Mọi người có quyền tự do ngôn luận; quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và phổ biến mọi loại tin tức và ý kiến, không phân biệt ranh giới, bằng truyền miệng, bản viết hoặc bản in, bằng hình thức nghệ thuật, hoặc thông qua bất cứ phương tiện truyền thông đại chúng khác theo sự lựa chọn của mình (Điều 19,2 Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Liên Hiệp Quốc biểu quyết năm 1966, Việt Nam xin tham gia năm 1982). (Everyone shall have the right to freedom of expression; this right shall include freedom to seek, receive and impart information and ideas of all kinds, regardless of frontiers, either orally, in writing or in print, in the form of art, or through any other media of his choice.)

Đất nước đang đứng trước những thử thách sống còn. Độc lập, toàn vẹn lãnh thổ bị đe dọa, uy hiếp từng ngày, từng giờ. Quản lý kinh tế yếu kém cùng tham nhũng bạo phát làm thất thoát trầm trọng tiền vốn và nguồn lực đất nước, làm ngân sách trống rỗng, dẫn đến: (1) “Công nợ ngập đầu: Theo Ngân hàng Thế giới, đến cuối 2014, nợ công của Việt Nam đã lên tới 110 tỷ USD (2,35 triệu tỷ đồng). Số nợ đó, bổ theo đầu dân thì một đứa trẻ sơ sinh vừa chào đời ở Việt Nam đã mang nợ hơn 1.200 USD (gần 30 triệu đồng). (2) “Vắt kiệt sức dân: Nhà nước túng quẫn, bần cùng đến nước đè thu phí đến cả chiếc xe máy – phương tiện mưu sinh và đi lại thiết yếu của tuyệt đại bộ phận dân chúng. Thuế, phí chồng chất, vét đến đồng tiền còm cõi của dân nghèo, bù đắp phần nào ngân sách trống rỗng, nhưng sức dân bị vắt kiệt, đời sống càng khốn cùng điêu đứng, không đủ tái sản xuất. (3) Giật gấu vá vai, tiền vay mượn mọi nguồn, trong đó có nguồn vay ẩn chứa nhiều hiểm họa từ Trung Quốc – kẻ đã đánh chiếm nhiều đất đai, biển đảo và đang uy hiếp ngày càng trắng trợn độc lập chủ quyền của ta, quyết khuất phục ta bằng sức mạnh cứng và mềm. Cắn răng, ngửa tay vay của Trung Quốc là chấp nhận bị lệ thuộc, chi phối, khống chế ngày một thêm khó gỡ. (….)

Sơn La miền núi heo hút, kinh tế chỉ trông vào rừng, mà rừng đã bị tàn phá trống trơ. Tỉnh có tới 71.000 hộ nghèo, không đủ cơm ăn, áo mặc. Các bản làng đều thấy những mái trường tranh tre nứa lá dột nát, xiêu vẹo, tuềnh toàng như chòi canh nương, học trò còm cõi, tả tơi. Sơn La nghèo đói thiếu thốn hơn cả Quảng Nam, vậy mà Hội đồng Nhân dân tỉnh này vừa thông qua chủ trương xây dựng tượng đài và quảng trường Hồ Chí Minh với chi phí 1.400 tỷ đồng – số tiền đủ ngói hóa toàn bộ các điểm trường, các ký túc xá cho Sơn La và các tỉnh miền núi!”

