“Mọi
người có quyền tự do ngôn luận; quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp
nhận và phổ biến mọi loại tin tức và ý kiến, không phân biệt ranh giới,
bằng truyền miệng, bản viết hoặc bản in, bằng hình thức nghệ thuật,
hoặc thông qua bất cứ phương tiện truyền thông đại chúng khác theo sự
lựa chọn của mình”
(Điều
19,2 Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Liên Hiệp Quốc
biểu quyết năm 1966, Việt Nam xin tham gia năm 1982).
(Everyone
shall have the right to freedom of expression; this right shall include
freedom to seek, receive and impart information and ideas of all kinds,
regardless of frontiers, either orally, in writing or in print, in the
form of art, or through any other media of his choice.)
|
D
I Ễ N Đ À N Công luận người Việt trong và ngoài nước đang chăm chú theo dõi những bi hài kịch xảy ra tại Việt Nam quanh việc phong trào tự ứng cử Quốc hội đang bị đánh phá. Dĩ nhiên ai cũng biết bàn tay lông lá chỉ đạo ráo riết việc này chính là Bộ chính trị đảng cộng sản, mà cụ thể là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tiếp xúc cử tri ngày 8-3, ông ta đã khẳng định: “Không để lọt vào cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước những phần tử thế này thế khác”. Trước đó, trong Chỉ thị số 51 ra ngày 4-1-2016 về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, ông đã ra lệnh cho thuộc cấp rồi: “Lãnh đạo tốt công tác nhân sự, bảo đảm sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng trong công tác cán bộ; gắn kết quả nhân sự của đại hội đảng các cấp và quy hoạch cán bộ với công tác chuẩn bị nhân sự để giới thiệu những người tiêu biểu, có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng…. Việc lựa chọn, giới thiệu người ứng cử và việc tự ứng cử đại biểu… phải bảo đảm theo đúng quy định và hướng dẫn của các cơ quan Trung ương có thẩm quyền. Lãnh đạo tốt việc tổ chức hiệp thương giới thiệu người ra ứng cử…”. Rồi như sợ đám tay sai lãng quên, tại hội nghị xây dựng đảng ngày 26-03-2016, Trọng Lú còn nhắc lại: “Các thế lực xấu, thù địch đang rất muốn chúng ta thay đổi chế độ chính trị. Tôi đã nói đổi mới chính trị không có nghĩa là thay đổi chế độ chính trị, không có nghĩa là làm thay đổi bản chất của Đảng ta, Nhà nước ta”. Và thế là một một lực lượng khổng lồ đã được huy động khắp cả nước (nhà cầm quyền địa phương, bộ máy đảng, mạng lưới công an, các đoàn thể của Mặt trận Tổ quốc). Đám tay sai công cụ này đã và đang sử dụng mọi thủ đoạn gian manh, thô bỉ, đê tiện nhất để loại trừ các ứng viên tự do (mà tổng số trên dưới 160 người), nhất là các ứng viên có tinh thần dân chủ, bẳng cách không để họ thu thập được đủ số phiếu tín nhiệm trong cái gọi là “hội nghị hiệp thương” lần 2, hay “hội nghị cử tri”, một định chế vi hiến tự bản chất. Các
hội nghị cử tri đểu giả này đều có một số đặc điểm chung như sau: - Có những cử tri ở tổ dân phố khác cũng được huy động vào họp, trong khi nhiều cử tri ở chính tổ dân phố của ứng viên thì không được tham dự (như ứng viên Lê Khánh Luận). Điều này cũng xảy ra ở nơi công tác, làm việc (như ứng viên Đỗ Anh Tuấn: công ty anh có 104 người nhưng chỉ mời 15 người còn mời các công ty khác 103 người). Đó là chưa kể việc giới hạn số cử tri. - Biến hội nghị tiếp xúc thành nơi chỉ trích, lên án ứng viên một cách thô bạo, vì những lý do vặt vãnh và vô căn cứ (như không sinh hoạt tổ dân phố thường xuyên, không thường