“Mọi
người có quyền tự do ngôn luận; quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp
nhận và phổ biến mọi loại tin tức và ý kiến, không phân biệt ranh giới,
bằng truyền miệng, bản viết hoặc bản in, bằng hình thức nghệ thuật,
hoặc thông qua bất cứ phương tiện truyền thông đại chúng khác theo sự
lựa chọn của mình”
(Điều
19,2 Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Liên Hiệp Quốc
biểu quyết năm 1966, Việt Nam xin tham gia năm 1982).
(Everyone
shall have the right to freedom of expression; this right shall include
freedom to seek, receive and impart information and ideas of all kinds,
regardless of frontiers, either orally, in writing or in print, in the
form of art, or through any other media of his choice.)
|
D I Ễ N Đ À N
Chính quyền trong nước cho biết họ đã “thuyết phục” được bà con biểu tình chống tham nhũng, bất công ở Sài Gòn trở về nguyên quán cho địa phương giải quyết. Ðồng bào biểu tình trong suốt tháng trời, từng ngày một số người càng đông hơn. Trong thời gian đó đảng cộng sản luôn miệng nói bà con hãy trở về địa phương nhưng không ai nghe. Ấy thế mà một bữa lúc nửa đêm lại được “thuyết phục” và bỗng dưng nghe lời răm rắp. Thế thì người ta đã thuyết phục như cách nào mà hay như vậy?
Những cuộc biểu tình gần đây ở Hà Nội cũng như ở Sài Gòn cho thấy người Việt mình giờ đã khôn lắm. Năm xưa ở Thái Bình, nông dân đã tấn công cả các trụ sở công an, gây tình trạng vô chính phủ ở nhiều làng xã máu đã đổ, nhiều người đã chết và bị bắt mất tích. Ở Thọ Ðà, nông dân biểu tình đã chặn đường, đốt xe, đánh trả công an. Năm nay đồng bào biểu tình ở Hà Nội hay Sài Gòn biết không thể lấy trứng chọi với đá, họ chỉ đi tay không, hoàn toàn bất bạo động. Nhiều người quan sát chê là bà con biểu tình đông thì đông thật nhưng không có tổ chức; họ thấy một khuyết điểm là không có lãnh đạo. Lúc đầu chỉ có dưới trăm người, từ mấy tỉnh Tiền Giang, Long An, Ðồng Nai, sau dần dần mới tăng lên từng ngày một, mỗi ngày thêm vài tỉnh tham dự. Không ai điều động, không ai phối hợp, nhiều người đến dự biểu tình vào ban ngày, đến tối lại về nhà bà con ngủ trọ! Như vậy, chưa gọi là một phong trào chống đối chế độ được. Nhưng đứng về phía chính quyền cộng sản chắc họ phải nhìn thấy chính tình trạng “thiếu tổ chức” đó mới đáng lo sợ. Người dân tự động đứng lên, không cần ai “lãnh đạo,” chứng tỏ dân ở khắp nơi đang ôm một mối uất hận âm ỉ từ mấy chục năm nay chưa nguôi. Cho nên không cần ai tổ chức, không lãnh đạo, không phối hợp, mà hàng ngàn dân chúng từ mấy chục tỉnh, thành kéo nhau về thành phố cùng kêu lên một tiếng như nhau. Tại sao có tình trạng bột phát như vậy? Gốc rễ phải nằm sâu dưới cái bề mặt bằng phẳng có vẻ an toàn của chế độ. Sau khi đám biểu tình bị dẹp, những ông kẹ ở địa phương chắc đang vỗ bụng hả hê, ăn khao mừng chiến thắng. Nhưng bộ đầu não ở trung ương chắc không thể ngủ yên được. Cái gì đã gây nên những mối uất hận lớn lao, chỉ chờ cơ hội là bột phát lên như thế? Bà