“Mọi
người có quyền tự do ngôn luận; quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp
nhận và phổ biến mọi loại tin tức và ý kiến, không phân biệt ranh giới,
bằng truyền miệng, bản viết hoặc bản in, bằng hình thức nghệ thuật,
hoặc thông qua bất cứ phương tiện truyền thông đại chúng khác theo sự
lựa chọn của mình” (Điều
19,2 Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Liên Hiệp Quốc
biểu quyết năm 1966, Việt Nam xin tham gia năm 1982). (Everyone
shall have the right to freedom of expression; this right shall include
freedom to seek, receive and impart information and ideas of all kinds,
regardless of frontiers, either orally, in writing or in print, in the
form of art, or through any other media of his choice.)
|
D I Ễ N Đ À N
Nhìn
vào tình trạng Việt Nam hiện nay : một trong những quốc gia nghèo đói
nhất thế giới, một trong những quốc gia tham nhũng, bất công nhất thế
giới, tình trạng giáo dục xuống cấp, luân lý suy đồi, đạo đức băng hoại
; nhiều người nghĩ rằng Việt Nam cần phải có một cuộc cách mạng. Điều
này, nếu là những người còn có lòng với đất nước và dân tộc, thì không
ai chối cãi. Nhưng, rút tỉa kinh nghiệm từ những cuộc cách mạng lớn
trên thế giới và những cuộc cách mạng dân chủ gần đây, chúng ta tự đặt
câu hỏi : Cách mạng Việt Nam sẽ diễn ra như thế nào trong tương lai
? Đó là một cuộc cách mạng bạo động đổ máu hay là cách mạng nhung ?
Giai tầng nào sẽ lãnh đạo cuộc cách mạng này ? Cuộc cách mạng này dựa
trên nền tảng, nguyên tắc căn bản nào ? Cách mạng dân chủ ở Liên Sô : Trong cuộc cách mạng này không ai chối cãi vai trò quan trọng của những người cựu đảng viên đảng cộng sản như Gorbatchev, Tổng Bí thư Đảng cộng sản, người đã dám can đảm nói : "Tôi đã bỏ hơn nửa cuộc đời đấu tranh cho lý tưởng cộng sản ; nhưng ngày hôm nay, tôi phải đau buồn mà nói rằng cộng sản chỉ biết tuyên truyền và nói láo", như Boris Eltsine, Ủy viện Bộ Chính trị mà dám xé thẻ đảng. Tất nhiên trong đó vai trò của giới trí thức cũng không kém phần quan trọng như nhà bác học Sakharov, cha đẻ của bom nguyên tử Nga, 3 lần được huy chương Lénine, nhưng cũng can đảm từ bỏ mọi đặc ân, đặc lợi, để nói lên sự thật, mặc dầu bị cầm tù. Cách mạng Ba Lan : Trong cuộc cách mạng này vai trò quan trọng là ở tôn giáo, nhất là Giáo Hoàng Jean Paul II. Vào năm 1978, khi vừa mới nhậm chức Giáo Hoàng, Ngài trở về thăm quê mình đang đắm chìm trong chế độ độc tài cộng sản. Ngài đã tuyên bố với dân Ba Lan : "Đừng sợ sệt ! Hãy hy vọng !" Tất nhiên trong khuôn khổ một nước độc tài, Ngài không thể nói nhiều ; nhưng chúng ta phải hiểu "Đừng sợ sệt" ở đây là đừng sợ sệt bạo quyền, hãy can đảm đứng lên để đấu tranh cho quyền sống, cho những quyền căn bản của mình. Và chỉ có làm như vậy, thì mới hy vọng có ngày mai tốt đẹp hơn.
