“Mọi
người có quyền tự do ngôn luận; quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp
nhận và phổ biến mọi loại tin tức và ý kiến, không phân biệt ranh giới,
bằng truyền miệng, bản viết hoặc bản in, bằng hình thức nghệ thuật,
hoặc thông qua bất cứ phương tiện truyền thông đại chúng khác theo sự
lựa chọn của mình”
(Điều
19,2 Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Liên Hiệp Quốc
biểu quyết năm 1966, Việt Nam xin tham gia năm 1982).
(Everyone
shall have the right to freedom of expression; this right shall include
freedom to seek, receive and impart information and ideas of all kinds,
regardless of frontiers, either orally, in writing or in print, in the
form of art, or through any other media of his choice.)
|
D
I Ễ N Đ À N Chân lý đôi lúc đến từ miệng trẻ thơ. Đó là trường hợp phát biểu của em Vũ Thạch Tường Minh, 14 tuổi, học sinh trường Amsterdam tại Hà Nội, về đường lối giáo dục tại Việt Nam, trong buổi ra mắt sách của nhóm Cánh Buồm hôm 12-08-2015: “Theo con, bây giờ giáo dục Việt Nam con thấy là quá ‘thối nát’ rồi. Suốt bao nhiêu năm qua các vị cải đi, cải lại, cải tiến, cải lui mà nó không thay đổi được kết quả gì cả. Nên bây giờ con muốn các vị bộ trưởng, thứ trưởng hãy thay đổi đường lối giáo dục của VN… Các vị có thể nói là mất thời gian, nhưng con thấy các vị cải tiến, cải lùi còn mất thời gian hơn. Giáo dục VN không cần cải cách gì nữa mà cần được cách mạng. Đó mới là điều quý vị trong bộ giáo dục nên làm”. Đấy cũng là nhận xét chung của hầu hết mọi người VN hiện nay. Trước thảm trạng giáo dục này, Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, Giám đốc Trung tâm Minh triết VN ở Hà Nội mới đây có lý giải: “Tư duy và tư tưởng của những người lãnh đạo VN hiện nay rất nông cạn, vì thế họ suy nghĩ hời hợt, bề ngoài. Họ rất thích áp đặt, không thích cãi lại, để cho mỗi học sinh được tự do, để trưởng thành một con người…. Cái lò đào tạo ra người quản lý [giáo dục] là trường Nguyễn Ái Quốc, trường đảng, thì đó là những nơi xơ cứng nhất, kiến thức hẹp nhất”. Đó là một cách lý giải đúng nhưng –theo thiển ý chúng tôi- chưa sâu, chưa đủ và chưa đi vào cơ bản. Nguồn gốc của tất cả sự băng hoại của “nền giáo dục” tại nước CHXHCNVN lúc này chính là ý thức hệ Mác-Lê vô thần duy vật và chế độ độc tài toàn trị Cộng sản. Giáo dục là dạy dỗ, đào tạo con người sống theo một thứ đạo đức và nhắm tới một mục tiêu nào đó (người ta gọi là “triết lý giáo dục). Mà ý thức hệ Mác-Lê và chế độ Cộng sản chủ trương “đạo đức cách mạng” với 2 nguyên tắc: (1) mọi cái có lợi cho Cách mạng (tức cho đảng) đều là chân thiện mỹ, dù đó là gian dối hay bạo lực, xấu xa hay đê hèn; (2) cứu cánh biện minh cho phương tiện, cứu cánh đây là sự tồn tại của chế độ CS, nên nếu phương tiện có đi ngược lại tiếng nói của lương tâm, lời dạy của tôn giáo thì cũng bất chấp, bất cần. Còn mục tiêu giáo dục chính là đào tạo thành thần dân trung thành với đảng, công cụ mù quáng của chế độ hơn là công dân tự do của đất nước, con người nhân bản của xã hội. Có như thế đảng mới muôn năm trường trị để giữ mọi quyền lực và hưởng mọi quyền lợi. Từ đó phát sinh ra sách lược (hay đường lối) là đảng CS phải quản lý, khống chế toàn diện nền giáo dục quốc dân từ mẫu giáo đến đại học. Cứ đọc Luật Giáo dục và nhìn Nền Giáo dục là thấy rõ điều này. Trước hết, đảng soạn Luật giáo dục: lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng HCM làm nền tảng tinh thần và tri thức. Từ đó đảng tiêu diệt các trường tư của mọi tôn giáo và khống chế các trường tư của mọi công dân. Học viện Công giáo được ban tôn giáo chính phủ cho phép thành lập ngày 03-08-2015 phải tuân theo điều 2 của Quyết định 289: “Học viện CGVN được hoạt động theo quy định của pháp luật VN và theo nội dung đề án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận”. Thầy chủ nhiệm khoa của anh sinh viên Phạm Lê Vương Các tại Đại học (dân lập) Kinh doanh Thương mại Hà Nội nói với anh hôm 01-09: “Trường này do những người CS lập ra, và sẽ đào tạo ra những con người thuộc về chế độ chính trị CS.” (bài “Em hãy rút hồ sơ và nghỉ học ở trường này đi”). Thứ đến, Đảng đặt các hiệu trưởng cho mọi trường công lập từ tiểu học trở lên: hiệu trưởng phải là thành viên của đảng; ngoài ra còn có bí thư đảng, đảng đoàn trong trường học để kiểm soát mọi giáo viên và học sinh, mọi chương trình và hoạt động. Mỗi cậu đoàn viên có bổn phận theo dõi thầy và bạn của mình. Đảng soạn sách giáo khoa; giáo khoa là pháp lệnh, không được giảng dạy ra ngoài, nhất là các môn khoa học nhân văn. Chính vì thế mà vào năm 1960, một thày giáo bạn của nhà thơ Nguyễn Chí Thiện bị đau, đã nhờ ông dạy giúp hai giờ môn sử. Bài học hôm ấy nói về Thế chiến thứ hai kết thúc với sự đầu hàng vô điều kiện của Nhật Bản. Bất bình trước hành vi trắng trợn xuyên tạc lịch sử của sách giáo khoa viết rằng Thế chiến này kết thúc là nhờ Hồng quân Liên Xô đánh bại quân đội Nhật, nhà thơ đã thẳng thắn giảng cho học sinh biết sự thật là quân Nhật thua quân Đồng minh vì hai quả bom nguyên tử của Mỹ. Cái giá của viêc “coi thường” giáo khoa này là hai tháng sau ông đã bị nhà cầm quyền kết án và đẩy vào lao ngục, khởi đầu cho cuộc đời vào tù ra khám 27 năm dưới bàn tay sắt máu của chế độ. Tháng 6-2009, cô giáo Nguyễn Thị Bích Hạnh, 28 tuổi, đang dạy ở trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quảng Nam, bị buộc thôi việc vì "đã vi phạm nghiêm trọng trong việc xuyên tạc đạo đức nhà giáo; sử dụng bục giảng làm nơi tuyên truyền những nội dung trái với quan điểm của chính sách Nhà nước; xuyên tạc đường lối của Đảng, chủ trương pháp luật của Nhà nước, vi phạm quan điểm nội dung giáo dục trong việc cập nhập khai thác, truyền bá trang web phản động, phản giáo dục”. Việc “truyền bá” này chính là cô đã đề cập với các em học sinh một số bài viết trên các trang mạng hải ngoại như Talawas và Tienve.org với mục tiêu “hướng dẫn các em biết cách tự học, tự đọc, tự tìm tòi phân tích thông tin”. Ngoài ra, Đảng đặt ra hệ thống quản lý giáo dục (bộ, ty, sở, phòng) từ trung ương tới địa phương: tỉnh, thành, quận, huyện. (VN Cộng Hòa chỉ có miền và tỉnh). Mục tiêu của hệ thống quản lý này là kiểm soát từ học đường đến gia đình, từ thầy đến trò để tất cả luôn nằm trong bàn tay của đảng. Còn nhân sự quản lý giáo dục đều xuất thân từ hệ thống các trường đảng Nguyễn Ái Quốc vốn có khắp mọi tỉnh. Chưa hết, Đảng buộc môn chính trị trong các trường là môn học chính khóa với rất nhiều tiết học (thậm chí còn buộc như thế đối với các đại chủng viện). Đảng còn đoàn ngũ hóa học sinh sinh viên qua tổ chức đội (Thiếu nhi Tiền phong), đoàn (Thanh niên CS) nhằm tẩy não và nhồi sọ thế hệ trẻ về lòng kính yêu “bác” và việc bước theo “đảng”. Đấy là chưa kể quân đội và công an cũng là nơi đảng nặn ra những kẻ “chỉ biết còn đảng còn mình”, “trung với đảng” (trước), “hiếu với dân” (sau). Hậu quả của “nền giáo dục” bị đảng hóa, độc quyền hóa, chính trị hóa như thế thì vô số và chỉ có thể là thê thảm, tai hại. Ngay trên trên lãnh vực giáo dục, đó là ông thầy cần “hồng” hơn “chuyên”. Từ đó sinh ra nạn giáo sư và giáo viên sẵn sàng cấm sinh viên học sinh xuống đường biểu tình chống Tàu cộng xâm lược, đuổi học những sinh viên yêu tự do, dân chủ (như Nguyễn Phương Uyên, Phạm Lê Vương Các), để cho công an vào trường bắt trò của mình. Nạn “nhà giáo ưu tú” làm dư luận viên như Trần Đăng Thanh, Hoàng Chí Bảo… Ngày 18-04-2015, theo BBC, phó giáo sư đại học quốc gia Hà Nội Vũ Quang Hiển thản nhiên phát biểu: “Tôi nghĩ rằng sau chiến tranh, VN không có ngược đãi đối với mọi người.... Còn việc tập trung học tập hay cải tạo, tôi nghĩ đấy là để học cho rõ chính sách của nhà nước VN thời bấy giờ... chứ không có nghĩa là một chế độ tù đầy. Nếu nói là tù đầy, thì tôi nghĩ đó là một sự xuyên tạc”. Rồi nạn