Mọi người có quyền tự do ngôn luận; quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và phổ biến mọi loại tin tức và ý kiến, không phân biệt ranh giới, bằng truyền miệng, bản viết hoặc bản in, bằng hình thức nghệ thuật, hoặc thông qua bất cứ phương tiện truyền thông đại chúng khác theo sự lựa chọn của mình (Điều 19,2 Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Liên Hiệp Quốc biểu quyết năm 1966, Việt Nam xin tham gia năm 1982). (Everyone shall have the right to freedom of expression; this right shall include freedom to seek, receive and impart information and ideas of all kinds, regardless of frontiers, either orally, in writing or in print, in the form of art, or through any other media of his choice.)

Thông thường trên thế giới, nước này bang giao với nước kia vì nhắm những ích lợi cho mình và cho đồng bào mình đang trú ngụ tại nước có bang giao. Những ích lợi đó thì có nhiều mặt: chính trị, kinh tế, thương mãi, văn hóa, giáo dục, quân sự… Tuy nhiên, người ta cũng nhận thấy trong các quan hệ ngoại giao này, có hai trường hợp đáng lưu ý vì có những điểm đặc biệt.

Trước hết là trường hợp Tòa thánh Vatican. Dù là trung tâm tinh thần và đầu não điều hành của Giáo hội Công giáo hoàn vũ, nhưng xét như một quốc gia, Tòa thánh cũng có thiết lập bang giao với nhiều nước và tổ chức trên thế giới. Theo thông tấn xã Zenit (zenit.org), cho tới đầu năm 2009, Vatican đã có quan hệ ngoại giao đầy đủ với 177 quốc gia. Toà thánh cũng là thành viên của bảy cơ quan và tổ chức Liên Hiệp Quốc, là quan sát viên tại trụ sở chính của tổ chức quốc tế lớn lao này cũng như trong nhiều tổ chức khác nữa. Những nước không hay chưa có liên hệ ngoại giao với Toà Thánh là Hàn cộng, Trung cộng, Việt cộng và Ả-rập Saudi. Vì chẳng có thế lực kinh tế, thương mãi, quân sự mà chỉ có thế lực tinh thần (tôn giáo, chính trị, văn hóa…), nên khi bang giao với quốc gia hay tổ chức quốc tế nào, Vatican trước hết nhắm thăng tiến đời sống đạo (bao gồm trong quyền tự do tôn giáo) của các tín hữu Công giáo địa phương, đồng thời tìm cách thăng tiến những giá trị tinh thần, những nhân quyền cơ bản cho toàn thể nhân dân nước sở tại…

Trường hợp thứ hai là trường hợp các quốc gia cộng sản. Lịch sử cho thấy: trước thời điểm 1991 (khi Đông Âu và Liên Xô sụp đổ), các quốc gia này đa phần khép kín, chỉ bang giao với nhau trong Khối Cộng sản, với một số nước độc tài đảng trị, một số nước trong Khối Phi liên kết, còn với các nước dân chủ Tây phương thì hết sức hãn hữu. Điều đó dễ hiểu. Nhưng khi bang giao với nhau trong Khối CS, thì chủ yếu là giữa hai đảng, vì lợi ích hai đảng, hòng giúp nhau củng cố quyền thống trị độc tài trên xã hội, chứ không vì lợi ích hai dân tộc. Bởi lẽ Cộng sản là phi dân chủ và vô tổ quốc! Những cuộc đàn áp, giết hại đồng bào trong nước (đứng lên đòi nhân quyền) và bỏ bê đồng bào ngoài nước (bị ngoại quốc bóc lột) chẳng là điều hiển nhiên nơi các chế độ Cộng sản sao?

