Mọi người có quyền tự do ngôn luận; quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và phổ biến mọi loại tin tức và ý kiến, không phân biệt ranh giới, bằng truyền miệng, bản viết hoặc bản in, bằng hình thức nghệ thuật, hoặc thông qua bất cứ phương tiện truyền thông đại chúng khác theo sự lựa chọn của mình (Điều 19,2 Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Liên Hiệp Quốc biểu quyết năm 1966, Việt Nam xin tham gia năm 1982). (Everyone shall have the right to freedom of expression; this right shall include freedom to seek, receive and impart information and ideas of all kinds, regardless of frontiers, either orally, in writing or in print, in the form of art, or through any other media of his choice.)

D I Ễ N   Đ À N

Rất Cần Một Kết Hợp Dân Chủ Kiên Định
Nguyễn Minh Cần (03.05.2006)

Bản Tuyên Ngôn Tự Do Dân Chủ 2006 (gọi tắt là Tuyên Ngôn 8406) của 118 công dân trong nước ký tên đầu tiên đã nghiễm nhiên đi vào lịch sử phong trào dân chủ nước ta. Dù có ai “nói ra nói vào”, dù giai cấp thống trị có ra sức xuyên tạc, vu khống và thậm chí có thể đàn áp khốc liệt các chiến sĩ dân chủ đã đi tiên phong thì Tuyên Ngôn 8406 vẫn là một sự kiện, một chứng tích lịch sử không ai có thể phủ nhận được.

Dưới chế độ cực quyền toàn trị cộng sản mà vận động cho được một tuyên ngôn hay tuyên bố, một lời kêu gọi dân chủ thì thật cực kỳ khó khăn. Chẳng những phải tìm cho được những người rất gan dạ, sẵn lòng dấn thân, biết hy sinh vì đại nghĩa, mà cái khó lớn nhất là tìm được sự đồng thuận của nhiều người về một nội dung đúng đắn, thẳng thắn, mạnh mẽ làm cơ sở tư tưởng cho cuộc đấu tranh. Chính vì thế, chúng ta phấn khởi biết bao khi thấy 118 chiến sĩ dân chủ trong nước đi tiên phong đã tung ra bản Tuyên Ngôn Tự Do Dân Chủ 2006 với những dòng chữ nóng hổi nhiệt huyết phản ánh đúng khát vọng thiết tha của Dân tộc, với những quan điểm rõ ràng, dứt khoát làm nền tảng cho cuộc đấu tranh vì Tự Do Dân Chủ đích thực cho Việt Nam trong giai đoạn này. Tuyên Ngôn 8406 rất xứng đáng là ngọn cờ tự do dân chủ để quy tụ mọi người yêu nước Việt Nam.

Ngay từ những dòng đầu tiên, Tuyên Ngôn đã thẳng thắn nêu ra một nhận định chính xác về mặt lịch sử: “Trong cuộc Cách mạng tháng 8-1945, sự lựa chọn của toàn Dân tộc ta là Độc lập Dân tộc, chứ không phải là chủ nghĩa xã hội”. Từ nhận định đó, Tuyên Ngôn đã nói một cách minh bạch: “Rõ ràng mục tiêu của cuộc cách mạng ấy đã bị đảng Cộng sản Việt Nam đánh tráo. Và dĩ nhiên, Quyền Dân tộc tự quyết cũng hoàn toàn bị thủ tiêu”. Sự thật là Đảng cộng sản Việt Nam (ĐCS) đã tự ý áp đặt chủ nghĩa xã hội cho Dân tộc - một thứ chủ nghĩa xã hội gắn nhãn hiệu Marx-Lenin, kiểu Xô viết, với nền chuyên chính độc tôn cực kỳ ác nghiệt của ĐCS - chính vì vậy trong suốt nửa thế kỷ qua ĐCS đã gây ra biết bao đau thương tang tóc cho Dân tộc. Hậu quả nhãn tiền là người dân bị tước quyền tự do dân chủ đích thực, Đất nước bị chìm đắm trong nạn tham nhũng và bị tụt hậu trầm trọng. Do đó Tuyên Ngôn khẳng định: “Vì vậy Dân tộc ta hôm nay phải chọn lại con đường cho mình”.

