Mọi người có quyền tự do ngôn luận; quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và phổ biến mọi loại tin tức và ý kiến, không phân biệt ranh giới, bằng truyền miệng, bản viết hoặc bản in, bằng hình thức nghệ thuật, hoặc thông qua bất cứ phương tiện truyền thông đại chúng khác theo sự lựa chọn của mình (Điều 19,2 Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Liên Hiệp Quốc biểu quyết năm 1966, Việt Nam xin tham gia năm 1982). (Everyone shall have the right to freedom of expression; this right shall include freedom to seek, receive and impart information and ideas of all kinds, regardless of frontiers, either orally, in writing or in print, in the form of art, or through any other media of his choice.)

Ngày 21-06 tới đây được Cộng sản gọi là “Ngày Báo chí Cách mạng VN”. Nó phát xuất từ việc ông Hồ Chí Minh (lúc ấy mạo nhận là Nguyễn Ái Quốc) sáng lập báo “Thanh Niên” ngày 21-6-1925. Trong lịch sử báo chí đất Việt, từ những năm 60 thế kỷ 19 đã có “Gia Định báo” rồi một số báo khác lần lượt ra đời tại Sài Gòn, Hà Nội và vài địa phương khác nữa. Nhưng báo “Thanh Niên” đã mở ra một dòng báo chí mới do người CS chủ trương và gọi là “báo chí cách mạng”, nói là để đấu tranh “vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội”. Do ý nghĩa này, năm 1985, đảng CSVN đã ra Quyết định số 52 lấy 21-6 hằng năm làm “Ngày báo chí VN” và đến năm 2000 thì đổi thành “Ngày Báo chí Cách mạng VN”, nói là để “nâng cao vai trò và trách nhiệm xã hội của báo chí, thắt chặt mối quan hệ giữa báo chí với công chúng”, nhất là “tăng cường trên báo chí sự lãnh đạo của Đảng”.

Trước năm 1975, nền báo chí CS này -nhờ một mình một chợ- đã “thành công” trong việc xô cả nhân dân miền Bắc lao vào cuộc Cải cách Ruộng đất đẫm máu, giết hàng trăm ngàn nông gia vô tội, qua những bài báo của HCM, Trường Chinh, Trần Huy Liệu… vu khống địa chủ và đề cao chuỗi tàn sát ấy như một cuộc cách mạng “long trời lở đất”; tiếp đó là vào trận chiến triệt hạ phong trào Nhân văn Giai phẩm, tiêu diệt giới trí thức miền Bắc, qua các bài báo của Tố Hữu, Phạm Huy Thông… khủng bố mạ lỵ vô vàn tinh hoa của đất nước. Ngơi một thời gian, công cụ truyền thông độc quyền của đảng tiếp tục huy động nhân dân miền Bắc xông vào cuộc chiến “giải phóng” miền Nam qua việc dối trá trình bày VNCH như một địa ngục, nơi đó nhân dân đói khổ triền miên, Mỹ Ngụy kềm kẹp tứ bề, và chính quyền chỉ là tay sai Đế quốc; qua việc dựng lên những anh hùng “dổm” như Lê Văn Tám, Nguyễn Văn Bé… để kích thích thanh niên (gần cả 3 triệu) lao mình vào chỗ chết (sinh Bắc tử Nam); rồi qua việc vẽ ra (trước mắt ngoại quốc) hình ảnh VNDCCH như chốn đầy phúc lạc (“Thiên đường của các con tôi” theo “Bài ca mùa xuân 1961” của Tố Hữu). Thứ báo chí tuyên truyền dối trá này, khốn thay, lại được sự hỗ trợ của nhiều “trí thức thiên tả” ngây thơ ngoài nước thuộc phong trào phản chiến và nhiều “trí thức thiên cộng” khờ khạo trong nước thuộc MTGPMN. Người ta còn nhớ chuyện mục sư Roger Casalis, một trong những lãnh đạo Tin lành cao cấp tại Pháp từng nói: “Xã hội tốt đẹp mà Đức Giê-su mong muốn xây dựng ở trần thế nay bắt đầu thực hiện tại Bắc Việt”. Linh mục quốc doanh Trương Bá Cần, năm 1974 từ Sài Gòn, cũng viết tập sách nâng bi trơ trẽn nhan đề “20 năm xây dựng xã hội chủ nghĩa miền Bắc”. Đến khi từng đoàn dân miền Bắc vượt qua sông Bến Hải để vào Nam sau năm 1975 thì mới bể đầu vì thấy mình đã bị báo của Đảng lừa gạt cách trắng trợn.

