Mọi người có quyền tự do ngôn luận; quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và phổ biến mọi loại tin tức và ý kiến, không phân biệt ranh giới, bằng truyền miệng, bản viết hoặc bản in, bằng hình thức nghệ thuật, hoặc thông qua bất cứ phương tiện truyền thông đại chúng khác theo sự lựa chọn của mình (Điều 19,2 Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Liên Hiệp Quốc biểu quyết năm 1966, Việt Nam xin tham gia năm 1982). (Everyone shall have the right to freedom of expression; this right shall include freedom to seek, receive and impart information and ideas of all kinds, regardless of frontiers, either orally, in writing or in print, in the form of art, or through any other media of his choice.)

D I Ễ N   Đ À N

Thủ tướng cộng sản Việt Nam Phan Văn Khải vừa rời chính trường. Sự kiện này có vài chi tiết đáng lưu ý.
Trước hết, trong diễn văn từ nhiệm đọc trước cái gọi là “Quốc hội”, ông Phan Văn Khải huênh hoang khoe thành tích qua hai nhiệm kỳ của mình là đã “đưa đất nước đi lên về mọi mặt” !?! Đúng là có đi lên, có tăng lên thật : tăng lên số người dân lâm vào cảnh cùng khổ, tăng lên các nô lệ tình dục và nô lệ lao công bán ra nước ngoài, tăng lên số công nhân bị đàn áp bóc lột tận xương tủy trong nước, tăng lên các tệ nạn xã hội (xì ke, ma cô, đĩ điếm, băng đảng…), tăng lên các vụ cướp đất đai, nhà cửa, ruộng vườn của nhân dân do cán bộ đảng viên, tăng lên các vụ án động trời bị xử lý như gãi ghẻ hay hay cho hạ cánh an toàn, tăng lên các cuộc đàn áp khốc liệt tôn giáo, các bảng thành tích giáo dục tồi, thi cử dối, bằng cấp dỏm, tăng lên các cánh rừng bị tàn phá và các giòng sông bị ô nhiễm... Thứ đến, ông Phan Văn Khải tuyên bố “xin nhận lỗi, nhận trách nhiệm trước Nhân dân, trước Ðảng, và Quốc hội” vì qua hai nhiệm kỳ thủ tướng của ông, những vụ tham nhũng, đục khoét công quỹ ngày càng “diễn biến xấu hơn”, nghĩa là ngày càng trầm trọng và bất trị... Nhưng phải chăng ông nói tiếp là mình sẽ bằng lòng chịu mọi xử lý của pháp luật và kết án của nhân dân (“tội gia quy trưởng!”), hứa đền bù thích đáng, kèm theo vài chỉ vẽ cho người kế nhiệm biết cách tránh các sai lầm nghiêm trọng của mình? Thưa hoàn toàn không! Ông ung dung hạ cánh an toàn. Đúng là lối nhận lỗi hết sức vô trách nhiệm kiểu cộng sản, y như cách đây 60 năm, sau khi thực hiện cuộc Cải cách ruộng đất giết oan cả nửa triệu người, ông Hồ Chí Minh cũng chỉ tuyên bố sửa sai, nhờ Võ Nguyên Giáp và Trường Chinh nói lời xin lỗi, thế là xí xóa tất cả ! Thứ ba, vài ngày trước đó, tức hôm 6-6-2006, ông Phan Văn Khải đã tung một cú đấm cuối cùng vào mặt nhân dân –kiểu đấm rồi bỏ chạy– đó là đã ký Nghị định số 56/2006/NĐ-CP về “xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa, thông tin” có hiệu lực kể từ ngày 1-7-2006, cho phép trừng phạt hành chính trong các lĩnh vực văn hóa–thông tin chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, với số tiền phạt lên tới ba mươi triệu đồng (tương đương 2000 Mỹ kim hay 7 lần rưỡi lương năm tối thiểu của một người thợ) đối với những ai cung cấp thông tin có “nội dung độc hại” trên các phương tiện truyền thông đại chúng và qua các cuộc biểu diễn.