Các nhà dân chủ trong nước đã tuyên bố rõ mục tiêu cao nhất trong cuộc đấu tranh giành tự do, dân chủ cho Dân tộc hôm nay là “làm cho thể chế chính trị ở Việt Nam hiện nay phải bị thay thế triệt để, chứ không phải được “đổi mới” từng phần hay điều chỉnh vặt vãnh”. “Cụ thể là phải chuyển từ thể chế chính trị nhất nguyên, độc đảng, không có cạnh tranh trên chính trường hiện nay, sang thể chế chính trị đa nguyên, đa đảng, có cạnh tranh lành mạnh... trong đó hệ thống tam quyền Lập pháp, Hành pháp, Tư pháp phải được phân lập rõ ràng”.

Còn mục tiêu cụ thể “thiết lập lại các quyền cơ bản của toàn Dân, bao gồm quyền tự do thông tin ngôn luận, quyền tự do hội họp, lập hội, lập đảng, bầu cử và ứng cử, quyền tự do hoạt động Công đoàn độc lập và quyền đình công chính đáng, quyền tự do tôn giáo.

Tuyên Ngôn 8406 khẳng định: Phương pháp của cuộc đấu tranh này là hoà bình, bất bạo động.chính Dân tộc Việt Nam chủ động thực hiện cuộc đấu tranh này”.

Đối với đảng cầm quyền hiện nay Tuyên Ngôn 8406 cũng thẳng thắn nói rõ: “Đảng cộng sản Việt Nam vẫn còn đồng hành cùng Dân tộc hay không là tuỳ ở mức độ đảng ấy có khách quan, công bằng, sáng suốt và khiêm tốn chấp nhận các nguyên tắc bình đẳng của cuộc cạnh tranh lành mạnh hay không, chỉ có thể chế chính trị độc đảng ấy là dứt khoát phải bị chôn vĩnh viễn vào quá khứ”.

Rõ ràng, minh bạch, dứt khoát và mạnh mẽ biết bao! Không một lời cầu mong, van xin, ve vãn bất kỳ ai. Trong lịch sử nước ta, chưa từng có một văn bản nào đặt vấn đề đấu tranh cho tự do dân chủ một cách rạch ròi đến như vậy.

Qua kinh nghiệm lịch sử của các phong trào dân chủ ở Đông Âu và Liên Xô, chúng tôi nghiệm thấy rằng những quan điểm dân chủ triệt để, dứt khoát của các chiến sĩ tiên phong có một tầm quan trọng lớn lao đối với tiền đồ dân chủ và sự phát triển mọi mặt của mỗi nước. Ở những nước nào mà những người dân chủ chưa có được những quan điểm triệt để và dứt khoát hoặc những nhà dân chủ cấptiến chưa nắm được vai trò chủ đạo thì trong quá trình chuyển hoá dân chủ có rất nhiều vấp váp, khó bảo đảm có được một chế độ tự do dân chủ đích thực và đất nước phát triển đúng chiều hướng tiến bộ. Đó là trường hợp của nước Nga và một số nước khác trong khối Liên Xô cũ, hiện nay chẳng những đi thụt lùi trên con đường dân chủ mà đang dựng lên chế độ cực quyền của tầng lớp quan liêu. Những nước này không thể nào sánh kịp với Ba Lan, Czech, Slovakia, Hungary và ba nước Baltic trong khối Liên Xô cũ là những nơi mà những người dân chủ cấp tiến từ đầu đã nắm được thế thượng phong nên đã tiến lên trước rất rõ rệt.
Thế thì những quan điểm dân chủ triệt để đó thể hiện ở đâu? Ở thái độ dứt khoát phủ nhận chủ nghĩa Marx-Lenin-Stalin-Mao Trạch Đông, phủ nhận chuyên chính vô sản và sự thống trị độc tôn của ĐCS, phủ nhận thể chế chính trị nhất nguyên, độc đảng. Ở ý chí mãnh liệt nhằm thiết lập một thể chế chính trị dân chủ đa nguyên, đa đảng có sự cạnh tranh lành mạnh, với nguyên tắc tam quyền phân lập. Ở quyết tâm thực hiện các quyền tự do căn bản của nhân dân và quyền con người nói chung.

