Mọi người có quyền tự do ngôn luận; quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và phổ biến mọi loại tin tức và ý kiến, không phân biệt ranh giới, bằng truyền miệng, bản viết hoặc bản in, bằng hình thức nghệ thuật, hoặc thông qua bất cứ phương tiện truyền thông đại chúng khác theo sự lựa chọn của mình (Điều 19,2 Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Liên Hiệp Quốc biểu quyết năm 1966, Việt Nam xin tham gia năm 1982). (Everyone shall have the right to freedom of expression; this right shall include freedom to seek, receive and impart information and ideas of all kinds, regardless of frontiers, either orally, in writing or in print, in the form of art, or through any other media of his choice.)

Bảo Nghĩa vương Trần Bình Trọng (1259-1285) sống mãi trong tim hồng của Dân Việt nhờ câu nói bất khuất trung dũng: “Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”. Tập đoàn lãnh đạo CSVN hiện thời cũng sẽ sống mãi trong tim đen của Dân Việt qua câu nói: “Ta thà làm Thái thú đất Bắc còn hơn làm người bảo vệ nước Nam”.

Dĩ nhiên đám cầm quyền này (cụ thể là 15 thành viên trong Bộ Chính trị hiện thời) không thốt ra từng chữ câu trên nhưng đã và đang bày tỏ điều ấy qua từng hành động của họ. Khởi từ và bắt chước Hồ Chí Minh, học trò nhiều mặt của “Mao chủ tịch vĩ đại”, tập đoàn lãnh đạo CSVN từ trước tới nay chỉ có một sự nghiệp duy nhất: mở đường, mở biên giới, mở hải lộ cho Trung Cộng tiến xuống phía Nam, thôn tính đất Việt để mình được muôn đời làm Thái thú. Họ luôn câm họng trước những đòi hỏi ngang ngược của Kẻ thù truyền kiếp phương Bắc, kể từ đòi hỏi về hải phận 12 hải lý ngày 14-09-1958 (Công hàm bán nước), qua đòi hỏi về Ải Nam quan, thác Bản Giốc ngày 30-12-1999 (Hiệp định biên giới), đòi hỏi về 47% diện tích biển Đông ngày 25-12-2000 (Hiệp định vịnh Bắc bộ), đòi hỏi về khai thác bauxite ở Tây Nguyên ngày 03-12-2001 (Tuyên bố Việt-Trung) rồi ngày 01-11-2007 (Quyết định 167/QĐ-TTg), đến đòi hỏi về việc đánh cá ngày 16-05-2009.

Nói cho ngay, đôi khi cũng có vài lời phản kháng của phát ngôn viên bộ ngoại giao CSVN, nhưng đó chỉ là những ngôn từ hết sức yếu ớt, vô cùng chiếu lệ, chẳng kèm theo hành động gì trên thực địa và trước quốc tế cả. Ngày 8-1-2005, Trung Cộng bắn chết 9 ngư dân Thanh Hóa, thế nhưng Phan Văn Khải (thủ tướng CSVN) và Nguyễn Di Niên (ngoại trưởng) vẫn câm họng về vụ việc trước Cố Tú Liên (phó chủ tịch Quốc hội TQ) và Tề Kiến Quốc (đại sứ TQ tại Việt Nam), một chỉ nâng ly chúc mừng mối quan hệ 50 năm thần phục. Gần đây hơn, giữa lúc tàu vũ trang của Trung Cộng cấm cản, cướp bóc, phá hoại tàu đánh cá của Việt Nam, làm ngư trường sóng gió, ngư dân điêu đứng, ngư nghiệp lụn bại, thì ngày 25-05, bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Á-Âu lần thứ 9, Ngoại trưởng CSVN Phạm Gia Khiêm vẫn chỉ biết xun xoe trước Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì rằng “quan hệ hai nước thời gian vừa qua tiếp tục có những tiến triển quan trọng… quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung nhất định sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa”. (x. TTXVN 25-05-2009). Hôm sau, đến phiên Nông Đức Mạnh lại trâng tráo bày tỏ trước tên đại diện Thiên triều: “Đảng, Nhà nước và nhân dân VN luôn coi trọng việc phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện với TQ, vun đắp cho quan hệ đó ngày càng đơm hoa kết trái” (x. http://www.cpv.org.vn). Ngày 04-06, thay vì triệu Đại sứ Trung Quốc Tôn Quốc Tường tới Bộ Ngoại giao để trao công hàm phản đối, Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn lại nhục nhã lết đến trụ sở của tên đại diện này, van xin hắn đừng “tăng cường tàu tuần tra, bắt, phạt tàu cá Việt Nam… đừng cản trở công việc làm ăn bình thường của ngư dân Việt Nam trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam nữa” (x. TTXVN 06-06-09). Đến ngày 12-6, Nông Đức Mạnh lại tiếp Lý Nguyên Triều, Ủy viên Bộ Chính trị Trung Cộng với những lời lẽ của lũ bầy tôi khiếp nhược: “Chuyến thăm Việt Nam lần này của Đoàn thể hiện sự quan tâm và coi trọng của lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đối với việc thúc đẩy quan hệ giữa hai Đảng, hai nước, là biểu hiện sinh động của việc xây dựng quan hệ đối tác tác chiến lược toàn diện Việt-Trung; VN đánh giá cao việc hai nước hợp tác có hiệu quả ở tất cả các cấp, các ngành, các tổ chức nhân dân, đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung Quốc lên một tầm cao mới”. (x. TTXVN 13-06-2009). Cái gì đã khiến cho những tay lãnh đạo chóp bu này phải câm miệng trước quốc nhục và quốc họa nhãn tiền trên Biển Đông như vậy? Đến phiên Nguyễn Tấn Dũng lại câm miệng về chuyện bauxite trong kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 12 (20-05 đến 20-06) vì đã được Trung Cộng tống vào họng 150 triệu đôla từ tháng 10-2008 (theo Chân Trời Mới 17-06-2009)

