“Mọi
người có quyền tự do ngôn luận; quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp
nhận và phổ biến mọi loại tin tức và ý kiến, không phân biệt ranh giới,
bằng truyền miệng, bản viết hoặc bản in, bằng hình thức nghệ thuật,
hoặc thông qua bất cứ phương tiện truyền thông đại chúng khác theo sự
lựa chọn của mình”
(Điều
19,2 Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Liên Hiệp Quốc
biểu quyết năm 1966, Việt Nam xin tham gia năm 1982).
(Everyone
shall have the right to freedom of expression; this right shall include
freedom to seek, receive and impart information and ideas of all kinds,
regardless of frontiers, either orally, in writing or in print, in the
form of art, or through any other media of his choice.)
|
D
I Ễ N Đ À N Người Cộng sản không bao giờ biết nói và nghe chuyện khôi hài nhắm vào họ. Khốn nạn cho ai trong nước vẽ biếm họa hay kể biếm sự về chủ nghĩa, chế độ hay về các lãnh đạo Cộng sản. Nhà tù sẽ lập tức mở cửa chào đón kẻ bạo gan ấy. Thế nhưng có một nghịch lý là người Cộng sản lại biết diễn đủ trò khôi hài và là đối tượng khôi hài, chế diễu số một của nhân dân. Không có chế độ nào trong lịch sử (Việt Nam và cả thế giới) bị công dân đặt ra vô số câu chuyện, thơ ca, hò vè để châm biếm, mỉa mai bằng chế độ CS (xin vào mạng, gõ Google thì biết). Và đây là một trong những chứng liệu, một trong những tiêu chuẩn quan trọng để các sử gia tương lai đánh giá về mức độ được hay mất lòng dân của một triều đại, một chế độ, một lãnh tụ chính trị. Sở dĩ có sự kiện như thế là vì người Cộng sản đầy tự ái, bất chấp sự thật, lẽ phải, bất chấp dư luận hiện tại và tương lai, hoàn toàn đứt dây thần kinh xấu hổ, huyễn tưởng mình là đỉnh cao trí tuệ loài người và bằng lòng với vẻ bề ngoài dối trá, lời tuyên truyền che đậy hơn là với thực chất và thực lực bên trong. Miễn là hiện tại mình nắm trong tay mọi quyền lực và mọi quyền lợi. Gần đây có những trò cười ra nước mắt rất hoành tráng. Như cuộc lên đồng tập thể -do sự kích động của đảng- quanh cái chết của một đảng viên vào loại trung thần số một. Vốn là duy vật, chẳng hề tin có thế giới mai hậu lẫn các thực thể linh thiêng, thế mà đảng vẫn cố biến kẻ mình từng đày đọa khinh bỉ trong mấy chục năm trời thành vĩ nhân thế giới, danh tướng mọi thời, thành thánh, thành thần, thành phật và lôi kéo hàng vạn con người ngu ngơ tin chắc như vậy. Gần hơn nữa là màn “các nhà ngoại cảm -có “li-xăng” đàng hoàng của nhà nước- tìm ra hài cốt của hàng ngàn liệt sĩ” rồi tổ chức lễ quy tập long trọng, xây mộ uy nghi trong các nghĩa trang, nhưng rốt cuộc chỉ là đất đá hay xương động vật. Một màn lừa dối làm đau nhói thêm trái tim hàng triệu thân nhân tử sĩ. Mới hôm kia đây (28 tháng 11) là màn đại hài kịch “thông qua Hiến pháp sửa đổi” năm 2013. Nhưng trước hết hãy nói về một màn hài kịch khác trong quá khứ, cũng liên quan tới Hiến pháp nước Việt. Đó là vào ngày 9-11-1946, bản Hiến pháp của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được quốc hội phê chuẩn và được khen ngợi (mãi cho đến nay) là hiến pháp khá nhất, nhưng chỉ năm hôm sau, tức ngày 14-9-1946, cũng chính quốc hội nầy, dưới áp lực của Hồ Chí Minh và đảng CS, tuyên bố đình chỉ thi hành bản hiến pháp đó. Đúng là trò hề chính trị mở màn cho một loạt trò hề trên chính trường Cộng sản gần 70 năm qua. Gọi là màn đại hài kịch Hiến pháp mới 2013 vì trước hết nó đã tiêu tốn vô số tiền của gần cả năm trời: hàng ngàn tỷ đồng thuế của dân đã được tung ra để in mấy triệu văn bản 2 Hiến pháp đối chiếu phát cho các hộ, để tổ chức “hơn 28.000 hội nghị, hội thảo, tọa đàm với hơn 26.091.000 lượt góp ý” (lời chủ tịch Quốc hội). Riêng cuộc họp sửa đổi Hiến pháp của Quốc hội kéo dài trên một tháng đã ngốn -theo ước tính của tiến sĩ Lê Đăng Doanh- 250 tỷ. Đó là chưa kể khối thời giờ vĩ đại