Xin nhắc lại, thật rất đáng mừng là Tuyên Ngôn Tự Do Dân Chủ 2006 hàm chứa được những quan điểm triệt để, dứt khoát như vậy. Cố nhiên, không phải tất cả những người dân chủ trong nước đều chia sẻ những quan điểm đó. Đó là sự thật. Có những người dân chủ chủ trương việc thay đổi thể chế chính trị ở Việt Nam phải do chính những người đang cầm quyền của ĐCS thực hiện. Cũng có những người phủ nhận chủ nghĩa Stalin và chủ nghĩa Mao Trạch Đông nhưng còn chưa có thái độ dứt khoát đối với chủ nghĩa Marx-Lenin. Cũng có nhiều người phủ nhận chủ nghĩa Marx-Lenin nhưng lại tán dương “tư tưởng Hồ Chí Minh”, mặc dù chính ông Hồ Chí Minh đã nói rõ là ông không có tư tưởng riêng, ông chỉ là học trò của Marx-Lenin-Stalin và là người thực hành chủ nghĩa của các ông ấy... Nói vậy để thấy rằng Tuyên Ngôn 8406 đã tiến một bước rất xa khi nêu ra những quan điểm dứt khoát và triệt để như vậy.

Vì thế, Tuyên Ngôn 8406 đã được đón nhận nồng nhiệt, đến nay hàng chục ngàn người thuộc đủ mọi thành phần – các nhà trí thức, cựu đảng viên cộng sản, cựu tù cải tạo, cựu chiến binh Quân đội Nhân dân, cựu quân nhân Quân lực Việt Nam Cộng hoà, các nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo, công nhân, nhân viên, thanh niên trong và ngoài nước đã ký tên ủng hộ.

Thế nhưng, cũng cần nói đến một thực tế nữa là, tiếc thay, không phải tất cả mọi người dân chủ nước ta – trong nước cũng như ngoài nước – đều đón nhận Tuyên Ngôn 8406 với một tấm lòng cởi mở, hồ hởi, phấn khởi như nhau, thậm chí cũng đã có những lủng củng rất đáng buồn. Gần đây, ông Trần Trung Việt có viết bài Tuyên Ngôn 2006 và Não Trạng Sứ Quân phản ánh đúng thực trạng đó mà chúng tôi xin phép được trích ra một đoạn sau đây:

“Sự xuất hiện của Tuyên Ngôn 2006 với chữ ký của 118 công dân trong nước, mà nhiều người trong họ lần đầu tiên đã vượt lên trên sự sợ hãi để làm nhân chứng cho niềm tin tự do và dân chủ cho tương lai đất nước, đáng lẽ ra phải là một sự kiện được diễn ra và đón nhận trong niềm hân hoan chung. Trái lại, bản Tuyên Ngôn này lại chịu chung số phận của tất cả những sáng kiến đã có trước nó; nó ngay lập tức bị lôi cuốn vào những nghi kỵ, những lấn cấn, những nhầm lẫn, những toan tính lẩm cẩm, và những đôi co vô bổ. Và bên dưới những bung xung này là một thứ tâm lý đã và đang ngự trị sinh hoạt của phong trào dân chủ từ mấy thập niên qua: não trạng sứ quân!
Cờ phe tao đẹp hơn cờ phe mày. Lãnh tụ của chúng tôi xứng đáng hơn lãnh tụ của các anh. Tuyên ngôn chúng tôi ngon lành hơn tuyên ngôn của các anh. Sáng kiến của chúng tôi tuyệt vời hơn sáng kiến của các anh. Chữ nghĩa của chúng tôi hùng hồn hơn chữ nghĩa của các anh. Cương lĩnh của chúng tôi đứng đắn hơn cương lĩnh của các anh. Và hàng trăm cái để hơn thua khác. Đó là chưa kể đến những cáo buộc ác ý, chụp mũ, nếu không công khai thì cũng được rỉ tai trong nội bộ của các tổ chức, các nhóm. Như một thứ gen lịch sử còn sót lại từ thời Đinh Bộ Lĩnh và thập nhị sứ quân, các tổ chức dân chủ, các nhóm, các cá nhân vẫn nhìn nhau với tất cả sự nghi kỵ, thậm chí hằn học. Sự nghi kỵ bắt đầu từ những thói quen và sự sợ hãi đã có từ 30 năm nay ở ngoài nước và đang dần dần xuất hiện ở trong nước. Các tổ chức, các nhóm, và các cá nhân quá bận rộn với thói quen tô son, đánh phấn cho tổ chức, cho nhóm, cho cá nhân mình và không còn thì giờ để toan tính chuyện thiệt hơn cho công việc chung”.
Đầu óc biệt phái, tâm lý “con gà tức nhau tiếng gáy”, tính đố kỵ ở một số người dân chủ quả thật là một mối nguy hại lớn cho phong trào dân chủ nước ta. Nó làm cho lực lượng dân chủ đã yếu lại dễ bị chia năm xẻ bảy. Mà đó là điều giai cấp thống trị mong muốn nhất.