Những giòng trên đây mở đầu cho Tuyên bố hết sức thống thiết và đầy tràn phẫn nộ của nhiều tổ chức xã hội dân sự lẫn công dân trước sự kiện Việt cộng vừa bày ra trò quái đản xuất phát từ cái mà nhiều bình luận gia lề trái lẫn lề phải gọi là “hệ thần kinh khốn nạn”. Đám lãnh đạo ở Ba Đình quả đã đi đến tận cùng sự khốn nạn trong suy nghĩ và ứng xử trước tình hình đất nước và xã hội. Nhân dân đói hàng triệu người, chúng vẫn cho là họ đủ ăn và GDP của họ ngày một tăng tiến. Trẻ thơ khắp nơi thiếu trường, thiếu lớp, bỏ học hàng vạn, chúng vẫn cho rằng tổng thể quốc gia và nền giáo dục phát triển tốt đẹp. Dân phản ứng vì lâm vào đường cùng do bị cướp đất cướp nhà, do bị bịt mắt bịt miệng, chúng vẫn cho là “người dân VN chưa bao giờ được sống trong bầu không khí dân chủ như và được quan tâm đến nhân quyền như hiện nay» (lời Trọng Lú mới đây tại Washington DC). Thần kinh khốn nạn của chúng do đó lý luận rằng cần phải xây thật nhiều tượng đài Hồ Chí Minh mà hiện có 134 cái trên cả nước và sẽ thêm 58 cái nữa cho đến cuối thập niên 30 của thế kỷ này. Chúng cho rằng tay đại gian hùng đó, kẻ đẩy Dân tộc xuống hố điêu linh đó (mà ngày càng bị vạch trần trên các trang mạng xã hội) vẫn được dân chúng yêu thương, thờ kính, vẫn là ngôi sao chẳng hề tắt, là ánh sáng dẫn đường tới vinh quang và thắng lợi. Đúng là não trạng đáng nguyền rủa, não trạng tuyên truyền bất chấp dân đói nghèo.

Thần kinh khốn nạn ấy cũng là não trạng cướp bóc bất chấp dân lầm than. Từ bao nhiêu năm nay, VC tự ra luật: “Nhà nước là chủ sở hữu mọi tài nguyên đất đai” để rồi ung dung cướp nhà, cướp ruộng của hàng chục triệu người, cướp có luật pháp, cướp có tổ chức, cướp có kế hoạch. Dân bị bồi thường kiểu giết dần giết mòn, chúng bất biết. Dân phải ra đầu đường xó chợ, chúng chả quan tâm. Dân điêu đứng hiện tại và tiêu tùng tương lai, chúng vẫn mặc kệ. Dân đứng lên phản kháng đòi quyền sống, chúng đánh cho nhừ tử cả ông lẫn cháu, cả chú lẫn dì, chúng ghép vào cái tội “gây rối trật tự”, “chống người thi hành công vụ” để bắt bớ, kết án, giam tù, cả vợ lẫn chồng, cả cha lẫn con… Tiêu biểu và gây công phẫn dư luận gần đây là vụ dân oan Long An huyện Thạnh Hóa.

Số là ngày 16-10-2007, Ủy ban nhân dân tỉnh Long An phê duyệt dự án đê bao chống lũ và giao trách nhiệm cho huyện Thạnh Hóa tiến hành việc thu hồi đất đai và bồi thường cho những hộ dân có đất, có nhà bị giải tỏa. Huyện đề nghị bồi thường cho các hộ dân này với giá 300 ngàn đồng/m², bằng từ 1/40 đến 1/80 của giá trị thực. Với kiểu đền bù ăn cướp đó, họ không thể mua lại bất cứ một nơi nương náu nào, vì trung bình một mét vuông trong khu vực giá từ 12 đến 25 triệu. Sau khi các đơn khởi kiện đều bị bác ở các cấp huyện và tỉnh, sau nhiều lần bị đoàn cưỡng chế dùng xe ủi san bằng nhà cửa, một số dân oan bị dồn vào đường cùng, quyết tâm “tử thủ”, đánh đổi mạng sống của mình để giữ đất và căn lều tạm bợ. Đó là trường hợp gia đình anh chị Nguyễn Trung Can - Mai Thị Kim Hương. Sáng ngày 14-4-2015, một lực lượng cưỡng chế hùng hậu hơn 100 tên đến để san bằng chòi lều, đã gặp phải sự kháng cự mạnh mẽ của các thành viên trong gia đình gồm 10 người, với sự ủng hộ của 3 người bạn hàng xóm, cố thủ trong và ngoài với những vũ khí cá nhân tự tạo để đốt nhà và chống lại đoàn cưỡng chế. Một cuộc ẩu đả đã xảy ra, 16 người của lực lượng cưỡng chế “bị thương” và 12 dân oan bị bắt giam (sau đó thêm một cháu bé 15 tuổi, con của họ). Sau khi công an có kết luận điều tra, huyện Thạnh Hóa đã công bố cáo trạng ngày 4-8-2015, quyết định khởi tố 10 người về tội “chống nhân viên thi hành công vụ” và 3 người khác về tội “cố ý gây thương tích”. Mức án cho 2 tội danh này là từ 2 đến 7 năm tù. Họ còn phải đối đầu với một món nợ rất lớn phải trả cho nhà nước. Theo cáo trạng, số tiền bồi thường cho 2 công an bị thương ngày 14-4 là 78.316.000 đồng và tổng chi phí việc cưỡng chế ăn cướp là khoảng 200 triệu. Lấy số tiền được đề nghị đền bù 100 triệu, trừ lại 278 triệu bị phạt, còn lại số âm nợ 178 triệu ! Khốn nạn quá chừng!

