Mọi người có quyền tự do ngôn luận; quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và phổ biến mọi loại tin tức và ý kiến, không phân biệt ranh giới, bằng truyền miệng, bản viết hoặc bản in, bằng hình thức nghệ thuật, hoặc thông qua bất cứ phương tiện truyền thông đại chúng khác theo sự lựa chọn của mình (Điều 19,2 Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Liên Hiệp Quốc biểu quyết năm 1966, Việt Nam xin tham gia năm 1982). (Everyone shall have the right to freedom of expression; this right shall include freedom to seek, receive and impart information and ideas of all kinds, regardless of frontiers, either orally, in writing or in print, in the form of art, or through any other media of his choice.)

Có thể nói hôm 26 tháng 09 vừa qua là ngày khai mở trận chiến cuối cùng cho nhân quyền và dân chủ tại Việt Nam. Dọn đường gần cho việc này chính là sự kiện hôm 22-09, hơn 1.100 hộ gia đình thuộc giáo xứ Đông Yên, xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh –dưới sự hướng dẫn của linh mục quản xứ Trần Đình Lai và sự cố vấn của luật sư Trần Vũ Hải– đã gửi lên Quốc hội và chính phủ Việt Nam đơn yêu cầu trích cho họ 2.000 tỷ trong số 11.500 tỷ mà Formosa đã bồi thường. Theo danh sách liệt kê đính kèm, tiền đòi bồi thường của từng hộ gia đình được tính dựa trên thiệt hại thu nhập trung bình trong 6 tháng vừa qua (4 đến 9), thiệt hại tài sản vật chất dùng cho việc sản xuất kinh doanh và thiệt hại thu nhập trung bình trong 5 năm tới do hậu quả tàn phá môi trường biển mà Công ty Formosa –vốn nằm cạnh giáo xứ Đông Yên– là thủ phạm. Lá đơn cho biết: nếu trong vòng 15 ngày, Việt cộng không nhanh chóng đền bù thiệt hại cho dân xã Kỳ Lợi, họ sẽ đồng loạt tiến hành khởi kiện Formosa ra tòa án.

Nhà cầm quyền còn đang choáng váng thì chỉ 4 hôm sau, 600 ngư dân, đa phần là giáo dân giáo xứ Phú Yên thuộc giáo phận Vinh (nằm tại địa bàn huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An), dưới sự hướng dẫn của linh mục quản xứ Ðặng Hữu Nam và sự giúp đỡ của nhiều luật sư, ngay từ sáng sớm đã vượt qua quãng đường 200 km, vào đến tòa án nhân dân thị xã Kỳ Anh, nơi nhà máy của Formosa đang hoạt động, để nộp đơn khởi kiện tên tội phạm môi trường sừng sỏ thế giới này. Tất cả diễn ra trong âm thanh đệm -từ giữa sân tòa- của những lời cầu nguyện, những ca khúc “Kinh Hòa bình”, “Trả lại cho Dân”, của những câu hô: “Yêu cầu khởi tố Formosa”, “Formosa cút khỏi Việt Nam”, trong màu sắc rực rỡ của hàng trăm bộ đồng phục in hình xương cá, của hàng chục băng rôn, khẩu hiệu: “Yêu cầu trả biển sạch cho ngư dân”, “Hãy trả lại việc làm cho chúng tôi”, “Ai đã ưu đãi cho Formosa làm trái pháp luật?”, cũng như trong tình cảm thắm thiết là lời hứa hẹn sẽ cùng khởi kiện của đồng đạo từ các giáo xứ lân cận như Đông Yên, Mạnh Sơn, Quý Hòa, Dũ Lộc…. Cuộc nộp đơn đã phải kéo dài đến trưa hôm sau, với 506 bộ hồ sơ được tòa án nhận.

