“Mọi
người có quyền tự do ngôn luận; quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp
nhận và phổ biến mọi loại tin tức và ý kiến, không phân biệt ranh giới,
bằng truyền miệng, bản viết hoặc bản in, bằng hình thức nghệ thuật,
hoặc thông qua bất cứ phương tiện truyền thông đại chúng khác theo sự
lựa chọn của mình”
(Điều
19,2 Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Liên Hiệp Quốc
biểu quyết năm 1966, Việt Nam xin tham gia năm 1982).
(Everyone
shall have the right to freedom of expression; this right shall include
freedom to seek, receive and impart information and ideas of all kinds,
regardless of frontiers, either orally, in writing or in print, in the
form of art, or through any other media of his choice.)
|
D I Ễ N Đ À N Chính
trị hóa một Đại lễ Tôn giáo
!! Các chế độ độc tài từng xuất hiện trên thế giới như quốc xã Đức, phát xít Ý, quân phiệt Miến, Nhật… thường chỉ thi thố quyền lực độc tôn trên phương diện kinh tế và chính trị. Riêng chế độ độc tài Cộng sản có cái đặc biệt là toàn trị, nghĩa là muốn thống trị con người và xã hội trên toàn thể mọi phương diện, kể cả phương diện văn hóa và tinh thần. Đây là một chế độ, ngoài việc định hình lại cơ cấu kinh tế và chính trị của một quốc gia, còn muốn định hình lại chiều hướng văn hóa và tinh thần của toàn xã hội. Bởi lẽ cái học thuyết làm linh hồn cho nó vừa mang tính chính trị (cộng đảng độc tôn), vừa mang tính kinh tế (nhà nước sở hữu), lại vừa mang tính triết lý (vô thần duy vật). Lênin, thiên tài tội ác bậc thầy, đã thấy rõ đảng CS cần phải nắm trong tay không những quốc hội, pháp viện, chính phủ, công an, quân đội, truyền thông (điều này dễ dàng một khi đảng đã thâu tóm quyền lực), mà còn phải khống chế cho được các lực lượng làm nên văn hóa và tinh thần của xã hội là giới trí thức và giới tu sĩ, có thế mới giữ được quyền lực lâu dài. Ban đầu, CS đã đàn áp dã man giới trí thức (chiến dịch Trăm hoa đua nở bên Trung Quốc và vụ án Nhân văn Giai phẩm tại VN là những ví dụ), và tiêu diệt giới tu sĩ của mọi tôn giáo (sách lược vô thần hóa trong mọi nước CS từ trước tới nay đã gây nên cái chết cho hàng triệu linh mục, mục sư, sư sãi…). Nhưng rồi, CS đã thấy hai giới làm nên đầu óc, trái tim, tinh thần của xã hội ấy không thể nào đàn áp hay tiêu diệt nổi, bèn nghĩ ra một kế sách khác: công cụ hóa! Đối với giới trí thức thì lùa vào các Hội trí thức, Hội nhà văn, Hội nhà báo, Hội nghệ sĩ… Đối với giới tu sĩ thì lùa vào Mặt trận Tổ quốc, Ủy ban đoàn kết, hay cho đông đảo hơn nữa là lùa vào các giáo hội do Nhà nước thành lập bên cạnh các Giáo hội chính truyền mà liền đó bị đặt ra ngoài vòng pháp luật. Thành ra trong chế độ CS, chẳng có lực lượng nào mà không bị đảng CS dùng mọi cách công cụ hóa cho bằng được! Tại VN, hầu như ai cũng biết Giáo Hội Phật Giáo VN đã được nhà nước CS thành lập ngày 04-11-1981 từ đề án “Thống nhất Phật giáo” do ông Đỗ Trung Hiếu, một cán bộ cộng sản cao cấp thực hiện theo mệnh lệnh của Xuân Thủy, Nguyễn Văn Linh và Trần Quốc Hoàn. Chính nhân vật này, sau khi phản tỉnh, “hồi đầu thị ngạn”, đã thuật lại tất cả những âm mưu biến Giáo Hội Phật Giáo thành một công cụ cho đảng và nhà nước. Ông cho biết: “Nội dung đề án là biến hoàn toàn Phật Giáo VN thành một hội đoàn quần chúng. Còn thấp hơn hội đoàn, vì chỉ có tăng, ni, không có Phật tử; chỉ có tổ chức bên trên, không có tổ chức bên dưới, tên gọi là Giáo Hội Phật Giáo VN… Nội dung hoạt động là lo việc cúng bái chùa chiền, không có hoạt động gì liên quan tới quần chúng và xã hội… Cuộc thống nhất Phật Giáo lần này bên ngoài là do các hòa thượng gánh vác, nhưng bên trong bàn tay đảng CSVN xuyên suốt qúa trình thống nhất để nắm và biến tướng Phật giáo VN trở