“Mọi
người có quyền tự do ngôn luận; quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp
nhận và phổ biến mọi loại tin tức và ý kiến, không phân biệt ranh giới,
bằng truyền miệng, bản viết hoặc bản in, bằng hình thức nghệ thuật,
hoặc thông qua bất cứ phương tiện truyền thông đại chúng khác theo sự
lựa chọn của mình” (Điều
19,2 Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Liên Hiệp Quốc
biểu quyết năm 1966, Việt Nam xin tham gia năm 1982). (Everyone
shall have the right to freedom of expression; this right shall include
freedom to seek, receive and impart information and ideas of all kinds,
regardless of frontiers, either orally, in writing or in print, in the
form of art, or through any other media of his choice.)
|
D I Ễ N Đ À N
Người Hà Nội đang có trò đánh cá độ mới. Không, không ai đánh cá các trận đá bóng nữa. Chuyện đó cũ rồi. Cuối tuần này đảng Cộng Sản Việt Nam sẽ họp đại hội số 10. Cuộc đánh cá độ mới này nhắm vào Ðại Hội 10. Câu hỏi chính là: Liệu trong đại hội này vụ PMU 18 có được nói đến, nói lâu quá 5 phút hay không? Không chắc vụ PMU 18 có được người nào nhắc tới trong cái Ðại Hội 10 này hay không. Ðặc biệt là ở trong nước bao giờ người ta cũng đánh số đại hội bằng chữ số La Mã, viết là Ðại Hội X. Tại sao? Chắc là vì chữ số La Mã trông nó có vẻ đường bệ, vương giả hơn, giống như số thứ tự các triều vua hay giải Olympic vậy. Nhưng ngó thấy số La Mã người ta lại nghĩ tới mặt cái đồng hồ thời ông cố nội để lại; coi rất cổ kính uy nghi nhưng máy không chạy. Mà cái Ðại Hội 10 này cũng sẽ cho người ta biết liệu bộ máy đảng Cộng Sản còn chạy hay không. Vụ PMU 18 chính là một dấu hiệu. Nếu họ dám đem vụ PMU 18 ra bàn một cách rốt ráo, đến nơi đến chốn, thì bộ máy có vẻ vẫn còn có thể đem sửa cho chạy được. Nếu họ lờ đi coi như PMU 18 là chuyện nhỏ, chuyện lặt vặt không đáng kể, thì tức là cái máy hỏng hết thuốc chữa rồi. Nó vẫn kêu kính keng kính coong nhưng không ăn nhằm gì tới giờ giấc hết; mấy cái lò xo, con ốc nó tung ra hết rồi! Ông Lê Ðăng Doanh mới viết rằng vấn đề của vụ PMU 18 không phải là một vụ trừng phạt những cá nhân ăn cắp của công, mà là một vấn đề của cả hệ thống. Ông tiến sĩ kinh tế học đã từng làm việc qua mấy triều tổng bí thư và thủ tướng chính phủ, thiết tha yêu cầu Ðại Hội 10 hãy đem chuyện các ông Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Việt Tiến ra mà bàn cho ra lẽ. Ông nhắc lại vụ PMU 18 để đặt thẳng vấn đề phải xét lại “hệ thống chính trị và phương thức vận hành” của hệ thống đó. Phải mổ xẻ cả hệ thống, hay chỉ cần xét lại phương pháp vận hành của nó? Ông Lê Ðăng Doanh cũng thắc mắc như mọi người dân Việt Nam, nhất là đồng bào sống ngay giữa Hà Nội. Một câu hỏi là tại sao một hệ thống cai trị, điều khiển và kiểm soát tổ chức kiên cố, của một đảng có toàn quyền sinh sát với mạng lưới công an năm bảy tầng chằng chịt như vậy, mà có thể nhắm mắt làm ngơ để cho cả bọn Bùi Tiến Dũng và đồng đảng Giao Thông Vận Tải ăn cắp trắng trợn, bình tĩnh thản nhiên và lộ liễu, hiên ngang như một dũng tướng trên sân khấu Quảng Lạc, xông vào bát quái trận đồ vẫn coi như chỗ không người, múa gậy vườn hoang như vậy suốt bao nhiêu năm? Có phải tại vì phương thức vận hành trục trặc, hay là chính cái hệ thống đó đã rữa nát hết thuốc chữa? Ông Lê Ðăng Doanh