“Mọi
người có quyền tự do ngôn luận; quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp
nhận và phổ biến mọi loại tin tức và ý kiến, không phân biệt ranh giới,
bằng truyền miệng, bản viết hoặc bản in, bằng hình thức nghệ thuật,
hoặc thông qua bất cứ phương tiện truyền thông đại chúng khác theo sự
lựa chọn của mình” (Điều
19,2 Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Liên Hiệp Quốc
biểu quyết năm 1966, Việt Nam xin tham gia năm 1982). (Everyone
shall have the right to freedom of expression; this right shall include
freedom to seek, receive and impart information and ideas of all kinds,
regardless of frontiers, either orally, in writing or in print, in the
form of art, or through any other media of his choice.)
|
D I Ễ N Đ À N
Năm 1848 Karl Marx đưa ra Bản Tuyên Ngôn Cộng Sản, mở đầu rằng: “Lịch sử là lịch sử đấu trang giai cấp...” Sau đó câu chuyện diễn ra như thế nào chúng ta đã biết: Năm 1917 ông Lenin đảo chính cướp quyền ở Nga, chủ nghĩa Cộng Sản bành trướng như một tín ngưỡng và một đế quốc, cho đến năm 1989 thì bắt đầu sụp đổ. Nhưng hiện nay ở mấy quốc gia chính quyền vẫn còn chính thức tự nhận là theo chủ nghĩa đó, trong đó có nước Việt Nam ta. Nhưng thực sự họ còn tin và còn theo chủ nghĩa cộng sản nữa hay không? Có vẻ là không. Họ nói vậy thôi, cốt để họ tiếp tục cầm quyền và hưởng thụ những thành quả của kinh tế tư bản. Không ai viết một thứ tương tự cho “chủ nghĩa tư bản”. Chắc bởi vì kinh tế tư bản nó tự phát sinh ra trong đời sống bình thường của xã hội, nó biến thái, chuyển hóa theo thời gian cùng với sự tiến bộ của loài người. Không ai đăng ký giành lấy tác quyền mà cũng không ai hô hào mọi người tranh đấu chết thôi cho chủ nghĩa tư bản cả. Thế chủ nghĩa tư bản tin tưởng ở cái gì? Ở xứ Thiên Chúa Giáo người ta tin Chúa, ở xứ Phật Giáo người ta vẫn lễ Phật, ở mấy nước Á Ðông người ta vẫn bảo nhau học Lễ, nghĩa, liêm sỉ, như các ông Khổng Tử, Mạnh Tử dạy. Hồi đầu năm 2006, ông Richard W. Fisher, chủ tịch Quỹ Dự Trữ Liên Bang ở Dallas bỗng nảy ra cái ý: Thử tưởng tượng một thứ Tuyên Ngôn Tư Bản - Imagine a Capitalist Manifesto! Và ông Fisher viết: Bản tuyên ngôn đó sẽ đề nghị phải có tự do thương mại, mở rộng cạnh tranh, quyền lựa chọn của mỗi cá nhân, tôn trọng quyền tư hữu, và tất cả những thứ cần thiết cho một nền kinh tế thị trường lành mạnh. Việt Nam và Mỹ vừa mới ký thỏa hiệp thương mại bình thường, mở đường cho nước ta gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới (WTO). Vào WTO sẽ là một cái mốc đánh dấu sự thay đổi của nước ta, thay đổi về nhiều mặt. Một nước vào Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới thì sẽ được hưởng nhiều cơ hội mới về kinh tế, điều này là chắc chắn. Nhiều người đặt câu hỏi: Nếu Việt Nam vào WTO thì đảng Cộng Sản Việt Nam được lợi hay người dân Việt Nam được lợi? Thực ra nên đặt một câu hỏi tương tự: Nếu Việt Nam