D
I Ễ N Đ À N
TÌM
MỘT GANDHI HAY MỘT JERZY CHO VIỆT NAM ?
LM Đinh Xuân Long
Phải
chăng làn sóng đình công tại VN đã thực sự trở nên tiếng chuông tự
do, tiếng chuông vang lên từ những nguyện ước sâu thẳm và những hoài
bão khôn cùng của mỗi người trong chúng ta?
Có
lẽ ít nhiều trong chúng ta có lúc nào đó hy vọng sẽ có một ”Gandhi
cho VN”, một vị lãnh tụ có thể đưa ra lời hiệu triệu kêu gọi toàn
dân đứng lên đòi tự do, nhân quyền và dân chủ tại VN. Có lẽ đó là
một trong những nguyện vọng chính đáng của chúng ta. Để xem nguyện
vọng đó có thể thực hiện được không, chúng ta thử nhìn vào bối cảnh
của hai đất nước: Ấn Độ trong thời kỳ đô hộ của người Anh và Việt
Nam ngày nay dưới chế độ cs. So sánh hai bối cảnh, sẽ có những điểm
tương đồng và dị biệt như sau:
1. Những điểm tương đồng:
a) Cả hai đều không có độc lập và chủ quyền. Ấn Độ
là thuộc địa của Anh. VN cộng sản thực chất chỉ là tôi mọi cho quốc
tế cs. CsVN hết lệ thuộc vào Nga lại nô lệ cho Tàu.
b) Ấn độ có xung đột tôn giáo: Ấn Độ Giáo và Hồi
Giáo. VN trước 1975 đã bị việt cộng giựt dây, gây mâu thuẫn và xung
đột giữa Phật Giáo và Công Giáo. Hiện tại, csVN vẫn tìm cách gây chia
rẽ và lũng đoạn hàng ngũ tôn giáo để dễ bề thống tri.
c) Ấn Độ đặc biệt có kỳ thị giữa các đẳng cấp và
giai cấp. VN có khác biệt về ý thức hệ và nhân sinh quan giữa hai
miền Nam Bắc. Hơn nữa VN hiện tại có hai giai cấp rõ rệt: giai cấp
thống trị là đảng csVN, và giai cấp bị trị là giai cấp công nông.
2. Những điểm dị biệt:
a) Trong thời kỳ Anh thuộc, Ấn Độ có thiếu tựï do
nhưng không mất hoàn toàn tự do như tại VN. Ấn Độ vẫn có những tờ
báo, chương trình phát thanh, mặc dù có sự kiểm soát ngầm của người
Anh, nhưng vẫn do người Ấn chủ trương và hoạt động. Người Ấn có quyền
tự do lập hội, có quyền đi lại, có quyền đi du học để phát triển tài
năng, cũng như có quyền chọn lựa đi làm ăn phương xa. Trái lại, csVN
đã tước đoạt tất cả các quyền tự do căn bản để sống và làm người tại
VN.
b) CsVN chủ trương bần cùng hóa nhân dân bằng cách
tước đoạt quyền tư hữu của con người. Ấn độ vẫn có tự do kinh doanh
và thương mại trong khuôn khổ của pháp luật. CsVN chủ trương chính
sách ngu dân để dễ cai trị trong khi Ấn Độ có điều kiện phát triển
giáo dục.
c) Dù là thuộc địa, người Anh vẫn áp dụng luật pháp
của Anh Quốc, mặc dù trong giới hạn, trên các thuộc địa mình. Các
nhà đấu tranh cho Ấn Độ đã dựa vào luật để tranh đấu cho những quyền
lợi của dân bản xứ. Còn tại VNcs, chỉ có luật rừng, nghĩa là không
có luật gì cả. Chỉ có luật bảo vệ chế độ độc tài cs là trên hết.
Nhìn lại bối cảnh của hai đất nước, liệu chúng ta có thể tìm thấy
một Gandhi cho VN hay không? Chúng ta cần nhìn đến hai điểm sau đây:
I. Trước
hết chúng ta cần khẳng định rằng không thể nào tìm gặp một Gandhi
tại hải ngoại bởi vì hải ngoại chỉ có bỗn phận hổ trợ về mọi mặt cho
đồng bào quốc nội mà thôi. Lực lượng nòng cốt và tiên quyết để quyết
liệt với chế độ csVN chính là quốc nội. Chỉ những ai đang sống và
đồng hành đấu tranh với đồng bào trong nước, ngay giữa lòng dân tộc,
mới đủ tư thế và cươngvị trở thành một Gandhi đưa ra lời hiệu triệu.
