Mọi người có quyền tự do ngôn luận; quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và phổ biến mọi loại tin tức và ý kiến, không phân biệt ranh giới, bằng truyền miệng, bản viết hoặc bản in, bằng hình thức nghệ thuật, hoặc thông qua bất cứ phương tiện truyền thông đại chúng khác theo sự lựa chọn của mình (Điều 19,2 Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Liên Hiệp Quốc biểu quyết năm 1966, Việt Nam xin tham gia năm 1982). (Everyone shall have the right to freedom of expression; this right shall include freedom to seek, receive and impart information and ideas of all kinds, regardless of frontiers, either orally, in writing or in print, in the form of art, or through any other media of his choice.)

D I Ễ N   Đ À N

Đấu Tranh Cho Một Lá Cờ
 Minh Võ (12.08.2006)

Ngày thứ bảy, 5/8/2006 tại thính đường Rose Center, thuộc thành phố Westminster, nơi có khu Little Saigon, thường được mệnh danh là “thủ đô tỵ nạn”, thống đốc tiểu bang California Arnold Schwarzenegger đã ký sắc lệnh công nhận lá cờ vàng ba sọc đỏ “để từ nay người Việt có quyền chính thức treo lá cờ của mình trong các buổi lễ của tiểu bang”.

Thống đốc California, Arnold Schwarzenegge tuyên bốr: “Từ nay người Việt có quyền chính thức treo lá cờ của mình trong các buổi lễ của tiểu bang California”

Ông coi đây là một cơ hội tuyệt vời để vinh danh hơn nửa triệu người Việt Nam đã chọn Cali làm nơi sinh sống và đã đóng góp cho sự phồn vinh của quê hương thứ hai này. Luật sư Trần Thái Văn, dân biểu tiểu bang, một trong những người đã tích cực nhất để vận động cho việc này đã đứng sát bên thống đốc và được ông tặng một trong hai cây bút dùng để ký văn kiện lịch sử này.

California là tiểu bang thứ 9 trong số 50 tiểu bang của Hoa Kỳ đã công nhận lá cờ này, từng là quốc kỳ của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) trước kia. Tám tiểu bang kia là: Lousiana, Hawaii, New Jersey, Virginia, Colorado, Georgia, Florida và Texas. Ngoài ra cũng phải ghi nhận, thành phố Westminster của California đã là thành phố đầu tiên trong số hơn một trăm thành phố của Mỹ công nhận cờ vàng.

Có người dè bỉu nói rằng những viên chức Mỹ công nhận cờ vàng của cộng đồng người Mỹ gốc Việt chẳng qua chỉ vì muốn lấy phiếu của một sắc dân trong những cuộc bầu cử sắp tới. Chẳng có gì đáng lấy làm hãnh diện.

Tuy nhiên, nếu quả thực thế đi chăng nữa thì cũng phải nhìn nhận là các cá nhân, hay/và cộng đồng người việt tại các địa phương này đã biết lợi dụng điều đó để lá cờ mà dưới đó họ đã từng phục vụ tổ quốc được các chính quyền địa phương tôn vinh, và cho họ được phép duy trì như một biểu tượng tôn qúy, mặc dù ngày nay nó không còn tượng trưng cho một quốc gia nào nữa.

Điều khiến nhiều người còn dè dặt, và kêu gọi không nên quá lạc quan, là vì đây chưa phải là luật do quốc hội tiểu bang ký.

Một sự kiện xảy ra cũng liên quan tới lá cờ vàng tại Úc chỉ một tuần trước đó gợi nhớ tới phản ứng dữ dội của nhà cầm quyền CS tại Việt Nam, rất bực tức, mỗi khi một tiểu bang, hay thành phố công nhận lá cờ này. Tờ nhật báo Herald Sun ở Melbourne ngày 31 tháng 7 đã đăng bài của ký giả Neil Wilson nhan đề “Bàn Tay Của Hà-Nội đàng sau vụ sỉ nhục về quốc kỳ”.

