Mọi người có quyền tự do ngôn luận; quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và phổ biến mọi loại tin tức và ý kiến, không phân biệt ranh giới, bằng truyền miệng, bản viết hoặc bản in, bằng hình thức nghệ thuật, hoặc thông qua bất cứ phương tiện truyền thông đại chúng khác theo sự lựa chọn của mình (Điều 19,2 Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Liên Hiệp Quốc biểu quyết năm 1966, Việt Nam xin tham gia năm 1982). (Everyone shall have the right to freedom of expression; this right shall include freedom to seek, receive and impart information and ideas of all kinds, regardless of frontiers, either orally, in writing or in print, in the form of art, or through any other media of his choice.)

D I Ễ N   Đ À N

 Biên thùy dậy sóng, rúng động
lòng Dân
!!!
Ban Biên Tập TDNL (15.12.2007 số 41) Tiếng Nói của người dân Việt Nam đòi Quyền Tự Do Thông Tin Ngôn Luận

1- Lịch sử mấy nghìn năm dân Việt chống Bắc thuộc, đánh giặc Tàu, ngăn chận ý đồ bành trướng của Đại Hán kể như chấm dứt vào cái ngày định mệnh và ô nhục ấy, hôm 14-09-1958, khi Hồ Chí Minh ra lệnh cho Phạm Văn Đồng, nhân danh “Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà” ký công hàm “ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4-9-1958, của Chính phủ nước Cộng hoà Nhân dân Trung hoa… về hải phận của Trung quốc…”. Đại lân bang này tuyên bố: “Bề rộng lãnh hải của nước CHNDTQ là 12 hải lý. Ðiều lệ này áp dụng cho toàn lãnh thổ nước CHNDTQ, bao gồm phần đất TQ trên đất liền và các hải đảo ngoài khơi, Ðài Loan và các đảo phụ cận, quần đảo Penghu, quần đảo Ðông Sa, quần đảo Tây Sa [tức Hoàng Sa], quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa [tức Trường Sa], và các đảo khác thuộc TQ”. Như kiểu bán trời không văn tự, Hồ Chí Minh và đảng CSVN đã dâng cho Trung Quốc hai quần đảo lúc đó vẫn thuộc Việt Nam Cộng hòa chiếu theo hiệp định Genève (vì nằm dưới vĩ tuyến 17) và thuộc về tổ quốc VN xét theo địa lý và lịch sử lâu đời.

Hành động bán nước này đã được dọn đường từ hai năm trước đó. Sau khi chính phủ VNCH công bố các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về mình theo pháp lý đầu năm 1956, thì vào tháng 6, thứ trưởng Ngoại giao VC Ung văn Khiêm (phải chăng gốc Tàu?) đã nói với Tham tán sứ quán TQ tại VN rằng “căn cứ dữ liệu của VN thì đảo Tây Sa và đảo Nam Sa là một phần thuộc TQ theo lịch sử”. Dựa vào câu nói ngu xuẩn này, cũng như dựa vào tâm lý khiếp nhược (ít nhất bên ngoài) của HCM vốn mù quáng tin tưởng Mao (“Ai thì có thể lầm sai chứ Mao chủ tịch không bao giờ sai lầm”), cuồng tín tôn sùng Mao (“Thờ Mao chủ tịch bất diệt”, thơ Tố Hữu), sợ hãi vâng phục Mao (không dám cứu bà Cát Hanh Long, ân nhân của đảng, khỏi án tử do cố vấn TQ về cải cách ruộng đất đưa ra), nhất là dựa vào thế yếu của VC đang cần mình hỗ trợ toàn diện để đánh cướp miền Nam, ông chủ TC đã ngang nhiên ra Lời tuyên bố ngày 4-9-1958 và lập tức đã được đầy tớ VC tối mặt chấp thuận. Thật là cơ hội ngàn năm một thuở cho “Bắc triều Đại hán”, không cần đánh đấm mà vẫn được “Nam man Nhược tiểu” quỳ dâng cả đôi tay (dù trên giấy tờ) hai quần đảo trù phú về tài nguyên và quan trọng về chiến lược.

Nhiều năm sau, ngày 2-12-1992, tội ác đối với tổ quốc này đã được Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm trâng tráo ngụy biện : “Lúc đó, theo Hiệp định Genève… các lãnh thổ từ vĩ tuyến 17 về phía nam, bao gồm cả hai quần đảo HS và TS là đặt dưới sự kiểm soát của chính quyền miền Nam. Hơn nữa, VN đã phải tập trung tất cả các lực lượng quân sự cho mục tiêu cao nhất để chống lại cuộc chiến tranh hung hãn của Mỹ, nhằm bảo vệ nền độc lập quốc gia. VN đã phải kêu gọi sự ủng hộ của bè bạn trên toàn thế giới. Đồng thời, tình hữu nghị Trung-Việt rất thân cận và hai nước tin tưởng lẫn nhau. Đối với VN, TQ đã là một sự ủng hộ rất vĩ đại và trợ giúp vô giá. Trong tinh thần đó và bắt nguồn từ những đòi hỏi nêu trên, tuyên bố của các nhà lãnh đạo của chúng tôi [ủng hộ TQ trong việc tuyên bố chủ quyền của họ trên HS-TS] là cần thiết vì nó trực tiếp phục vụ cho sự đấu tranh bảo vệ độc lập và tự do cho tổ quốc. Đặc biệt thêm nữa là cái tuyên bố đó đã nhắm vào sự đòi hỏi cần thiết lúc bấy giờ để ngăn ngừa bọn tư bản Mỹ dùng những hải đảo này để tấn công chúng tôi”.

