“Mọi
người có quyền tự do ngôn luận; quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp
nhận và phổ biến mọi loại tin tức và ý kiến, không phân biệt ranh giới,
bằng truyền miệng, bản viết hoặc bản in, bằng hình thức nghệ thuật,
hoặc thông qua bất cứ phương tiện truyền thông đại chúng khác theo sự
lựa chọn của mình”
(Điều
19,2 Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Liên Hiệp Quốc
biểu quyết năm 1966, Việt Nam xin tham gia năm 1982).
(Everyone
shall have the right to freedom of expression; this right shall include
freedom to seek, receive and impart information and ideas of all kinds,
regardless of frontiers, either orally, in writing or in print, in the
form of art, or through any other media of his choice.)
|
D I Ễ N Đ À N Những
bài học đích đáng !!!
Ban Biên Tập TDNL (01.07.2007 số 30) Tiếng Nói của người dân Việt Nam đòi Quyền Tự Do Thông Tin Ngôn Luận Chủ tịch nước CSVN Nguyễn Minh Triết đã chuẩn bị khá kỹ chuyến viếng thăm Hoa Kỳ. Trước đó mấy tuần, khi nghe tin “người bạn lớn của nhân dân Việt Nam”, Dân Biểu Earl Blumenauer, Chủ tịch Nhóm Tham vấn Mỹ-Việt, đã từ chức chủ tịch nhóm này để phản đối CSVN đàn áp dân chủ, ông Triết liền cho thứ trưởng ngoại giao Lê Văn Bàng sang dụ khị là sẽ thả 3 tù nhân chính trị nhân chuyến Mỹ du (nhưng rồi chỉ thả hai, kiểu ăn quịt). Song song đó, để lấy lòng tư bản Mỹ, ông cũng nhét cặp khoảng một tỷ đô-la (tiền ông vay mượn, dân nai lưng trả) sang mua hàng của các đại công ty như Boeing, Microsoft… nhưng đồng thời lại kêu gọi sự trợ giúp tài lực và nhân lực về nhiều mặt khác như giáo dục chẳng hạn, theo kiểu ăn xin… Để khơi gợi lòng thương cảm của quần chúng Mỹ, ông cũng phái đi trước một nhóm người mệnh danh “nạn nhân chất độc da cam” sang đó để kiện cáo các công ty hóa chất và chính quyền Mỹ theo kiểu ăn vạ. Và biết thế nào cũng bị chất vấn về ý niệm và thành tích nhân quyền, nên trước đó, ông đã tuyên bố những câu thật hách: “Việt Nam đã trải nghiệm chiến tranh và hiểu rõ việc mất nhân quyền và không có tự do. Vì thế chúng tôi cực kỳ yêu chuộng những quyền căn bản của con người”, đồng thời cũng thủ sẵn trong đầu nhiều lối lập luận tựa như: “quan niệm nhân quyền tùy thuộc văn hóa và hoàn cảnh lịch sử từng nước”, hoặc “hành động kết án ông Lý được sự ủng hộ của Giáo Hội Công Giáo, vì chưa có giám mục nào lên tiếng phản đối cả.” Quả là ông quyết ăn thua với thiên hạ!! Thế nhưng, khi vừa đặt chân xuống đất Mỹ, vị chủ tịch nhà ta đã được dạy cho nhiều bài học đích đáng mà chắc ông sẽ nhớ suốt đời, nếu còn một chút liêm sỉ và tự trọng, những bài học -dưới nhiều dạng ngôn hành- xuất phát từ các hạng người mà ông và đảng ông mong muốn lấy lòng hơn cả. 1- Dốt nát về lịch sử và chính trị: Tại New York, ngày 20-06-2007, trước báo giới quốc tế, khi tìm cách biện minh cho chế độ độc tài đang áp đặt trên nhân dân Việt Nam, ông Triết nói: “Mỗi nước có hoàn cảnh, điều kiện lịch sử khác nhau. Từ đặc điểm của mình, mình sẽ chọn mô hình nào cho thích hợp.” Đồng ý! Nhưng từ cái tiền đề chung chung đó mà biện hộ cho chế độ cộng sản rằng: “Tại sao lại