Và như một mặc cảm bù trừ, càng câm miệng trước Đại Hán bao nhiêu, lãnh đạo Cộng sản Việt Nam càng bịt miệng người dân Việt Nam bấy nhiêu. Nạn nhân đầu tiên của họ chính là cái Quốc hội bù nhìn, nơi lẽ ra vang lên tiếng nói trung thực của nhân dân. Thế nhưng, 12 khóa Quốc hội lại chỉ là 12 đợt gia nô hoàn toàn câm nín để sống còn, ngậm miệng để ăn lương, chuyên giơ tay “nhất trí cao” để tỏ ra “phấn khởi lớn” trước đảng. Từ 1946 đến nay, cái Quốc hội khốn khổ và khốn nạn này đã im re trước Công hàm bán nước 1958, đã nhắm mắt ký bừa hai hiệp ước lãnh thổ (1999) và lãnh hải (2000), đã thản nhiên ra bừa vô số luật, nghị quyết, pháp lệnh chỉ có lợi cho đảng. Gần đây nhất, kết thúc phiên chất vấn ngày 13-06, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng -bất chấp sự phản kháng của toàn dân- đã thay mặt các đại biểu để lên tiếng (thực chất là câm lặng) trước đảng như sau: “Vấn đề thăm dò, khai thác và chế biến bôxít ở Tây nguyên là vấn đề rất lớn, nhạy cảm, được nhiều cử tri đại biểu quan tâm và tất cả các ý kiến đều đồng ý về chủ trương, chứng tỏ có sự đồng thuận lớn. Nhiều đại biểu đã góp ý cho dự án về nhiều mặt: kinh tế, môi trường, an ninh, công nghệ, bản sắc văn hóa dân tộc... Các ý kiến đều có tính xây dựng, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao… Quốc hội sẽ tiếp tục giám sát dự án này trên cơ sở của sự đồng thuận và ủng hộ, bảo đảm làm sao cùng Chính phủ, cùng với các cơ quan khác trong toàn hệ thống chính trị thúc đẩy thực hiện cho được chủ trương mang tính chiến lược rất quan trọng này" (x. Tuổi trẻ online 13-06).

Nạn nhân thứ hai bị buộc phải câm lặng là báo chí, vốn phải là tiếng nói của nhân dân, phản ảnh của công luận, cơ quan của sự thật. Thế nhưng, theo nhà văn Võ Thị Hảo (bài Ngày báo chí Việt Nam 21-6-2009 : một lễ cầu siêu...), “sau sự kiện nhà xuất bản Đà Nẵng và báo Du lịch bị tạm đình bản… thì diện mạo xã hội Việt Nam và làng báo Việt Nam, cho đến giữa năm 2009 này có “nhiều điều trông thấy mà đau đớn lòng…” Đó là sự “nhắm mắt”, sự “xuôi tay” của báo chí trước rất nhiều sự thật. Mà những sự thật đó mật thiết đến sự tồn tại và phát triển của đất nước và quyền tự do dân chủ của công dân… Báo chí -niềm hy vọng cuối cùng của công dân trong việc giám sát, sự minh bạch và công khai- đã ở vào tình thế nhiều khi buộc phải “nhắm mắt”, “xuôi tay”, nên lâu nay, mỗi ngày là một đại lễ hân hoan cho thế giới sâu mọt phá hoại nền kinh tế đất nước và phá hoại đạo đức xã hội… Cách thông tin của nhiều tờ báo hiện nay, đối với nhiều sự kiện quan trọng, được nhiều công dân hình dung thế này : Một tiếng búa gõ xuống, con gà được phép mổ một hạt thóc. Ngừng gõ, gà đừng mổ… Năm 2009 là năm báo chí Việt Nam, như nhiều người vẫn nói, “đành ngậm ngùi nhắm mắt xuôi tay”. Những người có lương tâm nghề nghiệp thì đành viết những bài “vô thưởng vô phạt”, làm công ăn lương. Những người không có lương tâm thì hả hê…”, nhất là nếu được bồi dưỡng kiểu 300K như sau cuộc họp báo của Công an về vụ Ls Lê Công Định!

