Mọi người có quyền tự do ngôn luận; quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và phổ biến mọi loại tin tức và ý kiến, không phân biệt ranh giới, bằng truyền miệng, bản viết hoặc bản in, bằng hình thức nghệ thuật, hoặc thông qua bất cứ phương tiện truyền thông đại chúng khác theo sự lựa chọn của mình (Điều 19,2 Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Liên Hiệp Quốc biểu quyết năm 1966, Việt Nam xin tham gia năm 1982). (Everyone shall have the right to freedom of expression; this right shall include freedom to seek, receive and impart information and ideas of all kinds, regardless of frontiers, either orally, in writing or in print, in the form of art, or through any other media of his choice.)

D I Ễ N   Đ À N

Cùng Đánh Vào Những Gì Đảng CSVN
Đang Sợ Hãi
                        Nguyễn Ngọc Đức (05.06.2006)

17, 118 rồi 220... (tính cho đến ngày 6-6-2006, con số người ký tên là 1336) Những con số tưởng rằng vô nghĩa, nhưng nó đã và đang là biểu tượng cho sự lớn mạnh của phong trào Dân Chủ tại Việt Nam.

Cách đây 4 năm, vào tháng 7/2002, dư luận đặc biệt chú ý đến một bản kiến nghị do 17 người ký tên gởi giới lãnh đạo của đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam (CSVN) để đặt một số vấn đề liên quan đến tình trạng đàn áp tự do và nhân quyền. Nếu so với dân số Việt Nam khoảng 80 triệu người, thì con số 17 quả là quá nhỏ. Nhưng sở dĩ dư luận lúc đó chú ý là vì đây là lần đầu tiên có một số người dám ký tên tập thể để phản đối chính sách đàn áp tự do và nhân quyền của đảng CSVN. Trong một xã hội mà sự kiểm soát của chế độ độc tài còn rất chặt chẽ và tâm lý sợ hãi còn đè nặng lên đại khối quần chúng, mọi hành động minh danh liên kết tập thể đều là những hành động vô cùng can đảm, vì chắc chắn nó sẽ dẫn tới những phản ứng đàn áp khốc liệt của đảng CSVN. Và sự đàn áp đã xảy ra. Một số người trong danh sách ký tên đã bị sách nhiễu, cô lập và cầm tù.

Nhưng 4 năm sau, con số 17 trở thành 118, 220, 1336 và chắc chắn sẽ còn gia tăng trong những ngày tháng sắp tới. Cách đây 4 năm, nội dung của bản văn là nằm trong tinh thần "kiến nghị" và đối tượng là đảng và nhà nước CSVN. Ngày nay, nội dung của bản văn mà hơn 220 người đã ký tên là một bản tuyên ngôn nhằm minh định công khai quyền đấu tranh cho một thể chế tự do dân chủ và đối tượng là toàn thể dân tộc Việt Nam cả trong lẫn ngoài nước. Sự khác biệt về số lượng lẫn nội dung cho thấy phong trào đấu tranh cho dân chủ tại Việt Nam đã làm một bước nhảy vọt đáng kể, kể từ khi đảng CSVN áp đặt ách thống trị trên toàn cõi Việt Nam cách đây 31 năm.

Sau năm 1975, nguyện vọng tự do dân chủ đã thúc đẩy một số người đứng lên đấu tranh. Nhưng các hình thức đấu tranh vào lúc này hoàn toàn nằm trong bí mật và đã bị đảng CSVN tiêu diệt một cách tàn bạo. Đến đầu thập niên 90, phong trào dân chủ tại Việt Nam có thể nói còn rất yếu, với một vài nhân vật được quốc tế biết đến như giáo sư Đoàn Viết Hoạt, Giáo Sư Nguyễn Đình Huy, Bác Sĩ Nguyễn Đan Quế, Hòa Thượng Thích Huyền Quang,... Vào thời điểm này, khi cuộc cách mạng Đông Âu xảy ra, một số người dân chủ đã lợi dụng cơ hội để đứng lên công khai đấu tranh, nhưng họ cũng bị đàn áp một cách rất khốc liệt. Hầu hết đều bị lãnh những án tù nặng nề.

