Mọi người có quyền tự do ngôn luận; quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và phổ biến mọi loại tin tức và ý kiến, không phân biệt ranh giới, bằng truyền miệng, bản viết hoặc bản in, bằng hình thức nghệ thuật, hoặc thông qua bất cứ phương tiện truyền thông đại chúng khác theo sự lựa chọn của mình (Điều 19,2 Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Liên Hiệp Quốc biểu quyết năm 1966, Việt Nam xin tham gia năm 1982). (Everyone shall have the right to freedom of expression; this right shall include freedom to seek, receive and impart information and ideas of all kinds, regardless of frontiers, either orally, in writing or in print, in the form of art, or through any other media of his choice.)

D I Ễ N   Đ À N

Màn Trình Diễn APEC
Ngô Nhân Dụng (14.11.2006)

Thế mấy hôm nay ông Ðỗ Mười đang ở đâu ? Có ai xếp cho ông Lê Ðức Anh ăn ngủ ở chỗ nào không ? Hầu như các phóng viên báo giới đang ở Hà Nội không ai đi tìm các ông để phỏng vấn cả.
Dân Hà Nội đang choáng ngợp trong màn trình diễn APEC rầm rộ, mọi người đã quên bẵng mất hai ông rồi. Trong quy tắc bang giao quốc tế khi các vị cầm đầu chính phủ hoặc nguyên thủ quốc gia họp mặt, không có chỗ nào cho các vị thái thượng hoàng đứng hay ngồi cả. Các ông Ðỗ Mười, Lê Ðức Anh đang nghỉ mát nơi nào ?

Phải nhắc đến tên ông Ðỗ Mười trong mấy ngày hôm nay, cho ông đỡ tủi. Vì năm ngoái ông vừa mới viết một bài lên lớp tất cả các đảng viên Cộng Sản Việt Nam giải thích thế nào là “định hướng xã hội chủ nghĩa” trong đường lối kinh tế thị trường của Ðảng. Ông nói đại ý rằng muốn định hướng xã hội chủ nghĩa thì phải theo lối Liên Xô ngày xưa, lấy kinh tế quốc doanh làm chủ đạo. Chủ trương Ðỗ Mười này vẫn còn sờ sờ ra đó, trên giấy trắng mực đen, ghi trong các cương lĩnh, nghị quyết của mấy đại hội Ðảng. Nhưng cái cảnh thành phố Hà Nội chuẩn bị linh đình đón chào hội nghị APEC là một hình ảnh quyết liệt bác bỏ cái “Chủ nghĩa Kinh Tế Ông Bình Vôi” của ông Ðỗ Mười. Xin mời quý vị đọc lại bài Ông Bình Vôi của Phan Khôi để tìm hiểu chủ nghĩa này.

Việt Nam được công nhận vào Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới WTO; và đứng ra tổ chức hội nghị APEC, hai sự kiện này đánh dấu một bước tiến trên con đường gia nhập thế giới kinh tế tư bản. WTO là câu lạc bộ của kinh tế tự do, thương mại tự do của 150 quốc gia trên thế giới. APEC, tức Diễn Ðàn Hợp Tác Kinh Tế Á Châu Thái Bình Dương, gồm 19 quốc gia, cộng với Ðài Loan và Hồng Kông, là một nơi cổ động cho tự do trao đổi, tự do đầu tư giữa các nước hai bên bờ Thái Bình Dương. Những quy tắc đề cao tự do này hoàn toàn phủ nhận chủ trương kinh tế Xô Viết, kinh tế bao cấp, kinh tế đóng cửa mà đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn theo đuổi theo định hướng Ðỗ Mười.

Nhiều người than rằng một chính phủ đem mấy trăm triệu Mỹ kim ra bày trò trình diễn hội nghị APEC rềnh rang, trong khi dân chúng ở thôn quê vẫn sống với dưới một đô la mỗi ngày, thật là phí phạm, cho các ông lớn được vênh vang chứ không biết có ích lợi gì cho người dân hay không. Lời than này rất chính đáng. APEC chỉ là một diễn đàn, tức là một chỗ để nói chứ không phải để cam kết hành động nào cả. Nói suông, nói chuyện mỹ miều, nhiều hơn nói chuyện thiết thực. Ðó là một sự thật. Người Việt Nam, nhất là người dân Hà Nội đã sống qua những màn trình diễn như Sea Games, từng trải qua kinh nghiệm sau khi các màn trình diễn, những tấn tuồng chấm dứt, “cọc nhổ đi rồi lỗ bỏ không,” đâu lại vào đó.