Đây đúng là một sợi dây thòng lọng treo cổ quyền tự do thông tin ngôn luận của người dân vốn từ lâu đã ngắc ngoải. Như mọi văn bản pháp qui của cái gọi là “nền pháp chế xã hội chủ nghĩa”, nghị định thòng lọng này, vốn sao chép lại những gì mà CSVN đã làm từ trước đến nay về việc khóa miệng người dân không được nói lên những gì muốn nói, có những đặc tính như sau :

- Bừa bãi, bất chấp : vì được viết như một truyền đơn đột xuất tùy hứng, một biện pháp xử lý chắp vá (nhưng mong thanh toán nhanh gọn) trước một biến cố gây kinh hoàng cho đảng và chế độ là cao trào dân lên tiếng về các oan ức, tệ nạn, các xuyên tạc lịch sử và sự mất nhân quyền, Nghị định đã ngang nhiên chà đạp lên Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc năm 1948, điều 19 ; Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị 1966 (Việt Nam tham gia năm 1982), điều 5 và 19 ; thậm chí chà đạp lên cả Hiến pháp Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 1992, điều 69 ; lên cái gọi là “Sách Trắng về Nhân quyền–Thành tựu bảo vệ và phát triển quyền con người ở Việt Nam” năm 2005, chương II mục I.2. Cái lô-gích giữa lời nói với việc làm (nhằm đàn áp Dân chúng) không hề có trong tâm não của cộng sản !

- Độc đoán, tùy tiện : vì tự cho mình là thượng đế, nhân dân là lũ bầy tôi, cho ý muốn mình là tối thượng, bọn thảo dân đương nhiên phải chấp hành, nên ngay sau khi cướp được chính quyền, đảng cộng sản đã đẻ ra ngay và duy trì mãi cơ chế “xin-cho”. Biểu hiệu rõ ràng của não trạng này là nhan nhản cụm từ “theo quy định” “phải xin phép” trong mọi bản văn pháp luật xã hội chủ nghĩa và sự hiện hữu của ngàn ngàn, vạn vạn đơn xin, giấy phép mà việc cấp ban là tùy ý thích của những ông trời con ở trung ương lẫn địa phương và tùy sự trả giá bằng bạc (tiền của) hay bằng vàng (im lặng) của đám thần dân xin xỏ. Cái đuôi “theo quy định của pháp luật” luôn thòng vào cuối mọi khẳng định về những quyền mà người dân tưởng được đảng ban cho. Vì thế, chẳng lạ gì trong Nghị định 56, người ta đọc thấy cụm từ “phái có giấy phép” 9 lần, “mà không có giấy phép” 44 lần, “theo quy định” 61 lần. Rốt cuộc là mọi lời nói hành động, mọi thông tin ngôn luận, mọi tác phẩm văn học nghệ thuật đều phải nằm dưới sự cho phép của đảng (đúng hơn của một nhúm đảng viên cao cấp nhất), phải tôn vinh đảng hay ít nhất không được đụng tới đảng. Đảng phải ngự trị trong tinh thần người dân, trong văn hóa dân tộc. Mọi tác giả đều phải trở thành bồi bút của đảng. Mọi người dân phải giữ châm ngôn sống: “Nghe theo đảng, nói theo đài !”

- Mông lung, mơ hồ : Đọc Nghị định, không ai không nhận ra ngay các ý niệm rất mơ hồ, chủ quan, dễ giải thích theo hướng độc đoán tuỳ tiện quen thuộc của Nhà cầm quyền cộng sản từ trước đến nay, như “thông tin nội dung độc hại, xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, xúc phạm dân tộc, vĩ nhân, anh hùng dân tộc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, truyền bá tư tưởng phản động” tại các điều 6, điều 7.3.a-b, điều 7.4, điều 10.5.a, điều 15.4, điều 17.1.a, điều 17.2, điều 17.3, điều 17.4, điều 19.3.a, điều 21.3.b-c-d. Chơi trò hai nghĩa và viết thật mơ hồ, nghĩa là đưa ra ý niệm rồi chẳng xác định nội dung ý niệm (hay xác định theo quan điểm cộng sản độc đoán) như vừa thấy chính là đặc điểm của “pháp chế xã hội chủ nghĩa”. Dây thòng lọng luôn tròng sẵn vào cổ người dân, ngoan ngoãn chấp hành hay “biết điều” thì buông lỏng, cứng đầu phản kháng thì thắt lại, thế thôi! Thật là tiện lợi để trung ương dễ lừa gạt quốc tế và địa phương dễ toàn quyền xử lý, kết án tùy tiện.