Tác giả bài báo cho biết ông Bruce Billson, bộ trưởng bộ Cựu Chiến Binh Úc đã bị áp lực không ngừng của toà đại sứ Cộng Sản Việt Nam, nên đã “đòi hỏi chi hội Cựu Chiến Binh ở Dandenong không bao giờ được treo lá quốc kỳ của cựu đồng Minh Nam Việt Nam; nếu không sẽ bị mất ngân khoản 40,000 Úc Kim.” Ngân khoản này đã được dự trù để cấp cho hội CCB trong năm 2006 để bảo trì tượng đài chiến sĩ Việt-Úc ở Victoria.

Nhưng ông John wells, chủ tịch ủy ban đặc trách tượng đài nói: “Ông bộ trưởng muốn làm gì với ngân khoản đó thì làm. Chúng tôi không chơi trò chính trị. Lá cờ này là một sự thực lịch sử.”

Phản ứng dữ dội, không ngừng nghỉ của Cộng Sản đối với lá quốc kỳ của Việt Nam Cộng Hoà trước 1975 cho thấy rõ hai điều: Thứ nhất, họ biết cuộc chiến ý thức hệ chưa hề chấm dứt. Lá cờ của đối phương còn tung bay là sức chiến đấu của đối phương còn tồn tại. Thứ hai, trong cuộc chiến ý thức hệ, lấy tuyên truyền làm vũ khí chủ soái, thì biểu tượng là lá cờ, tụ điểm của niềm tin và sức chiến đấu. Tuyên truyền bắt buộc phải có một biểu tượng và một thần tượng. Họ có thần tượng Hồ Chí Minh được duy trì bằng mọi giá và bồi đáp liên tục. Đụng vào thần tượng này tức khắc toàn bộ hệ thống chế độ run bắn lên như cơ thể giật nảy khi có gì chạm vào những điểm nhậy cảm nhất của hệ thống thần kinh.

Câu nói “Lá cờ này là một sự thực lịch sử” của ông John Wells khiến tất cả những ai đang tranh đấu cho một Việt Nam tự do dân chủ nhớ một sự thực lịch sử khác là tất cả những ai đã từng chiến đấu, tranh đấu chống cộng sản trong dĩ vãng để bảo vệ lá cờ đó (xuất hiện sau khi Cộng sản cướp chính quyền) đều chiến đấu vì lý tưởng tự do của nhân loại chống sự nô dịch hoá của một chủ nghĩa không tưởng, cực ác, mưu toan đưa cả nhân loại trở lại thời kỳ đồ đá. Các nước Úc, Mỹ, Tân Tây Lan, Pháp, Thái Lan, Phi Luật Tân, Hàn Quốc... chiến đấu bên cạnh quân đội Việt Nam Cộng Hoà trong thập kỷ 60 rõ ràng không phải vì mục đích thực dân, đế quốc, như CS từng tuyên truyền, mà là để bảo vệ một miền Nam tự do đang bị Cộng Sản xâm lăng bằng đủ mọi hình thái chiến tranh, vũ trang và phi vũ trang.

Nhưng cũng có một thực tế lịch sử, không thể không nhấn mạnh ở đây. Đó là cuộc chiến đấu của phe tự do tại miền Nam Việt Nam, của tất cả những người, những nước vừa nêu đã thất bại. Kể cả siêu cường Mỹ với quyết tâm bảo vệ Miền Nam mà họ từng gọi là tiền đồn của thế giới tự do. Mặc dù đây chỉ là sự thất bại cục bộ mà cơ duyên đã dẫn tới một chiến thắng toản bộ vào đầu thập niên 90, thế kỷ trước. Dầu sao thất bại vẫn là thất bại.

Và hơn nữa, cũng là một thực tế không thể phủ nhận, là cho đến nay vẫn còn có nhiều người khẳng định, Việt Nam Cộng Hoà không thua, vì có chính nghĩa, mà chỉ bị phản bội và bỏ rơi. Nhiều người viết hồi ký, hay bút ký chiến tranh, đề cao những thành tích, chiến công của mình hay đơn vị mình trong chiến tranh, với hàm ý “chúng tôi đã chiến đấu anh dũng. Đáng lý chúng tôi không thua, nếu không bị Mỹ bỏ rơi”! Họ nhất định cho rằng Mỹ không thua, Mỹ chỉ giả vờ thua để lấy cớ bỏ rơi đồng minh một cách chính đáng. Mỹ bỏ Miền Nam VN vì Mỹ đã bắt tay được với Trung cộng, và Liên Xô! (Họ quên rằng Nixon và Kissinger chỉ thử quay sang Trung Cộng và Liên Xô để tìm cách gỡ một thế cờ bí ở Việt Nam, để có thể rút chân ra khỏi vũng lầy Việt Nam, sau khi đã thấy không còn cách nào thủ thắng ở đây.)