còn đặt câu hỏi: Tại sao mấy tay Dũng, Tiến vân vân, khi tới trước cửa cơ quan C14 điều tra mà vẫn còn giơ nắm tay lên đe dọa, nhất là lại đe dọa các phóng viên đi săn tin, viết báo? Mấy can phạm này tính dọa các nhà báo là họ sẽ sử dụng thứ quyền lực nào để trừng phạt các phóng viên sẽ viết xấu về họ? Họ sẽ sử dụng các đàn em trong xã hội đen có thể phanh thây uống máu quân thù nếu được đàn anh chi cho mấy triệu đồng? Hay họ dọa sẽ sử dụng chính guồng máy cảnh sát, công an, luật lệ báo chí, tòa án, Ban Văn Hóa Tư Tưởng của chế độ để trừng phạt các nhà báo dám vuốt râu hùm? Tại sao đến lúc ra trước cửa công mà các tay mafia này còn dám đe dọa người ta như vậy? Những đàn em du đãng của bọn người này có phải cũng là những tay vẫn ném gạch đá và những đồ hôi thối vào cửa nhà những người đối kháng như cụ Hoàng Minh Chính hay không? Bọn mafia trong đảng điều khiển bọn mafia ngoài đảng như thế nào? Bộ phận nào của guồng máy công an mật vụ đã đóng vai trò nào trong hệ thống đó? Ông Lê Ðăng Doanh không trực tiếp trả lời, nhưng chúng ta có thể vẫn thấy một câu hỏi. Có phải tại vì phương thức vận hành của hệ thống bị trục trặc, hay là chính cái hệ thống đó đã nát bấy, hết thuốc chữa rồi? Người dân Việt Nam không ngu đến nỗi họ nghĩ hoặc tin rằng vụ PMU 18 ở Bộ Giao Thông Vận Tải chỉ là một “hiện tượng” hiếm hoi và duy nhất bất ngờ bùng nổ trong guồng máy cai trị của đảng Cộng Sản Việt Nam. Cả hệ thống thống trị của đảng, với các cán bộ đã được huấn luyện, đào tạo từ 70 năm nay trong truyền thống chỉ huy tập trung từ trên xuống, là nền tảng cho những vụ PMU tương tự phát sinh. Ông Lê Ðăng Doanh cũng đặt câu hỏi về con hàng ngàn PMU khác, hàng vạn công trình đầu tư khác, suy ra còn hàng ngàn hàng vạn những Bùi Tiến Dũng khác. Liệu đảng Cộng Sản có can đảm đem tất cả ra mổ xẻ, hay sẽ lấp liếm vội vàng những điều nhơ nhuốc trong vụ PMU 18 này, hy vọng rằng năm bữa nửa tháng người dân sẽ quên đi? Ông Lê Ðăng Doanh thiết tha kêu gọi các đồng chí của ông trong Ðại Hội 10 này sẽ vạch trần tất cả những khuyết điểm trong cơ cấu nội tại, để làm rõ trắng đen vụ PMU 18. Cũng giống như các đồng chí khác của ông đã thiết tha kêu gọi trong Ðại Hội 10 này đảng Cộng Sản sẽ đem những vụ Tổng Cục 2, những vụ Sáu Sứ ra mổ xẻ. Liệu đảng Cộng Sản có dám làm cuộc giải phẫu này hay không? Trong một tuần lễ nữa, sau khi Ðại Hội 10 khai mạc vào cuối tuần này, chúng ta sẽ biết câu trả lời. Hoặc sẽ tiếp tục với câu hỏi cũ: Có phải là phương thức vận hành của hệ thống đảng bị trục trặc, hay là chính cái hệ thống đó đã thối nát, không còn chữa nổi nữa? Dù chúng ta có tin tưởng rằng trong đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn có những đảng viên muốn làm cho guồng máy đảng sạch sẽ và lành mạnh, như các ông Lê Ðăng Doanh, Nguyễn Trung, Ðặng Văn Việt, vân vân; chưa kể những đảng viên cũ như các ông Lê Hồng Hà, Phạm Quế Dương, vẫn còn thiết tha muốn đảng của họ thay đổi để chuộc tội với đất nước. Nhưng liệu người ta có thể sửa đổi một cái đồng hồ đã hỏng từ cái lò xo chính cho tới những con ốc lớn, vì chính cái lò xo và những con ốc đã được thiết kế để chạy ngược chiều hay không? Hệ thống cai trị và điều hành của đảng Cộng Sản Việt Nam đã được Hồ Chí Minh thiết lập từ thập niên 1945, sau khi họ nắm được chính quyền. Ông