“Mọi
người có quyền tự do ngôn luận; quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp
nhận và phổ biến mọi loại tin tức và ý kiến, không phân biệt ranh giới,
bằng truyền miệng, bản viết hoặc bản in, bằng hình thức nghệ thuật,
hoặc thông qua bất cứ phương tiện truyền thông đại chúng khác theo sự
lựa chọn của mình”
(Điều
19,2 Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Liên Hiệp Quốc
biểu quyết năm 1966, Việt Nam xin tham gia năm 1982).
(Everyone
shall have the right to freedom of expression; this right shall include
freedom to seek, receive and impart information and ideas of all kinds,
regardless of frontiers, either orally, in writing or in print, in the
form of art, or through any other media of his choice.)
|
D I Ễ N Đ À N Một
nền pháp luật lưu manh
!!! 1- Một trong những nét độc đáo của nền pháp luật nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (hay nói rộng ra, của mọi nền pháp chế cộng sản năm châu) là cụm từ “theo quy định của pháp luật” vốn hiện diện trong mọi văn bản pháp lý, kể từ văn bản cao nhất là Hiến pháp quốc gia trở xuống những thông tư quy định của địa phương hay ban ngành, hiện diện như một cái đuôi nằm ở cuối mọi khẳng định rất nổ vang, rất ngon lành về các quyền mà công dân Việt Nam được hưởng, những quyền mà theo lời đương kim thủ tướng CS Nguyễn Tấn Dũng, rất nhiều công dân nước khác có lúc phải thèm thuồng mong đợi!?! Xin đơn cử vài ví dụ. Trong Hiến pháp 1992, cụm từ “theo quy định của pháp luật” này hiện diện ở các điều 18, 22, 54, 57, 63, 68, 69, 73, 80, 116, 127, 129 (12 lần). Trong Pháp lệnh Tín ngưỡng Tôn giáo ngày 18-06-2004, nó hiện diện ở các điều 5, 9, 13,16, 27, 28, 29, 30, 31, 32, 33 (2), 36, 37 (14 lần). Trong Nghị định 56 về hoạt động văn hóa thông tin ra ngày 06-06-2006, nó lại có mặt ở các điều 1, 5, 16, 22, 23, 28, 36, 70, 71, 74 (2), 75 (l2 lần). Phân tích chi tiết thì trong Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo (với 41 điều), lại có thêm 18 từ “đăng ký” và 21 từ “chấp thuận”, “công nhận”, “cho phép” hay “được phép”. “Đăng ký” ở đây không có nghĩa là báo cho chính quyền biết rồi cứ tự động làm, mà phải chờ đợi chính quyền chấp thuận đã, thành ra nó đồng nghĩa với “xin phép”. Vì thế, thứ “tự do tôn giáo” được hiểu trong Pháp lệnh 2004 là thứ “tự do nhưng phải xin phép”, “tự do nhưng phải đăng ký”! Còn trong Nghị định 56 (với 77 điều), người ta lại gặp thêm cụm từ “phái có giấy phép” 9 lần, “mà không có giấy phép” 44 lần, “theo quy định” (nói trống không hoặc của cái gì đó) 49 lần. Nghĩa là muốn hoạt động văn hóa thông tin trong chế độ, phải đi qua một rừng luật. Nói tóm là có vô vàn giây xích trói quanh chữ “tự do”, khiến “tự do” trở thành bánh vẽ, có vô số chướng ngại trên con đường dẫn đến “quyền lợi”, khiến quyền lợi ấy tốt hơn đừng đòi, nếu không muốn chuốc lấy vô vàn khổ ải cho bản thân. 2- Đó là điều mới được chứng nghiệm lần nữa bởi ba công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bỗng dưng “nổi khùng” đưa sáng kiến “xin được biểu tình”. Trong “Đơn xin phép biểu tình theo quy định của Pháp luật” viết ngày 17-06-2008 gởi tới Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, các công dân Nguyễn Xuân Nghĩa, Phạm Thanh Nghiên, Vũ Cao Quận đã nói: “Chiếu theo quy định dưới luật trong Nghị định 38/CP [“Trước khi tổ chức biểu tình phải xin phép cơ quan chức năng”], chúng tôi làm đơn này xin tổ chức một buổi biểu tình. 1- Mục đích, ý nghĩa: Yêu cầu Chính phủ có biện pháp kiềm chế lạm phát. (Các băng rôn có những câu mang nội dung trên). 2- Thời gian: trong khoảng 13g30 đến 15g vào ngày 16-07-2008. 