Mọi người có quyền tự do ngôn luận; quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và phổ biến mọi loại tin tức và ý kiến, không phân biệt ranh giới, bằng truyền miệng, bản viết hoặc bản in, bằng hình thức nghệ thuật, hoặc thông qua bất cứ phương tiện truyền thông đại chúng khác theo sự lựa chọn của mình (Điều 19,2 Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Liên Hiệp Quốc biểu quyết năm 1966, Việt Nam xin tham gia năm 1982). (Everyone shall have the right to freedom of expression; this right shall include freedom to seek, receive and impart information and ideas of all kinds, regardless of frontiers, either orally, in writing or in print, in the form of art, or through any other media of his choice.)

T À I   L I Ệ U

PNTR: Còn Nước Còn Tát
Những cố gắng vô vọng vào giờ chót để cứu Quy Chế Thương Mại Bình Thường Vĩnh Viễn (Permanent Normal Trade Relations – PNTR) và giúp Việt Nam gia nhập WTO trong năm 2006

Nguyễn Quốc Khải (Vietnam Review 01.10.2006)

Sau khi Hoa-Kỳ và Việt-Nam đạt được thỏa hiệp WTO song phương cuối cùng và khó khăn nhất vào ngày 31/5/2006, nhiều người đã nghĩ rằng Việt-Nam có rất nhiều triển vọng chính thức gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (World Trade Organization WTO) trước khi Hội Nghị APEC nhóm họp tại Việt-Nam vào giữa tháng 11 năm nay. Người ta cũng nghĩ rằng vòng đàm phán đa phương sẽ giản dị và nhanh chóng. Nhưng thực tế tiến trình này cũng phức tạp và nhậy cảm không kém. Bài này phân tích những diễn tiến trong vài tháng vừa qua, đặc biệt chú trọng đến những cố gắng vô vọng vào giờ chót để hoàn tất thủ tục cho Việt-Nam chính thức gia nhập WTO trong năm 2006.

PNTR và kỹ nghệ dệt may của Hoa-Kỳ
Vào thứ Sáu 29/9, một ngày làm việc cuối cùng của Quốc Hội trong tháng 9, hai Nghị Sĩ thuộc đảng Cộng Hòa Elizabeth Dole (NC) và Lindsey Graham (SC) đã đồng ý không ngăn cấm dự luật Quy Chế Thương Mại Bình Thường Vĩnh Viễn (permanent normal trade relations – PNTR) mang số hồ sơ S.3495. Như vậy dự luật này sẽ có cơ hội được đem ra toàn Thượng Viện để thảo luận.

Để đạt được sự thỏa thuận của hai nghị sĩ đại diện cho ngành kỹ nghệ dêt may tại hai tiểu bang North Carolina và South Carolina, Chính Phủ Bush đã đồng ý theo dõi và báo cáo thường xuyên số lượng hàng dệt may nhập cảng từ Việt-Nam và nếu có dấu hiệu bán phá giá, sẽ phải mở cuộc điều tra ngay. Hàng tháng Bộ Thương Mại Hoa-Kỳ sẽ phải làm báo cáo về số lượng các loại hàng dệt may nhập cảng từ Việt-Nam. Thứ hai là Bộ Thương Mại phải tự động tiến hành cuộc điều tra nếu báo cáo cho thấy có chứng cớ bán phá giá. Theo thủ tục thông thường, các nhà sản xuất cuả Hoa-Kỳ phải tự điều tra, chứng minh và làm thủ tục để khiếu nại. Thủ tục này vừa mất nhiều thì giờ vừa tốn kém.

Những khó khăn khác về phía Hoa-Kỳ
Sự thỏa thuận giữa hành pháp và lập pháp Hoa-Kỳ kể trên đã loại bỏ một khó khăn đáng kể trong tiến trình gia nhập WTO của Việt-Nam vào giai đoạn chót. Tuy nhiên bao giờ dự luật S.3495 đuợc mang ra biểu quyết ở Thương Viện vẫn là một dấu hỏi lớn. Hi vọng để điều này xẩy ra trong tháng 10 đã tan thành mây khói vì sau đêm thứ Sáu 29/9, ít nhất 1/3 thành viên của thượng viện và toàn thể hạ viện đã trở về địa phương vận động tranh cử.