con ở nước ngoài còn có dư luận nghĩ rằng người trong nước biểu tình chỉ đòi hỏi những vấn đề cụ thể, như chuyện chiếm đất và đòi bồi thường đất; bà con chỉ lo nhu cầu cơm áo thôi chứ không ai đi biểu tình đòi tự do dân chủ cả. Nói như vậy là coi thường dân trí người Việt. Người dân đi Thái Bình, Thọ Ðà liều mạng chống công an, nông dân biểu tình ở Hà Nội, Sài Gòn từ hơn hai chục năm qua không phải chỉ vì vấn đề cơm áo. Họ đứng dậy chính vì phản đối bị người cán bộ nhà nước đối xử bất công, bị cường hào áp bức, oan khuất quá mới phải kêu lên. Ở Thái Bình, ở Thọ Ðà ngày xưa và ở Hà Nội hay Sài Gòn bây giờ không ai đi biểu tình vì bị mất mùa gây đói kém. Những năm 1980 nhiều người chết đói ở Thanh Hóa, Thái Bình, cũng không ai biểu tình đòi ăn cả. Bây giờ cũng chưa thấy thanh niên tìm không ra việc đi biểu tình, hay vì thất nghiệp mà xuống đường. Người dân đi biểu tình vì bị oan ức, chứ không phải vì muốn ăn ngon mặc đẹp hơn. Những cuộc cách mạng xưa nay bùng lên thường vì người dân cảm thấy nhục, hơn là vì đói. Mà nỗi oan ức nhục nhã người dân đang chịu là do hệ thống chính trị của đảng cộng sản gây ra. Thứ nhất là guồng máy cai trị dựa trên bè đảng của những tay tham nhũng, không thể nào trong đồng đảng họ lại thanh toán lẫn nhau được. Thứ hai là người dân bị bịt miệng, không có tiếng nói. Cả hai nguồn gốc gây ra bất công và uất ức đó nằm trong hệ thống chuyên chính của đảng cộng sản. Người dân xuống đường không cần nêu các vấn đề chính trị như tự do ngôn luận, tự do hội họp. Nhưng các cuộc biểu tình bắt nguồn từ bế tắc chính trị đều là những vận động chính trị. Những người dân hiền lành chỉ nêu lên các mục tiêu ngắn hạn, những vấn đề cục bộ ở địa phương của họ, nhưng cả nước đều có những vấn đề như nhau chứ không riêng một địa phương nào. Cho nên hành động biểu tình cùng xảy ra khắp nơi chính vì nhu cầu tự do dân chủ. Nếu dân không được sống trong tự do dân chủ thì những căn nguyên gây ra nỗi oan ức không bao giờ chấm dứt! Những người đi biểu tình không đòi các quyền tự do dân chủ mà lại chỉ đòi bồi thường đất đai vì không ai dại gì đụng tới những vấn đề cấm kị để công an có lý do hốt ngay lập tức! Ðồng bào đã khôn ngoan hành động hoàn toàn trong vòng luật pháp của đảng cộng sản. Ngay khi chỉ trích chính quyền địa phương đồng bào Tiền Giang còn căng biểu ngữ tố cáo cán bộ cấp dưới đã “đánh lừa đảng, đánh lừa dân.” Bà con coi đảng như một ông vua bị đám nịnh thần mê hoặc vậy! Nhưng ai cũng biết trong thực chất chính “ông vua” này cũng cùng một rọ với đám nịnh thần đó! Ðồng bào biểu tình đã khôn ngoan tự kiềm chế để tự bảo toàn mạng sống của mình. Ðiều này chứng tỏ bà con có ý thức rất cao về chính trị. Khi người dân có ý thức cao như vậy, mà nguồn gốc tạo ra oan ức, bất công không được giải tỏa thì dẹp xong một cuộc biểu tình không phải là đã yên thân. Ðảng Cộng Sản Việt Nam có thể sẽ coi như họ đã chiến thắng sau khi dẹp bỏ được các đám đông biểu tình trong tuần này. Sẽ phải chờ nhiều tháng, nhiều năm nữa mới có người dám đi biểu tình nữa. Nhưng nếu chế độ còn tiếp tục chuyên chế thì sẽ không yên. Những vụ Thái Bình, vụ Thọ Ðà đã qua, đến những vụ ở Thanh Hóa, Hải Dương, Ðồ Sơn; bây giờ lại ở ngay Hà Nội và Sài Gòn. Sau mỗi lần đàn áp, đảng cộng sản có thể tạm yên được một thời gian. Họ có thể dùng nhiều thủ đoạn. Những người đứng đầu các cuộc phản kháng to gan nhất cũng có thể bị mua chuộc hay bị dọa nạt cho nản chí. Người nào đòi hỏi bồi thường đất đai, chính quyền có thể “hối lộ,” trả tiền đầy đủ cho họ im đi, không còn to tiếng nữa. Những người không chịu khuất phục thì bỏ tù hay bắt đem đi biến mất, thế là những người khác phải sợ. Nhưng mỗi lần dẹp yên như vậy chỉ giống như quét rác đẩy vô gầm giường. Có thể trấn áp, che giấu những nỗi oan ức được một thời gian, nhưng không tháo gỡ được căn nguyên khiến lòng dân cứ bất mãn hàng chục năm nay chưa dứt. Những nỗi oan khuất lại tiếp tục nung nấu, chỉ chờ dịp lại bùng lên, vì căn nguyên gây bất công oan ức vẫn tồn tại đó. Muốn tháo gỡ được căn nguyên thì phải tự hỏi tại sao nỗi oán đã lên cao chồng chất hết năm này qua năm khác như vậy. Dễ thấy nhất là nạn cường hào tham nhũng lộng hành ở khắp nơi. Dân có kêu oan thì phủ bênh phủ, huyện bênh huyện, không ai tháo gỡ được. Phủ huyện bênh nhau vì tất cả ở trong cùng một băng đảng, phải dựa vào nhau mà tồn tại. Pháp luật chỉ áp dụng cho dân thường, còn cán bộ thì xử lý nội bộ trong đảng, người dân biết như thế. Vậy làm cách nào để giải quyết được những cảnh tham nhũng, bất công cho người dân? Chỉ có một cách là cho người dân quyền bỏ phiếu chọn người cai trị họ. Ở từng địa phương một, từ xã lên đến huyện, đến tỉnh, dân có quyền tự do ứng cử, bầu cử, và bổ nhiệm hay bãi nhiệm các quan chức bằng lá phiếu. Chỉ khi nào những người cai trị lo sợ có ngày dân không còn tín nhiệm mình, thì lúc đó nạn tham nhũng, bất công mới giải được. Hệ thống chính trị của đảng Cộng Sản Việt Nam hiện nay không dám chấp nhận thách đố này. Từ trên xuống dưới đều là “đảng cử dân bầu.” Người dân đóng vai con giun bị dầy xéo bao nhiêu năm, bây giờ quẫy lên, nhưng không ai giải quyết được, vì cả hệ thống chính trị của đảng cộng sản không có cơ chế nào giúp giải quyết các vấn đề đó. Một điều đáng buồn nôn là trong suốt thời gian đồng bào gần 20 tỉnh và thành phố miền Nam đi biểu tình chống tham nhũng, bất công, không hề thấy một đại biểu Quốc Hội nào đến ủng hộ, hay ít nhất là thăm viếng. Không ai nói một câu, không ai viết một bài nào bàn về những vấn đề mà người dân đang khiếu kiện! Ðại biểu Quốc Hội chỉ là những công chức do đảng cộng sản bổ nhiệm, chính họ nằm trong cái hệ thống đảng trị đó. Cái chế độ tự xưng là “dân chủ gấp vạn lần tư sản” nó dân chủ như thế đó! Ðến những người lãnh lương làm đại biểu cho dân mà còn như vậy, thì người dân trông cậy vào ai? Cho nên gần đây ở trong nước phong trào đòi tự do dân chủ đang dâng lên sôi nổi không phải vì có nhiều nhà trí thức bỗng dưng rảnh