Mọi người có quyền tự do ngôn luận; quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và phổ biến mọi loại tin tức và ý kiến, không phân biệt ranh giới, bằng truyền miệng, bản viết hoặc bản in, bằng hình thức nghệ thuật, hoặc thông qua bất cứ phương tiện truyền thông đại chúng khác theo sự lựa chọn của mình (Điều 19,2 Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Liên Hiệp Quốc biểu quyết năm 1966, Việt Nam xin tham gia năm 1982). (Everyone shall have the right to freedom of expression; this right shall include freedom to seek, receive and impart information and ideas of all kinds, regardless of frontiers, either orally, in writing or in print, in the form of art, or through any other media of his choice.)

T À I   L I Ệ U

Khối 8406 Tuyên Ngôn Tự Do Dân Chủ Cho Việt Nam 2006
Bloc 8406 of Manifesto on Freedom & Democracy for Viet Nam 2006
http://khoi8406vn.blogspot.com - Email:  vanphong8406@gmail.com

.....................................................................................................................................

Tuyên bố 9 điểm
về tình hình Việt Nam hiện nay

Việt Nam ngày 12 tháng 2 năm 2009

Kính gửi: Đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước.
Đồng kính gửi: Cộng đồng thế giới dân chủ.

Sau khi bản Tuyên ngôn tự do dân chủ cho Việt Nam được công bố trên toàn thế giới vào ngày 8-4-2006, Khối 8406 (tên gọi theo ngày này) đã được thành lập như một tổ chức quần chúng đấu tranh gồm hàng chục ngàn người Việt Nam trong và ngoài nước, nhằm mục tiêu giành lại các quyền tự do dân chủ cho dân tộc Việt Nam bằng con đường hòa bình bất bạo động. Những quyền thiêng liêng này đã bị các thế hệ lãnh đạo trong đảng cộng sản Việt Nam ngang nhiên tước đoạt của dân tộc trong suốt hơn 63 năm qua (2/9/1945 – tháng 2/2009).

Trong năm 2008 vừa qua, tình hình quốc tế đã trải qua rất nhiều biến động, có ảnh hưởng lớn đến tất cả các mặt kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng,… của Việt Nam.

1) Về kinh tế:
+ Lạm phát gia tăng, sản xuất và dịch vụ đi xuống, đời sống của tuyệt đại đa số người dân Việt Nam gặp khó khăn chồng chất. Nhiều người lao động bị mất việc làm và không còn thu nhập. Việt Nam lại chẳng có hệ thống an sinh xã hội để bảo đảm mức sống tối thiểu cho người thất nghiệp, cho những kẻ nghèo không nơi nương tựa. Họ đã và đang bị bần cùng hóa một cách thê thảm.

+ Tình trạng khốn khổ này không những xảy ra với dân thường mà còn với cả những người ngay chính, không chịu làm trái lương tâm trong hệ thống công quyền, kể cả trong lực lượng công an và quân đội. Tất cả họ - vốn chiếm đa số trong xã hội - đều thuộc tầng lớp bị trị mà quyền lợi đã và đang bị một thiểu số thống trị trong bộ máy cầm quyền ở Việt Nam hôm nay tham muốn nuốt trọn.

+ Những giải pháp chống lạm phát, chống suy thoái kinh tế do nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam (NCQ CSVN) đưa ra, tuy bước đầu đạt được vài kết quả nhất định. Thế nhưng xét về thực chất, đó chỉ là những kết quả nửa vời, thiếu căn bản, không giải quyết được tận gốc vấn đề. Các tệ trạng nhất định sẽ bùng phát trở lại ngay trong năm 2009 này. Bởi vì, nguyên nhân sâu xa của chúng là thể chế chính trị độc tài toàn trị vốn vẫn còn y nguyên.

+ Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới trong năm 2008 vừa qua cũng đã tác động xấu đến Việt Nam. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng: sự yếu kém toàn diện của bản thân nền kinh tế Việt Nam mới là nguyên nhân chính và đã tiềm ẩn trước khi khủng hoảng kinh tế thế giới xảy ra, bởi lẽ đó là sự pha trộn kỳ quặc giữa tính chất thị trường cạnh tranh với tính chất “xã hội chủ nghĩa”.

2) Về chính trị:
+ Thế kỷ 21 đã bắt đầu được hơn 8 năm với sự nở rộ của nền dân chủ trên toàn thế giới, nhưng dân tộc Việt Nam vẫn còn phải chịu ách áp bức, bóc lột của một thể chế chính trị độc tài toàn trị, phi nhân bản, phản dân tộc và đi ngược lại các quy luật khách quan. Suốt hơn 63 năm qua, chế độ này luôn tập trung quyền lực vào tay một thiểu số lãnh đạo chính trị bất lương trong đảng cộng sản Việt Nam. Điều này đã triệt tiêu mọi khả năng cống hiến cho quốc gia dân tộc của rất nhiều con dân ưu tú, của những lực lượng chính trị tốt hảo, trong từng giai đoạn xây dựng và phát triển của đất nước. Chế độ này vẫn đang tiếp tục thực thi một chính sách khủng bố khốc liệt nhằm trói tay, bịt miệng tất cả những người Việt Nam yêu nước dám dũng cảm đứng lên đấu tranh giành lại các quyền tự do dân chủ. Nó không hề lấy sự ủng hộ của lòng dân để xây dựng và phát triển đất nước mà lại lấy bạo lực và lừa bịp làm phương tiện để tồn tại. Những biểu hiện ra bên ngoài của nó là nạn tham nhũng, lãng phí và hủy hoại môi trường rộng khắp; là cảnh áp bức, bất công, đói nghèo và tụt hậu đầy dẫy; là thói mua quan, bán chức nhan nhản, là sự giảm thiểu đạo đức xã hội và gia tăng đủ loại tội ác; là sự xâm phạm ngày càng nghiêm trọng đến an ninh cá nhân và xã hội, đến an ninh dân tộc và quốc gia (biên giới đất và biên giới biển).

Tóm lại, những hệ quả xấu xa và nguy hiểm của chế độ này chẳng những là sự tụt hậu về kinh tế mà còn là sự suy đồi về tất cả các mặt của đời sống đất nước như: đạo đức, giáo dục, y tế, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng, ngoại giao, v.v… Tất cả đang đẩy dân tộc ta vốn có nền văn hiến hàng ngàn năm vào sự suy vong khó tránh khỏi. Điều này thật dễ hiểu, khi mà tập đoàn cầm quyền luôn đặt quyền lợi của họ lên trên quyền lợi của quốc gia, dân tộc. Tập đoàn ấy, với Điều 4 của Hiến pháp hiện hành, đã tự quy định cho họ được độc quyền lãnh đạo đất nước vô thời hạn và không hề bị một cơ chế kiểm soát và giám sát nào. Vì vậy họ đã và đang ngày càng tác oai tác quái, đè đầu cưỡi cổ dân tộc. Điều này giải thích vì sao ông Nguyễn Minh Triết, chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam hiện nay, từng phát biểu vào ngày 27-8-2007 rằng: “Dù ai có nói ngả nói nghiêng, dù ai có muốn bỏ điều 4 Hiến pháp thì cũng không có chuyện đó được. Bỏ cái đó đồng nghĩa với chúng ta tuyên bố chúng ta tự sát...”. Hậu qủa là: Trong xã hội Việt Nam nhiễu nhương và suy đồi hôm nay, những cái cần mất thì lại còn (do dã tâm muốn duy trì) và những cái cần còn thì lại mất (do dã tâm muốn loại bỏ) của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam!


Trước tình hình trên, Khối 8406 chúng tôi kêu gọi mọi người Việt Nam còn yêu nước thương nòi, không phân biệt già trẻ trai gái, không phân biệt tôn giáo, sắc tộc, hoàn cảnh xuất thân, giai tầng xã hội, địa điểm sinh sống, v.v… hãy cùng đoàn kết đứng lên đấu tranh để thay thế triệt để chế độ độc đảng, độc tài và phản dân tộc này bằng một chế độ dân chủ, đa nguyên đa đảng và pháp trị tiến bộ trong tương lai, bằng những việc làm cụ thể sau đây:

1)
Tiếp tục vạch trần sự thối nát, mục ruỗng toàn diện của chế độ độc tài toàn trị hiện nay; vạch trần sự lũng đoạn bất lương của một thiểu số cầm quyền, đặc biệt là của 15 ủy viên Bộ chính trị Đảng cộng sản Việt Nam đương chức, đang hàng ngày hàng giờ tàn phá đất nước, dân tộc này!