giáo viên thiếu kiến thức (“đứng nhầm bục”) và vô tư cách, như đổi tình lấy điểm, buộc học sinh phục vụ sinh lý cho mình và cho các quan chức (ví dụ tại trường thị trấn Việt Lâm, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang). Nạn giáo viên coi học sinh và gia đình là nơi để làm tiền bằng cách dạy thêm, thu đủ kiểu chi phí ngoài học phí, và mỗi năm đến ngày Nhà giáo VN thì vòi tiền vòi quà cách trắng trợn. Về học sinh thì cũng có nạn hồng hơn chuyên: không ý thức về hoàn cảnh đất nước (để đảng lo), không băn khoăn về bộ mặt chế độ (để đảng làm), không tham gia các cuộc biểu tình yêu nước (thậm chí làm rào chặn đoàn biểu tình, phá đám việc tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ), sẵn sàng làm dư luận viên giúp đảng (tự hào đó là bản lĩnh chính trị). Về đức dục thì có nạn gian dối (tác phẩm của thầy, trò nhận biểu diễn; tập trước những cuộc thi điển hình, kiểu mẫu), nạn bạo hành (đánh bạn, đánh thầy), nạn vâng lời tối mặt, thiếu tinh thần độc lập. Về trí dục thì nạn học đối phó, học để thi, để lên lớp, không phải để hiểu biết; học kiểu từ chương, không có tinh thần tự tìm, tự hiểu; làm bài quy cóp, làm bài theo văn mẫu. Về giáo khoa, thì giáo khoa của các môn nhân văn như công dân, văn, sử, địa, đầy rẫy những xuyên tạc lịch sử (“30% sự thật, 70% gian dối theo giáo sư Hà Văn Thịnh), đề cao đảng và chế độ, lâu lâu lại đề cao Tàu cộng hay che giấu những hành động xâm lăng của Bắc phương (khiến thui chột lòng yêu nước), dạy lòng căm thù, nhất là căm thù những ai bị đảng coi là địch (khiến tiêu biến lòng nhân ái vị tha). Mới đây có loại sách dạy kỹ năng sống bằng cách ăn phân gà, đi trên miểng chai, cưa bom đạn. Giáo khoa các môn khoa học kỹ thuật thì biên soạn ẩu tả, sai lạc. Ngoài ra, có nạn sách học đổi từng năm, khiến em không thể dùng sách của anh được. Về cơ sở: đa phần xuống cấp, xập xệ, nhất là những vùng sâu vùng xa, thiếu những học cụ hiện đại. Lại có nạn tham nhũng trong việc cung cấp các phương tiện như máy vi tính, bảng tương tác điện tử, việc cung cấp đồng phục, việc xây dựng nhà vệ sinh. Rồi ngoài học phí (tiểu học và trung học công lập, một kiểu bóc lột về mặt vật chất sau kiểu bóc lột tinh thần là tẩy não, nhồi sọ, diệt ý chí, trấn áp tự do), còn đủ trăm thứ phí học đường, khiến gia đình càng thêm khánh kiệt. Hậu quả của nền giáo dục CS trên toàn xã hội là trình độ văn hóa chung của xã hội và đất nước xuống cấp trầm trọng: bằng giả tràn lan, đủ thứ tiến sĩ giấy, giáo sư dổm. VN không có những tác phẩm văn hóa, phát minh khoa học, sáng chế kỹ thuật mang tầm mức quốc tế, hoàn vũ. Tình trạng đạo đức ngày càng băng hoại: chẳng còn tình làng nghĩa xóm, nghĩa đồng bào tình đồng loại. Xã hội đầy ứng xử vô văn hóa, gian dối và bạo lực. Ứng xử vô văn hóa như xả rác bừa bãi, không tôn trọng luật đi đường, phá hoại công trình công cộng. Gian dối trong giao tế, làm ăn, tạo sản phẩm. Ra nước ngoài thì ăn cắp, buôn lậu. Bạo lực học từ nhà trường và từ việc nhà nước dùng bạo lực với dân. Nền giáo dục đó cũng tạo ra những công an tàn ác với dân, mù quáng tuân lệnh, làm luật kiếm tiền; những viên chức tham nhũng bóc lột, dối gian lừa đảo, hứa hẹn hão huyền; những nhà báo dối trá, ngày đêm sơn phết, tụng ca chế độ bất chấp lương tâm và lòng xấu hổ; những trí thức mũ ni che tai, trùm chăn với thời cuộc, tự cho mình khôn ngoan, hoặc còn mải mê kiếm tìm danh lợi; những bác sĩ y tá vô lương tâm, chỉ biết khai thác khổ đau bệnh tật của đồng loại. Bản chất con người vốn dị ứng với gian dối và bạo lực, chẳng ai muốn bị lừa gạt và hành hạ, trừ những kẻ mang ý đồ xấu, sử dụng 2 thứ đó với người khác. Thế mà nền giáo dục CS lại xây trên gian dối và bạo lực, nhằm duy trì chế độ, thành ra nó hoàn toàn và vĩnh viễn không có khả năng giáo dục con người. Muốn canh tân giáo dục, việc đầu tiên là phải thay đổi chế độ chính trị. Ban
Biên Tập (số 227 ngày 15-9-2015) |