Mọi người có quyền tự do ngôn luận; quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và phổ biến mọi loại tin tức và ý kiến, không phân biệt ranh giới, bằng truyền miệng, bản viết hoặc bản in, bằng hình thức nghệ thuật, hoặc thông qua bất cứ phương tiện truyền thông đại chúng khác theo sự lựa chọn của mình (Điều 19,2 Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Liên Hiệp Quốc biểu quyết năm 1966, Việt Nam xin tham gia năm 1982). (Everyone shall have the right to freedom of expression; this right shall include freedom to seek, receive and impart information and ideas of all kinds, regardless of frontiers, either orally, in writing or in print, in the form of art, or through any other media of his choice.)

Trang mạng Vietnamnet ngày 06-11-2012 có bài viết mang tên : «Sửa Hiến pháp để toàn dân quyết định». Bài viết mở đầu như sau : «...Ban soạn thảo vẫn thống nhất giữ nguyên điều 4 Hiến pháp về vai trò lãnh đạo của Đảng, có bổ sung để làm sâu sắc thêm. Theo đó, điều 4 xác định: "Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật".

So với văn bản cũ năm 1992, lần này người ta thêm hai cụm từ thật lâm ly mùi mẫn: «...đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam... Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình». Quả là chưa có đảng chính trị nào trên thế giới và thậm chí tự cổ chí kim được mang những tính chất cao cả như vậy!?! Sự xuất hiện những cụm mỹ từ và mị từ này khiến người ta nhớ lại thành ngữ «xã hội công bằng dân chủ văn minh» xuất hiện từ mấy năm nay trên các văn kiện và báo đài của đảng, sau khi toàn dân ta thán và phẫn nộ trước tình trạng ngày càng gia tăng những cảnh bất công ngút trời, độc tài khốc liệt và man rợ rừng rú do chính đảng gây ra. Việc đảng nay tự khoác cho mình những «đức tính sáng ngời, đỉnh cao chói lọi » trong tân Hiến pháp như thế khiến ta phải nhìn lại thực tế, nhất là thực tế thời gian gần đây để xem có phải «đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình» chăng?

Vụ việc thứ nhất là Hội nghị Trung ương 6 mới rồi. Người ta đã tưởng sau hơn 2 tuần «cấm phòng, tĩnh tâm, sám hối» (nói theo danh từ tôn giáo), Ban chấp hành trung ương và Bộ Chính trị sẽ có một hành động sửa lỗi cách chân thực trước nhân dân về nạn độc tài chính trị, sai lầm kinh tế, tham nhũng tài chánh, bạo hành xã hội, lơi lỏng quốc phòng, khiếp nhược ngoại giao do đảng gây ra. Nhưng rốt cục lại là một gáo nước lạnh tạt vào mặt toàn thể xã hội. Toàn những lời xin lỗi đầu môi chót lưỡi, ngạo mạn trịch thượng; những kiểu bao biện, xí xóa cho nhau bất chấp vai trò luật pháp; những chủ trương về kinh tế, đất đai, giáo dục theo lối cũ mòn, tiếp tục gây tai hại cho đất nước và nhân dân; những chính sách ngoại giao quốc phòng mù mờ, không dám đề cập và truy nguyên nguy cơ xâm lược; những lối nhận trách nhiệm rất lố lăng : trách nhiệm chính trị trước đảng thay vì trách nhiệm hành chánh, thậm chí trách nhiệm hình sự trước đồng bào... Rốt cuộc những quyết định của đảng trong quá khứ, hiện tại lẫn tương lai đều bất cần sự giám sát của nhân dân, nói gì đến việc phục vụ nhân dân để nhân dân mật thiết gắn bó với mình!

Về những điều này, Bản Phúc trình của Ủy ban Công lý Hòa bình thuộc Hội đồng Giám mục Công giáo Việt Nam hôm 01-11 đã nhận định (mục 3: Tham nhũng thành quốc nạn): “Những diễn biến và xáo trộn trong mấy tháng vừa qua chứng tỏ mô hình kinh tế hiện tại đang làm giàu cho nhóm đặc quyền đặc lợi, đặc biệt là giới ngân hàng, hơn là cho toàn dân. Lạm phát gia tăng cũng làm tăng đói nghèo, không những gây khó khăn hơn cho cuộc sống của người dân, mà cho cả các doanh nghiệp. Từ đầu năm đến nay hơn 40.000 doanh nghiệp phải giải thể. Việt Nam hiện nằm trong nhóm các quốc gia thiếu minh bạch nhất thế giới. Tham nhũng đã trở thành quốc nạn, mà nguyên nhân chủ yếu là do cơ chế điều hành, lãnh đạo. Chính vì vậy, không những nó nguy hiểm cho tiền đồ đất nước mà hầu như bất khả loại trừ trong bối cảnh kinh tế–chính trị hiện nay”. Và (mục 4: Chủ quyền đất nước): “Vào những thập niên cuối cùng của thế kỷ XX, Biển Đông đã một vài lần nổi sóng. Nhưng trong những năm gần đây, sự căng thẳng đã lên đến mức độ nguy hiểm. Nhà cầm quyền Trung Quốc một mặt dùng lời lẽ hoa mỹ, với thông điệp rất êm tai, nhưng mặt khác, các hành động của họ về chủ quyền trên Biển Đông ngày càng phản ánh rõ rệt chủ trương Đại Hán. Trong khi đó phản ứng của Nhà cầm quyền Việt Nam quá yếu ớt, tạo cớ cho các lực lượng thù nghịch lấn tới. Thái độ lập lờ, thiếu nhất quán của các nhà lãnh đạo trong vấn đề phân định lãnh thổ vùng biên giới và bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông đang gây bất bình trong dư luận. Khó hiểu hơn nữa là việc chính quyền đã mạnh tay đàn áp các tổ chức và các cá nhân yêu nước phản đối hành động xâm lược trắng trợn của Trung Quốc.”

