Mọi người có quyền tự do ngôn luận; quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và phổ biến mọi loại tin tức và ý kiến, không phân biệt ranh giới, bằng truyền miệng, bản viết hoặc bản in, bằng hình thức nghệ thuật, hoặc thông qua bất cứ phương tiện truyền thông đại chúng khác theo sự lựa chọn của mình (Điều 19,2 Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Liên Hiệp Quốc biểu quyết năm 1966, Việt Nam xin tham gia năm 1982). (Everyone shall have the right to freedom of expression; this right shall include freedom to seek, receive and impart information and ideas of all kinds, regardless of frontiers, either orally, in writing or in print, in the form of art, or through any other media of his choice.)

Có thể nói Thông điệp đầu năm nay của Thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng là văn kiện nhà nước quan trọng thứ hai sau văn kiện “Hiến pháp” vừa được ban hành. Dĩ nhiên trong tinh thần, nó không thể đi ngược với “bộ luật gốc” vừa được “Quốc hội” thông qua với 97% tán thành, nghịch với từng ấy phần trăm (chắc thế) ý muốn Quốc dân (nếu ta nhớ lại hàng loạt kháng thư, tuyên bố, kiến nghị, nhận định của hàng loạt tổ chức và cá nhân nói ngược hoàn toàn với dự thảo của đảng).

Bản văn dài hơn 4 trang A4 này mở đầu với kiểu “mèo khen mèo dài đuôi” thường thấy nơi loại “chế độ ưu việt” mà ai cũng lắc đầu ngao ngán vì thực tế muôn phần trái ngược: “Trong năm qua, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được những kết quả quan trọng. Kinh tế vĩ mô ổn định tốt hơn, tăng trưởng cao hơn và lạm phát thấp hơn năm 2012. Văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường có bước tiến bộ. Quốc phòng, an ninh được bảo đảm. Hoạt động đối ngoại đạt nhiều thành tựu. Chính trị-xã hội ổn định. Vị thế nước ta trên trường quốc tế được nâng cao”.

Thông điệp bàn về 3 vấn đề chính (được đánh số trong văn bản): “Tập trung nỗ lực xây dựng Nhà nước pháp quyền, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân - Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa - Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới”. Nói tóm là thăng tiến dân chủ, cải cách kinh tế và phát triển nông nghiệp, những vấn đề đang được toàn dân quan tâm vì đang gây ra đủ thứ vấn nạn và khủng hoảng cho đất nước, xã hội.

1- Thăng tiến dân chủ
Nguyễn Tấn Dũng nói không ngượng miệng: “Nhìn lại gần 30 năm qua, những bước phát triển vượt bậc của đất nước ta đều gắn liền với những đổi mới có tính quyết định về thể chế, bản chất là mở rộng dân chủ”. Mở rộng dân chủ với 2 bản HP phản động và hàng ngàn bộ luật lớn nhỏ tước mọi quyền dân và quyền người! Rồi đem cái bùa hộ mạng của đảng mà cũng là cái búa trí mạng của dân ra: “Dân chủ là tư tưởng lớn của Chủ tịch HCM. Người đã chỉ rõ Nước ta là một nước dân chủ, mọi quyền lực đều thuộc về Nhân dân”; “Cùng với bảo đảm quyền dân chủ, Chủ tịch HCM đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng Nhà nước pháp quyền. Đây là mối quan hệ giữa dân chủ và kỷ cương. Người viết “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”.