Chưa hết, thần kinh khốn nạn ấy cũng là não trạng độc tài bất chấp nước tụt hậu. Tiêu biểu và cũng gây công phẫn gần đây là Dự luật về Tín ngưỡng Tôn giáo và Dự luật về Hội. Dù cả nhân loại và cả chính Việt cộng đều biết các tôn giáo và các tổ chức xã hội dân sự là thành tố cần thiết để xây dựng một xã hội có tự do và công lý, nhân quyền và dân chủ, an bình và thịnh vượng. (vì nơi đâu kiểm soát gắt gao, hạn chế ngặt nghèo, cấm cản hung bạo các thực thể này, thì xã hội chỉ có thể đi đến hỗn loạn và đất nước đi đến tụt hậu), nhà cầm quyền Việt cộng vẫn quyết tâm dùng hai bộ Luật nói trên như sợi dây thòng lọng tròng vào cổ các tổ chức giáo hội và các tổ chức xã hội dân sự. Mọi cái nhất nhất đều phải xin phép và chờ đợi sự cho phép rất tùy tiện -với thâm ý bắt lệ thuộc- của nhà nước và của đảng. Mọi tự do liên quan đến quyền sống đạo và quyền lập hội rốt đều bị biến thành tội phạm hình sự. Thành thử hãy nghe lời phản đối Dự luật Tôn giáo của Hội đồng Giám mục VN hôm 04-05-2015: “Bản Dự thảo 4 đi ngược lại với Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế (Điều 18) và Hiến pháp VN sửa đổi năm 2013 (Điều 24). Dự thảo này là một bước thụt lùi so với Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo năm 2004. Nó tạo ra quá nhiều thủ tục rườm rà, nhiều cơ chế khắt khe, ràng buộc, khiến các sinh hoạt tôn giáo bị cản trở. Vì vậy, chúng tôi đề nghị: Không đồng ý Dự thảo 4 Luật tín ngưỡng, tôn giáo. Soạn lại một bản Dự thảo khác phù hợp với xu thế tự do, dân chủ và mang tầm vóc của xã hội tiến bộ. Dự thảo mới phải được tham khảo ý kiến từ các tổ chức tôn giáo. Đặc biệt, các tổ chức tôn giáo phải được công nhận tư cách pháp nhân và được pháp luật bảo vệ”. Còn Hội đồng Liên tôn VN hôm 10-05 thì cho rằng: “Trong tư cách những lãnh đạo tinh thần đang đấu tranh cho tự do độc lập của tôn giáo cũng như cho nhân quyền và dân quyền của đồng bào, chúng tôi hoàn toàn bác bỏ toàn văn và mọi điều khoản LTNTG mà nhà cầm quyền VN đã soạn thảo bất chấp ý kiến của các tôn giáo, nhằm mục đích dùng bạo lực hành chánh tiêu diệt tôn giáo ngõ hầu củng cố quyền lực độc tài toàn trị của đảng CS”.

Đối với Dự thảo Luật về hội, thì ngày 01-08-2015, 22 tổ chức xã hội dân sự độc lập đã ra Tuyên bố chung nêu lên 8 sai lầm của nó: (1) Phân biệt đối xử giữa một tổ chức do nhà nước lập với các tổ chức do nhân dân lập; (2) Dựng lên rào cản đối với các hội bằng “giấy phép”; (3) Cấm đoán các hội đoàn chủ trương đối lập, các hội đoàn bảo vệ nhân quyền… (4) Vi phạm nguyên tắc tự nguyện và tự quản của hội; (5) Hạn chế vô lý quyền gia nhập hội; (6) “Nhà nước hóa” hội đoàn; (7) Cản trở các hội đoàn độc lập ra đời; (8) Đặt tên của Luật theo kiểu độc tài toàn trị.

