Ngày 23-11-2009, bất chấp những phân tích hơn
thiệt và sự phản đối kịch liệt của nhiều nhà trí thức trong lẫn ngoài
nước, Quốc Hội CSVN đã thông qua Luật về dân quân, tự vệ. Theo luật
mới này, người dân “phải tham gia dân quân tự vệ, các địa phương
phải tổ chức lực lượng dân quân, các cơ quan phải tổ chức tự vệ để
đóng góp cho nền quốc phòng toàn dân”. Theo báo Nhân Dân, dự
thảo Luật được thông qua với tỷ lệ hơn 89% số đại biểu tán thành và
sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2010. Áp dụng cho tranh chấp
trên biển, mỗi đội tàu cá sẽ có một tổ vừa đánh cá, vừa thi hành nhiệm
vụ của dân quân tự vệ, được gọi là “Dân quân tự vệ biển”. Lực lượng
mới này sẽ được trang bị súng ống và sẽ phối hợp với biên phòng, cảnh
sát biển lẫn hải quân để bảo vệ ngư dân và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Hai ngày sau, 25-11-09, cũng bất chấp sự thiếu hiểu biết chuyên môn
của mình và lời cảnh báo của nhiều nhà khoa học lẫn kinh tế học đầy
tâm huyết, các thành viên Quốc hội CSVN lại thông qua (với 77% phiếu
tán đồng) Nghị quyết về điện hạt nhân (ĐHN). Nghị quyết này nêu rõ:
sẽ tiến hành Dự án điện hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận, gồm 2 nhà máy
tạo ra năng lượng nguyên tử để cung cấp điện cho hệ thống điện quốc
gia cùng góp phần phát triển kinh tế xã hội cả nước và toàn tỉnh.
Nhà máy số 1 đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, nhà máy số 2
đặt tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, với công suất
trên 4.000 MW. Tổng mức đầu tư dự toán khởi thủy là 12 tỷ mỹ kim.
Nhà máy số 1 sẽ bắt đầu được xây dựng năm 2014, để tổ máy đầu tiên
được vận hành vào năm 2020.
Đây là hai sự kiện đã gây xôn xao dư luận, nếu không muốn nói là gây
lo âu, ngỡ ngàng, thất vọng và phẫn nộ cho cộng đồng người Việt trong
lẫn ngoài nước. Tại sao ?
1- Ngay từ khi còn là dự luật, “Dân quân tự vệ biển”
đã bị rất nhiều người phản đối vì cho rằng đây là một đạo luật đẩy
ngư dân vào chỗ khốn, buộc họ phải đối mặt với những nguy cơ chết
người trên biển. Những đồng bào này, ngoài việc phải thường xuyên
đối phó với sóng to gió lớn, thời tiết bất ngờ đổi thay, phải căng
mắt vểnh tai để dò ra các luồng cá di chuyển, còn phải dáo dác nhìn
quanh để phát hiện sự xuất hiện của “các tàu lạ” (nói theo kiểu nhà
nước và báo chí CS) hòng chạy trốn cho kịp. Nay lại buộc mang thêm
cây súng với khả năng “tay ngang, không chuyên nghiệp”, làm sao họ
chống trả được với những lực lượng nhỏ như cướp biển, nói gì đến những
tầu chiến được trang bị tối tân của Trung Cộng đang tung hoành trên
khắp Biển Đông? Không vũ khí thì còn hy vọng sống sót, chứ nếu bị
phát hiện có súng ống khí tài, thì cầm chắc là họ sẽ bị tiêu diệt.
Một trong những người có ý kiến tiêu biểu về vấn đề này là tiến sĩ
luật Cù Huy Hà Vũ. Trong Kiến nghị khẩn cấp gởi Quốc hội ngày 19-11-2009,
ông đã cho rằng lập Dân quân Tự vệ biển là một sai lầm chiến lược
với những lý do như sau: 1- Bảo vệ tính mạng của nhân dân là nghĩa
vụ của Nhà nước, nay trang bị vũ khí cho ngư dân để họ tự vệ trong
trường hợp bị nước ngoài tấn công trên biển là Nhà nước thoái thác
nghĩa vụ này. 2- Thành lập Dân quân Tự vệ nói chung, Dân quân Tự vệ
biển nói riêng là vượt quá Hiến pháp điều 77 vốn quy định “công dân
phải làm nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng quốc phòng toàn dân”
giữa thời bình trong tổ chức duy nhất là quân đội. 3- Khẳng định và
bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển không phải là chức năng của ngư
dân. Người dân đi biển là để mưu sinh còn khẳng định hay bảo vệ chủ
quyền tổ quốc trên biển là chức năng của Nhà nước và quân đội. 4-
Dân quân Tự vệ biển rất dễ trở thành “ngòi nổ” cho chiến tranh xâm
lược lãnh thổ Việt Nam. Bởi lẽ với tư cách lực lượng vũ trang không
chuyên, thiếu phương tiện và sự chỉ huy thống nhất như lực lượng vũ
trang chính quy, họ có thể bắn nhầm dân thường nước ngoài hoặc nổ
súng không cần thiết khi bị khiêu khích, và như vậy tạo cớ cho ngoại
quốc xâm lược. 5- Dân quân Tự vệ không thể là lực lượng tác chiến
trên biển. Cuộc chiến trên biển khác hẳn cuộc chiến trên đất liền.