Cách mạng Nhung Tiệp Khắc: Trong cuộc cách mạng này, vai trò trí thức
nhất là nhóm Hiến chương 77, cầm đầu bởi nhà bi hài kịch Vaclas Havel
giữ vai trò quan trọng. -
Cách mạng Hoa kỳ 1776 :
Cách mạng Hoa Kỳ bắt đầu từ những đòi hỏi đơn giản và thiết thực của
người dân, không có tham vọng cao như cuộc cách mạng Pháp, không được
hướng dẫn bởi một ý thức hệ như cuộc cách mạng Nga, được lãnh đạo bởi
những chính trị gia tài tử, chứ không phải người chuyên nghiệp cách
mạng và bởi một đảng như của Nga và một tổ chức như tổ chức Tam Điểm
của Pháp. Nhưng cho tới ngày hôm nay, cuộc cách mạng Hoa Kỳ là cuộc
cách mạng thành công nhất trong 3 cuộc cách mạng. Nó đã mang lại độc
lập cho Hoa Kỳ và tạo dựng được mô hình tổ chức nhân xã dân chủ, tự
do, được coi là mẫu mực và thành công nhất hiện nay. Cuộc cách mạng Pháp là một cuộc cách mạng bột phát từ dân, được hướng dẫn từ xa bởi những tư tưởng dân chủ, trên thực tế thì được hướng dẫn bởi những nhà trí thức và ngay cả quí tộc yêu nước, thấy rõ tình trạng bế tắc của đất nước, thấy rõ trào lưu tiến bộ của dân chủ, nên đã cùng dân làm cách mạng ; nó có một số tư tưởng hướng dẫn, nhưng nó không phải là ý thức hệ như cuộc cách mạng Nga, nó có sự lãnh đạo của hội Tam Điểm, nhưng đây chỉ là một hội văn hóa, triết học, chứ không phải là một đảng chính trị như đảng của Lénine. Đặc biệt cuộc cách mạng Pháp không có sự giúp đỡ của ngoại quốc như cuộc cách mạng của Hoa Kỳ có sự giúp đỡ của Pháp, và cuộc cách mạng Nga 1917 có sự giúp đỡ của Đức. Cách mạng Pháp có điểm tốt là nói lên được những quyền căn bản của con người và của các dân tộc, như bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Dân Quyền ngày 26/8/1789, được coi như Lời Mở đầu của Hiến Pháp 1791, bản này đã ảnh hưởng rất nhiều đến những nhà soạn thảo bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân quyền, được Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc chấp nhận vào ngày 10/12/ 1948. Nhưng cuộc cách mạng này cũng có những điểm xấu là quá kéo dài, giết quá nhiều người, lâm vào cảnh cách mạng ăn thịt con, như giết Condorcet, một nhà quí tộc, triết gia, toán học và chính trị gia, thư ký của Hàn Lâm Viện Khoa học Pháp, có tư tưởng dân chủ, tiến bộ, theo cách mạng lúc ban đầu ; nhưng sau đó chính cách mạng bỏ tù, định đưa ra máy chém, nên ông đã uống thuộc độc tự tử trong tù. Chính trong tù ông đã viết quyển sách Bảng Sơ lược về những tiến bộ của trí tuệ con người ( Esquisse d’un tableau des progrès de l’esprit humain), theo đó, ông cho rằng một nền giáo dục tốt phải dựa trên những nguyên tắc căn bản như nhân bản, hướng thượng, khoa học, tiến bộ và đại chúng, đó là nền tảng giúp cho một dân tộc phát triển, tiến bộ và công bằng. Tư tưởng này đã ảnh hưởng rất mạnh đến Thomas Jefferson, người xây dựng nền tảng giáo dục chính cho Hoa Kỳ.Jefferson và Condorcet là 2 người bạn thân với nhau. Ngày hôm nay chúng ta có thể nói là những nguyên tắc mà Condorcet đề ra cho giáo dục, không những được Jefferson thực hiện, mà nền giáo dục ở những nước tân tiến hiện tại vẫn áp dụng. Theo Condorcet, công bằng đầu tiên là bắt đầu bằng công bằng giáo dục và giới trẻ, vì vậy ông chủ trương giáo dục đại chúng; giáo dục là động lực chính của phát triển đất nước.