2) Ủng hộ sáng kiến mở chiến dịch khiếu kiện trước Liên Hiệp Quốc về những vi phạm nhân quyền của NCQ CSVN. Đòi họ phải cho đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Việt Nam 3 văn kiện quan trọng (xin xem phần phụ lục). Đó là:
+ Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền của Liên hiệp quốc (1948).
+ Công ước quốc tế về những quyền dân sự và chính trị (1966).
+ Công ước quốc tế về những quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (1966).
Nội dung của 3 văn kiện đó chứa đựng những quyền tự do căn bản, mà mọi người trên khắp thế giới đều được hưởng. Nhà nước CHXHCNVN đã ký tất cả 3 văn kiện này vào năm 1982 để lừa mị thế giới tiến bộ, nhưng họ lại luôn cố tình vi phạm chúng ở Việt Nam. Thậm chí tuyệt đại đa số người dân trong nước cũng không hề biết là có chúng. Do đó, trên tinh thần tích cực và chủ động, Khối 8406 kêu gọi các thành viên của mình và mọi người Việt Nam yêu nước ở khắp nơi, bằng tất cả khả năng của mình, hãy chuyển tải được càng nhiều càng tốt 3 văn kiện trên đến với người dân Việt Nam trong nước (thành thị, nông thôn, trung du, sơn cước lẫn đồng bằng). Cần coi đây là một chiến dịch trọng điểm của năm 2009, gắn chặt nó với sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa nhằm giành lại tự do dân chủ cho Dân tộc!

3) Lên án các cuộc đàn áp, theo dõi, bắt bớ, đánh đập, khám nhà, gọi thẩm vấn, tịch thu tài sản, đuổi việc, xử phạt hành chính, giam tù,… của NCQ CSVN đối với những tiếng nói đấu tranh cho các quyền tự do dân chủ. Đòi họ phải thả các tù nhân chính trị, tù nhân tôn giáo; phải để cho những người đấu tranh dân chủ tự do gặp gỡ, hội họp với nhau và với các nhà hoạt động nhân quyền, lãnh đạo chính trị trên thế giới. Tiếp tục khẳng định và chủ động thực thi các quyền tự do căn bản của con người như: tự do tôn giáo tín ngưỡng, thông tin ngôn luận, lập hội lập đảng, biểu tình để đòi các quyền dân sinh, dân chủ, đòi quyền tự quyết cho dân tộc,…

4) Lên án các cuộc đàn áp của NCQ CSVN đối với các cá nhân và tập thể dân sự lẫn tôn giáo đấu tranh đòi lại đất đai bị NCQ CSVN cướp đoạt trên khắp đất nước. Ca ngợi sự ủng hộ của quốc tế đối với cuộc đấu tranh này. Đồng thời, chủ động xây dựng một bản dự thảo Hiến pháp đa đảng, trong đó quyền tư hữu tài sản của công dân, đặc biệt quyền tư hữu về đất đai được tôn trọng và chế độ hộ khẩu bị dứt khoát bãi bỏ.

5) Lên án công hàm bán nước do ông Phạm Văn Đồng ký ngày 14 tháng 9 năm 1958 và 2 Hiệp định ký trong 2 năm 1999 - 2000 giữa Việt Nam và Trung Quốc (về đất và biển). Đòi NCQ CSVN phải đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng 3 văn kiện này cùng những bản đồ và biên bản về các cột mốc biên giới hiện nay song song với Hiệp ước Thiên Tân Pháp - Thanh ký vào năm 1885, để nhân dân Việt Nam có cơ sở so sánh, xem dân tộc đã bị thiệt hại như thế nào. Đòi NCQ CSVN phải cảnh giác và phải chịu trách nhiệm trước dân tộc và lịch sử về các âm mưu xâm nhập gặm nhấm, cắm dân cài người của nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc ở các tỉnh biên giới phía Bắc, ở vùng Tây Nguyên và ở bất cứ vùng đất, vùng trời và vùng biển nào của Tổ quốc Việt Nam!

6) Tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ về mọi mặt của thế giới dân chủ. Đề nghị họ hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, ngoại giao, quân sự, an ninh, văn hóa, giáo dục v.v… với Việt Nam song song với việc yêu cầu và áp lực NCQ CSVN phải tôn trọng các quyền tự do cơ bản của người dân.

7) Lên án cuộc thảm sát Thiên An Môn năm 1989 và những cuộc đàn áp gần đây của nhà cầm quyền Bắc Kinh đối với phong trào dân chủ và dân sinh ở Trung Quốc. Ủng hộ bản Hiến chương 08 (Linh bát Hiến Chương) của các nhà dân chủ nước này được công bố vào ngày 10-12-2008). Đồng thời, kêu gọi sự liên minh, liên kết của các lực lượng đấu tranh dân chủ trong lòng các chế độ độc tài còn sót lại trên thế giới như: Trung Quốc, Việt Nam, Cu Ba, Bắc Hàn.

8) Xây dựng và tăng cường sự đoàn kết đích thực trong nội bộ phong trào dân chủ, với nguyên tắc hợp nhất trong đa diện (nghĩa là chung mục tiêu xóa bỏ chế độ độc tài, xây dựng tự do dân chủ với những phương cách khác biệt). Đồng thời, đấu tranh mạnh mẽ và sáng suốt với âm mưu lũng đoạn thao túng, chia rẽ phá hoại của bộ máy công an cộng sản giữa lòng phong trào dân chủ.

9) Mời gọi Đồng bào Việt Nam ở ngoài nước khi có điều kiện hãy về sát cánh với đồng bào trong nước để cùng đấu tranh cho dân chủ. Xin Đồng bào đừng để mình bị Nghị quyết 36 của bộ chính trị đảng CSVN lừa gạt.

Việt Nam ngày 12 tháng 2 năm 2009.
Ban điều hành lâm thời Khối 8406.
1) Kỹ sư Đỗ Nam Hải – Sài Gòn – Việt Nam.
2) Trung tá Trần Anh Kim – Thái Bình – Việt Nam.
3) Linh mục Phan Văn Lợi – Huế – Việt Nam.
4) Giáo sư Nguyễn Chính Kết (đang vận động dân chủ tại hải ngoại)
(trong sự hiệp thông của linh mục Nguyễn Văn Lý, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa và nhiều chiến sĩ dân chủ khác, hiện còn đang bị giam cầm trong lao tù cộng sản.)

------------------------------- Phụ lục 1-------------------------------
Tuyên ngôn Quốc tế về
Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc
(1948)
Được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua và công bố theo
Nghị quyết số 217 (III), ngày 10 tháng 12 năm 1948.

LỜI MỞ ĐẦU
Xét rằng việc thừa nhận phẩm giá bẩm sinh và những quyền bình đẳng bất khả chuyển nhượng của tất cả các phần tử trong đại gia đình nhân loại là nền tảng của tự do, công lý và hoà bình thế giới,
Xét rằng việc coi thường và khinh miệt nhân quyền đã đưa tới những hành động dã man làm phẫn nộ lương tâm nhân loại, và việc đạt tới một thế giới trong đó mọi người được tự do ngôn luận và tự do tín ngưỡng, được giải thoát khỏi sự sợ hãi và khốn cùng, được tuyên xưng là nguyện vọng cao cả nhất của con người,
Xét rằng điều cốt yếu là nhân quyền phải được một chế độ pháp trị bảo vệ để con người khỏi bị dồn vào thế cùng, phải nổi dậy chống áp bức và bạo quyền,
Xét rằng điều cốt yếu là phải phát triển những tương quan hữu nghị giữa các quốc gia,
Xét rằng, trong Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, các dân tộc đã tái xác nhận niềm tin vào những nhân quyền căn bản, vào phẩm cách và giá trị của con người, vào quyền bình đẳng nam nữ, cùng quyết tâm thúc đẩy tiến bộ xã hội và nâng cao mức sống trong một môi trường tự do hơn,
Xét rằng các quốc gia hội viên đã cam kết hợp tác với Liên Hiệp Quốc để phát huy sự tôn trọng và thực thi trên toàn cầu những nhân quyền và những quyền tự do căn bản,
Xét rằng một quan niệm chung về tự do và nhân quyền là điều tối quan trọng để thực hiện trọn vẹn cam kết ấy.
Vì vậy,
ĐẠI HỘI ĐỒNG LIÊN HIỆP QUỐC
Công bố bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền này như một tiêu chuẩn thực hiện chung cho tất cả các dân tộc và quốc gia, sao cho mỗi cá nhân và đoàn thể xã hội luôn nhớ tới bản tuyên ngôn này, nỗ lực phát huy sự tôn trọng các quyền tự do này bằng học vấn và giáo dục, và bằng những biện pháp lũy tiến trên bình diện quốc gia và quốc tế, bảo đảm sự thừa nhận và thực thi trên toàn cầu các quyền tự do này cho các dân tộc thuộc các quốc gia hội viên hay thuộc các lãnh thỗ bị giám hộ.
Điều 1: Mọi người sinh ra tự do và bình đẳng về phẩm cách và quyền lợi, có lý trí và lương tri, và phải đối xử với nhau trong tình bác ái.
Điều 2: Ai cũng được hưởng những quyền tự do ghi trong bản Tuyên Ngôn này không phân biệt đối xử vì bất cứ lý do nào, như chủng tộc, màu da, nam nữ, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến hay quan niệm, nguồn gốc dân tộc hay xã hội, tài sản, dòng dõi hay bất cứ thân trạng nào khác.
Ngoài ra không được phân biệt về quy chế chính trị, pháp lý hay quốc tế của quốc gia hay lãnh thổ mà người đó trực thuộc, dù là nước độc lập, bị giám hộ, mất chủ quyền hay bị hạn chế chủ quyền.
Điều 3: Ai cũng có quyền được sống, tự do, và an toàn thân thể.
Điều 4: Không ai có thể bị bắt làm nô lệ hay nô dịch; chế độ nô lệ và sự mua bán nô lệ dưới mọi hình thức đều bị cấm chỉ
Điều 5: Không ai có thể bị tra tấn hay bị những hình phạt hoặc những đối xử tàn ác, vô nhân đạo, làm hạ thấp nhân phẩm.
Điều 6: Ai cũng có quyền được công nhận là con người trước pháp luật bất cứ tại đâu.
Điều 7: Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ bình đẳng không kỳ thị. Mọi người đều được bảo vệ chống lại mọi kỳ thị hay xúi giục kỳ thị trái với Tuyên Ngôn này.
Điều 8: Ai cũng có quyền yêu cầu tòa án quốc gia có thẩm quyền can thiệp chống lại những hành động vi phạm những quyền căn bản được hiến pháp và luật pháp thừa nhận.
Điều 9: Không ai có thể bị bắt giữ, giam cầm hay lưu đầy một cách độc đoán.
Điều 10: Ai cũng có quyền, trên căn bản hoàn toàn bình đẳng, được một toà án độc lập và vô tư xét xử một cách công khai và công bằng để phán xử về những quyền lợi và nghiã vụ của mình, hay về những tội trạng hình sự mà mình bị cáo buộc.
Điều 11:
1) Bị cáo về một tội hình sự được suy đoán là vô tội cho đến khi có đủ bằng chứng phạm pháp trong một phiên xử công khai với đầy đủ bảo đảm cần thiết cho quyền biện hộ.
2) Không ai có thể bị kết án về một tội hình sự do những điều mình đã làm hay không làm, nếu những điều ấy không cấu thành tội hình sự chiếu theo luật pháp quốc gia hay luật pháp quốc tế hiện hành; mà cũng không bị tuyên phạt một hình phạt nặng hơn hình phạt được áp dụng trong thời gian phạm pháp.
Điều 12: Không ai có thể bị xâm phạm một cách độc đoán vào đời tư, gia đình, nhà ở, thư tín, hay bị xúc phạm đến danh dự hay thanh danh. Ai cũng có quyền được luật pháp bảo vệ chống lại những xâm phạm ấy.
Điều 13:
1) Ai cũng có quyền tự do đi lại và cư trú trong quản hạt quốc gia.
2) Ai cũng có quyền rời khỏi bất cứ quốc gia nào, kể cả quốc gia của mình, và có quyền hồi hương.
Điều 14:
1) Khi bị đàn áp, ai cũng có quyền tìm nơi tị nạn và được hưởng quyền tị nạn tại các quốc gia khác.
2) Quyền này không được viện dẫn trong trường hợp sự truy tố thực sự chỉ căn cứ vào những tội trạng không có tính cách chính trị hay vào những hành động trái với mục đích và tôn chỉ của Liên Hiệp Quốc.
Điều 15:
1) Ai cũng có quyền có quốc tịch.
2) Không ai có thể bị tước quốc tịch hay tước quyền thay đổi quốc tịch một cách độc đoán.
Điều 16:
1) Đến tuổi thành hôn, thanh niên nam nữ có quyền kết hôn và lập gia đình mà không bị ngăn cấm vì lý do chủng tộc, quốc tịch hay tôn giáo. Họ có quyền bình đẳng khi kết hôn, trong thời gian hôn thú cũng như khi ly hôn.
2) Hôn thú chỉ có giá trị nếu có sự thuận tình hoàn toàn tự do của những người kết hôn.
3) Gia đình là đơn vị tự nhiên và căn bản của xã hội, và phải được xã hội và quốc gia bảo vệ.
Điều 17:
1) Ai cũng có quyền sở hữu, hoặc riêng tư hoặc hùn hiệp với người khác.
2) Không ai có thể bị tước đoạt tài sản một cách độc đoán.
Điều 18: Ai cũng có quyền tự do tư tưởng, tự do lương tâm và tự do tôn giáo; quyền này bao gồm cả quyền tự do thay đổi tôn giáo hay tín ngưỡng và quyền tự do biểu thị tôn giáo hay tín ngưỡng qua sự giảng dạy, hành đạo, thờ phụng và nghi lễ, hoặc riêng mình hoặc với người khác, tại nơi công cộng hay tại nhà riêng.
Điều 19: Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia.
Điều 20:
1) Ai cũng có quyền tự do hội họp và lập hội có tính cách hoà bình.
2) Không ai bị bắt buộc phải gia nhập một hội đoàn.
Điều 21:
1) Ai cũng có quyền tham gia chính quyền của quốc gia mình, hoặc trực tiếp hoặc qua các đại biểu do mình tự do lựa chọn.
2) Ai cũng có quyền bình đẳng tham gia công vụ trong nước.
3) Ý nguyện của quốc dân phải được coi là căn bản của mọi quyền lực quốc gia; ý nguyện này phải được biểu lộ qua những cuộc tuyển cử có định kỳ và trung thực, theo phương thức phổ thông đầu phiếu kín, hay theo các thủ tục tuyển cử tự do tương tự.
Điều 22: Với tư cách là một thành viên của xã hội, ai cũng có quyền được hưởng an sinh xã hội, cũng như có quyền đòi được hưởng những quyền kinh tế, xã hội và văn hoá cần thiết cho nhân phẩm và sự tự do phát huy cá tính của mình, nhờ những nỗ lực quốc gia, sự hợp tác quốc tế, và theo cách tổ chức cùng tài nguyên của quốc gia.
Điều 23:
1) Ai cũng có quyền được làm việc, được tự do lựa chọn việc làm, được hưởng những điều kiện làm việc công bằng và thuận lợi và được bảo vệ chống thất nghiệp.
2) Cùng làm việc ngang nhau, mọi người được trả lương ngang nhau, không phân biệt đối xử.
3) Người làm việc được trả lương tương xứng và công bằng, đủ để bảo đảm cho bản thân và gia đình một đời sống xứng đáng với nhân phẩm, và nếu cần, sẽ được bổ sung bằng những biện pháp bảo trợ xã hội khác.
4) Ai cũng có quyền thành lập nghiệp đoàn hay gia nhập nghiệp đoàn để bảo vệ quyền lợi của mình.
Điều 24: Ai cũng có quyền nghỉ ngơi và giải trí, được hưởng sự hạn định hợp lý số giờ làm việc và những ngày nghỉ định kỳ có trả lương.
Điều 25:
1) Ai cũng có quyền được hưởng một mức sống khả quan về phương diện sức khỏe và an lạc cho bản thân và gia đình kể cả thức ăn, quần áo, nhà ở, y tế và những dịch vụ cần thiết; ai cũng có quyền được hưởng an sinh xã hội trong trường hợp thất nghiệp, đau ốm, tật nguyền, góa bụa, già yếu, hay thiếu phương kế sinh nhai do những hoàn cảnh ngoài ý muốn.
2) Sản phụ và trẻ em được đặc biệt săn sóc và giúp đỡ. Tất cả các con, dầu là chính thức hay ngoại hôn, đều được hưởng bảo trợ xã hội như nhau.
Điều 26:
1) Ai cũng có quyền được hưởng giáo dục. Giáo dục phải được miễn phí ít nhất ở cấp sơ đẳng và căn bản. Giáo dục sơ đẳng có tính cách cưỡng bách. Giáo dục kỹ thuật và chuyên nghiệp phải được phổ cập. Giáo dục cao đẳng phải được phổ cập cho mọi sinh viên trên căn bản bình đẳng, lấy thành tích làm tiêu chuẩn.
2) Giáo dục phải nhằm phát huy đầy đủ nhân cách, tăng cường sự tôn trọng nhân quyền và những quyền tự do căn bản; phải đề cao sự thông cảm, bao dung và hữu nghị giữa các quốc gia, các cộng đồng sắc tộc hay tôn giáo, đồng thời yểm trợ những hoạt động của Liên Hiệp Quốc trong việc duy trì hoà bình.
3) Cha mẹ có quyền ưu tiên lựa chọn giáo dục cho các con.
Điều 27:
1) Ai cũng có quyền tự do tham gia vào đời sống văn hoá của cộng đồng, thưởng ngoạn nghệ thuật, được hưởng các tiến bộ khoa học và lợi ích của những tiến bộ ấy.
2) Ai cũng được bảo vệ bởi những quyền lợi tinh thần và vật chất phát sinh từ những sản phẩm khoa học, văn học hay nghệ thuật của mình.
Điều 28: Ai cũng có quyền được hưởng một trật tự xã hội và trật tự quốc tế trong đó những quyền tự do ghi trong bản Tuyên Ngôn này có thể được thực hiện đầy đủ.
Điều 29:
1) Ai cũng có nghĩa vụ đối với cộng đồng trong đó nhân cách của mình có thể được phát triển một cách tự do và đầy đủ.
2) Trong khi hành xử những quyền tự do của mình, ai cũng phải chịu những giới hạn do luật pháp đặt ra ngõ hầu những quyền tự do của người khác cũng được thừa nhận và tôn trọng, những đòi hỏi chính đáng về đạo lý, trật tự công cộng và an lạc chung trong một xã hội dân chủ cũng được thỏa mãn.
3) Trong mọi trường hợp, những quyền tự do này không thể hành xử trái với những mục tiêu và tôn chỉ của Liên Hiệp Quốc.
Điều 30: Không một điều khoản nào trong Tuyên Ngôn này có thể giải thích để cho phép một quốc gia, một đoàn thể, hay một cá nhân nào được quyền hoạt động hay làm những hành vi nhằm tiêu hủy những quyền tự do liệt kê trong Tuyên Ngôn này.
Bản dịch của Trung Tâm Việt Nam Về Nhân Quyền,
với sự tu chính của Ủy Ban Luật Gia Bảo Vệ Nhân Quyền