thành một tổ chức bù nhìn của đảng” (trích theo Võ Văn Ái, Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế, Paris). Đã từ lâu, Giáo hội Phật giáo công cụ quốc doanh này chẳng làm nên trò trống gì cho đạo pháp (y như mọi Giáo hội quốc doanh và Ủy ban Đoàn kết quốc doanh khác), chẳng che chắn nổi cho tên hộ pháp đồ tể đằng sau lưng mình đang bóp cổ đồng đạo của mình. Nhà cầm quyền CSVN vẫn nức tiếng là một trong 11 nhà nước đàn áp tôn giáo dữ dội nhất thế giới theo đánh giá của Ủy hội Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ hôm 02-05-2008 ở Washington. Uỷ hội cho biết tình trạng tự do tôn giáo ở Việt Nam năm qua vẫn tệ hại. Số tín đồ bị trù dập tuy có giảm nhưng các hành động sách nhiễu, bắt bớ, giam cầm, trừng phạt vẫn thường xuyên diễn ra, cho thấy nhà cầm quyền tiếp tục giới hạn tự do tôn giáo của dân chúng; và như thế VN đáng bị đặt vào lại danh sách “Các nước cần quan tâm đặc biệt - CPC” (theo bản tin RFA ngày 02-05-08). Để bộ mặt mình bớt lem luốc và bàn tay mình bớt vết máu, nhà cầm quyền CS năm nay đã đăng cai tổ chức đại lễ Vesak của Liên Hiệp quốc. Trang mạng Báo điện tử Đảng CSVN ngày 29-11-2007 đã giới thiệu việc này qua bài viết “Một minh chứng cho chính sách tự do tôn giáo ở Việt Nam”, với dòng mở đầu như sau: “Việc đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hiệp quốc 2008 tại Việt Nam thể hiện đường lối đối ngoại rộng mở, chính sách tôn giáo đúng đắn của Nhà nước Việt Nam, đề cao vị thế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, góp phần đấu tranh có hiệu quả với các thế lực thiếu thiện chí với Việt Nam lợi dụng vấn đề nhân quyền, tự do tôn giáo để chống phá sự nghiệp xây dựng đất nước”. Tức là đăng cai tổ chức đại lễ Vesak LHQ để chống lại bất cứ ai khác biệt chính kiến với đảng, ở cả VN lẫn nước ngoài. Điều phối đại lễ là ông Nguyễn Thế Doanh, Trưởng ban Tôn giáo nhà nước. Cầm đầu các tiểu ban Tuyên truyền, An ninh, Tài chánh, Hậu cần cũng là các cơ quan nhà nước. Đọc diễn văn bế mạc là Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng và khai mạc đại lễ là Nguyễn Minh Triết, chủ tịch nước! Toàn là nhà nước cả! Thật diễm phúc cho Giáo hội Phật giáo VN !?! Bài báo trên kết luận: “Trong xu thế hội nhập quốc tế, bối cảnh Việt Nam đã là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới, là Uỷ viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc làm cho vị thế Việt Nam ngày thêm vững mạnh. Đây là một duyên lành cho GHPGVN có cơ duyên giao lưu, trao đổi với các Giáo hội Phật giáo và Tăng già trên toàn thế giới, gắn kết tình thân hữu với bạn bè Phật giáo quốc tế…”. Tức là để xác định “công đức” của đảng CSVN trong tiến trình hội nhập với thế giới và giới thiệu Giáo hội Phật giáo quốc doanh với các Giáo hội Phật giáo và Tăng Già toàn cầu. Trên trang mạng Đàm Thoại Phật Giáo, thượng tọa Thích Nhật Từ (Tổng Thư ký Ủy ban Tổ chức) còn giải thích thêm về ý nghĩa việc tổ chức đại lễ Vesak như sau: “Đây là cơ hội quý báu nhất để thiết lập sự hiểu biết, cảm thông, hợp tác và tháo mở tất cả các gút kết giữa các GHPG của cộng đồng Việt kiều trên khắp thế giới đối với Chính phủ Việt Nam và GHPGVN” (www.damthoaiphatgiao.net/diendan/showthread.php?t=532). Tức là nhằm thu gom các GHPG “ngoài luồng” về nhập chung một mối dưới bảng hiệu Mặt trận Tổ quốc và cây gậy Chính Phủ VN. Bất kể những gút mắc về cuộc ám sát Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ, Hòa thượng Thích Thiện Minh. Bất kể những dàn dựng để phân hóa Phật giáo và Công giáo suốt nhiều thập kỷ, gần nhất là sự kiện đất đai của Tòa Khâm Sứ và Nhà thờ lớn Hà Nội. Bất kể việc quản chế ngặt nghèo hai vị lãnh đạo cao cấp nhất của Giáo hội PGVNTN là Đức Tăng thống Thích Huyền