Chỉ còn một chút hi vọng là sau ngày bầu cử 7/11 dự luật PNTR sẽ được bàn cãi trong khoá họp chót của Quốc Hội đương nhiệm 109 trước khi bàn giao cho Quốc Hội 110 vào tháng 1/2007. Mặt khác Hạ Viện Hoa-Kỳ chưa hề có một hành động nào về dự luật PNTR (HR 5602). Vào ngày 21/9/2006, 20 dân biểu Hoa-Kỳ đã ký vào lá thư để yêu cầu ô. J. Dennis Haster, Chủ Tịch Hạ Viện, cứu xét nhanh chóng dự luật PNTR cho Việt-Nam. Môt đoạn của lá thư này viết một cách trang trọng như sau: “Thất bại không cho Việt-Nam được hưởng quy chế PNTR trước thời hạn [Tổng Thổng Bush thăm viếng Hà-Nội để dự Hợi Nghị APEC] sẽ làm mất thể diện của Hoa-Kỳ tại một vùng quan trọng của thế giới.”

Những người chống đối thì nghĩ rằng vội vã hợp tác làm ăn với một chế độ độc tài, tham nhũng, không tôn trọng nhân quyền, không có tự do báo chí, chỉ vì Việt-Nam cung cấp nhân công rẻ mạt và là một thị trường có tiềm năng tiêu thụ nông phẩm thặng dư là một sỉ nhục cho Hoa-Kỳ. Chính những kỹ nghệ gia Tây phương đầu tư vào nước Đức sau Đệ Nhất Thế Chiến đã giúp Phát Xít Đức trở nên hùng mạnh và bành trướng tham vọng làm bá chủ Âu châu. Cuộc đầu tư tương tự vào Trung Quốc trong gần ba thập niên đang biến nước này thành một cường quốc độc đoán và hung bạo.

Cũng như Thượng Viện, Hạ Viện còn quá nhiều việc làm hệ trọng phải giải quyết như cải tổ luật di dân, xây bức tường 700 dặm bảo vệ ranh giới quốc gia, tăng cường an ninh tại các phi trường và hải cảng, phê chuẩn ngân sách US$70 tỉ cho chiến tranh tại Iraq và Afghanistan, ấn định luật lệ giam giữ và thẩm vấn tù nhân khủng bố.

Trong những cố gắng cuối cùng, vào tuần vừa qua các nghị sĩ của Đảng Cộng Hòa đã bàn thảo để ấn định lịch trình bỏ phiếu cho dự luật PNTR (S.3495) là ngày 13/11, tức là một tuần sau ngày bầu cử giữa nhiệm kỳ và một tuần trước khi Tổng Thống Bush bay qua Việt-Nam tham dự Hội Nghị APEC vào hai ngày 18-19/11. Dự trù này đã không thành vì TNS Charles Grassley, Chủ Tịch Ủy Ban Tài Chánh của Thượng Viện muốn dự luật Thương Mại Hoa Kỳ - Peru được biểu quyết cùng một lúc nếu không thực hiện trước theo thứ tự đối với dự luật PNTR – Việt-Nam. Trong khi đó Tòa Bạch Ốc vẫn chưa sẵn sàng về dự luật Thương Mại Hoa Kỳ - Peru.

Những nhà phân tách thời sự Hoa-Kỳ tiên đoán rằng nếu Đảng Dân Chủ thắng thế trong cuộc bầu cử sắp đến, Đảng này không chắc gì vui lòng để cho Quốc Hội 109 của Đảng Cộng Hoà thông qua dự luật PNTR-Việt-Nam mà sẽ chờ đến 2007 khi Đảng Dân Chủ lên nắm quyền.

Những trở ngại về phía Việt-Nam
Trên đây là những khó khăn về phía Hoa-Kỳ. Việt-Nam cũng có những trở ngại. Thứ nhất là Việt-Nam có thể không kịp hoàn tất những thoả hiệp với một số hội viên của WTO trong khuôn khổ đàm phán đa phương trước ngày Đại Hội Đồng WTO họp vào ngày 10-11/10 sắp tới. Một số vấn đề Việt-Nam cần phải giải quyết tại Geneva bao gồm chính sách thuế khoá, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn lao động, hàng may dệt, quyền thương mại, doanh nghiệp nhà nước, thị trường sách báo, sản phẩm văn hóa và vấn đề kiểm duyệt. Theo lịch trình, phiên đàm đa phương vào ngày 9/10 sắp tới sẽ là đàm phán sau cùng. Một tuần trước đây các cuộc đàm phán đa phương với Hoa-Kỳ và các đối tác khác ngoại trừ Liên Hiệp Âu Châu, vẫn chưa được hoàn tất.

