Mọi người có quyền tự do ngôn luận; quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và phổ biến mọi loại tin tức và ý kiến, không phân biệt ranh giới, bằng truyền miệng, bản viết hoặc bản in, bằng hình thức nghệ thuật, hoặc thông qua bất cứ phương tiện truyền thông đại chúng khác theo sự lựa chọn của mình (Điều 19,2 Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Liên Hiệp Quốc biểu quyết năm 1966, Việt Nam xin tham gia năm 1982). (Everyone shall have the right to freedom of expression; this right shall include freedom to seek, receive and impart information and ideas of all kinds, regardless of frontiers, either orally, in writing or in print, in the form of art, or through any other media of his choice.)

D I Ễ N   Đ À N

TỰ DO BẦU CỬ LÀ GÌ ? TẠI SAO CHÚNG TA LẠI
TẨY CHAY CUỘC BẦU CỬ 2007 CỦA CỘNG SẢN ?
   

Chu chi Nam (24.3.2006)

"Những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ ?" - Saigon, 7 tháng 3, 1956.
Tự do bầu cử là một trong những quyền tự do căn bản của con người và là một trong những nền tảng của một chế độ dân chủ. Có ngừơi nói : Tự do bầu cử và tự do ngôn luận báo chí là hai cột trụ chính của một chế độ dân chủ. Có phải thế không ?

Tự do là gì, tự do bầu cử là gì, dân chủ là gì ?

Tự do là những quyền căn bản của con người, đi từ quyền tự do sinh sống, tự do đi lại, tự do mưu cầu hạnh phúc, tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, tự do hội họp, tự do chính trị và tất nhiên trong đó có quyền tự do bầu cử. Tất cả những quyền tự do căn bản này đã được ghi trong Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân quyền, và được Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc chấp nhận vào ngày 10/12/1948.
Những nhà luật học soạn ra Bản Tuyên Ngôn, đã lấy 2 câu trâm ngôn vừa Đông vừa Tây làm kim chỉ nam. Đó là : "Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân" (Những cái gì anh không muốn người ta làm cho anh, thì anh đừng làm cho người khác) và câu tiếng Pháp : "Ne fais pas à un autre ce que tu ne veux pas quil te soit fait" cũng có nghĩa như câu trên.

Lời Mở đầu của Bản Tuyên Ngôn nói rõ :
"Xét rằng việc công nhận nhân phẩm bẩm sinh của mọi người, thành viên của đại gia đình nhân loại, cùng sự công nhận quyền bình đẳng, bất khả nhượng, đó là nền tảng của tự do, công lý và hòa bình trên thế giới.
"Xét rằng những hành động sao nhãng, khinh miệt và chà đạp những quyền căn bản của con người là những hành động man dại, đi ngược lại lương tâm, lương tri của nhân loại ; và một thế giới mà trong đó, mọi ngừơi đều được tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, và không bị đe dọa bởi nghèo đói, thế giới đó phải được coi là ước vọng cao cả của nhân loại."


Vậy tự do chúng ta có thể định nghĩa là những quyền căn bản, bẩm sinh của con người, không phân biệt trai gái, không phân biệt chủng tộc. Dân chủ có thể được định nghĩa nhiều cách khác nhau ; nhưng chúng ta cũng có thể định nghĩa đó là một chế độ chính trị, mà trong đó những quyền tự do căn bản của con người được tôn trọng, trái lại với chế độ độc tài.

Trong những quyền căn bản đó có 2 quyền quan trọng. Đó là quyền tự do ngôn luận. Nói như Voltaire : "Tự do ngôn luận là linh hồn của chế độ dân chủ." Theo tinh thần quyển Contrat social (Khế ước dân xã) của J. J. Rousseau ; và theo tinh thần Bản Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ mà người sọan thảo chính là Thomas Jefferson, thì quyền tự do bầu cử là hành động đầu tiên và tạo dựng lên dân chủ.Tại sao như vậy. Trong khuôn khổ bài này tôi chỉ nói đến tự do bầu cử.

Tự do bầu cử, theo tinh thần quyển Khế Ước Dân Xã ( Contrat social) là hành động đầu tiên của con người trong việc kết đoàn làm nên xã hội ngày hôm nay. Theo J.J. Rousseau (1712 – 1778), thì lúc mới khai sinh, con ngừơi sống tự do, tự tại. Nhưng con người ý thức được rằng, nếu sống riêng lẻ, đơn độc một mình, thì con người khó đương đầu thiên nhiên, thú dữ. Chính vì vậy mà con người đã kết đoàn thành tổ chức, bầu lên đại diện của mình để lo công việc lợi ích chung. Nhưng đây là một khế ước ( le contrat social), người đại diện được bầu ra phải có nhiệm vụ lo cho quyền lợi chung của tập thể, nếu không, thì có nghĩa là người được bầu ra không giữ lời hứa, không hoàn thành khế ước, người dân có quyền truất phế để bầu ngừơi khác.