Nhưng nói gì thì nói, kể từ ngày ô nhục ấy, tân tập đoàn Lê Chiêu Thống trượt dài trên con đường “bán sơn hà để mua tậu vũ khí, dâng đất nước hầu trả nợ chiến tranh”, nhất là mối nợ TQ về lương thực, trang thiết bị. TC cũng không dại gì mà chẳng lợi dụng việc đưa quân qua trấn giữ miền Bắc cho VC rảnh tay đánh chiếm miền Nam nửa đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, để chiếm ải Lê Hoa rồi ải Nam Quan (từng nổi danh là tử lộ của quân Tàu và là yếu huyệt của đất Việt) cùng nhiều phần đất khác nữa. Năm 1988 rồi năm 1992, TC lại mang quân xuống chiếm một số đảo của Trường Sa và đặt mốc chủ quyền trên đảo Đa Lạc. Năm 1992, Quốc Hội TC ban hành một đạo luật tuyên bố rằng vùng Đông hải của VN là lãnh hải của Trung Quốc, rằng các tàu quân sự và khoa học đi qua khu vực này phải xin phép, nếu không sẽ bị đánh chìm.

Tung hứng với quan thầy, Việt cộng đầu độc các thế hệ trẻ Việt Nam bằng cách viết trong các sách giáo khoa môn Ðịa lý do nhà nước in năm 1974, rằng các “hòn đảo từ quần đảo Nam Sa, Tây Sa, qua Hải Nam, Ðài Loan, là một bức trường thành bảo vệ Trung Quốc.” Hoặc bịt mắt nhân dân bằng cách im lặng khi TC tấn công hải quân VNCH năm 1974 tại HS, cấm phổ biến các công trình nghiên cứu về hai quần đảo này như cuốn “Hoàng Sa, Trường Sa với công pháp quốc tế” của soạn giả Nguyễn Quốc Thắng (trong nước). Ngoài ra, để tăng thêm quyền lực hầu mạnh tay bán nước, trong Hiến pháp 1980 rồi Hiến pháp 1992, đảng VC đã ngang nhiên đưa vào điều 4, công nhận đảng như là “lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội”. Thành thử chẳng lạ gì mà sau đó, Lê Khả Phiêu, Đỗ Mười, Trần Đức Lương và bộ chính trị đã thậm thụt ký với kẻ thù của đất nước (nhưng là chủ nhân của họ) Hiệp ước Việt Trung về lãnh thổ tháng 12-1999 và Hiệp ước Việt Trung về lãnh hải tháng 12-2000, mà chẳng cần bàn thảo với quốc dân, ngay cả với cái gọi là “Đại biểu nhân dân” (Quốc hội). Hai văn kiện này giúp cho Trung quốc ngoạm thêm của VN gần 1000 km2 đất liền và hơn 10.000 km2 biển cả, đổi lại ngai vàng của đảng được “Anh cả vĩ đại” hứa tận tình bảo vệ. Đến khi đưa ra Quốc hội tháng 6-2004, thì Hiệp ước Việt–Trung về Vịnh Bắc bộ và Nghị định thư về hợp tác đánh cá trong Vịnh này đã được lũ bù nhìn thông qua chớp nhoáng: 424 thuận, 1 chống và 8 không ý kiến. Mạc Đăng Dung, người từng quỳ gối xin hàng Đại Hán rồi dâng mấy động nhỏ vùng biên giới, nay hẳn phải quỳ gối bái tập đoàn CSVN làm Đại sư phụ! Quả là lũ tặc tử này đã chà đạp di huấn của vua Trần Nhân Tôn: “Các người chớ quên, chính nước lớn mới làm những điều bậy bạ, trái đạo. Vì rằng họ cho mình cái quyền nói một đường làm một nẻo. Cho nên cái họa lâu đời của ta là họa Trung Hoa. Chớ coi thường chuyện vụn vặt xảy ra trên biên ải. Các việc trên khiến ta nghĩ tới chuyện khác lớn hơn. Tức là họ không tôn trọng biên giới qui ước. Cứ luôn luôn đặt ra những cái cớ để tranh chấp. Không thôn tính được ta thì gậm nhấm ta. Họ gậm nhấm đất đai của ta, lâu dần họ sẽ biến giang san của ta từ cái tổ đại bàng thành cái tổ chim chích. Vậy nên các người phải nhớ lời ta dặn: "Một tấc đất của tiền nhân để lại, cũng không được để lọt vào tay kẻ khác". Ta cũng để lời nhắn nhủ đó như một lời di chúc cho con cháu muôn đời”.

