“Mọi
người có quyền tự do ngôn luận; quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp
nhận và phổ biến mọi loại tin tức và ý kiến, không phân biệt ranh giới,
bằng truyền miệng, bản viết hoặc bản in, bằng hình thức nghệ thuật,
hoặc thông qua bất cứ phương tiện truyền thông đại chúng khác theo sự
lựa chọn của mình”
(Điều
19,2 Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Liên Hiệp Quốc
biểu quyết năm 1966, Việt Nam xin tham gia năm 1982).
(Everyone
shall have the right to freedom of expression; this right shall include
freedom to seek, receive and impart information and ideas of all kinds,
regardless of frontiers, either orally, in writing or in print, in the
form of art, or through any other media of his choice.)
|
D I Ễ N Đ À N
Một Công Ðoàn Ðộc lập Việt Nam đã tuyên bố thành lập tại Hà Nội vào Thứ Sáu tuần trước. Công đoàn nêu mục đích “Bảo vệ các quyền lợi vật chất và tinh thần của giai cấp công nhân và người lao động Việt Nam.” Ba người đứng tên đại diện của công đoàn, các ông Nguyễn Khắc Toàn, Lê Trí Tuệ và Cao Văn Nhâm đã kêu gọi giới lao động Việt Nam tham gia, và yêu cầu các tổ chức lao động quốc tế công nhận và yểm trợ. Một cuộc hành trình mới bắt đầu cho người lao động ở nước ta. Ba người trong ban đại diện và 12 ủy viên lâm thời đã trình diện trước công luận, từ nay guồng máy công an bảo vệ chế độ sẽ dùng phương cách đối phó quen thuộc đối với các tổ chức độc lập nằm ngoài quyền kiểm soát của đảng, tức là đàn áp tàn bạo. Như họ đã tìm cách chèn ép, triệt hạ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất từ 30 năm qua. Chỉ vì quý vị tăng ni không chịu để cho quyền lực chính trị chen tôn giáo. Cho tới nay, Giáo Hội Phật Giáo Thống Nhất sở dĩ vẫn kiên cường, tiếp tục đòi phục hồi quyền sinh hoạt tự do, đó là nhờ chung quanh giáo hội luôn luôn có các Phật tử. Cũng vậy, sức tranh đấu của Công Ðoàn Ðộc Lập Việt Nam sẽ mạnh mẽ và bền bỉ hay không, điều này tùy thuộc vào khả năng thuyết phục và thu hút giới lao động trong nước của những người lãnh đạo công đoàn, những người đang can đảm xung phong đứng đầu sóng ngọn gió. Chúng tôi tin rằng 15 người đứng tên thành lập công đoàn đã tính toán trước các nước cờ và sẵn sàng chống đỡ các đòn đánh phá của đảng Cộng Sản. Và, trước khi ra mặt công khai, chắc họ đã dự trù các kế hoạch gây dựng cơ sở để góp gió thành bão. Khi nào chúng ta thấy những nhóm công nhân ở một nhà máy, một công trường, hay một nông trại, tự động đứng lên đòi hỏi các quyền lợi cụ thể cho người lao động; khi nào thấy những nhóm công nhân tự tập họp trong một phong trào bộc phát rồi tìm đến liên kết với nhau, lúc đó chúng ta biết gió đang chuyển thành bão. Nếu ngay bây giờ đảng Cộng Sản muốn tỏ ra họ đủ tự tin và đủ can đảm thì họ hãy tôn trọng quyền hoạt động tự do của Công Ðoàn Ðộc Lập. Hãy để cho các công đoàn độc lập có dịp thi thố, tranh đua với Tổng Công Ðoàn độc quyền của đảng, xem ai thực sự đem lại lợi ích cho các người lao động. Nếu Công Ðoàn Ðộc Lập Việt Nam bị đàn áp, hành động đó sẽ lật mặt nạ giả dối của đảng Cộng Sản. Tất cả mọi người sẽ có thấy rõ đảng Cộng Sản Việt Nam chỉ là một tổ chức cường quyền đàn áp công nhân để bảo vệ quyền lợi của giới chủ nhân tư bản cấu kết với đảng. Nhận rõ sự