Mọi người có quyền tự do ngôn luận; quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và phổ biến mọi loại tin tức và ý kiến, không phân biệt ranh giới, bằng truyền miệng, bản viết hoặc bản in, bằng hình thức nghệ thuật, hoặc thông qua bất cứ phương tiện truyền thông đại chúng khác theo sự lựa chọn của mình (Điều 19,2 Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Liên Hiệp Quốc biểu quyết năm 1966, Việt Nam xin tham gia năm 1982). (Everyone shall have the right to freedom of expression; this right shall include freedom to seek, receive and impart information and ideas of all kinds, regardless of frontiers, either orally, in writing or in print, in the form of art, or through any other media of his choice.)

D I Ễ N   Đ À N

Một Chế Độ Vô Trách Nhiệm
Ngô Nhân Dụng (16.06.2006)

Ông thủ tướng nước nào tự nhận là mình không có quyền quyết định về nhân viên chính phủ? Nếu bạn đoán đó là ông Nouri al-Maliki, thì cũng gần đúng. Ông Nouri al-Maliki là thủ tướng xứ Iraq. Ông được mời đến Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ chơi vì nơi đó có máy móc để nói chuyện điện thoại truyền hình với ông tổng thống nước Mỹ. Nhưng khi ông Maliki bước vào bên trong hàng rào tòa đại sứ, người ta mới báo cho biết ông sắp được gặp một vị quốc khách. Ðó chính là ông George W. Bush, tổng thống nước Hoa Kỳ, đến thăm nước Iraq để nhìn vào mắt ông Maliki một cái.

Thật là một bất ngờ thú vị. Nhưng trò chơi bất ngờ này cũng chứng tỏ hai điều. Thứ nhất là ông thủ tướng nước chủ nhà chưa hề gửi giấy mời mời mà vị quốc khách vẫn cứ tới. Thứ hai, vị quốc khách đến hồi nào mà chủ nhà không biết! Ông Bush đặt chân lên đất Iraq rồi, ông Maliki không biết. Bay từ phi trường vào trong thành phố, cũng chưa biết. Ông Nouri al-Maliki sẽ phải tự hỏi: Ðây là nước Iraq hay là nước Mỹ?

Nhưng ông Maliki mới lên làm thủ tướng mới có một tháng, riêng việc ông gặp khó khăn khi chọn người vào làm hai chức bộ trưởng Bộ Quốc Phòng và Bộ An Ninh, mất cả tháng trời, cũng cho thấy là chính ông và các phe đảng trong nước ông chọn người vào các chức vụ đó, chứ không phải Mỹ chọn. Nếu hiến pháp nước Iraq đem trao việc bổ nhiệm nhân viên chính phủ cho Tòa Ðại Sứ Mỹ thì chắc chính phủ Iraq đã thành hình sớm hơn nhiều. Tóm lại, ông Maliki vẫn có quyền chọn nhân viên trong chính phủ ông, ông chỉ thiếu quyền mời ông George W. Bush đến thăm nước ông thôi.

Bây giờ hãy coi ông Phan Văn Khải, thủ tướng ở Việt Nam. Ông Phan Văn Khải có nhiều quyền hành hơn ông Maliki hay không ? Hãy coi hành trạng của ông xem sao.

Trước khi báo tin cho các đại biểu quốc hội biết rằng ông sắp thôi làm thủ tướng vì điều đó đã được trung ương Ðảng chấp thuận, ông Phan Văn Khải đã nói ông “xin nhận lỗi, nhận trách nhiệm trước nhân dân, trước Ðảng, và quốc hội” vì trong 15 năm ông giữ những chức phó thủ tướng rồi thủ tướng, trong thời gian đó những vụ tham nhũng, đục khoét của công còn “diễn biến xấu hơn.” Một ông thủ tướng cộng sản mà nhận mình có lỗi là chuyện ít khi xảy ra. Cho nên có thể khen ngợi ông Khải là con người hiếm hoi đã dám công khai nhận lỗi.