Riêng Việt cộng, sau khi mất chỗ dựa vào đàn anh Liên Xô, đã quay lại đầu phục Trung cộng (mà mình đã một thời gọi là kẻ thù) tại Hội nghị Thành Đô năm 1990. Nhưng vì thấy nền kinh tế, khoa học, kỹ thuật của thế giới Tây phương dân chủ mới thực sự tiến bộ, nên hàng lãnh đạo CSVN đã lần lần tìm cách thiết lập bang giao với các nước ấy, nhưng vẫn luôn có dạ đề phòng, lo sợ “âm mưu diễn biến hòa bình” sẽ làm đảng sụp đổ. Bằng chứng mới nhất là Chỉ thị 34 của Trung ương Đảng ra ngày 25-06-2009, trong đó có câu: “Mỹ đã bộc lộ rõ ý đồ lợi dụng hợp tác giáo dục, đào tạo để chuyển hoá Việt Nam… Các cơ quan hoạch định chiến lược của Mỹ đưa ra bản “lộ trình 4 bước”, trong đó bước 4 có nội dung các trường đại học Mỹ được khuyến khích mở các cơ sở tại Việt Nam” (mục II, số 1,2). Điều này cho thấy CSVN (lẫn CSTQ) bang giao với các nước dân chủ Tây phương chủ yếu là để trục lợi về mặt kinh tế, tài chánh, thương mãi, khoa học, kỹ thuật, hầu củng cố quyền lực của đảng, chứ không bao giờ để du nhập các giá trị dân chủ, hầu thăng tiến cuộc sống nhân dân. Từ ngày bang giao với các nước tự do trong Liên hiệp Âu châu hay Khối Bắc Mỹ, CSVN vẫn tiếp tục đàn áp phong trào đòi dân chủ nhân quyền. Gia nhập WTO, CSVN vẫn duy trì một nền kinh tế tư bản rừng rú, chỉ có lợi cho các công ty quốc doanh do đảng nắm giữ và chỉ làm giàu cho các nhà tư bản đỏ đại đảng viên.

Song song đó, tuy gia nhập Liên Hiệp Quốc (năm 1977), thừa nhận Tuyên ngôn nhân quyền hoàn vũ, rồi thò tay ký vào hai Công ước Quốc tế Nhân quyền ngày 24-9-1982, thậm chí tóm tắt hai Công ước này qua điều 50 Hiến pháp 1992, nhưng thử hỏi CSVN có bao giờ tôn trọng các quyền ấy trên thực tế hay không? Điều này, chính linh mục Nguyễn Văn Lý, qua Lời Kêu gọi số 5 (Xin các Tổ chức Quốc tế đừng dễ dàng cho CSVN tham gia ký kết các Công ước quốc tế, viết ngày 25-01-2001), đã cảnh báo: “Khi ký các Công ước Quốc tế rất quan trọng ấy, CSVN đã quyết tâm không tuân giữ thật sự, mà chỉ muốn ký để lừa gạt cộng đồng quốc tế nhằm tuyên truyền rêu rao rằng Việt Nam đang có tự do dân chủ thực sự. Nếu các Tổ chức Nhân quyền Quốc tế dễ dàng chấp thuận cho CSVN ký kết thì tạo nên 3 hậu quả tai hại nầy : Thứ nhất, làm cớ cho CSVN rêu rao rằng mình đang có đầy đủ nhân quyền, tạo nên một hình ảnh không trung thực về CSVN. Thứ hai, làm giảm uy tín các Tổ chức quốc tế ấy, vì tỏ ra quá ngây ngô nhẹ dạ, bị CSVN lừa gạt quá dễ dàng. Thứ ba, có tội lớn với nhân dân Việt Nam vì tiếp tay cho CSVN tiếp tục cai trị dân chúng VN trong độc đoán áp bức, biết đến bao giờ mới chấm dứt”.