------------------------------- Phụ lục 2-------------------------------

Công ước quốc tế về các
quyền dân sự và chính trị
(1966)
LỜI MỞ ĐẦU
Các Quốc Gia Hội Viên ký kết Công Ước này:
Xét rằng, chiếu theo những nguyên tắc công bố trong Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, việc thừa nhận phẩm giá bẩm sinh và những quyền bình đẳng và bất khả chuyển nhượng của tất cả các phần tử trong đại gia đình nhân loại là nền móng của tự do, công lý và hoà bình thế giới.
Nhìn nhận rằng những quyền này xuất phát từ phẩm giá bẩm sinh của con người.
Nhìn nhận rằng, chiếu theo Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, lý tưởng về một con người tự do được hành xử những quyền dân sự và chính trị cũng như được giải phóng khỏi sự sợ hãi và khốn cùng, chỉ có thể đạt được nếu hội đủ những điều kiện thuận tiện để con người được hưởng những quyền dân sự và chính trị cũng như những quyền kinh tế, xã hội và văn hoá.
Xét rằng nghiã vụ của các quốc gia hội viên theo Hiến Chương Liên Hiệp Quốc là phát huy sự tôn trọng và thực thi trên toàn cầu những nhân quyền và những quyền tự do của con người.
Nhận định rằng con người có nghiã vụ đối với những người khác cũng như đối với cộng đồng, nên có trách nhiệm phải phát huy và tôn trọng những quyền được nhìn nhận trong Công Ước này.
Đồng chấp thuận những điều khoản sau đây:
PHẦN I
Điều 1:
1. Các dân tộc đều có quyền tự quyết. Chiếu theo quyền này, họ được tự do quyết định về chế độ chính trị và tự do theo đuổi đường hướng phát triển kinh tế, xã hội và văn hoá.
2. Để đạt được mục tiêu này, các dân tộc có quyền tự do sử dụng các nguồn lợi thiên nhiên của mình, miễn là không vi phạm những nghiã vụ phát sinh từ sự hợp tác quốc tế về kinh tế, đặt căn bản trên quyền lợi hỗ tương và luật pháp quốc tế. Trong mọi trường hợp các phương tiện sinh sống của nghiệp đoàn không thể bị tước đoạt.
3. Các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này, kể cả những quốc gia có trách nhiệm bảo hộ hay giám hộ các lãnh thổ khác, phải tôn trọng và xúc tiến việc thực thi quyền dân tộc tự quyết chiếu theo các điều khoản của Hiến Chương Liên Hiệp Quốc.
PHẦN II
Điều 2:
1. Các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này cam kết tôn trọng và bảo đảm thực thi những quyền được nhìn nhận trong Công Ước cho tất cả mọi người sống trong lãnh thổ và thuộc thẩm quyền quốc gia, không phân biệt chủng tộc, màu da, nam nữ, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến hay quan niệm, nguồn gốc quốc gia hay xã hội, tài sản, dòng dõi hay bất cứ thân trạng nào khác.
2. Trong trường hợp những quyền được nhìn nhận trong Công Ước này chưa được quy định thành văn trong luật pháp quốc gia, các quốc gia hội viên ký kết Công Ước cam kết sẽ ban hành các đạo luật theo thủ tục luật pháp quốc gia và theo các điều khoản của Công Ước để các quyền này có hiệu lực.
3. Các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này cam kết:
a. Bảo đảm cho các nạn nhân quyền được đền bù hay đòi bồi thường thỏa đáng khi những quyền tự do của họ bị vi phạm, dầu rằng người vi phạm là một viên chức chính quyền.
b. Bảo đảm cho các nạn nhân quyền được khiếu nại tại các cơ quan tư pháp, hành chánh hay lập pháp quốc gia, hay tại các cơ quan có thẩm quyền và phát triển quyền khiếu tố trước toà án.
c. Bảo đảm các cơ quan thẩm quyền phải thi hành nghiêm chỉnh những sự đền bù hay bồi thường đã tuyên
Điều 3: Các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này cam kết bảo đảm quyền bình đẳng nam nữ trong việc hành xử những quyền dân sự và chính trị ghi trong Công Ước.
Điều 4:
1. Trong khi tuyên bố tình trạng khẩn trương công cộng vì lý do quốc gia bị đe doạ, Các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này có thể ban hành một số biện pháp đình chỉ thi hành các nghiã vụ của quốc gia ấn định trong Công Ước này. Tuy nhiên những biện pháp này phải có tính cách thật cần thiết vì nhu cầu của tình thế, và không vi phạm các nghiã vụ của quốc gia phát sinh từ luật pháp quốc tế, và cũng không được dùng để kỳ thị chủng tộc, mầu da, nam nữ, ngôn ngữ, tôn giáo hay nguồn gốc xã hội.
2. Trong mọi trường hợp những quyền dân sự và chính trị ghi trong các điều 6, 7, 8 (khoản 1 và 2), và trong các điều 11, 15, 16, 18 của Công Ước không thể bị đình chỉ thi hành.
3. Các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này phải lập tức thông báo qua vị Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc cho các quốc gia hội viên kết ước khác hay biết những điều khoản nào trong Công Ước đã bị đình chỉ thi hành, và vì lý do gì. Ngay sau khi chấm dứt tình trạng khẩn trương công cộng, họ cũng phải thông báo theo thủ tục nói trên.
Điều 5:
1. Không một quốc gia, một phe nhóm hay một cá nhân nào có quyền giải thích các điều khoản trong Công Ước này để cho phép họ hoạt động hay làm những hành vi nhằm tiêu diệt những quyền tự do đã được Công Ước thừa nhận, hoặc để giới hạn những quyền tự do này quá mức ấn định trong Công Ước.
2. Các quốc gia hội viên kết ước nào đã thừa nhận một số nhân quyền căn bản trong luật pháp quốc gia, công ước, quy chế hay tục lệ, sẽ không được quyền giới hạn hay đình chỉ thi hành các nhân quyền căn bản đó, viện cớ rằng Công Ước này không thừa nhận những nhân quyền đó, hay chỉ thừa nhận trong một phạm vi hạn hẹp hơn.
PHẦN III
Điều 6:
1. Mọi người đều có quyền sống. Đây là một quyền bẩm sinh được luật pháp bảo vệ. Không ai có thể bị tước đoạt quyền sống một cách độc đoán.
2. Trong các quốc gia chưa bãi bỏ hình phạt tử hình, toà án chỉ được tuyên án tử hình đối với những tội hình sự nghiêm trong nhất chiếu theo luật pháp áp dụng trong thời gian phạm pháp và không trái với những điều khoản của Công Ước này và của Công Ước Ngăn Ngừa và Trừng Phạt Tội Diệt Chủng. Hình phạt tử hình chỉ có thể được thi hành chiếu theo một bản án chung thẩm của một tòa án có thẩm quyền.
3. Điều luật này không cho phép các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này được giải trừ các nghiã vụ ghi trong Công Ước Ngăn Ngừa và Trừng Phạt Tội Diệt Chủng trong trường hợp sự hành quyết hay sát nhân cấu thành tội diệt chủng.
4. Các bị cáo bị tuyên án tử hình có quyền xin ân xá hay ân giảm hình phạt. Lệnh đại xá, ân xá hay ân giảm hình phạt có thể được ban hành trong mọi trường hợp.
5. Án tử hình không được tuyên đối với các bị cáo chưa đủ 18 tuổi khi phạm pháp, và cũng không được thi hành đối với các phụ nữ mang thai.
6. Điều luật này không thể được viện dẫn để trì hoãn hay ngăn cản việc bãi bỏ hình phạt tử hình tại các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này.
