“Mọi
người có quyền tự do ngôn luận; quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp
nhận và phổ biến mọi loại tin tức và ý kiến, không phân biệt ranh giới,
bằng truyền miệng, bản viết hoặc bản in, bằng hình thức nghệ thuật,
hoặc thông qua bất cứ phương tiện truyền thông đại chúng khác theo sự
lựa chọn của mình”
(Điều
19,2 Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Liên Hiệp Quốc
biểu quyết năm 1966, Việt Nam xin tham gia năm 1982).
(Everyone
shall have the right to freedom of expression; this right shall include
freedom to seek, receive and impart information and ideas of all kinds,
regardless of frontiers, either orally, in writing or in print, in the
form of art, or through any other media of his choice.)
|
D
I Ễ N Đ À N Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam vừa làm được chuyến công du Hoa Kỳ như một chuyến đi dối già, theo lối nói của bình luận gia Ngô Nhân Dụng, nghĩa là một chuyến du lịch cho vui trước khi chết, trường hợp của ông Trọng là trước khi về hưu. Dĩ nhiên, toàn bộ nền báo chí công cụ CS đã không ngớt lời tuyên truyền về chuyến đi này: nào là đã được Tổng thống Hoa Kỳ chính thức mời nhiều lần từ 2012 nhưng nay ông mới thuận đi (trong khi thực chất là xin xỏ được gặp lãnh đạo của “Đế quốc Mỹ xâm lược”), nào là một chuyến đi lịch sử chưa từng có, vì lần đầu tiên một tổng bí thư đảng CS được chính phủ Hoa Kỳ đón tiếp nhiệt tình (nhiệt tình đến độ quên trải thảm đỏ -nên thông tấn xã VN phải vẽ thêm vào- tại phi trường Andrews của một căn cứ quân sự thay vì tại phi trường quốc tế Washington Dulles, với vài nhân viên ngoại giao cấp thấp cùng với vài chục Việt kiều thân cộng). Ông lại được mời vào Tòa Bạch ốc, tiếp trong Phòng Bầu dục dù chẳng phải là lãnh đạo chính phủ (báo chí lề đảng quên rằng người Mỹ không mấy câu nệ về nghi thức ngoại giao, lại lờ đi việc Nguyễn Phú Trọng và đoàn tùy tùng phải vào cửa hậu để tránh nghe tiếng hô đả đảo CS, tránh nhìn cả rừng cờ vàng và tránh thấy hình các tù nhân lương tâm; lờ đi việc Nguyễn Phú Trọng không được đón tiếp bằng 21 phát đại bác, duyệt hàng quân danh dự, đứng trên bục nghe cử hai bài quốc ca, dự quốc yến do tổng thống khoản đãi, đọc diễn văn trước lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ và lưu trú tại nhà khách chính phủ như Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm một thời!) Thái độ khinh thường đó là điều dễ hiểu, một là vì chính phủ Mỹ luôn biết và luôn coi Việt cộng chỉ là một chính đảng tiếm quyền, một chính phủ tiếm danh; hai là vì Nguyễn Phú Trọng đi ra quốc tế, mang cả thể diện quốc gia, trong ý định bang giao bình đẳng, với cao vọng đóng góp cái gì đó tích cực cho thế giới mà lại với hai bàn tay không: không thành tích kinh tế thương mại, không thành tích giáo dục văn hóa, không thành tích khoa học kỹ thuật, không thành tích an sinh xã hội, chỉ có thành tích đàn áp nhân dân, tàn phá đất nước và bán dần Tổ quốc cho Tàu. Người ta cũng đã hy vọng rằng với lời kêu gọi và sự áp lực của các tổ chức nhân quyền quốc tế cũng như của một số dân biểu nghị sĩ Hoa Kỳ, Hà Nội sẽ phóng thích vài tù nhân lương tâm trọng án như linh mục Nguyễn Văn Lý, mục sư Nguyễn Công Chính, doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức, nhà báo Tạ Phong Trần, kỹ sư Đặng Xuân Diệu… như món quà tặng tổng thống và chính phủ Mỹ (loại quà duy nhất là Việt cộng có được và luôn trữ sẵn). Thế mà tuyệt nhiên không! Hai bàn tay không ấy chỉ ngửa ra để xin chính phủ Mỹ công nhận tính chính danh của đảng cầm quyền Việt Cộng, thừa nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, chấp nhận cho Hà Nội sớm được gia nhập Hiệp ước đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, và chuẩn nhận việc bãi bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương. Nguyễn Phú Trọng và đồng đảng quên rằng nhà nước thực dụng