Sở dĩ Nghị định 56 đã được thông qua là vì những năm gần đây, quần chúng nhân dân, lực lượng báo chí, giới trí thức học giả, các lãnh đạo tinh thần, các đảng viên phản tỉnh… đã lên tiếng đòi hỏi sự thật về hai hiệp định lãnh thổ và lãnh hải được CSVN lén lút ký kết với Trung quốc; về thân thế và “sự nghiệp” của Hồ Chí Minh được đảng huyền thoại hóa và thần tượng hóa đến độ ai cũng thấy trơ trẽn và phải nghi ngờ ; về cái gọi là “công lao giải phóng dân tộc” của đảng CSVN (giải phóng gì mà chỉ dẫn đến nô lệ, khốn đốn, tụt hậu, suy đồi!?) ; về các vụ tai tiếng tham nhũng động trời, dính dáng tới nhiều cán bộ, viên chức cao cấp trong Đảng và Nhà nước, bị báo chí khui ra và mổ xẻ đến độ ông Phan Văn Khải phải đòi trừng trị ; về các chính sách, các kế hoạch, các thỏa ước với quốc tế mà người dân không được quyền biết rõ… Đặc biệt hơn nữa, người dân nay đã biết dùng các phương tiện truyền thông hiện đại như internet để tìm tìm kiếm, tiếp nhận và phổ biến mọi loại tin tức và ý kiến, để bày tỏ quan điểm của mình. Một số nhà tranh đấu còn mạnh dạn in ấn báo chí để khẳng định quyền tự do ngôn luận của nhân dân, bất cần sự cho phép của nhà cầm quyền.

Tất cả đã gây nên sự hoảng hốt cho đảng cộng sản, cụ thể cho những người soạn thảo nghị định. Họ đã không đặt mình vào hoàn cảnh biến chuyển tình hình chính trị của đất nước và thế giới năm 2006 mà cứ nghĩ như đang sống thời Staline, Mao Trạch Đông, với não trạng của những tên bạo chúa độc tài sừng sỏ này. Họ muốn thắt một dây thòng lọng để vĩnh viễn treo cổ quyền tự do ngôn luận của dân Việt, của con người. Thật ra, chính các lãnh tụ cộng sản đó đã và đang bị lịch sử treo cổ bằng những thòng lọng chính trị mà họ đã làm ra. Đối với thủ tướng Phạm Văn Đồng, thòng lọng chính trị đó là Văn thư nhượng đảo và nhượng biển cho Trung Quốc ký ngày 14-9-1958. Đối với thủ tướng Võ Văn Kiệt là Nghị định 31-CP (giam cầm không xét xử). Đối với thủ tướng Phan Văn Khải là Nghị định 38/2005 (đàn áp quyền tự do hội họp) và Nghị định 56/2006 đang nói hôm nay.

• Đề Nghị: Để đọc (và in) nhanh từng bài cho mỗi số báo, nên vào trang mạng đầu tiên (http://tudongonluan.atspace.com). Để đọc và in ra hay "download" ở dạng gốc báo giấy TDNL để phân phát, lưu trử, làm tài liệu nên vào trang mạng này (http://www.tdngonluan.com) nhưng sẽ chậm hơn, nếu không dùng đường dây cao tốc Internet DSL

www.TDNgonLuan.com hoan nghênh ý kiến đóng góp của qúy vị độc giả. Xin email về: tdngonluan@yahoo.com hay type vào hộp Ý Kiến/Comment Box ở dưới đây và nhấn vào nút "Submit" để gởi đi. Trân trọng:

TÊN, HỌ / NAME:  
 E M A I L:  

Ý KIẾN /  COMMENT:  

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ:
- John Nguyen (Sunday, December 17, 2006 at 23:45:32)
Xin ung ho qui vi rat dung cam da giam dung len noi thay cho 80 trieu dan o trong nuoc va hon hai trieu dan ty nan cong san hai ngoai pha vo huyen thoai quoc tac ho chi minh. Kinh xin qui vi manh dan them len dong bao hai ngoai rat cam on qui dung cam lam thay cho chung toi, xin da ta.

Trở về trang chính

Chân    thành    cảm    tạ    qúy    vị    ghé    thăm    trang    nhà    website    Tự    Do    Thông    Tin    Ngôn    Luận    cho    toàn    dân    Việt Nam

Copyright © 2006 www.tdngonluan.com / Email: tdngonluan@yahoo.com  -  All rights reserved.