Thật thế, vụ việc thứ hai là các phiên tòa mới mở xử án nặng nề các công dân lên tiếng cảnh báo nguy cơ xâm lăng của Tàu cộng. Lên tiếng bằng các bài viết, các phát biểu, các ca khúc, các trang mạng, các tờ truyền đơn hay các cuộc xuống đường… Bản án 10 đến 12 năm tù cho hai thành viên Câu lạc bộ Nhà Báo Tự Do và 4 đến 6 năm tù cho hai thành viên Nhóm Tuổi Trẻ Yêu Nước chứng tỏ Hà Nội chỉ gắn bó mật thiết với Bắc Kinh, Ba Đình chỉ phục vụ tận tình Trung Nam Hải, Việt cộng chỉ là đội tiên phong cho Tàu cộng. Các phiên tòa này hoàn toàn chà đạp mọi quy tắc của luật Tố tụng Hình sự, như khước từ đối với bị can quyền được sự hỗ trợ pháp lý của luật sư, sự động viên tinh thần của gia đình; khước từ đối với luật sư quyền tranh luận đầy đủ, quyền đòi hỏi bằng cớ, quyền được thẩm phán cân nhắc lắng nghe; khước từ đối với báo chí và thân nhân quyền được theo dõi phiên tòa ngay trong phòng xử, quyền được công khai thảo luận nhiều chiều trên các phương tiện truyền thông xã hội, thậm chí quyền được biểu tình phản đối việc giam giữ hay việc tuyên án bị cho là bất công (ngược lại chỉ có bịt miệng bị cáo, chặn lời luật sư, cản trở quần chúng, giam nhốt thân nhân bạn bè), các phiên tòa đó chứng tỏ đảng và nhà nước chẳng hề chịu sự giám sát của nhân dân, chẳng hề hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

Mới đây, vụ bắt giữ hai sinh viên đại học Công nghiệp Thực phẩm Sài Gòn là Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha càng phỉ nhổ vào những lời tự tâng bốc nói trên của đảng. Chịu nhân dân giám sát nỗi gì khi bắt cóc không cho gia đình biết (phải 7 ngày sau), lục soát tịch thu đồ đạc chẳng cần ai chứng kiến và lập biên bản, lếu láo họp báo tuyên bố mình đã làm đúng thủ tục tố tụng hình sự… Chưa hết, lại còn cho rằng việc hai sinh viên rải truyền đơn chống tham nhũng, phản đối Tàu cộng, tố cáo chủ trương đàn áp tôn giáo, lên án chính sách đảng hữu đất đai, đề nghị nhân dân xuống đường đòi thay đổi chế độ (vốn là những quyền hết sức tự nhiên trong thế giới văn minh dân chủ) chỉ là “xuyên tạc, bịa đặt chính sách tôn giáo, chính sách đất đai của Nhà nước cũng như có quan điểm lệch lạc về Trường Sa-Hoàng Sa và biên giới đất liền giữa VN với Trung Quốc, kêu gọi người dân đứng lên biểu tình chống lại đảng CS và Nhà nước VN”. Tiếp đó gán tội danh khủng bố cho Đinh Nguyên Kha chỉ vì tìm được tại nhà em 2.45 kg chất làm pháo (nghiêm trọng hóa bằng cách gọi đó là thuốc nổ nhằm phá sập tượng Hồ Chí Minh tại Cần Thơ), rồi dùng đủ mánh khóe đê tiện để buộc hai sinh viên “thú tội và xin khoan hồng”… Nói tóm lại, tìm mọi cách tiêu diệt lòng yêu nước thương dân nơi giới sinh viên vốn ngày càng bộc lộ và trấn áp ý thức phản kháng phê bình nơi giới trẻ vốn ngày càng gia tăng, đó phải chăng là “đại biểu trung thành lợi ích của cả dân tộc” ?

