“Mọi
người có quyền tự do ngôn luận; quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp
nhận và phổ biến mọi loại tin tức và ý kiến, không phân biệt ranh giới,
bằng truyền miệng, bản viết hoặc bản in, bằng hình thức nghệ thuật,
hoặc thông qua bất cứ phương tiện truyền thông đại chúng khác theo sự
lựa chọn của mình”
(Điều
19,2 Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Liên Hiệp Quốc
biểu quyết năm 1966, Việt Nam xin tham gia năm 1982).
(Everyone
shall have the right to freedom of expression; this right shall include
freedom to seek, receive and impart information and ideas of all kinds,
regardless of frontiers, either orally, in writing or in print, in the
form of art, or through any other media of his choice.)
|
D I Ễ N Đ À N Bức
màn bauxite, Khi thủ tướng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, vào ngày 01-11-2007, ký quyết định số 167 cho phép các nhà thầu Trung Quốc khai thác quặng bauxite và sản xuất nhôm tại Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắc Nông), trong một dự án kéo dài từ 2007 đến 2015, nhiều nhân vật trong bộ máy cai trị của CSVN đã hết sức thắc mắc. Thắc mắc vì lẽ họ nghe biết ông ta trước đó không ủng hộ chuyện này. Ý tưởng của dự án có từ thời người tiền nhiệm Phan Văn Khải, nhưng Phan Văn Khải cũng đã chẳng thúc đẩy cho nó thực hiện. Cả hai vẫn nhớ lời cảnh báo của Khối COMECON (Khối Tương trợ kinh tế giữa các nước CS) vào thập niên 1980. Sau khảo sát đánh giá hiệu quả tổng hợp của các chuyên gia Liên Xô, Khối này đã khuyến nghị nhà cầm quyền CSVN chớ nên khai thác bauxite trên Tây Nguyên do những tác hại sinh thái lâu dài rất nghiêm trọng, không thể khắc phục được, chẳng những đối với cư dân địa phương mà còn với cả cư dân vùng đồng bằng Nam Trung Bộ. Thành ra khi ấy, CSVN đã quyết định không khai thác thứ quặng bẩn này, trái lại gìn giữ thảm rừng và phát triển cây công nghiệp (cao su, cà phê, chè...) trên Tây Nguyên. Vậy mà đùng một cái, Nguyễn Tấn Dũng đã xoay một góc 180 độ, khiến cho nhiều người ưu tư về đất nước đã nhảy vào cuộc để nghiên cứu cặn kẽ vấn đề. Gần một năm sau, qua báo cáo của tiến sỹ Nguyễn Thành Sơn “Những sai lầm chiến lược và những rủi ro hiện hữu trong việc phát triển các dự án bauxite trên Tây Nguyên của Việt Nam”, qua tham luận của nhà văn kiêm nhà văn hóa Nguyên Ngọc và nhiều tham luận khác tại hội thảo Gia Nghĩa - Đắc Nông ngày 22 và 23-10-2008, rồi qua Kiến nghị ngày 05-11-2008 của một số khoa học gia và nghiên cứu gia gửi lãnh đạo Đảng và Nhà nước CSVN đề nghị tạm dừng khai thác bauxite ở Tây Nguyên, người ta thấy rõ công luận đã lên tiếng cảnh báo về những hiểm họa có thể xảy đến cho vùng Tây Nguyên và cho cả nước. Thế nhưng, bất chấp những tiếng nói có uy tín trong lãnh vực khoa học, môi trường, văn hóa, xã hội… bất chấp tiếng nói đòi quyền sống của nhân dân, đặc biệt các Dân tộc thiểu số bản địa, trong cuộc họp báo đầu năm nay vào ngày 04-02-2009, thủ tướng CSVN vẫn tuyên bố rằng việc khai thác bauxite tại Tây Nguyên là “chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước”! Ông ta còn hứa hẹn rằng “chính phủ sẽ tổ chức một cuộc hội thảo về các phương án khai thác nguồn tài nguyên to lớn này một cách bền vững, hiệu quả, đảm bảo môi trường sinh thái…”. Thế rồi, các công việc nghiên cứu đề xuất của các cơ quan chức năng đã nhanh chóng được hoàn thành một cách sơ sài với đa số ý kiến đồng thuận. Chính phủ trình ngay dự án lên cho Bộ chính trị và nó