“Mọi
người có quyền tự do ngôn luận; quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp
nhận và phổ biến mọi loại tin tức và ý kiến, không phân biệt ranh giới,
bằng truyền miệng, bản viết hoặc bản in, bằng hình thức nghệ thuật,
hoặc thông qua bất cứ phương tiện truyền thông đại chúng khác theo sự
lựa chọn của mình”
(Điều
19,2 Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Liên Hiệp Quốc
biểu quyết năm 1966, Việt Nam xin tham gia năm 1982).
(Everyone
shall have the right to freedom of expression; this right shall include
freedom to seek, receive and impart information and ideas of all kinds,
regardless of frontiers, either orally, in writing or in print, in the
form of art, or through any other media of his choice.)
|
D
I Ễ N Đ À N Trong bất cứ quốc gia nào, theo nguyên tắc, luật pháp được đặt ra từ sự thỏa thuận chung và nhắm điều hòa mối quan hệ giữa các cá nhân với nhau, quan hệ giữa nhân dân với nhà nước, sao cho xã hội an bình trật tự và phát triển; ngoài ra còn để bảo vệ hữu hiệu các quyền tự do chính đáng của công dân và kiểm soát chặt chẽ quyền lực của nhà nước, không để xảy ra tình trạng độc tài hay vô chính phủ. Trong các quốc gia cộng sản, sự việc diễn tiến ngược lại: luật pháp chủ yếu bảo vệ, gia tăng quyền lực nhà nước và kiểm soát chặt chẽ -có khi triệt tiêu hẳn- các quyền tự do chính đáng của công dân, đưa đến tình trạng độc tài đảng trị. Wikipedia tiếng Việt, do Hà Nội biên soạn, đã xác nhận điều này: “Luật pháp dưới góc độ luật học được hiểu như là tổng thể các quy tắc xử sự có tính bắt buộc chung, do Nhà nước đặt ra hoặc thừa nhận, thể hiện ý chí của giai cấp cầm quyền” Nhưng chính quan niệm này (khởi nguồn từ Lênin) làm cho các xã hội cộng sản ngày càng trở nên vô pháp luật, hỗn loạn. Điều ấy đã được nhìn thấy trong những năm tháng cuối cùng của Liên Xô lẫn các quốc gia Đông Âu cộng sản và đang được nhìn thấy tại Cuba, Trung Quốc lẫn Việt Nam. Tình trạng vô pháp luật này biểu hiệu qua việc nhà cầm quyền ngày càng sử dụng bạo lực hành chánh, sử dụng bạo lực vũ khí và bỏ mặc trách nhiệm quản lý xã hội. Sau đây là những ví dụ thời sự và điển hình.
1-Sử dụng bạo lực hành chánh Từ năm 2010 đến nay, cứ mỗi dịp hè, nhiều thiện nguyện viên Hoa Kỳ lại tình nguyện về bồi dưỡng tiếng Anh cho giới trẻ lương giáo tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, trong khoá học được giáo xứ Công giáo Cầu Rầm tổ chức. Từ 500 lên 700 học viên, nay con số đã tới 1000 nhờ khóa học diễn ra an toàn, tốt đẹp và đạt nhiều kết quả. Đây là sự hỗ trợ rất tốt cho chính sách giáo dục của nhà nước. Thế nhưng, nhà cầm quyền tỉnh lần này chơi trò ngăn cản. Đầu tiên là trục xuất trưởng đoàn thiện nguyện viên ra khỏi VN khi cô vừa đặt chân xuống sân bay ngày 24-06 mà chẳng nêu lí do. Sau đó công an liên tục đến hạch sách đủ điều với Linh mục quản xứ, Hội đồng mục vụ Giáo xứ và đặc biệt là gây khó dễ cho các thiện nguyện viên. Chiều ngày 05-07, phòng quản lý xuất nhập cảnh của tỉnh buộc các thiện nguyện viên dừng khóa học với lý do các thiện nguyện viên mang Visa du lịch không được phép dạy học. Kiểu dùng bạo lực hành chánh cách vô lý này là để trả thù việc Giáo phận Vinh đồng loạt phản đối vụ đàn áp tại Giáo điểm Con Cuông hôm 01-07 mới rồi. Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc ngày 5-7 vừa đưa ra một nghị quyết mà hầu hết các nước thành viên ca ngợi là một dấu mốc lịch sử. Đó là tuyên bố Tự do Internet là một phần của quyền tự do ngôn luận và tự do bày tỏ quan điểm, do đó Tự do Internet là một trong các nhân quyền căn bản. Có lẽ đoán trước điều này, nên hồi tháng Tư vừa qua, bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa ra dự thảo mới về việc quản lý dịch vụ Internet và nội dung thông tin mạng. Đặc biệt, chương I quy định một số điều bị cấm khi sử dụng Internet, trong đó có việc cấm lợi dụng Internet chống lại Nhà nước, gây mất trật tự xã hội, phá rối khối đại đoàn kết dân tộc, gây mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo… Theo ông Phil Robertson, thuộc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, đây là những quy định “cực kỳ rộng” và “mơ hồ”, “không phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế”. Cộng sản chẳng cần biết. Dùng bạo lực hành chánh để bịt miệng dân được là dùng đã!