Nhưng theo thời gian, đảng CSVN mỗi lúc một bị động và phong trào dân chủ Việt Nam mỗi lúc một thắng thế. Nếu vào đầu năm 1990, Bác Sĩ Nguyễn Đan Quế đã bị bắt và bị cầm tù nhiều năm vì "Lời Kêu Gọi của Cao Trào Nhân Bản", thì ngày nay, với những bài viết mới của ông như "Lộ trình 9 điểm dân chủ hóa Việt Nam", "Giải quyết chính tặc", "Làm gì để có thay đổi tại Việt Nam?",... lẽ ra Hà Nội phải tuyên án tử hình, vì nội dung của các bài viết này đã biểu hiện sự chống đối mãnh liệt và dứt khoát gấp bội, so với lời kêu gọi vào đầu năm 1990. Các nhà dân chủ khác như LM Nguyễn Văn Lý, ông Hoàng Minh Chính, ông Nguyễn Khắc Toàn,... cũng có những biểu kiện chống đối mãnh liệt và dứt khoát tương tự, nhưng Hà Nội đã không còn dám phản ứng một cách thô bạo như cách đây 10 năm, vì họ đang ngày một bị động.

Hà Nội ngày một bị động là vì số người đấu tranh dân chủ công khai ngày một đông hơn và ngày một dứt khoát hơn. Sự tăng trưởng theo thời gian của số người đấu tranh công khai là một yếu tố vô cùng quan trọng khiến cho chế độ CSVN phải e dè khi lấy quyết định đàn áp. Sự tăng trưởng này không chỉ về số lượng, mà còn về thành phần. Nhìn vào danh sách những người đã ký tên vào Tuyên Ngôn Dân Chủ 2006, chúng ta thấy có đủ mọi thành phần xã hội, từ những người đã từng phục vụ trong hàng ngũ của đảng CSVN, cho đến công nhân, nông dân bình thường ở nhiều miền của đất nước. Đây là một yếu tố quan trọng khiến cho chế độ độc tài phải thận trọng hơn khi tìm biện pháp trấn áp, vì ngày nay, phong trào dân chủ đã kết được những mắc xích quan trọng vào xã hội Việt Nam. Mọi sự đàn áp thô bạo đều có thể đưa đến hậu quả làm bùng lên sự chống đối dây chuyền và lan ra mọi tầng lớp xã hội.

Hà Nội ngày một bị động vì trong thời đại này, họ đã không còn trong tư thế muốn làm gì thì làm trên đất nước Việt Nam. Với ảnh hưởng của quốc tế trên nhiều lãnh vực, với sự bùng nổ về thông tin, với sự liên hệ ngày một chặt chẽ giữa người Việt Nam ở trong và ngoài nước,... đảng CSVN không còn có thể áp dụng những biện pháp đàn áp thô bạo, bất chấp phản ứng của quốc tế, của dư luận như trước đây. Mặt khác, nếu trước đây những bài viết, những sự kiện, những lời kêu cứu ở trong nước phải mất vài tuần, có khi vài tháng mới được dư luận bên ngoài biết tới và quan tâm. Ngày nay, nhất cử nhất động của Hà Nội, của những người dân chủ trong nước đều được cả thế giới biết đến chỉ trong vòng vài phút, vài giờ. Rõ ràng, đảng CSVN đã mất khả năng độc quyền thông tin về sự kiện Việt Nam và cũng không còn khả năng bưng bít. Họ đã không còn có thể muốn làm gì thì làm trên đất nước Việt Nam.