Thế là từ cuộc “sáng mắt” nhân dân này, báo chí cách mạng xem ra chuyển sang hướng ru ngủ và che giấu. Biết người miền Nam đa phần có tín ngưỡng, đảng truyền những tổ chức hay giáo hội quốc doanh cho ra đời các tờ báo “kết hợp tôn giáo với XHCN” để ru ngủ tín đồ. Điển hình như tờ “Công giáo và Dân tộc” của Ủy ban Đoàn kết CG, tờ “Giác Ngộ” của Giáo hội Phật giáo VN… Các công cụ đội lốt tôn giáo này là thứ thuốc độc bọc đường, dùng giáo lý để tô son trát phấn cho cái chế độ vốn coi niềm tin vào những thực thể thiêng liêng là kẻ thù số một, và để lôi kéo tín hữu tin vào “Thánh Hồ” hơn vào “Đức Chúa” và “Đức Phật”, hầu họ nhắm mắt trước những sai lầm lẫn tội ác của nhà cầm quyền và mù quáng tin tưởng vào đường lối chủ trương thâm độc của đảng. Việc che giấu thì nay được thực hiện đặc biệt với những sự kiện mang tầm quốc tế. Chẳng hạn khi VN -ngày 24-9-1982- tham gia hai Công ước Quốc tế Nhân quyền, thì chẳng tờ báo nào trong nước đăng nguyên vẹn hai văn kiện quan trọng này cho toàn dân được biết, và cho tới nay vẫn vậy. Sáng ngày 14-3-1988, để bảo vệ chủ quyền lãnh hải Tổ quốc trong một cuộc chiến bi hùng, 64 chiến sĩ Quân đội Nhân dân VN đã hy sinh trên bãi Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa, thế mà chẳng có một giòng tin tức hay tuyên dương trên báo đài CS ngay lúc ấy lẫn sau này. Đến ngày giáp năm biến cố, nhiều báo chí cố công gợi lại kỷ niệm nhưng đa phần đều bị cấm cản. Hiệp định biên giới Việt Trung đã được ký kết ngày 30-12-1999 nhưng cho tới nay, đã có công báo hay đảng báo nào đăng đầy đủ văn bản cùng với đồ bản của Hiệp định này cho quốc dân được am tường?