xuyên thăm hàng xóm, chẳng tham gia đóng góp ủng hộ tiền trong các đợt vận động, nói xấu đảng và nhà nước trên mạng, đòi hủy bỏ điều 4 Hiến pháp, đòi đa nguyên đa đảng, hay đi biểu tình chống Trung Quốc, trẻ quá nên không đáng tín nhiệm, bằng cấp thấp sao làm đại biểu, chưa có cống hiến gì mà đòi vào quốc hội, tự ứng cử mà không xin phép đoàn thể, thậm chí để chó ỉa sang nhà hàng xóm... Nhà thơ Bùi Minh Quốc còn bị phê là “thiếu đạo đức” vì từng từ chối nhận giấy mời của công an, rồi “thiếu tình hàng xóm láng giềng”, vì đã kiện ông hàng xóm cơi nới trái phép trên đất của Nhà nước quy hoạch làm lối đi chung). Toàn là những lý do không ăn nhập gì với các tiêu chuẩn của người đại biểu Quốc hội đã được luật định. - Ứng viên không được tạo điều kiện để trao đổi lại với cử tri mà phải “chịu trận” cuộc đấu tố của họ. Bà Nguyễn Thúy Hạnh chỉ được cho 5 phút. Nhiều ứng cử viên độc lập khác bực tức, không chịu nổi cảnh bị đấu tố này nên đã tẩy chay vòng hiệp thương, bỏ ra khỏi hội nghị, như nhà văn Nguyễn Tường Thụy, nhà thơ Bùi Minh Quốc, cử nhân luật Nguyễn Đình Hà... - Ứng viên bị ngăn cản, bị cấm phát tài liệu công bố tiểu sử và chương trình hành động của mình cho cử tri, không được ghi hình chụp ảnh (như thầy giáo Đỗ Việt Khoa, tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, nhà văn Nguyễn Tường Thụy). - Nhiều dấu hiệu cho thấy có sự can thiệp, định hướng để cử tri bỏ phiếu “bất tín nhiệm”. Thạc sĩ Nguyễn Trang Nhung nhận định: “Tôi cho rằng không hề có cái gọi minh bạch hay là dân chủ. Người dân không hoàn toàn tự quyết trong việc bỏ phiếu, bởi vì họ có vẻ đã được định hướng sẽ phát biểu như thế nào để ủng hộ hay phản đối ứng cử viên”. ƯCV Đỗ Anh Tuấn thì cho biết: “Bác Chi, người bế mình từ khi mình còn bé tí, tối hôm trước còn đi vận động tranh cử với mình, sáng hôm sau bị CA đến nhà. Buổi chiều mình lên, bác bảo bác ốm, bác gái đi họp thay, được 5 phút thì bỏ về. Những nhà hôm trước mình đến vận động tranh cử và đều tỏ ý ủng hộ thì hôm sau có người đến tận nhà ‘nhắc nhở’” - Việc kiểm phiếu không được tiến hành công khai, minh bạch, và chẳng có sự giám sát của những cá nhân/tổ chức độc lập (như trường hợp thạc sĩ Nguyễn Trang Nhung, luật sư Võ An Đôn. Đối với vị luật sư nhân quyền này, việc kiểm phiếu đã được thực hiện lén lút trong ngôi miếu hoang). - Bạn bè, người thân, những cử tri công khai ủng hộ ứng viên... đều bị ngăn cản, không được vào dự hội nghị tiếp xúc cử tri của người mình ủng hộ. Ngay cả chồng bà Nguyễn Thúy Hạnh cũng bị chặn cửa. Riêng bạn bè của ƯCV Hoàng Dũng đã không vào được, phải đứng ngoài, còn bị công an cho ăn mắm tôm! - Kết quả bỏ phiếu đều có số phiếu tín nhiệm thấp một cách đáng ngờ đối với các ứng viên độc lập. Xin nêu ra vài ví dụ: Ông Hoàng Dũng (Sài Gòn): 7%. Ca sĩ Lâm Ngân Mai (Sài Gòn): 3/82. Luật sư Võ An Đôn (Phú Yên): 29/86. Ông Đỗ Anh Tuấn (Vĩnh Phúc): 1/71. Cô Nguyễn Trang Nhung (Sài Gòn): 1/63. Ông Ngô Xuân Phúc (Nghệ An): 10/106. Tiến sĩ Nguyễn Quang A (Hà Nội): 6/75. Rút
