“Mọi
người có quyền tự do ngôn luận; quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp
nhận và phổ biến mọi loại tin tức và ý kiến, không phân biệt ranh giới,
bằng truyền miệng, bản viết hoặc bản in, bằng hình thức nghệ thuật,
hoặc thông qua bất cứ phương tiện truyền thông đại chúng khác theo sự
lựa chọn của mình”
(Điều
19,2 Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Liên Hiệp Quốc
biểu quyết năm 1966, Việt Nam xin tham gia năm 1982).
(Everyone
shall have the right to freedom of expression; this right shall include
freedom to seek, receive and impart information and ideas of all kinds,
regardless of frontiers, either orally, in writing or in print, in the
form of art, or through any other media of his choice.)
|
D I Ễ N Đ À N Sập
cả niềm tin !!! 1- Biến cố làm chấn động dư luận trong và ngoài nước suốt cả tháng nay là vụ cầu Cần Thơ bị sập hai nhịp cầu dẫn đang thi công, dài 90m phía bờ Vĩnh Long, vào lúc 8g ngày 26-9-2007. Đây là chiếc cầu được xây với số tiền trên 2 tỉ mỹ kim do Nhật viện trợ theo chương trình ODA (Viện trợ Phát triển). Thiệt hại về người trong vụ này, tính đến chiều 06-10-2007, là 134 nạn nhân, trong đó có 3 kỹ sư (2 chết, 1 bị thương), 10 kỹ thuật viên trung cấp (4 chết, 6 bị thương), 53 người tử nạn: Vĩnh Long 41, Cần Thơ 2, Hà Nam 2, Quảng Nam, Quảng Ngãi, An Giang, Ninh Bình, Thái Bình, Hải Dương, Thanh Hóa, Nam Định mỗi địa phương 1 người. Một người từ Vĩnh Long hiện vẫn đang mất tích. Những tai nạn chết người trong xây dựng là điều thường thấy. Nhưng vụ cầu Cần Thơ bị sập với 134 nạn nhân khi chưa hoàn tất phải chăng là một “tai nạn” (từ của Bộ trưởng Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng trong cuộc họp báo ngày 29-9), nghĩa là một cái gì bất ngờ, vượt quá dự liệu của con người, chủ yếu do thiên nhiên gây nên cách mãnh liệt (động đất, núi lửa, sóng thần chẳng hạn)? Theo thông tin ban đầu, nguyên nhân sập hai nhịp cầu này là hệ thống giàn giáo yếu. Còn theo một kỹ sư giấu tên, thì có thể là vì những ngày ấy mưa nhiều quá nên đất bị lún, khiến cho giàn giáo không còn đỡ nổi. Đây là lối biện minh mà các chuyên gia đều bật cười. Thế rồi báo chí dần dần phanh phui ra nhiều chuyện. Đó là 3 tháng trước khi xảy ra tai nạn lớn nhứt lịch sử cầu đường VN này, một cán bộ lâu năm trong ngành, kỹ sư người Nhật tên Hiroshi Kudo, đã có bài viết cảnh báo về những “rủi ro chết người” có thể xảy ra khi sử dụng giàn giáo cố định. Ông cho biết hệ số an toàn của hạng mục này chỉ đạt 15% và đã cảnh báo: “Điều kiện làm việc này rất nguy hiểm. Nhà thầu cần thiết phải thiết kế lại”. Lời khuyên đã bị bỏ ngoài tai! Rồi người ta lại nhớ tới bản tin với tiêu đề “Bằng mọi giải pháp phải hoàn thành cầu Cần Thơ và đường dẫn cùng lúc” trên báo Cần Thơ Điện Tử số ra ngày 25-09, tường trình buổi làm việc của Thứ trưởng thường trực bộ GTVT Ngô Thịnh Đức ngày 24-09 với ban quản lý dự án về tiến độ xây dựng cầu. Hai thời điểm này đều xảy ra trước thảm họa. Rõ ràng là có một áp lực “hoàn thành chỉ tiêu” để “lập thành tích chào mừng” vốn chẳng lạ gì trong chế độ CS. Ngay sau khi xảy ra sự cố bi thảm, người ta lại ngỡ ngàng nghe ông Nguyễn Văn Công, Chánh văn phòng kiêm phát ngôn nhân của Bộ tuyên bố với báo chí trưa ngày 26-09: “Chưa đến lúc nói đến trách nhiệm của ai mà nên khẩn trương khắc phục hậu quả…”. Sau đó thì chính ông Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng tại buổi họp báo tối 06-10 tuyên bố: “Ngay từ đầu, tôi đã nhận trách nhiệm về mặt quản lý Nhà nước với dự án, của Bộ và của chủ đầu tư, nhưng trách nhiệm đến đâu, trách nhiệm thế nào thì để UB Điều tra Nhà nước xác định