“Mọi
người có quyền tự do ngôn luận; quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp
nhận và phổ biến mọi loại tin tức và ý kiến, không phân biệt ranh giới,
bằng truyền miệng, bản viết hoặc bản in, bằng hình thức nghệ thuật,
hoặc thông qua bất cứ phương tiện truyền thông đại chúng khác theo sự
lựa chọn của mình”
(Điều
19,2 Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Liên Hiệp Quốc
biểu quyết năm 1966, Việt Nam xin tham gia năm 1982).
(Everyone
shall have the right to freedom of expression; this right shall include
freedom to seek, receive and impart information and ideas of all kinds,
regardless of frontiers, either orally, in writing or in print, in the
form of art, or through any other media of his choice.)
|
D I Ễ N Đ À N Đẽo
chân cho vừa giày !!! Đây là phương cách của các chế độ độc tài, nhất là độc tài cộng sản, vốn mang tính toàn trị ! Năm 1963, giữa lúc nhân tâm miền Bắc chưa hết cơn khủng khiếp và xã hội miền Bắc chưa hết cơn hoảng loạn vì những hậu quả rợn người, đầy chết chóc máu lệ của cuộc Cải cách ruộng đất và vụ Nhân văn Giai phẩm, thì Hồ Chí Minh thản nhiên công bố một tín điều : “Đảng là đạo đức ! là văn minh !” Động từ “là” trong câu này mạnh gấp nhiều lần động từ “có”, vì nó muốn nói văn minh đạo đức chính là bản chất của đảng hay đảng là hiện thân của đạo đức văn minh ! Dĩ nhiên trong thâm tâm ai cũng hiểu đó là thứ ”đạo đức cách mạng” : đấu tố ân nhân, lên án cha mẹ, giết vợ bỏ con, phản bội chiến hữu, trù dập văn nhân nghệ sĩ mà Hồ Chí Minh và hàng lãnh đạo CS thời ấy là tấm gương, cũng như văn minh ấy là thứ văn minh phá vỡ những giá trị nhân bản, truyền thống của dân tộc như nhân, nghĩa, lễ, trí, tín... thứ văn minh tiến lên thời đại đồ sắt (theo nghĩa sắt máu) và… đồ đểu như lời thi sĩ Bùi Minh Quốc còn mô tả gần đây : “Quay mặt phía nào cũng phải ghìm cơn mửa ! Cả một thời đểu cáng đã lên ngôi !” Thế nhưng Cộng sản vẫn tìm mọi cách cưỡng ép toàn dân miền Bắc phải tin theo “chân lý thời đại” do họ Hồ ban ra ấy. Chẳng hạn qua những vần thơ quái đản của các văn nô chế độ mà mọi người, nhất là giới trẻ phải học thuộc và áp dụng. Ví dụ bài thơ ca tụng tên đồ tể Stalin, kẻ đã tàn sát 10 triệu dân Nga và là kẻ duyệt xét đề án Cải cách ruộng đất của Việt Cộng: “...Ngày mai dân có ruộng cày. Ngày mai độc lập ơn này nhớ ai? Ơn này nhớ để hai vai. Một vai ơn Bác một vai ơn Người. Con còn bé dại con ơi. Mai sau con nhé trọn đời nhớ Ông!...” (Tố Hữu, Đời đời nhớ Ông, 1953). Hoặc bài thơ ca ngợi đảng của Xuân Diệu : “...Trong đời cũ trái tim ngoài ngực. Tôi thoi thóp đêm ngày đau nhức... Đảng dạy tôi phân biệt tự nguồn. Đảng đã cho tôi xương sống của tâm hồn...” (dù sau này Xuân Diệu có thú nhận : mỗi lần ngâm “thơ Bác” thì nhỏ nước mắt để được mua ít ký thịt!?!). Hay bài thơ của Chế Lan Viên : “Đảng ở đâu phân phối trái vườn thơm. Đây ta đuổi ruộng mặn đồng chua thành ngon ngọt... Ta nghĩ chuyện nghìn năm chưa kịp nghĩ. Và đôi mắt thần của Đảng chiếu tầm xa” (Nghĩ về đảng, 1966). Chỉ đến cuối đời, Chế Lan Viên mới nói thật về chế độ qua bài thơ “Bánh vẽ ” (1991). Đi cùng với “tín điều” ngổ ngáo khoác lác nói trên của HCM (mà người ta còn thấy trên các bích chương cổ vũ bầu cử “Quốc hội” năm 2007) là những câu khẩu hiệu như “Đảng là thần thánh, là ưu việt!” (câu nói lên gân của tổng bí thư Leonid Brejnev giữa lúc chế độ Liên xô sắp sụp đổ), như “Ý đảng, lòng dân”, “Nghe theo Đảng ! Nói theo đài !”, như “Dân tin đảng ! Đảng tin dân !”, Đảng là “của dân, do dân, vì