Nay trở lại với việc CSVN tiến hành bang giao với Tòa Thánh Vatican. Bước đầu tiên của động thái này chính là cuộc viếng thăm Giáo hoàng Bê-nê-đích-tô 16 của thủ tướng CS Nguyễn Tấn Dũng ngày 25-01-2007. Nhưng từ đó đến hôm 11-12-2009, ngày chủ tịch CS Nguyễn Minh Triết gặp gỡ vị lãnh đạo tối cao của Công giáo, chúng ta thấy gì? Không những nhà cầm quyền tiếp tục đàn áp các Giáo hội Phật giáo, Tin lành, Cao đài, Hòa hảo, mà còn tiếp tục đàn áp chính Giáo hội Công giáo. Có người sẽ bảo: từ mấy năm qua, có sự cởi mở cho Công giáo đấy chứ, như nhiều giám mục linh mục tu sĩ được xuất ngoại du học hay họp hành, như nhiều lễ hội Công giáo được tổ chức rầm rộ, đông đảo, ví dụ tại thánh địa La Vang nhân các Đại hội và mới đây tại giáo xứ Sở Kiện ngày 23-24 tháng 11 nhân lễ khai mạc Năm thánh Công giáo VN, như nhiều thánh đường, tu viện, trung tâm mục vụ được xây dựng vĩ đại, như một số đất đai cơ sở được trả lại (nhà cầm quyền gọi là “cấp ban”) cho một số Giáo phận… Thế nhưng các giấy phép xuất ngoại, tổ chức, xây dựng, cấp ban đó chỉ là quyền tự do rất ngoại diện, rất phụ tùy, nhả ra từ bàn tay nhà nước như ân huệ, thậm chí còn mang tính cách phân biệt đối xử (nhằm chia rẽ các Giáo hội), vì không phải mọi tôn giáo đều được các quyền đó như nhau. Song song đó, người ta lại chứng kiến việc nhà cầm quyền tấn công Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt, Giám mục Cao Đình Thuyên, các Linh mục Dòng Chúa Cứu Thế, các Linh mục Nhóm Nguyễn Kim Điền, các Giáo dân ở Thái Hà, Tam Tòa, Loan Lý, chứng kiến việc nhà cầm quyền cướp bóc đất đai của tòa Khâm sứ, dòng Cứu Thế Hà Nội, dòng Phaolô Vĩnh Long, dòng Giuse Nha Trang, dòng Thánh Gia Long Xuyên, dòng Nữ tử Bác ái Sài Gòn, tước đoạt cơ sở giáo xứ Tam Tòa, Loan Lý, An Hải, Thủ Thiêm….