Sở dĩ có sự kéo dài thời gian như thế, đó cũng do cơn hoảng loạn của cái nhà cầm quyền luôn ngoác miệng tự xưng “của dân, do dân, vì dân” nhưng thực chất là “cướp dân, dọa dân, ví (vây) dân”! Thật thế, ngay trong ngày 26-09-2016, khi đoàn xe đang trên đường chở bà con đến tòa án Kỳ Anh, giữa lúc cư dân địa phương, đồng bào quốc nội lẫn hải ngoại và cộng đồng mạng sôi nổi ủng hộ, với những sự đóng góp tiền bạc trước đó và những lời kêu gọi trợ giúp từ đây cho những ngư dân xác xơ, kiệt quệ, ly tán vì biển chết, nay bất đắc dĩ lâm thế “vô phúc đáo tụng đình” tại một tòa án cách xa nơi mình ở hơn 200 km, thì nhà cầm quyền Việt cộng trung ương và Nghệ An, Hà Tĩnh lại triển khai nhiều biện pháp đối phó, ngăn chặn mang tính chất nghi kỵ, thù nghịch (vốn nằm trong máu của những kẻ 71 năm qua đã cướp quyền từ tay nhân dân bằng bạo lực). An ninh địa phương gọi điện hăm dọa nhiều chủ xe chở bà con từ hôm trước và hứa sẽ “cho biết tay” những tài xế không theo lệnh ở nhà. Công an mật vụ thì đeo bám, lập chốt dọc đường ghi hình đoàn xe, như kiểu “săn bắt cướp”. Bộ công an từ Hà Nội còn trâng tráo gọi điện, yêu cầu linh mục quản xứ Đông Yên Trần Đình Lai hủy kế hoạch khoản đãi bà con bữa cơm trưa sau chặng đường dài, ngoài ra bộ còn điều xe cùng lực lượng tăng cường từ Hà Nội vào Hà Tĩnh. (Y như cách đây 60 năm, ngày 14-11-1956, Hồ Chí Minh đã sai Văn Tiến Dũng điều động Sư đoàn 312 vào Quỳnh Lưu tiêu diệt chính tổ tiên của đoàn người khiếu kiện hôm nay, khi họ đứng lên chống lại cuộc Cải cách ruộng đất đẫm máu và tàn bạo do chính y phát động). An ninh, cảnh sát vây kín tòa án Kỳ Anh, hùng hổ chen vào, ngang ngược trắng trợn ghi hình mặt mũi từng ngư dân như cố tình khiêu khích, hăm dọa trả thù, một số còn trà trộn vào để gây hấn, tạo bạo loạn. Máy phá sóng cũng được điều tới, giữa lúc trên mạng, đám dư luận viên vô liêm sỉ tiếp tục thóa mạ linh mục Đặng Hữu Nam, gọi ngài Ngài là “con quỷ đội lốt người”, “kẻ phản dân, hại nước” !

Nhưng ai mới thật là con quỷ đội lốt người, kẻ phản dân hại nước, ta hãy nhìn lại tiến trình của sự việc từ khi Formosa và Tàu cộng hủy hoại biển miền Trung vào đầu tháng 4 đến giờ.

Ngay khi thảm họa được phát hiện, Nguyễn Phú Trọng đã nhanh nhẩu đến Hà Tĩnh không phải để thăm viếng ủy lạo ngư dân đang bàng hoàng, mà là để ghé nhà Formosa, khen ngợi nó (“Hà Tĩnh đang đi đúng hướng”), như ngầm đưa ra một thông điệp trấn an: Các đồng chí Tàu chớ lo sợ! một thông điệp sắc lạnh: Đây là nơi cấm kỵ, không được đụng vào! Tiếp đến, quan chức đủ bộ hết đổ cho "thủy triều đỏ", "tảo nở hoa", lại hăm dọa: “Nói cá chết là gây tổn hại cho đất nước?". Quá phẫn uất, nhân dân bày tỏ thái độ phản đối thói vô trách nhiệm của đám chóp bu trước thảm họa môi trường thì bị rình rập, khủng bố, bắt như bắt giặc, đánh như đánh thù; ngay cả những vị lãnh đạo tinh thần lên tiếng bênh vực nạn nhân cũng bị thóa mạ cách vô liêm sỉ. Chưa hết, cán bộ, lãnh đạo đua nhau xúi dân ăn cá thấm độc, tắm biển nhiễm độc bằng những trò trình diễn đầy tính lường gạt, mà không hề cho dân biết độc hại ra sao, nguy hiểm thế nào. Đúng là quảng cáo cho thần chết mà nạn nhân là đồng bào của họ. Rồi lại cấm y sĩ xác nhận những trường hợp lâm bệnh do tiếp xúc với nước biển như các thợ lặn; cấm báo chí lên tiếng về thảm họa miền Trung, phạt nặng những tờ đăng bài viết bày tỏ sự thông hiệp với nạn nhân cá, nạn nhân người.

