Mọi người có quyền tự do ngôn luận; quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và phổ biến mọi loại tin tức và ý kiến, không phân biệt ranh giới, bằng truyền miệng, bản viết hoặc bản in, bằng hình thức nghệ thuật, hoặc thông qua bất cứ phương tiện truyền thông đại chúng khác theo sự lựa chọn của mình (Điều 19,2 Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Liên Hiệp Quốc biểu quyết năm 1966, Việt Nam xin tham gia năm 1982). (Everyone shall have the right to freedom of expression; this right shall include freedom to seek, receive and impart information and ideas of all kinds, regardless of frontiers, either orally, in writing or in print, in the form of art, or through any other media of his choice.)

Trận lũ lụt ở miền Trung mới rồi (đặc biệt tại Quảng Bình và Hà Tĩnh) được gây ra bởi trời thì ít mà bởi người thì nhiều, chủ yếu do thằng thủy điện Hố Hô nằm giữa biên giới hai tỉnh đã xả lũ cuồng loạn giữa đêm khuya với lưu lượng 1.800 m3/giây trong 4 giờ đồng hồ. Tính đến ngày 17-10-2016, có 35 người chết, 4 người mất tích, khoảng 100.000 căn nhà bị ngập nặng, trâu bò mất mạng cả hàng ngàn con; thiệt hại tài sản, mùa màng vô kể. Riêng tại làng chài Cảnh Dương, Quảng Bình, nước lũ tràn về đã khiến ít nhất 9 tàu bị lật úp, 19 tàu thuyền bạc tỷ khác bị cuốn trôi ra biển.

Đó là hình ảnh của nhiều cơn lũ lụt đang ập xuống tập đoàn lãnh đạo chính trị và điều hành kinh tế Việt cộng mà phải nói là do chính tập đoàn ấy tự gây ra cho mình.
1- Trước hết là cơn lũ tài chính, hay nói nôm na là lụt nợ. Theo Vietnamnet hôm 23-20, Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2015. Báo cáo cho hay, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có tổng số nợ phải trả lên đến 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 1% so với thực hiện năm 2014. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân năm 2015 là 1,23 lần. Thế nhưng vẫn có trường hợp cá biệt: 25 doanh nghiệp nhà nước có tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần. Trong đó, đứng đầu là Tổng công ty Phát thanh truyền hình thông tin 32,84 lần, Tổng công ty Xăng dầu quân đội 15,41 lần, Tổng công ty Cơ khí xây dựng hơn 10 lần. Một số DNNN có số nợ vay từ các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng tương đối lớn. Đứng đầu là Tập đoàn Điện lực (134.014 tỷ đồng); Tập đoàn công nghiệp Than–Khoáng sản (42.743 tỷ); Tập đoàn Hóa chất (29.997 tỷ); Tập đoàn Viettel (16.313 tỷ); Vinalines (14.734 tỷ)… Dĩ nhiên toàn là nợ xấu, khó đòi, khó trả. Đang khi đó thì kinh tế ngày càng lụn bại, tài nguyên ngày càng cạn kiệt, dân sinh ngày càng cơ cực, và các doanh nghiệp ấy đang đứng bên bở vực phá sản.

Ngoài ra, theo RFA, Việt Nam phải trả nợ Vốn vay Hỗ trợ Phát triển (gọi tắt là ODA) mỗi năm khoảng 1 tỷ đôla bao gồm cả gốc lẫn lãi. Đó là thông tin Cục quản lý nợ và tài chính đối ngoại thuộc Bộ Tài chính công bố chiều ngày 25 tháng 10 vừa qua. Phát biểu tại buổi họp báo, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại cho biết từ năm 2005 đến 2015, tổng số vốn ODA mà Việt Nam đã ký kết khoảng 45 tỷ đôla, được dùng chủ yếu cho các lĩnh vực cân đối tài chính vĩ mô, phát triển hạ tầng, y tế, giáo dục, biến đổi khí hậu và nông nghiệp. Nhưng do điều hành kinh tế, quản lý tài chánh, sử dụng ngoại tệ vừa ngu dốt vừa tham lam, ăn và phá nhiều hơn làm, nay nhà nước phải thường xuyên vay nợ mới để trả nợ cũ. Dĩ nhiên, tất cả gánh nặng nợ nần nói trên đè xuống trên đầu trên cổ nhân dân từ đời cha đến đời con, đời ông đến đời cháu. Cơn lũ tài chính, nợ nần ấy cuốn trôi tương lai của nhiều thế hệ, và dĩ nhiên cũng sẽ cuốn phăng cái chế độ thối nát này.