Nạn nhân thứ ba chính là những người mà chức năng nghề nghiệp là lên tiếng cho công lý, tức các luật sư. Thế nhưng, thời gian gần đây, vụ sách nhiễu Luật sư Lê Trần Luật và các cộng sự vì “tội” biện hộ cho giáo dân Thái Hà và dự định biện hộ cho các nhà dân chủ Khối 8406 đang bị giam, vụ bác đơn của Luật sư Cù Huy Hà Vũ vì “mưu đồ” kiện thủ tướng CS ra tòa do đã làm trái luật bảo vệ môi trường, luật quốc phòng, luật di sản văn hóa, luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật khi ra quyết định 167/2007 về việc khai thác bauxite Tây Nguyên, đặc biệt nhất là vụ bắt Luật sư Lê Công Định vì “tội” có những hoạt động dân chủ như viết bài đề cao pháp trị đa nguyên, soạn Hiến pháp mới, biện hộ cho các nhà đối kháng, tham gia các chính đảng đấu tranh bất bạo động, và dự tính cùng với luật sư Lê Quốc Quân kiện Trung Quốc ra quốc tế vì đã cấm ngư dân Việt Nam đánh cá trên vùng biển của Việt Nam (ông bị bắt khẩn cấp một ngày sau chuyến viếng thăm của Lý Nguyên Triều), tất cả những vụ đó chứng tỏ đảng ra ra sức bình sinh bịt miệng các phát ngôn nhân của lẽ phải. Điều đáng xấu hổ là trong vụ này lại có sự “tung hứng theo đảng” của hai nhân vật nổi tiếng: Một là “giáo sư đại biểu” Nguyễn Lân Dũng vốn kết án Ls Định kiểu ngu trung: “Việc lập ra cả một Hiến pháp mới là chuyện hết sức phi lý. Đó là điều không ai có thể chấp nhận… Điều gì không phải thì nên phản biện, chứ không phải là thái độ kích động để lật đổ chính quyền. Điều đó là phạm pháp rõ ràng”. Hai là “luật sư đại biểu” Nguyễn Đăng Trừng, Chủ nhiệm Luật sư đoàn thành Hồ, vốn đã mau mắn đón ý ông chủ đảng mà ký quyết định xoá tên luật sư Định (từng làm phó cho ông ta) trong danh sách luật sư đoàn đang khi sự việc chưa ngã ngũ. Bị bịt miệng hay tự bịt miệng?

Dĩ nhiên cũng phải kể đến những nạn nhân thường xuyên, chính hiệu, được quan tâm đặc biệt, tức những công dân ngoài vòng bộ máy nhà nước mà đã và đang nhất định không chịu câm miệng và không để cho đảng dễ dàng bịt miệng trước bao sai lầm và tội ác của đảng, trước bao bất công và thống khổ của dân, trước bao nguy cơ và thảm họa của nước. Đó là các nhà đối kháng dân sự và đối kháng tôn giáo vốn đã và đang lên tiếng qua hình ảnh bị bịt miệng, qua sự im lặng trong nhà tù, qua tình trạng bị sách nhiễu quản chế, qua cảnh bị cướp bóc phương tiện, qua nỗ lực mở miệng, viết bài, tung chiến dịch lấy chữ ký, tập hợp quần chúng cách can đảm và đầy trí tuệ để bày tỏ thái độ…

Tuy nhiên, với tình thế hiện nay, chỉ lên tiếng khi đảng chưa đến bịt miệng và chưa kịp bịt miệng thôi không đủ. Cần phải mạnh mẽ và vĩnh viễn gạt bàn tay bịt miệng của cái thế lực gian trá và côn đồ đó. Ngoài việc lên tiếng cách cá nhân và tập thể, đã đến lúc nhân dân phải xuống đường, phải biểu tình, phải cất giọng long trời lở đất để làm im bặt mãi mãi tiếng nói độc quyền đã làm mưa làm gió trên đất Việt suốt mấy chục năm nay.

Ban Biên Tập (số 78, ngày 01-07-2009)
-Nhấn vào Link này để "download" (save as) Bán nguyệt san TDNL ở dạng (format): .pdf, sẽ chậm (xin kiên nhẫn!), nếu bạn không sử dụng đường dây cao tốc Internet DSL, nhưng toàn bộ mỗi số báo 32 trang sẽ giữ dạng nguyên thủy, như là 1 file duy nhất: http://www.tdngonluan.com/pdf/TuDoNgonLuan_So78_1July2009.pdf
....................................................................................................

Chân    thành    cảm    tạ    qúy    vị    ghé    thăm    trang    nhà    website    Tự    Do    Thông    Tin    Ngôn    Luận    cho    toàn    dân    Việt Nam

Copyright © 2006 www.tdngonluan.com/Email: witness2005@gmail.com/Webmaster: legraphic@yahoo.com - All rights reserved.