Cách mạng Pháp còn giết Lavoisier, được coi như một trong những cha
đẻ của nền hóa học hiện đại, chính ông đã phân tích nước ra làm Hydrogène
và Oxygène. Khi Lavoisier bị chém, có người than khóc ông : "Chỉ
cần 3 giây đủ làm đầu Lavoisier rơi xuống đất; nhưng để có bộ óc như
Lavoisier, thì nước Pháp phải cần đến cả 300 năm." Trong 3 cuộc cách mạng lớn và nhiều người biết ở trên thế giới, cuộc cách mạng thành công nhất là cuộc cách mạng Hoa Kỳ, cuộc cách mạng nửa thành công, nửa thất bại là cuộc cách mạng Pháp, cuộc cách mạng thất bại và mang nhiều hậu quả tai hại cho tới ngày hôm nay là cuộc cách mạng cộng sản Nga 1917.
Nó thất bại và tai hại, vì nó là cuộc "cách mạng đẻ non, sớm muộn
sẽ hoài thai", là cuộc cách mạng thừa, không cần thiết. b)
Cách mạng cộng sản là một cuộc cách mạng thừa, không cần thiết Đó là đối với cuộc cách mạng Nga, còn đối với những cái gọi là cuộc cách mạng còn lại, như ở Tàu, ở Việt Nam, ở Đông Âu, thì « đẻ non », thừa và không cần thiết hơn nữa, vì ở Tàu và Việt Nam, trình độ phát triển kinh tế còn lạc hậu hơn Nga, và trước đó ở Tàu thì đã có cuộc Cách mạng Tân Hợi 1911 do Tôn Dật Tiên làm với Trung Hoa Quốc Dân đảng dựa trên 3 nguyên tắc : Dân tộc độc lập, Dân quyền tự do, Dân sinh hạnh phúc. Ở Việt Nam, thì người Nhật đã trao trả độc lập cho Bảo Đại và chính quyền Trần trọng Kim. Tại Đông Âu, thì những cuộc gọi là cách mạng cộng sản được diễn ra dưới gót giày quân chiếm đóng Liên Sô sau Đệ Nhị Thế Chiến. Vì tính chất « Đẻ non », thừa, không cần thiết, nên tất cà những chế độ cộng sản được dựng lên như là một tế bào ngoại chủng, được cấy vào xã hội đó do những cuộc cướp chính quyền của những đảng cộng sản, tế bào này đã tàn hại tất cả những tế bào khác, làm cho những tế bào này đối kháng, chống đối lẫn nhau, qua quan niệm đấu tranh giai cấp, bạo động lịch sử của Marx, đưa đến chỗ phá hủy mọi liên hệ truyền thống giữa con người và con người, làm tiêu tán tất cả những văn hóa cổ truyền. Tế bào ngoại chủng này, được thể hiện dưới đảng cộng sản, lấy lý thuyết của Marx làm kim chỉ nam, đã trở thành một con ký sinh trùng, không những phá hoại văn hóa cổ truyền, mà còn hút máu mủ của dân.
Viết đến đây tôi lại nhớ đến : - Câu nói của tướng Tưởng giới Thạch : "Nhật như là bệnh ngoài da, cộng sản như là bệnh trong xương tủy." Người ta nhớ vào năm 1923, Tưởng gới Thạnh được Tôn dật Tiên gửi sang Liên Sô học, theo nguyên tắc thì phải ở bên đó lâu để học ; nhưng họ Tưởng chỉ ở một thời gian ngắn, rồi về. Người ta hỏi tại sao, thì ông trả lời ông không có gì để học ở bên đó. Sau đó ông nói tiếp : "Một con người không có xương sống thì không thể nào đứng dậy được, suốt đòi chỉ bò. Cộng sản chủ trương diệt giai tầng trí thức và trung lưu, xương sống của một xã hội. Xã hội này không đứng lên được". Chính vì vậy mà trong thời gian Chiến tranh Trung-Nhật, ông đôi khi chú tâm đến diệt cộng sản hơn diệt Nhật, nhiều người trách ông, ông đã nói câu trên để trả lời. - Nhớ đến khẩu hiệu của đảng Cộng sản Việt Nam lúc đầu : "Trí phú hào, đào tận gốc, trốc tận rễ ", và câu nói của Boris Eltsine : "Vào đầu thế kỷ 20, nước Nga đang ở cùng một con tàu với thế giới, không phài là đầu tàu ; nhưng cũng ở những toa hạng nhất ; thế rồi, nước Nga tự tách khỏi đoàn tàu, nghĩ rằng mình có thể có một phương thức phát triển riêng biệt và mau lẹ ; không dè bị dẫm chân tại chỗ, trong khi đoàn tàu thế giới vẫn tiến. Nước Nga hiện nay bị chậm tiến cả hàng nửa thế kỷ so với những nước ngang đồng với mình vào đầu thế kỷ, nếu không muốn nói là cả trăm năm.". Tôi còn nghĩ thêm đến cách mạng Hồng Vệ Binh ở Tàu, chủ trương giết trí thức, nói như Mao trạch Đông, "Trí thức không bằng cục phân", phá hủy mọi vết tích văn hóa cổ truyền. Thật là một điều không may cho ba nước Nga, Tàu, Việt Nam và những nước cộng sản khác, khi bị cách mạng cộng sản 1917 xâm nhập. Đọc đến đây, có người tự hỏi cách mạng là xấu như vậy, sao chính tác giả bài này lại chủ trương hiện nay phải có cách mạng ở Việt Nam như trong những bài trước đây "Cách mạng hay cải cách", "Cách mạng tiếp nối và khai dòng". Thực ra cách mạng tự nó không xấu và cũng không tốt, nó không phải là cứu cánh, mà chỉ là phương tiện ; nó cần hay không cần, tốt hay xấu là tùy theo hoàn cảnh của quốc gia đó. Nó như một liều thuốc mạnh, cần thiết và tốt cho một người bị bệnh nặng. Cách mạng chỉ cần thiết khi tiến triển của một xã hội bị bế tắc, bị bệnh nặng. Vấn đề ở đây đối với Việt Nam, câu hỏi đuợc đặt ra là tình trạng Việt Nam hiện nay thế nào. Có phải bị bế tắc và đang bị bệnh nặng dưới chế độ cộng sản hay không ? Câu trả lời của tôi là có, vì vậy tôi chủ trương phải có cách mạng ở Việt Nam. Không cần đi vào xâu, chúng ta chỉ nhìn qua : Việt nam hiện nay là một trong những nước nghèo đói nhất thế giới, sản lượng tính theo đầu người hàng năm là 500$, trong khi đó để thoát khỏi nạn nghèo đói là phải trên 1000$, để bắt kịp Thái Lan, với sản luợng 2000$, phải mất 33 năm, bắt kịp Đài loan với sản lượng 20000$, phải mất gần 200 năm, bắt kịp Nam Hàn với sản lương 12 000$, phải mất cả 150 năm. Mặc dầu những nước này trước 1975 là ngang hàng hay kém miền Nam Việt Nam. Không những kinh tế tụt hậu, mà giáo dục suy đồi, kỷ cương băng hoại, Việt Nam là một trong những nước tham nhũng, bất công nhất thế giới. Trong khi người dân không có 1$ một ngày để sống, thì con ông cháu cha, các ông lớn tiêu tiền vứt qua cửa sổ, đánh những canh bạc cả 2 triệu $, như vụ PMU18 mà dân ai cũng biết. Con ký sinh trùng là đảng cộng sản Việt Nam đã thâm nhập vào cơ thể dân tộc qua bạo lực, cướp chính quyền, nắm giữ guồng máy quốc gia, không có sự đồng thuận của dân, vì không qua một cuộc bầu cử dân chủ nào, hút máu mủ của dân, càng ngày càng giàu có, to lớn, dùng bất cứ phương tiện gì để duy trì quyền hành ; trong khi đó thì toàn dân cơ cực. Cảnh những em bé vị thành niên phải bán thân nuôi miệng ở Căm Bốt, cảnh những chị em phụ nữ, vì nghèo đói phải xuất cảng lao động, lấy chồng ngoại quốc, rồi bị hành hạ, chỉ cần bằng đó cũng đủ nói lên xã hội Việt Nam hiện nay là một xã hội bệnh hoạn, cần phải có một cuộc cách mạng để loại bỏ con ký sinh trùng cộng sản đang hoành hành cơ thể dân tộc Việt Nam.
