Mọi người có quyền tự do ngôn luận; quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và phổ biến mọi loại tin tức và ý kiến, không phân biệt ranh giới, bằng truyền miệng, bản viết hoặc bản in, bằng hình thức nghệ thuật, hoặc thông qua bất cứ phương tiện truyền thông đại chúng khác theo sự lựa chọn của mình (Điều 19,2 Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Liên Hiệp Quốc biểu quyết năm 1966, Việt Nam xin tham gia năm 1982). (Everyone shall have the right to freedom of expression; this right shall include freedom to seek, receive and impart information and ideas of all kinds, regardless of frontiers, either orally, in writing or in print, in the form of art, or through any other media of his choice.)

Ngay sau tháng tư đen 1975 (mà toàn dân VN sắp kỷ niệm với hàng chục triệu người miền Nam buồn, hàng chục triệu người miền Bắc tiếc và có lẽ vài triệu đảng viên vô sản nay thành tư bản vui), những công dân VNCH cũ đều rợn người lạnh gáy khi lần đầu tiên nghe trong bài “Giải phóng miền Nam” có câu: “Ôi xương tan máu rơi, lòng hận thù ngất trời!” rồi trong bài “Quốc ca” có câu “Đường vinh quang xây xác quân thù!” và “Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước!” Máu của ai? Xác quân thù nào sau “cuộc cải cách ruộng đất” với nửa triệu người bị giết chết? sau “cuộc tấn công Mậu Thân” với gần chục ngàn dân thường bị chôn sống? sau “cuộc chiến tranh giải phóng” với từ 3 đến 4 triệu người tan thây? Quân ngoại chủng tàn ác xâm lược ư? Không rợn người sao được khi trước đó, trong bài Quốc ca VNCH, nếu có nói đến máu xương thì chỉ là máu xương do sự hy sinh bản thân mình vì quê hương dân tộc: “Dù cho thây phơi trên gươm giáo, thù nước lấy máu đào đem báo”, hoặc trong bài “Việt Nam Việt Nam” nổi tiếng (mà đồng bào miền Nam đều biết và lúc ấy có một số đề nghị thay thế bài “Tiếng gọi công dân”) lại có câu: “Việt Nam không đòi xương máu! Việt Nam kêu gọi thương nhau! Việt Nam đi xây đắp yên vui dài lâu!”

Người dân miền Nam lại càng rợn người tiếp khi những năm tháng sau đó, cứ luôn nghe ra rả bên tai những cụm từ “kẻ thù của nhân dân”, “có nợ máu với cách mạng”, những cụm từ khoác một cách đương nhiên lên quân cán chính Việt Nam Cộng Hòa (những con người đã tự vệ hòng bảo vệ tự do) để đày đọa bản thân họ trong các nhà tù chốn rừng sâu nước độc, với lao động khổ sai, mang tên “trại cải tạo”; để đày đọa thân nhân họ trong các lán trại nơi khỉ ho cò gáy, lao động trên vùng đất chó ăn đá gà ăn sỏi, mang tên “khu kinh tế mới”. Cụm từ “kẻ thù của nhân dân”, “có nợ máu với cách mạng” tiếp tục được chụp lên những nhà tư sản miền Nam từng biết làm giàu vật chất cho đất nước nhưng nay tài sản của họ là mối thèm thuồng cho những kẻ chiến thắng khố rách áo ôm từ miền Bắc vào; chụp lên những văn nhân nghệ sĩ miền Nam từng biết làm giàu tinh thần cho dân tộc nhưng nay tác phẩm của họ là mối nguy cơ cho những kẻ thống trị chỉ muốn quản lý tất cả, từ kinh tế tới văn hóa, từ thể xác tới tâm hồn, để nắm trong tay mọi quyền lực và quyền lợi; chụp lên những chức sắc tín đồ từng biết làm giàu tâm linh cho xã hội nhưng nay uy lực tinh thần của họ là sự thách thức cho những kẻ chủ trương duy vật vô thần luôn mong thú vật hóa, công cụ hóa mọi người dân để dễ bề thống trị.