Cuối cùng, thần kinh khốn nạn ấy cũng là não trạng yếu hèn bất chấp nước lâm nguy. Nhà nghiên cứu Benoit de Tréglodé hôm 05-08, qua bài “Việt Nam, Đảng, quân đội và nhân dân: Duy trì sự chi phối chính trị trong giờ mở cửa”, đã có một tiết lộ động trời: “Những lãnh đạo VN đều biết là những chức vụ chóp bu (Bí thư ĐCSVN, Thủ tướng, Chủ tịch nước và bộ trưởng bộ Quốc phòng) đều phải có sự ưng thuận ngầm của ĐCSTQ. Cái lobbying ấy cũng tốn rất nhiều tiền cho Tàu. Theo nhiều nhà quan sát, Bắc Kinh phải bỏ ra 15 tỷ đôla dưới nhiều hình thức: đầu tư, những chương trình hợp tác, viện trợ VN tham dự những hoạt động của ASEAN, và nhất là tiền hỗ trợ thẳng vào túi các lãnh đạo… Theo vài nhà quan sát, giá một phiếu trong Quốc hội (498 đại biểu) phỏng chừng 100 ngàn đô. Giá còn cao rất nhiều hơn nữa nếu muốn có sự hỗ trợ của một ủy viên Trung ương (175 người) hay của một ủy viên Bộ Chính trị (16 người). Cái logíc này cứ tiếp tục tăng lên tùy theo thứ hạng trong bộ máy chính trị : để có được một ghế trong Bộ Chính trị, vì phải có cuộc bỏ phiếu của Ủy ban Trung ương, phải bỏ ra chừng 1 triệu đô. Rõ ràng là Trung Quốc theo đường lối này, đã tìm thấy cách tăng cường ảnh hưởng của mình trong giới cầm quyền của nước CHXHCNVN và biến những kẻ nhận tiền thành những con nợ tinh thần của mình, phải chịu sự giám hộ của mình. Về phía Việt Nam, những tín hiệu, được lập đi lập lại về sự bảo vệ quyền lợi quốc gia đối với Bắc Kinh, lẽ tất nhiên chỉ hoàn toàn là giả tạo.”

Các nhận định đó, các con số tiền bạc liên quan đến việc mua bán chức vụ được đưa ra đó đặt người Việt Nam trước một thực tế trần trụi, đáng sợ và tuyệt vọng: sự lệ thuộc vào Trung Quốc chẳng còn là nguy cơ, mà đã là một hiện thực. Và đó là sự lệ thuộc ở hình thái nguy hiểm nhất. Hóa ra nhân sự lãnh đạo VN không do người Việt quyết định mà do người Tàu quyết định. Nên những gì mà VC làm như để chứng tỏ chúng đang bảo vệ quyền lợi quốc gia trước sự xâm lấn của Tàu cộng chỉ là toàn là dối trá, lừa gạt. Não trạng yếu hèn bạc nhược, thậm chí là bán nước dâng quyền cho kẻ thù truyền kiếp của Dân tộc, chẳng đáng gọi là thần kinh khốn nạn ư?

Trong lịch sử phong trào CS trên toàn thể giới, có thể nói không có đảng CS nào ngu xuẩn và khốn nạn hơn nữa! Ôi Mẹ Âu Cơ, bọc trứng trăm con có chứa loại này à?

Ban Biên Tập (số 225 ngày 15-8-2015)
-Nhấn vào Link này để "download" (save as) Bán nguyệt san TDNL ở dạng (format): .doc, sẽ chậm (xin kiên nhẫn!), nếu bạn không sử dụng đường dây cao tốc Internet DSL, nhưng toàn bộ mỗi số báo 32 trang sẽ giữ dạng nguyên thủy, như là 1 file duy nhất: http://www.tdngonluan.com/pdf/TuDoNgonLuan_So225_15August2015.doc
....................................................................................................

Chân    thành    cảm    tạ    qúy    vị    ghé    thăm    trang    nhà    website    Tự    Do    Thông    Tin    Ngôn    Luận    cho    toàn    dân    Việt Nam

Copyright © 2006 www.tdngonluan.com/Email: witness2005@gmail.com/Webmaster: legraphic@yahoo.com - All rights reserved.