“Mọi
người có quyền tự do ngôn luận; quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp
nhận và phổ biến mọi loại tin tức và ý kiến, không phân biệt ranh giới,
bằng truyền miệng, bản viết hoặc bản in, bằng hình thức nghệ thuật,
hoặc thông qua bất cứ phương tiện truyền thông đại chúng khác theo sự
lựa chọn của mình”
(Điều
19,2 Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Liên Hiệp Quốc
biểu quyết năm 1966, Việt Nam xin tham gia năm 1982).
(Everyone
shall have the right to freedom of expression; this right shall include
freedom to seek, receive and impart information and ideas of all kinds,
regardless of frontiers, either orally, in writing or in print, in the
form of art, or through any other media of his choice.)
|
D
I Ễ N Đ À N • Trên diễn đàn Thượng đỉnh Hiệp hội các Nước Ả Rập năm 2009, Moammar Gaddafi -tên độc tài vốn kết thúc cuộc đời trong ô nhục hôm 20-10 mới rồi sau 42 năm thống trị Lybia- đã tự cho mình là một lãnh tụ vĩ đại. Ông ta huênh hoang tuyên bố khi ấy: “Tôi là một lãnh tụ quốc tế, là bậc thầy của các nhà lãnh đạo Ả Rập, là vua của tất cả các vua châu Phi, là thủ lãnh tinh thần của mọi tín đồ Hồi giáo…”. 42 năm trời làm mưa làm gió tại Lybia và gieo tai giáng họa khắp thế giới đã thể hiện thói ngạo mạn và ngông cuồng này. Đối với quê hương dân tộc, Gaddafi đã cai trị bằng bàn tay sắt. Đó là đàn áp, khủng bố những nhà đối lập, những ai phản đối chính sách độc đoán và gia đình trị của ông. Đó là áp dụng nhiều điều luật xử phạt nặng nề và man rợ đối với lắm tội danh mơ hồ. Đó là xử chung thân hay treo cổ bất cứ ai bị gán tội “bôi nhọ Tổ quốc, nói xấu chế độ, xúc phạm lãnh tụ”… Hàng vạn người đã bị mất tích, tù đầy, bị tra tấn đến chết mà không qua xét xử. Nhiều nhân vật đối lập đã chạy trốn ra nước ngoài vẫn bị mật vụ theo dõi, ám hại. Đối với các nước láng giềng tại Phi châu, Gaddafi từng gây chiến với Tchad, can thiệp vào cuộc nội loạn ở Ethiopia và Congo, kích động dân Touareg ở Niger và Mali, trang bị vũ khí cho các du kích quân ở Liberia và Siera Leone. Đối với các nước dân chủ Tây phương, Gaddafi dùng các thủ đoạn khủng bố, đe dọa, trả thù. Lực lượng an ninh ở đối ngoại của ông đã đặt bom trên chiếc máy bay hành khách Pan-Am của Mỹ, giết chết 270 người trên bầu trời Lockerbie thuộc Scotlen năm 1988, khiến Lybia bị quốc tế cấm vận trong hơn một thập niên. Năm 2009, Gaddafi ngưng cung cấp dầu hỏa cho Thụy Sỹ để trả thù việc Thụy Sỹ bắt giam người con trai của ông vì tội hành hạ hai nhân viên phục vụ trong khách sạn. Ngoài ra, Gaddafi còn tài trợ cho nhiều lực lượng khủng bố quốc tế. Từ tổ chức khủng bố Palestin đến Quân đội Cộng hòa Ailen (IRA), từ tổ chức ETA ở Tây Ban Nha đến Nhóm Hồi giáo cuồng tín ở Philipin là Abu Sayyaf. Kẻ dùng gươm sẽ phải chết vì gươm, gây nợ máu sẽ phải trả bằng máu. Sau hơn 8 tháng vùng lên và nổi dậy của nhân dân Libya, kẻ 42 năm ngự trị trên ngai báu huy hoàng và quyền lực vô tận đã bị lôi ra từ một ống cống, bị kéo lê lết trên đường phố, bị tát vào mặt, bắn vào bụng vào đầu đến tử thương, tiếp đó bị lưu giữ trong một kho đông lạnh của hàng thịt, và cuối cùng bị chôn bí mật trong sa mạc, trước sự hả hê của đồng bào ông, những kẻ ông tưởng sẽ không bao giờ dám đứng lên chống lại ông bởi đã bị khống chế bằng cả một màng lưới công an cảnh sát dày đặc và cả một đội lính đánh thuê trang bị hùng hậu ước lượng lên tới 20% dân số. Nhiều chính khách quốc tế, nhiều nguyên thủ quốc gia đã phát biểu một cách lạc quan trước cái chết của kẻ độc tài. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Ban Ki Moon, cho rằng sự kiện tại Libya đã thúc đẩy “một tiến trình chuyển tiếp lịch sử”. Tổng thống Hoa Kỳ, Obama khẳng định cái chết của Moammar Gaddafi chứng tỏ những chế độ bạo quyền phải tất yếu thất bại. Tổng thống Sarkozy của Pháp, nước đi đầu trong chiến dịch giúp lực lượng nổi dậy, thì tuyên bố: nhân dân Lybia đã được giải thoát khỏi một chế độ độc tài và tàn bạo đã áp đặt lên họ hơn 40 năm nay. Thủ tướng Anh Cameron phát biểu: Những kẻ độc tài, tàn bạo phải bị loại trừ. Tổng thư ký NATO, Anders Fogh Rasmussen, cho rằng cái chết của Gadhafi đã kết thúc “sự trị vì của nỗi sợ hãi” cho nhân dân Libya. Chủ tịch Liên hiệp Âu châu Herman van Rompuy và Chủ tịch Ủy ban Âu châu, José Manuel Barrosso, cũng khẳng quyết: “Ngày nay, dân tộc Libya có thể lật qua trang sử và nuôi dưỡng một tương lai tự do, dân chủ”. Tổng thư ký Liên đoàn Ả Rập, ông Nadil al-Arabi, hy vọng là cái chết của nhà độc tài Gaddafi đã khép lại trang sử của bạo quyền ở Libya. Tại Phi châu và Trung Đông, người dân đang chịu ảnh hưởng của phong trào Mùa xuân Ả Rập như Tunisia, Ai Cập, Maroc, Syria, Iran… coi đây là một chiến thắng lớn nữa gieo hy vọng cho toàn khu vực. Dĩ nhiên, cũng có một vài tiếng nói lạc lõng, vô cảm từ Tchad, Niger, Iran, Venezuela, Trung Cộng hay Việt Cộng. Tổng thống Venezuela Hugo Chavez đã bày tỏ sự phẫn nộ trước cái chết của Gaddafi: “Điều đau buồn là cái chết của Gaddafi đã được xác nhận… Bọn chúng đã ám sát ông ấy… Suốt đời này chúng tôi sẽ mãi tưởng nhớ Gaddafi như là một chiến binh, một nhà cách mạng và liệt sỹ vĩ đại”. Tại Việt Nam, tay bồi bút vô liêm sỉ số một là đại tá Nguyễn Như Phong, từng là cây bút trụ cột của các tờ Công an và An ninh Thế giới và nay là tổng biên tập tờ Năng lượng mới, đã dành bài “Sự thật về Lybia và Gaddafi” đăng trên báo này hôm tháng 09-2011 để nâng bi ông ta một cách trơ trẽn (dĩ nhiên với sự đồng ý của tập đoàn ở Ba Đình). Như Phong cho rằng đó là nhà lãnh đạo “ở trong trái tim của hầu hết nhân dân châu Phi như một con người độ lượng và giàu tinh thần nhân văn”, rằng “Libya là một đất nước có nhiều chính sách mà nhân dân nhiều nước trên thế giới nên mơ, chẳng hạn: Việc xài điện gia dụng được miễn phí; Nước dùng cho sinh hoạt cũng miễn phí; Công dân không phải đóng thuế nên cũng không có VAT; Các ngân hàng cho vay không lấy lãi; Mỗi cặp vợ chồng mới cưới được nhà nước trả tiền mua nhà; Chăm sóc y tế được miễn phí. Các bệnh viện được trang bị siêu tốt, đến nỗi nhiều cơ sở y tế của phương Tây cũng phải ganh tị; Bậc trung học và bậc đại học đều miễn học phí…”. Nói tóm, Lybia dưới thời Gaddafi có một “nền dân chủ và văn minh rất cao”… Toàn những lời lẽ dối trá không biết ngượng miệng.