bắt Việt Nam phải theo một khuôn khổ cố định nào đó?” thì quả là dốt nát và cười không nổi! Chả ai hay chính phủ nào lại muốn “bắt Việt Nam phải theo một khuôn khổ cố định”. Dân chủ là một khái niệm có thể được áp dụng theo nhiều khuôn khổ khác nhau và dưới nhiều dạng thức khác nhau. Nhưng ai cũng phân biệt được chế độ dân chủ khác hẳn chế độ độc tài, chế độ đa nguyên khác hẳn chế độ độc đảng. Ông Triết còn để lộ thêm cái dốt nữa, khi nói với một nhà báo Mỹ rằng: “Tôi không bao giờ thấy một tổng thống Pháp nói với tổng thống Mỹ: Ông nên có nhiều đảng hơn, chứ không phải chỉ có hai đảng!” Dẫn chứng như thế quả là lố bịch, lý do đơn giản là tại Hoa Kỳ, ngoài hai đảng lớn nhất là Cộng Hòa và Dân Chủ, còn nhiều chính đảng khác nữa. Ông còn lý giải rằng: có nhiều cách quan niệm về nhân quyền, vì nhân quyền tùy thuộc văn hóa, lịch sử, tâm tính, hoàn cảnh xã hội của mỗi quốc gia dân tộc. Xin ông chủ tịch đọc lại lời mở đầu Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (1966) mà Việt Nam đã xin tham gia ngày 24-9-1982: “Việc thừa nhận phẩm giá bẩm sinh cùng những quyền bình đẳng và bất khả nhượng của mọi phần tử trong đại gia đình nhân loại là nền móng của tự do, công lý và hoà bình thế giới… những quyền ấy xuất phát từ phẩm giá bẩm sinh của con người”. Xin ông nhớ cho: nền tảng của nhân quyền chính là nhân tính, là bản tính con người vốn như nhau trên mọi quốc gia, đại lục, chế độ. Dĩ nhiên dù không nói ra, báo giới tại New York chỉ có thể coi chủ tịch nhà ta là kẻ dốt nát và lưỡi gỗ, lại còn dám lên mặt dạy đời. 2- Tránh né ngụy biện về nhân quyền: Chiều ngày 21-06 tại Washington, thay vì đọc diễn văn trước lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ (như danh dự dành cho mọi nguyên thủ quốc gia), chủ tịch Triết chỉ được gặp sáu nhà lập pháp liên bang trong phòng họp riêng của bà Chủ tịch Hạ viện. Tại đó, ông đã phải đối diện hàng loạt câu hỏi về vấn đề nhân quyền, mặc dù ông và phái đoàn liên tục cố gắng đổi sang nói chuyện thương mại. Tất cả các dân biểu có mặt đều đặt vấn đề với ông về vụ đàn áp các nhà tranh đấu, dành gần hết thời giờ cho đề tài nhân quyền vì đó là mối quan tâm chính của họ. Trong khi hầu hết thế giới đều đi theo hướng ngày càng dân chủ hóa, thì nhà cầm quyền CSVN chơi ngông đi ngược lại, đàn áp những nhà bất đồng chính kiến và siết chặt thông tin ra vào Việt Nam. Hết dân biểu này tới dân biểu khác đặt vấn đề về vụ xử Linh mục Nguyễn Văn Lý, nêu trường hợp nhiều thanh niên chỉ vì lên Internet hay Paltalk mà bị bắt giam, trường hợp các luật sư bị xử tù vì cổ vũ cho tự do dân chủ, trường hợp các lãnh tụ tôn giáo bị tiếp tục đàn áp hay sách nhiễu, trường hợp 18 nhà bất đồng chính kiến bị giam từ tháng Tám năm ngoái tới nay chưa được thả mà cũng không được xử. Vị chủ tịch nhà ta đã trả lời những câu hỏi của các dân biểu theo kiểu né tránh vấn đề và chà đạp sự thật, không biện minh được lý do Việt Nam đàn áp tự do tôn giáo và nhân quyền. Ông còn giải thích lếu láo trường hợp Lm Lý là: “Hành động của chính quyền Việt Nam được sự ủng hộ của Giáo Hội Công Giáo, bằng