Tiếp đó, tuy nói lên câu mà từ lâu người thường dân ai cũng biết cũng hiểu nhưng người nhà nước (nhất là cán bộ và công an) thì ngang nhiên chối bỏ bằng hành động: “Người dân có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép”, Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố đâu là nguồn gốc, nền tảng và bảo đảm cho quyền dân này. Đó là “chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng phải ưu việt hơn về dân chủ và Đảng ta phải nắm chắc ngọn cờ dân chủ. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước cũng là nhằm phát huy tốt hơn quyền làm chủ của Nhân dân”. Câu này rõ ràng vang vọng châm ngôn quái đản xuất phát từ thời Lê Duẩn: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” (nhưng bị những kẻ xấu miệng cải biên là: “Đảng lãnh đạo Nhà nước, quản lý Nhân dân, làm chủ!” và gần nhất là vang vọng điều 4 trong cái Đảng pháp mạo danh Hiến pháp mới ban hành. Nó cũng khiến ta nhớ lại lời về dân chủ xã hội chủ nghĩa (gấp triệu lần theo lãnh tụ Lênin và gấp vạn lần theo bà phó chủ tịch nước) so với dân chủ tư bản bóc lột! Hóa ra là đảng CS độc tài toàn trị phải nắm ngọn cờ dân chủ thì đất nước mới có dân chủ! (Đang khi các chính đảng tại mọi nước văn minh đều phải cố gắng thực thi dân chủ kẻo bị nhân dân lật đổ qua việc bầu cho đảng khác). Hóa ra đảng càng lãnh đạo chặt chẽ bao nhiêu, nhà nước càng quản lý càng khít khao bao nhiêu qua việc biến cương lĩnh đảng thành HP, lấy nghị quyết nghị định thay cho luật pháp, qua việc thòng câu “theo quy định của pháp luật” sau mọi khẳng định về quyền, thậm chí xài câu “miệng tao là luật” khi hành xử với tư cách đại diện công quyền, qua việc khoác lên những “đảng biểu” mỹ từ “dân biểu”, lên “đảng hội” mỹ từ “quốc hội”… thì quyền làm chủ của nhân dân càng được phát huy bấy nhiêu !?! Chưa hết, quyền làm chủ của dân càng được phát huy hơn nữa nhờ nghị định 72 kiểm soát tự do thông tin trên internet, nhờ nghị định 92 siết chặt tự do tôn giáo của tín đồ, nhờ nghị định 174 bóp cổ tự do ngôn luận của người dân, nhờ nghị định 208 bắn bỏ ngay tại hiện trường những ai bị cho là chống người thi hành công vụ. Rồi còn bao nhiêu bộ luật về báo chí, về đất đai, về kinh doanh, về giao thông, về giáo dục… làm cho người dân rốt cuộc chỉ còn có 2 quyền là quyền được vâng lời và quyền được bóc lột. Ngay cả việc phổ biến cẩm nang, tuyên ngôn, công ước về quyền con người cũng phải được nhà nước cho phép đã, không thì ăn mắm tôm, ăn dùi cui, đút tay vào cùm gông, đút thân vào nhà tù… Đó mới là sự ưu việt của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa!!!

2- Cải cách kinh tế
Nguyễn Tấn Dũng nói: “Trong những năm qua, chúng ta đã có bước tiến dài về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng… Mọi doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế phải hoạt động theo cơ chế thị trường. Xóa bỏ tình trạng độc quyền doanh nghiệp và những cơ chế chính sách tạo ra bất bình đẳng trong kinh doanh”. Đây là một kiểu ngụy biện trâng tráo và một lời nói dối trắng trợn. Ngụy biện trâng tráo vì khái niệm “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” là một khái niệm mâu thuẫn. Kinh tế thị trường chạy theo quy luật riêng của nó mà chính trị (biểu hiện qua thành ngữ “định hướng xã hội chủ nghĩa”) khó lòng cột chân nó được. Hoặc kinh tế thị trường tự do, hoặc kinh tế chỉ huy Mác-Lê, thế thôi! Cái quái thai này gợi cho ta hình ảnh một chiếc máy bay nằm trên 4 bánh xe bò. Ai cũng hiểu xe bò không thể lăn bánh giúp máy bay cất cánh nổi. Ngoài ra, kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa trên nguyên tắc không thể tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, bởi làm sao có cơ hội đồng đều cho tư doanh? Và đó chính là lời nói dối trắng trợn trên thực tế. Vì thật ra đây chỉ là âm mưu tư bản hóa đảng, tư bản hóa nhà nước, âm mưu lấy tài sản của nước, tiền thuế của dân, trợ cấp của ngân hàng giao cho các xí nghiệp quốc doanh, nhất là các tổng công ty, đại tập đoàn chính phủ (nằm trong tay thân nhân hay thân hữu đảng viên gộc) để chúng có thể tha hồ ăn và phá, tham nhũng và thua lỗ. Bằng chứng mới nhất là vụ án Vinalines trong những này này, với những khoản tiền khổng lồ bỏ túi và tiêu tán do tay Dương Chí Dũng và đồng lõa, những khoản tiền kếch sù đút lót và mua chuộc vào tay Phạm Quý Ngọ và đồng bọn (và có thể còn vào tay các đồng chí cao hơn với tiền “lại quả” đậm hơn). Chưa hết, “127 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ công ty con có tổng số nợ phải trả là 1.348.752 tỷ đồng, tăng 6% so với 2011, chiếm 56% tổng nguồn vốn.” (Báo VN Economic 29-11-2013). Đang khi đó thì hàng trăm ngàn doanh nghiệp tư nhân phải đóng cửa, do không thể vay vốn của các ngân hàng và lãi suất quá cao không thể chịu nổi. Tất cả những quái trạng đó khiến cho toàn bộ kinh tế VN đi xuống, như Ngân hàng Thế giới, nhiều tổ chức tài chánh quốc tế uy tín và hai cuộc hội thảo của Ban Kinh tế Trung ương và Ủy ban Kinh tế Quốc hội cuối năm 2013 đã cảnh cáo và xác nhận. Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã phê bình chính sách kinh tế của Nguyễn Tấn Dũng rằng “suốt từ 2007 đến nay bất ổn vĩ mô bộc lộ ở mức gay gắt”. Nhưng có lẽ ông ta sẽ vẫn bình chân như vại vì có khiên thuẫn và áo giáp nơi chính điều 51 của Tân HP: “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với… kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”!

