“Mọi
người có quyền tự do ngôn luận; quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp
nhận và phổ biến mọi loại tin tức và ý kiến, không phân biệt ranh giới,
bằng truyền miệng, bản viết hoặc bản in, bằng hình thức nghệ thuật,
hoặc thông qua bất cứ phương tiện truyền thông đại chúng khác theo sự
lựa chọn của mình”
(Điều
19,2 Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Liên Hiệp Quốc
biểu quyết năm 1966, Việt Nam xin tham gia năm 1982).
(Everyone
shall have the right to freedom of expression; this right shall include
freedom to seek, receive and impart information and ideas of all kinds,
regardless of frontiers, either orally, in writing or in print, in the
form of art, or through any other media of his choice.)
|
D
I Ễ N Đ À N Từ gần cả năm nay, dư luận trong lẫn ngoài nước, trong lẫn ngoài Công giáo không ngừng bàn tới vụ việc Giáo xứ Cồn Dầu, tọa lạc tại thôn Cồn Dầu, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Ðà Nẵng. Số là vào năm 2003, lãnh đạo thành phố (cụ thể là bí thư tỉnh ủy Nguyễn Bá Thanh) có đưa ra dự án “chỉnh trang tại chỗ” cho gần 2000 giáo dân đang sống khá sung túc và ổn định tại đó với nghề chăn nuôi và làm ruộng. Nhưng chẳng biết vì lý do gì dự án không thành khiến người dân lâm cảnh khổ, bởi đã phải vay tiền xây dựng nhà cửa để mong được chỉnh trang. Năm 2008, lãnh đạo thành phố Ðà Nẵng lại có dự án giải tỏa trắng 430ha (trong đó thôn Cồn Dầu có 100ha gồm đất ở, đất ruộng và đất nghĩa địa) làm khu du lịch sinh thái Hòa Xuân, với sự đầu tư của ngoại quốc. Để thực hiện dự án này, nhà cầm quyền quyết đẩy dân đi xa và đền bù với giá rẻ mạt -như tại vô số địa điểm khác từ Nam chí Bắc- khiến dân không đủ tiền mua lại và xây lại chỗ ở mới, nơi mà ngoài ra họ chẳng có mấy cơ may an cư lạc nghiệp. Sau khi đã họp với lãnh đạo thành phố trên 20 lần nhưng không đi tới đâu, giáo dân Cồn Dầu quyết đứng lên bảo vệ quyền sống của mình. Thế là những đòn thù từ đó giáng xuống. Giáo dân phải sống trong lo sợ triền miên, vì những trò dụ khị, sách nhiễu, cưỡng ép, hăm dọa và hành hung đủ cách của nhà cầm quyền Cộng sản với hai bàn tay sắt là Công an và Mặt trận. Đỉnh cao của sự đàn áp chính là việc Nguyễn Bá Thanh và đồng đảng ra tay giải tán bằng báng súng, dùi cui, nắm đấm đám tang Cụ bà Maria Đặng Thị Tân ngày 04-05-2010, chỉ vì muốn đoạt nghĩa địa của Giáo xứ. Công an và dân phòng hôm đó, ngoài việc cướp quan tài, còn đánh đập dã man rất nhiều giáo dân từ già đến trẻ. Sau đó chúng kêu lên kêu xuống thẩm vấn hành hạ hàng chục người rồi bắt giam và truy tố bất công 6 người bị chúng gọi là “đầu sỏ phản động”. Cách đây hai tuần, anh Tôma Nguyễn Thành Năm, 43 tuổi, một tín hữu từng tham dự đám tang Cụ bà Đặng Thị Tân và bị đánh đập dã man cùng với rất nhiều giáo dân trong ngày đau thương đó, đã qua đời tại nhà sau các đợt tra tấn mới của công an Cộng sản. Ngày 01-07, chúng đã “mời” anh Năm cùng với người em họ lại tới đồn “làm việc”. Trong lúc thẩm vấn, hai người đã bị đánh thâm tím mình mẩy. Trưa 03-07, lúc 11 giờ, công an lại đến nhà anh để bắt anh, khiến anh sợ quá bỏ chạy. Chúng liền đuổi theo, còng tay, đánh đập anh rất dã man trước mắt nhiều người. Chị vợ đã quỳ lạy, xin tha cho chồng, nhưng công an vẫn tiếp tục hành hạ. Sau khi được đưa về nhà, anh Năm trối trăng với vợ hãy cố gắng nuôi con, rồi sùi bọp mép, ngã lăn ra chết cách tức tưởi trong bàn tay của bà mẹ già 83 tuổi. Xin hãy nghe thêm một đoạn do một chứng nhân lấy tên Người Cồn Dầu viết ngày 11-07: “Ngay khi nghe tin anh Năm mất, chính quyền đã huy động rất đông công an canh giữ nghiêm ngặt xác anh, chung quanh tang gia và mọi ngã