, Thành phố Huế,
Việt Nam.
3. Giáo sư Nguyễn Chính Kết - đang vận động dân chủ tại hải
ngoại.
Trong sự hiệp thông với Lm Nguyễn Văn Lý, cựu quân nhân Trần Anh Kim,
nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa và nhiều tù nhân chính trị, tôn giáo khác
đang ở trong lao tù.
Trở
về trang chính