chứng là chưa có giám mục nào lên tiếng phản đối cả” !?! Thế là bị dân biểu Ed Royce đốp lại: “Không giám mục nào phản đối chẳng có nghĩa là Giáo hội đồng tình và ủng hộ. Chúng ta cũng cần nhìn việc không có giám mục phản đối trong bối cảnh những người lên tiếng nói sự thật đều có thể bị bắt giữ, bị bịt miệng. Việc thiếu sự phản đối công khai của các giám mục chẳng bào chữa được cho hành động của chính quyền Việt Nam!” Hậu quả chua cay của cuộc họp mặt này là Dự Luật Nhân Quyền Việt Nam, từng được Hạ viện thông qua hai lần với tỷ số rất cao nhưng rồi bị khựng lại ở Thượng viện, nay rất có thể sẽ chẳng còn bị chặn nữa. Bởi lẽ các nhà lập pháp đã biết nhiều hơn về tình trạng nhân quyền tại VN. Cuộc đàn áp nặng tay và quy mô bắt đầu từ tháng 8-2006 đã gây ấn tượng mạnh lên họ. Cộng đồng người Mỹ gốc Việt cũng đã đưa nhiều thông tin tới các nhà lập pháp hơn. 3- Không xứng là nguyên thủ quốc gia: Đau nhất cho chủ tịch ta là việc chính quyền Tổng thống Bush đã cắt giảm phần lễ nghi khi tiếp đón phái đoàn CSVN ngày 22-06 tại tòa Bạch ốc, do âm hưởng các vụ bắt giữ và xử tù các nhà đối kháng trước đó. Tổng thống Hoa Kỳ đã tiếp lãnh đạo Cộng sản tại phòng Bầu dục chứ không tại tư gia như bao nguyên thủ, và sau cuộc gặp gỡ đã chẳng có tuyên bố chung nào, chứng tỏ hai bên còn rất nhiều xung khắc dị biệt. Hoa Kỳ cũng đã không tổ chức bắn 21 phát đại bác chào mừng, trải thảm đỏ đón tiếp, mời duyệt hàng quân danh dự, mở đại yến thết đãi. Chủ tịch nước ta cũng đã chẳng được mời ở lại Blair House trong khuôn viên Tòa Bạch Ốc, vốn là nhà khách chính thức chính phủ Mỹ dùng đón tiếp các nguyên thủ thế giới. Một điều cũng đáng nói là vị chủ tịch oai phong, hét ra lửa trong nước, và đòan tùy tùng phải đi lối sau, lòn cửa hậu để vào tòa Bạch ốc, hầu tránh mấy ngàn bà con hải ngoại đứng “dàn chào” ông phía mặt tiền. Trước và sau đó cũng thế, như lời tường thuật của phóng viên Nguyễn Hùng đài BBC: “Để vào khách sạn ở New York, ông Nguyễn Minh Triết đã phải đi nhanh vào một con đường nhỏ được phủ kín bởi nhiều lớp vải, giống như ông đương chui ống cống để vào khách sạn. Tôi chỉ chụp được một tấm hình với cái lưng của ông thôi”. Trong tư cách “nguyên thủ quốc gia”, điều ấy quả là ô nhục. Tiếc thay, đó lại là hình ảnh của ông Triết và phái đoàn CSVN suốt mấy ngày viếng thăm nước Mỹ. Việc ông và phái đoàn đến các nơi sinh hoạt, hội họp bằng đường dành riêng cho xe đổ rác, xe vệ sinh, rồi vào những nơi đó bằng cửa hông, cửa hậu, là điều đã được dự trù. Sự lẩn lút của phái đoàn ông Triết khiến người ta không khỏi liên tưởng đến hành tung của những kẻ tội phạm. 4- Chẳng phải là đại diện của dân tộc: Trước khi chủ tịch nhà nước ta đến Hoa Kỳ, thì đồng bào hải ngoại, đặc biệt tại Mỹ, đã chuẩn bị “dàn chào” ông thật kỹ lưỡng, rầm rộ chưa từng thấy. Ngày 18-6-07, bước xuống phi trường JFK, chỉ có mấy chục người Việt & Mỹ thân cộng cầm cờ Mỹ và cờ Máu để đón ông. Rồi lẽ ra phải tới thẳng Tòa kháng cáo của HK tại Foley Square để yểm trợ cho phiên tòa phúc thẩm vụ chất Da Cam, nhưng đối diện với cuộc biểu tình của cộng đồng