Tư tưởng này đã ảnh hưởng sâu đậm nơi Thomas Jefferson ( 1743 – 1826), tác giả Bản Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ, theo đó :
"Chúng tôi cho là hiển nhiên những chân lý sau đây : tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng ; họ được Đấng Tạo Hóa ban cho những quyền bất khả nhượng ; trong những quyền này, có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Những chính quyền được thiết lập ra bởi con người là để bảo đảm những quyền căn bản này, và quyền hành của người cầm quyền chỉ có thể có được là do từ sự đồng thuận, chấp nhận của những người dân. Một khi một hình thức chính quyền nào đó đi ngược lại mục đích là bảo vệ người dân, thì người dân có quyền thay đổi chính quyền này, hay hủy bỏ nó, và lập nên một chính quyền mới, miễn làm sao nó bảo đảm an ninh và hạnh phúc của người dân." ( Histoire des Etats-Unis – trang 649 - nhà xuất bản Economica - Bản dịch ra tiếng Pháp -1980 ).

Đó là sự quan trọng của quyền tự do bầu cử theo J.J. Rousseau, T. Jefferson và theo nhiều chế độ dân chủ hiện nay. Tuy nhiên, trong lịch sử cận đại, quyền này còn bị tước đoạt, gian lận lừa đối tại nhiều quốc gia độc tài, như hiện nay tại Miến Điện, chế độ độc tài quân phiệt đã tước đọat quyền này của dân : bà Aung Sang Suysi, được dân bầu một cách dân chủ trong một cuộc bầu cử có giám sát quốc tế ; nhưng chính quyền độc tài đã không công nhận kết quả và đã giam lỏng bà ta. Tại Việt Nam, dưới chế độ độc tài cộng sản, đã có biết bao cuộc bầu cử, nhưng chỉ là những bầu cử gian lận, "đảng cử dân bầu"; người dân bắt buộc phải đi bầu, và bầu cho người do đảng chỉ định trước. Hiện tượng tước đoạt quyền bầu cử, hay bầu cử gian lận, trúng cử với cả 99%, như trường hợp với Sađam Hussein ở Irak trước đây, như ở Bìlarussie mới tuần qua, tổng thống đương kim đã trúng cử với 83% số phiếu, vì bầu cử gian lận, hiện cả thế giới đang tố cáo và lên án. Năm vị Đại sứ đại diện cho Khối Âu châu đã đến thăm đoàn biểu tình để ủng hộ họ và phản đối bầu cử gian lận.

Linh mục Nguyễn văn Lý là người đã nhìn ra những sự gian lận của những cuộc bầu cử dưới chế độ độc tài cộng sản Việt Nam. Ngài đã đưa ra 10 điều kiện để một cuộc bầu cử được diễn ra một cách tự do, dân chủ, như sau :