2- Thứ đến là cơn lũ pháp lý, hay nói nôm na là cơn lụt khiếu kiện. Như chúng ta đã biết, sau khi xảy ra thảm họa môi trường biển từ đầu tháng 4-2016 do tập đoàn Formosa và các công ty liên hệ gây nên, toàn dân đã mong chờ nhà cầm quyền thi hành trọn chức năng, thực hiện đúng pháp luật đối với các thủ phạm và đồng phạm, cũng như đối với các nạn nhân (những khu vực sinh thái và những giới làm kinh tế biển). Thế nhưng, nhận món tiền bố thí gọi là bồi thường của Formosa xong, Việt cộng tiếp tục duy trì sự hiện diện của nó, chẳng hề cải tạo môi trường biển, đưa thông tin sai lạc đầu độc dư luận, trừng phạt những tiếng nói đòi hỏi sự thật, đàn áp những công dân xuống đường bảo vệ sinh thái, bồi thường cho các nạn nhân cách bất cập, lại còn muốn ngư dân thôi làm nghề biển (để trao Đông hải cho Tàu cộng). Thái độ phản dân hại nước đó đã khiến đồng bào phản ứng bằng cách tiến hành trận chiến pháp lý, khởi kiện thủ phạm.

Ngày 22-09-2016, gần 1.100 hộ gia đình thuộc giáo xứ Đông Yên, xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh –dưới sự hướng dẫn của linh mục Trần Đình Lai– đã gửi lên Quốc hội và Chính phủ đơn yêu cầu bồi thường cho họ hơn 2.000 tỷ, với đòi hỏi phúc đáp sau 15 hôm. Ngày 26-09-2016, hơn 600 ngư dân thuộc giáo xứ Phú Yên, xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An –dưới sự hướng dẫn của linh mục Đặng Hữu Nam– đã đến tòa án thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh để nộp 506 hồ sơ khiếu kiện Formosa, đòi hỏi bồi thường 56 tỷ. Ngày 03-10-2016, 619 hộ ngư dân tại Quỳnh Lưu, đa phần thuộc giáo xứ Song Ngọc –dưới sự hướng dẫn của linh mục Nguyễn Đình Thục– cũng đã gửi lên Quốc hội và Chính phủ đơn yêu cầu bồi thường cho họ 446 tỷ, cũng với đòi hỏi phúc đáp sau 15 hôm. Thế nhưng nhà cầm quyền –do sợ hãi trước trận chiến pháp lý này– tỏ ra có thái độ thù nghịch. Đã gấp đôi thời hạn 15 ngày mà Chính phủ và Quốc hội chẳng hề phúc đáp đơn yêu cầu bồi thường của hai giáo xứ Đông Yên và Song Ngọc. Rõ ràng là não trạng khinh dân như thường thấy. Chưa hết, ngày 8 tháng 10, tòa án nhân thị xã Kỳ Anh đã trả lại toàn bộ 506 đơn khởi kiện Công ty Formosa với lý do “không đưa ra được tài liệu chứng minh về những thiệt hại thực tế” và “chính phủ đã ra Quyết định bồi thường hôm 29-09 rồi”.