đường trong giáo xứ Cồn Dầu, không cho tập trung viếng xác, cầu nguyện như thói quen giáo xứ vẫn làm cho người mới qua đời…. Họ yêu cầu liệm xác anh trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Không ai được quay phim chụp hình hoặc báo tin về cái chết của anh cũng như lý do cho bất cứ ai. Một số bà con giáo dân đã lạnh người khi nhìn thấy những vết thương tím bầm trên bụng, trên ngực, trên hai thái dương anh, lúc họ thay quần áo cho anh để tẩm liệm. Da thịt từ khuỷ tay xuống đến cổ tay anh đều trầy trụa và rướm máu vì bị lôi đi đang lúc bị còng. Máu vẫn tiếp tục trào ra hai lỗ tai và miệng mũi anh khi đặt anh vào áo quan. Đám tang anh được tổ chức vào ngày thứ ba, mồng 6-7-2010… Đưa tiễn anh chỉ có một số bà con ruột thịt (được cho phép) và rất đông công an chìm nổi đi theo áp tải đề phòng bất trắc”. Trước những cảnh oan ức dậy đất và đau thương ngút trời ấy của giáo dân Cồn Dầu, người ta đã thấy phản ứng nào nơi những người có trách nhiệm trực tiếp về họ trong đạo, cụ thể là của những vị giáo sĩ, tu sĩ ở Đà Nẵng? Thật ngạc nhiên mà phải nói rằng ngay từ đầu, sự đoàn kết bênh vực quyền lợi của họ đã vấp phải sự đoàn kết giữa thế quyền và giáo quyền địa phương. Theo tờ thông cáo ngày 01-02-2010 của Tòa Giám mục (TGM) Đà Nẵng thì đã có sự thỏa thuận giữa chính quyền và giáo quyền về việc giải tỏa giáo xứ Cồn Dầu. TGM chỉ yêu cầu giữ lại tài sản của Giáo hội là ngôi thánh đường thôi. Tiếp đến, khi phải hãi hùng gánh chịu cuộc khủng bố của nhà cầm quyền Cộng sản, giáo dân lại chỉ nhận được thái độ tiêu cực từ phía mục tử của họ: chê trách họ dại dột, cứng đầu (trong cuộc gặp gỡ hôm mồng 3 Tết tại Giáo xứ). Sau đó, khi gia đình của 6 giáo dân bị bắt giam và truy tố chạy đến nhờ TGM can thiệp thì vị chủ chăn của họ thản nhiên trả lời: “Đã không nghe lời tôi, giờ tôi không thể làm gì được. Về mà cầu nguyện đi!” Sau cái chết oan ức của anh Nguyễn Thành Năm, cho tới nay người ta vẫn chưa nghe thấy (trên mạng) phản ứng gì gọi là cảm thông, chia buồn, bênh vực, giúp đỡ của vị giám mục và các linh mục tại Đà Nẵng nói riêng và của hàng giám mục lẫn linh mục Việt Nam nói chung (ngoại trừ một số rất ít đã lên tiếng hay ký tên vào thư Hiệp thông của một Nhóm Linh mục tranh đấu hôm 08-07-2010). Những vị giáo sĩ, tu sĩ này -theo cách đánh giá của xã hội- đều thuộc hàng “sĩ phu”, “kẻ sĩ”. Trong quan niệm dân Việt, đây là những con người học hành cao, hiểu biết rộng và nhất là luôn phải hành xử đúng theo tiếng gọi của lương tri: lên tiếng chê trách điều trái, bênh vực điều phải, như lời minh định của cụ Nguyễn Công Trứ, một trong những “kẻ sĩ” chính hiệu: “Cầm chính đạo để tịch tà cự bí. Hồi cuồng lan nhi chướng bách xuyên” (tạm dịch: Kẻ sĩ theo đường ngay chống tà thuyết. Ngăn sóng dữ để giữ trăm dòng sông). Cao hơn nữa, đó là những con người không màng danh lợi, hiến thân phục vụ đại nghĩa, sẵn sàng cống hiến sinh mạng cho quê hương, dân tộc, đồng bào. Tại sao trong truyền thống và lịch sử dân Việt, rất nhiều kẻ sĩ đã từng đứng lên (và có lúc ngã xuống) khi Tổ quốc lâm nguy, dân tình điêu đứng, vận nước khốn khổ, như Chu Văn An, Nguyễn Công Trứ, Phan Thanh Giản, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Nguyễn Thái Học, Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Nguyễn Trường Tộ… Thế mà những kẻ sĩ trong tôn giáo, ngoài tiếng gọi của lương tri, còn có mệnh lệnh của Thượng Đế, đòi hỏi của chức phận, lại có thể im lìm, dửng dưng trước nạn bôi nhọ sự thật, chà đạp công lý, đàn áp dân tình được sao? Trong khi các vị chẳng có gì để mất, chẳng có gì để sợ, chẳng có gì “vướng bận thê noa”, lại là những con người có khả