nguyên nhân và từ đó xác định trách nhiệm của Bộ, của chủ đầu tư và của cá nhân tôi đến đâu. Tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm đến cùng… Nếu cơ quan điều tra xác định tôi đã làm sai trong vụ sập cầu, lúc đó tôi sẽ xem xét đến khả năng có từ chức hay không”. Tại các nước dân chủ văn minh, “chịu trách nhiệm đến cùng” thể hiện bằng việc từ chức ngay khi vừa xảy ra thảm họa. Trớ trêu hơn nữa, vị Bộ trưởng “hứa sẽ có thể từ chức” này đã cho thành lập Ban chỉ đạo điều tra vụ sập cầu Cần Thơ mà đứng đầu là ông Thứ trưởng “chuyên gia áp lực” nói trên. Chưa hết, trong lễ truy điệu các nạn nhân vụ sập cầu, ông chủ tịch NNCS Nguyễn Minh Triết đã gây phẫn nộ công luận khi tuyên bố rằng mặc dù tai nạn mới xảy ra, ông cũng quyết tâm buộc xây xong cây cầu đúng kỳ hẹn, nhất định không được trễ. Nói những lời như thế trước khi có kết quả điều tra tìm hiểu nguyên nhân tai nạn là hấp tấp, vội vàng. Thúc giục xây cầu gấp gáp trong cảnh tang tóc, khi những người lao động không may vừa mới ngã xuống, nhiều nạn nhân vẫn chưa tìm thấy thi hài, là thiếu tình thương cảm, chỉ nghĩ đến công việc chứ không nghĩ tới con người. Các nước văn minh nhân bản không bao giờ làm vậy! Rồi lại lòi ra nhiều chứng cớ rất rõ ràng về việc bán thầu, việc tuyển công nhân bừa bãi, thậm chí người này làm việc nhưng lại lấy tên người khác. Chẳng hạn trường hợp em Lưu Thanh Điền 16t ấp Mỹ Hưng 2, xã Mỹ Hoà, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Ngày thường khi đến công trình, em phải mang bảng tên của người anh kế là Lưu Tấn Mãi (19 tuổi, có 2 thẻ tên). Đau đớn thay, cả hai anh em nghèo khổ này cùng tử nạn trong thảm kịch. Những chi tiết nói trên chứng tỏ cung cách làm việc của những người có trách nhiệm quả là vô trách nhiệm không thể tưởng tượng nổi. Cung cách đó biểu lộ qua các việc: tuyển nhân công giá rẻ nhằm tăng lợi nhuận; thuê nhà thầu phụ không có năng lực, kinh nghiệm quản lý lao động để kiếm được tiền càng nhiều càng tốt; thi công ẩu tả, vội vàng, nhằm thoát khó khăn và giảm chi phí hòng sớm ních đầy hầu bao; giám sát chẳng đến nơi đến chốn: chỉ lo tiến độ, lơ độ an toàn, bất chấp lời cảnh báo, cốt để “vượt kế hoạch, lập thành tích”, hầu được tuyên dương khen thưởng và mở rộng hoạn lộ cho mình, còn ai chết mặc ai ! 2- Một vụ sụp đổ thứ hai cùng thời nhưng ít gây xúc động hơn, dù hậu quả cũng hết sức tai hại cho đất nước, đó là vụ sụp đổ “Chương trình tin học hóa quản lý hành chánh” mang tên “Đề án 112”. Đề án này, được Thủ tướng CSVN Phan Văn Khải chấp thuận theo Quyết định 112 ngày 25-07-2001, đã coi như hoàn toàn thất bại sau 7 năm thực hiện. Theo tin tức báo chí, nhóm trí thức xã hội chủ nghĩa điều hành Ðề án đã biến ngân khoản hơn 3.7 ngàn tỉ đồng (tính đến tháng 9-03) thành một mớ sản phẩm kỹ thuật cao hổ lốn, vô giá trị. Báo Lao Ðộng 15-09-07 còn ước lượng tổng số tiền thực hiện Ðề án 112 từ trung ương cho tới địa phương có thể lên tới 50.000 tỉ. Báo cáo giám sát của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường thuộc Quốc hội CS tháng 3-2007 viết: “Ðề án 112 đã thất bại cả trên 5 mục tiêu ban đầu, gồm có xây dựng các hệ thống tin học hóa quản lý hành chính nhà nước; xây dựng và tích hợp các cơ sở dữ liệu quốc gia; tin học hoá các dịch vụ công; đào tạo tin học và thúc đẩy cải cách hành chính". Tất cả đã khiến Thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng phải ra lệnh chấm dứt từ ngày 19-04-2007 và cho tiến hành điều tra. Báo cáo thực hiện “Chỉ thị 58-CT/TƯ của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa” đã phải chua chát viết: “Chưa đạt mục tiêu! Trình độ ứng dụng Công nghệ thông tin của Việt Nam vẫn tụt hậu quá xa so với một số nước ASEAN và mức trung bình thế giới!” Và một lần nữa, Bộ Chính trị đảng CS lại đem những kẻ cầm đầu “Ðề án tin học hóa quản lý hành chính nhà nước” xôm tụ và ngon ăn này làm vật tế thần trong giai đoạn hiện tại hầu che đậy sự bất lực của đảng và nhà nước CS trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tiến sĩ Vũ Ðình Thuần, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ kiêm Trưởng ban Ðiều hành Ðề án (mà có dư luận cho hay chẳng biết gì về tin học) đã bị Cơ quan điều tra bắt giam hôm 13-09-07 cùng với 8 nghi can khác. Thành tích đục khoét của họ rất đáng nể, chỉ xin đan cử một chi tiết nhỏ: Vũ Ðình Thuần đã ký hơn 30 hợp đồng với Tổng Công ty Phát hành sách và Nhà xuất bản Tư Pháp (nhằm in tài liệu tin học cho cán bộ) theo kiểu lòng vòng để nâng giá, gây thất thoát cho nhà nước khoảng 3,4 tỷ đồng, trong đó 1,3 tỷ chia chác cho nhau (vị Phó chủ nhiệm nhà ta được lại quả 500 triệu). Tổng Cty và Nhà xuất bản lại "bán thầu" cho tư nhân để hưởng giá chênh lệch trái pháp luật. Còn chuyện các thiết bị được mua từ đâu, xuất xứ sản phẩm thế nào, phần mềm tin học ứng dụng ra sao đã khiến hàng tỷ đồng chạy ngon ơ vào túi tham của các bậc trí thức xã hội chủ nghĩa này. Và cũng như trong vụ sập cầu Cần Thơ, Giáo sư Tiến sĩ (ngoài đảng) Phan Đình Diệu đã phát hiện sự sai lầm của cái "dự án thổ tả 112" ngay từ trong trứng nước nên có "sớ trảm" đệ trình lên thủ tướng Phan Văn Khải ngay từ năm 2001. Thế nhưng "đỉnh cao trí tuệ" cùng "quốc hội gia nô" đã không một ai có ý kiến và chẳng một ai thèm nghe lời !!! (Báo Thanh Niên số 260 ngày 17-9-2007). 3- Hai vụ sụp đổ tiêu biểu trên nguyên nhân là từ đâu? Có người cho rằng đó là do pháp luật chưa nghiêm, kiểm tra chưa chặt, quản lý còn lỏng lẻo. Điều này cũng có phần đúng, vì nơi này nơi khác trên thế giới cũng có sự rút ruột công trình hay thi công ẩu tả, đôi khi đưa đến thảm họa, như vụ sập cầu ở Québec bên Canada năm 1907. Thế nhưng, với hàng ngàn hàng vạn vụ việc tương tự, kể từ vụ Thủy điện Hòa Bình năm 1986 với mấy chục công nhân tử nạn lao động (nhưng tin tức đã bị ém nhẹm, theo tác giả Bùi Tín), đến vụ vô số chung cư không ai dám ở tại Hà Nội và Sài gòn, vụ hầm chui Văn Thánh sửa mãi chẳng xong, vụ đục khoét công quỹ PMU 18 đem đi đánh bạc, vụ cướp trắng đất đai của hàng triệu nông dân, vụ bóc lột hàng vạn vạn công nhân đến tận xương tủy…, tất cả đã cho người ta thấy rằng đó là cơn bệnh mãn tính, là con đẻ đương nhiên của chế độ toàn trị độc tài cộng sản. Chế độ này trước hết nhồi vào tim óc con người, nhất là các đảng viên, thứ chủ nghĩa vô thần duy vật, coi khinh nhân phẩm và mọi giá trị tinh thần khác, chỉ biết thủ đắc của cải, thành công và lợi nhuận bằng mọi phương cách, chẳng hề sợ một quyền lực linh thiêng nào đó nhắc bảo trong lương tâm hay xét xử trong mai hậu. Chế độ này lại nhốt con người trong một guồng máy cai trị độc tài độc đảng, đưa ra mọi đường lối và thực hiện mọi chương trình cách cưỡng bức, duy ý chí, coi rẻ mạng sống con người, bất chấp các quy luật đạo đức, chỉ cốt đạt những thành tựu không phải cho toàn xã hội nhưng để phục vụ quyền lợi và củng cố quyền lực của đảng. Tuy nhiên, chính vì không dựa trên ý thức, tự do và niềm tôn trọng nhân phẩm, nên mọi công trình hoặc là thất bại, hoặc thành công nhưng phải trả giá bằng máu và nước mắt nhân dân. Rốt cục vẫn là sự tụt hậu, đói nghèo, khủng hoảng triền miên với bao vấn đề không giải quyết nổi, trong sự sụp đổ niềm tin hoàn toàn của mọi công dân đất nước. Tình thế bế tắc này chỉ giải gỡ bằng sự biến mất của chế độ độc tài toàn trị cộng sản mà thôi.
|