Ngay từ trước khi hội nghị APEC khai mạc, có bà già bán rong trên hè phố Sài Gòn đã nói với một nhà báo ngoại quốc rằng: “Mong các bố họp cho mau, xong cho sớm để chúng cháu còn làm ăn.” Các trẻ em bán báo, đánh giày bị xua đuổi, bị bắt giam vào trại tập trung đối xử tàn tệ, đã được Human Rights Watch chú ý bênh vực, các em cũng mong “các bố” họp cho lẹ cho các cháu được tự do kiếm cơm và kiếm tiền giúp cha mẹ. Các em bé đó nghĩ gì về “vận hội mới” sau khi Việt Nam được chấp nhận vào Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới? Chắc các em không thấy “cơ hội vàng” nào cả. Sau hội nghị, chắc các em chỉ có cơ hội đi lượm những tấm bảng vẽ đem về cho bố mẹ ở nhà quê sửa chữa cái vách hay cái mái bị dột! Nếu như các em được tự do đi đánh giày cho các quan khách đến chơi hội APEC thì đó mới thật là cơ hội bằng vàng!

Nhưng chúng ta cũng có thể lạc quan để thấy những hệ quả tích cực của màn trình diễn tiêu tiền hoang phí này. Thứ nhất, là không thấy bóng dáng ông Ðỗ Mười đâu cả. Các cảnh trình diễn sẽ in dấu trong đầu người dân Việt Nam, trong đầu các đảng viên Cộng Sản Việt Nam, rằng họ đang tiến về phía trước, tiến về phía một thế giới kinh tế tự do, không còn ai có thể bảo họ trở lại tôn thờ những chủ trương kinh tế kiểu Xô Viết mà ông Hồ Chí Minh đã mang từ Nga Xô về áp dụng ở nước ta mà ông Ðỗ Mười vẫn còn mơ tưởng nữa. Màn trình diễn này cho mọi người dân Hà Nội thấy trên thế giới có biết bao nhiêu quốc gia tiến bộ hơn mình, văn minh hơn mình, đủ ăn đủ mặc và sống hạnh phúc hơn mình, vì họ được sống tự do trước mình từ vài thế kỷ cho đến vài chục năm. Chỉ cần được sống tự do, làm việc tự do, trong vài chục năm, những quốc gia ở Á Châu như Mã Lai Á, Thái Lan, những nước ở châu Mỹ La Tinh như Brazil, Chile, đã trở thành những thế lực kinh tế đáng nể, lợi tức tính theo đầu người của họ cao gấp nhiều lần những con rồng cháu tiên. Người Việt Nam ở trong nước càng được tiếp cận với thế giới bên ngoài thì ý thức về tự do càng lên cao. Năm 1988 cả nước Việt Nam ngẩn người ra nhìn qua truyền hình cảnh Thế Vận Hội Seoul. Một nước Nam Hàn trước năm 1975 không tiến xa hơn Việt Nam Cộng Hòa là bao nhiêu, mà họ làm được một công trình như vậy, thấy họ tiến bộ mà dân Việt mình thấy tỉnh ngộ. Năm nay, người Việt Nam sẽ được tiếp đón hàng chục ngàn người ngoại quốc vào nước mình, có những viên chức chính phủ, có những thương gia, rất nhiều nhà báo, và khách du lịch tới cùng một lúc. Như một thế giới mới mở ra trước mắt dân Hà Nội và Sài Gòn. Tác động tâm lý của hội nghị APEC năm nay sẽ khiến đồng bào chúng ta thấy rõ con đường tiến tới phải là con đường càng tự do thì càng tiến bộ.

Nhưng đồng bào ta sẽ tự hỏi: Tại sao công an Hà Nội có thể dẹp tan các bà bán hàng rong, dẹp hết các người ăn mày, những trẻ em sống trên hè phố, mà cũng tổ chức công an hùng hậu đó lại để cho bọn buôn bán ma túy hoành hành khắp hang cùng ngõ hẻm ngay trong thành phố Hà Nội? Có người nhận xét gần nửa số thanh thiếu niên đang bị ma túy tấn công, nhiều người chết dần mòn vì ma túy hoặc vì HIV do dùng kim chích. Thế công an làm cái gì mà không dẹp được ma túy? Ðặt câu hỏi đó rồi, người ta phải kết luận rằng có những ông to bà lớn quyền hành cao hơn các chú công an đứng đầu ngõ đang là những người bảo trợ việc buôn bán ma túy! Nhận ra như vậy, người ta sẽ thấy phải làm cái gì để thay đổi cái trật tự một đảng độc quyền cai trị hiện nay, có như thế mới dẹp được ma túy, dẹp được tham nhũng.

Và hội nghị APEC cũng là một dịp để những người có ý kiến độc lập được lên tiếng cho thế giới biết dân Việt Nam không phải chỉ có những người hoàn toàn khuất phục chế độ độc tài độc đảng. Tổ chức 8406 đã gửi thư cho các quốc gia tham dự hội nghị APEC để cảnh cáo đừng có tưởng chế độ độc tài độc đảng sẽ trị vì mãi mãi trên đất nước chúng ta. Báo chí khắp thế giới lần đầu tiên biết đến, nói đến tổ chức này. Công Ðoàn Ðộc Lập Việt Nam sẽ nhân cơ hội này nhắc nhở các nhà kinh doanh trong phái đoàn của Tổng Thống George W. Bush rằng họ đang bắt đầu hoạt động, muốn làm ăn ở Việt Nam thì cũng đừng quên quyền lợi của giới lao động Việt Nam.