Hai thực tế này cho thấy nguyên nhân tại sao cho đến nay Việt Nam vẫn chưa được “giải phóng” khỏi một chế độ “chuyên chính” đàn áp, lạc hậu, trong khi tại hàng chục nước Đông Âu và Liên Xô chuyên chính vô sản chỉ còn là một kỷ niệm đau buồn.

Karl Von Clausewitz đã viết, đại ý, sau một chiến bại quan trọng, các phần tử bên thua thường đổ lỗi cho nhau. Chỉ cho đến khi nào mọi phía đồng ý được với nhau về lý do thất trận thì mới có khả năng phản công để giành lại phần thắng.

Sau thất bại 1975, một số giới chức VNCH đổ lỗi cho Mỹ phản bội, bỏ rơi đồng minh. Rất nhiều người Mỹ, trong đó có nhiều sử gia và nhà báo tên tuổi kết tội lãnh đạo miền Nam thối nát, quân sĩ thiếu kỷ luật và tinh thần chiến đấu. Thậm chí mới cách nay không lâu những giới chức cao cấp nhất của Hoa Kỳ cũng bảo VNCH thua vì không muốn chiến đấu, và CS thắng vì họ tỏ ra yêu nước hơn..

Riêng về phía VNCH cũ thì một đàng bảo nguyên nhân của sự thất bại của VNCH là vì ông Ngô Đình Diệm đàn áp Phật Giáo, độc tài gia đình trị, bị các tướng lãnh làm đảo chính giết đi, khiến miền Nam mất một cơ hội bằng vàng.

Đến nay vẫn còn có giáo sư đại học Mỹ viết sách chỉ trích chính quyền Eisenhower “ngu ngốc” cử một tín đồ sùng đạo Công Giáo lãnh đạo một quốc gia mà tuyệt đại đa số theo Phật Giáo, còn Công Giáo chỉ vẻn vẹn 8% dân số. Vì thế đã sa lầy ở Việt Nam và mang lấy “hội chứng Việt Nam”.

Nhưng không ít người lại cho là chính quyền Dân Chủ Mỹ đã mắc sai lầm chiến lược nghiêm trọng khi chủ trương hạ ông Diệm, một lãnh tụ được dân miền Nam bầu lên một cách hợp hiến hợp pháp, làm cho miền Nam xáo trộn trong một thời gian dài. Quân tác chiến Mỹ phải ồ ạt kéo vào mới cứu vãn được tình hình chỉ trong mấy năm....

Người thì bảo, chỉ nguyên một việc Mỹ tự ý đem quân tác chiến vào mà không tham khảo ý kiến của chính quyền miền Nam (lúc ấy do lãnh tụ Đại Việt, một cự tướng chống cộng, bác sĩ Phan Huy Quát, làm thủ tướng), và không có một hiệp ước song phương về việc này, cũng đủ để cho tuyên truyền CS tấn công một cách mạnh mẽ và chí tử rằng họ có chính nghĩa khi kháng chiến chống Mỹ xâm lược, còn chính quyền miền Nam chỉ là bù nhìn, quân sĩ miền Nam chỉ là lính đánh thuê cho bọn cướp nước.

Những cuộc cãi vã và đổ lỗi cho nhau trong hàng ngũ VNCH và đồng minh còn nhiều, mà khó tìm ra giải pháp dung hoà hay nguyên nhân đích thực của sự thất trận.