Hà Nội ngày một bị động vì phong trào đấu tranh trong nước đang trở thành đa diện, chế độ độc tài đang bị tấn công trên mọi lãnh vực. Cách đây hơn 10 năm, hầu hết những đòi hỏi của những người dân chủ đều tập trung vào việc tố cáo chính sách đàn áp nhân quyền hay tôn giáo. Ngày nay, lãnh vực tranh đấu được mở rộng ra rất nhiều. Có người tấn công vào nền tảng của ý thức hệ Mác-Lê và đã giúp cho quần chúng, đặc biệt là giới trẻ nhìn ra những sai lầm to lớn và những ảo tưởng của ý thức hệ này. Có người phê phán, vạch trần những sự sai trái trong chiến lược phát triển và chính sách cai trị của đảng CSVN. Có người tấn công vào cơ chế tham nhũng, hủ hóa của chế độ,... Với những lãnh vực đấu tranh ngày một đa diện, phong trào dân chủ công khai đang tiến gần lại với quảng đại quần chúng và các cuộc đình công, khiếu kiện là những kết quả của khả năng tác động ngày một hữu hiệu hơn của phong trào dân chủ.

Sự bị động của chế độ độc tài. sự lớn mạnh của phong trào dân chủ và những nỗ lực đầy sáng tạo của những người đấu tranh cả trong lẫn ngoài nước đã và đang mở ra một triển vọng rất sáng sủa về con đường tranh đấu trước mặt. Tuy nhiên, những biện pháp đối phó của đảng CSVN và một số khó khăn mà phong trào dân chủ đang gặp phải là những thách đố cần phải vượt qua, để đưa cuộc tranh đấu đến thành công.

Điều mà người Việt Nam cả trong lẫn ngoài nước phải cảnh giác là những thủ đoạn của đảng CSVN nhằm chia rẽ, bôi bẩn những người tranh đấu cho dân chủ. Một trong những thủ đoạn mà chế độ độc tài thường áp dụng là tìm cách kích lên những khác biệt giữa các tổ chức, giữa những người đấu tranh để tạo nghi kỵ, phân hóa. Nếu tất cả chúng ta đều xem sự khác biệt là điều bình thường và tôn trọng sự khác biệt nếu có, thì thủ đoạn tạo nghi kỵ, phân hóa của Hà Nội sẽ mất tác dụng. Trên tinh thần đó, chúng ta phải xem những quan điểm, những phản ứng khác nhau của những người dân chủ trong nước là điều bình thường, không vì đó là lên hay xuống tinh thần. Tại môi trường hải ngoại, với điều kiện trao đổi, liên lạc rất dễ dàng, nhiều tổ chức và những người đấu tranh vẫn còn có những khác biệt chưa được giải quyết. Môi trường trong nước còn khó khăn gấp bội. Do đó, nếu những người dân chủ trong nước vẫn chưa có một cái nhìn chung về vấn đề đất nước, vẫn chưa đồng ý cùng nhau đẩy mạnh một số nỗ lực, thì phải cảm thông với hoàn cảnh của họ và tôn trọng những khác biệt giữa họ.

Điều mà người Việt Nam cả trong lẫn ngoài nước cũng phải cảnh giác là khi đảng CSVN đã giải quyết tạm ổn vấn đề nội bộ sau Đại Hội X, chế độ độc tài có thể trở nên cứng rắn hơn và sẽ tung một đợt bắt bớ, đàn áp quy mô, nhằm chận đứng sự lớn mạnh của phong trào dân chủ. Do đó, điều mà người Việt tại hải ngoại cần làm ngay từ bây giờ là vận động sự ủng hộ tối đa của dư luận và chính giới quốc tế. Chính sự ủng hộ mạnh mẽ này sẽ góp phần bảo vệ những người dân chủ trong nước và làm lùi bước sự đàn áp của đảng CSVN.

Tuy nhiên, nếu cuộc khủng bố này xảy ra, nó sẽ trở thành cuộc đọ sức công khai giữa phong trào dân chủ với chế độ độc tài và kết quả của cuộc đọ sức này tùy thuộc rất nhiều vào lòng can đảm của những người dân chủ. Nếu Hà Nội phải đối diện với những thái độ quyết liệt như lời tuyên bố của Linh Mục Nguyễn Văn Lý, Linh Mục Phan Văn Lợi, ông Hoàng Minh Chính và của nhiều người Việt Nam ở trong lẫn ngoài nước, đồng thời số người công khai ký tên vào Tuyên Ngôn Dân Chủ mỗi lúc một đông, bất chấp sự bắt bớ, đàn áp của nhà cầm quyền, thì cuộc khủng bố sẽ trở nên thất bại, phong trào dân chủ sẽ càng lớn mạnh hơn nữa.

Điều chắc chắn là Hà Nội sẽ tiếp tục bị động, tiếp tục thất bại trong những chính sách đàn áp, nếu phong trào dân chủ trong nước chủ động thực hiện đúng điều được ghi trên tờ bán nguyệt san "Tự Do Ngôn Luận". Đó là "Đừng sợ những gì cộng sản làm. Hãy làm những gì cộng sản sợ". Thái độ không sợ những gì cộng sản làm đã được biểu hiện qua hành động của hầu hết những người từng bị cầm tù như HT Thích Quảng Độ, BS Nguyễn Đan Quế, LM Nguyễn Văn Lý, anh Nguyễn Khắc Toàn,... Mặc dù bất cứ lúc nào, Hà Nội đều có thể bắt giam, cầm tù hay cô lập những người này, nhưng vì họ đã vượt qua sự sợ hãi, nên mọi biện pháp đàn áp của chế độ độc tài hầu như không còn kết quả.

Bà Aung San Suu Kyi, người được giải Nobel Hòa Bình năm 1991, đã nói một câu bất hủ: "Không phải cái Quyền hủy diệt con người, nhưng chính là cái Sợ". Đối với bà Aung San Suu Kyi, cái sợ mới là điều nguy hiểm nhất, vì nó làm cho con người chấp nhận tất cả những gì lẽ ra không thể chấp nhận. Nói cách khác, vì sợ con người trở nên hèn. Ngược lại, khi không còn sợ, con người trở nên can đảm. Có người nói rằng Đức Giáo Hoàng Jean-Paul II là một tác nhân quan trọng của cuộc cách mạng dân chủ ở Đông Âu. Điều đó không sai. Vì chính bản thân Ngài đã vượt thắng sự sợ hãi đối với chế độ độc tài và lời kêu gọi "Đừng sợ hãi nữa!" của Ngài trong chuyến trở về thăm Ba Lan vào năm 1983 đã thúc đẩy hàng vạn người Ba Lan đứng lên đấu tranh, đưa đến sự sụp đổ của các chế độ cộng sản ở Đông Âu.

Tại Việt Nam, trong một khoảng thời gian dài, đảng CSVN đã thành công trong việc gieo rắc con vi rút sợ hãi đối với quần chúng. Ngày nay, nhiều người đã hoàn toàn miễn nhiễm và con vi rút sợ hãi đang quay ngược lại tấn công chế độ. Đảng CSVN đang lo sợ phong trào khiếu kiện có thể bung lên thành một phong trào dân nghèo đứng lên đấu tranh đòi quyền sống. Họ lo sợ những cuộc đình công liên tục trong thời gian qua đưa đến một phong trào đòi quyền thành lập những công đoàn độc lập. Họ cũng lo sợ tuột tay kiểm soát hệ thống báo chí, truyền thông hiện nay, đưa đến phong trào đòi hỏi tự do báo chí thật sự tại Việt Nam. Trong tất cả sự sợ hãi đó, sự sợ hãi lớn nhất là một cao trào đấu tranh dân chủ bung lên mạnh mẽ làm sụp đổ chế độ. Luồng gió sợ hãi rõ ràng đang xoay chiều và đây là lúc phải làm "những gì cộng sản sợ".

Đây là lý do mà những người dân chủ trong nước đã kêu gọi sự xuất hiện hoạt động công khai của các đảng phái, để phá vỡ sự độc diễn của đảng CSVN trên chính trường Việt Nam. Đây là lý do mà tờ "Tự Do Ngôn Luận" đã công khai phát hành, bất chấp sự cho phép hay cấm đoán của nhà cầm quyền, nhằm mở đường cho một phong trào ra báo độc lập và công khai tại Việt Nam. Các cuộc vận động để có những công đoàn độc lập, các nỗ lực để hình thành những tập thể luật sư nằm ngoài sự chi phối của chính quyền để tranh đấu cho quyền lợi cho dân nghèo,... đều là những thế đánh nhắm vào những gì đảng CSVN đang sợ hãi, để cuối cùng cái sợ sẽ hủy diệt chế độ CSVN, đúng như lời bà Aung San Suu Kyi đã nhận định.

NGUYỄN NGỌC ĐỨC (05.06.2006)

www.TDNgonLuan.com hoan nghênh ý kiến đóng góp của qúy vị độc giả. Xin email về: tdngonluan@yahoo.com hay type vào hộp Ý Kiến/Comment Box ở dưới đây và nhấn vào nút "Submit" để gởi đi. Trân trọng:

TÊN, HỌ / NAME:  
 E M A I L:  

Ý KIẾN /  COMMENT:  

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ:
- Vuong Chieu Quan
(Saturday, August 19, 2006 at 02:57:32)
Toan dan doan ket , thang loi gan ke. Dat nuoc Viet nam ta se duoc tu do dan chu. Toan dan chuan bi va cho doi huong ung loi keu goi , nhat quyet dung day dau tranh.
- Hansinh (Friday, June 16, 2006 at 20:37:32)
Hoàn toàn đồng ý, kính phục và ủng hộ các vị vận dộng dân chủ cho Việt Nam
- Nguyen The Ton (Tuesday, June 13, 2006 at 23:57:08)
Toi hoan toan dong y va ky ten ung ho Tuyen Ngon Dan Chu 8406. Xin ghi ten toi vao danh sach nhung nguoi ky ten ung ho phong trao Tu Do Dan Chu trong nuoc va ban Tuyen Ngon 8406.
- lang tu (Wednesday, June 7, 2006 at 20:52:37)
Hởi đồng bào khắp Trung Nam Bắc,
Hãy cùng nhau góp mặt góp tài,
Quyết đòi dân chủ hăng say,
Xoá mờ độc đảng độc tài tham quan.
Mác Lê kia dùng Công An trị,
Đàn áp dân nào nghĩ thương nhau.
Lạc Hồng cùng một máu đào,
Hại dân chỉ lợi cho Tàu về sau.
Dân nghèo đói không nhà không đất,
Cũng do phường tham lại giựt giành.
Côn đồ hung đảng lưu manh,
Dân Nam như thể chỉ mành treo chuồng.
Hoàng Sa nọ cúi luồn dâng giặc,
Ải Nam Quan phải mất đâu còn.
Biển Đông lảnh hải hao mòn,
Cũng vì bè đảng cúi lòn Tàu man.
Một tấc đất tấc vàng khó sánh,
Bao mồ hôi nước mắt cha ông.
Tham quyền tham lợi đành lòng,
Dâng cho Tàu cộng non sông Tổ Hùng.
Nay dân Việt quyết chung sức lại,
Xua muổi mòng tác hại muôn dân.
Bắc Trung Nam quyết dấn thân,
Tình riêng gát lại góp phần chung lo.
Dân quyền dân chủ reo hò,
Nhân quyền pháp trị tự do xây nền.
VIỆT NAM CƯƠNG QUYẾT VÙNG LÊN,
RỒNG TIÊN HỒNG LẠC VỮNG BỀN VĨNH MIÊN.

- thanh (Tuesday, June 6, 2006 at 22:47:47)
Luc nay dung thuc la thoi diem "cung danh vao nhung gi CSVN so", cac luc luong tranh dau trong nuoc nhu nhom 8406, nhom phuc hoat dang DCVN, cac nhom tranh dau dan chu hoat dong bi mat trong nuoc nen gap rut phoi hop voi nhau, cung su ho tro cua luc luong tranh dau o hai ngoai, lam thanh mot suc manh dong nhat cung chong lai dang CSVN. Co nhu vay CSVN moi khong kip tro tay dan ap, tieu diet nhung nhom chua lien ket:DOAN KET LA SONG, CHIA RE LA CHET va CHINH NGHIA TAT THANG

Trở về trang chính

Chân    thành    cảm    tạ    qúy    vị    ghé    thăm    trang    nhà    website    Tự    Do    Thông    Tin    Ngôn    Luận    cho    toàn    dân    Việt Nam

Copyright © 2006 www.tdngonluan.com / Email: tdngonluan@yahoo.com  -  All rights reserved.