Hành vi trái luật này đã khiến cho ngày 18-10-2016, dưới sự hướng dẫn của linh mục Đặng Hữu Nam, 1000 ngư dân Quỳnh Lưu dự tính đi xe hơi vào tòa án Kỳ Anh để nộp đơn khiếu nại và nộp thêm 100 hồ sơ khiếu kiện. Thế là bộ công an, ban tuyên giáo trung ương và nhà cầm quyền Nghệ An đã ra tay: đe dọa các chủ xe được thuê mướn, áp lực lên tòa Giám mục Vinh để giảm số người đi khiếu kiện từ 1000 xuống 100. Nhưng rồi với 40 người, đoàn khiếu kiện cũng bị hàng ngàn công an sắc phục, an ninh thường phục, côn đồ đầu gấu thô bạo ngăn cản bằng rải đinh, chặn xe, đánh đập, hăm dọa đoạt mạng, khiến dự tính nộp đơn khiếu nại và nộp thêm đơn khiếu kiện bất thành. Trong cùng ngày, linh mục Nguyễn Đình Thục cũng đã bị công an côn đồ ngang nhiên gây khó rồi cấm đi vào Hương Khê, Hà Tĩnh để cứu trợ đồng bào nạn nhân bão lụt, vì nghi ngờ lm Thục đi hỗ trợ cho Lm Nam. Toa rập với nhau, ngày 21-10, UBND thị xã Kỳ Anh đã ngang ngược ra công văn đề nghị Quỳnh Lưu cấm cư dân đi khiếu nại vì hôm 18-10 là “hết hạn gửi đơn” rồi.

Nhưng những hành vi bẩn thỉu hèn hạ, vô luật pháp và thất nhân tâm đó có ngăn chặn được cơn lũ khiếu kiện, trận chiến pháp lý của ngư dân miền Trung chăng? Vì theo tin cho biết, hàng chục ngàn lá đơn đã được chuẩn bị, và các nguyên đơn đã thề quyết sẽ chiến đấu tới cùng. Đang khi đó nguồn tiền ủng hộ từ hải ngoại nghe nói cũng đang tuôn về cuồn cuộn.

3- Ba là cơn lũ nhân tâm, nay nói nôm na là cơn lụt của lòng căm phẫn. Trước hết là sự căm phẫn của các tôn giáo. Trong khóa họp từ ngày 20-10, Quốc hội có thể sẽ phê chuẩn Dự luật Tín ngưỡng Tôn giáo đã được phác thảo nhiều lần từ đầu năm 2015 tới nay. Luật này đúc kết kinh nghiệm đối phó với các Giáo hội kể từ Pháp lệnh Tôn giáo 2004, nâng cao mức độ cưỡng bức của chính sách đàn áp tôn giáo từ nhà cầm quyền, và đáp ứng mưu đồ kiểm soát chặt hơn đối với các Giáo hội đang ngày càng tích cực đòi hỏi các quyền tự do cho mình và cho dân. Chính vì thế, Hội đồng Liên tôn đã thẳng thắn hoàn toàn bác bỏ Luật đó, với nhiều lý do. Như chế độ hiện thời là chế độ vô thần đấu tranh và độc tài toàn trị, quyết tâm xóa bỏ hoàn toàn ảnh hưởng của Tôn giáo trên xã hội khi hoàn toàn bất lực xóa bỏ sự hiện hữu của Tôn giáo trong quốc gia; kiểm soát, lũng đoạn để công cụ hóa các thế lực tinh thần này. Như mọi luật lệ xuất phát từ chế độ độc tài cộng sản đều không ngoài mục đích kiểm soát, lũng đoạn và công cụ hóa nói trên; nên cho dù có đưa ra cho nhân dân góp ý, nhà cầm quyền rốt cuộc vẫn biên soạn Luật tôn giáo theo ý muốn độc đoán của họ và nhằm mục đích tối hậu của họ: củng cố chế độ độc tài. Như mọi văn kiện pháp lý của nhà cầm quyền CSVN từ xưa tới nay về Tôn giáo, đều không ngoài mục đích dùng bạo lực hành chánh -kết hợp với bạo lực vũ khí- để cướp đoạt mọi tài sản tinh thần (các quyền tự do) và tài sản vật chất (đất đai, cơ sở) của các Giáo hội, để sách nhiễu, bắt bớ, cầm tù, thậm chí thủ tiêu nhiều chức sắc và tín đồ can đảm, nhằm làm cho các Thực thể Tinh thần này bị tê liệt hoạt động, bị cản trở sứ mạng, thậm chí bị biến đổi bản chất. Hậu quả là xã hội ngày càng tràn ngập bạo hành gian dối, ngày càng suy đồi về văn hóa đạo đức, kéo theo suy đồi các lãnh vực khác nữa.