năng, có quyền lực, có phương tiện, có uy tín, có quần chúng và có sự hỗ trợ của toàn thể Giáo hội??? Những kẻ sĩ trong giới dân sự tại Việt Nam hiện thời xem ra cũng như vậy. Theo đánh giá mới đây của Tiến sĩ Chu Hảo (trong bài “Thử tìm hiểu tầng lớp trí thức Việt Nam” viết vào tháng 6-2010), thì “tầng lớp trí thức XHCN” hiện “có những tiêu cực không thể phủ nhận và hết sức điển hình. Đó là: 1. Hời hợt trong tư duy và thiếu nghiêm túc trong nghiên cứu. 2. Tính cơ hội, thực dụng và vụ lợi trong hành xử. 3. Ưa thành tích và chấp nhận sự giả dối một cách dễ dàng. 4. Thiếu tinh thần hợp tác và ít lòng vị tha”. Thành ra, ngoại trừ một số ít có tinh thần dân chủ, yêu chuộng nhân quyền, thao thức với nỗi khổ của người dân, thường xuyên lên tiếng vạch trần sai lầm, tố cáo tội ác của nhà cầm quyền, đòi hỏi nhân quyền và dân quyền cho đồng bào, bênh vực đủ các nạn nhân của chế độ, chấp nhận bị bỏ tù vì công lý, thì đại đa số giới trí thức, “kẻ sĩ” vẫn dửng dưng với số phận của những con người đang bị Cộng sản áp bức bóc lột. Đang lúc họ phải nhớ rằng chính nhờ những công nhân lao động, nông dân cày cuốc ra công đổ mồ hôi trong xưởng máy, trên ruộng đồng mà họ mới có cơ hội học hành thông thái, ăn trắng mặc trơn, sống đời no đủ và được xã hội nói chung tôn trọng. Món nợ họ mắc với những dân oan của chế độ bạo tàn này không phải là nhỏ. Bên cạnh vụ Cồn Dầu nói trên, trong thời gian gần đây, còn có nhiều vụ dân oan nổi cộm khác, được dư luận trong và ngoài nước đề cập. Chẳng hạn vụ hai nữ sinh Nguyễn Thúy Hằng và Nguyễn Thanh Thúy ở trường trung học thị trấn Việt Lâm, tỉnh Hà Giang bị hiệu trưởng cùng băng đảng là đám lãnh đạo tỉnh biến thành nô lệ tình dục trong thời gian dài và nay thành phạm nhân trong một vụ án hết sức bất công, mờ ám và có nguy cơ bị cho chìm lỉm. Hoặc vụ hai dân oan khác tại xã Tĩnh Hải, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa là em Lê Xuân Dũng, 12 tuổi và anh Lê Hữu Nam, 40 tuổi, bị công an nổ súng bắn chết ngày 25-05-2010 trong một vụ biểu tình bất bạo động để đòi được đền bù quyền lợi thỏa đáng. Thế nhưng lời kêu gọi của cựu đại tá Bùi Tín sau đây xem ra chưa tác động lên nhiều “kẻ sĩ” trong xã hội: “Đã đến lúc gia đình, nhà trường của các em, Bộ Giáo dục, phụ huynh học sinh ở Hà Giang đòi hỏi công bằng cho các em, đòi thả ngay các em ra khỏi nhà tù, và hướng dẫn cho các em và gia đình kiện lại nhóm quan chức tội phạm với đầy đủ tang chứng các em còn nhớ và giữ được, đòi mọi tên tội phạm phải bị kết tội đích đáng và đòi chúng phải bồi thường danh dự và tổn thất cho các em. Các em nữ sinh vị thành niên hoàn toàn là nạn nhân trong vụ án này. Các em hoàn toàn không phải là gái mãi dâm” (bài “Cần đặt đúng tên cho vụ án”, 09-07-2010). Vụ tại Thanh Hóa cũng vậy, ngoại trừ sự lên tiếng của một số mục sư Tin Lành tại vài địa phương, người ta chưa nghe được tiếng nói của hàng giáo sĩ Công giáo bản địa. Các vị này cũng đã từng im lìm trong vụ 9 ngư dân xã Hoằng Trường-Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa bị Tàu Cộng bắn chết ngày 8-1-2005. (Ngay lúc đó và sau đó chỉ có một vài tu sĩ Công giáo lẫn Phật giáo, vài nhân sĩ trí thức và một số thành viên Khối 8406 lên tiếng lẫn trợ giúp mà thôi). Trong bất cứ xã hội nào cũng vậy, nhất là dưới những chế độ độc tài, thành phần trí thức, kẻ sĩ (dân sự hay tôn giáo) bao giờ cũng được người dân đặt nhiều kỳ vọng vì họ không những là “ngọn đuốc tuệ giác” mà còn là “lãnh đạo tinh thần”. Vậy nếu không dám công bố sự thật, bảo vệ lẽ phải, bênh vực dân oan thì đầu óc của họ để làm gì và quả tim của họ để nơi đâu? Ban
Biên Tập (số 103, ngày 15-07-2010) |