“Mọi
người có quyền tự do ngôn luận; quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp
nhận và phổ biến mọi loại tin tức và ý kiến, không phân biệt ranh giới,
bằng truyền miệng, bản viết hoặc bản in, bằng hình thức nghệ thuật,
hoặc thông qua bất cứ phương tiện truyền thông đại chúng khác theo sự
lựa chọn của mình”
(Điều
19,2 Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Liên Hiệp Quốc
biểu quyết năm 1966, Việt Nam xin tham gia năm 1982).
(Everyone
shall have the right to freedom of expression; this right shall include
freedom to seek, receive and impart information and ideas of all kinds,
regardless of frontiers, either orally, in writing or in print, in the
form of art, or through any other media of his choice.)
|
D
I Ễ N Đ À N Không khí ngày Tết dân tộc đang bao trùm lên người Việt chúng ta tất cả, dù chúng ta đang ở phương trời nào, trên dải đất hình chữ S hay khắp các châu lục. Không khí ấy khiến lòng chúng ta, nhất là các đồng bào xa xứ, nhớ tới không gian của Quê mẹ, nơi mà những ai từng sống nhưng chưa vong bản đều thương nhớ, những ai đang sống với tâm hồn dân tộc đều thương mến và những ai sinh nơi đất khách quê người song còn nhớ nguồn cội đều thương mong. Chúng ta thương nhớ, thương mến, thương mong vì dòng máu Việt luôn chảy trong huyết quản chúng ta, văn hóa Việt luôn in đậm lên cuộc sống chúng ta, ngôn ngữ Việt luôn nhắc nhở cho tâm trí chúng ta và tin tức về đất Việt luôn âm hưởng trên cõi lòng chúng ta. Những tâm tình ấy lại càng dào dạt hơn khi chúng ta đang hướng về kỷ niệm 40 năm mà Cộng sản Hà Nội, theo chiến lược Cộng sản quốc tế và ý đồ Cộng sản Bắc Kinh, xâm chiếm Việt Nam Cộng Hòa, xích hóa toàn thể đất nước, gây mối quốc hận kể từ ngày 30-04-1975, khiến mùa Xuân và cái Tết trên quê mẹ từ đó mất hẳn ý nghĩa. Quả vậy, 40 năm qua là mối quốc hận không cùng đối với tất cả những người Việt thấm đẫm tinh thần bất khuất, không chấp nhận kiếp đời nô lệ mà tổ tiên vạn đời đã để lại. Đối với những ai đã phải đi ra hải ngoại từ sau Tháng tư đen năm ấy mãi tới hôm nay, đó là nỗi đau rời bỏ quê cha đất tổ, mồ mả tổ tiên, nỗi đau từ giã thân thuộc họ hàng, kỷ niệm yêu dấu, nỗi đau chứng kiến bao mất mát tiêu tùng, bao tan hoang đổ vỡ. Nói “mãi tới hôm nay” vì phong trào bỏ xứ vẫn còn tiếp diễn, cách êm thắm thì qua việc “bảo lãnh, đoàn tụ” hay đi du học rồi ở lại, cách gian khổ thì qua việc vượt biển vượt biên, như nhiều đồng bào người Thượng gần đây đã chạy sang tỵ nạn bên xứ Chùa Tháp. Đối với những ai đành phải ở lại quốc nội, đó là nỗi đau mất hết mọi tự do của con người, mọi nhân quyền của bản thân, nỗi đau hứng chịu cuộc sống tinh thần ngày càng nghèo nàn, cuộc sống vật chất ngày càng nghèo đói. Bởi lẽ làm gì mà có cảnh “độc lập, tự do, hạnh phúc”, “dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh” như Cộng sản ra rả tuyên truyền dối gạt! Đối