3- Địa điểm: Tập trung để xuất hành trước cửa Bưu điện Bờ hồ, sau đó đi vòng quanh bờ hồ Hoàn Kiếm. 4- Thành phần tham gia: Tất cả người làm công ăn lương, trong đó có cán bộ công nhân viên chức nhà nước, lực lượng vũ trang v.v… (và bất cứ cá nhân, tập thể nào có nhu cầu). 5- Số lượng người tham gia: Lúc cuộc biểu tình hình thành và xuất phát sẽ có khoảng 200 người. Sau này số người tham gia không tính được trước; vì lạm phát ảnh hưởng đến đời sống hàng triệu người dân. 6- Cuộc biểu tình này diễn ra trên tinh thần ôn hoà, chúng tôi không cho phép người tham gia biểu tình đập phá các cửa hàng, nhà băng... cũng không để xảy ra mất trật tự, an toàn xã hội và giao thông công cộng. 7- Chúng tôi đề nghị cơ quan công quyền cắt cử lực lượng cảnh sát giám sát và bảo vệ cuộc biểu tình”. Gần 10 hôm sau, ngày 26-06, họ được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội thông báo không cho phép tiến hành hoạt động tập trung đông người (biểu tình) ở nơi công cộng theo đơn xin. Lý do: vi phạm Khoản 2, Khoản 6, Điều 5 Nghị định 38/2005/NĐ-CP ngày 18-3-2005 của Chính phủ quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng; và vi phạm mục 7.1, mục 7.4, Điểm 7 Thông tư số 09/2005/TT-BCA ngày 05-9-2005 của Bộ Công an hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 38 này. Đồng thời UB còn sốt sắng tặng cho họ hai văn bản dài ngoằng nói trên (Nghị định 15 điều, Thông tư 11 điểm, tổng cộng 9226 chữ) cũng như một lời hăm dọa đầy khí thế: “Mọi hành vi cố tình tiến hành các hoạt động tập trung đông người trái phép (biểu tình) hoặc vi phạm các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự công cộng đều bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật”. Chẳng phải tay vừa, ba nhà dân chủ nói trên, trong một thư ngỏ gởi toàn thế giới, đã vạch trần bộ mặt nền pháp luật của CSVN như sau: “Điều 69 Hiến pháp nước CHXHCNVN thực chất về đối ngoại là lừa bịp thế giới, rằng công dân VN có quyền biểu tình, nhưng đối nội là tước bỏ quyền đó của người dân qua mệnh đề gắn liền phía sau: “theo quy định của pháp luật”. Bắt đầu từ mệnh đề này, một hệ thống văn bản lưu manh dưới luật được ban hành nhằm phủ định hoàn toàn điều 69. “Theo quy định của pháp luật” là gì? Là biểu tình phải xin phép theo Nghị định 38. Nhưng sau khi đã làm đơn xin phép, nạn nhân gặp tiếp các hung thủ cấp dưới là các Khoản 2, Khoản 6, Điều 5 Nghị định này và Thông tư số 09 của Bộ công an (mục 7.1, mục 7.4, điểm 7)”. Họ tố cáo tiếp: “Qua thông báo số 143 của UBND thành phố Hà Nội, viện dẫn những điều trong Nghị định 38 và Thông tư 09 của hai cơ quan nhà nước, một hành chính, một vũ trang không có chức năng làm luật, để bác đơn xin phép biểu tình của chúng tôi, chính quyền độc tài đảng trị Việt Nam đã xóa sạch hoàn toàn điều 69 Hiến pháp”. “Trong lịch sử đấu tranh giành chính quyền bằng vũ lực, đảng cộng sản Việt Nam từng tổ chức những cuộc biểu tình. Họ cũng từng tổ chức (mà không phải xin phép ai) những cuộc biểu tình họ muốn, như biểu tình phản đối Chính phủ Mỹ đưa quân đội vào Iraq để loại trừ chính quyền độc tài Saddam Hussein. Bây giờ, các cuộc biểu tình của học sinh, sinh viên và nhân dân Việt Nam, dù chỉ là chống chủ nghĩa bá quyền Trung Cộng, bị họ đối xử ra sao, chúng ta đều biết. Nguyên do là những kẻ cầm đầu bộ máy chuyên chế Hà Nội rất sợ các cuộc biểu tình”. “Đa số các cuộc cuộc cách mạng, dù ôn hòa đến bao nhiêu nhằm dân chủ hóa sinh hoạt chính trị trong thời đại hiện nay, đều kết thúc bằng các cuộc biểu tình của quần chúng nhân dân. Hiểu rõ điều này nên chính quyền độc tài Hà Nội đã dùng mọi