Nhưng xin lỗi suông như vậy có được không? Chắc là không. Chức vụ thủ tướng đâu phải như chức canh cửa hay ông Từ thắp hương trong đền thờ đầu làng để cứ xin lỗi một câu là đủ? Hơn nữa, một người cầm quyền bính suốt 15 năm rồi mới thú nhận rằng mình bất lực trước nạn tham nhũng, lạm quyền, đục khoét của công, thế thì trễ quá! Ðúng ra chỉ cần ba tháng, sáu tháng, là phải biết liền chứ? Hay là ông Khải đã biết rồi, sau ba tháng ông biết ngay, biết mình sẽ không làm được gì để trừ tham nhũng cả, mà vẫn cứ tiếp tục ngồi giữ các chức vụ cao nhất, 6 năm làm phó, 9 năm làm thủ tướng? Như vậy là tham quyền cố vị, là cố đấm ăn xôi.

Nhưng trước khi nói mấy câu nhận lỗi để chứng tỏ mình có danh dự, ông Phan Văn Khải đã nêu những lý do để tự bào chữa. Ông tự biện hộ rằng dù làm chức thủ tướng, chính ông cũng không có quyền: “Người đứng đầu bộ máy hành chánh không đủ quyền hạn cần thiết trong việc bố trí nhân sự dưới quyền, kể cả việc sắp xếp, thay thế, thi hành kỷ luật.” Dịch ra tiếng Việt Nam là: Ông thủ tướng không có quyền chọn người cộng tác với mình, không có quyền bổ nhiệm các công chức cao cấp, nếu thấy ai phạm lỗi cũng không có quyền trừng phạt hoặc thay thế.

Vậy thì không biết ông giữ chức thủ tướng bấy nhiêu năm để làm cái gì ?

Ðặt câu hỏi đó với ông Phan Văn Khải thì vô ích. Ông là một đảng viên cộng sản, đảng bảo làm gì ông làm cái đó. Làm thủ tướng, làm đại sứ, làm công an hay làm thư ký, đều là những công tác do Ðảng sai bảo, tự nhiên người đảng viên phải chấp nhận và thi hành. Ông Phan Văn Khải chỉ có trách nhiệm đối với đảng của ông thôi, không chịu trách nhiệm với ai khác. Nhất là với cái nhóm người gọi là quốc hội. Cứ xem cách ông báo tin cho các đại biểu quốc hội biết rằng Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng đã đồng ý cho ông từ chức thủ tướng một năm sớm trước khi hết nhiệm kỳ. Các đại biểu quốc hội cứ tưởng rằng ông Phan Văn Khải do quốc hội bổ nhiệm, nếu muốn thôi thì phải từ chức với quốc hội. Nhầm to! Xin long trọng báo tin quý vị rõ, tôi được phép nghỉ rồi. Như vậy ai sẽ thay thế? Ông Phan Văn Khải lại báo tin cho các đại biểu quốc hội biết Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng đã chọn một ủy viên Bộ Chính Trị để thay ông làm thủ tướng rồi. Khỏi thắc mắc!

Trên danh nghĩa, chính cái quốc hội này nó bầu thủ tướng, nó bổ nhiệm chính phủ. Nhưng trong thực tế, nó chỉ được báo tin cho biết sắp có thủ tướng mới để mà chuẩn bị gật gật cái đầu thôi. Thử tưởng tượng mấy trăm cái đầu cùng gật một lúc, nhịp nhàng như vũ ba lê; đó là chế độ dân chủ kiểu cộng sản!

Ông Phan Văn Khải đã biết nhận lỗi, rất đáng khen. Nhưng một người có lương tâm trước khi rời bỏ chức vụ mà thấy mình đã có những lỗi lầm thì ít nhất cũng chỉ vẽ cho người kế vị mình biết con đường đi qua như thế nào nào để mà tránh, không phạm lầm lỗi nữa. Ông Phan Văn Khải có nói gì để giúp người sắp lên thế ông không? Có thể nói là không. Không một lời nào ích lợi cả. Vì ông chỉ nói những ý chung chung; ông tuyên bố: “Tôi mong đồng chí kế nhiệm sẽ rút ra được bài học từ những yếu kém của tôi.” Nói vậy thì ai nói chẳng được? Không khác gì một người đã lái xe qua đèo, bị sụt hố ba-bảy bận, mà chỉ nói cho người tài xế sắp qua đèo biết là “phải lái xe cẩn thận”. Nói vậy mà không bảo cho biết khúc nào có hố, ngã quẹo nào nguy hiểm, vân vân. Như vậy là ích kỷ quá.

Nhưng tội nghiệp ông Phan Văn Khải. Ông không thể chỉ bảo gì cho người kế nhiệm ông cả. Vì trong cơ chế chính trị ở Việt Nam, ai làm thủ tướng thì cũng vậy, vẫn “không đủ quyền hạn cần thiết trong việc bố trí nhân sự.”