Năm ngoái, Cộng sản kết án tổng cộng 95,5 năm tù trong 10 vụ án cho 21 nhà hoạt động hoạt động xã hội, dân chủ, nhân quyền và tôn giáo. Năm nay, cho đến thời điểm này, 18 người trong 9 vụ án đã bị kết án tổng cộng 118,5 năm tù; rồi nếu đến cuối năm, 13 thanh niên Công giáo bị bắt từ giữa năm ngoái và 22 người thuộc Hội đồng Công luật Công án Bia Sơn bị bắt đầu năm nay phải đưa ra xét xử thì số kẻ bị kết án sẽ lên đến trên 50 với tổng cộng ít nhất 200 năm tù. Ngoài ra, về nhân thân, 3 trong số 39 người bị kết án là cựu đảng viên cộng sản. Ngoại trừ một người là giáo viên trung học, tất cả đều làm nghề tự do, không thuộc diện cán bộ, công chức hay nhân viên ăn lương nhà nước. 8 người sống ở các tỉnh miền Bắc, 8 người ở miền Trung, đặc biệt tập trung ở Nghệ An, và nhiều nhất ở miền Nam: 23 người. Năm 2011, người trẻ nhất bị kết án 25 tuổi, người già nhất 71 tuổi, tuổi trung bình 48. Năm 2012 người trẻ nhất 23 tuổi, người già nhất 63 tuổi, tuổi trung bình 41. (Tổng kết của nhà văn Phạm Thị Hoài). Hầu hết những người này đều bị kết án theo điều 88 bộ luật hình sự (chống lại nhà nước) và họ đủ mọi hạng tuổi, giai tầng, tôn giáo, nghề nghiệp xã hội, đó phải chăng như thế là Đảng đã gắn bó mật thiết với nhân dân?

Vụ việc tiêu biểu sau cùng là nghị định 71/CP do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ngày 19-09-2012, theo đề nghị của Bộ giao thông vận tải, do Ðinh La Thăng chủ đạo. Theo nghị định này, tất cả những ai đi xe không phải của mình (xe chính chủ) sẽ bị phạt gần bằng mức lương tối thiểu của người lao động bình thường, cụ thể là 1 triệu đồng đối với xe máy và 10 triệu đồng đối với xe hơi. Nghĩa là những ai tham gia giao thông phải chứng minh mình là chủ sở hữu chiếc xe đang sử dụng, nếu là xe mua bán thì phải có giấy sang tên đổi chủ. Ðối với trường hợp mượn xe thì phải chứng minh mối quan hệ với người chủ đứng tên chiếc xe. Ðáng chú ý là quy định trên chưa đến 3 tuần sau (10-11) đã được mang ra áp dụng khiến nhiều người dân trở tay không kịp. Quyết định quái đản này làm điêu đứng hàng chục triệu người, khiến dấy lên một làn sóng chỉ trích từ mọi giới về chính sách tận thu vô lý, đểu cáng và tàn nhẫn của nhà cầm quyền Cộng sản. Điều này một lần nữa chứng tỏ câu mới thêm trong điều 4 Hiến pháp là một sự lăng nhục đối với nhân dân.

Như đối với mọi mỹ từ khác, khởi đầu là “Độc lập-Tự do-Hạnh phúc”, câu mới thòng vào trong điều 4 Hiến pháp (đổi mới như cũ) của Cộng sản chỉ mang tính lừa gạt cách trơ trẽn và vô liêm sỉ, ngang nhiên và tàn độc. Suốt cả lịch sử của mình, đảng CS chưa bao giờ gắn bó với nhân dân (đàn áp thì có), phục vụ nhân dân (bóc lột thì có), chưa bao giờ chịu sự giám sát của nhân dân (qua mặt thì có), chịu trách nhiệm trước nhân dân về các quyết định của mình (coi thường thì có). Thế thôi!

Ban Biên Tập (số 159, ngày 15-11-2012)
-Nhấn vào Link này để "download" (save as) Bán nguyệt san TDNL ở dạng (format): .pdf, sẽ chậm (xin kiên nhẫn!), nếu bạn không sử dụng đường dây cao tốc Internet DSL, nhưng toàn bộ mỗi số báo 32 trang sẽ giữ dạng nguyên thủy, như là 1 file duy nhất: http://www.tdngonluan.com/pdf/TuDoNgonLuan_So159_15November2012.pdf
....................................................................................................

Chân    thành    cảm    tạ    qúy    vị    ghé    thăm    trang    nhà    website    Tự    Do    Thông    Tin    Ngôn    Luận    cho    toàn    dân    Việt Nam

Copyright © 2006 www.tdngonluan.com/Email: witness2005@gmail.com/Webmaster: legraphic@yahoo.com - All rights reserved.