mánh khóe đê tiện, tiểu nhân kể trên để triệt tiêu quyền biểu tình của công dân, một thứ quyền mà hầu hết cộng đồng nhân loại đã có từ hai, ba trăm năm nay, dù quyền đó họ thừa nhận qua chữ ký của chính họ vào các văn bản về quyền con người của Liên Hiệp Quốc”. Mánh khóe đê tiện, tiểu nhân ấy không những là sự thẳng thừng cấm đoán bằng văn bản như nói trên mà còn hăm dọa bằng hành động khủng bố nữa. Ngày 4-7-2008, cô Phạm Thanh Nghiên (một trong ba người đứng tên đơn xin biểu tình) đã bị hành hung trên đường Nguyễn Văn Linh (gần chân cầu vượt Lạch Tray, Hải Phòng) bởi 4 thanh niên đi trên hai xe gắn máy. Trong lúc đánh đập cô, bọn công an giả dạng đầu gấu này nói rõ: “Đây chỉ là đòn đầu! Mày không bỏ chuyện chống đảng, chúng tao còn trừng trị nặng hơn”. Bắt đầu từ sáng ngày 5-7, tư gia của cô bị bao vây bằng lệnh miệng của công an: “Cấm ra khỏi nhà đến ngày 16 tháng 7”. Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa thì bị sách nhiễu. Chiều ngày 5-7, công an PA 25 Hải Phòng, công an chính trị quận Kiến An đã dùng vũ lực để cưỡng bức ông lên đồn. Tại đây ông được nghe lệnh miệng từ họ, nội dung nghiêm cấm ra khỏi nhà từ ngày 6 đến ngày 16 tháng 7; nếu đi ra sẽ bị công an dùng vũ lực cưỡng bức trở lại. Khi nhà văn yêu cầu được nhìn thấy luật đó trên văn bản, tên gì, ai ký… thì họ trả lời: “Luật này không có tên, không ai ký, không văn bản, nhưng rất thích hợp để bảo vệ an ninh quốc gia, ai cũng phải tuân hành” !!! Nhà văn lại nói: “Trong luật hình sự nước CHXHCNVN có một điều khoản là công dân có quyền ngăn cản hành vi vi phạm pháp luật, và tôi thực hiện cái quyền ấy, tức là cá nhân tôi sẽ ngăn cản những hành vi của kẻ vi phạm pháp luật”, họ liền lên giọng: “Công an vi phạm pháp luật thì được chứ công dân như anh thì không thể. Và rằng đây là lệnh của chúng tôi: anh không được thực hiện hành vi ngăn cản việc vi phạm pháp luật của công an, rõ chưa?” Hôm sau, ngày 6 tháng 7, nhà văn đã thử xem lệnh miệng từ công an có hiệu lực hay không bằng việc mời hai người bạn ra một quán nước chỉ cách nhà 30m, lập tức có 2 công an thuộc phòng Pa 25 (quản lý văn nghệ sỹ) và 2 công an chính trị quận Kiến An ngăn giữ bằng những hành vi thô bạo. 3- Qua lý thuyết lẫn thực tế tại Việt Nam hiện thời, qua văn bản của nhà cầm quyền lẫn cách ứng xử của toàn thể nhân sự bộ máy cai trị, qua nền lập pháp, tư pháp lẫn hành pháp cấu kết nhau dưới tay đảng của chế độ CSVN, với những thí dụ như vừa thấy trên kia và vô vàn vô số sự kiện khác, chúng ta đều nhận thấy một điều: nền pháp luật cộng sản có hai mục tiêu trước mắt: đối ngoại là lừa gạt quốc tế, cho thiên hạ thấy nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam cũng có pháp luật nghiêm minh, chính đáng, cũng tôn trọng nhân quyền, bảo vệ dân chủ như ai (CSVN chẳng thò tay ký Hiến chương Liên Hiệp Quốc và Công ước Quốc tế nhân quyền đó sao?); đối nội là đàn áp nhân dân bằng cả một rừng luật mang tính luật rừng, dùng các văn bản dưới Hiến pháp để triệt tiêu Hiến pháp, dùng quốc hội để làm những bộ luật chủ yếu có lợi cho đảng, dùng tòa án để biện minh cho các cách hành xử phi pháp của đảng và đảng viên, dùng bộ máy chính quyền, công an, quân đội để khép nhân dân vào vòng kiềm tỏa. Mục tiêu tối hậu của nền pháp luật ấy chính là bảo vệ vĩnh viễn ngai vàng của đảng và của các đảng viên cao cấp, bất chấp sự an nguy của nhân dân, sự tiến thoái của xã hội và sự tồn vong của đất nước. Thử hỏi một nền pháp luật như thế -cùng với bộ máy đẻ ra và duy trì nó- có đáng được gọi là lưu manh chăng và có đáng bị dẹp bỏ chăng? Ban Biên Tập (số 55, ngày 15-07-2008) |