được gì từ những hội nghị “đấu tố” khốn nạn ấy? Việc một thiểu số "quần chúng" (như 75 cử tri "được mời" ở phường Gia Thụy, quận Long Biên, của TS. Nguyễn Quang A, với 69 phiếu bất tín nhiệm; 63 cử tri "được mời" ở phường 7, quận Phú Nhuận, của Th.S. Nguyễn Trang Nhung, với 62 phiếu bất tín nhiệm; 82 cử tri "được mời" ở quận Gò Vấp, Sài Gòn của ca sĩ Lâm Ngân Mai, với 79 phiếu bất tín nhiệm) đã có quyền thay cho ít nhất 270.000 cử tri của mỗi khu vực bầu cử (Cả nước với khoảng 50 triệu cử tri được chia thành 184 đơn vị bầu cử, tính trung bình mỗi đơn vị bầu cử có khoảng 270.000 người) để quyết định "tư cách ứng cử ĐBQH" của một tiến sĩ, một thạc sĩ và một nghệ sĩ, bất chấp việc những ứng viên này có được sự ủng hộ của hàng trăm nghìn người dân ở các nơi khác... thì đúng là một cơ chế bầu cử bất cập và khốn nạn. Bất cập, bởi vì nó sàng lọc và gạt bỏ những người có tâm, có tài, có óc phản biện chính quyền, có trái tim đứng về phía nhân dân. Khốn nạn, bởi vì nhờ cơ chế ấy, nhờ các vòng đấu tố ứng viên, nhà cầm quyền đã kích thích cái phần bản năng, phần thú vật nhất ở con người, đồng thời nuôi cho họ "ảo tưởng sức mạnh" rằng những kẻ tri thức thấp kém nhất cũng có thể có uy lực trước trí thức hay văn nghệ sĩ, miễn là phải biết tuân theo đúng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, đừng có làm "phản động" (theo nhà báo Phạm Đoan Trang). Việc các hội nghị cử tri diễn ra với trò đấu tố thô bỉ những công dân ứng cử ngoài ý muốn và sắp xếp của đảng CS cho người ta lại thấy bóng ma của các cuộc đấu tố thời cải cách ruộng đất lảng vảng hiện về. Cái quá khứ ghê rợn không ai muốn nhắc đến ấy hoá ra vẫn tồn tại dai dẳng đến tận ngày nay và vẫn là một thứ vũ khí được đảng sử dụng cho mục đích kiểm soát xã hội của đảng. Ngoài ra, trên mạng xã hội, đang tràn lan một làn sóng phỉ báng nhắm vào cách ứng viên tự ứng cử, cả một chiến dịch tấn công với các đòn đánh dưới thắt lưng đang nhằm vào họ. Rõ ràng chế độ cộng sản là thứ có sức tàn phá kinh khủng nhất đối với văn hoá của bất cứ dân tộc nào trên thế giới. Cũng chính nó là thứ có khả năng siêu hạng trong việc làm thoái hoá đạo đức con người và xã hội. Khi được hỏi liệu có thể rút ra điều gì chung ở những trường hợp này, nhà thơ Bùi Minh Quốc đáp đại ý: Cho đến nay mà nói, tôi thấy những người cầm quyền vẫn tiếp tục lao đầu vào lối mòn cũ, ngày càng bộc lộ cho thấy họ quyết thủ tiêu quyền tự do ứng cử của công dân đã ghi trong Hiến pháp... Họ có thể đạt được mục đích trước mắt là chặn, gạt hết những người tự ứng cử, không cho ai lọt vào danh sách cuối cùng, để rốt cuộc một mình một chợ tiến hành xây dựng một Quốc hội theo ý họ. Thế nhưng hậu quả mà họ nhận được đó là bước thêm một bước nữa trong quá trình tự sát về chính trị và văn hóa. Đúng thế, có lẽ Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Thiện Nhân, chủ tịch MTTQ (kẻ từng đứng đầu cái ngành có sứ mạng –trên nguyên tắc- giáo dục giới trẻ về sự đàng hoàng, chính trực, liêm sỉ, lương thiện) đang xoa tay hể hả cùng với đám tiểu yêu của họ. Thế nhưng, tất cả những màn diễn rất vụng về, giả tạo, gây căng thẳng và chia rẽ trong mọi tầng lớp dân chúng suốt mấy tuần nay đều có giá trị như cái tát nẩy lửa làm sưng má những kẻ cứ luôn mồm nhắc đến “dân chủ đến thế là cùng”, như bản cáo trạng dành cho đảng trong tòa án lịch sử muôn niên và như những nét khắc trên bia miệng ngàn đời của Dân tộc. Vậy thì còn đợi gì mà toàn dân Việt Nam không quyết tâm đập tan mưu đồ “đảng hóa” Quốc hội bằng cách tẩy chay mạnh mẽ trò “đảng cử dân bầu” tháng 5 tới. Còn đợi gì mà các ứng viên độc lập –vốn đang được phiếu tín nhiệm từ trong trái tim của đồng bào- không kết hợp với nhau để làm thành một quốc hội đúng nghĩa của nhân dân, dù là Quốc hội trên không gian mạng? Ban
Biên Tập (số 241 ngày 15-4-2016) |