Chỉ các vũ khí tối tân như phi cơ, tàu chiến, tên lửa mới có khả năng
bảo vệ hải phận. Giao cho dân binh nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc
gia trên biển không gì khác hơn là đẩy họ vào chỗ chết. 6- Lập Dân
quân Tự vệ biển để bảo vệ sinh mạng của ngư dân, bảo vệ chủ quyền
quốc gia trên biển là làm mất uy tín của quân đội, là cổ võ thường
dân xông vào cửa tử thay cho binh lính.
Trên thực tế, điều này không phải không có cơ sở. Kể từ vụ ngư dân
Thanh Hóa bị lính Trung Cộng bắn chết tháng 1-2005 đến vụ ngư dân
Quảng Ngãi bị lính Trung Cộng cướp bóc tháng 9 mới rồi, đồng bào hành
nghề trên biển luôn bị nhà cầm quyền, tàu cứu hộ và lực lượng hải
quân CSVN bỏ mặc. Trong cuộc phỏng vấn của đài Á châu Tự do ngày 03-11-2009,
hai ngư dân đã chua chát cho biết: “Trong những trường hợp “tàu
lạ” đâm chìm tàu đánh cá, tàu hàng của mình (như hôm 19-05-2009),
thì tàu hải quân Việt Nam lẫn tàu cảnh sát biển đều không có… Chúng
tôi phải gọi ngư dân cùng quê làm ở gần đó tới cứu và sau đó chúng
tôi phải thuê một cái ghe chở 26 lao động vào trong đất liền”.
Còn trong cơn bão số 1 năm 2008, “anh em cũng chìm, cũng chết,
nhưng tàu cứu nạn, cứu hộ chỉ chạy ra đứng chờ mình đi kiếm. Mấy ông
tỉnh điện thoại, biểu mình cố gắng đi kiếm người rồi nhà nước cho
dầu mỡ. Kiếm rồi hết bao nhiêu dầu mỡ thì về họ cho lại”...
Thành ra, Dân quân tự vệ biển chỉ là một mưu đồ của Việt Cộng nhằm
tránh đụng độ trực tiếp với đàn anh Trung Cộng trên biển. Ngoài ra,
còn phải thêm rằng việc buộc người dân “phải tham gia dân quân
tự vệ, các địa phương phải tổ chức lực lượng dân quân, các cơ quan
phải tổ chức tự vệ để đóng góp cho nền quốc phòng toàn dân” ngay
giữa thời bình như thế này chỉ là cách đảng CS muốn có thêm một biện
pháp để kiểm soát xã hội cho chặt chẽ hơn, trong tình thế nhân dân
đang chực nổi loạn để lật đổ cái chế độ xấu xa, thối nát và tàn bạo
này!
2- Dự án điện hạt nhân cũng là một vấn đề gây lo
âu và công phẫn trong dư luận. Nhiều nhà khoa học, nhà kinh tế đã
mạnh mẽ cảnh báo về chuyện này. Nổi bật nhất trong số đó là ông Phùng
Liên Đoàn, một chuyên gia thượng thặng người Việt về điện hạt nhân
đang sống tại Mỹ. Ông cho biết: “Điện rất cần thiết cho phát triển
kinh tế, nhưng việc sản xuất điện mất rất nhiều tiền và thời gian.