Trong cảnh hòa bình (theo nghĩa “cách mạng” đã đè bẹp mọi đối lực), những từ “kẻ thù”, “hận thù”, “thù địch” không vì thế mà biến mất nhưng chỉ chuyển đổi nội dung và đối tượng. Trong tình thế mở cửa để nhân dân mà nhất là đảng viên cán bộ làm ăn kinh tế, kẻ thù từ nay chính là những nông dân, thị dân hay giáo dân không chịu giao đất, giao nhà, giao cơ sở, không chịu bán ruộng bán vườn bán linh địa với giá rẻ mạt cho những tên tư bản đỏ trong nước, tư bản cá mập nước ngoài. Trong những cuộc họp trước khi ra quân cướp nhà của Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng, cướp đất của thị dân ở Thủ Thiêm, cướp trường của giáo dân ở Loan Lý, cướp dòng của tu sĩ tại Thiên An, cướp ruộng của nông dân ở Văn Giang… hay trục xuất sư sãi tại Bát Nhã Lâm Đồng, đàn áp giáo dân tại Mỹ Yên Nghệ An, tấn công tín đồ ở Chợ Mới An Giang, giải tán sắc tộc ở Hàm Yên Tuyên Quang…, đám công an, dân phòng, côn đồ đang hí hửng vì món tiền thưởng hậu hĩ vừa nhận hay sẽ nhận từ các công ty hay đảng ủy, đại khái đều nghe chỉ thị: “Bọn sắp chống lại các đồng chí chính là kẻ thù của nhân dân, phá hoại chủ trương của chính phủ, cản trở sự phát triển của đất nước. Cứ ra tay mạnh vào: dùi cui, roi điện, lựu đạn cay, súng hoa cải cứ mặc tình sử dụng; tiền bạc, vòng vàng, máy ảnh, điện thoại, xe cộ của bọn chúng cứ tha hồ cướp lấy….”.

Rồi trong tình cảnh quốc dân ngày càng không chịu nổi sự cai trị xã hội, quản lý đất nước, điều hành kinh tế vừa ngu dốt, vừa tham lam, vừa dối gian, vừa tàn bạo của đảng Cộng sản nên đã đứng lên đủ mọi giới để phản kháng và đòi hỏi; trong tình cảnh quốc tế ngày càng săm soi những hành vi vi phạm nhân quyền trầm trọng, những báo cáo thành tích nhân quyền láo khoét của nhà cầm quyền Hà Nội nên đã thường xuyên nhắc nhở và áp lực, kẻ thù từ nay chính là “bọn rận chủ” (lời của đám dư luận viên), “bọn quấy phá”, “bọn bị giật dây”, “bọn phản động”, “đám vi phạm pháp luật”, “đám biểu tình vì tiền” (lời của thứ trưởng ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn), “lũ cấu kết với các lực lượng thù địch nước ngoài” (lời của bộ công an Ba Đình), “những kẻ nhận định sai trái, thiếu thiện chí về Việt Nam” (lời của bộ ngoại giao Hà Nội). Nghĩa là Cộng sản nhìn ở đâu và lúc nào cũng thấy kẻ thù. Điều đó dễ hiểu vì các ông tổ ông cố của họ (Karl Marx, Lenine) đã phân thế giới nhân loại thành hai kẻ thù sống mái một mất một còn: tư bản và cộng sản, vì các ông cha ông thầy của họ (Mao, Hồ) đã dạy: chính quyền ở đầu mũi súng, đảng ta là đảng cầm quyền (độc nhất và vĩnh viễn), nên “mọi ai chống lại tôi đều phải chết” (lời Hồ Chí Minh), “kẻ không yêu xã hội chủ nghĩa là phản động” (lời Lê Duẩn) và phải bị đào thải, tiêu diệt.

Đang lúc đó tinh thần nhân bản của thế giới văn minh, của dân tộc thuần hậu thì đều không hận thù, không báo thù cách tập thể và tàn bạo, nhất là sau những cuộc chiến tự vệ: thái độ của Bắc quân đối với Nam quân sau cuộc nội chiến Hoa Kỳ (1861-1865), thái độ của Đồng minh đối với phe Trục (Đức, Nhật) sau cuộc Thế chiến thứ II (1939-1945), thái độ của vua quan nhà Trần đối với quân Nguyên Mông bại trận, của vua quan nhà Hậu Lê đối với quân Minh đầu hàng… Hiện nay cũng thế, phong trào đấu tranh dân chủ trong lẫn ngoài nước đều chủ trương bất bạo động dù bị đàn áp khốc liệt, các cuộc biểu tình chống Tàu cộng xâm lăng, nhớ Tử sĩ yêu nước đều diễn ra trong sự ôn hòa dù bị phá cản cách vô văn hóa hay vô pháp luật, các cuộc xuống đường đòi đất đai nhà cửa của nhân dân cũng chưa có những cảnh bạo động dữ dằn (ngoại trừ súng hoa cải của Đoàn Văn Vươn và súng colt của Đặng Ngọc Viết) dù bị giải tán bởi đối lực đông đảo, côn đồ, hung hăng và tàn bạo. Thí dụ gần đây nhất và đánh động nhất là lời dặn dò trước lúc lâm chung (do bị CS đầu độc) của tù nhân lương tâm, nhà giáo Đinh Đăng Định: “Không được giữ lòng thù hận, chúng ta không phải là kẻ thù của nhau”, là thái độ tha thứ khi ra khỏi ngục của người tù thế kỷ Nguyễn Hữu Cầu. Ta hãy nghe lời linh mục Vĩnh Sang trong bài “Đem yêu thương vào nơi oán thù” viết hôm 30-03-2014: “Trong chương trình “Việt Nam Tuần Qua” [của Truyền thông Chúa Cứu Thế], ông chia sẻ về hành trình đức tin của mình, một người tù xuyên thế kỷ được gặp Chúa và những người tù khác đã được gặp Chúa, họ được biến đổi hoàn toàn. Những hận thù đau đớn biến mất trong ông, còn lại chỉ là niềm bình an sâu xa, sức mạnh tinh thần và lòng yêu thương. Những người khác cũng vậy, ông kể về một bạn tù: “Nó biến đổi hoàn toàn, không còn như xưa nữa; trước đây nó là trùm của các trùm, nay đã thay đổi”. Điều làm tôi xúc động khi ông kể: lúc bị biệt giam, dây xích quấn quanh cổ chân, ông ngồi trong tư thế như vậy ngày này qua ngày khác, nhưng vẫn bình an vì ông dùng chính dây xích ấy để làm tràng hạt Mai Khôi… Một bài hát cầu nguyện sáng tác trong tù, ông đã đổi chữ “thù hận” ra chữ khác vì lòng ông không còn hận thù nữa”. Một cán bộ Cộng sản phản tỉnh, cụ Lê Hồng Hà, cựu chánh văn phòng bộ Công an, trong bài viết mới công bố “Mấy suy nghĩ về tình hình, nhiệm vụ hiện nay”, cũng đã chứng tỏ tinh thần không thù hận khi mong mỏi rằng cuộc chuyển biến chính trị tại VN trong thời gian tới sẽ không phải là một cuộc đảo chính, một cuộc lật đổ chính quyền, không phải là một cuộc khởi nghĩa đầy máu lửa, một cuộc đổi thay đầy bạo lực, nhưng nên như một sự canh tân hệ thống chính trị cách cơ bản, nghĩa là một sự chuyển đổi chế độ cai trị cách ôn hòa, trong đó vẫn giữ Chính phủ và Quốc hội, chỉ loại bỏ sự cai trị mặc định vĩnh viễn của đảng Cộng sản. Sở dĩ cần giữ nguyên Chính phủ và Quốc hội là để các hoạt động hành chánh, kinh tế, văn hóa, xã hội, được tiếp diễn bình thường. Rồi mọi chế độ lương bổng, hưu trí, phụ cấp cho những người về hưu, những đối tượng xã hội vẫn tiếp tục trong công bình và hợp lý, kẻo xảy ra xáo trộn, đình trệ.