Thế mà, dường như một số ít người dân chủ lại vô tình làm cái điều mà giai cấp thống trị mong muốn! Tuyên Ngôn 8406 vừa ra thì sáu hôm sau người ta đã tung ra một cái gọi là Tuyên Ngôn Dân Chủ, thực chất là một lời kêu gọi nhạt nhẽo, yếu ớt. Còn ở ngoài nước, sau khi Tuyên Ngôn 8406 vừa xuất hiện, thì một số nhà dân chủ lại loay hoay vận động để tung ra lời tuyên bố này, lời kêu gọi khác, như tuồng không biết đến một bản Tuyên Ngôn 8406 của 118 người trong nước đã đưa ra. Có người cứ mải mê đi tìm một nền tảng tư tưởng cho việc xây dựng phong trào dân chủ mà cố lờ đi nội dung cơ bản của Tuyên Ngôn 8406. Vân vân và vân vân... Dường như, một số người chỉ muốn có cái gì đấy của riêng cá nhân họ, nhóm họ mà không muốn có cái chung.
Thậm chí có những tiếng “chê õng chê eo” – “chưa được hào hùng lắm” (ý chừng người ta muốn Tuyên Ngôn 8406 phải như bài Hịch của Trần Hưng Đạo hay Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi!), “chưa phải là cương lĩnh” (dường như người ta cố lẫn lộn tuyên ngôn với cương lĩnh!), “còn thiếu chữ ký của nhiều người, nhiều địa phương”, v.v... và v.v... Đó là chưa nói đến một số người dân chủ thờ ơ, chỉ muốn làm người quan sát bàng quan để chờ xem thời cuộc sẽ diễn tiến ra sao sau khi Tuyên Ngôn 8406 ra đời...

Tất cả những điều vừa nói cho thấy phong trào dân chủ nước ta dù đã tiến lên một bước đáng kể nhưng vẫn chưa vượt qua được cái thời ấu trĩ. Và có lẽ tình trạng này khó tránh được ở mọi phong trào dân chủ. Vấn đề đặt ra là các chiến sĩ dân chủ tiên phong trong nước phải chấp nhận cái thực trạng phũ phàng đó, không bận tâm với những “chuyện trò đời” mà cứ kiên trì và âm thầm vận động cho Tuyên Ngôn 8406 thấm nhập ngày càng sâu vào đại chúng, biến thành một sức mạnh quần chúng lớn lao. Còn những người dân chủ thành tâm yêu nước ở hải ngoại cứ tiếp tục tích cực vận động đồng bào các cộng đồng hăng hái ký tên, vận động các tổ chức quốc tế, chính giới các nước ủng hộ bản Tuyên Ngôn 8406. Đó chính là sự giúp đỡ thiết thực nhất cho phong trào dân chủ nước ta. Hơn bao giờ hết, sự phối hợp trong – ngoài lúc này và trong việc này là hết sức cần thiết.