Rồi 3 tháng sau, vào tận những giờ cuối cùng của ngày cuối cùng tháng 6, khi sắp tràn ly nước phẫn nộ của công luận, nội các Nguyễn Xuân Phúc mới “họp báo chính phủ” tuyên bố thủ phạm là Formosa, sau khi đã ngang nhiên đình chỉ -vài hôm trước đó- việc thi hành bộ Luật Tố tụng hình sự mới để chính tên tội đồ này khỏi bị khởi kiện và truy tố như một pháp nhân. Rồi cùng lúc với việc tuyên bố thủ phạm, nhân dân té ngửa ra là nhà nước đã bí mật thương lượng trên lưng của họ và nỗi đau của họ, đã tự tiện giành quyền nạn nhân của họ để ngửa tay nhận món tiền bố thí –mà còn lấy làm đắc ý và hãnh diện– là 500 triệu đôla bèo bọt. Lố bịch hơn nữa, chính phủ còn đưa ra lời kêu gọi nhân dân hãy khoan hồng độ lượng với Formosa, đừng đưa nó ra tòa tội nghiệp! Ngay sau đó, công luận lại biết được rằng số tiền gọi là hoàn thuế cho tên tội phạm môi trường này cũng xấp xỉ với số tiền nó đã quẳng vào mặt nạn nhân (gồm cả nhân dân và nhà nước). Như đổ thêm dầu vào lửa, mới đây bộ Tài nguyên Môi trường còn họp báo để tuyên bố lếu láo rằng biển miền Trung đã tự làm sạch mà không cần nhà nước phải ra tay tẩy độc chất, nạo vét biển; nhân dân từ đây tha hồ ăn cá lại, tắm biển lại, nuôi hải sản lại !?!

Thế nhưng, giờ đây nhân dân đã ném tất cả những lời lẽ dối trá ấy vào sọt rác, quăng những hành động trấn áp ấy lại sau lưng, vì đó chỉ là của lũ quỷ đội lốt người, bọn phản dân hại nước, để tiến hành cuộc chiến đấu cuối cùng, mà mở đầu là trận đánh pháp lý.

Trước hết là khai thác “sai lầm pháp lý chiến lược” của nhà cầm quyền, theo kiểu nói của luật sư Lê Công Định trong một bài viết gần đây. Sai lầm pháp lý chiến lược ấy là đám chóp bu Ba Đình đã vội vã thương lượng với Formosa một khoản tiền bồi thường hoàn toàn thiếu cơ sở pháp lý về mọi phương diện, bất chấp thiệt hại thực tế của các nạn nhân (mà nói cho đúng là toàn thể dân tộc). Thay vì đứng về phía nhân dân xử lý thảm họa môi trường và buộc kẻ vi phạm tuân thủ luật pháp quốc gia, đám cầm quyền Hà Nội lại chọn giải pháp bao che kẻ thủ ác vì những lý do khó hiểu (phải chăng sợ đàn anh Tàu cộng, phải chăng thi hành điều khoản mật ước Thành Đô?), và nhục nhã trở giáo đối địch với nhân dân mình. Trong cuộc chiến vì môi trường hiện thời, sai lầm ấy nay trở thành điểm yếu của bên lẽ ra nắm giữ ngọn cờ chính nghĩa là nhà nước, nếu họ biết lựa chọn đứng bên cạnh đồng bào của mình (như chính phủ và bộ tư pháp Hoa Kỳ đã đứng bên cạnh nhân dân Mỹ trong vụ tràn dầu ở vịnh Mexico). Đang khi đó, kiên trì tận dụng giải pháp pháp lý nay trở thành thế mạnh của bên yếu thế ban đầu chính là các nạn nhân của thảm họa ở miền Trung.