Thánh Gandhi, nếu không trở về nước, có lẽ nước Ấn không bao giờ có
một Gandhi. Sau khi tốt nghiệp luật khoa tại Anh Quốc, Gandhi trở
về Ấn hành nghề luật sư nhưng không thành công. Được giới thiệu, ông
qua Nam Phi biện hộ cho một công ty người Ấn. Vụ cãi hoàn toàn mang
tính cách thương mại và vụ cãi đã thành công. Trước khi ông trở về
nước, tình cờ khi ông ghé qua Natal, một thành phố lớn của Nam Phi,
tại đây ông đã giúp cộng đồng người Ấn chống lại dự luật tước quyền
bầu cử của người Ấn tại Natal. Thừa thắng, ông giúp họ chống lại dự
luật đánh thuế cao những người lao động Ấn Độ đến làm việc tại Nam
Phi theo khế ước. Những vụ kiện pháp luật này giúp ông ý thức hơn
về quyền độc lâp và tự trị của dân Ấn. Nếu Gandhi, vì sự thành công
tại Nam Phi, đưa gia đình qua và lập nghiệp tại Nam Phi, có lẽ ông
sẽ không bao giờ trở thành một “Gandhi” cho dân tộc Ấn. Chỉ khi ông
về nước, cùng đồng hành đấu tranh với dân tộc Ấn, một Gandhi, một
lãnh tụ, một vị lãnh đạo tinh thần, một người cha chung đã đến với
dân tộc Ấn.
Một Gandhi chỉ có thể tìm thấy và gầy dựng tại VN mà thôi. Nếu nhìn
vào hoàn cảnh hiện tại tại VN, chúng ta có thể nói rằng khó có thể
tìm thấy một Gandhi bởi vì nhiều lý do phát xuất từ sự kiểm soát chặt
chẽ cộng với sự đàn áp, trù dập và vu khống có hệ thống của chế độ
công an trị tại VN. Một trong hai vị, Hòa Thượng Thích Quảng Độ và
Hòa Thượng Thích Huyền Quang có khả năng và tư thế để trở thành một
Gandhi cho VN. Tiếc rằng, csVN đã dùng mọi thủ đoạn để phân tán Giáo
Hội Phật Giáo VN nói chung, hơn nữa họ còn trù dập và cô lập các ngài
không cho các ngài cơ hội quy tụ sức mạnh toàn dân.
Đạo Trưởng Lê Quang Liêm có thừa uy dũng để trở nên một Gandhi cho
VN. Tiếc rằng vì tính cách địa phương của Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo
nên ảnh hưởng không được lớn lao. Tương tự như thế, Mục Sư Nguyễn
Hồng Quang khó lòng vượt lên trên những giới hạn của Giáo Hội của
ông.
Một trong những LM Chân Tín, Nguyễn Văn Lý, Phan Văn Lợi, và Nguyễn
Hữu Giải, có thừa can đảm và dũng lực để trở thành một Gandhi. Tiếc
thay, các LM này lại lệ thuộc vào Giám Mục bản quyền, và trên hết
là Hội Đồng Giám Mục VN (HĐGMVN). Trong giai đoạn hiện tại, HĐGMVN,
vói cơ cấu tổ chức của Giáo Hội Công Giáo, kèm theo sự liên đới với
cộng đồng quốc tế, là tiếng nói có sức mạnh hơn cả. Chỉ cần một vị
Giám Mục, đại diện cho HĐGM, mang tinh thần của cố TGM Nguyễn Kim
Điền, nói lên tiếng nói chung cho toàn Giáo Hội Công Giáo VN, vị này
sẽ là một Gandhi cho VN. Tiếc thay csVN đã tìm cách lũng đoạn và chia
rẽ hàng ngũ Giám Mục. Vì thế niềm hy vọng nơi HĐGMVN có lẽ không thành
tựu.
II. Nếu
không tìm được một Gandhi cho VN, liệu chúng ta có thể tìm thấy một
Jerzy cho VN hay không? Vậy Jerzy là ai?