được biểu quyết thông qua với đa số tuyệt đối. Ủy ban Thường vụ Quốc hội CS cũng cho ý kiến ủng hộ mà chẳng thông qua Quốc hội chút nào. Rồi những tay chân trong bộ máy cai trị lại phụ họa theo: Bộ trưởng Tài nguyên-Môi trường đã trả lời khi bị chất vấn: “Trước đây ta nhìn nhận tài nguyên bauxite không như hiện nay, ít quan tâm từ khai thác đến nhập khẩu. Gần đây do bauxite có giá trị cao nên các nước, nhất là doanh nghiệp trong nước mới quan tâm như vậy”. Lãnh đạo tỉnh Đắc Nông thì cho rằng nguy cơ môi trường trong các dự án bauxite là có thật nhưng không lớn lắm. Đổi lại, bauxite sẽ đem đến tăng trưởng kinh tế và việc làm cho người dân địa phương: "Mình không làm thì bauxite vẫn chỉ là đất thôi". Những kẻ hỗ trợ kế hoạch khai thác quặng này còn cho rằng nó sẽ giúp phát triển kinh tế trong khu vực và công tác khai thác sẽ sử dụng kỹ thuật hiện đại để giảm thiểu tối đa những hậu quả đối với môi sinh !?! Thế nhưng tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn, giám đốc Công ty Năng lượng Sông Hồng, thuộc Tập đoàn Công nghiệp than-khoáng sản Việt Nam (TKV) vốn là chủ đầu tư, đã cùng với Tiến sĩ Nguyễn Đông Hải và nhà văn Nguyên Ngọc, đã chứng minh qua bài viết “10 lý do đề nghị tạm dừng dự án bauxite Tây Nguyên” ngày 13-01-2009 rằng (1) việc triển khai các dự án bauxite là không cần thiết, (2) không làm tăng ngân sách địa phương, (3) không hề có hiệu quả kinh tế, (4) phải đầu tư xây dựng một hệ thống đường sắt và cảng biển lãng phí, (5) không an toàn về môi sinh, (6) không phù hợp với năng lực của Tập đoàn Công nghiệp than-khoáng sản Việt Nam, (7) không đảm bảo sinh kế cho các đồng bào dân tộc thiểu số bản địa, (8) không phát triển bền vững Tây Nguyên, (9) không mang tính công khai minh bạch, (10) không tuân thủ Luật khoáng sản và Luật bảo vệ môi trường. Tóm lại là việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên chẳng có lời mà chỉ có lỗ, lỗ lớn về mặt kinh tế, môi sinh, văn hóa, xã hội, chính trị cho toàn vùng và toàn nước.
Thế nhưng, qui hoạch khai thác bauxite ở Tây Nguyên mới được nhà cầm
quyền CSVN phê duyệt, luận chứng kinh tế kỹ thuật vẫn đang soạn thảo,
các nhà khoa học còn đang tranh luận nên hay không nên khai thác bauxite
ở đó, vậy mà công dân Trung Quốc, người cầm bản đồ, người mang cưa
máy, người cuốc, người xẻng đã sục sạo ở Tây Nguyên... “Chủ trương
lớn của đảng và nhà nước” mà “Quốc hội của dân” chưa được phép bàn
định thì Hoa dân đã xắn tay áo thực hiện nó rồi! Thư của tướng CS
Võ Nguyên Giáp ngày 05-01-2009 đã báo động: “Trong tháng 12-2008 đã
có hàng trăm công nhân Trung Quốc đến Tây Nguyên để bắt tay vào việc
khai thác bauxite. Mỗi công trường bauxite sẽ có tới hàng ngàn công
nhân như vậy”. Và nay thì họ đã đặt tổng hành dinh điều hành khai
thác bauxite ở Lâm Đồng. Cả một vùng trên 100 mẫu đã được san bằng
nằm giữa 3 khu vực: Thị trấn Lộc Thắng - xã Lộc Phú và xã B’Lá. Hai
xã này đều thuộc huyện Bảo Lâm. 500 người Trung Quốc gồm chuyên gia
và công nhân đang phục vụ mỏ và họ cho biết khi nhà máy đi vào hoạt
động sẽ có hơn 6000 con cháu Đại Hán làm việc tại đây. Các chuyên
gia Trung Quốc cư trú ngoài thị trấn Lộc Thắng, trong khu cao cấp
biệt lập nằm bên một hồ nước thơ mộng. Họ đi lại bằng xe biển số xanh
49B do tỉnh Lâm Đồng cung cấp. Còn công nhân Trung Quốc thì sống trong
những khu nhà tập thể mà người Việt chẳng được phép vào. Họ làm gì
trong đó thì chỉ có trời biết! Ban
Biên Tập (số 71, ngày 15-03-2009) |