I I ) Cuộc cách mạng tương lai Việt Nam dựa trên nền tảng nào Cuộc cách mạng tương lai Việt Nam phải dựa trên căn bản văn hóa tốt đẹp cổ truyền, nhưng được canh tân hóa, đồng thời phải biết thâu nhận những tinh hoa thập phương. Đó là một cuộc cách mạng phục hưng văn hóa, bắt kịp văn minh : Phục hưng, vì cộng sản với nền tảng là lý thuyết Mác Lê đã phá hủy văn hóa dân tộc qua chủ trương vô gia đình, vô tôn giáo, vô tổ quốc ; Bắt kịp văn minh, vì chúng ta phải biết thâu nhận những điều hay, ý đẹp của người, phải thâu ngắn càng sớm càng tốt sự tụt hậu của chúng ta do cộng sản gây ra, để theo kịp đà tiến bộ của văn minh nhân loại. Rút tỉa kinh nghiệm quá khứ, chúng ta có thể lấy cuộc Cách Mạng Hoa Kỳ 1776 để suy ngẫm. Đó là cuộc cách mạng độc lập cứu quốc và cuộc cách mạng dân chủ kiến quốc. Chúng ta hiện nay đang cần một cuộc cách mạng như vậy, vì đất nước chúng ta hiện nay không có độc lập. Nước chúng ta hiện nay chỉ là một quận huyện của Trung Cộng dưới sự cai trị của cộng sản. Đất bước chúng ta bị lệ thuộc Trung cộng về chính trị ngoại giao, qua việc dâng đất, nhượng biển, qua việc lãnh đạo Trung Cộng hành xử như quan thái thú, và lãnh đạo cộng sản Việt Nam hành xử như kẻ bị đô hộ. Chỉ cần nhìn mỗi lần lãnh đạo Trung Cộng viếng thăm Việt Nam hay ngược lại, thì chúng ta sẽ rõ. Không những Việt Nam hiện nay bị lệ thuộc về chính trị mà còn cả về kinh tế và văn hóa : hàng hóa và phim ảnh Trung Cộng tràn ngập thị trường Việt Nam. Cuộc cách mạng đó đồng thời phải là cuộc cách mạng dân chủ kiến quốc, vì dân chủ là mảnh đất mầu mỡ để cho phát triển kinh tế nẩy mầm, vì dân có giầu, thì nước mới mạnh, mới giữ vững được nền độc lập lâu bền.
I I I ) Cuộc cách mạng đó diễn ra thế nào ? Đổ máu hay không đổ máu, ai là người hướng dẫn ? Tốt hơn là không đổ máu, diễn ra trong hòa bình, như cuộc Cách Mạng Nhung ở bên Tiệp Khắc, vào cuối thập niên 80. Tuy nhiên việc này còn tùy thuộc thái độ biết điều hay không biết điều của giới lãnh đạo cộng sản đương thời, và cũng tùy thuộc ở những người, ở những tổ chức hướng đạo cách mạng tương lai. Cộng sản có ngoan cố hay không, giới hướng dẫn cách mạng có đủ tài trí, tự tin và khoan hồng, độ lượng để chấp nhận những người cộng sản thực sự cải tà, qui chính hay không, hay còn đặt nặng hận thù cá nhân, mà quên quyền lợi của quốc gia dân tộc ? Rút tỉa kinh nghiệm từ cái gọi là cách mạng tháng 10/1917 ở Nga và gần chúng ta là cái gọi là cách mạng cộng sản Việt Nam 19/8/1945 chỉ là cuộc đảo chính cướp quyền, cuộc cách mạng tương lai Việt Nam phải là một cuộc cách mạng toàn diện, toàn dân: ở mọi phương diện, văn hóa, giáo dục, chính trị, kinh tế, xã hội; do sự tham dự của toàn dân, toàn quân, từ mọi giai tầng của xã hội, không phân biệt giai cấp, chủng tộc, màu da, tôn giáo; không phải chỉ do một cá nhân hay một tổ chức lãnh đạo, mà do một sự lãnh đạo tập thể, của nhiều người, nhiều tổ chức, không phải là một cuộc cách mạng của giai cấp này chống