• Kết cục bi thảm và ô nhục của Gaddafi
là kết cục của hầu hết những tên độc tài trong thế kỷ 20 và 21, đặc
biệt là những tên độc tài Cộng sản. Tiếp đó là Benito Mussolini, lãnh tụ (Duce) của chế độ độc tài phát xít Ý, đồng minh và thân hữu của Adolf Hitler. Bị quân kháng chiến cộng sản Ý bắt khi định trốn qua Thụy Sĩ cùng với cô nhân tình Clara Petacci ngày 27-04-1945, hôm sau, cả hai bị bắn tại làng Giulino di Mezzegra rồi sau đó xác bị đưa về Milan, treo ngược cho dân chúng “chiêm ngưỡng”. Tiếp nữa là Adolf Hitler, người thiết lập chế độ Quốc xã sắt máu, tàn sát 6 triệu người Do Thái trong lò thiêu, gây nên Thế chiến thứ hai, đẩy nhân loại vào cơn binh lửa. Tháng 4-1945, biết rõ ngày tàn của mình đến gần vì quân Nga càng lúc càng tiến sát Berlin, Hitler vội vã kết hôn với Eva Braun rồi đem cô ta và một số thủ lãnh vào hầm chống đạn. Thấy tình trạng đến mức tuyệt vọng, ngày 30-04, Hitler đã tự sát với một khẩu Walther còn cô Braun thì uống thuốc độc. Theo sau là Ion Antonescu, từng là lãnh tụ thời chiến của Romania và bị đổ trách nhiệm cho cái chết của 400.000 người. Cuối cùng, năm 1946 ông ta bị khởi tố về tội ác chống nhân loại, tội ác chống hòa bình và tội mưu phản. Dẫu có kháng án hai lần, rốt cục ông vẫn bị xử bắn ngày 1-6-1946. Joseph Stalin, lãnh tụ đỏ thì qua đời ngày 5-3-1953, hưởng thọ 74 tuổi. Lý do chính thức của cái chết là xuất huyết não. Có thông tin cho rằng ông bị đầu độc. Dù sao, đây chỉ là hậu quả của của một cơn lo sợ bị ám sát luôn ám ảnh ông ta vì đã gây ra bao nhiêu tội ác. Nhiều năm trước khi qua đời, hằng đêm Stalin đến một ngôi biệt thự dành riêng cho ông mà chỉ có một cửa ra vào duy nhất, với 40 phòng ngủ với đầy đủ tiện nghi và mỗi đêm ông ta sẽ chọn một trong các phòng đó, để chẳng ai biết được. Bên ngoài có một đại đội lính Cosak tuyệt đối trung thành với ông canh giữ. Một tên độc tài CS khác nữa là Nicolae Ceausescu, lãnh tụ đảng CS Romania, cai trị quốc gia này từ năm 1965 đến năm 1989. Với một đời sống cực kỳ xa hoa, một đầu óc hết sức kiêu ngạo, tự gán cho mình các danh hiệu “Lãnh tụ”, “Thiên tài của người Carpathian”, “Dòng sông Danube của tư tưởng”, một chính sách đưa cả dân tộc vào vòng điêu đứng. Tháng 12-1989, bị lật đổ bởi một cuộc đảo chính quân sự, hai vợ chồng N. Ceausescu đã bị xử tử ngày lễ Giáng sinh 25-12-1989. Sang thế kỷ 21, có tên độc tài ở Iraq là Saddam Hussein. Tháng 4-2003, Baghdad sụp đổ và Hussein biến mất. Ông bị bắt vào tháng 12, lôi ra từ một hầm trú ẩn. Cuối cùng, vào ngày 30-12-2006, Hussein bị treo cổ vì các tội ác chống nhân loại. • Sự sụp đổ thê thảm của các chế độ độc tài trên đây và cái chết thảm thê ô nhục của những kẻ đã xây dựng nên nó hẳn là một bài học đích đáng, tấm gương tày liếp cho tập đoàn lãnh đạo Cộng sản Hà Nội. Xu hướng dân chủ là xu hướng tất yếu của nhân loại trong thế kỷ XX và XXI này. Được khơi gợi và trình bày qua các Tuyên ngôn và Công ước Nhân quyền, được quảng bá bằng những phương tiện truyền thông hiện đại vốn phá vỡ mọi bức tường bưng bít che đậy, được hỗ trợ bằng hàng vạn, hàng triệu đồng bào chạy khỏi các chế độ độc đoán sang các chế độ tự do, xu hướng dân chủ này là sức mạnh sẽ đánh tan mọi toan tính duy trì ách thống trị độc tài độc đảng, mọi âm mưu ru ngủ và ngu hóa nhân dân, mọi kế hoạch trấn áp những ai lên tiếng đòi hỏi lẽ phải và lẽ thật. Thành ra, các lãnh đạo Cộng sản Việt Nam nên chuẩn bị đi là vừa, đừng để phải chịu thân phận nhục nhã như Gaddafi. Tội ác của Hồ Chí Minh, lãnh tụ của họ, đã chất cao như núi. Tội ác của các Bộ Chính trị làm cho khối tội ác này càng cao, nhất là tội làm tay sai cho ngoại bang xâm lược. Dù vậy, cánh cửa vẫn còn mở để cho họ trở về với đại khối dân tộc. Nhưng không phải là vĩnh viễn. Đừng mù quáng cố chấp hay tham lam níu kéo, bằng không sẽ quá muộn! Ban Biên Tập (số 134, ngày 01-11-2011)-Nhấn vào Link này để "download" (save as) Bán nguyệt san TDNL ở dạng (format): .pdf, sẽ chậm (xin kiên nhẫn!), nếu bạn không sử dụng đường dây cao tốc Internet DSL, nhưng toàn bộ mỗi số báo 32 trang sẽ giữ dạng nguyên thủy, như là 1 file duy nhất: http://www.tdngonluan.com/pdf/TuDoNgonLuan_So134_1November2011.pdf .................................................................................................... |