rỗi, có thời giờ viết tuyên ngôn và lập tổ chức, gây phong trào. Những người như bà Lê Thị Công Nhân, ông Nguyễn Văn Ðài, ông Nguyễn Văn Lý, ông Nguyễn Tấn Hoành bỗng nhiên cùng lên tiếng đòi dân chủ tự do một loạt, là vì họ sống bên cạnh người dân bình thường, và họ được nghe rõ những nỗi oan ức trong lòng dân. Suốt nửa thế kỷ trong chế độ cộng sản ở nước ta chưa bao giờ có nhiều phong trào đòi dân chủ tự do như hai ba năm gần đây. Chưa bao giờ phong trào công nhân đình công lại lên mạnh như mấy năm gần đây. Chưa bao giờ có nhiều thanh niên, sinh viên bày tỏ ý kiến công khai trên mạng lưới phê phán người cầm quyền như bây giờ. Ðó là những dấu hiệu của một xã hội bất ổn, đang chờ thay đổi. Hay nói như các người Mác xít, cả xã hội đang mang bào thai của một cuộc cách mạng. Ai có thể đoán được bao giờ thì thay đổi? Rất khó tiên đoán lịch sử. Không ai đoán trước được vụ khủng bố ngày 11 Tháng Chín xảy ra. Mà đến những biến cố lớn hơn, như vụ bức tường Berlin sụp đổ, các cơ quan tình báo đầy đủ tin tức nhất mà cũng không đoán được. Không ai có thể ngờ các nước cộng sản Ðông Âu tan rã nhanh như vậy. Ông Gorbachev, người cũng nắm vững các tin tức về tình trạng nước Nga và Liên Bang Xô Viết, nhưng cũng không đoán trước được những cuộc cải tổ để cải thiện nhằm củng cố chế độ cộng sản của ông sau cùng chấm dứt một guồng máy cai trị đã kéo dài trên 70 năm. Khi những nhà trí thức Tiệp viết tuyên ngôn đòi dân chủ hồi 1977, đảng Cộng Sản Tiệp Khắc cũng coi họ chỉ là những anh bất mãn chuyên nghiệp, bắt bỏ tù một loạt là yên. Khi công nhân ở bến tàu Gdansk nhúc nhích đòi cải thiện công việc, các lãnh tụ Cộng Sản Ba Lan cũng chỉ nghĩ tới các biện pháp đã dùng ở Poznan hơn 20 năm trước, là đàn áp tàn bạo thẳng tay. Nhưng các biến cố lớn trong lịch sử đều được nung nấu âm ỷ từ nhiều năm chờ cơ hội bùng lên. Các nhà trí thức Tiệp hay các người lao động ở Ba Lan không phải tự dưng nổi hứng mà lên tiếng đòi các quyền lợi vật chất và tinh thần của họ. Họ sống giữa lòng xã hội, họ lắng nghe, và sau cùng chính áp lực của cả xã hội thúc đẩy họ phải đứng lên... Trong cuộc biểu tình ở Thiên An Môn năm 1989, chính các ký giả làm cho báo chí nhà nước cũng đi biểu tình cùng các sinh viên và công nhân, vì họ cũng cảm thấy nhục nhã khi phải đóng vai hề làm quân cờ cho đảng cộng sản sai khiến. Có lúc, tất cả mọi người cùng có nhu cầu ngửng đầu, đứng lên, cùng một lúc. Bây giờ ở Việt Nam cũng đang có hiện tượng như vậy. Những nông dân ở Thái Bình, Hải Dương, ở Tiền Giang, Ðồng Nai cũng như các thanh niên trí thức ở Hà Nội và Sài Gòn cùng cảm thấy một điều: Không thể im lặng mãi được. Không thể chịu nhục mãi như thế được. Ai đoán trước được chế độ cộng sản ở Việt Nam sẽ kéo dài cho đến bao giờ? Rất khó đoán. Nhưng có một điều chúng ta có thể đoán, là sẽ tới lúc ở nước Việt Nam không còn chế độ cộng sản nữa. Dù không biết chế độ tồn tại được bao lâu, nhưng chúng ta biết gió đang đổi hướng. NGÔ NHÂN DỤNG (24.07.2007) |