thật đó để chấm dứt bộ mặt giả dối làm sa đọa cả xã hội từ bao nhiêu năm nay. Các chế độ cộng sản đều dựa trên một sự đồng thuận, là tất cả mọi người cùng sống giả dối để được yên thân. Ðó là nguyên nhân gây nên cảnh suy đồi đạo lý. Trên báo Tiền Phong điện tử tháng trước, một nhà văn đã gợi lại hình ảnh tiêu biểu của một xã hội giả dối như vậy: “Ai cũng có việc làm nhưng không ai làm việc. Không ai làm việc nhưng ai cũng lãnh lương. Ai cũng có lương nhưng không ai đủ sống. Không ai đủ sống nhưng ai cũng vẫn sống được.” Làm sao vẫn sống được? Tất cả mọi người nhắm mắt chấp nhận ăn cắp là một hành vi bình thường. Ðối với các quan chức cán bộ thì ăn cắp là một quyền lợi đương nhiên được hưởng, vì đảng đã tạo nên một “nền văn hóa phong bì,” như ông Văn Chính gọi tên. Khi mọi người đồng thuận sống giả dối với nhau, chế độ sẽ vững bền mãi mãi. Nhưng hoàn cảnh nước Việt Nam bây giờ đã thay đổi. Vì các nhà tư bản ngoại quốc đã được mời tới khai thác “sức lao động rẻ mạt” của công nhân Việt Nam. Các quan chức cộng sản và họ hàng, con cháu, bạn bè của họ thì tự biến mình thành các nhà tư bản nội địa. Vì tham gia việc “bóc lột giá trị thặng dư” có lời hơn ăn cắp thuần túy gấp bội. Trong nước ta bây giờ có hai hệ thống xí nghiệp. Trong hệ thống quốc doanh thì đảng Cộng Sản vẫn nắm toàn quyền, vừa đóng vai chủ nhân vừa lãnh đạo công đoàn. Nhưng hầu hết các doanh nghiệp đó đều oặt oẹo, không đủ sức cạnh tranh nếu mai mốt được vào Tổ Chức Thương Mại Thế Giới. Các xí nghiệp tư làm việc theo lối tư bản đã phát triển nhanh chóng, vì phong cách làm việc có hiệu quả kinh tế cao hơn lối làm ăn kiểu quốc doanh. Họ đóng góp hơn phân nửa sức sản xuất trong nước và nay mai sẵn sàng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Nhưng sự có mặt của nền kinh tế tư bản còn gây ra những hậu quả khác, bất lợi cho giới công nhân. Như lá thư ra mắt của Công Ðoàn Ðộc Lập Việt Nam viết, chính sự có mặt của lực lượng tư bản ngoại quốc và tư bản nội địa này đã thay đổi hoàn toàn tương quan giữa giới lao động với giới chủ nhân và đảng Cộng Sản ở nước ta. Khi còn dùng hệ thống quốc doanh độc quyền, đảng Cộng Sản là chủ nhân cắt cử các quản đốc xí nghiệp; nhưng đảng vẫn toàn quyền sai khiến các lãnh tụ công đoàn. Không ai dám đặt câu hỏi nào về cảnh mâu thuẫn và giả dối đó. Sự có mặt của giới tư bản tư nhân đã khiến hệ thống cũ mất thế cân bằng, hậu quả là phải gây ra khủng hoảng. Tỷ trọng của “kinh tế tư bản” trong nền kinh tế Việt Nam ngày càng lên cao, kinh tế quốc doanh xuống dốc. Giới chủ nhân trong phần kinh tế tư bản cư xử theo đúng cung cách của các nhà tư bản khắp thế giới. Mục tiêu của họ là tối đa hóa doanh lợi. Trong các nước tư bản tiến bộ nhờ chế độ dân chủ tự do thì mục tiêu tối đa hóa doanh lợi là đương nhiên, không ai coi là phi lý. Vì pháp luật trong các xã hội dân chủ tự do bảo đảm tất cả mọi người có quyền lo cho quyền lợi riêng của chính mình. Nhưng pháp luật dân chủ cũng hạn chế quyền của giới tư bản, để bảo vệ đức công bằng, không cho người mạnh dùng lợi thế bắt nạt kẻ yếu. Một trong các biện pháp bảo vệ đức công bằng trong xã hội tư bản là luật pháp công nhận mọi người lao động có quyền thành lập công đoàn của chính họ, cho chính họ, đối lập với quyền lợi