với những ai từ miền Bắc đi vào miền Nam, đó lỗi đau bị lừa gạt vì đã hy sinh cho một cuộc chiến vô nghĩa, huynh đệ tương tàn (nhà văn Dương Thu Hương hay nhà văn Trần Đĩnh là những trường hợp tiêu biểu), nỗi đau bị chưng hửng vì nhận thấy “vùng đất được giải phóng” thật ra là vùng đất đã từng sung túc, no ấm, dân chủ, tự do (nhạc sĩ Tô Hải, qua các trang nhật ký, tuần ký và phấn đấu ký đều đặn, đã dũng cảm và sáng suốt thừa nhận thực trạng này). Và chính cái chủ nghĩa CS phi nhân, cái chế độ CS tồi tệ, cái bè đảng CS độc tài đã gây nên mối hận bao trùm đó. Một đám người cũng da vàng máu đỏ, cũng con Hồng cháu Lạc, cũng từ bọc trứng Mẹ Âu Cơ, cũng thừa hưởng cả một nền văn hiến đậm chất nhân bản của Việt tộc, nhưng vì trí óc mù quáng do bị chủ nghĩa đầu độc, tâm hồn hư hoại do bị chế độ uốn nắn, trong hơn 40 năm qua, đã gây bao đau thương cho đồng bào, bao thiệt hại cho đất nước. Chúng đã tạo nên một đất nước luôn đứng hạng cuối các quốc gia trên địa cầu, với chính trị bạo hành, kinh tế suy thoái, an ninh bấp bênh, dân sinh điêu đứng, văn hóa nghèo nàn, môi trường ô nhiễm, đạo đức băng hoại và nhất là quốc phòng lâm nguy vì mưu đồ xâm lăng của Tàu cộng. Đúng như lời tác giả Nguyễn Gia Kiểng trong bài “Thời điểm để nhìn rõ đảng Cộng sản”: “Giả sử đặt câu hỏi : "Nếu không có đảng Cộng sản, ngày nay Việt Nam sẽ ra sao ?" thì chắc chắn câu trả lời sẽ là: "Ít nhất cũng phồn vinh hơn gấp 15 hay 20 lần hiện nay, đã là một trong những nước G20, đã không có sáu triệu người thiệt mạng vì nội chiến, đã không mất Hoàng Sa, Trường Sa, Nam Quan, Lão Sơn, Bản Giốc". Thành tích của đảng Cộng sản thật là kinh hoàng. Thất bại không phải là từ ngữ phù hợp, phải nói là thảm họa. Đảng Cộng sản đã là thảm họa cho VN trên tất cả mọi phương diện và trong tất cả mọi địa hạt. Người VN nào có thể không phẫn nộ ? Càng phẫn nộ khi nhân danh thành tích đó, nó ngang ngược tuyên bố giữ độc quyền lãnh đạo đất nước trong thời gian vô hạn định. Thực không khác gì một lực lượng chiếm đóng”. Tuy thế, 40 năm qua cũng là dấu tích oai hùng của toàn thể Dân Việt. Dấu tích oai hùng đó biểu lộ trước hết qua hành trình tìm đến tự do của hàng triệu đồng bào dũng cảm, bất chấp viễn ảnh phải bỏ thây mất mạng trên biên giới Miên Lào, tan nát cuộc đời do hải tặc Thái Lan, làm mồi cho cá giữa ba đào Đông Hải. Những tượng đài thuyền nhân rải rác khắp thế giới, từ Mỹ sang Úc, từ Âu sang Á nói lên tinh thần của một nòi giống đã luôn muốn sống độc lập, độc lập từ khi rời bỏ sông Dương Tử xuống sông Hồng Hà để lập quốc, độc lập khi cả ngàn năm rồi cả trăm năm luôn tìm cách bẻ gãy ách nô lệ do Tàu rồi Tây áp đặt, độc lập khi vùng vẫy thoát khỏi cái rọ Cộng sản chụp xuống trên bản thân, gia đình và dân tộc mình. Tới được vùng đất của kẻ tự do, quê hương của người dũng cảm, thì đàn chim bỏ xứ bất khuất ấy nén nỗi đau, quyết tâm xây lại