Hoa Kỳ đã từng thân thiện với –có khi còn ủng hộ mạnh- nhiều chế độ độc tài miễn có lợi cho họ, theo phương châm: “Không có bạn bè vĩnh viễn, không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có quyền lợi vĩnh viễn”. Nixon đã chẳng từng đá Trung Hoa dân quốc bé xíu của Tưởng Giới Thạch để bắt tay với Trung Hoa cộng sản vĩ đại của Mao Trạch Đông đó sao? Về chuyện xin Hoa Kỳ thừa nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, ta hãy nghe ông Nguyễn Khắc Mai, giám đốc Trung tâm Minh triết Việt Nam nhắn nhủ Nguyễn Phú Trọng: “Nhiều lần, tôi đã thưa với các vị lãnh đạo rằng chớ nhục nhã đi xin xỏ các nước tiên tiến giàu có “công nhận cho chúng tôi quy chế kinh tế thị trường”, mà hãy quay về xin với nhân dân “hãy làm kinh tế thị trường cho đúng nghĩa, thực chất, văn minh và lành mạnh”. Các nước tiến bộ, giàu mạnh, họ không xin xỏ như vậy. Nhà nước của họ, và các chính đảng dân tộc, dân chủ của họ, phấn đấu để tạo ra luật lệ cần thiết và đầy đủ về mọi yếu tố của kinh tế thị trường để cho nhân dân, trong đó bộ phận dân làm doanh nhân có đầy đủ mọi điều kiện để làm kinh tế thị trường đúng nghĩa và lành mạnh văn minh. Ít thấy những nước Nhật, Hàn, Singapore,Indonesia, Ấn Độ… đi van nài như vậy. Khi đất nước của họ có nền kinh tế thị trường đúng nghĩa rồi thì không cần xin xỏ ai nữa. Cố nhiên, họ không cần cho mọc cáí đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa” làm gì. Tôi xin lưu ý cái sự mọc đuôi là một dấu hiệu của thoái hóa”. Xin được công nhận như nền kinh tế thị trường thì bộ sậu Ba Đình hãy xem lại Hiến pháp điều 51 mục 1. Bọn Mẽo mắt xanh mũi lõ chẳng biết tới điểm hiến định quan trọng này à? Về việc xin sớm gia nhập Hiệp ước Đối tác xuyên Thái Bình Dương, tuy Việt Nam và Hoa Kỳ đã thoả thuận sẽ thúc đẩy việc đàm phán về nó cho mau kết thúc tốt đẹp và thỏa mãn, nhưng không thấy Nguyễn Phú Trọng nói gì về những chuẩn bị của VN trong những lãnh vực thiết yếu như tài chánh, ngân hàng, xí nghiệp, công đoàn và cả nhân quyền... để khai thác một cách thuận lợi hiệp ước TPP cho Việt Nam. Đang khi Việt Nam là nước có nền kinh tế chậm phát triển nhất trong khối 12 nước của TPP, thậm chí trong khối ASEAN, có một thể chế chính trị độc tài, với một nền kinh tế còn mang tính chỉ huy, lấy các công ty quốc doanh, xí nghiệp nhà nước làm chủ đạo, tước bỏ quyền tư hữu đất đai của công dân, trấn áp các công nhân biểu tình hay dự tính thành lập công đoàn độc lập, do đó hoàn toàn không thích hợp cho một thị trường rộng mở cùng với sự cạnh tranh gay gắt, một sân chơi bình đẳng và một sự tôn trọng quyền lợi của người lao động. Thành ra tuy đã có nhiều cuộc gặp gỡ tiếp xúc với giới lãnh đạo nhiều ngành của Hoa Kỳ, tất cả những gì Tổng Trọng nói chỉ phản ảnh giọng điệu tuyên truyền cố hữu và não trạng bảo thủ thâm căn, như tránh né vấn đề nhân quyền, phủ nhận đàn áp các thành phần dân chủ, chẳng bàn luận cách tích cực vấn đề đối phó với Tàu cộng đang ngày càng lộng hành ở Biển Đông... Trong diễn văn bằng tiếng Việt tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế của Hoa Kỳ (CSIS), Nguyễn Phú Trọng biện bạch: “Vấn đề nhân quyền là vấn đề mà chính giới và dư luận Hoa Kỳ rất quan tâm, cũng là vấn đề nhạy cảm trong quan hệ hai nước. Tôi khẳng định Việt Nam hết sức coi trọng vấn đề quyền con người. Đất nước chúng tôi tuy còn không ít vấn đề cần tiếp tục phải giải quyết, trong đó có vấn đề quyền con người, nhưng chúng tôi đang nỗ lực không mệt mỏi để xây dựng một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người… không để vấn đề này cản trở đà tiến triển tốt đẹp của quan hệ, cũng như ảnh hưởng tới việc xây dựng lòng tin giữa hai nước.” Giữa lúc đó thì tại quê nhà, một dân oan phản đối cướp ruộng bị xe ủi đất cán lên người, một dân nghèo buôn thuốc lá lậu chạy trốn công an bị đạp ngã tử vong, một nhà báo tự do bị gọi