Nhưng dù không thù hận, nhân dân vẫn quyết đòi công lý. Trước hết đó là đòi hỏi những kẻ đã gây sai lầm và tội ác trên đất nước hơn 60 năm qua, gây đau khổ và thiệt hại cho đồng bào gần thế kỷ tròn (cụ thể là đảng Cộng sản) phải biết tỏ lòng sám hối. Sự hòa giải hòa hợp dân tộc trước tiên phải khởi từ việc kẻ mắc tội với dân tộc phải cầu xin dân tộc sự tha thứ (như trong tôn giáo, tội nhân có sám hối mới được Trời Phật thứ tha). Đây chẳng có gì ô nhục mà là nét cao của con người.

Thứ đến, đó là trả lại mọi sinh quyền cho người sống và mọi linh quyền cho người chết, mọi nhân quyền cho con người và mọi dân quyền cho công dân. Cụ thể ra, đó là phục hồi danh dự cho những cá nhân và tập thể bị vu khống, thóa mạ đang còn sống hay đã qua đời, xây lại nghĩa trang mồ mả họ, dựng lại bia đá tưởng niệm họ đã bị tàn phá đục bỏ, viết lại sử sách lăng nhục họ đã được phổ biến tuyên truyền. Đó là biểu dương công lao của những ai đã bỏ mình vì nước, coi như anh hùng liệt sĩ dân tộc, dù thuộc bất cứ chiến tuyến nào; đó là cầu siêu với thành tâm tin tưởng (như thế phải bỏ xác tín vô thần) cho mọi đồng bào đã chết oan ức trong các cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn, trong các cuộc cải tạo xã hội tàn bạo, do chế độ cai trị bất công, do chế độ lao tù khắc nghiệt. Đó là thả hết mọi tù nhân lương tâm, trả lại danh dự và tài sản, đền bù mọi thiệt hại tinh thần và vật chất cho bản thân lẫn gia đình họ.

Đó là bãi bỏ Hiến pháp soạn theo Cương lĩnh đảng, các Bộ luật viết vì ích lợi đảng, chấn chỉnh hệ thống hành chánh củng cố quyền lực đảng, bộ máy công an thi hành theo lệnh đảng, xây dựng một nền giáo dục thôi đào tạo ra công cụ cho đảng, một mạng lưới thông tin thôi tuyên truyền cho đảng. Đó là bầu ra một Quốc hội thật sự đại diện cho dân và trách nhiệm trước dân, một Chính phủ thực sự của dân, do dân và vì dân. Đó là thành lập một Quân đội đứng trung lập trong mọi cuộc tranh chấp giữa nhân dân với nhà nước, đứng hiên ngang trước quân thù xâm lược đang hiện diện ngoài biển cả hay trong đất liền. Đó là mời gọi Đồng bào tha hương trở về giúp nước trong thái độ chiêu hiền đãi sĩ chân thành, tôn trọng tài năng và quyền lợi của họ giữa một thể chế dân chủ và tự do.

Ban Biên Tập (số 193, ngày 15-4-2014)
-Nhấn vào Link này để "download" (save as) Bán nguyệt san TDNL ở dạng (format): .doc, sẽ chậm (xin kiên nhẫn!), nếu bạn không sử dụng đường dây cao tốc Internet DSL, nhưng toàn bộ mỗi số báo 32 trang sẽ giữ dạng nguyên thủy, như là 1 file duy nhất: http://www.tdngonluan.com/pdf/TuDoNgonLuan_So193_15April2014.doc
....................................................................................................

Chân    thành    cảm    tạ    qúy    vị    ghé    thăm    trang    nhà    website    Tự    Do    Thông    Tin    Ngôn    Luận    cho    toàn    dân    Việt Nam

Copyright © 2006 www.tdngonluan.com/Email: witness2005@gmail.com/Webmaster: legraphic@yahoo.com - All rights reserved.