Vào
tháng 08/1980, bất chấp sự phản đối và áp lực từ phía chính quyền
cs Ba Lan, Công Đoàn Đoàn Kết (CĐĐK) ra đời, đánh dấu một thắng lợi
lớn lao của giai cấp công nhân, và là một bước ngoặc lịch sử trong
công cuộc đấu tranh cho tự do và nhân quyền tại Ba lan. Cha Jerzy
Popieluszko đồng ý làm tuyên úy cho CĐĐK. Sự chọn lựa này là một chọn
lựa định mệnh bởi vì từ nay cha trở thành vị lãnh đạo tinh thần cho
công đoàn, một người bạn kết nghĩa của anh chị em công nhân, một vị
linh mục cho toàn dân Ba Lan,và là một cái gai cần phải nhổ đi đối
với chính quyền cs. Vì CĐĐK trở nên một thách đố lớn cho cs Ba Lan
và cs Nga nên cuối năm 1981 chế độ cs Ba Lan công bố “tình trạng chiến
tranh” khiến các lãnh tụ công đoàn phải rút vào bóng tối để tránh
khủng bố của lực lượng công an mật vụ. Bất chấp sự hăm dọa và lệnh
thiết quân luật của chế độ, cha Jerzy vẫn tìm cách đi lại để ủy lạo
và nâng đỡ các công nhân và gia đình của họ. Chính cha đã chạy ngược
xuôi tìm nguồn tài trợ để có thể giúp đỡ những gia đình đang túng
quẫn, đặc biệt những công nhân tham gia công đoàn đang bị bách hại.
Cha lo phân phát quần áo, chia sẻ thực phẩm và thuốc men cho mọi người,
trong khi chính cha, sức khỏe gần như kiệt quệ và quần áo cũng không
được lành lặn. Lech Valesa, chủ tịch của CĐĐK đã phải thốt lên: “Quả
thực cha đã quên bản thân mình.”
Hằng tháng cha Jerzy dâng một Thánh Lễ đặc biệt: “Thánh Lễ Cầu Cho
Quê Hương.” Dần dần, Thánh Lễ Cầu Cho Quê Hương đã quy tụ hàng chục
nghìn người tham dự khiến công an mật vụ tìm cách ngăn cản và làm
khó dễ. Mặc kệ, cha vẫn hiên ngang nhắc lại lời của Đức Giáo Hoàng
Gioan Phaolô II trong dịp Ngài viếng thăm Ba Lan: “Đừng sợ, hãy kiên
vững cho đức tin và chân lý.” Cha luôn nhắc bảo mọi người rằng hãy
thắng vượt sợ hải, bởi vì chỉ có vượt sợ hãi mới chiến thắng sự áp
bức. Hăm dọa không có kết quả, cs Ba Lan đã tìm cách sát hại ngài.
Một lần một quả bom đã phát nổ trong căn phòng nơi cha thường chuẩn
bị cho Thánh lễ buổi sáng. Hôm đó, vì bị bệnh nên cha thoát chết.
Lần khác mật vụ dàn xếp một tai nạn giao thông để thủ tiêu cha, lần
này, nhờ ơn trên cha lại thoát hiểm. Không sợ hãi cha tuyên bố: “Là
linh mục thì phải theo đuổi con đường công chính cho đến cùng.” Chính
sự hy sinh cao cả, sự can đảm phi thường và sự dấn thân khôn lường
của cha đã mang lại niềm hy vọng cho mọi người, và niềm tin vào ngày
mai cho quê hương Ba Lan.
Và điều tệ hại đã xảy đến cho cha. Ngày 19-10-1984, cha đã bị mật
vụ bắt cóc và thảm sát. Phải chăng “viên đá người thợ xây loại bỏ
đã trở nên tảng đá góc tường?” Cái chết của cha, tưởng chừng như một
thất bại, đã trở thành một biểu tượng của chiến thắng. Khi còn sống
cha đã không hoàn thành mục đích, nhưng chết đi cha đã mang lại sự
thành công vượt bực. Cái chết của cha đã mang lại sức mạnh và niềm
tin cho công nhân và cho dân tộc Ba Lan. Cha gục xuống nhưng toàn
quốc đứng lên đòi hỏi công lý và tự do. Cha ra đi nhưng để lại một
di sản đồ sộ của ý chí, sự đoàn kết và một tinh thần bất diệt. Trong
Thánh Lễ an táng, Lech Valesa, chủ tịch CĐĐK tuyên bố: “Công Đoàn
Đoàn Kết sống, bởi vì chính cha Jerzy đã cống hiến đời cha cho dân
tộc Ba Lan và cho Công Đoàn.” Từ đó, cũng từ ngôi mộ đầy uy linh của
cha, niềm tin đã biến thành sức mạnh. CĐĐK càng thêm vững mạnh dẫn
tới sự sụp đổ của chế độ cs Ba Lan.