Mặt khác, chúng tôi thiết nghĩ những người dân chủ trong nước cần nhận rõ sự ra đời của bản Tuyên Ngôn Tự Do Dân Chủ 2006 nhất định sẽ dẫn đến một kết hợp dân chủ ở trong nước. Dù nó còn thô sơ, phôi thai, nhỏ nhoi, nhưng cũng phải lo liệu, chuẩn bị mọi mặt từ đầu để kết hợp này được trưởng thành và tồn tại lâu dài làm cơ sở cho phong trào dân chủ tiến lên. Kết hợp này cần bao gồm những chiến sĩ dân chủ kiên định, vững vàng, thông minh. Đặc biệt quan trọng là những người đi tiên phong phải rất thận trọng, khôn khéo, tránh những hành động khinh xuất, xốc nổi, phiêu lưu, những tuyên bố huênh hoang, những khẩu hiệu hay ngôn từ quá khích bất lợi cho phong trào. Đây là một vấn đề rất tế nhị đòi hỏi những người đi tiên phong một trách nhiệm lớn lao.

Viết nhân Ngày Quốc Tế Tự Do Báo Chí (3.5)
để chào mừng BNS TỰ DO NGÔN LUẬN

Nguyễn Minh Cần

www.TDNgonLuan.com hoan nghênh ý kiến đóng góp của qúy vị độc giả. Xin email về: tdngonluan@yahoo.com hay type vào hộp Ý Kiến/Comment Box ở dưới đây và nhấn vào nút "Submit" để gởi đi. Trân trọng:

TÊN, HỌ / NAME:  
 E M A I L:  

Ý KIẾN /  COMMENT:  

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ:
- Tony Lee
(Saturday, May 6, 2006 at 14:02:58)
Thưa quí vị,
Hòan cảnh thực tại của nước Việt Nam như thế nào? Thống nhất đất nước đã có mấy chục năm rồi. Người dân Việt Nam rất cần cù nhẫn nại, làm việc ngày đêm mà sao vẫn nghèo đói? Đó là vì chính sách kinh tế theo chủ thuyết Mác lê của CS thất bại. Nhân dân VN lâm cảnh khốn cùng, gạo không đủ ăn, áo không đủ mặc, suốt ngày chỉ bận bịu với hộ khẩu, với xếp hàng mua đồ hợp tác xã và với học tập chính trị. Có lúc, dân phải ăn bo bo, đường chảy, heo(bệnh)luộc. Cán bộ nhà nước vì đói đã nẩy sinh móc ngoặc, chợ đen chợ đỏ, ăn cắp nói láo. Hễ mở mồm là hô khẩu hiệu, nói chính trị trơn tru như vẹt. Tượng ảnh Hồ Chí Minh bày ở khắp mọi nơi. Cả ngày xưng tụng công ơn Đảng to như núi, lớn như biển. Bày ra trò Kinh Tế Mới để đầy đọa dân, cướp đất cướp nhà của nhân dân miền Nam. Trả thù người chế độ cũ một cách dã man mà
vẫn mồm to kể "Khoan Hồng, Nhân Đạo" Sau gần chục năm thống nhất đất nước, cái thiên đường XHCN vẫn chưa đào được xong móng! Người anh em Trung quốc dạy cho VN một bài học "san bằng Lạng Sơn". Cả nước không đủ gạo,khoai để ăn thì mới đành tư duy đổi mới.
Các nước XHCN anh em mà đánh nhau như chó với mèo; Liên xô kình Trung quốc,Việt Cộng đàn áp Campuchia và Trung Cộng đánh Việt Cộng. Thiên đường cộng sản là trấn áp, bạo lực! Kể từ khi mở cửa, cởi trói cho dân thì đời sống kinh tế khá hơn nhưng đó cũng chính là lúc cán bộ CS bắt đầu mất dậy; trên bảo dưới không nghe! Bóc lột, tham nhũng, ăn chơi, xa đọa. Lớn ăn lớn nhỏ ăn nhỏ. Làm láo báo cáo hay. Công an không phải của nhân dân mà là công cụ của đảng. Công an đi chung với ăn cướp,đĩ điếm, ma túy, buôn lậu. Xã hội chủ Nghĩa mà CS hướng tới là gì? Chả có ai biết! XHCN phải chăng là cái thiên đường mù. XHCN là cái vườn hoa Mai Xuân Thưởng mà đồng bào bị hà hiếp đến ăn nằm chờ đợi sự bố thí của
công lý nhà nước. Nhưng đợi mãi mà chả được giải quyết mà còn bị công an bắt bớ đánh đập? XHCN phải chăng là một xã hội đàn bà con gái Việt Nam xuất khẩu làm nô lệ? XHCN là xã hội giàu nghèo khác biệt, người nghèo quá phải mang con đi bán? Đàn bà,con gái ngồi sắp hàng như gà vịt cho người nước ngòai chọn lựa mang đi? XHCN là xã hội mà từ Giám Đốc dến Thứ Trưởng, Bộ Trưởng ăn cắp bạc triệu, bạc tỉ đô la? XHCN là xã hội mà người dân đi đâu phải xin phép? Mỗi lần xin phép lại phải dâng phong bì? Báo chí phải kiểm duyệt? XHCN là xã hội chỉ có một đảng? XHCN là xã hội mà đảng và nhà nước là một? XHCN là xã hội mà người dân không được bỏ phiếu bầu người lãnh đạo đất nước?.... Trói buộc và lừa bịp người dân lâu quá rồi. Không thể chịu nổi nữa! Người dân Việt đã đến ngày phải đứng lên đòi lại quyền làm người. Người dân Việt Nam phải có bổn phận chấm dứt cái thiên đường mù của đảng cộng sản. Cái xã hội bất công, nô lệ phải chấm dứt. Mọi người dân đều ý thức phải đứng lên tranh đấu. Chấm dứt mọi giáo điều khóac lác. Đây là phong trào của tòan dân. Người ta có quyền tự do ủng hộ, tham gia tùy khả năng hòan cảnh của mình. Những ý kiến xây dựng chắc chắn sẽ được tiếp thu. Những ý kiến dạy dỗ, không sáng suốt, không xây dựng mọi người sẽ thấy và sẽ không chấp nhận. Làm khó hơn nói. Nếu cùng chung một hướng thì chắc chắn sẽ tăng sức, tăng lực. Trong hòan cảnh khó khăn, người tranh đấu có thể chưa thông cảm và kết hợp được với nhau nhưng dần dần sẽ đi tới thông cảm và kết hợp vì lợi ích chung. Chúng ta tôn trọng ý kiến khác biệt để học hỏi,tu chỉnh nhưng đừng bàn ra quá xa gây chia rẽ không tốt. Không ai có thể tiên đóan đúng mọi việc sẽ xảy ra ngày mai.Trước mắt, xin bày tỏ lòng khâm phục, tin tưởng và ủng hộ Tuyên Ngôn Dân Chủ 8406 của các vị tiên phong. Cầu mong mọi sự tốt đẹp cho Việt Nam.
- Cao Phan (Friday, May 5, 2006 at 10:17:02)
Su nhan xet cua ong rat dung. Nhung theo toi nghi so nguoi khong don tiep nhiet tinh ban Tuyen ngon nhan quyen 8406 rat it. Bat cu dieu gi cung khong duoc mot tram phan tram. So nguoi va to chuc ung ho ban Tuyen ngon nhan quyen 8406 hien nay rat dong va con tiep tuc nua. Chung toi rat mung.
- thanh (Friday, May 5, 2006 at 09:09:24)
Chung toi o hai ngoai , khong mot tham vong chinh-tri,chi la nguoi dan VN binh thuong nhu moi nguoi, hoan toan dong y voi tac gia "can mot ket hop cac luc luong dan chu trong va ngoai nuoc" de co mot luc
luong dong nhat du manh doi dau voi dang CSVN, de nguoi dan VN trong nuoc duoc hoan toan co tu do dan chu thuc su, dua den mot nuoc VN giau co, hung manh "NUOC VN TA DA DAU KHO VE CHIEN TRANH QUA NHIEU ROI, NAY LAI TIEP TUC HON 31 NAM DUOI CHE DO CSVN, VAN CON TIEP TUC DAU KHO, NGHEO DOI, DU RANG DAT NUOC DA CO DOC LAP THONG NHAT" Kinh chao.

Trở về trang chính

Chân    thành    cảm    tạ    qúy    vị    ghé    thăm    trang    nhà    website    Tự    Do    Thông    Tin    Ngôn    Luận    cho    toàn    dân    Việt Nam

Copyright © 2006 www.tdngonluan.com / Email: tdngonluan@yahoo.com  -  All rights reserved.