Điều 7: Không ai có thể bị tra tấn, hoặc phải chịu những hình phạt hay đối xử tàn ác, vô nhân đạo, làm hạ thấp phẩm giá con người. Đặc biệt là, nếu không có sự ưng thuận tự do của đương sự, không ai có thể bị dùng vào những cuộc thí nghiệm y học hay khoa học.
Điều 8:
1. Không ai có thể bị bắt làm nô lệ; chế độ nô lệ và mọi hình thức buôn bán nô lệ đều bị cấm chỉ.
2. Không ai có thể bị bắt làm nô dịch.
a. Không ai có thể bị cưỡng bách lao động.
b. Khoản 3 (a) nói trên không được áp dụng tại các quốc gia trong đó luật pháp cho phép toà án có thẩm quyền tuyên án tù khổ sai.
c. Trong phạm vi khoản này, không được coi là "lao động cưỡng bách":
i. Ngoài trường hợp nêu ở khoản (b) trên đây, những công tác hay dịch vụ mà các tù nhân phải làm trong thời gian bị giam giữ chiếu theo một bản án hợp pháp của toà án, hay phải làm trong thời gian được phóng thích có điều kiện.
ii. Nghiã vụ quân sự, hay nghiã vụ quốc gia áp dụng cho những người được luật pháp cho miễn thi hành nghiã vụ quân sự vì lý do lương tâm.
iii. Nghiã vụ cộng đồng trong trường hợp khẩn trương hay thiên tai đe doạ đời sống hay sự an lạc của cộng đồng.
iv. Những nghiã vụ dân sự thông thường.
Điều 9:
1. Ai cũng có quyền tự do thân thể và an ninh thân thể. Không ai có thể bị bắt giữ hay giam cầm độc đoán. Không ai có thể bị tước đoạt tự do thân thể ngoại trừ những trường hợp và theo những thủ tục luật định.
2. Khi bị bắt giữ, bị cáo phải được tức thì thông báo về lý do bắt giữ, và phải được thông báo không chậm trễ về tội trạng bị cáo buộc.
3. Bị cáo bị bắt giữ hay giam cầm về một tội hình sự phải được dẫn giải không chậm trễ tới một vị thẩm phán (hay một viên chức có thẩm quyền tư pháp theo luật), để được xét xử trong một thời hạn hợp lý hay được phóng thích. Theo thông lệ, không nhất thiết phải câu lưu bị cáo trước ngày toà xử. Tuy nhiên để bảo đảm sự hiện diện của bị cáo trong phiên xử hay trong các giai đoạn thẩm vấn, và để thi hành bản án, nếu cần, sự phóng thích tạm bị cáo đòi hỏi phải có bảo đảm.
4. Những người bị bắt giữ hay giam cầm đều có quyền yêu cầu toà án thụ lý không chậm trễ về tính hợp pháp của sự giam giữ, và phải được phóng thích nếu sự giam giữ được xét là bất hợp pháp.
5. Các nạn nhân trong những vụ bắt giữ hay giam cầm bất hợp pháp có quyền khiếu tố đòi bồi thường thiệt hại.
Điều 10:
1. Những người mất tự do vẫn phải được đối xử nhân đạo và tôn trọng nhân phẩm.
a. Ngoại trừ những trường hợp đặc biệt, các bị cáo chưa được xét xử phải được giam giữ cách biệt với những người đã can án, và phải được đối xử theo quy chế của những người không can án.
b. Các bị cáo thiếu nhi phải được giam giữ cách biệt với người lớn và phải được xét xử trong thời hạn sớm nhất.
c. Chế độ lao tù phải đặt trọng tâm vào việc cải huấn tù nhân, tạo cho họ cơ hội cải hoá và hội nhập vào đời sống xã hội. Các thiếu nhi phạm pháp phải được giam giữ cách biệt với người lớn, và phải được đối xử tuỳ theo tuổi tác và tình trạng pháp lý của chúng.
Điều 11: Không ai có thể bị giam giữ chỉ vì không có khả năng thi hành một nghiã vụ khế ước.
Điều 12:
1. Những người cư trú hợp pháp trong lãnh thổ một quốc gia đều có quyền tự do đi lại và tự do lựa chọn nơi cư trú trong lãnh thổ.
2. Mọi người đều được quyền tự do rời khỏi một quốc gia, kể cả quốc gia của mình.
3. Những quyền tự do ghi trên không thể bị giới hạn, ngoại trừ những trường hợp luật định vì nhu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khoẻ công cộng, đạo lý, hay những quyền tự do của người khác, và nếu không trái với những quyền tự do khác được thừa nhận trong Công Ước này.
4. Không ai có thể bị tước đoạt quyền hồi hương một cách độc đoán.
Điều 13: Ngoại kiều cư trú hợp pháp trong lãnh thổ các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này chỉ có thể bị trục xuất do một quyết định hợp pháp. Trừ trường hợp có lý do cưỡng thúc về an ninh quốc gia, người bị trục xuất có quyền trình bày lý do để chống lại quyết định trục xuất, và có quyền nhờ người biện hộ nạp đơn xin tái xét hồ sơ trục xuất tại các cơ quan hay người đại diện cơ quan có thẩm quyền.
Điều 14:
1. Mọi người đều bình đẳng trước toà án. Mọi người đều có quyền được xét xử công bằng và công khai bởi một toà án độc lập, vô tư và có thẩm quyền theo luật, để phán xử về những tội trạng hình sự mà mình bị cáo buộc hay về những quyền lợi và nghiã vụ của mình trong các vụ tranh tụng khác. Báo chí và công chúng có thể không được tham dự một phần hay toàn thể phiên xử, vì nhu cầu đạo lý, trật tự công cộng hay an ninh quốc gia trong một xã hội dân chủ, hay để bảo vệ đời sống riêng tư của các đương sự tranh tụng, hay, trong những trường hợp thật cần thiết, khi toà án quyết định rằng xét xử công khai sẽ làm thiệt hại quyền lợi của công lý. Tuy nhiên các bản án hình sự và các bản án khác phải được tuyên đọc công khai trước toà, ngoại trừ trường hợp để bảo vệ quyền lợi của thiếu nhi hay của gia đình trong những vụ tranh tụng về hôn nhân hay về việc giám hộ các con.
2. Bị cáo về các tội hình sự có quyền được suy đoán là vô tội cho đến khi bị chứng minh là có tội theo luật.
3. Trong các vụ hình sự, tất cả các bị cáo đều được hưởng đồng đều những bảo đảm tối thiểu sau đây:
a. Được tức thì thông báo tội trạng với đầy đủ chi tiết bằng ngôn ngữ mà họ thông hiểu.
b. Quyền có đủ thời gian và phương tiện để chuẩn bị sự biện hộ và được quyền liên lạc với luật sư do mình lựa chọn.
c. Được xét xử mau chóng, không diên trì quá đáng.
d. Được hiện diện trong phiên xử để tự biện hộ hay nhờ luật sư biện hộ do mình lựa chọn; được thông báo về quyền này trong trường hợp tự biện hộ; và được quyền có luật sư biện hộ miễn phí vì nhu cầu công lý nếu bị cáo không có phương tiện mướn luật sư.
e. Được đối chất với các nhân chứng buộc tội và được quyền đòi nhân chứng và chất vấn các nhân chứng gỡ tội cho mình, theo cùng một thủ tục.
f. Được quyền có thông dịch viên miễn phí, nếu bị cáo không nói hay không hiểu ngôn ngữ của toà.
g. Được quyền không khai, để khỏi phải tự buộc tội mình, hay khỏi phải thú nhận tội trạng.
4. Trong các vụ án thiếu nhi, thủ tục xét xử phải căn cứ vào tuổi tác của bị cáo và hướng về mục tiêu cải huấn can phạm.
5. Các bị cáo bị tuyên phạt có quyền kháng cáo lên toà trên theo thủ tục luật định.
6. Trong trường hợp bị cáo bị tuyên hình phạt chung thẩm và sau này bản án bị tiêu huỷ hay đương sự được ân xá vì có sự kiện mới phát giác cho biết bị cáo đã bị phạt oan uổng, người bị kết án có quyền đòi bồi thường thiệt hại theo luật, trừ phi có bằng chứng cho biết, sở dĩ sự kiện mới này không được phát giác trong thời gian xử án, một phần hay hoàn toàn tại vì bị cáo.