lại giai cấp kia, mà là cuộc cách mạng hợp tác giai cấp. Chúng ta nên nhớ qua về lịch sử, trong thời gian cuộc cách mạng Pháp 1789 đang diễn ra, thì phái đoàn Hoa kỳ có mặt ở Paris, cầm đầu bởi Thomas Jefferson, đương kim ngoại trưởng và là tổng thống thứ 3 sau này, cùng với 2 nhân vật quan trọng của Hoa Kỳ là J. Adams, phó Tổng thống, sau đó là tổng thống thứ nhì của Hoa kỳ, và B. Franklin, người có công trong việc soạn thảo ra hiến pháp Hoa Kỳ, phái đoàn Hoa Kỳ đã đứng làm trung gian trong việc hòa giải các giai cấp cho cuộc Cách Mạng Pháp 1789; nhưng không thành. Cuộc cách mạng tương lai Việt Nam không cần hướng dẫn bởi một ý thức hệ có sẵn như ý thức hệ Marx, trên thực tế chỉ là một số định kiến có sẵn từ quan niệm bãi bỏ quyền tư hữu, quan niệm độc tài vô sản đến quan niệm thiên đàng cộng sản, làm theo khả năng hưởng theo nhu cầu v.v.. được đóng khung trong một số giáo điều và bắt buộc thực tế khách quan biến chuyển từng ngày, từng giờ phải đi theo cái khung giáo điều này. Kết quả là đi đến cảnh đẽo chân để đi vừa giày, làm cho xã hội cộng sản trở nên què quặt, không phát triển nổi. Chính vì vậy mà cuộc cách mạng Hoa Kỳ là cuộc cách mạng thành công nhất, vì nó không bị hướng dẫn bởi một ý thức hệ, nó đi từ nguyện vọng thiết thực của người dân; đó là độc lập, tự do, no ấm; nó không bị hướng dẫn bởi một đảng, mà chỉ là những người yêu nước, có tinh thần dân chủ, phóng khoáng. Cuộc cách mạng tương lai Việt Nam phải thực hiện được 2 mục đích chính là độc lập và dân chủ; vì vậy những người, những tổ chức hướng đạo cuộc cách mạng tương lai này phải là những người yêu nước và có tinh thân dân chủ thật, theo như tư tưởng của Voltaire: “Tôi biết rằng tư tưởng của anh trái với tư tưởng của tôi; nhưng tôi vẫn đấu tranh để cho anh có thể phát biểu tư tưởng của anh.”
Cuộc cách mạng độc lập cứu quốc và dân chủ kiến quốc, dân tộc Việt có thể thực hiện được không ? - Theo ý tôi thì có, vì rút tỉa kinh nghiệm quá khứ và hiện tại : cách đây 200 năm dân tộc Hoa Kỳ đã làm; gần đây những dân tộc Phi luật Tân, Nam Dương, Nga Sô, Đông Âu và nhiều nước khác cũng đã làm. Không lẽ dân tộc Việt Nam lại thua kém thế sao ? Một dân tộc, trải qua 4 000 năm lịch sử, đã từng đánh Tống, bại Chiêm, kháng Nguyên, đuổi Minh, đó là cách mạng độc lập; đã từng tổ chức Hội Nghị Diên Hồng, Bình Than, đó là tinh thần dân chủ. Ông cha chúng ta đã vậy. Không lẽ ngày hôm nay, con cháu bà Trưng, bà Triệu, Trần hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Huệ lại khom lưng, cúi đầu để một thiểu số đảng đoàn cán bộ cộng sản, chỉ nghĩ đến quyền lợi cá nhân, bè phái, quên quyền lợi quốc gia dân tộc, làm khổ đau dân tộc, điêu tàn đất nước, lệ thuộc ngoại bang. Paris ngày 12/6/2006, Chu chi Nam www.TDNgonLuan.com hoan nghênh ý kiến đóng góp của qúy vị độc giả. Xin email về: tdngonluan@yahoo.com hay type vào hộp Ý Kiến/Comment Box ở dưới đây và nhấn vào nút "Submit" để gởi đi. Trân trọng: Ý
KIẾN ĐỘC GIẢ: |