không bao giờ vào được WTO thì đảng Cộng Sản Việt Nam được lợi hay người dân Việt Nam được lợi? Nói như vậy chắc quý vị cũng thấy rằng chuyện vào hay không vào WTO không quan trọng. Ðiều quan trọng là tương quan lực lượng giữa người dân và những người nắm quyền chuyên chế. Nếu đảng Cộng Sản Việt Nam vững mạnh để tiếp tục khai thác tài nguyên, nhân lực của dân tộc Việt Nam với một chế độ độc tài như cũ thì họ sẽ được lợi lớn khi vào WTO: Các đảng viên cộng sản sẽ giàu có hơn, các cán bộ sẽ tiếp tục ra lệnh, con cái họ sẽ nối nghiệp cha anh đi ô tô con, ngồi trên đầu thiên hạ, xuất ngoại đều đều. Còn nếu dân tộc Việt Nam đủ sức chống lại cường quyền, giành lấy những quyền lợi về kinh tế, xã hội cho người dân bình thường, thì việc vào WTO sẽ là một cơ hội rất tốt cho cả nước cùng tiến lên. Bây giờ các đảng Cộng Sản ở Trung Quốc và Việt Nam vẫn nói họ theo chủ nghĩa Cộng Sản, nhưng thực ra họ chỉ theo một thứ Chủ Nghĩa Cơ Hội. Cơ hội nào giúp họ được ăn, được nói, được nắm quyền sinh sát, thì họ bảo đó chính là chủ nghĩa cộng sản ! Liệu họ còn ăn trên ngồi trốc được bao lâu? Nếu họ cứ tiếp tục bảo vệ chế độ độc quyền chính trị và kinh tế, sẽ không lâu lắm đâu. Vì chế độ độc tài sẽ ngăn cản việc phát triển kinh tế. Giáo Sư Minxin Pei, trước dạy Ðại Học Princeton, nay làm ở một viện nghiên cứu, mới xuất bản một cuốn sách về Trung Quốc, nhan đề China's Trapped Transition: The Limits of Developmental Autocracy (Harvard University Press, 2006). Ðọc cái tựa đó chúng ta biết việc nghiên cứu của ông đưa tới kết luận như thế nào: Một chế độ độc tài sẽ thấy khả năng bị giới hạn trong việc phát triển kinh tế. Nước Trung Hoa đang ở vào thời kỳ chuyển tiếp, nếu không chịu thay đổi cho kinh tế và chính trị tự do thì sẽ bị sa lầy khi đụng tới những giới hạn đó, giống như tự rơi vào trong cái bẫy do chính mình giăng ra. Ðọc lại những đặc tính của kinh tế tư bản mà ông Richard Fisher nêu lên ở trên thì chúng ta hiểu tại sao chế độ độc tài sẽ đụng trần nhà. Kinh tế thị trường chỉ phát triển được nếu có tự do, nếu quyền lựa chọn của cá nhân được tôn trọng. Không có tự do, không cho con người tự do lựa chọn, không thể phát triển. Trong chế độ cộng sản thì ngược lại, “Phải đặt lợi ích của Ðảng lên trên hết, lên trước hết.” Ðó là lời ông Hồ Chí Minh viết từ năm 1947, in trong cuốn Sửa Ðổi Lối Làm Việc 2 (nhà xuất bản Sự Thật, Hà Nội, 1959, trang 31). Nhưng chính các đảng viên cộng sản sẽ tự thấy cái chế độ độc tài mà họ đang dùng để bảo vệ và thụ hưởng các quyền lợi sẽ đụng giới hạn. Họ sẽ phải thay đổi chính chế độ đó. Việc gia nhập tổ chức WTO thúc đẩy cho việc thay đổi nhanh hơn, triệt để hơn. Không thay đổi không được. Giản dị lắm, trong những quy ước của WTO không có điều nào nói “Phải đặt lợi ích của Ðảng lên trên hết, lên trước hết” cả, mặc dù các ông Ðỗ Mười, Nông Ðức Mạnh, Nguyễn Tấn Dũng muốn nói gì thì nói. Một bài