Ngoài ra, xin lưu ý rằng quyền tôn giáo đích thực có thể tóm gọn qua công thức “tự do trong tổ chức và độc lập trong sinh hoạt”. Thế nhưng, cho tới nay, Pháp lệnh tín ngưỡng Tôn giáo (ra ngày 18-06-2004), tiếp tục khống chế các tôn giáo trong năm yếu tố chủ chốt: pháp nhân, nhân sự, hoạt động, tài sản và quan hệ. Về tư cách pháp nhân, chính linh mục Phạm Trung Thành, bề trên Dòng Chúa Cứu thế Việt Nam, tại Hội nghị “Vai trò của tôn giáo trong việc xã hội hoá giáo dục, y tế, từ thiện nhân đạo” do Ban tôn giáo tổ chức ngày 24-07-2008 tại Sài Gòn, đã có nói: “Yêu cầu cấp bách chính quyền công nhận các dòng tu, giáo xứ, giáo phận và Giáo hội Công giáo có tư cách pháp nhân và bình đẳng trước pháp luật như những tổ chức xã hội - chính trị khác, vì trên thực tế cho đến hiện nay, các tổ chức uy tín này của Công giáo vẫn chưa được công nhận về mặt pháp lý trong các giao dịch dân sự….” Dĩ nhiên các tôn giáo và tổ chức tôn giáo khác cũng cùng số phận. Mọi giáo hội tân lập thay vì chỉ khai báo, đều phải làm đơn xin nhà cầm quyền cấp giấy phép hoạt động. CS tiếp tục chen vào việc huấn luyện, tấn phong, bổ nhiệm, thuyên chuyển các chức sắc, tức là kiểm soát chương trình đào tạo và truyền học môn chính trị do người của đảng dạy, buộc phải được sự thừa nhận của chính quyền địa phương hay trung ương mới có thể trở thành linh mục, thượng tọa, giám mục, hòa thượng… và mới có thể đi đến nhiệm sở. CS tiếp tục hạn chế sự đóng góp vào giáo dục của các Giáo hội (chỉ cho mở trường mẫu giáo), cấm cản sự truyền bá giáo lý cách công khai (không cho sở hữu nhà xuất bản, đài phát thanh, đài truyền hình, tạp chí tôn giáo; không cho các phương tiện thông tin đại chúng phát các chương trình của các Giáo hội; thậm chí còn dựng tường lửa trước nhiều trang mạng tôn giáo). CS tiếp tục triệt tiêu quyền sở hữu đất đai của các tôn giáo và cấm cản việc trực tiếp tặng dữ đất đai cho các tập thể này. CS tiếp tục kiểm soát mối quan hệ của các Giáo hội với thẩm quyền đồng đạo ở nước ngoài…. Điển hình là vụ việc Ban Tôn giáo nhà nước đứng ra tổ chức đại lễ Vesak của Phật giáo quốc tế năm 2008, vụ việc Tòa thánh đã hơn 16 lần gởi phái đoàn đến VN thương lượng với nhà cầm quyền về việc tấn phong và bổ nhiệm Giám mục…

Thành ra, việc ông Nguyễn Minh Triết đến Vatican, gọi là để tiến hành thiết lập bang giao với Tòa Thánh, chỉ hoàn toàn vì mục tiêu riêng, ích lợi riêng của đảng CS. Mục tiêu đó, trước hết là tranh thủ sự ủng hộ của thế lực tinh thần bậc nhất hoàn vũ này, trước nguy cơ uy tín của đảng ngày càng mất trước quốc dân và quốc tế, do đường lối quản lý kinh tế và điều hành xã hội vừa ngu dốt, vừa gian dối, vừa tàn bạo, do thái độ bất tuân các cam kết với thế giới và khiếp nhược trước lân bang. Thứ đến là mưu dùng quyền lực Tòa thánh để khống chế Giáo hội Công giáo VN mà ngày càng tỏ ra là một lực lượng có thể gây nguy hiểm cho chế độ, vì đó là một cộng đồng có tổ chức, có uy tín, có kỷ luật, có lý tưởng và có một sức mạnh tập thể tiềm tàng.

Do đó, bao lâu mà tại Việt Nam vẫn còn một chế độ độc tài, độc đảng kiểu Cộng sản thì mối bang giao với Vatican đều vô ích và vô nghĩa, chẳng mang lại lợi ích gì cho các tín đồ Công giáo nói riêng và cho toàn dân lẫn đất nước Việt nói chung.

Ban Biên Tập (số 89, ngày 15-12-2009)
-Nhấn vào Link này để "download" (save as) Bán nguyệt san TDNL ở dạng (format): .pdf, sẽ chậm (xin kiên nhẫn!), nếu bạn không sử dụng đường dây cao tốc Internet DSL, nhưng toàn bộ mỗi số báo 32 trang sẽ giữ dạng nguyên thủy, như là 1 file duy nhất: http://www.tdngonluan.com/pdf/TuDoNgonLuan_So89_15December2009.pdf
....................................................................................................

Chân    thành    cảm    tạ    qúy    vị    ghé    thăm    trang    nhà    website    Tự    Do    Thông    Tin    Ngôn    Luận    cho    toàn    dân    Việt Nam

Copyright © 2006 www.tdngonluan.com/Email: witness2005@gmail.com/Webmaster: legraphic@yahoo.com - All rights reserved.