Chúng tôi đã có lần mạo muội thử đưa ra một quan điểm về việc này, và nêu lên những nguyên nhân chính của sự thất trận của phía tự do, gốm cả VNCH và đồng minh, nhất là Mỹ. Xin được miễn nhắc lại ở đây những điều đã được trình bày trong hai bài báo Tại sao thua? và Why we lost? lần lượt được đăng tải vào dịp kỷ niệm thất trận 30/4/2005 và 30/4/2006. Nhưng, sau hơn ba chục năm tranh chấp về nguyên nhân của sự thất trận, có thể nói, hầu hết mọi người đều đã mất kiên nhẫn để, qua những bài học lịch sử, tìm ra lời giải đáp cho câu hỏi không có gì hấp dẫn, mà còn làm mình bực bội này.

Nhiều người nghĩ rằng cứ giương cao ngọn cờ vàng ba sọc đỏ ở nhiều thành phố Mỹ chừng nào thì CS chóng sụp đổ chừng ấy. Không biết bao nhiêu nỗ lực đáng khen đã dồn cho mục tiêu này. Kết quả là lòng người ở hải ngoại có phấn chấn tự tin hơn. Nhưng điều đó chưa có tác dụng gì với lòng dân trong nước.

Vì vậy cũng không ít người nghĩ, hãy dồn nỗ lực cho việc dựng lại lá cờ đó ở trong nước, hay ít nhất quật ngã lá cờ đỏ sao vàng, là điều thiết thực hơn.

Đó là chưa kể cũng có những người không ngần ngại đưa ra đề nghị: các cộng đồng người Việt hải ngoại hãy quên đi dĩ vãng, quên luôn lá cờ vàng ba sọc đỏ đi, vì nó chỉ gợi nhớ lại sự thất bại chua cay mà thôi. Hoặc nên xếp vào kho kỷ niệm cả 2 lá cờ tượng trưng cho hai lực lượng đối kháng, thù địch từng chia rẽ dân tộc suốt hơn nửa thế kỷ. Không nên chào cờ, không nên treo cờ đó nữa, vì chỉ tổ kéo dài sự thù hận, chia rẽ. Nhưng những người này quên một thực tế trước mắt là họ chỉ có thể xếp lá cờ vàng, chứ lá cờ đỏ thì vẫn tung bay khắp nơi trong nước và trên thế giới, tại Liên Hiệp Quốc.

Click to EnlargeMột số nhà tranh đấu trẻ ở trong nước, phần đông lớn lên sau 1975, không dính dáng gì đến lá cờ vàng, hoặc không biết gì đến nguồn gốc của nó và cái mà nó tượng trưng, đã có lý để không quan tâm đến lá cờ vàng, mà cả đời họ chưa được thấy. Họ nghĩ chỉ cần nhắm hạ lá cờ máu, mà không cần đứng dưới hay nêu cao lá cờ nào khác.

Nhưng nếu họ có dịp đến những hội trường của cộng đồng người Việt ở Mỹ, ở Úc hay một số nước châu Âu để dự các buổi nói chuyện hay họp mặt của các tổ chức, đoàn thể chính trị, văn hoá, tôn giáo v.v... thậm chí của ngay một hội ái hữu rất nhỏ nào đó, họ cũng đã bắt buộc, dù muốn hay không, phải đứng nghiêm chỉnh chào lá “quốc kỳ bại trận” năm xưa của cộng đồng người Việt tỵ nạn. Nếu họ thấy được sự tôn nghiêm, thành kính nào đó toát ra từ những buổi lễ như vậy, hẳn sẽ có lúc họ tự hỏi: Tranh đấu có cần một lá cờ không? Và nếu không thích lá cờ này thì phải chọn lá cờ nào? Chẳng lẽ tranh đấu mà không có ngọn cờ nào? Trong khi lá cờ đỏ chói của CS vẫn tung bay khắp nơi trong nước và tại Liên Hiệp Quốc...