Vì thế, khảo sát và đề xuất cách cung cấp điện cho tương lai là việc
quan trọng. Tuy nhiên, việc đệ trình lên Quốc hội một đề án Điện hạt
nhân lớn 8000 MW, trong khi Quốc hội có rất ít thì giờ [lẫn kiến
thức! BBT] và người dân đủ mọi thành phần chưa có cơ hội hiểu
biết và đóng góp, là một việc làm có rất nhiều rủi ro sai lầm dẫn
đến phí phạm ngân sách quốc gia vốn đã rất eo hẹp. Mong muốn xây dựng
nhà máy ĐHN để thành một “cường quốc” ĐHN là một việc duy ý chí không
có cơ sở vững chắc. Tôi ở nước ngoài nghe nói vài năm trước ta có
dự án lớn “điện toán hóa” các cơ quan giáo dục toàn quốc nhưng ngày
nay tiền đã tiêu hết nhưng kết quả thì không như dự kiến. Chương trình
có ĐHN to lớn để sánh vai với các nước giàu và công nghệ cao thì tốn
kém hơn ngàn lần kinh nghiệm đó. Ta không thể tin ngay một số người
đã có định kiến sẵn là ta “thừa sức làm” vì đó là duy ý chí. Quốc
hội nên yêu cầu chính phủ nghiên cứu kỹ lưỡng hơn với điều kiện có
sự phản biện của người dân, nhất là giới trí thức có am hiểu về khoa
học, kinh tế, xã hội, và quốc phòng liên quan đến ĐHN và tương lai
của đất nước”. Ông Đoàn cũng phân tích những rủi ro VN có thể
gặp phải khi xây dựng loại nhà máy này: “Rủi ro thì nhiều lắm!
Tôi chỉ tóm tắt thành 7 rủi ro phóng xạ và kỹ nghệ, 6 rủi ro kinh
tế, và 2 rủi ro quốc phòng. Trong trường hợp VN, tôi nghĩ rủi ro lớn
nhất là ta sẽ mắc nợ triền miên mà người dân lại không có điện theo
như dự kiến. Việc này có xác suất khá cao… Ví dụ, khả năng ta hiểu
chưa kỹ các lời chào bán của người bán hàng ĐHN là cao; khả năng ta
suy tính sai vì duy ý chí là cao; khả năng ta làm sai vì thiếu hiểu
biết là cao; khả năng ta có nhiều kiện tụng, như Phần Lan hiện nay,
với các công ty ngoại quốc khi nhà máy đang xây là cao” (Bài
hỏi đáp “10 phương pháp không cần điện hạt nhân mà vẫn giúp Việt Nam
tăng thêm nội lực” đăng trên http://bauxitevietnam.info ngày 19-11-2009).
Quả thế, đang khi ngân sách dự trữ quốc gia chỉ có 22 tỷ đôla (theo
lời đại biểu Nguyễn Minh Thuyết), thì dự án hạt nhân trong giai đoạn
đầu đã ngốn đến 12 tỷ, và có thể tăng lên gấp đôi chỉ sau vài năm
(theo lời giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn tại Pháp). Rõ ràng đây là một nguy
cơ kinh tế và một gánh nặng tài chánh kinh khủng cho đất nước. Phải
chăng trong dự án phiêu lưu liều lĩnh này, Việt cộng đang có lời hứa
hẹn bảo trợ của Trung cộng? Nếu thế thì lại thêm một sợi xích tròng
vào cổ Tổ quốc (sau sợi xích 50 tỷ đôla cứu vãn nền tài chính mới
đây của VN). Ngoài ra, nguy cơ về sinh thái (rò rỉ phóng xạ nguyên
tử) không phải là nhỏ. Với thói vô trách nhiệm thâm căn cố đế thường
thấy trong các chế độ CS và nơi những con người CS, một Tchernobyl
thứ hai tại Việt Nam là điều rất có thể xảy ra, một khi các nhà máy
ĐHN tại Ninh Thuận đi vào hoạt động. Lúc ấy thì quả là một tai họa
khôn lường cho nhân dân và đất nước!
Qua hai cuộc bỏ phiếu tán đồng nói trên (sau sự im lặng tán đồng việc
Bộ Công thương lập “Ban Chỉ đạo thực hiện các dự án bôxit Tây Nguyên”
hôm 30-10), Quốc hội lại một lần nữa tỏ ra là gia nô của đảng CSVN,
bất chấp bao nguy cơ tiềm tàng cho Dân tộc. Mặt khác, hai sự kiện
nói trên cũng cho thấy giữa Việt cộng và Trung cộng lại một lần thể
hiện mối quan hệ chủ tớ, vốn đã bắt nguồn tự tư tưởng thần phục -khởi
từ Hồ Chí Minh chuyển qua đồ đệ và đồng đảng- luôn coi Trung cộng
là chỗ dựa vững chắc cho mình. Rõ ràng đảng CSVN đang đùa với vận
mệnh dân tộc và tính mạng của nhân dân.
Ban
Biên Tập (số 88, ngày 01-12-2009)
-Nhấn
vào Link này để "download" (save as) Bán nguyệt
san TDNL ở dạng (format): .pdf, sẽ chậm (xin kiên
nhẫn!), nếu bạn không sử dụng đường dây cao tốc Internet DSL, nhưng
toàn bộ mỗi số báo 32 trang sẽ giữ dạng nguyên thủy, như là 1
file duy nhất: http://www.tdngonluan.com/pdf/TuDoNgonLuan_So88_1December2009.pdf
....................................................................................................