Nếu không thể tìm thấy một Gandhi cho VN, chúng ta có thể tìm thấy,
không những một mà là nhiều Jerzy cho VN. Jerzy ở đây không chỉ đơn
thuần là một linh mục, mà là hình ảnh của những ai yêu chuộng tự do,
nhân phẩm, quan tâm đến đời sống giai cấp lao động, và đấu tranh cho
công bằng, quyền sống và quyền làm người của đồng bào. Từ định nghĩa
đó, Việt Nam không thiếu những Jerzy. Gần đây, thế giới nghiêng mình
trước sự can đảm dấn thân cho tự do và công bằng của 22 nhà đấu tranh
cho dân chủ khi họ ký tên vào Lời Kêu Gọi ủng hộ phong trào đình công
tại VN. Đó là LM Nguyễn Cao Lộc, LM Chân Tín, LM Hồ Văn Quý, LM Nguyễn
Văn Hội, LM Nguyễn Hữu Giải, LM Hoàng Cẩn, LM Lê Văn Nghiêm, LM Nguyễn
Văn Lý, LM Phan Phước, LM Trần Văn Quý, LM Phan Văn Lợi, Đạo Trưởng
Lê Quang Liêm, GS Hoành Minh Chính, GS Trần Khuê, Cựu Đại Tá Phạm
Quế Dương, MS Nguyễn Hồng Quang, Tu Sĩ Lê Văn Sách, Nhà Văn Hoàng
Tiến, Nguyễn Khắc Toàn, GS Nguyễn Chính Kết, KS Đỗ Nam Hải. Phải,
họ chính là những Jerzy cho công nhân và cho VN.
Hòa Thượng Thích Quảng Độ, HT Thích Huyền Quang, mặc dù không ký vào
Lời Kêu Gọi, nhưng qua sự dấn thân đấu tranh cho dân chủ và tự do,
các ngài nghiễm nhiên đã là những Jerzy của VN. Các công nhân Nguyễn
tấn Hoành, Huỳnh Ngọc Cảnh, Nguyễn Tấn Dung, Dương Thái Phong, Huỳnh
Tiến, Vũ Hà, Nguyễn Thị Tuyết, Hoàng Anh Tuấn, những người tranh đấu
cho quyền sống của anh chị em công nhân, đều có tiềm năng để trở thành
những Jerzy cho công nhân.
Đã có những Jerzy và những tiềm năng sẽ trở thành Jerzy, tất nhiên
phải có một công đoàn. Theo nhận định của tôi, cần thành lập một Công
Đoàn (tương tự CĐĐK Ba Lan) hay một Tổng Công Đoàn cho toàn công nhân
mà thôi, bởi vì nhiều công đoàn riêng biệt sẽ bị phân tán sức mạnh
và tạo điều kiện cho cs cài người vào lũng đoạn và phá hoại. Một công
đoàn độc lập không dễ gì thành lập trong một chế độ độc tài cs. Phải
đấu tranh mới thành hình được, đó là quy luật sống còn trong chế độ
độc tài cs. CĐĐK Ba Lan với sự đấu tranh bền bĩ và sự quyết tâm cao
độ của ban lãnh đạo và công nhân mới thành hình được.
Như trong bài viết trước đây, Một Cuộc Tổng Đình Công Toàn Diện, tôi
đã phân tích về những thuận lợi cho việc thành lâp một công đoàn tại
VN:
1. Chúng ta có thể tự thành lập một công đoàn bởi
vì chúng ta đã và đang có một sức mạnh: sức mạnh đình công. Đó là
sức mạnh của giai cấp bị trị và chế độ cs không thể nào tiêu diệt
được.
2. Hiện tình thế giới và tại VN đã thay đổi nhiều
rồi. Bản chất chế độ độc tài csVN vẫn còn đó nhưng chính sách kinh
tế đổi mới của chính họ đã gần như vô hiệu hóa “bức màn sắt” của chế
độ cs. Sự đầu tư của các công ty ngoại quốc, đặc biệt các hãng thương
mại của Hoa Kỳ sắp sửa đầu tư vào VN, sự hiện diện của ngoại quốc,
các nhà báo, các cơ quan truyền thông, các cơ quan nhân quyền sẽ hậu
thuẫn cho chúng ta nếu chúng ta quyết tâm thành lập một công đoàn.