của nhân dân và các cơ quan nhà nước, để cuối cùng đưa ra một bản Hiến pháp với nội dung xưa cũ và lạc hậu, vất mọi ý kiến chân thành và tiến bộ của trí thức, nhân sĩ và dân thường vào sọt rác. Thứ đến là tỷ lệ tán thành cao ngất trời vốn chỉ có trong các chế độ độc tài, nhất là độc tài cộng sản. Vào hồi 9g53′ ngày 28-11, trong thời gian chưa đến 60 giây, với 488 đại biểu tham gia (chiếm 97,99%), Hiến pháp mới đã được thông qua với 486 phiếu chấp thuận, 2 “không biểu quyết”, và zéro “không tán thành”, chiếm tỷ lệ 97.99%. Nhất trí cao, phấn khởi lớn thật! Toàn thể Quốc hội đã đứng dậy vỗ tay ào ào chào mừng “thời điểm lịch sử”, đang lúc dân chúng được một trận cười ngặt nghẽo kèm theo nỗi ngao ngán tiếp đó. Một lần nữa, theo tác giả Đoan Trang, Việt Nam lại đứng vào “câu lạc bộ 90 phần trăm” mà lịch sử thế giới thế kỷ XX và XXI chứng kiến như một trong các biểu hiện của các chế độ độc tài tồi tệ. Trong các chế độ này, tỷ lệ người đi bầu và tỷ lệ bỏ phiếu ủng hộ (lãnh đạo hoặc chủ trương, chính sách của lãnh đạo) bao giờ cũng cao ngất, các con số thống kê có lợi cho họ lúc nào cũng trên 90%, có khi còn sát mức tuyệt đối. Xin kể vài ví dụ để độc giả cười cho đỡ tức. Năm 1973, Tổng thống Ferdinand Marcos của Philippin tuyên bố thông qua Hiến pháp mới với tỷ lệ 95% đại biểu Hội đồng Nhân dân ủng hộ. Cũng năm đó, Philippin tiến hành trưng cầu dân ý với câu hỏi “có muốn Tổng thống Marcos tiếp tục tại vị không”, và 90,67% câu trả lời là có (nhưng đến năm 1986, ông ta đã bị toàn dân lật đổ). Năm 1979, cuộc trưng cầu dân ý của Giáo chủ Khomeini ở Iran thu được kết quả 98% người bỏ phiếu tán thành việc xây dựng nước cộng hòa Hồi giáo Iran. Năm 2002, Tổng thống Iraq Saddam Hussein tái đắc cử, được 100% phiếu bầu (nhưng cách đây vài năm ông đã bị nhân dân treo cổ). Anh em nhà Tổng thống Cuba, Fidel và Raul Castro, thường xuyên được 99% phiếu bầu. Các cuộc bầu cử ở Liên Xô ngày trước, tỷ lệ trúng cử của đảng viên cộng sản vào các Xô viết địa phương trung bình là 99% (nhưng hậu vận của chế độ này thế nào thì ai cũng rõ). Thứ ba, sự khôi hài của màn hài kịch phê chuẩn HP biểu lộ qua những tuyên bố phường tuồng đểu giả của Trung ương đảng và của chủ tịch lẫn phó chủ tịch Quốc hội. Ngay sau Hội nghị Trung ương 8 từ 30-9 đến 9-10-2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhận định: “Trong thời gian qua, chúng ta đã phát huy cao độ tinh thần dân chủ và ý thức trách nhiệm, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia ý kiến xây dựng Hiến pháp; việc đóng góp ý kiến xây dựng Hiến pháp thực sự là đợt sinh hoạt chính trị-pháp lý dân chủ sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân và cả hệ thống chính trị, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với việc xây dựng Dự thảo Hiến pháp 1992 cũng như thực thi Hiến pháp sau này….” Ngày 18-11, như muốn nhân dân biết mình đã điều hành Quốc hội làm việc hết sức để hòan thành một bản Hiến pháp tốt hảo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng rất “thổn thức” và “thành khẩn” phát biểu: “Chúng ta đã làm việc với một tinh thần trách nhiệm rất cao… Chúng tôi làm việc với tinh thần rất cần mẫn, rất khiêm tốn và rất cầu thị để tiếp thu cho được tinh hoa trí tuệ của nhân dân mà các đại biểu tiếp tục phản ảnh. Có đại biểu phát biểu, có đại biểu chưa phát biểu nhưng gửi ý kiến về, có các vị khách của chúng ta gửi ý kiến chúng tôi cũng nghiên cứu để tiếp thu đầy đủ. Vừa tiếp thu ý kiến phát biểu của đại biểu tại hội trường, vừa tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội gửi đến, vừa tiếp thu ý kiến của các vị khách và nhân dân, một số ý kiến tiếp tục gửi đến” (Báo Quân đội Nhân dân, 18-11-2013). Trước khi bắt đầu bỏ phiếu, để làm cho vở kịch thêm phần hài hước, Nguyễn Sinh Hùng còn trơ trẽn nói trước