dân” (thành ngữ ăn cắp của Abraham Lincoln, tổng thống HK)... Rồi cả một nền tuyên truyền, giáo dục bắt buộc mọi người phải coi “Bác” và “Đảng” như ân nhân của đất nước, của từng người, như nguồn chân lý và công lý của xã hội, phải coi xã hội chủ nghĩa là ưu việt, là đích tới của văn minh nhân loại, ai hiểu ngược lại mà bày tỏ ra hay làm ngược lại là không thể sống nổi. Tất cả khiến toàn thể miền Bắc rồi cả nước bị lôi vào cuộc chiến huynh đệ tương tàn, bị dùng vào những cuộc thí nghiệm cuồng điên, những cuộc tổng diễn tập (kiểu nói của Phạm Quang Nghị) chết người, hết của... Chẳng lạ gì mà khi Georges Marchais, tổng bí thư đảng CS Pháp (1972-1994) tuyên bố kiểu tổng kết vụ Liên xô và Đông Âu sụp đổ: “Globalement positif” (Xét chung là tích cực !), thì liền bị tờ Le Figaro hay Le Monde gì đó (hai nhật báo lớn nhất của Pháp) sửa lại : “Globalement vomitif” (Xét chung là đáng nôn mửa !) Dầu vậy, tại Việt Nam hiện thời, não trạng Procuste của hàng lãnh đạo CS vẫn thâm căn cố đế, chân cẳng (nghĩa là tâm trí) của hơn 80 triệu dân vẫn bị kéo cho vừa chiếc giường, bị đẽo cho vừa chiếc giày mà đảng luôn sắm sẵn. Toàn thể bộ máy chính trị, toàn thể bộ máy nhồi sọ (trên các phương tiện truyền thông và qua các giáo khoa mọi cấp) ngày đêm căng kéo, đẽo gọt không ngừng. Chiếc giường hay chiếc giày đó mang nhiều tên gọi khác nhau. Trên phương diện chính trị thì đấy là “dân chủ tập trung”, là “chủ quyền hơn nhân quyền”, là “xã hội chủ nghĩa chỉ tạm thời bị khủng hoảng”, dù ai cũng biết rằng dân chủ kiểu ấy là dân chủ vỏ, còn ruột là độc tài đảng trị, rằng nhân quyền của mọi người dân phải hy sinh cho chủ quyền của toàn đảng, và rằng xã hội chủ nghĩa đã bị vứt vào sọt rác lịch sử từ lâu ! Trên phương diện kinh tế thì đó là “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, dù ai cũng hiểu đấy là kinh tế tư bản hoang dã chỉ làm giàu sụ đảng viên cán bộ có chức quyền ! Trên phương diện ngoại giao với lân bang thì đó là châm ngôn “phải biết sống cận kề nước lớn” như xưa rày bằng cách nhượng đất nhường biển, đang khi nhân dân -qua lịch sử- đều biết tổ tiên đã hiếu hòa, thậm chí triều cống Đại Hán sau khi đã đánh cho nó liểng xiểng tả tơi ! Mới đây, tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 26 của VC (1-10/12/2008, quy tụ gần 700 đại biểu), tổng bí thư Nông Đức Mạnh thản nhiên khẳng định : “Tổ quốc ta còn nghèo khổ nhưng đàng hoàng” ( !?!), dù mấy năm nay trong ngành ngoại giao VN đã có vụ việc đại sứ tại Hoa Kỳ mò sò, lãnh sự tại Nhật Bản sờ mông, tham tán tại Anh quốc côn đồ và bí thư tại Nam Phi buôn lậu... Trên phương diện pháp luật thì đó là “pháp chế xã hội chủ nghĩa”, là “tự do trong khuôn khổ” dù ai cũng biết thứ pháp chế đó thực chất chỉ là luật rừng, luật tiền, luật đảng, và rằng khuôn khổ tự do đó là chậu cảnh, bể nước chứ không phải là giòng sông hay biển cả cho con cá bơi lội. Kết cục các phiên tòa thì bao giờ cũng là công thức bất di dịch : “Tất cả các bị can đã ngoan ngoãn cúi đầu nhận tội trước tòa để được hưởng chính sách khoan hồng của đảng và nhà nước” !?! Vụ án 8 giáo dân Thái Hà hôm 08-12 mới rồi là bằng chứng hùng hồn cho thứ luật pháp tùy tiện quái đản này. Cả một bản cáo trạng đao to búa lớn, đầy dẫy những vu cáo trơ trẽn, những ngụy biện nực cười thế mà đảng vẫn đưa ra cách trang nghiêm đĩnh đạc để bắt mọi người phải công nhận. Quả là “xử đúng cũng được, xử sai cũng được, xử hòa cũng được, xử thắng cũng được, xử thua cũng được...” (lời chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trịnh Ngọc Dương). Nhưng giáo dân Thái Hà có công nhận phiên xử, bản án ấy hay không thì mọi người đã rõ ! (trừ ai chỉ nghe báo đài VC !) Trên phương diện thông tin, chiếc giường hay chiếc giày đó nay mang cái tên mới do thứ trưởng bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn đặt : “Đi lề bên phải”. Toàn bộ báo chí cứ “thẳng đàn [không phải “thẳng đàng”] mà đi, mà nói” dưới cây gậy và củ cà rốt của đảng. Cứ theo đuôi của Nguyễn Thế Thảo mà cắt xén rồi xuyên tạc thả giàn câu nói của Đức Tổng Giám mục Hà Nội, cứ bám mông của Nguyễn Đức Nhanh mà vu khống giáo xứ Thái Hà phá hoại tài sản, gây rối trật tự trị an ! Dám đi giữa đường hay đi bên trái thì nhớ số phận của Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải! Chưa hết, qua thứ trưởng bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn, đảng còn muốn ngang nhiên đẽo chân, dẫn đường cho báo chí Nhật Bản trong vụ PCI, khiến toàn bộ nước Nhật, từ nhân dân, chính phủ tới báo chí đang cho Việt Nam một bài học đích đáng nhớ đời ! Gần đây thôi, cũng chính Đỗ Quý Doãn (được báo Tiền Phong 28-11-2008 trích đăng) đã định nghĩa blog là hoạt động mang yếu tố cá nhân: “Yếu tố này quy định blog không đại diện cho một tổ chức hay thông tin chính thống nào cả. Những blogs vượt quá thông tin cá nhân là sai quy định, trái pháp luật !” Thành ra cấm các bloggers bày tỏ và chia sẻ quan điểm về các vấn đề chính trị, xã hội ! Để răn đe, Giám đốc Trung tâm Bách khoa lo về an ninh internet là Nguyễn Tử Quảng (một tay công an mạng hạng gộc), nói rằng theo dự thảo luật đang được bàn cãi, “những người vi phạm có thể bị phạt tiền tới 12,000 đô Mỹ và án tù tới 12 năm” mà y cho là “rất xứng đáng đối với những ai cố ý phổ biến những tin thất thiệt về tôn giáo, hệ thống chính trị, nhà nước và chính phủ”. Đang khi đó thì toàn thể thế giới đều công nhận blog “là một trang mạng cá nhân hoặc của một nhóm các cá nhân, là nơi để mỗi cá nhân tự do bày tỏ suy nghĩ, tình cảm, thái độ, quan điểm; là tờ báo mạng của cá nhân hoặc nhóm, được thường xuyên cập nhật” và “blogger được coi là nhà báo công dân” (Wikipedia), dựa trên điều 19 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền. Nói tóm lại, đảng CS đang tạo ra tạo ra cho nhân dân VN một chiếc giường, một chiếc giày mang cái tên chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại : “văn hóa đảng” ! Khái niệm này do chính cựu trưởng ban tư tưởng văn hóa trung ương Nguyễn Khoa Điềm phát minh ra năm 2005 và được trình bày hàng tuần trên truyền hình VC. Ngoài văn hóa đại lục, văn hóa dân tộc, văn hóa dân gian, văn hóa tôn giáo ra, nay dân Việt lại biết thêm một thứ văn hóa đặc biệt nữa là “văn hóa đảng”. Đảng đã cầm quyền hơn 60 năm rồi, mà là cầm quyền tuyệt đối, cho nên mọi chuyện từ nhỏ đến lớn đều liên quan đến đảng. Văn hóa là một chuyện vô cùng quan trọng trong đời sống xã hội nên đảng phải “quan tâm” và muốn rằng nhờ đảng mà dân Việt có thêm một nền văn hóa mới : đó là tùng phục, mến yêu, đề cao đảng, đó là tin đảng như thần chân lý và thần công lý, đó là hãy cứ gian dối, bạo hành nếu cần vì ích lợi của đảng, đó là đặt quyền lợi của đảng trên quyền lợi của nước, của dân, đó là “sống chết mặc bây, quyền đầy đảng nắm” !!! Trong thần thoại chiếc giường nói trên, cuối cùng tên cướp Procuste đã bị người hùng Thésée bắt y chịu chính hình phạt mà y đã sáng tạo. Nhân dân và lịch sử cũng sẽ hành xử với tên Procuste cộng sản như thế thôi ! Ban Biên Tập (số 65, ngày 15-12-2008) |