lên gọi xuống chất vấn về những gì ông viết và bị buộc phải đóng cửa trang báo mạng ông đang làm chủ nhiệm. Rồi trong lúc Biển Đông hiện vẫn tiếp tục là điểm nóng với sự lấn chiếm từng bước của Tàu cộng bằng việc cải tạo các đảo đá ngầm ở Trường Sa mà chúng đã chiếm của VN thành đảo đá nổi, xây dựng những công trình dân dụng lẫn quân sự trên đó nhằm đặt các quốc gia ven Đông Hải trước một sự việc đã rồi. Trong lúc Philippin đã công khai kiện tụng Bắc Kinh về Đường lưỡi bò phi pháp, nhằm vô hiệu hóa việc áp đặt chủ quyền của Tàu cộng trên 90% Biển Đông, mới đây là bằng việc cử một phái đoàn cao cấp sang La Haye tham dự phiên xử từ 7-13/7/2015 của Tòa Trọng tài Thường trực. Thì lãnh đạo CSVN, ngoài một số tuyên bố suông để xoa dịu người dân và thành phần quan tâm đến đất nước trong guồng máy đảng, lại chẳng dám có hành động, hay ít ra lời nói cụ thể để lên án Tàu cộng, ngõ hầu ngăn chặn việc chúng khiêu khích, truy đuổi, cướp bóc, bắn chết ngư dân Việt Nam, ngang nhiên đem và tái đem giàn khoan Hải Dương vào vùng đặc quyền khai thác của nước ta trên biển. Trước khi đi Mỹ, Nguyễn Phú Trọng còn đề cao cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh trong lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của tay này, kẻ đã thân hành đến Thành Đô tái đầu phục kẻ thù truyền kiếp của Dân tộc và ký kết những mật ước với chúng, mở đường cho sự xâm nhập của Tàu cộng ngày càng sâu trên đất liền biển cả của nước Việt. Ngoài ra, tuy lần đầu tiên được mời công du chính thức Hoa Kỳ, một quốc gia hùng mạnh mà mọi nước dân chủ dù lớn hay nhỏ đều muốn liên minh, Nguyễn Phú Trọng vẫn không dám đưa ra lời tuyên bố nào tỏ ý sẵn sàng hợp tác về quân sự với các quốc gia trong vùng như Philippin, Malaisia, Indonesia cũng như hợp tác với các cường quốc trong khu vực Thái Bình Dương như Hoa Kỳ, Nam Hàn, Nhật Bản, Úc Đại Lợi nhằm chống lại sự hiếu chiến và mộng xâm lăng của Tàu cộng. Một mong muốn khác của Nguyễn Phú Trọng là Washington huỷ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho VN, nhưng việc này vẫn dậm chân tại chỗ vì thành tích nhân quyền yếu kém của Hà Nội. Thậm chí, ngay khi Tổng Lú còn đang ở trên đất Mỹ, báo chí VN có đăng tải lời tuyên bố của Thượng nghị sĩ John McCain về chuyện hợp tác Việt Mỹ và chuyện hủy bỏ lệnh cấm đó, nhưng lại cắt bỏ những phần quan trọng của lời tuyên bố này liên quan đến việc Hà Nội phải tôn trọng quyền con người, trả tự do cho các tù nhân lương tâm và cải cách hệ thống pháp luật. Nguyễn Phú Trọng đã đi hai tay không, nay cũng về hai tay không. Cuộc Mỹ du chỉ là chuyến du lịch dối già để tay TBT này đỡ mang tiếng suốt đời thần phục Tàu cộng và có tiếng là được tên “sen đầm quốc tế” trọng thị. Nói tóm lại, Tổng Trọng đi về chẳng đem lại tia hy vọng gì cho nhân dân và đất nước. Bị giam hãm trong ý thức hệ độc tài thâm căn cố đế, trong cuồng vọng duy trì mãi mãi quyền lực của đảng, Việt Cộng sẽ chẳng bao giờ thực thi những hứa hẹn về nhân quyền một khi, nhờ cơ may nào đó, Hà Nội được gia nhập TPP. Có thể còn đàn áp nhân dân dữ dội hơn, như sau khi được làm thành viên Tổ chức Thương mại Quốc tế, thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ. Một dấu hiệu rõ ràng nhất là công an đang tìm cách tiêu diệt tờ Việt Nam Thời Báo và qua đó bóp chết tự do internet lẫn tự do ngôn luận. Ngoài ra, với sự mù quáng trong cái gọi là “tình đồng chí cộng sản”, cộng với cái ách lệ thuộc Trung Nam Hải ngày càng lớn và nặng, Việt cộng sẽ không thể nào trở thành đồng minh đáng tin cậy với Hoa Kỳ trong cuộc chiến chống Trung Quốc. Mọi lời nói, thậm chí mọi thái độ có vẻ như thiên về nhân quyền, về dân chủ, về Tây phương đều là những đòn hỏa mù lừa gạt, mánh lới tình thế. Nhân dân đất nước chỉ thật sự hy vọng khi cái đảng bất tài, bất tín, bất nhân và bất lực này phải ra đi. Ban
Biên Tập (số 223 ngày 15-7-2015) |