3- Phát triển nông nghiệp
Nguyễn Tấn Dũng nói: “Thực hiện đường lối Đổi mới, nền nông nghiệp nước ta đã có bước phát triển vượt bậc, đóng góp to lớn vào thành tựu chung của đất nước. Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đang giảm dần và bộc lộ những hạn chế yếu kém của một nền nông nghiệp dựa trên kinh tế hộ manh mún, thiếu liên kết, năng suất và chất lượng thấp… Vì vậy, phải thực hiện hiệu quả ba đột phá chiến lược, đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế đặc biệt là đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới”.

Quả là Việt Nam bây giờ nhất nhì thế giới về sản xuất và xuất khẩu lúa gạo. Nhưng là với hai cái giá vô cùng đắt đỏ. Một là nông dân ngày càng nghèo khổ, bị bóc lột bởi chính các công ty nông nghiệp hay lương thực nhà nước. Theo Hoàng Kim, một tác giả nông dân cho biết: “Cả năm 2013 này nông dân chúng tôi chỉ lời có 4.700.000 đồng/ha. Theo qui định của Nhà nước mỗi hộ 4 người nông dân ở ĐBSCL được cấp 3 ha ruộng như vậy, mỗi hộ thu nhập năm 2013 chỉ có 14.100.000 đồng, mỗi người thu nhập năm 2013 là 3.525.000 đồng”. Đang khi đó thì “ông Trương Thanh Phong, Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực Miền Nam kiêm Chủ tịch VFA, người nhờ mua bán lúa gạo của nông dân nên lãnh lương gần 1 tỷ bạc mỗi năm” (Đồng bằng sông Cửu Long, những cánh đồng đang nằm chờ chết). Hai là nông dân vẫn tiếp tục làm thuê cho ông chủ nhà nước, bởi lẽ theo HP và Luật đất đai, nhà nước tiếp tục nắm quyền sở hữu về tài nguyên quốc gia, còn người dân chỉ có quyền sử dụng. Phải chăng việc “xây dựng nông thôn mới” đã khiến cho gần 2 triệu gia đình nông dân trở thành vô sản "chuyên nghiệp", giúp con gái Nguyễn Tấn Dũng giàu có hàng tỉ đôla Mỹ. Số dân oan này ngày càng tăng và bị dồn vào bước đường cùng, đến nỗi có kẻ đã phải dùng tới bạo lực và nay thì nhất quyết sống chết đấu tranh trong Hiệp hội Dân oan.

Nói tóm lại, thông điệp đầu năm 2014 của Nguyễn Tấn Dũng một là tiếp tục triển khai bản HP phản động mới hình thành, hai là tiếp tục cho toàn dân ăn bánh vẽ dân chủ, theo đúng phong cách cộng sản: dùng đủ mọi từ ngữ như thế giới loài người nhưng với nội dung hoàn toàn khác hẳn, để lừa bịp mê hoặc người ta. Khốn cho ai tiếp tục hy vọng vào đó. Chỉ có hy vọng khi nào cái chế độ khốn nạn này biến sạch khỏi đất nước thôi.

Ban Biên Tập (số 187, ngày 1-15-2014)
-Nhấn vào Link này để "download" (save as) Bán nguyệt san TDNL ở dạng (format): .doc, sẽ chậm (xin kiên nhẫn!), nếu bạn không sử dụng đường dây cao tốc Internet DSL, nhưng toàn bộ mỗi số báo 32 trang sẽ giữ dạng nguyên thủy, như là 1 file duy nhất: http://www.tdngonluan.com/pdf/TuDoNgonLuan_So187_15January2014.doc
....................................................................................................

Chân    thành    cảm    tạ    qúy    vị    ghé    thăm    trang    nhà    website    Tự    Do    Thông    Tin    Ngôn    Luận    cho    toàn    dân    Việt Nam

Copyright © 2006 www.tdngonluan.com/Email: witness2005@gmail.com/Webmaster: legraphic@yahoo.com - All rights reserved.