1/- Khoảng tháng 6.2006, Đại hội X của đảng CSVN (ĐCSVN) sẽ xảy ra. Ngay trong và ngay sau Đại hội ấy, nền Dân chủ (DC) đa nguyên đa đảng thực sự sẽ được toàn Dân VN nhận ra là đã bắt đầu hiện thực hay không, với những Lời Tuyên bố công khai minh bạch rõ ràng, không do hi vọng, suy diễn, tiên đoán, bình luận vu vơ. Các Đảng phái DC ngoài ĐCSVN phải được đầy đủ tự do (TD) công khai hoạt động một cách bình đẳng thực sự y như ĐCSVN.
2/- Nghĩa là ngay sau Đại hội X ĐCSVN, nếu ĐCSVN khách quan chấp nhận đa đảng thực sự, thì phải thành lập ngay Hội đồng chuẩn bị Bầu cử QH đa đảng chân chính đầu tiên. Hội đồng nầy phải biên soạn và công bố Luật về Đảng phái độc lập, Luật về Ứng cử, Bầu cử TD DC thực sự, Luật về TD Báo chí, Luật về phát thanh, truyền hình phi đảng phái...
3/- Các Đảng phái DC nầy phải có Văn phòng, Trụ sở rõ ràng; được công khai đi lại tự do và an toàn để phát triển lực lượng; phải có các Cơ quan Ngôn luận độc lập (Tạp chí độc lập), không bị Nhà Cầm quyền đương quyền khống chế, đàn áp, tịch thu, phạt tiền,... Nghĩa là phải có Luật Tự do Báo chí, Tự do Lập hội thật rõ ràng và công bằng trước khi tranh cử. Các nhà đấu tranh DC phải được thả khỏi tù và hết bị quản chế vì những lý do mơ hồ, vu vơ.
4/- Các Đảng phái DC phải có giờ & số lần xuất hiện để phát biểu trên đài phát thanh, truyền hình và các phương tiện truyền thông công luận ngang bằng ĐCSVN. Nghĩa là trước khi bầu cử đa đảng TDDC thực sự, các cơ quan truyền thông công luận phải được phi đảng phái hóa, để chỉ phục vụ tất cả mọi đảng phái cách công bằng vô tư như nhau.
5/- Các Đảng phái DC phải được quyền tự do đưa ra các ứng cử viên theo tiêu chuẩn y như ĐCSVN. Các cơ quan vệ tinh của ĐCSVN như Đoàn Thanh niên CS HCM, Mặt trận Tổ quốc VN, Hội Phụ nữ, Hội Cựu Chiến binh, Hội Nông dân, Ủy ban Đoàn kết của các Tôn giáo,... không được đưa người ra ứng cử để chia phiếu & giành phiếu cho ĐCSVN cách trá hình xảo quyệt, vì thực chất các Tổ chức nầy chỉ là nô bộc tay sai của ĐCSVN mà thôi. Nếu các Tổ chức ấy muốn tranh cử thì phải đăng ký như những đảng phái độc lập thực sự.
6/- ĐCSVN không được lạm dụng các phương tiện sẵn có của một Nhà nước đương quyền để chiếm đoạt các lợi thế cho mình như: sử dụng ngân sách và các công sở Nhà nước để tranh cử, sử dụng công xa để vận động cử tri, độc quyền chiếm dụng các đài truyền thanh - truyền hình và cả một hệ thống báo chí khổng lồ (ĐCSVN hiện nay đang khống chế hơn 600 tờ báo đủ loại) trong tay mình,... Nghĩa là, trước khi bầu cử đa đảng TD DC thực sự, ĐCSVN phải từ bỏ các lợi thế của một siêu Nhà nước điều khiển một Nhà nước tay sai của mình như 60 năm qua mà người Dân nào cũng đều nhận thấy cả, không thể tiếp tục xảo trá che mắt Dân như thế nữa.
7/- Các Cử tri phải được tự do tiếp cận tất cả các đảng phái để tìm hiểu, cân nhắc, lựa chọn, không mảy may chịu bất cứ một mua chuộc, hù dọa, áp lực nhỏ nào.
8/- Có một Ủy ban kiểm phiếu thật công minh, khoa học, khách quan có Quốc tế giám sát theo các tiêu chuẩn của các Nhà nước DC văn minh đã được Liên Hiệp Quốc thừa nhận.
9/- Luật Bầu cử phải ghi rõ là các Đại biểu đắc cử phải bị phế truất cách công khai công bằng cụ thể nếu thiếu tài đức, không thể đủ khả năng chu toàn nhiệm vụ.
10/- Sau cùng phải có một cuộc bầu cử cạnh tranh công bằng lành mạnh thực sự được Quốc tế khách quan giám sát và vui mừng nhìn nhận. Kết: Nếu thiếu 1 trong 10 điều kiện rất cơ bản trên đây, các đảng phái DC và toàn Dân VN phải kiên trì tẩy chay bất cứ cuộc Bầu cử DC giả hiệu nào dù độc đảng hay đa đảng cho đến khi thực sự có đủ các điều kiện trên, vì nếu thiếu chúng, thì chỉ có Bầu cử DC giả hiệu thôi.

Thật vậy, nếu dân tộc Việt Nam không muốn bị thế giới coi thường, vẫn còn bị xem là lạc hậu, bị cai trị bởi một chính quyền độc đoán, độc tài, man dại, vi phạm nhân quyền, thì hãy hưởng ứng lời kêu gọi của linh mục Nguyễn văn Lý, tẩy chay cuộc bầu cử sắp tới 2007, nếu một trong những điều kiện nêu trên không được thỏa mãn. Tẩy chay bầu cử, không đi bầu, đó là bước đầu để đi đến một chính quyền dân chủ chân chính do một cuộc bầu cử tự do thật sự bởi người dân quyết định.

Paris, ngày 24/03/2006 - Chu chi Nam

www.TDNgonLuan.com hoan nghênh ý kiến đóng góp của qúy vị độc giả. Xin email về: tdngonluan@yahoo.com hay type vào hộp Ý Kiến/Comment Box ở dưới đây và nhấn vào nút "Submit" để gởi đi. Trân trọng:

TÊN, HỌ / NAME:  
 E M A I L:  

Ý KIẾN /  COMMENT:  

Trở về trang chính

Chân    thành    cảm    tạ    qúy    vị    ghé    thăm    trang    nhà    website    Tự    Do    Thông    Tin    Ngôn    Luận    cho    toàn    dân    Việt Nam

Copyright © 2006 www.tdngonluan.com / Email: tdngonluan@yahoo.com  -  All rights reserved.