Quốc hội: “Đây là bản hiến pháp thể hiện được ý Đảng, lòng dân”. Sau đó tiếp tục lộng ngôn: "Tuyệt đại bộ phận nhân dân và Quốc hội có thể khẳng định rằng đã đồng tình cao với dự thảo thông qua lần này". Còn Uông Chu Lưu, Phó chủ tịch, trong diễn văn đọc trên truyền hình hôm ấy thì nói: “Rất nhiều người đòi hỏi Đảng phải là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Sau đó ông ta còn trâng tráo phát biểu với báo chí: “Báo cáo của Ủy ban Dự thảo Sửa đổi HP trình Quốc hội sáng nay đã khẳng định bản HP sửa đổi lần này đã thể chế hóa Cương lĩnh của Đảng… Hiến pháp chúng ta sửa đổi lần này vẫn tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của ĐCSVN… Đây là bản kết tinh giữa ý Đảng, lòng dân, phản ánh ý chí, nguyện vọng của nhân dân… đáp ứng nhu cầu bảo vệ phát triển đất nước.” Đáng cười ra nước mắt nữa là cái bản HP vừa thách đố nhân dân, vừa chà đạp trí thức, vừa tạo đủ nguy cơ cho dân tộc ấy lại được gần 500 kẻ có ăn học và có phương tiện thông tin thông qua mà chẳng một phiếu chống nào, y như cả một bầy cừu ngoan ngoãn, một dàn robot vô tri, một đám nô lệ hèn nhát, một bọn gia nô cung cúc tận tụy. Chắc nhiều thế hệ mai sau sẽ tự hỏi trí thức VN năm 2013 là hạng người gì và chắc con cháu sẽ tạc bia miệng ngàn năm về cái gọi là Quốc hội khóa 13 Cộng sản! Màn đại hài kịch vụng về này đã bị quốc nội và quốc tế phê phán ngay. Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc khu vực châu Á thuộc tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Right Watch) đã lập tức bình luận: “Thay vì lắng nghe tiếng nói của hàng nghìn công dân VN –những người đã đóng góp ý kiến để làm thế nào HP có thể bảo vệ tốt hơn các quyền con người và nâng cao chất lượng quản trị– thì Quốc hội lại đã đồng loạt bỏ phiếu theo nguyện vọng của nhà nước và đảng CS. Một cơ hội khổng lồ đã bị bỏ lỡ, đó là cơ hội cải cách, đưa đường lối quản trị của đất nước đến gần hơn với các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế mà VN miệng thì nói là tôn trọng nhưng trên thực tế thì thường xuyên vi phạm. Hành động đầu tiên để VN ra mắt Hội đồng Nhân quyền LHQ mà như thế này, thật vô cùng đáng thất vọng” Đúng là vở hài kịch trình làng trước cái định chế hoàn vũ uy nghi đó! Đẹp mặt thật! Nhóm Trí thức 72, hôm 29-11, cũng ra lời tuyên bố: “Quốc hội khóa XIII đã thông qua một bản hiến pháp thể chế hóa cương lĩnh của đảng CSVN, coi thường nguyện vọng của đông đảo nhân dân muốn xây dựng một hiến pháp làm nền tảng cho một chế độ dân chủ với nhà nước pháp quyền thật sự của dân, do dân và vì dân. Như vậy, Quốc hội khóa XIII đã tự chứng tỏ không đại diện cho nhân dân và phải chịu trách nhiệm trước lịch sử và dân tộc; HP này không thật sự là HP của nhân dân và người dân có thể sử dụng quyền bất tuân dân sự của mình”. Kết: Đại hài kịch vừa thấy khởi đầu cho đại bi kịch: Trước hết là bi kịch cho dân cho nước. Nguy cơ khủng hoảng kinh tế, đàn áp chính trị, lộng hành kiêu binh, nguy cơ cướp đoạt ruộng đất, đày đọa nông dân, bóc lột lao động, nguy cơ gia tăng tham nhũng, băng hoại đạo đức, suy đồi văn hóa, nói chung là nguy cơ chà đạp nhân quyền sẽ càng gia tăng sau cái “bản án treo cổ toàn dân” nghiệt ngã này. Thứ đến là bi kịch cho chính đảng CS. “Bản án” đó sẽ là giọt nước tràn ly phẫn nộ, là sức nén tận cùng lên chiếc “lò xo” để cơn hồng thủy và sức bật ngược của nhân dân sớm thanh toán cái chế độ và và cái chính đảng đã tự định nghĩa qua HP như một lực lượng chiếm đóng và như thế là kẻ thù và tội đồ muôn thuở của Dân tộc. Và sau cùng là bi kịch cho gần 500 tên mạo danh là dân biểu nhưng thực ra là đảng biểu (đảng biểu sao làm vậy). Để cho đảng tính tiêu diệt nhân tính, chúng thực sự là cặn bã của nòi giống Việt và mang lấy ô nhục ngàn thu cho mình và cho con cháu. Ban
Biên Tập (số 184, ngày 1-12-2013) |