Kể từ Hiệp ước và Nghị định tác hại đó, tai họa bắt đầu đổ xuống đầu dân Việt. Tháng 01-2005, hải quân TC xả súng bắn chết 9 ngư dân Thanh Hóa, làm bị thương 7 người và bắt đi 8 người. Tháng 4-2007, ngư dân Quảng Ngãi bị bắt và bị bắn đang khi hành nghề. Gần đây nhất, ngày 9-07-2007 TC lại bắn vào thuyền đánh cá của họ, khiến một ngư dân bị giết và nhiều người bị thương. TC còn đe dọa các công ty ngoại quốc khai thác dầu khí trong lãnh hải VN, phản đối công ty British Petroleum đặt ống dẫn khí đốt từ Côn Sơn vào đất liền và buộc BP từ bỏ dự án đã ký với VC dò tìm dầu hỏa tại một khu phía nam Trường Sa. Lãnh hải ngàn đời của VN trở thành một nơi bất an toàn. Trước những hành vi tác oai tác quái này, hải quân VC vẫn đứng trơ mắt ếch còn bộ chính trị đảng VC vẫn ngồi câm miệng hến, hay có phản đối thì yếu ớt, lấy lệ. Họ chẳng biết dựa vào sức mạnh và sự đoàn kết của nhân dân vốn là truyền thống tự bao đời. Chẳng biết là vì chẳng dám, chẳng dám là vì thấy rằng chưa bao giờ nhân dân thực sự trao quyền cho họ, và chưa bao giờ họ sử dụng quyền để phục vụ nhân dân.

2- Với việc TC tuyên bố thành lập thành phố Tam Sa thuộc tỉnh Hải Nam ngày 2-12-2007 vừa qua để quản trị một số quần đảo, trong đó có HS và TS, hai tiền đồn phía đông của Tổ quốc coi như bị mất hoàn toàn. VN ta sẽ hết đường tiến vào đại dương (vậy thì “Vươn ra biển lớn” cái nỗi gì?), sẽ hết nguồn thủy sản và khoáng sản cần để nuôi sống cả dân tộc. Chiếm được hai quần đảo này, TQ dễ dàng khống chế VN về mặt an ninh, quân sự: phi trường và đồn lính họ (đang xây trên đó) sẽ dễ dàng tấn công VN toàn diện từ Bắc chí Nam.

Vậy mà hôm 09-12 vừa qua, khi những con người VN yêu nước, đặc biệt trong đó có các bạn sinh viên hai miền Nam Bắc, bày tỏ sự phẫn nộ trước ngoại xâm TC ngang ngược, nói lên ý chí quyết bảo vệ biên thùy đang dậy sóng, lẽ ra đảng VC phải thấy đây là một cơ hội để sám hối trước nhân dân, thì ngược lại đã lộ ra bộ mặt đầy tớ khiếp nhược của TQ, nếu không muốn nói là nội gián thâm hiểm của lũ bá quyền, bằng cách sai đám ngu trung ngăn chận, hăm dọa đoàn biểu tình, giấu nhẹm mọi việc trên các phương tiện truyền thông đại chúng, thậm chí còn kết án họ là “bạo động”, “phá rối trị an”, “biểu tình không xin phép”, “bị bọn phản động xúi giục” v.v… Bày tỏ lòng yêu nước mà cũng phải xin phép nữa sao? Bọn phản động nào mà xúi giục giành lại đất tổ cơ chứ? Những hôm gần đây, đảng VC còn tung toàn lực từ Nam chí Bắc hòng ngăn chận cuộc biểu tình thứ hai sẽ tổ chức rầm rộ hơn ngày 16-12 và sẽ còn nhiều ngày khác nữa…

Nếu đảng CSVN không nhân cơ hội ngàn đời này để chuộc lại lỗi lầm bằng cách cùng với nhân dân phản đối quân xâm lược, đưa vụ việc ra tòa án quốc tế, vận động chính giới năm châu, tuyên bố bản công hàm tai hại năm1958 là vô giá trị, vì Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Phạm Văn Ðồng đã bán những thứ không thuộc quyền của mình… thì chỉ còn có một cách là nhân dân VN phải tự đứng lên để cứu nước, can đảm đương đầu với ngoại xâm, theo lời vị vua ái quốc là Duy Tân có lần nói tại Cửa Tùng, đối diện với Hoàng Sa quần đảo: “Tay nhớp lấy nước mà rửa. Nước nhớp thì phải rửa bằng máu!”. Nhưng trước hết, phải đem những tên bán nước mà đầu sỏ là Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, qua Lê Khả Phiêu, Trần Đức Lương, Đỗ Mười, đến Nông Đức Mạnh, Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Tấn Dũng ra trước công lý, xem như một hình thức tế cờ của dân tộc!

Chân    thành    cảm    tạ    qúy    vị    ghé    thăm    trang    nhà    website    Tự    Do    Thông    Tin    Ngôn    Luận    cho    toàn    dân    Việt Nam

Copyright © 2006 www.tdngonluan.com/Email: tdngonluan@yahoo.com/Webmaster: legraphic@yahoo.com - All rights reserved.