Hồ Chí Minh đã học được mô hình thống trị “bách chiến bách thắng” của Thống Chế Stalin, người dân không cựa quậy được. Mô hình đó lại được Mao Trạch Ðông mài giũa, sửa sang cho thích hợp với nền văn hóa phong kiến ở Á Ðông, lấy tinh thần đày tớ phải trung thành với chủ, trên bảo dưới nghe, làm gốc. Căn bản của hệ thống đó là độc tài đảng trị, không khác gì một băng đảng mafia có dịp làm chúa tể một quốc gia. Muốn bảo vệ quyền lợi của chính mình, và của đồng đảng, thì, như lời Hồ Chí Minh nói, “Phải bảo vệ tình đoàn kết như bảo vệ con ngươi trong mắt mình.” Hệ thống cai trị của đảng Cộng Sản được nuôi dưỡng suốt nửa thế kỷ qua theo tinh thần đó. Mỗi cán bộ xây dựng lòng trung thành của các cán bộ và đảng viên cấp dưới, lòng trung với phe đảng là tối cao, giống như thời phong kiến bên Trung Quốc vậy. Bên trên các lãnh tụ có tìm cách hãm hại lẫn nhau để giành quyền lực nhưng mỗi khi đụng tới quyền lợi chung của băng đảng thì họ vẫn đặt quyền lợi đảng trên hết. Mỗi khi cần phải hy sinh một cá nhân để bảo vệ cấp lãnh đạo, họ sẵn sàng hy sinh như Kỷ Tín liều chết cho Lưu Bang chạy thoát, như Lê Lai liều mình cứu Lê Lợi, để về sau con cháu được đổi lấy họ Lê mà hưởng lộc đời đời. Cái hệ thống đó đã bảo vệ cấp lãnh đạo đảng Cộng Sản khi họ phạm những tội ác tày trời, những lầm lỗi gây họa cho cả nước, như vụ cải cách ruộng đất chẳng hạn. Mỗi lần thấy dân phẫn uất quá, người ta có thể hy sinh một vào cán bộ trung cấp, nhưng cương quyết bảo vệ hệ thống cai trị của đảng. Những kẻ bị hy sinh vẫn an tâm sẽ được hạ cánh an toàn, ít nhất là con cháu họ sẽ được chiếu cố, hưởng bổng lộc đời đời. Ông Lê Ðăng Doanh lo lắng rằng trong vụ điều tra PMU 18 sẽ không quy trách nhiệm được cho một cá nhân nào. Trong hệ thống kiểm soát dân của đảng Cộng Sản, không người cầm quyền nào có trách nhiệm về việc gì hết. Tất cả là do cơ chế tạo ra. Ðó là “chủ nghĩa đoàn kết” của Hồ Chí Minh. Liệu đảng Cộng Sản Việt Nam có thể hy sinh chủ nghĩa đó vì quyền lợi của đất nước hay không? Chuyện này rất khó xảy ra! Chúng ta có thể thông cảm nỗi đau lòng của các ông Nguyễn Trung, Lê Ðăng Doanh, nhưng có thể đoán trước rằng cái đại hội sắp tới này sẽ không mổ xẻ cái gì hết. Họ sẽ chỉ lo làm sao bảo vệ được quyền lợi của quý ông bà trong trung ương đảng sắp tới, mà danh sách đã được các ông Nông Ðức Mạnh, Trần Ðình Hoan thảo sẵn rồi. Quyền lợi của quý vị này có cho phép họ đem những chuyện PMU 18 hay Tổng Cục 2 ra bàn hay không? Chắc là không. Họ không mong gì hơn là tiếp tục cảnh “bốn phương phẳng lặng hai kinh vững vàng,” để cho các quan tiếp tục cùng bọn những thằng bán tơ chia phần ăn uống thoải mái. Còn số phận người dân thì cũng như những cô Thúy Kiều! Nhiều người sẽ được đem bán cho các anh Mã Giám Sinh từ Ðài Loan hay Hàn Quốc sang mua. Chỉ khác ngày xưa là cô Thúy Kiều bị đem bán rồi thì mất tăm mất tích luôn; còn bây giờ thì các cô được bán sang Ðài Loan hay Cam Bốt rồi cũng vẫn có thể mỗi tháng, mỗi năm gửi đô la về nước để góp phần xây dựng kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa cho các quan xơi! NGÔ NHÂN DỤNG www.TDNgonLuan.com hoan nghênh ý kiến đóng góp của qúy vị độc giả. Xin email về: tdngonluan@yahoo.com hay type vào hộp Ý Kiến/Comment Box ở dưới đây và nhấn vào nút "Submit" để gởi đi. Trân trọng: |