Thứ hai, cho dù vòng đàm phán đa phương kết thúc trước thời hạn, Quốc Hội Việt-Nam vẫn phải phê chuẩn những điều kiện sau cùng của WTO. Tư cách hội viên WTO của Việt-Nam chỉ có hiệu lực 30 ngày sau khi WTO được Việt-Nam thông báo chính thức chấp nhận hiệp định thương mại. Như thế có nghĩa là ngay cả trong trường hợp Quốc Hội Hoa-Kỳ chấp thuận quy chế PNTR vào tháng 11, Việt-Nam cũng không thể chính thức trở thành hội viên WTO trước khi Tổng Thống Bush có mặt tại Hà-Nội.

PNTR và việc gia nhập WTO
Điều kiên PNTR chỉ áp dụng cho những nước có nền kinh tế phi thị trường và đặc biệt nhắm vào những nước Cộng Sản như Việt-Nam. PNTR là vấn đề song phương đặc biệt giữa Việt-Nam và Hoa-Kỳ. WTO vừa có tính cách song phương đối với từng đối tác thương mại vừa có tính cách đa phương đối với tất cả hội viên của WTO.

Việt-Nam có thể gia nhập WTO mà không cần có PNTR của Hoa-Kỳ. Nếu Việt-Nam không đạt được quy chế trước khi WTO công bố Việt-Nam đủ điều kiện để gia nhập, trong trường hợp này hai nước cam kết tạm thời không áp dụng luật WTO đối với nhau.

Nhưng như trên đã trình bầy, cả hai vấn đề PNTR và đàm phán WTO đa phương đều chưa hoàn tất. Ngoài ra Quốc Hội Việt-Nam còn phải phê chuẩn hiệp định WTO và sau đó là thời gian 30 ngày chờ đợi. Do đó trên thực tế PNTR không phải là trở ngại chính hiện nay. Cũng chính vì vậy, ô. Trương Đình Tuyển, Bộ Trưởng Thương Mại Việt-Nam đã gay gắt phê phán các cuộc đàm phán đa phương ít lâu nay mà không đề cập đến PNTR như chúng ta thấy ở phần gần cuối bài.

PNTR và vấn đề nhân quyền
Phần phân tách tiến trình gia nhập WTO vào giai đoạn chót trên đây cho thấy cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa và cả hai ngành hành pháp và lập pháp của Hoa-Kỳ đều ủng hộ Việt-Nam được hưởng quy chế PNTR và gia nhập WTO mau chóng và không có dụng ý nào để làm trì hoãn tiến trình này, vì Việt-Nam sớm trở thành hội viên của WTO đều có lợi cho cả hai nước. Tuy nhiên cuộc đàm phán song phương và đa phương bao gồm nhiều vấn đề tế nhị và phức tạp, kể cả vấn đề nhân quyền.

Trong bản phúc trình về dự luật PNTR của Thượng Viện, Nghị Sĩ Charles Grassley Chủ Tịch Ủy Ban Tài Chánh và một số thành viên một lần nữa nhấn mạnh đến việc bảo vệ quyền tự do tôn giáo và nhân quyền tại Việt-Nam và muốn nghị trình thảo luận về dự luật PNTR cho Việt-Nam tại Quốc Hội và việc thương thuyết của hành pháp với chính phủ Hà-Nội phải bao gồm những vấn đề này một cách nghiêm chỉnh.

Trong tháng 9, sau khi chấm dứt nghỉ hè và trở về thủ đô Washington, DC, Quốc Hội Hoa-Kỳ đã từ chối tiếp đón phái đoàn vận động cho PNTR do bà Tôn Nữ Thị Ninh cầm đầu. Tuy nhiên Ủy Ban Ngân Sách & Thuế Khoá và (Committee on Ways and Means – CWM) của Hạ Viện đã chấp thuận một một buổi họp tham vấn vào ngày 22/9 với môt nhóm chuyên viên người Mỹ gốc Việt để thảo luận về một số vấn đề liên quan đến Việt-Nam như việc buôn bán một chiều sách bào, sản phẩm âm nhạc và phim ảnh, tiếp tục vi phạm tụ do tôn giáo và nhân quyền, buôn người, và đàn áp đồng bào Thượng. Buổi họp này được thực hiện do sự vận động tích cực và hữu hiệu của hai dân biểu Lynn Daucher và Trần Thái Văn và được sự ủng hộ nhiệt tình của chính DB William Thomas, Chủ Tịch Ủy Ban Ngân Sách & Thuế Khoá. Cả ba vị dân cử này đều thuộc Đảng Cộng Hòa và đều là những người lưu tâm đến tình trạng vi phạm nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt-Nam.