2- Sử dụng bạo lực vũ khí Tối thứ Sáu ngày 13-07, hơn 40 bạn bè của các blogger Trịnh Kim Tiến, Trăng Đêm, Bùi Minh Hằng đã đến tham dự sinh nhật của 3 người tại quán Hương Đồng 4 quận Bình Thạnh, Sài Gòn. Khoảng 20 an ninh côn đồ thường phục "quen mặt" đã kéo đến bày binh bố trận khắp các bàn chung quanh, rình rập và lén lút chụp hình. Sau đó chúng đã bám theo ra tới đường Đinh Tiên Hoàng, kiếm chuyện gây sự, đập nát kiếng xe bên hông phải, làm cho một số người trong xe bị thương. Khi các blogger dừng xe, tấp vào lề để hỏi dân đồn công an gần nhất ở đâu thì đám côn đồ đã đập nát tiếp cửa kính xe phía sau. Người đi đường bu lại xem nhưng trước sự hung dữ của 8 an ninh côn đồ này, không ai dám can thiệp. Một tên côn đồ còn nói: "Tao là công an nè. Tụi mày ngon gọi công an đi!" Ngày 12-07, nhiều công dân thuộc xã Xuân Quan huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên đã gửi đơn tới Bộ trưởng Công an để tố cáo việc khẩn cấp xảy ra tại địa bàn thôn 1. Đó là vào hồi 16g45’ cùng ngày, trong lúc xóm thôn đang yên bình thì bỗng dưng có một tốp toàn độ tuổi thanh niên tay gậy gộc, tay vỏ chai hùng hổ tràn vào thôn xóm hành hung nhân dân rất tàn độc. Bọn chúng thẳng tay đả thương rất nặng ba ông Lê Thạch Bàn, Đàm Văn Đồng, Đàm Văn Nghiệp đến độ phải đưa đi bệnh viện. Người ta biết bọn này đã được Công ty Việt Hưng, chủ dự án Ecopark thuê mướn và được sự bao che của nhà cầm quyền tỉnh. Nay thì có tin Công an huyện Văn Giang cho biết vụ án hành hung dân này đã được khởi tố và đang tiến hành điều tra làm rõ. Nhưng người ta e rằng như trong vụ côn đồ triệt hạ nhà anh Đoàn Văn Vươn tại Tiên Lãng, hành hung hai nhà báo của đài Tiếng nói VN tại Văn Giang mấy tháng trước, rốt cuộc sự việc sẽ bị cho “chìm xuồng”. Bởi lẽ bỏ mặc trách nhiệm quản lý xã hội là điều đã được chứng kiến từ bao năm nay nơi người CS.
3- Bỏ mặc trách nhiệm quản lý Rồi lại
đến chuyện “Người Trung Quốc lập bè nuôi thuỷ sản ở Cam Ranh”. Ở vịnh
này, cách quân cảng không xa, có hàng chục bè nuôi cá của người TQ,
mỗi bè rộng khoảng 100 m2. Cư dân địa phương cho biết những bè nuôi
cá này đã có từ năm 2001. Các ngoại nhân này chủ yếu mua cá ở các
tỉnh Phú Yên, Bình Thuận, Kiên Giang… về vỗ béo, sau đó chờ tàu từ
Trung Quốc qua chở về. Cứ khoảng một tháng có một tàu loại lớn của
TQ qua lấy hàng. Việc nuôi và xuất khẩu hải sản như thế đều không
đặt dưới sự quản lý nào của chính quyền địa phương, và tất nhiên họ
chẳng phải trả đồng thuế nào cả! Mãi đến chiều 1-6 phó bí thư Thành
uỷ Cam Ranh mới thú nhận: “Việc người TQ nuôi hải sản trong vịnh Cam
Ranh đã xuất hiện mấy năm nay rồi nhưng đúng là anh em quản lý ở các
địa phương lơ quá, theo dõi không kỹ. Anh em cứ tưởng họ tới mua hải
sản rồi đi chứ không nắm chắc họ trụ lại đó để làm ăn là dở quá. Mấy
năm nay họ mượn danh nghĩa người Việt Nam để nuôi cá mà không đóng
đồng thuế nào cả” (Tuổi Trẻ, 2-6-2012). Kết: Những sự việc trên đây cho thấy đất nước ngày càng rơi vào vòng vô luật pháp, vô chính phủ, xã hội ngày càng hỗn loạn, dân tình ngày càng sống trong lo âu. Nhiều tiếng nói thiện chí đã cất lên, nhưng bị bỏ xó hoặc bị đè bẹp, vì họ không có lực lượng. Nhân dân đang tha thiết trông chờ tiếng nói của những người nắm luật của lương tâm, luật của tôn giáo, tức các lãnh đạo tinh thần trong các Giáo hội vốn là những thế lực đáng nể. Các vị có ưu tư về đất nước và xã hội chăng? Hay chỉ quanh quẩn với những chuyện xây dựng cơ sở, tổ chức lễ hội, xuất ngoại kiếm tiền? Ban Biên Tập (số 151, ngày 15-07-2012)-Nhấn vào Link này để "download" (save as) Bán nguyệt san TDNL ở dạng (format): .pdf, sẽ chậm (xin kiên nhẫn!), nếu bạn không sử dụng đường dây cao tốc Internet DSL, nhưng toàn bộ mỗi số báo 32 trang sẽ giữ dạng nguyên thủy, như là 1 file duy nhất: http://www.tdngonluan.com/pdf/TuDoNgonLuan_So151_15July2012.pdf .................................................................................................... |