Trước khi đến Hà Nội dự hội nghị thượng đỉnh các nước trong APEC, tổng thống Mỹ đã đưa một món quà ra mắt cho đảng Cộng Sản Việt Nam, rút tên Việt Nam ra khỏi các nước cần “quan tâm đặc biệt” về chính sách ngăn cản tự do tôn giáo. Ông còn muốn Hiệp Ước Mậu Dịch Bình Thường Vĩnh Viễn được thông qua trước ngày ông tới Hà Nội. Nhưng ở nước Mỹ không phải chỉ có một đảng cai trị để ông tổng thống muốn gì cũng được. Còn có Quốc Hội nữa. Mà Quốc Hội thì có hai đảng, những đại biểu cùng đảng với ông tổng thống cũng có khi không đồng ý với ông vì họ là đại biểu của dân chúng trong đơn vị của họ chứ không phải là do “đảng cử dân bầu,” họ quyết định theo lương tâm. Cho nên món quà thứ hai mà ông Bush tính mang tặng đảng Cộng Sản Việt Nam, dự luật công nhận quy chế “mậu dịch bình thường vĩnh viễn” (PNTR) đã bị “ách” lại ở Hạ Viện, chờ được đem ra biểu quyết lại.


Xin mở Loa âm thanh để nghe
Họp báo tại Văn phòng Dân Biểu Zoe Lofgren (San Jose, California) ngay sau khi ông Đỗ Thành Công, công dân Hoa Kỳ, nhà đấu tranh cho dân Chủ VN trở lại Mỹ. Ngày 22-09-2006.

Những dân biểu bỏ phiếu chống gồm những người thuộc đảng Dân Chủ ở San Jose, mà một trong những cử tri của họ là ông Ðỗ Thành Công vừa mới nổi tiếng vì bị bắt và bị vu vạ ở Việt Nam từ mấy tháng trước. Bắt bớ một người bất chấp luật pháp như vậy cũng đủ chứng tỏ chế độ đang cai trị là không xứng đáng được coi là “bình thường.” Cũng có những dân biểu đảng Cộng Hòa cũng không đồng ý với bản hiệp định vì những quyền lợi của cử tri họ trong nghề dệt may hay đánh cá chưa được chính phủ Bush bảo vệ đầy đủ trong hiệp ước. Hiệp định PNTR hy vọng sẽ được Hạ Viện thông qua khi đem ra biểu quyết theo thủ tục thông thường, nhưng khi lên Thượng Viện, vào tháng tới, chắc còn nhiều nghị sĩ chống vì trong hiệp định có những điều bị dân chúng trong tiểu bang của họ phản đối. Tóm lại, trong một quốc gia dân chủ, người dân, dù chỉ là một công dân sinh ở nước khác như ông Ðỗ Thành Công, đều được các đại biểu Quốc Hội bảo vệ. Ðây có lẽ cũng là một món quà đặc biệt mà Quốc Hội Mỹ đã gửi tặng cho dân Việt Nam nhân dịp hội nghị APEC. Món quà này là thông điệp: Chỉ trong chế độ dân chủ, các đại biểu Quốc Hội mới lo đến quyền lợi của người dân!

Biết như vậy, không cần biện luận nhiều, người Việt Nam sẽ thấy nước mình phải tiến tới một chế độ tự do dân chủ, càng sớm càng tốt. Ðó cũng là một điều hay mà màn trình diễn hội nghị APEC mang lại. Các ông Ðỗ Mười, Lê Ðức Anh không thể nào chống lại xu hướng hội nhập kinh tế, mở rộng tự do kinh tế mà tổ chức WTO đang mang tới Việt Nam, và hội nghị APEC đang quảng cáo rầm rộ ngay trong thành phố Hà Nội. Ðảng Cộng Sản chỉ còn cách là thay đổi nhanh hơn, không thể chậm lại, chắc chắn không thể quay đầu trở lại thời kinh tế xã hội chủ nghĩa như ông Hồ Chí Minh vẫn dạy họ nữa!

Ngô Nhân Dụng (14.11.2006)

...........................................................................................................................................
www.TDNgonLuan.com hoan nghênh ý kiến đóng góp của qúy vị độc giả. Xin email về: tdngonluan@yahoo.com hay type vào hộp Ý Kiến/Comment Box ở dưới đây và nhấn vào nút "Submit" để gởi đi. Trân trọng:

TÊN, HỌ / NAME:  
 E M A I L:  

Ý KIẾN /  COMMENT:  

Trở về trang chính

Chân    thành    cảm    tạ    qúy    vị    ghé    thăm    trang    nhà    website    Tự    Do    Thông    Tin    Ngôn    Luận    cho    toàn    dân    Việt Nam

Copyright © 2006 www.tdngonluan.com / Email: tdngonluan@yahoo.com  -  All rights reserved.