Thí dụ như các ông Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Việt Tiến, Ðào Ðình Bình, có phải ông Phan Văn Khải bổ nhiệm họ làm các chức tổng giám đốc PMU, làm thứ trưởng, bộ trưởng, hay không? Cứ theo lời ông Khải nói thì không phải ông bổ nhiệm họ. Khi các ông Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Việt Tiến, bị tra hỏi về tham nhũng thì ông Phan Văn Khải có quyền bắt họ từ chức hay không? Chắc cũng là không! Vậy thì ai có quyền? Ðúng vậy, thật ra ai mới có quyền?

Ðây là một câu hỏi rất hay. Nhà văn Lâm Ngữ Ðường ngày xưa đã viết một cuốn sách tên là Bí Danh, để mô tả tổ chức của một đảng cộng sản. Quý vị nào đọc Kafka, cũng nhìn thấy một tổ chức tương tự. Có lệnh ở trên xuống, ở dưới thi hành, cứ thi hành mà không cần biết ai ra lệnh cả. Như Kafka tả, lệnh từ “Lâu đài” đưa xuống. Nó là một thứ vô hình vô ảnh, nó không tên không tuổi. Và ghê gớm nhất, nó vô trách nhiệm! Một người vô hình, vô danh, thì làm sao lãnh trách nhiệm?

Nếu bây giờ hỏi ông Phan Văn Khải rằng ai là người bảo ông phải chấp nhận ông Nguyễn Việt Tiến làm Thứ Trưởng Giao Thông Vận Tải, ai là người bắt ông nhận Bùi Tiến Dũng đứng đầu PMU 18, liệu ông Khải có thể trả lời được không? Chắc ông sẽ rối mù, không nhớ hết được. Mỗi người đó được mấy ông nào trong Bộ Chính Trị đỡ đầu, người này thì được mấy đồng chí ở Trung Ương Ðảng giới thiệu, người kia thì có ô dù lớn của mấy ông khác. Có khi ông lớn này lại đề cử người của ông lớn kia, để trao đổi với nhau, có đi có lại. Làm chức thủ tướng có sung sướng gì đâu mà đi nhớ mấy chuyện rắc rối đó?

Khi một ông thủ tướng không có quyền “bố trí nhân sự” thì ai là những người nắm quyền bố trí? Bộ Chính Trị, Trung Ương Ðảng, họ bố trí cả chức thủ tướng đến chức quốc trưởng. Nhưng ai bố trí những người trong Bộ Chính Trị và Trung Ương Ðảng? Ðã có các thái thượng hoàng. Hai ông Ðỗ Mười, Lê Ðức Anh vẫn ngồi sau rèm nhiếp chính đường bệ như hai bà Từ Hy Thái Hậu. Nhưng ai chọn bà Từ Hy Thái Hậu? Vụ này thì chắc phải sang hỏi bên Bắc Kinh!

Khi biết guồng máy cai trị nước Việt Nam nó rắc rối như vậy thì ta hiểu được tại sao ông Phan Văn Khải, vị thủ tướng đang từ chức, lại không thể khuyên bảo một lời nào cho người sẽ lên thay thế mình. Ông biết dù có khuyên bảo cũng không ai làm gì được. Trừ khi người đó đi sang thẳng Bắc Kinh để tự mình lên thay Từ Hy Thái Hậu!

Nghe những chuyện trên đây tưởng như nghe chuyện bên Tàu, hay bên Iraq vậy. Ðau một nỗi là chính đó lại là chuyện nước mình; có gì thì 83 triệu đồng bào của mình sẽ lãnh mọi hậu quả.

Ngày hôm kia ông thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Nhật Bản mới lên tiếng chính thức xin lỗi quốc dân vì ông đã nhầm lẫn đầu tư vào một quỹ mà người quản lý quỹ đó phạm tội dùng tin mật của các công ty trong việc đầu tư. Ông Toshihiko Fukui thực ra chỉ góp mươi triệu yen, khoảng 87,000 Mỹ kim thôi, mà chuyện đó đã xảy ra từ 7, 8 năm trước, rất lâu trước khi ông nhậm chức. Nhưng ông Fukui cũng tự nhận lỗi đã thiếu minh mẫn khi góp vốn với một người có ý gian lận trong thị trường. Chỉ một vụ đầu tư nhỏ thế thôi, mà chính ông Fukui không phạm lỗi lầm nào cả, nhưng ông vẫn nhận là có trách nhiệm.