7. Không ai có thể bị tái thẩm hay bị tuyên phạt một lần nữa về một tội trạng đã được toà án phán xử chung thẩm bằng cách tuyên phạt hay tha bổng, chiếu theo luật pháp và thủ tục hình sự hiện hành.
Điều 15:
1. Không ai có thể bị kết án về một tội hình sự do những điều mình đã làm hay không làm, nếu những điều ấy không cấu thành tội hình sự chiếu theo luật pháp quốc gia hay luật pháp quốc tế áp dụng hồi đó; mà cũng không bị tuyên một hình phạt nặng hơn hình phạt được áp dụng trong thời gian phạm pháp. Tuy nhiên bị cáo được quyền hưởng hình phạt khoan hồng hơn chiếu theo luật mới ban hành sau ngày phạm pháp.
2. Điều luật này không có tác dụng ngăn cản việc xét xử hay tuyên phạt một bị cáo vì đã làm hay không làm những hành vi cấu thành tội hình sự chiếu theo những nguyên tắc luật pháp tổng quát được thừa nhận bởi cộng đồng các quốc gia trong thời gian đương sự phạm pháp.
Điều 16: Ai cũng có quyền được công nhận là con người trước pháp luật bất cứ tại đâu.
Điều 17:
1. Không ai có thể bị xâm phạm trái phép hay độc đoán vào đời tư, gia đình, nhà ở, thư tín, hoặc bị xúc phạm trái phép đến danh dự và thanh danh.
2. Ai cũng có quyền được luật pháp bảo vệ chống lại những xâm phạm ấy.
Điều 18:
1. Ai cũng có quyền tự do tư tưởng, tự do lương tâm và tự do tôn giáo. Quyền này bao gồm quyền tự do theo một tôn giáo hay tín ngưỡng và quyền tự do biểu thị tôn giáo hay tín ngưỡng qua sự thờ phụng, hành đạo, nghi lễ hay giảng dạy, hoặc riêng tư hoặc với người khác, tại nơi công cộng hay tại nhà riêng.
2. Không ai bị cưỡng bách tước đoạt quyền tự do lựa chọn tôn giáo hay tín ngưỡng.
3. Quyền tự do biểu thị tôn giáo hay tín ngưỡng chỉ có thể bị giới hạn theo luật, vì nhu cầu bảo vệ an toàn công cộng, trật tự công cộng, sức khỏe công cộng, đạo lý hay những quyền tự do căn bản của người khác.
4. Các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này cam kết tôn trọng quyền của cha mẹ hay người giám hộ trong việc giáo dục các con về tôn giáo hay đạo lý theo tín ngưỡng của họ.
Điều 19:
1. Mọi người đều có quyền giữ vững quan niệm mà không bị ai can thiệp.
2. Mọi người đều có quyền tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền tự do tìm kiếm, tiếp nhận, và phổ biến mọi tin tức và ý kiến bằng truyền khẩu, bút tự hay ấn phẩm, dưới hình thức nghệ thuật, hay bằng mọi phương tiện truyền thông khác, không kể biên giới quốc gia.
3. Việc hành sử quyền tự do phát biểu quan điểm (ghi ở khoản 2 nói trên) đòi hỏi đương sự phải có những bổn phận và trách nhiệm đặc biệt. Quyền này chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật vì nhu cầu:
a. Tôn trọng những quyền tự do và thanh danh của người khác.
b. Bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe công cộng hay đạo lý.
Điều 20:
1. Mọi hình thức tuyên truyền, cổ võ chiến tranh phải bị luật pháp cấm chỉ.
2. Mọi hình thức gieo rắc căm hờn, xúi giục kỳ thị, hiềm khích, kích thích bạo động giữa các quốc gia, các chủng tộc hay các tôn giáo phải bị luật pháp cấm chỉ.
Điều 21: Quyền hội họp có tính cách hoà bình phải được thừa nhận. Việc hành xử quyền này chỉ có thể bị giới hạn bởi luật pháp, vì các nhu cầu cần thiết trong một xã hội dân chủ để bảo vệ an ninh quốc gia, an toàn công cộng, trật tự công cộng, sức khỏe công cộng, đạo lý, hay những quyền tự do của người khác.
Điều 22:
1. Ai cũng có quyền tự do lập hội, kể cả quyền thành lập và gia nhập các nghiệp đoàn để bảo vệ quyền lợi của mình.
2. Việc hành xử quyền này chỉ có thể bị giới hạn bởi luật pháp, vì các nhu cầu cần thiết trong một xã hội dân chủ để bảo vệ an ninh quốc gia, an toàn công cộng, trật tự công cộng, sức khỏe công cộng, đạo lý, hay những quyền tự do của người khác. Điều luật này không có tác dụng ngăn cấm việc ban hành các giới hạn luật định liên quan đến sự hành xử quyền tự do lập hội của các giới quân nhân và cảnh sát.
3. Điều luật này không có hiệu lực cho phép các quốc gia hội viên ký kết Công Ước Lao Động Quốc Tế năm 1948 về Quyền Tự Do Lập Hội và Bảo Vệ Quyền Lập Hội, được ban hành hay áp dụng những đạo luật có tác dụng vi phạm những bảo đảm về những quyền tự do ghi trong Công Ước Lao Động Quốc Tế.
Điều 23:
1. Gia đình là đơn vị tự nhiên và căn bản trong xã hội và phải được xã hội và quốc gia bảo vệ.
2. Thanh niên nam nữ đến tuổi thành hôn có quyền kết hôn và lập gia đình.
3. Hôn thú chỉ được thành lập nếu có sự ưng thuận hoàn toàn tự do của những người kết hôn.
4. Các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này phải ban hành những biện pháp để bảo đảm sự bình đẳng về quyền lợi và trách nhiệm của vợ chồng khi kết hôn, trong thời gian hôn thú, cũng như khi ly hôn. Trong trường hợp ly hôn phải quy định những biện pháp bảo vệ quyền lợi của các con.
Điều 24:
1. Không phân biệt chủng tộc, mầu da, nam nữ, ngôn ngữ, tôn giáo, nguồn gốc quốc gia hay xã hội, tài sản hay dòng dõi, các trẻ em, với tư cách vị thành niên, phải được gia đình, xã hội và quốc gia bảo vệ.
2. Trẻ em phải được khai sinh ngay sau khi sinh, và được đặt tên họ.
3. Trẻ em có quyền thủ đắc quốc tịch.
Điều 25:
1. Không bị kỳ thị (như đã quy định ở điều 2) và không bị giới hạn bất hợp lý, mọi công dân đều có quyền và có cơ hội:
a. Được tham gia vào việc điều hành chính quyền, hoặc trực tiếp hoặc qua những đại biểu do mình tự do tuyển chọn.
b. Được bầu cử và ứng cử trong những cuộc tuyển cử tự do và công bằng theo định kỳ, bằng phổ thông đầu phiếu kín, bảo đảm trung thực ý nguyện của cử tri.
c. Được quyền bình đẳng tham gia công vụ trong nước.
Điều 26: Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, và được pháp luật bảo vệ bình đẳng không kỳ thị. Trên phương diện này, luật pháp cấm mọi kỳ thị và bảo đảm cho tất cả mọi người quyền được bảo vệ một cách bình đẳng và hữu hiệu chống mọi kỳ thị về chủng tộc, mầu da, nam nữ, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến hay quan niệm, nguồn gốc quốc gia hay xã hội, tài sản, dòng dõi hay bất cứ thân trạng nào.
Điều 27: Đối với các cộng đồng thiểu số về chủng tộc, tôn giáo, hay ngôn ngữ tại các quốc gia hội viên, Công Ước này bảo đảm cho các thành phần thiểu số cũng với những người khác trong cộng đồng của họ được quyền hưởng văn hoá riêng, được truyền giáo và hành đạo riêng, và được sử dụng ngôn ngữ riêng của họ.
Trích từ cuốn "LUẬT QUỐC TẾ NHÂN QUYỀN" do Luật sư Nguyễn Hữu Thống dịch và diễn giải, với sự tu chính của Ủy ban Phối hợp Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam. Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam xuất bản năm 1998 (http://www.vietnamhumanrights.net)