Cơn lũ của lòng căm phẫn còn phát xuất từ nhân dân, đặc biệt qua trận lụt mới rồi. Trước hết vì thái độ thất nhân tâm và vô trách nhiệm của hàng lãnh đạo. Khi tang thương đang xảy đến, Thủ tướng chỉ ra chỉ thị qua quít cho cấp dưới chống lũ, rồi tiếp tục ngồi trong phòng lạnh nhắn tin ủng hộ người nghèo; Chủ tịch Quốc hội thì chưng diện lòe loẹt, mặt tươi hơn hớn đi dự khai mạc Festival áo dài tại Hà Nội; Chủ tịch nước bận đi thăm lính, còn Tổng bí thư bận họp đảng kêu gọi đảng viên cứu đảng. Đập thủy điện Hố Hô phạm tội giết dân rõ mười mươi, thế mà các kẻ hữu trách từ trên xuống cố chấp bênh vực nhau, nào “đúng quy trình”, nào “dân giữ được mạng là tốt lắm rồi”, nào “chấp nhận được”. Bên cạnh đó, trước việc nhân dân thể hiện tinh thần “lá rách đùm lá nát”, trao tiền quà cho các tôn giáo, tổ chức xã hội dân sự và nghệ sĩ biểu diễn, thẳng thừng tuyên bố “ngu gì giao quà cho bọn cầm quyền tham nhũng, bọn mặt trận giẻ rách”, Ban tuyên giáo Việt cộng vẫn khốn nạn văng lời: “Các bạn cần tỉnh táo, không giúp đỡ tiền bạc cho những kẻ đang đánh bóng tên tuổi, những hội nhóm bất minh, thường xuyên gây rối loạn và giờ ra vẻ “giúp đỡ”… Giúp được bằng sức mình thì giúp, không thì quyên góp vào các tổ chức chính thống như Hội chữ thập đỏ, các cơ quan báo chí, quân đội đang túc trực ngày đêm tại vùng rốn lũ”. Túc trực để cứu dân hay để khủng bố các nhóm thiện nguyện độc lập? để cướp lại 400/500 ngàn dân nghèo vừa được biếu? để chuyển gạo cứu trợ vào kho tư thương? Con phẫn nộ này cũng bùng lên nhân vụ một blogger nhiệt thành đấu tranh chống Formosa là Mẹ Nấm bị tống vào tù.

Công luận cho rằng trong cơn lụt lịch sử vừa qua tại Quảng Bình và Hà Tĩnh, thiên tai một mà nhân tai mười. Nước lũ từ trời thì ít mà từ đập thủy điện xả vô trách nhiệm, bất chấp hậu quả cho dân thì nhiều. Các đập này, dày đặc khắp miền Trung, từ lâu nay là những hung thần, chuyên thả “bom nước” tàn hại không thể tưởng. Nhưng nhân tai quan trọng nhất chính là một nhà cầm quyền hoạt động thiếu hiệu quả, không đủ tầm cũng chẳng đủ tâm để lo cho dân cho nước. Nhưng CS thì làm gì có sức hay có chí lo cho nước cho dân? Nên mong rằng sẽ sớm có những cơn lũ cuồng nộ từ dân sẽ quét sạch nó vĩnh viễn.

Ban Biên Tập (số 254 ngày 1-11-2016)
-Nhấn vào Link này để "download" (save as) Bán nguyệt san TDNL ở dạng (format): .doc, sẽ chậm (xin kiên nhẫn!), nếu bạn không sử dụng đường dây cao tốc Internet DSL, nhưng toàn bộ mỗi số báo 32 trang sẽ giữ dạng nguyên thủy, như là 1 file duy nhất: http://www.tdngonluan.com/pdf/TuDoNgonLuan_So254_1November2016.doc
....................................................................................................

Chân    thành    cảm    tạ    qúy    vị    ghé    thăm    trang    nhà    website    Tự    Do    Thông    Tin    Ngôn    Luận    cho    toàn    dân    Việt Nam

Copyright © 2006 www.tdngonluan.com/Email: witness2005@gmail.com/Webmaster: legraphic@yahoo.com - All rights reserved.