Trước kia, phía sau “bức màn sắt”, cs Nga, Tàu và VN đã thảm sát hàng
triệu triệu công nông để ngăn ngừa một cuộc tổng đình công toàn diện
và các cuộc nổi dậy khác hầu bảo vệ chế độ độc tài. Ngày nay, điều
này khó có thể thực hiện bởi vì tình hình đã thay đổi như chúng ta
vừa kể trên.
3. Sự ủng hộ quyết liệt của đồng bào hải ngoại. Dĩ
nhiên csVN sẽ không dễ dàng cho thành lập một công đoàn tự do không
cs tại VN. Họ sẽ dùng mọi biện pháp và thủ đoạn gian manh nhất để
triệt tiêu ý chí đấu tranh của công nhân. Vì thế, người Việt hải ngoại
có bổn phận gắn liền với mọi hình thức sinh hoạt của một công đoàn
không cs bên VN. Có vậy công đoàn này mới có thể đứng vững và đương
đầu với csVN.
Đây là giai đoạn lịch sử rất quan trọng liên hệ tới vận mệnh của cả
một dân tộc. Xin đừng bỏ qua cơ hội lịch sử này. Xin cùng nhau lên
tiếng và ủng hộ quyết liệt phong trào đình công tại VN. Trong giai
đoạn này, chúng ta cần chú ý tới hai điểm hệ trọng:
A. Tại Quốc Nội: Ngoài việc lên tiếng ủng hộ, cần
phải đi đến thành lập một công đoàn độc lập không cs cho công nhân.
Chỉ có một công đoàn mới có thể bảo vệ cách hữu hiệu quyền sống và
quyền làm việc của công nhân. Và chỉ có một công đoàn có sức mạnh
và thực lực mới có thể dẫn đến sự chiến thắng trường tồn cho công
nhân và cả một dân tộc.
B. Tại Hải Ngoại: Cần phải chú trọng tới những hoạt
động cụ thể để hổ trợ quốc nội:
a) Thành lập một ủy ban pháp lý liên hệ với công
đồng quốc tế, đặc biệt với các nghiệp đoàn công nhân trên thế giới,
hầu bảo vệ các công nhân và phong trào đình công tại VN.
b) Thành lập một ban vận động gây quỹ để có thể hổ
trợ đắc lực về tài chánh và tinh thần cho những ai vì đình công mà
bị làm khó dễ tại VN.
Chúng ta đã và đang có những người con của Mẹ Việt Nam sẵn sàng trở
nên những Jerzy cho công nhân và cho VN. Nếu hải ngoại thực hiện được
những điểm căn bản nêu trên, tôi hy vọng các công nhân và các nhà
đấu tranh cho dân chủ tại VN sẽ vững tâm hơn để tiếp tục tranh đấu
cho sự thành hình một công đoàn.
THAY LỜI KẾT:
Đã lâu lắm rồi quê hương ngụp lặn trong gông cùm, lầm than và tăm
tối. Đã lâu lắm rồi âm thanh của tự do và hy vọng không còn đọng lại
trên môi miệng của người dân Việt. Phải chăng làn sóng đình công tại
VN đã thực sự trở nên tiếng chuông tự do, tiếng chuông vang lên từ
những nguyện ước sâu thẳm và những hoài bão khôn cùng của mỗi người
trong chúng ta? Một đại diện công nhân trong Thánh Lễ an táng cha
Jerzy đã nói thay cho lời tiễn đưa: “Cha Jerzy, cha có nghe tiếng
chuông tự do vang xa không?” Phải, tiếng chuông tự do đó đã vang xa,
len lõi vào mọi hang cùng ngõ hẻm, thấm nhập vào tận tâm khảm của
mọi người dân Ba Lan, để rồi bùng lên một sức mạnh vô song lật đổ
chế độ bạo tàn. Xin mượn lời nói đó để nói với tất cả anh chị em công
nhân tại VN rằng, tiếng chuông tự do anh chị em đã rung lên sẽ tiếp
tục vang vọng khắp mọi nẻo đường VN, sẽ thấm nhập vào tận tâm hồn
của mọi dân Việt, sẽ báo hiệu một bình minh tươi đẹp cho Quê Hương,
bởi vì tiếng chuông đó đã thực sự mang lại niềm tin và hy vọng cho
một dân tộc.
LM
Đinh Xuân Long
www.TDNgonLuan.com
hoan nghênh ý kiến đóng góp của qúy vị độc giả. Xin email về: tdngonluan@yahoo.com
hay type vào hộp Ý Kiến/Comment Box ở dưới đây và nhấn vào nút "Submit"
để gởi đi. Trân trọng: