“Mọi
người có quyền tự do ngôn luận; quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp
nhận và phổ biến mọi loại tin tức và ý kiến, không phân biệt ranh giới,
bằng truyền miệng, bản viết hoặc bản in, bằng hình thức nghệ thuật,
hoặc thông qua bất cứ phương tiện truyền thông đại chúng khác theo sự
lựa chọn của mình”
(Điều
19,2 Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Liên Hiệp Quốc
biểu quyết năm 1966, Việt Nam xin tham gia năm 1982).
(Everyone
shall have the right to freedom of expression; this right shall include
freedom to seek, receive and impart information and ideas of all kinds,
regardless of frontiers, either orally, in writing or in print, in the
form of art, or through any other media of his choice.)
|
D I Ễ N Đ À N
Từ mấy tuần nay, dư luận người Việt trong nước lẫn ngoài nước, thậm chí dư luận quốc tế đều xôn xao về việc nhà cầm quyền cộng sản VN sắp huỷ bỏ Nghị định 31/CP (NĐ31/CP) đầy tai quái do cựu thủ tướng CS Võ Văn Kiệt ký ngày 14-4-1997, ngay trước khi từ nhiệm. Một
quan chức thuộc Bộ Tư pháp CSVN nói với đài BBC rằng Bộ đã
trình văn bản đề nghị bãi bỏ NĐ31/CP lên Ủy ban Thường vụ
Quốc hội. Trong khi đó một quan chức Hoa Kỳ được thông tấn
xã AFP trích lời, nói Việt Nam có thể làm việc này ngay
trước chuyến thăm chính thức của tổng thống Bush vào cuối
tháng 11, rằng Hoa Kỳ đã đặt yêu cầu bãi bỏ Nghị định này
vào trọng tâm của đối thoại nhân quyền giữa hai Chính phủ,
vừa được nối lại hồi tháng 2-2006. Nhiều quan sát viên quốc
tế coi việc bãi bỏ NĐ31/CP vào lúc này là sự nhượng bộ của
CSVN trước các áp lực quốc tế về nhân quyền, nhất là từ
Hoa Kỳ, nơi mà Hạ viện đang cân nhắc trao quy chế Bình thường
hóa Thương mại Vĩnh viễn (PNTR) cho Việt Nam. Ai bảo Cộng sản không biết phục thiện?! Thế nhưng cái “thiện chí đầy mình” đó vừa bị Luật sư Lê Thị Công Nhân, phát ngôn viên đảng Thăng Tiến Việt Nam, lật tẩy hoàn toàn qua bài phân tích sâu sắc ngày 11-11-2006 với nhan đề “Sự thật về việc bãi bỏ NĐ31/CP”. Luật sư Công Nhân nhận định : “Việc hủy bỏ NĐ31/CP thật sự không hề có nhiều ý nghĩa như Nhà cầm quyền Việt Nam vẫn đang tuyên truyền để đánh lạc hướng dư luận. Vì, từ rất lâu rồi Nghị định này đã không còn được áp dụng nữa, chính xác là từ ngày 01-10-2002 khi Pháp lệnh Xử lý Vi phạm Hành chính (PLXLVPHC) 2002 có hiệu lực thi hành”. Mà theo nguyên tắc pháp lý, Pháp lệnh có hiệu lực rất cao, chỉ dưới Hiến pháp và Luật, đứng trên Nghị định. Còn theo nguyên tắc áp dụng, văn bản nào ra đời sau sẽ có hiệu lực hơn. Còn vấn đề nữa, theo LS Công Nhân, “là toàn bộ quy định về quản chế hành chính của NĐ31/CP đã được đã được đưa vào Pháp lệnh 2002 một cách “êm ái hơn, gọn gàng hơn và sắc bén hơn” mà vẫn bảo toàn đầy đủ tất cả những nội dung đáng lên án của NĐ31/CP”. Nghĩa là toàn bộ nguyên si nội dung về quản chế Hành chính của NĐ31/CP đã được PLXLVPHC (CT QH Nguyễn Văn An ký ngày 2-7-2006) quy định cách tinh vi hơn, thâm độc hơn, trói buộc hơn với giá trị hiệu lực cao hơn nhiều. Đặc biệt tệ hại và độc chiêu hơn nữa, hai biện pháp đưa vào Cơ sở Giáo dục và đưa vào Cơ sở Chữa bệnh (điều 25 và 26 PL) có một phạm vi áp dụng rất rộng. Đây là những hình thức đàn áp được nhà cầm quyền CSVN dùng rất phổ biến đối với những nhà đấu tranh dân chủ. Vì Cơ sở Giáo dục ở đây chính là một trại giam trá hình. Mặc dù nó có tác dụng giáo dục nhất định đối với những kẻ phạm tội hình sự, nhưng trong thực tế nó bị nhà cầm quyền lạm dụng để đàn áp những người bất đồng chính kiến. Anh Hoàng Trọng Dũng, một cộng tác viên của Lm Nguyễn Văn Lý tại giáo xứ Nguyệt Biều, thành phố Huế là một ví dụ. Anh đã bị đưa ra “trại cải tạo” Hoàn Cát thuộc tỉnh Quảng Trị (một nhà tù hình sự) gần hai năm (8-2002 đến 6-2004), với mục đích (ghi trên Quyết định) là “đưa vào cơ sở giáo dục”. Còn biện pháp đưa vào Cơ sở Chữa bệnh quy định trong PL nhắm đến người nghiện ma túy và bán dâm, nhưng trong thực tế nhà cầm quyền CSVN vẫn thường dùng nó như thủ đoạn để khống chế một số nhà bất đồng chính kiến sau khi đã rêu rao (hoặc nhờ những y bác sĩ tay sai vô lương tâm xác nhận) họ mắc bệnh tâm thần. Cưỡng chế đưa họ vào các bệnh viện tâm thần như thế, CS nhắm mục đích thâm độc là muốn lường gạt công luận rằng sự bất đồng chính kiến và đấu tranh của họ chỉ như một cơn điên loạn mà thôi ! Đồng thời nếu được thì cố làm cho những người này không bệnh cũng thành bệnh. Điển hình là vụ mục sư Thân Văn Trường bị giam vào nhà thương điên Biên Hoà từ tháng 9-2004 đến tháng 9-2005. Mới đây nhất là vụ nữ luật sư Bùi Kim Thành của đảng Dân chủ VN XXI. Thư ngỏ (ngày 7-11-2006) của văn phòng đảng DCVN khẩn cấp kêu gọi cứu nguy tính mệnh cho nữ luật sư có viết: “Theo những nguồn tin đáng tin cậy cho biết thì vào hồi 6h sáng 2-11-2006, một toán công an thuộc quận 3, Tp HCM đã đột nhập vào nhà ở của bà Thành (số 152/43A đường Điện Biên Phủ, P. 25, Q. Bình Thạnh, Tp HCM)..... Họ đã áp giải bà ra xe ô tô rồi chở thẳng lên Biên Hòa. Bà bị nhốt ở phòng B4 - khu 4, là khu chuyên nhốt những "bệnh nhân tâm thần" do công an giao nộp mà thực chất là những công dân vô tội đã bị công an cố tình hãm hại (như kỹ sư Ngô Văn Định vì lý do chống tham nhũng ở Tổng cục Cao su, mục sư Tin lành Thân Văn Trường vì lý do tôn giáo, nữ dân oan Nguyễn Anh Đào vì lý do khiếu tố về đất đai bị chiếm đoạt, nhà nghiên cứu Hồng Quang vì lý do khác biệt quan điểm chính trị v.v…)” Hơn nữa, nếu năm 1991, Quốc hội CSVN đã huỷ bỏ “Bản án cao su” là “Lệnh tập trung cải tạo”, mỗi lệnh kéo dài 3 năm, có thể bị gia hạn quá dễ dàng và rất tuỳ tiện (chúng tôi từng chứng kiến nhiều thiếu nữ tan nát cuộc đời, mất trọn tuổi thanh xuân tại trại giam Bình Điền, Thừa Thiên-Huế, vì lãnh 4-5 lệnh liên tiếp do một cái tội duy nhất là “bán trôn nuôi miệng”, sau đó là tội “vi phạm nội quy” nhà tù ; hoặc chúng tôi đã ở tù chung hàng chục năm với các Đại đức, Mục sư,..., Linh mục Tuyên uý Quân lực VNCH, các Sỹ quan và Nhân viên cao cấp của Chế độ Sài Gòn cũ, hàng ngàn người đã bị “cải tạo” đến 15 năm !), thì với Pháp lệnh năm 2002, nhà cầm quyền CSVN đã tái lập “các trại tập trung cải tạo” này qua việc đưa vào cơ sở giáo dục từ 6 tháng đến 2 năm và có thể gia hạn một cách rất tuỳ tiện. Rồi biện pháp quản chế, tên gọi mỹ miều của việc bỏ tù tại gia, vẫn hoàn toàn còn đầy đủ hiệu lực trong PLXLVPHC còn tinh vi hơn cả với NĐ31/CP nữa !!! Cùng với PLXLVPHC 2002 nói trên, Nghị định 38-CP ngày 18-3-2005 về việc tập hợp đông người và Nghị định 56-CP ngày 6-6-2006 về văn hóa và thông tin cho thấy chủ trương đàn áp dân chủ của CS không hề thay đổi mà ngày càng xảo trá thâm độc. CS ngày càng nghĩ ra những biện pháp tinh vi hơn, hữu hiệu hơn, ghê gớm hơn trong việc đàn áp các nhà đấu tranh dũng cảm đòi dân chủ và các dân oan can đảm đòi công lý. Trong thời điểm biến cố APEC này, khi mọi con mắt của thế giới đều nhắm vào VN, Nhà cầm quyền CS thật ra chỉ “lấy một xác chết làm quà biếu các Lãnh đạo APEC”, theo nhu cầu của thời thế, nhằm xoa dịu và lừa gạt dư luận. Ai chả biết họ là bậc thầy trong việc đạo diễn, dàn dựng, âm mưu !!! Tuy vậy, gian manh xảo trá vẫn luôn đi đôi với tàn ác hung bạo. Cũng trong thời điểm APEC này, đối với các nhà đấu tranh dân chủ và dân oan khiếu kiện, CSVN vẫn xử lý bằng bạo hành là chính. Các bản tin tới tấp trong những ngày vừa qua đầy dẫy những sự kiện nóng hổi. Công an đã áp lực với công ty luật tư nhân để buộc luật sư Lê thị Công Nhân nghỉ việc kể từ ngày 6-11-2006. Từ ngày 11-11, công an đã chính thức đặt 2 chốt canh gác ban ngày và một chốt canh gác ban đêm (lên đến 10 CA) ngay chân cầu thang lối dẫn lên căn phòng của gia đình nữ luật sư này. Ngày 10-11-2006, luật sư Nguyễn Văn Đài tiếp tục bị công an mời lên "làm việc". Tối đến, luật sư có chuyến bay gấp vào Sài Gòn để lo công chuyện riêng gia đình, vậy mà công an CSVN vẫn ngang nhiên ngăn chặn chuyến đi này mà không nói rõ lý do. Nữ văn sỹ Trần Khải Thanh Thủy thì bị cấm cửa không cho đi ra khỏi nhà. Kỹ sư Nguyễn Phương Anh cũng như hầu hết các nhà đối kháng khác cũng đều bị công an đặt trạm canh gác ngay trước cửa nhà riêng của họ hoặc bị đuổi về quê. Tất cả số dân oan vườn hoa Mai Xuân Thưởng, trong mấy ngày nay, đa phần đều đã bị bắt lên xe chở đến trại giam có tên gọi “Trung tâm bảo trợ xã hội Hà Nội 1”, huyện Đông Anh cách Hà Nội gần 30 km về phía bắc. Ngay các thiếu niên hè phố cũng bị “dẹp bỏ cho trong sáng Thủ đô”. Tại Pleiku, ngày 11-11, công an đã đánh đạp dã man mục sư Nguyễn Công Chính gãy mấy cái răng khi ông định về Sài Gòn để dự đám tang người em vợ của Mục sư Nguyễn Hồng Quang, còn Mục sư Quang thì không được phép cử hành tang lễ cho em rể của mình. Trước đó, hôm 10-11, công an Bình Dương đã đến lục soát, bắt giam vô lệnh lạc em gái của cô Nguyễn Thu Trâm (Quỳnh Trâm), thành viên Khối 8406 nhằm buộc gia đình phải ép cô Thu Trâm xuất hiện. Tại Sài Gòn, Kỹ sư Đỗ Nam Hải và Giáo sư Nguyễn Chính Kết thì tiếp tục bị “triệu tập làm việc”. Còn vô số vụ việc đàn áp không thể kể hết ra đây. .. Nói tóm, tình hình sinh hoạt của Nhân dân trong Nước đã bị đảo lộn nhiều và rất căng thẳng ngột ngạt trong dịp APEC này, chứ không “hồ hởi phấn khởi” như hàng loạt cái loa của nhà nước và đảng CSVN suốt cả ngày đêm đang ra rả tuyên truyền, nhằm tô son trát phấn cho cái họ tự tán dương là “vị thế và uy tín của nhà nước ta cao ngất trời mây trên trường quốc tế” như “một bất ngờ Việt Nam !!!
www.TDNgonLuan.com
hoan nghênh ý kiến đóng góp của qúy vị độc giả. Xin email về: tdngonluan@yahoo.com
hay type vào hộp Ý Kiến/Comment Box ở dưới đây và nhấn vào nút "Submit"
để gởi đi. Trân trọng:
|