Đầu thế kỷ 21, khi các phương tiện truyền thông hiện đại như điện thoại di động, mạng lưới toàn cầu, xa lộ thông tin được phổ biến tại đất Việt, thì hầu như chẳng còn mấy ai tin vào báo chí các loại (rất hùng hậu) của đảng. Dân có mua báo giấy nhà nước (khá rẻ) thì chủ yếu để gói hàng hoặc dùng trong nhà vệ sinh. Bên cạnh đảng báo nay xuất hiện dân báo. Đương đầu với báo lề phải (sống bằng tiền thuế của dân) là báo lề trái vốn ngày càng đông đảo, tự bỏ vốn (tiền bạc, công sức) nhưng chẳng chút kiếm lời, ngoài mối lợi là chiếm lĩnh diễn đàn dư luận và tâm trí độc giả. Thế là báo chí cách mạng chuyển sang kiểu “nói lấy nói được” hay “tảng lờ im lặng” một cách trơ trẽn, vì biết đa phần dân chúng vẫn chưa tiếp cận được với nền thông tin tự do và đảng vẫn còn có thể dùng bạo lực hành chánh (bắt đọc báo nhà nước, cấm coi “báo phản động”) để tiếp tục bưng bít tai mắt và đầu độc tâm trí học sinh sinh viên lẫn viên chức trong bộ máy công quyền. Người ta còn nhớ trong vụ Tòa Khâm sứ và giáo xứ Thái Hà (2008), bất chấp những thông tin đầy đủ rõ ràng từ phía các nạn nhân được từng ngày đưa lên mạng, báo đài CS (nhất là Hà Nội Mới và An ninh Thủ đô) vẫn xuyên tạc sự việc cách vô liêm sỉ. Nào cắt xén lời phát biểu của Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt, nào dàn dựng những video clip vu khống linh mục và giáo dân Thái Hà. Khi Ts Cù Huy Hà Vũ bị nhà nước ra tay trấn áp bịt miệng (2010), báo đảng “bề hội đồng” ông lập tức. Hàng loạt tờ từ VietnamNet tới Tuổi Trẻ, Dân Trí… đồng loạt đưa những bản tin bịa đặt như nhau ("Ông CHHV và bà HLNQ trong tư thế rất "riêng tư" với "Hai bao cao su đã qua sử dụng”). Khi xảy ra các cuộc biểu tình rầm rộ của dân chúng tại Sài Gòn và Hà Nội chống Tàu cộng xâm lược (khởi từ 05-06-2011), không bài viết, dòng tin nào của báo lề phải đả động đến sự kiện đáng tự hào này. Trong hai tờ báo lớn tại VN là Thanh Niên và Tuổi Trẻ, thì trên TN bài quan trọng nhất kỷ niệm 100 năm ngày HCM lần đầu xuất ngoại, trên TT bài quan trọng nhất là chuyện học sinh thi tốt nghiệp trung học. Những tờ khác như VNexpress hay Vietnamnet chỉ tràn ngập các bản tin giải trí. Đến ngày 21 và 22-8-2011, đài truyền hình Hà Nội lại chơi trò vu khống và xuyên tạc khi gọi những người biểu tình là “phản động”. Gần đây hơn, trong các vụ cướp đất ở Tiên Lãng, Văn Giang, Vụ Bản, Cần Thơ…, trong các vụ hành hung công dân tại nhà từ thiện Chương Mỹ, thư viện Hán Nôm, sở Thông tin Truyền thông Hà Nội… bất chấp vô vàn hình ảnh và lời nói của các chứng nhân/nạn nhân, báo chí cách mạng ta vẫn lừa bịp dư luận cách ngang tàng, vẫn thản nhiên đi đến tận cùng sự bỉ ổi và đê tiện. Vụ Văn Giang với cuộc trấn áp nhân dân tàn bạo đã bị thu hình qua những video clip làm nổ tung các màn hình máy tính, thế nhưng báo Vietnamnet ngày 26-04 vẫn hào hứng đăng lại lời lẽ lếu láo của Bùi Huy Thanh, chánh văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên : «Quá trình tổ chức hỗ trợ thi công và cưỡng chế giải phóng mặt bằng bàn giao đất tại xã Xuân Quan đã thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, đảm bảo tuyệt đối an toàn về người và phương tiện; được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện Văn Giang nói chung, xã Xuân Quan nói riêng đồng tình ủng hộ..». Về vụ việc tại thư viện Hán Nôm ngày 18-05, thì “Người ta phải rùng mình ớn lạnh trước việc những tờ báo mang cái tên đẹp đẽ như Quân đội Nhân dân, Cựu chiến binh VN lại đi làm những việc chuyên đánh phá nhân dân, bịa đặt không tiếc lời bất chấp tất cả mọi sự thật và lương tâm” (Nguyễn Hữu Vinh)