Đại diện của CWM gồm bà Stephanie H. Lester, giám đốc nhân viên và cố vấn pháp lý và bà Angela Paolini Ellard, chuyên viên Thương Mại của Ủy Ban. Phái đoàn chuyên viên Mỹ gốc Việt gồm có bà Jackie Bong Wright và các ông Nguyễn Quốc Khải, Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Đình Thắng, và Joseph Ksor. Ngoài ra còn có LS Trịnh Thiên và ông Mike Benge, cố vấn của Montagnard Human Rights Organization. Lập trường của phái đoàn chuyên viên Việt-Mỹ là mong mỏi Việt-Nam sớm được hưởng quy chế PNTR và gia nhập WTO. Tuy nhiên, Hà-Nội cần phải thoả mãn 5 điều kiện sau đây: (1) trả tự do cho tất cả những tù nhân tôn giáo và chính trị, (2) chấm dứt chế độ quản chế tại nhà áp dụng đối với những tù nhân này; (3) công nhận các giáo hội độc lập, (4) cho phép công nhân được thành lập nghiệp đoàn độc lập, và (5) cho phép buôn bán sách báo, sản phẩm âm nhạc và phim ảnh tự do hai chiều.

Phái đoàn chuyên viên Việt-Mỹ đã trao cho đại diện CWM môt danh sách những tù nhân tôn giáo và chính trị còn đang bị cầm tù, quản chế tại nhà, hay tiếp tục bị theo rõi và xách nhiễu do Mạng Lưới Nhân Quyền Việt-Nam và những nhà dân chủ trong nước thiết lập. Ô. Nguyễn Quốc Khải cho biết trong thời gian gần đây CSVN mới chỉ thả một số ít tù nhân và chỉ thỏa mãn 70% yêu cầu về sách báo, sản phẩm âm nhạc và phim ảnh. Theo bà Jackie Bong Wright và ô. Joseph Ksor, việc bắt bớ và sách nhiễu nhà dân chủ và đồng bào Thượng ở trong nước, buôn bán phụ nữ trẻ em vẫn tiếp diễn ở mức độc cao hơn. Chính bà Angela Paolini Ellard đã nhắc đến trường hợp công dân Mỹ Đỗ Thành Công bị CSVN bắt giam một tháng khi về nghỉ hè tại Việt-Nam.

Ô. Nguyễn Ngọc Bích cho biết rằng việc ngăn cấm sách báo văn hoá phẩm sản xuất ở hải ngoại gây thiệt hại khoảng 8 triệu Mỹ kim cho những người Mỹ gốc Việt. TS Nguyễn Đình Thắng lưu ý Quốc Hội Hoa-Kỳ đặc biệt về việc Việt-Nam đã không thi hành lệnh của tòa án Hoa-Kỳ buộc Hà-Nội phải bồi thường 3.5 triệu Mỹ kim cho các công nhân xuất khẩu lao động tại đảo Samoa. TS Thắng nhấn mạnh rằng Hà-Nội cần phải chứng tỏ là họ biết tôn trọng những cam kết quốc tế trước khi là một hội viên của WTO. Đây là một vấn đề cần phải giải quyết trước khi Quốc Hội Hoa-Kỳ chấp thuận cho Việt-Nam hưởng quy chế PNTR. Ô. Mike Benge cho rằng CSVN đã vi phạm tu chánh án Jackson-Vanik vì đã không cho phép người Thượng được di dân tự do.

Trong buổi họp tham vấn này, Phái đoàn chuyên viên Việt-Mỹ đã trao cho CWM một tập tài liệu khoảng 100 trang về các vấn đề mà các chuyên viên đã thuyết trình. Bà Angela Paolini Ellard đồng ý rằng Quốc Hội Hoa-Kỳ cần phải áp lực Việt-Nam thay đổi. Bà xác nhận rằng Quốc Hội Hoa-Kỳ cần phải cân bằng các yếu tố thương mại và nhân quyền trong quan hệ đối với Việt-Nam.