giới chủ nhân, độc lập với quyền lực chính trị. Mọi người lao động có quyền tranh đấu, quyền đình công của họ được luật pháp bảo đảm. Ở Việt Nam hiện nay không có, chưa có những luật lệ tiến bộ đó. Ðảng Cộng Sản đã thực hiện 20 năm đổi mới, đã thay đổi hệ thống kinh tế, công nhận quyền sở hữu xí nghiệp tư, tôn trọng quyền kinh doanh của các chủ nhân. Trái lại, họ chưa hề thay đổi hệ thống pháp luật để bảo đảm quyền lợi của người lao động. Các nhà tư bản quốc tế có thể bắt buộc đảng Cộng Sản bãi bỏ các độc quyền kinh doanh nếu các chủ nhân thấy họ bị thiệt thòi. Nhưng đảng Cộng Sản vẫn giữ tất cả những thứ độc quyền khác, nếu giới tư bản nước ngoài chấp thuận. Trong đó, có độc quyền lập công đoàn của đảng. Ðối với các vị chủ nhân tư bản thì quyền tự do lập công đoàn của giới lao động càng bị hạn chế càng có lợi cho các người bỏ vốn. Tổ chức duy nhất được đảng Cộng Sản công nhận vẫn chỉ là Tổng Liên Ðoàn Lao Ðộng Việt Nam, hoàn toàn do đảng kiểm soát. Công nhân các xí nghiệp không có một tiếng nói độc lập nào cả. Các quan chức cộng sản được giới tư bản chìu đãi và mua chuộc, hoặc chính họ đóng vai tư bản bỏ vốn đầu tư, làm sao họ đại diện cho người lao động Việt Nam được? Trong cảnh trống vắng, thiếu tiếng nói đích thực đại diện cho quyền lợi giới công nhân, các nhà tư bản nội địa và ngoại quốc càng thêm cơ hội “tối đa hóa doanh lợi.” Nhưng giới công nhân thì không có vũ khí nào để tự bảo vệ. Tình trạng mất cân bằng này đã tạo cơ hội cho giới tư bản làm giàu. Như bản tuyên bố của Công Ðoàn Ðộc Lập Việt Nam nêu lên, người lao động Việt Nam “thường xuyên bị chủ ức hiếp, dọa sa thải, thậm chí đánh đập, làm nhục mà không có ai bênh vực, bảo vệ.” Mặt khác, tiền lương của công nhân thì thấp mà những lúc đau ốm không được săn sóc, có khi vẫn phải làm việc vì sợ bị chủ đuổi việc. Tổng Liên Ðoàn Lao Ðộng của đảng Cộng Sản hoàn toàn bất lực trong việc bênh vực công nhân các xí nghiệp tư. Vì công đoàn của đảng phải làm theo chính sách của đảng. Mà đảng thì đang tìm mọi cách chìu đãi tư bản ngoại quốc để kiếm đô la; đồng thời giúp các đảng viên cao cấp “tích lũy tư bản” để chuẩn bị cho ngày đảng bị mất quyền hành. Công Ðoàn Ðộc Lập Việt Nam ra đời vạch rõ tình trạng đảng Cộng Sản đeo hai mặt nạ, bên ngoài mạo danh đại biểu công nhân, bên trong phục vụ giới chủ nhân. Tình trạng man trá, giả dối đó phải chấm dứt. Ðồng thời, đây là một dịp để đồng bào ta trong nước thấy rằng quyền tự do hội họp và tự do lập hội là một quyền căn bản không thể thiếu được. Cả Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất lẫn Công Ðoàn Ðộc Lập Việt Nam đều nhắm vào một mục tiêu: Thực hiện quyền tự do hội họp, tự do lập hội. Ðó là những quyền được ghi rõ trong các bản hiến pháp nước ta, ở miền Nam cũng như miền Bắc, kể từ năm 1946 đến nay. Nhưng quyền đó không bao giờ được đảng Cộng Sản Việt Nam tôn trọng. Ðây là lúc phải chấm dứt thái độ giả trá đó. Người Việt Nam không chấp nhận bị những kẻ đeo hai mặt nạ ghìm dân tộc mình trong cảnh chậm tiến mãi mãi. Ngô
Nhân Dụng (10.24.2006) www.TDNgonLuan.com hoan nghênh ý kiến đóng góp của qúy vị độc giả. Xin email về: tdngonluan@yahoo.com hay type vào hộp Ý Kiến/Comment Box ở dưới đây và nhấn vào nút "Submit" để gởi đi. Trân trọng: |