Cũng theo luật sư Định, do sai lầm pháp lý chiến lược của mình, đảng và nhà cầm quyền Hà Nội đã dại dột biến vấn đề thuần túy dân sự thành vấn đề chính trị. Họ sẽ mãi mãi nhức óc mệt trí vì nỗi ám ảnh chính trị này, bởi trận chiến pháp lý-chính trị chống Formosa chỉ mới bắt đầu, trừ phi họ phải sớm từ bỏ Formosa như từ bỏ con tàu Titanic chắc chắn sẽ bị đánh chìm bởi cơn phẫn nộ của toàn thể dân tộc. Bên cạnh đó có một sai lầm pháp lý chiến thuật là việc cấm khởi kiện tập thể. Từ trước đến nay, Việt cộng cho đó là khôn ngoan, vì sẽ làm nhiều ngàn người có ý định khởi kiện cùng một đối tượng giống nhau phải e dè do ngại đáo tụng đình đơn độc. Nay các nguyên đơn chẳng còn e ngại nữa, bởi họ đang đứng trước câu hỏi "tồn tại hay không tồn tại", đã biết đoàn kết để cùng kéo nhau kiện tụng. Tòa án nào chịu thấu? Hàng ngàn rồi hàng chục ngàn đơn kiện của các nạn nhân sẽ tràn ngập tòa án nhân dân thị xã Kỳ Anh, khiến nó sẽ bị tê liệt và sẽ nổi danh toàn cầu vì nghiễm nhiên trở thành nơi nóng bỏng nhất của ngành tư pháp toàn thế giới.

Nhiều người nghĩ rằng cuộc chiến pháp lý ấy nên diễn ra ở nước ngoài mới may ra giành lại công lý cho nạn nhân, chẳng hạn kiện lên Chương trình Môi trường của Liên Hiệp Quốc hay lên Tòa án Hình sự quốc tế – ICC vốn vừa tuyên bố sẽ thụ lý các vụ án liên quan tới hành vi hủy hoại môi trường. Thiển nghĩ chiến trường phải ở Việt Nam, nơi thảm họa đang xảy ra và nạn nhân đang sinh sống. Và công cụ pháp lý phải là vũ khí chiến lược, cần được sử dụng một cách uyển chuyển nhưng kiên trì và quyết liệt.

Liệu nhà nước Việt cộng – vốn xưa nay không hề chùn tay trước việc tàn sát đồng bào ruột thịt và chẳng e ngại sử dụng bất cứ phương tiện xấu xa thô bỉ, bất nhân thất đức nào- dám đàn áp hàng ngàn nguyên đơn khắp nơi đến tòa án Kỳ Anh nộp đơn khởi kiện không? Có thể lắm, nhưng nếu đàn áp xảy ra, những vụ kiện thuần túy dân sự thế này sẽ nhanh chóng bùng lên thành cơn lốc chính trị thổi phăng cái chế độ ngày càng bộc lộ bản chất phản dân hại nước và nô lệ Tàu cộng. Khi đó, Formosa sẽ bị tống cổ khỏi Vũng Áng, Hoa Sen sẽ bị chặn đường vào Ninh Thuận, Luật Tôn giáo sẽ bị tiêu trừ, Luật về Hội hết âm mưu tròng cổ, thủ phạm đích thực vụ em Đỗ Đăng Dư sẽ bị trừng phạt và đảng Việt cộng (từ Hồ Chí Minh trở xuống) sẽ phải trả lời trước công lý nhân dân.

Ban Biên Tập (số 252 ngày 1-10-2016)
-Nhấn vào Link này để "download" (save as) Bán nguyệt san TDNL ở dạng (format): .doc, sẽ chậm (xin kiên nhẫn!), nếu bạn không sử dụng đường dây cao tốc Internet DSL, nhưng toàn bộ mỗi số báo 32 trang sẽ giữ dạng nguyên thủy, như là 1 file duy nhất: http://www.tdngonluan.com/pdf/TuDoNgonLuan_So252_1October2016.doc
....................................................................................................

Chân    thành    cảm    tạ    qúy    vị    ghé    thăm    trang    nhà    website    Tự    Do    Thông    Tin    Ngôn    Luận    cho    toàn    dân    Việt Nam

Copyright © 2006 www.tdngonluan.com/Email: witness2005@gmail.com/Webmaster: legraphic@yahoo.com - All rights reserved.