WTO sẽ chào đón Việt-Nam vào mùa xuân 2007
Chấp nhận một thực tế, ô. Trương Đình Tuyển, Bộ Trưởng Thương Mại Việt-Nam mới đây tuyên bố rằng "Chậm nhất có thể đầu năm 2007, chúng ta sẽ gia nhập WTO. Từ nay đến lúc đó không phải quá dài. Song chúng ta không gia nhập bằng bất cứ giá nào. Hội nghị APEC 2006 tại Hà Nội không phải cái mốc thời gian để chúng ta neo vào và chấp nhận các đòi hỏi vô lý của các đối tác… Tất nhiên chúng ta phấn đấu gia nhập sớm. Song không vì thế phải chịu sức ép vô lý của các đối tác nước ngoài." Theo ô. Trương Đình Tuyển, tổ chức quốc tế gồm 149 hội viên sẽ đem lại nhiều cơ hội lớn lao cho Việt-Nam nhưng đồng thời cũng tạo ra nhiều thử thách đối với những ngành công nghệ địa phương. Xem việc trễ nải không quan trọng, ông Tuyển nói: "Cả nước gia nhập WTO chậm một năm cũng giống như một người đàn ông chậm lấy vợ một năm mà thôi. Chậm một năm có khi còn tốt hơn chậm vài ngày." Có lẽ ông muốn ám chỉ rằng sự đình trệ giúp cho Việt-Nam có thêm thì giờ để chuẩn bị cho cuộc hôn nhân thương mại này. Nhưng thật sự là một sai lầm lớn nếu ông Tuyển nghĩ rằng WTO sẽ là một hiền thê ngoan ngoãn của một ông chồng Việt-Nam. WTO là một ngôi chợ quốc tế có luật lệ cho người mua kẻ bán phải tuân theo. Nơi đó các luật rừng sẽ phải chấm dứt. Cạnh tranh là lẽ sống còn.

Trâu chậm uống nước đục
Việt-Nam mong muốn chính thức gia nhập WTO trước khi Hội Nghị APEC khai mạc vào tháng 11. Tổng Thống George W. Bush cũng muốn Hoa-Kỳ tiến hành xong thủ tục cuối cùng về phần Hoa-Kỳ là PNTR trước khi lên đường sang Việt-Nam. Tuy nhiên đến giờ phút này chỉ có điều mong ước của ô. Bush là còn có hi vọng mong manh thực hiện được.

Một lần nữa Việt-Nam hụt vào WTO chính thức theo thời hạn mới: năm APEC 2006. Càng vào WTO chậm càng bị thiệt thòi vì luật lệ ngày càng khó khăn đối với nước vào sau. Nhiều nước chờ đợi Việt-Nam trở thành hội viên của WTO để gia tăng buôn bán với Việt-Nam. Các nhà đầu tư chờ đợi để bỏ thêm vốn vào Việt-Nam. Tuy nhiên trong thời gian tương đối ngắn ngủi từ nay đến mùa xuân 2007, người ta hi vọng rằng không có thêm bất lợi nào xẩy ra cho Việt-Nam.

Vào đầu tháng 9 vừa qua nhân dịp tham dự Hội Nghi APEC cấp bộ trưởng, ông Bộ Trưởng Tài Chánh Hoa-Kỳ Henry Paulson, trong buổi nói chuyện với khoảng 600 sinh viên tại Đại Học Kinh Tế Quốc Dân Hà-Nội, đã cảnh báo rằng gia nhập WTO sẽ không nhanh chóng thay đổi cuộc sống của nhân dân Việt-Nam. Đây chỉ là một bước thay đổi quan trọng trong một cuộc hành trình cải tổ lâu dài. Nó sẽ tạo một sự khác biệt tích cực nhưng cần phải được tiếp nối bởi những cải tổ sâu rộng hơn nữa. Ô. Paulson nhắn nhủ sinh viên Việt-Nam “Tất cả các bạn cần phải hỗ trợ những thay đổi, đất nước của các bạn cần phải hỗ trợ những thay đổi, bởi vì các bạn hoặc thay đổi và tiến tới hoặc các bạn sẽ bị bỏ rơi lại phía sau.”

Rất tiếc rằng báo chí của Đảng và nhà nước vốn dĩ dị ứng với thay đổi đã không tường thuật hết câu chuyện tâm tình của ông Bộ Trưởng Tài Chánh Hoa-Kỳ với sinh viên Việt-Nam. Đây là một dấu hiệu xấu cho tương lai của xứ sở.

Nguyễn Quốc Khải (Vietnam Review 01.10.2006)

www.TDNgonLuan.com hoan nghênh ý kiến đóng góp của qúy vị độc giả. Xin email về: tdngonluan@yahoo.com hay type vào hộp Ý Kiến/Comment Box ở dưới đây và nhấn vào nút "Submit" để gởi đi. Trân trọng:

TÊN, HỌ / NAME:  
 E M A I L:  

Ý KIẾN /  COMMENT:  

Trở về trang chính

Chân    thành    cảm    tạ    qúy    vị    ghé    thăm    trang    nhà    website    Tự    Do    Thông    Tin    Ngôn    Luận    cho    toàn    dân    Việt Nam

Copyright © 2006 www.tdngonluan.com / Email: tdngonluan@yahoo.com  -  All rights reserved.