người Việt tại đây, ông Triết đã phải huỷ dự tính tham gia phiên toà. Sáng 22-06, tại công viên La Fayette, trước tòa Bạch ốc, đồng bào hải ngoại từ nhiều vùng nước Mỹ, với cờ vàng thay cho thảm đỏ, với tiếng hô đả đảo thế tiếng đại bác chào mừng, với 3000 con người lố nhố thay hàng quân danh dự, đã nồng nhiệt và khí thế “dàn chào” kẻ tự xưng là thay mặt nhân dân Việt Nam. May mà ông đã rất “minh triết” (sáng suốt khôn ngoan) chui lòn cửa hậu vào gặp Tổng thống Mỹ, khiến đồng bào phải chưng hửng ra về. Chiều ngày 22-06, đồng bào quận Cam đã tận tình dàn chào kẻ có gan đến thủ đô của người Việt tỵ nạn. Gần 5000 người đã rầm rộ biểu tình trước khu khách sạn nghỉ mát ven biển St. Regis Monarch Beach thuộc thành phố Dana Point, tiểu bang California. Trái với buổi sáng tại tòa Bạch ốc, chủ tịch nhà nước ta chiều nay phải đi cửa chính vì không còn con đường nào để vào khu nghỉ mát này cả. Thế là mọi cờ quạt đều bị dẹp bỏ, các ô-tô của phái đoàn để gương mờ, còn đích thân vị chủ tịch ngồi kín trong xe cảnh sát. Dĩ nhiên tiếng hô đả đảo vang trời dậy đất thì không thể không lọt tai, từ trong xe nhìn ra thì hình cờ vàng, ảnh cha Lý bị bịt miệng vẫn thấy rõ mồn một. Quả là không như lòng mong đợi của chủ tịch: “Sau khi hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ, tôi và phái đoàn đã đến Los Angeles, đến với quận Cam, lý do là vì có rất nhiều người Việt Nam sống ở quận này. Chúng tôi tới đây để bày tỏ tình cảm với bà con mình”. Chính vì thế mà con số vài chục người Việt chọn mời từ nhiều vùng nước Mỹ (theo điều tra của trang mạng Vietland) trong đó có vài kẻ nổi tiếng kiểu tai tiếng, hiện diện trong phòng khánh tiết để tham dự buổi chiêu đãi chào mừng phái đoàn CS, đã được báo chí công cụ chấy lên thành cả ngàn người. Chủ tịch nước ta cũng phải nén lòng phát biểu kiểu đãi bôi: “Tất cả người VN, dù trong hay ngoài nước, giờ cũng nên hướng về đất mẹ, về Tổ quốc VN và đóng góp sức mình xây dựng nước ta thành một quốc gia hùng cường, vững mạnh… Nếu có ai còn ngại ngần, chưa hiểu hoặc hiểu lầm, xin các bạn ở đây hãy về nói lại rằng mẹ hiền VN lúc nào cũng giang rộng vòng tay đón bất cứ người con nào muốn quay về”. Mẹ hiền VN thì thế nhưng đảng CSVN thì không. Hàng chục kiều bào về nước đầu tư bị lột sạch, hàng trăm nhà dân chủ bị cầm tù, hàng ngàn tín đồ thiểu số bị bách hại, hàng vạn thiếu nữ bị đẩy vào đường mãi dâm, hàng ức thanh niên bị bán làm nô lệ lao công cho nước ngoài, hàng triệu nông dân và thị dân bị cướp lấy đất đai nhà cửa, hơn 80 triệu người đang rên siết trong nhà tù vĩ đại mang tên CHXHCNVN, có thấy hình ảnh mẹ hiền Tổ quốc nơi đảng CS chăng? Năm ngàn đồng bào đang đứng ngoài khu nghỉ mát có xem chủ tịch nhà ta là đại diện của dân tộc chăng? Điều này thì ông Triết, nếu còn có chút liêm sỉ và tự trọng, có thể trả lời. Hay là ông và đảng ông đã quen thói chịu đấm ăn xôi ?
www.TDNgonLuan.com
hoan nghênh ý kiến đóng góp của qúy vị độc giả. Xin email về: tdngonluan@yahoo.com
hay type vào hộp Ý Kiến/Comment Box ở dưới đây và nhấn vào nút "Submit"
để gởi đi. Trân trọng:
Ý
KIẾN ĐỘC GIẢ: |