Ở nước ta, căn cứ vào lời ông Phan Văn Khải thì không ai biết người nào chịu trách nhiệm nào cả. Ông nói vì “chức trách không rõ ràng và cơ chế công tác cán bộ không hợp lý” nên “không xác định được trách nhiệm cá nhân.” Và đó là tình huống gây nên những cơ hội mua quan bán tước, tham nhũng, hối lộ. Cơ chế như thế nên mới đẻ ra những quan như Bùi Tiến Dũng đánh bạc bằng tiền Nhật Bản cho vay, mai mốt cả nước sẽ phải trả nợ. Cơ chế như thế cho nên mới có ông Nguyễn Xuân Hiển, tổng giám đốc Vietnam Airlines đem tiền của công ty nhà nước cấp cho con cháu mình và con cái các ông lớn đi du học. Khi bị chất vấn tại sao lại làm như vậy, ông Hiển nói rất thản nhiên là ông sẽ xem xét lại, nếu cấp học bổng nào sai thì sẽ hoàn lại tiền, thế thôi! Nghĩa là người đã lên làm quan rồi thì muốn làm gì cứ làm. Nếu bị tố cáo là làm bậy, dân chúng kêu ca, thì sẽ “sửa sai” rồi lại làm như cũ! Ðúng là các con cháu của Bác. Ngày xưa Bác cải cách ruộng đất giết oan hàng trăm ngàn người, sau đó cũng chỉ tuyên bố sửa sai, thế là xí xóa!

Vậy thì làm cách nào để chấm dứt một chế độ vô trách nhiệm như thế ?

Chỉ có một cách là bãi bỏ cái chế độ độc quyền chính trị của đảng Cộng Sản. Cơ chế chính trị một quốc gia phải có cân bằng, có những định chế độc lập kiểm soát lẫn nhau. Quốc hội phải đóng vai trò quốc hội thật chứ không phải chỉ ngồi gật lãnh lương. Báo chí phải được tự do để lên tiếng phê phán từ trên xuống dưới, chứ không phải chờ ở trên cho viết gì thì được viết cái đó.

Tức là phải có tự do, dân chủ. Tự do dân chủ sẽ chấm dứt chế độ vô trách nhiệm. Hậu quả của một guồng máy cai trị quốc gia vô trách nhiệm tai hại không kể xiết.

Ngô Nhân Dụng (16.06.2006)

www.TDNgonLuan.com hoan nghênh ý kiến đóng góp của qúy vị độc giả. Xin email về: tdngonluan@yahoo.com hay type vào hộp Ý Kiến/Comment Box ở dưới đây và nhấn vào nút "Submit" để gởi đi. Trân trọng:

TÊN, HỌ / NAME:  
 E M A I L:  

Ý KIẾN /  COMMENT:  

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ:
- Tran Dinh Ngoc
(Sunday, June 18, 2006 at 18:15:49)
Nha bao Ngo nhan Dung viet rat dung. Sau muoi nam ong Ho va dang cua ong da keo VN xuong vuc sau, day dia nguc, pha san het tat ca moi lanh vuc va truyen thong Van hoa co truyen. Viet Cong va ong Ho phai chiu trach nhiem to lon truoc Dan toc. Cong san dau doc thanh thieu nien lam hang chuc the he bang hoai, rot cuoc la lam toi to cho Bac Kinh, dang lanh tho, lanh hai, day xeo huong hon tien nhan mot doi chong giu va dung nuoc. Chi co mot cach la giai the cai che do hung tan, vo luong do de xay dung lai tu dau thi moi cuu nuoc VN va dan toc dau kho nay duoc. Buoc CS phai bo ngay ho khau va he thong Mat tham Cong an nhung nhieu, tru dap dan va cac nha tranh dau cho Tu Do Dan Chu. Quoc te dung sau lung chung ta. Khong so nua! Cong ly tat thang! Dan toc truong ton!

Trở về trang chính

Chân    thành    cảm    tạ    qúy    vị    ghé    thăm    trang    nhà    website    Tự    Do    Thông    Tin    Ngôn    Luận    cho    toàn    dân    Việt Nam

Copyright © 2006 www.tdngonluan.com / Email: tdngonluan@yahoo.com  -  All rights reserved.