------------------------------- Phụ lục 3-------------------------------

Công ước quốc tế về các
quyền kinh tế, xã hội và văn hóa
(1966).

Các Quốc Gia Hội Viên ký kết Công Ước này:
Xét rằng, chiếu theo những nguyên tắc công bố trong Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, việc thừa nhận phẩm giá bẩm sinh và những quyền bình đẳng và bất khả chuyển nhượng của tất cả các phần tử trong đại gia đình nhân loại là nền móng của tự do, công lý và hoà bình thế giới.
Nhìn nhận rằng những quyền này xuất phát từ phẩm giá bẩm sinh của con người.
Nhìn nhận rằng, chiếu theo Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, lý tưởng về một con người tự do được giải phóng khỏi sự sợ hãi và khốn cùng, chỉ có thể đạt được nếu hội đủ những điều kiện thuận tiện để con người được hưởng những quyền kinh tế, xã hội và văn hoá, cũng như những quyền dân sự và chính trị.
Xét rằng nghiã vụ của các quốc gia hội viên theo Hiến Chương Liên Hiệp Quốc là phát huy sự tôn trọng và thực thi trên toàn cầu những nhân quyền và những quyền tự do của con người.
Nhận định rằng con người có nghiã vụ đối với những người khác cũng như đối với cộng đồng, nên có trách nhiệm phải phát huy và tôn trọng những quyền được nhìn nhận trong Công Ước này.
Đồng chấp thuận những điều khoản sau đây:
PHẦN I
Điều 1:
1. Các dân tộc đều có quyền tự quyết. Chiếu theo quyền này, họ được tự do quyết định về chế độ chính trị và tự do theo đuổi đường hướng phát triển kinh tế, xã hội và văn hoá.
2. Để đạt được mục tiêu này, các dân tộc có quyền tự do sử dụng các nguồn lợi thiên nhiên của mình, miễn là không vi phạm những nghiã vụ phát sinh từ sự hợp tác quốc tế về kinh tế, đặt căn bản trên quyền lợi hỗ tương và luật pháp quốc tế. Trong mọi trường hợp các phương tiện sinh sống của nghiệp đoàn không thể bị tước đoạt.
3. Các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này, kể cả những quốc gia có trách nhiệm bảo hộ hay giám hộ các lãnh thổ khác, phải tôn trọng và xúc tiến việc thực thi quyền dân tộc tự quyết chiếu theo các điều khoản của Hiến Chương Liên Hiệp Quốc.
PHẦN II
Điều 2:
1. Các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này cam kết, sẽ tự mình và do sự tương trợ và hợp tác quốc tế, đặc biệt về kinh tế và kỹ thuật, ban hành những biện pháp tận dụng những nguồn lợi quốc gia vào mục đích thực thi lũy tiến và đầy đủ những quyền được nhìn nhận trong Công Ước này bằng những phương pháp thích nghi, đặc biệt là bằng việc ban hành các đạo luật.
2. Các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này cam kết bảo đảm thực thi các quyền liệt kê trong Công Ước này không phân biệt chủng tộc, mầu da, nam nữ, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến hay quan niệm, nguồn gốc quốc gia hay xã hội, tài sản, dòng dõi hay bất cứ thân trạng nào khác.
3. Trong chiều hướng tôn trọng nhân quyền và căn cứ vào khả năng kinh tế trong nước, các quốc gia đang phát triển có thể ấn định những quyền kinh tế nào trong Công Ước này sẽ được bảo đảm áp dụng cho những người không có tư cách công dân.
Điều 3: Các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này cam kết bảo đảm quyền bình đẳng nam nữ trong việc hành xử những quyền kinh tế, xã hội và văn hoá liệt kê trong Công Ước này.
Điều 4: Các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này nhìn nhận rằng, về việc hành xử những quyền ghi trong Công Ước, họ chỉ có thể ấn định các giới hạn luật định phù hợp với bản chất của những quyền này và chỉ nhằm mục đích phát huy sự an lạc chung trong một xã hội dân chủ.
Điều 5:
1. Không một quốc gia, một phe nhóm hay một cá nhân nào có quyền giải thích các điều khoản trong Công Ước này để cho phép họ hoạt động hay làm những hành vi nhằm tiêu diệt những quyền tự do đã được Công Ước thừa nhận, hoặc để giới hạn những quyền tự do này quá mức ấn định trong Công Ước.
2. Các quốc gia nào đã thừa nhận một số nhân quyền căn bản trong luật pháp quốc gia, công ước, quy chế hay tục lệ, sẽ không được quyền giới hạn hay đình chỉ thi hành các nhân quyền căn bản đó, viện cớ rằng Công Ước này không thừa nhận những nhân quyền đó, hay chỉ thừa nhận trong một phạm vi hạn hẹp hơn.
PHẦN III
Điều 6:
1. Các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này thừa nhận cho mọi người quyền làm việc và cam kết sẽ ban hành những biện pháp để bảo đảm quyền này. Quyền làm việc bao gồm quyền co cơ hội sinh sống nhờ công việc, quyền tự do nhận việc hay lựa chọn việc làm.
2. Các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này sẽ ban hành những biện pháp để thực thi đầy đủ quyền làm việc, như những chương trình huấn luyện, hướng dẫn kỹ thuật và hướng nghiệp, những chính sách và kỹ thuật để phát triển đều đặn về kinh tế, xã hội và văn hoá, cùng sự toàn dụng nhân công vào việc sản xuất trong điều kiện những quyền tự do chính trị và kinh tế căn bản của con người được bảo đảm.
Điều 7: Các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này nhìn nhận cho mọi người quyền được hưởng những điều kiện làm việc công bằng và thuận lợi, đặc biệt với những bảo đảm sau đây:
1. Về việc trả lương cho các công nhân, tối thiểu phải có:
a. Tiền lương tương xứng và công bằng cho các công việc có giá trị ngang nhau không phân biệt đối xử. Đặc biệt phụ nữ được bảo đảm có những điều kiện làm việc tương xứng như nam giới, làm việc ngang nhau được trả lương ngang nhau.
b. Một mức sống xứng đáng cho bản thân và gia đình phù hợp với những điều khoản của Công Ước này.
2. Có điều kiện làm việc an toàn và không hại đến sức khoẻ.
3. Có cơ hội thăng tiến đồng đều cho mọi người và chỉ căn cứ vào thâm niên và khả năng.
4. Có quyền nghỉ ngơi và giải trí; được ấn định hợp lý số giờ làm việc, kể cả những ngày nghỉ định kỳ có trả lương và những ngày nghỉ lễ có trả lương.
Điều 8:
1. Các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này cam kết bảo đảm:
a. Quyền tự do thành lập nghiệp đoàn và tham gia nghiệp đoàn (theo nội quy và điều lệ), để bảo vệ và gia tăng quyền lợi kinh tế và xã hội của mình. Sự hành xử quyền này chỉ có thể bị giới hạn theo luật, vì nhu cầu sinh hoạt trong một xã hội dân chủ để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, hay sự hành xử quyền tự do của người khác.
b. Quyền của các nghiệp đoàn được kết hợp thành các tổng liên đoàn quốc gia, và từ đó thành lập hay gia nhập các tổ chức tổng liên đoàn quốc tế.
c. Các nghiệp đoàn được quyền tự do hoạt động và chỉ có thể bị giới hạn theo luật, vi nhu cầu sinh hoạt trong một xã hội dân chủ để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, hay sự hành xử quyền tự do của những người khác.
d. Quyền đình công được hành xử theo luật quốc gia.
2. Điều luật này không có tác dụng ngăn cấm việc ban hành các giới hạn luật định liên quan đến sự hành xử những quyền này của các giới quân nhân, cảnh sát và công chức quốc gia.
3. Điều luật này không có hiệu lực cho phép các quốc gia hội viên ký kết Công Ước Lao Động Quốc Tế năm 1948 về Quyền Tự do Lập Hội và Bảo Vệ Quyền Lập Hội được ban hành những đạo luật có tác dụng vi phạm những bảo đảm ghi trong Công Ước Lao Động Quốc Tế.
Điều 9: Các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này thừa nhận quyền của mọi người được hưởng an sinh xã hội và bảo hiểm xã hội.