Mới đây, sáng ngày 11-6, toàn văn “Dự thảo Nghị định quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và nội dung thông tin trên mạng” đã được công bố trên trang mạng của Bộ 4T. Văn bản dài 30 trang, 5 chương với rất nhiều điều cấm mà hàng chục triệu người Việt sẽ phải đối mặt. Nhân danh và lấy cớ “đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và phòng chống tội phạm trên mạng, phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh chống các hành vi sử dụng, lợi dụng Internet và cung cấp thông tin trên mạng để xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm trật tự, an toàn xã hội và lợi ích của công dân; phòng, chống lộ, mất bí mật nhà nước qua mạng…”, Nghị định quả là sự khai triển điều 88 bộ Luật Hình sự vào lĩnh vực Internet, và chỉ có một mục tiêu duy nhất: bịt mắt, bịt tai, bịt miệng người dân để chỉ còn đảng làm Thần Công lý và Thần Sự thật. Để khỏi xuất hiện trên mạng các video clip ném phao thi tại trường Đồi Ngô, Bắc Giang hôm 04-06…, các tin tức thuộc dạng thâm cung bí sử như “60.000 tỷ rót cho nông nghiệp và nông thôn vừa qua thì trên 10.000 tỷ đã đổ vào dự án nuôi 1000 con bò của bà Thái Hương, chủ ngân hàng Bắc Á, thân hữu của ngài Thủ tướng…”, các bình luận “xấc xược” về việc nhà cầm quyền khởi công xây dựng Đền thờ cha mẹ anh em HCM tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn ngày 10-06… Để khỏi có những trang mạng trình bày chính xác, lý luận đúng đắn và phán đoán chân thực về những sự kiện và vấn đề ảnh hưởng tới tôn giáo, quốc gia, dân tộc như Dân Làm Báo, Nữ Vương Công Lý, Anh Ba Sàm…

Nhìn lại nền báo chí cách mạng, ai cũng thấy nó chưa bao giờ trung thực, vì nó chưa bao giờ được tự do, trái lại bị lèo lái và sử dụng bởi những con người sống chỉ vì một mục đích: thu tóm trong tay mọi quyền lực để tha hồ thụ hưởng mọi quyền lợi, bất chấp dân tộc, đất nước. Vì thế nền báo chí đó cũng chưa bao giờ “nâng cao [được] vai trò và trách nhiệm xã hội của báo chí, thắt chặt [được] mối quan hệ giữa báo chí với công chúng” cả; trái lại nó đã và đang góp phần tạo nên những nhà báo viết theo đơn đặt hàng, những công dân hãi sợ trước cường quyền hay vô cảm trước vận nước, một quốc gia ngày càng thụt lùi, hỗn loạn và có nguy cơ bị ngoại bang xóa sổ. Thứ báo chí thiếu trung thực đó chỉ có lòng trung thành, nhưng trung thành bênh vực dối trá thì đã là một sự bội phản gây tác hại cho chính chủ của nó và cho cộng đồng nhân dân trong đó nó đang tung hoành.

Ban Biên Tập (số 149, ngày 15-06-2012)
-Nhấn vào Link này để "download" (save as) Bán nguyệt san TDNL ở dạng (format): .pdf, sẽ chậm (xin kiên nhẫn!), nếu bạn không sử dụng đường dây cao tốc Internet DSL, nhưng toàn bộ mỗi số báo 32 trang sẽ giữ dạng nguyên thủy, như là 1 file duy nhất: http://www.tdngonluan.com/pdf/TuDoNgonLuan_So149_15June2012.pdf
....................................................................................................
Chân    thành    cảm    tạ    qúy    vị    ghé    thăm    trang    nhà    website    Tự    Do    Thông    Tin    Ngôn    Luận    cho    toàn    dân    Việt Nam

Copyright © 2006 www.tdngonluan.com/Email: witness2005@gmail.com/Webmaster: legraphic@yahoo.com - All rights reserved.