Có người sẽ trả lời thay: “Hãy để quốc hội tương lai quyết định về quốc kỳ”. Về nguyên tắc rất đúng: Quốc kỳ tương lai phải để quốc hội do toàn dân bầu ra trong một cuộc bầu cử tự do. Nhưng trong hoàn cảnh thực tế hiện tại, khi chưa có bầu cử tự do, chưa có quốc hội tự do, câu trả lời đó chẳng ăn nhằm gì với câu hỏi về một lá cờ hiện tại. Nó chỉ là một sự né tránh một nhu cầu trước mắt, vì không biết phải chọn một lá cờ nào cho thích hợp. Nếu chưa đoàn kết được để chọn ra một lá cờ tạm thời có khả năng thay thế lá cờ cũ, thì giản dị nhất và cũng thực tế nhất là hãy tạm thời tiếp tục chấp nhận lá cờ đã từng tượng trưng cho sự chiến đấu chộng cộng trong dĩ vãng. Nhất là nếu quan niệm rằng cuộc chiến ý thức hệ vẫn tiếp tục, như phe Cộng nghĩ, thì càng có lý do để duy trì lá cờ đó.

Nhưng nói vậy không có nghĩa là các chiến sĩ tự do dân chủ tranh đấu nhắm mục đích tái lập nền đề nhất, hay đệ nhị Cộng Hoà ở miền Nam Việt Nam trước đây.

Lá cờ này chỉ tạm thời thay cho một lá cờ sẽ được chính thức công nhận trong tưong lai, với điều kiện là cuộc đấu tranh đem lại thắng lợi, và lá cờ đỏ sao vàng bị hạ xuống ở trong nước cũng như trên trường quốc tế.

Và theo thiển kiến, thắng lợi thực sự sẽ chẳng bao giờ đến, bao lâu người Việt hải ngoại, với những tổ chức đấu tranh đa dạng đang hoạt động nhằm giải thế chế độ CS, vẫn chỉ mãi mê say sưa với thứ “chiến thắng phù du” là thành tích dựng được thật nhiều cờ vàng ba sọc đỏ trên những miền đất lạ, xa tắp, bên ngoài quê hương, mà quên rằng, mục tiêu đấu tranh của chúng ta là dựng được lá cờ tự do dân chủ ở trên quê hương.

Vì vậy, lá cờ (tạm thời dùng cờ vàng ba sọc đỏ) là biểu tượng, để quy tụ mọi nỗ lực của mọi tổ chức đấu tranh trong một cuộc chiến ý thức hệ vẫn còn đang tiếp diễn. Mà cuộc chiến ý thức hệ này, không thể thành công, nếu không có những chiến lược sách lược đấu tranh theo bản chất chiến tranh ý thức hệ, trên các mặt trận tuyên truyền, văn hoá, v.v... bằng các phương tiện truyền thông đại chúng hiện đại, trong đó điện toán và các làn sóng điện vô tuyến chiếm vị trí hàng đầu.

Trên đây là đôi điều suy nghĩ riêng tư về một biểu tượng cũ mà nhiều người cho rằng cần phải duy trì và giương cao trong phong trào đấu tranh cho tự do dân chủ ở trong nước. Chắc chắn cuộc thảo luận về đề tài này sẽ sôi nổi. Nhưng cũng mong rằng những ý kiến đưa ra, dù từ quan điểm nào, sẽ hướng về một giải pháp cụ thể, thực tế và có ích lợi nhất cho mục đích tối hậu mà mọi người theo đuổi là giải thể một chế độ phi nhân, lỗi thời, đã phân hoá truyền thống dân tộc và đưa cả nước tụt hậu rất xa so với những nước không Cộng sản trong vùng.

Không đạt đựợc mục tiêu tối hậu này, hay ít nhất không phá vỡ được huyền thoại “anh hùng dân tộc”, huyền thoại cha già dân tộc của Hồ Chí Minh, thì dù chúng ta có cắm hàng triệu lá cờ vàng ba sọc đỏ ở ngoại quốc cũng sẽ không ngăn cấm được con cháu chúng ta trong tương lai tìm cách triệt hạ những lá cờ đó, cũng như triệt hạ những tượng đài chiến sĩ Việt Mỹ, Việt Úc, v.v.v... mà chúng coi như những dấu tích, chứng tích về một sự “phản quốc” của cha ông chúng.

Con cháu chúng ta rất có thể sẽ suy nghĩ một cách hết sức đơn sơ, mà lại rất khó phản biện rằng: Nếu Hồ Chí Minh đã là đại anh hùng dân tộc, như một số nhà tranh đấu trong nước (tiếc thay!) còn thành thực tin như vậy, và các pho sử thế giới hãy còn ghi như thế, mà không có những bộ sách nghiêm túc cải chính một cách thuyết phục, thì những kẻ đứng dưới lá cờ vàng ba sọc đỏ, để chống lại họ Hồ và đảng của ông ta chỉ là những kẻ phản quốc, Việt gian, hay lính đánh thuê cho ngoại bang.