nghiên cứu của Giáo Sư Surya P. Subedi, Ðại Học Leeds, Anh Quốc, đã nêu lên những “nhiệm vụ của chính quyền Việt Nam khi gia nhập tổ chức WTO.” Ông nêu lên 24 điểm thách thức mà đảng Cộng Sản Việt Nam sẽ phải thực hiện. Chính quyền Việt Nam sẽ phải thay đổi luật pháp, muốn vậy phải trao thêm quyền cho quốc hội, tức là không để quốc hội đóng vai bù nhìn làm nghị gật như cũ. Phải tăng lương cho các đại biểu quốc hội, phải có phương tiện cho họ hoạt động, và quốc hội phải họp suốt cả năm chứ không theo lối mỗi năm nghỉ hè 11 tháng như bây giờ! Các đại biểu quốc hội phải được bầu lên chỉ để làm việc đại biểu cho dân mà thôi - chứ không vừa làm đại biểu vừa làm công chức, cán bộ do đảng phát lương! Phải cho các đại biểu quốc hội đi học thêm về luật pháp quốc tế. Trong chính phủ phải có một bộ riêng lo việc liên lạc với quốc hội trong quá trình lập pháp để bảo đảm luật được công bố và thi hành. Sẽ có các chuyên viên quốc tế đến giúp đỡ cho các đại biểu quốc hội hiểu làm luật như thế nào. Phải cho các thẩm phán đi học lại, thay đổi hệ thống tư pháp cho phù hợp với luật pháp quốc tế. Các cán bộ nhà nước cấp cao cũng như thấp cũng phải đi học lại giống như vậy. Ông Subedi nhấn mạnh: Cần phân tách quyền hạn rõ ràng hơn giữa hành pháp, lập pháp và tư pháp, ba cơ quan thuộc nhà nước. Ông không nói gì tới việc tách đảng Cộng Sản ra khỏi nhà nước, nhưng khi thực hiện được tam quyền phân lập thì không biết đảng còn dùng để làm gì? Ðây chính là một cải cách về chính trị. Nhưng ông Subedi vẫn nói thêm: Các cuộc cải cách kinh tế cần phải kèm theo các cải cách chính trị để duy trì mức tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Ông Subedi tóm tắt lại 24 thử thách kể trên thành 14 nhiệm vụ mà đảng Cộng Sản Việt Nam phải làm. Nhiệm vụ thứ 6 nói rõ: Cải cách chính trị đi kèm cải cách kinh tế. Ðiều số 8 viết: Nắm bắt các lý tưởng của chủ nghĩa tư bản, trong đó có các giá trị của thị trường tự do. Ðiều 10 nói đến chính sách minh bạch công khai. Ðiều 11, Áp dụng thống nhất các chính sách trên toàn quốc. Ðiều thứ 13 viết: Hạn chế các hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước. Ðiều 14, ấn định thời hạn cho kinh tế được tự do. Nhìn vào những điều mà ông Subedi nêu ra, chúng ta hiểu vì sao cánh bảo thủ trong đảng Cộng Sản chống việc gia nhập WTO. Vào WTO là ký tên dưới bản Tuyên Ngôn Kinh Tế Tư Bản. Không còn ai nhớ có cái bản Tuyên Ngôn Cộng Sản nữa. Ông Subedi kết luận rằng: “Tương lai kinh tế của đất nước tùy thuộc vào cách điều tiết quá trình tự do hóa nền kinh tế và hội nhập kinh tế, qua luật pháp.” Cuối cùng Việt Nam thành công hay không “sẽ tùy thuộc vào quá trình làm luật của quốc hội.” Liệu đảng Cộng Sản Việt Nam có muốn “hoàn tất các nhiệm vụ” sau khi gia nhập tổ chức WTO hay không? Ai cũng biết Bộ Chính Trị và Trung Ương Ðảng không muốn, bất đắc dĩ họ phải chịu. Ai dại gì nhả nắm xôi đang ngậm