cuộc đời, dựng lại cơ đồ, chen mình vào chính trị xã hội của quốc gia tạm dung, chen chân vào kinh tế khoa học của xứ sở tiếp nhận, để hỗ trợ cuộc đấu tranh dân chủ ở quê nhà và làm vẻ vang trên quê người cho Việt tộc. Từ hơn 40 năm nay, bao nhiêu khuôn mặt chính trị gia, khoa học gia, lãnh đạo dân sự, lãnh đạo tôn giáo, chuyên gia, thương gia, nhà văn, nhà báo, sĩ quan cảnh sát, sĩ quan quân đội… gốc Việt đã làm rạng rỡ giống Hồng Lạc trên đất của giống Hồng mao, đã làm sáng ngời khát vọng tự do của một dân tộc mà hầu hết lịch sử tồn tại là chiến đấu bẻ gãy tròng nô lệ. Dấu tích oai hùng đó cũng biểu lộ qua tiến trình tìm lại tự do cũng của hàng triệu đồng bào quốc nội dũng cảm, dám trực diện đương đầu với cái chủ nghĩa nô dịch, với cái chế độ đàn áp, với cái chính đảng toàn trị. Bất chấp viễn ảnh bị đuổi học đuổi việc, bị tống khỏi nhà ở nhà trọ, bị sách nhiễu hăm dọa, bị cấm cửa cấm đường, bị vu cáo lăng nhục, bị cướp bóc trấn lột, bị tra tấn đánh đập, bị giam nhốt cầm tù, họ nhất quyết công bố sự thật, bênh vực lẽ phải, thực thi tình thương, khôi phục quyền lợi; họ kiên tâm đòi hỏi nhân quyền cho đồng bào, giành lại dân chủ cho đất nước và bảo vệ sự vẹn toàn cho Tổ quốc. Hơn 40 năm qua, hàng ngàn hàng vạn chiến sĩ phục quốc, chiến sĩ nhân quyền hoặc ngã xuống trong vũng máu, hoặc nằm im trong nhà tù, đã trở thành biểu tượng của bất khuất, ngọn đuốc của tự do; hàng ngàn hàng vạn nhà báo độc lập, nhà báo dân chủ ngày đêm miệt mài vạch trần những sai lầm và tội ác của chế độ, trình bày những nhân quyền và dân quyền cho đồng bào, đề xuất những đường lối, kế hoạch phát triển đất nước, canh tân xã hội. Gần 20 năm nay, lại có hàng vạn hàng ức dân oan mất đất mất nhà, không ngừng nghỉ đi từ nam ra bắc, từ địa phương lên trung ương, để tố cáo cái Hiến pháp, cái Bộ luật cướp trắng mồ hôi, công sức của tổ tiên và của bản thân họ, để lên án lũ cướp ngày ngay tại hang ổ của chúng: trụ sở quốc hội, các phòng tiếp dân, cơ quan công quyền, tư gia lãnh đạo. Dẫu gần như vô vọng, họ vẫn mặc áo in giòng chữ phản kháng, giương biểu ngữ viết lời yêu cầu, có khi còn chửi thẳng vào mặt đảng, mặt chế độ (như trong một video clip gần đây của dân oan huyện Thạnh Hóa, Long An). Đến lúc tuyệt vọng thì khỏa thân, tự thiêu, hay cho bọn cướp sản ăn đạn. Gần 10 năm nay, lại thấy có những công dân liên kết với nhau thành những tổ chức xã hội dân sự mà mục đích chủ yếu là đòi tự do, nhân quyền, dân chủ. Dù bị theo dõi hành tung, cấm cản tụ họp, bị thóa mạ thanh danh, lũng đoạn hàng ngũ, họ vẫn quyết tâm hình thành một trong ba lực lượng cần thiết cho một xã hội văn minh (lực lượng chính trị, lực lượng kinh tế và lực lượng dân sự). Cũng phải kể đến sự oai hùng, lòng can đảm của nhiều lãnh đạo tinh thần không bằng lòng với cuộc sống êm đềm trong kinh kệ, trong thuyết giáo, nơi thánh thất, nơi tu sở, trái lại đã thực