Thiết nghĩ cần phải phòng ngừa đừng để cho con cháu chúng ta kết án cha ông của chúng như thế.

Với chất xám, tiền của, phương tiện của các cộng đồng người Việt hải ngoại, và của một số tổ chức đấu tranh giầu có hiện nay, cộng với những phương tiện truyền thông hiện đại, việc này không phải không làm được. Miễn là phải có một nội dung nghiêm túc, xác đáng và hướng đấu tranh đúng, chủ yếu nhắm vào các mục tiêu và đối tượng ở trong nước.

Minh Võ (12.08.2006) Nam California

www.TDNgonLuan.com hoan nghênh ý kiến đóng góp của qúy vị độc giả. Xin email về: tdngonluan@yahoo.com hay type vào hộp Ý Kiến/Comment Box ở dưới đây và nhấn vào nút "Submit" để gởi đi. Trân trọng:

TÊN, HỌ / NAME:  
 E M A I L:  

Ý KIẾN /  COMMENT:  

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ:
- Phan Thi Long Khanh (Sunday, September 3, 2006 at 10:24:11)
Có những tổ chức đã phản bội họ tuyên Bố "nếu chọn giữa 3 triệu ngừời Việt hải ngoại hay 83 triệu người dân trong nước, họ sẽ chọn số đông". Nhưng thực ra 80 triệu người dân trong nước, dù thầm kín nhưng không ai muốn chấp nhận cộng sản. Tổ chức này dã từ chối hai chử Tỵ nạn và manh nha trở về Vn hoạt động. Nhưng dưới những điều kiện thực tế do CS áp đặt, Tổ chức này muốn được vào trong nước hoạt động - công khai hay bí mật - đèu phải qua màng lọc của tổ chức ngoại vi đảng cộng sản do đó chuyện hợp tác trong môi trường 80 triệu dân, vì là hình thức tuyên truyền bao che cho hành động hợp tác của vài chục đảng viên chóp bu của tổ chức này với 2 triệu đảng viên CS, Câu này phải được hiểu là Họ đã hy sinh 3 triệu người hải ngoại (
không quyền lực) để đổi lấy hợp tác với 2 triệu đảng viên cộng sản (đang nắm quyền lực) để mong được chia sớt chút hư danh mà không có thực quyền.
- Nguoi Tu Do (Tuesday, August 29, 2006 at 02:09:28)
Cờ vàng ba sọc là một biểu tượng duy nhất để tập hợp những tấm lòng yêu chuộng tự do dân chủ và nhất là những người từng là nạn nhân của chế độ cộng sản. Những nổ lực để lá cờ này được công nhận và tung bay trên khắp thế giới, nơi có cộng đồng Người VN cư ngụ là một nổ lực đáng trân trọng. Những nổ lực này dĩ nhiên sẽ không ngừng lại chỗ đó. Mục tiêu tối thượng của nổ lực này là lá cờ vàng ba sọc đỏ
sẽ tung bay trên chính nơi đã khai sinh ra nó. Tranh đấu để được trở về sống lại trên chính quê hương đất
nước của mình.. chứ không ai có ý nghĩ mượn lá cờ để công nhận cái "đất" của mình ở xứ người.
- Kieu Vu (Friday, August 18, 2006 at 11:16:10)
Moi no luc lam cho hang ngu doi phuong cong san suy yeu va sup do deu dang quy trong. Hon nua neu khong dung la co Vang ba soc do de phan chia lan ranh cong san va ke thu cua chung la toan dan Viet nam thi lay gi phan biet ???

Trở về trang chính

Chân    thành    cảm    tạ    qúy    vị    ghé    thăm    trang    nhà    website    Tự    Do    Thông    Tin    Ngôn    Luận    cho    toàn    dân    Việt Nam

Copyright © 2006 www.tdngonluan.com / Email: tdngonluan@yahoo.com  -  All rights reserved.