Điều 10: Các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này nhìn nhận rằng:
1. Vì gia đình là đơn vị tự nhiên và căn bản trong xã hội nên phải được bảo vệ và hỗ trợ mạnh mẽ nhất, đặc biệt trong giai đoạn thành lập và trong khi thi hành nghiã vụ chăm sóc và giáo dục các trẻ em. Hôn thú được thành lập do sự ưng thuận tự do của những người kết hôn.
2. Xã hội phải đặc biệt giúp đỡ các sản phụ trong một thời gian hợp lý trước và sau khi sinh nở. Trong thời gian này, các bà mẹ đi làm được nghỉ phép có trả lương hay được hưởng trợ cấp an sinh xã hội cần thiết.
3. Quốc gia phải ban hành những biện pháp đặc biệt để bảo vệ và hỗ trợ các trẻ em và thiếu niên không phân biệt tình trạng phụ hệ hay bất cứ thân trạng nào khác. Trẻ em và thiếu niên phải được bảo vệ chống mọi hình thức bóc lột về kinh tế và xã hội. Các thiếu niên không được tuyển dụng vào các công việc nguy hiểm đến đời sống hay phương hại đến đạo lý, sức khỏe hay đến sự phát triển bình thường của tuổi trẻ. Vi phạm điều này phải bị truy tố theo luật. Quốc gia cũng phải ấn định số tuổi tối thiểu cho các thiếu niên làm việc lao động có trả lương. Tuyển dụng các thiếu niên dưới tuổi luật định phải bị cấm chỉ và truy tố theo luật.
Điều 11:
1. Các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này thừa nhận cho mọi người quyền được hưởng một mức sống khả quan cho bản thân và gia đình, đủ cơm ăn, áo mặc và nhà ở. Mức sống này phải được nâng cao liên tục. Các quốc gia hội viên kết ước sẽ ban hành những biện pháp thích nghi để quyền này được thực hiện, ý thức rằng sự hợp tác quốc tế trên căn bản tự nguyện giữ vai trò thiết yếu trong việc này.
2. Các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này thừa nhận cho mọi người quyền căn bản được giải thoát khỏi sự đói khổ, và cam kết sẽ ban hành những biện pháp do quốc gia và do sự hợp tác quốc tế, để thực hiện những chương trình đặc biệt cần thiết như:
a. Cải tiến những phương pháp sản xuất, tồn trữ và phân phối thực phẩm bằng cách tận dụng các kiến thức khoa học kỹ thuật, phổ biến các kiến thức về dinh dưỡng, phát triển hay canh tân nông nghiệp để đạt được năng suất tối đa về phát triển và sử dụng tài nguyên thiên nhiên.
b. Trên phạm vi toàn cầu, phải tiến tới sự phân phối công bằng và hợp lý các thực phẩm trên thế giới tùy theo khả năng của các quốc gia xuất cảng thực phẩm và nhu cầu của các quốc gia nhập cảng thực phẩm.
Điều 12:
1. Các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này thừa nhận cho mọi người quyền được hưởng tiêu chuẩn cao nhất về sức khỏe thể chất và tâm thần.
2. Để quyền này được thực thi đầy đủ, các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này sẽ ban hành những biện pháp cần thiết sau đây:
a. Giảm bớt tỷ lệ tử vong của thai nhi và hài nhi, bảo vệ sức khỏe và sự phát triển của trẻ em.
b. Cải thiện những điều kiện vệ sinh trong môi trường sinh thái và môi trường kỹ nghệ.
c. Ngăn ngừa, điều trị và kiểm soát các bệnh dịch, các bệnh đặc biệt tại một địa phương hay tại một loại nghề nghiệp, cũng như các bệnh khác.
d. Tạo điều kiện để bảo đảm việc cung cấp các dịch vụ y tế và chăm sóc bệnh nhân khi đau yếu.
Điều 13:
1. Các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này thừa nhận cho mọi người quyền được hưởng giáo dục. Giáo dục phải nhằm phát huy đầy đủ nhân cách và nhân phẩm, tăng cường sự tôn trọng nhân quyền và những quyền tự do căn bản; cho mọi người được thực sự tham gia sinh hoạt trong một xã hội tự do, đề cao sự thông cảm, bao dung và hữu nghị giữa các quốc gia, các cộng đồng sắc tộc, chủng tộc hay tôn giáo, và yểm trợ các hoạt động của Liên Hiệp Quốc trong việc duy trì hoà bình.
2. Các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này nhìn nhận rằng, đường hướng sau đây sẽ giúp vào việc thực hiện đầy đủ quyền giáo dục:
a. Giáo dục tiểu học phải có tính cách cưỡng bách và miễn phí cho tất cả mọi người.
b. Giáo dục trung học kể cả các ngành phổ thông, kỹ thuật và hướng nghiệp phải được phổ cập cho tất cả mọi người bằng những phương pháp thích nghi và đặc biệt phải tiến dần đến miễn phí.
c. Giáo dục đại học phải được phổ cập bình đẳng cho mọi sinh viên bằng những phương pháp thích nghi, căn cứ vào khả năng, và đặc biệt phải tiến dần đến miễn phí.
d. Giáo dục căn bản tráng niên được khuyến khích và tăng cường tối đa cho những người chưa tốt nghiệp tiểu học.
e. Hệ thống giáo dục các cấp phải được tích cực phát triển, hệ thống học bổng tu nghiệp phải được thiết lập và điều kiện vật chất của các nhân viên giảng huấn phải được cải thiện liên tục.
f. Các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này cam kết tôn trọng quyền tự do của phụ huynh học sinh hay người giám hộ, được lựa chọn trường cho con em ngoài hệ thống giáo dục công lập, nếu trường này hội đủ những tiêu chuẩn giáo dục tối thiểu do quốc gia ấn định. Các phụ huynh hay người giám hộ cũng được quyền phụ trách về giáo dục tôn giáo và đạo lý cho con em theo tín ngưỡng của họ.
3. Điều luật này không có tác dung can thiệp vào quyền tự do của các cá nhân hay tổ chức trong việc thiết lập và điều hành các định chế giáo dục tư thục với điều kiện cùng theo đuổi những mục tiêu giáo dục nêu ở khoản 1 điều này, và nếu hội đủ tiêu chuẩn giáo dục tối thiểu do quốc gia ấn định.
Điều 14: Trong thời gian ký kết hay gia nhập Công Ước này, nếu các quốc gia hội viên nào chưa tổ chức được hệ thống tiểu học cưỡng bách và miễn phí trong quản hạt quốc gia (hay trong các lãnh thổ mà họ bảo hộ hay giám hộ), họ cam kết sẽ thiết lập trong vòng 2 năm một chương trình hành động với đầy đủ chi tiết để tuần tự ban hành trong một thời gian hợp lý có ghi rõ trong chương trình, một hệ thống giáo dục cưỡng bách và miễn phí cho tất cả các học sinh tiểu học
Điều 15:
1. Các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này thừa nhận quyền của mọi người:
a. Được tham gia vào đời sống văn hoá;
b. Được hưởng các lợi ích của những tiến bộ và sáng chế khoa học.
c. Được bảo vệ những quyền lợi tinh thần và vật chất phát sinh từ những sản phẩm khoa học, văn học hay nghệ thuật của mình.
2. Để thực thi đầy đủ quyền này, các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này cam kết sẽ ban hành những biện pháp cần thiết trong việc bảo tồn, phát triển và phổ biến khoa học và văn hoá.
3. Các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này cam kết tôn trọng quyền tự do cần thiết cho việc nghiên cứu khoa học và sáng tạo văn học nghệ thuật.
4. Các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này ghi nhận những lợi ích trong việc khuyến khích và phát triển những liên lạc và hợp tác quốc tế trên lãnh vực khoa học và văn hoá.
Trích từ cuốn "LUẬT QUỐC TẾ NHÂN QUYỀN" do Luật sư Nguyễn Hữu Thống dịch và diễn giải, với sự tu chính của Ủy ban Phối hợp Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam. Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam xuất bản năm 1998 (http://www.vietnamhumanrights.net)

Chân    thành    cảm    tạ    qúy    vị    ghé    thăm    trang    nhà    website    Tự    Do    Thông    Tin    Ngôn    Luận    cho    toàn    dân    Việt Nam

Copyright © 2006 www.tdngonluan.com/Email: tdngonluan@yahoo.com/Webmaster: legraphic@yahoo.com - All rights reserved.