trong miệng, buông bỏ những quyền hành đang nắm chặt trong tay? Nhưng họ làm sao bảo vệ được các quyền lợi của ba triệu đảng viên cộng sản? Ðến đây thì ta phải nhìn tới vai trò của đồng bào Việt Nam. Người dân nước ta sẽ được thấy những ích lợi của kinh tế tự do khi nước mình gia nhập WTO. Họ sẽ ý thức rằng các điều kiện gia nhập WTO được thi hành là con đường dẫn tới phát triển kinh tế. Mà WTO chỉ đòi hỏi các điều kiện để cho việc thương mại giữa các nước được tự do hơn; người dân sẽ thấy chính họ được tự do hơn. Ðảng Cộng Sản không thể mị dân, nói rằng WTO là một thứ đế quốc. Nó có bắt nước nào phải gia nhập hay không? Không thích thì sao lại làm đủ mọi cách để được gia nhập? Người công nhân sẽ thấy nền kinh tế hội nhập vào thế giới mang lại các thị trường mới giúp giới lao động có thêm việc làm, người doanh nhân thấy làm ăn trong tự do và luật lệ minh bạch thì bớt phải hối lộ, có cơ hội phát triển doanh nghiệp. Nhiều thứ lợi ích do sự hội nhập vào kinh tế thế giới. Người Việt Nam sẽ được hưởng nếu chính quyền thực tâm hội nhập sau khi vào Tổ Chức WTO. Và họ sẽ muốn bảo đảm các quyền lợi đó có tính cách lâu dài, không bị mất khi đảng Cộng Sản thay đổi chính sách. Một cuộc nghiên cứu của Quỹ Dự Trữ Liên Bang Mỹ ở Dallas, cuối năm 2005, đã nêu lên những lợi ích của hội nhập kinh tế thế giới, riêng trong lãnh vực cải thiện guồng máy cai trị (governance). Các nhà nghiên cứu đã chọn 60 nước chia làm bốn nhóm, từ hội nhập ít nhất lên nhiều nhất. Ðứng đầu về hội nhập là những nước như Singapore, Ireland, Ðan Mạch, Mỹ, vân vân. Ðứng thấp nhất trong việc hội nhập có những nước như Trung Quốc, Brazil, Ấn Ðộ, Nga. Những nước hội nhập nhất thì lạm phát thấp, kinh tế ổn định, nạn tham nhũng rất thấp, guồng máy hành chánh hữu hiệu, thuế khóa thấp và lành mạnh, quyền tư hữu được tôn trọng; các nước ít hội nhập thì ngược lại. Gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới là một bước đi thẳng vào tiến trình hội nhập kinh tế hoàn cầu. Người dân Việt Nam sẽ thấy tương lai từ từ sáng dần lên. Và khi được nếm những quyền tự do kinh doanh, tự do thương mại, dần dần người ta sẽ thấy có quyền tự do lựa chọn là quý. Sau cùng, sẽ thấy quyền tự do quan trọng nhất là được bày tỏ ý kiến về những người cầm quyền, và chính mình lựa chọn, thay đổi người cầm quyền. Ðó là phương pháp duy nhất để chính quyền làm theo nguyện vọng của người dân. Cho nên, chúng ta có thể lạc quan tin tưởng khi nghe tin Việt Nam sẽ được vào WTO. Vì tin tưởng vào đồng bào Việt Nam. Người Việt Nam không ngu dốt, cũng không hèn. Ðồng bào ta sẽ biết đâu là quyền lợi của chính mình, sẽ tranh đấu, sẽ bảo vệ các quyền lợi đó. NGÔ NHÂN DỤNG (01.06.2006) www.TDNgonLuan.com hoan nghênh ý kiến đóng góp của qúy vị độc giả. Xin email về: tdngonluan@yahoo.com hay type vào hộp Ý Kiến/Comment Box ở dưới đây và nhấn vào nút "Submit" để gởi đi. Trân trọng: |