Quang và Viện trưởng Viện Hóa Đạo Thích Quảng Độ. Nghĩa là nhà nước CSVN muốn tổ chức đại lễ Vesak thật linh đình nhắm mục đích tuyên truyền trong khi vẫn tiếp tục đàn áp Phật giáo và các tôn giáo khác. Thành thử chẳng lạ gì mà Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch), ngày 08-05-2008, đã ra một thông cáo tố giác sự gian dối này. Bà Elaine Pearson, Phó Giám đốc Phân bộ Mỹ của Tổ chức đã tuyên bố: “Thật là một trò đùa khi Việt Nam tổ chức một đại lễ Phật Đản quốc tế trọng đại đang lúc quốc sách của họ vẫn là kiểm soát chính trị tất cả các tổ chức tôn giáo. Việt Nam vẫn tiếp tục nhốt tù, trấn áp các Phật tử, tu sĩ Phật giáo cũng như các tu sĩ và tín hữu các tôn giáo khác một cách có hệ thống”. Thành thử chẳng lạ gì mà Hòa thượng Quảng Độ, trong Thông bạch Phật Đản Phật lịch 2552 ngày 18-4-2008, đã viết: “Đối với ngày lễ Phật Đản Vesak năm 2008 của Liên Hiệp Quốc mà Nhà cầm quyền Cộng sản Hà Nội đăng cai tổ chức tại Hà Nội, chúng tôi nhận định rằng:… CSVN có thương gì các tôn giáo đâu ! Có thương gì Phật giáo đâu ? Lợi dụng được thì làm bàn đạp tiến thân và tồn tại; không lợi dụng được thì “đào”, thì “tróc”. Đó là bản chất cố hữu của CSVN… Hơn 30 năm qua, sau ngày cưỡng chiếm miền Nam, CSVN đã gây ra không biết bao nhiêu điêu linh thống khổ cho dân tộc. Cùng chung vận nạn với toàn dân, Giáo Hội PGVNTN cũng đã liên tục bị đàn áp, bức hiếp, hãm hại. Vậy mà nay Nhà cầm quyền CSVN lại bày trò đăng cai tổ chức lễ Phật đản Vesak 2008, chúng tôi không tin sự kiện này phát xuất từ cõi lòng chân thật của Cộng sản đối với Đức Phật, đối với Phật giáo, mà xuất phát từ động cơ chính trị, lợi dụng Phật đản để sơn phết bộ mặt yếu kém về tự do, dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo của CSVN trước đông đảo quan khách quốc tế đến tham dự Phật đản Vesak 2008 tại Hà nội… Từ suy nghĩ này, GHPGVNTN, trong hoàn cảnh đang bị CSVN truy quét, bức tử, sẽ không tham dự, cũng không cử đại biểu tham dự…” Có kẻ cho rằng dầu sao thì qua đó, người CS cũng chứng tỏ mình bắt đầu quan tâm đến tôn giáo rồi đấy! Bằng chứng là từ hơn cả thập niên nay, cán bộ đảng viên đua nhau đi viếng các đền thiêng miếu thánh, xì xụp cúng vái, hậu hĩ dâng lễ, thậm chí còn lập bàn thờ tại cơ quan hay gia đình. Thật ra đấy chỉ là một thứ tôn giáo duy vật và duy lợi, nhằm 3 mục đích chính: mong thăng quan tiến chức, thoát bàn tay luật pháp nếu tham nhũng, khỏi dính căn bệnh thế kỷ sau lúc chơi bời. Ý thức tôn giáo biến tướng này còn diễn ra thành chủ trương thần thánh hóa Hồ Chí Minh, tên đại gian đại ác, kẻ đã giết biết bao nhà tu hành và phá sập biết bao thánh thất, nhà thờ, chùa miễu, đặt ông ta lên bàn thờ cùng với các anh hùng dân tộc và các giáo tổ lập đạo. Đại Nam Quốc tự ở Bình Dương, nơi có tượng Đức Phật, Vua Hùng và Hồ Chí Minh trên điện thờ là một bằng chứng. Ngoài ra, đứng trước thứ tôn giáo quốc doanh, giáo hội nhà nước, chức sắc công cụ như nói trên, đứng trước sự kiện một đại lễ tôn giáo bị chính trị hóa như nói trên, hàng lãnh đạo các Giáo hội chính truyền lẽ ra cần phải có thái độ thận trọng, nếu không muốn nói là phải bất liên hệ. Thế nhưng, trong màn kịch khoác áo tôn giáo vĩ đại này, người ta vẫn thấy có Thư chúc mừng của một Giáo hội “bạn” với lời lẽ như sau: “Chúng tôi chung vui với Quý Vị vì năm nay đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc được tổ chức tại Việt Nam. Hi vọng qua đại lễ này tình đoàn kết giữa hai Giáo Hội càng thêm tốt đẹp để cùng nhau phục vụ hạnh phúc của đồng bào”. Phải chăng đây là do không biết, do ngộ nhận, hay “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”, “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”?? Ban Biên Tập (số 51, ngày 15-05-2008) |