hiện sứ mạng đạo cứu đời bằng những bài giảng sấm sét, những tuyên bố nẩy lửa, dù sau đó có thể lâm vào vòng bị lao lý hay cảnh bị ám hại. Dấu tích oai hùng nơi Đồng bào hải ngoại lẫn Đồng bào quốc nội như thế chính là những chồi non hy vọng báo hiệu một mùa Xuân đích thực cho Dân tộc. Những chồi non đó cần phải được làm cho lớn lên bằng nỗ lực liên minh đoàn kết không mệt mỏi giữa hải ngoại với quốc nội, giữa hải ngoại với nhau và giữa quốc nội với nhau; bằng tinh thần dân chủ không lay chuyển: hợp nhất trong đa diện, coi cái chung quan trọng hơn cái riêng, bất đồng trong ý kiến nhưng không bất hòa trong hàng ngũ, chấp nhận dị biệt trong phương pháp miễn là đồng nhất trong mục tiêu, trân trọng mọi sáng kiến tranh đấu của nhau dù nhỏ đến đâu chăng nữa. Đất Mẹ đang cần những người con có ý thức sáng suốt, tầm nhìn lớn lao, tâm hồn quảng đại và tinh thần hợp tác để cùng chung tay xây dựng một Việt Nam mới không còn có cảnh hàng triệu nông dân bị cướp ruộng vườn, khiếu kiện trong tuyệt vọng; không còn có cảnh hàng triệu công nhân bị bóc lột tiền lương, bươn chải trong khốn cùng; không còn có cảnh hàng triệu lao động xuất khẩu bị buộc trở thành lao nô hay tình nô nơi đất khách; không còn có cảnh hàng triệu học sinh sinh viên bị đầu độc tâm hồn, tiêu diệt ý chí, chẳng lớn lên thành công dân tự do và trách nhiệm; không còn có cảnh hàng triệu tín đồ bị trấn áp đức tin, thấy bản thân tôn giáo bị lũng đoạn thành công cụ hay cơ sở tôn giáo bị cướp bóc tàn phá (cộng đồng Tin lành Mennonite hiện nay là ví dụ); không còn có cảnh hàng vạn công dân yêu nước bị đàn áp khi xuống đường chống ngoại xâm, bị sách nhiễu khi mở miệng nói sự thật, bị cầm tù khi lên tiếng đòi nhân quyền, bị tra tấn trong lao ngục vì nhất quyết chẳng nhận tội (như Mai Thị Dung, Tạ Phong Tần, Đặng Xuân Diệu…); không còn có cảnh người dân trong nhà bị thường xuyên rình mò khám xét, ra đường bị tống tiền đòi hối lộ, chạy xe quên đội mũ bảo hiểm bị đánh vỡ đầu, vào đồn phải tra khảo đến chết rồi bị cho là treo cổ tự tử… vân vân và vân vân. Kể ra ngày Xuân mà nhắc tới những cảnh đau buồn như thế xem ra tàn nhẫn, nhưng người con nào của Mẹ Việt lại không cảm thấy bất nhẫn trước các sự việc ấy, bởi lẽ chúng là “thành quả khốn nạn” sau 85 năm cai trị đầy bất tài bất lực, bất nhân bất công của cái chính đảng mà mới đây vẫn trâng tráo cho rằng dưới sự lãnh đạo của mình, “nhân dân đã lập nên những kỳ tích trong thế kỷ XX, mà đỉnh cao là thắng lợi của cách mạng Tháng 8-1945, thắng lợi của các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, thắng lợi của công cuộc Đổi mới, vững bước đi lên CNXH”, vẫn dối trá vỗ ngực cho rằng tại VN, ngoài mình, “không có một lực lượng chính trị nào khác có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách cam go để đưa dân tộc đến bến bờ vinh quang". Ban
Biên Tập (số 213 ngày 15-2-2015) |